Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý quần thể di tích cố đô Huế

Tác giả bài viết: NGUYỄN QUANG HUY

TÓM TẮT

     Quần thể di tích Cố đô Huế – di sản văn hóa đầu tiên của nước ta được UNESCO vinh danh, là điểm hội tụ nhiều đặc trưng của di sản văn hóa Việt, cùng những sắc thái vùng miền riêng có. Trên cơ sở đánh giá khá toàn diện về thuận lợi, khó khăn và những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm bảo vệ, phát huy có hiệu quả giá trị di sản trong thời đại hội nhập ngày nay.

Từ khóa: di sản văn hóa; di tích; Cố đô Huế.

ABSTRACT

     Monument complex of the ancient capital of Hue – the first cultural heritage of our country endorsed by UNESCO, is a unique convergence of many cultural heritage of Vietnam, with the nuances of individual regions. Based on a comprehensive assessment of the advantages and disadvantages and the problems posed by the practice, the paper provides some solutions to protect and promote the effective value of heritage in an era of
integration nowadays.

Key words: Cultural heritage, Heritage site, Imperial city of Hue.

x
x x

     Tổng thể quần thể di tích Cố đô Huế hiện nay là đỉnh cao của sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên, là bức tranh rõ nét về chân dung kinh đô xưa của Việt Nam, hội tụ những đặc trưng của bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời, chứa đựng những sắc thái văn hóa riêng của vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế. Ngày 11/12/1993, quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản văn hóa thế giớidi sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam được thế giới vinh danh. Có thể nói, việc UNESCO vinh danh quần thể di tích Cố đô Huế là di sản văn hóa thế giới đã đem lại một cơ hội lớn để Việt Nam và Thừa Thiên Huế mở rộng giao lưu văn hóa với các nước, chọn lọc, bổ sung những yếu tố thích hợp làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc trên con đường hội nhập và phát triển.

1. Thuận lợi, khó khăn và những vấn đề đặt ra cho công tác quản lý quần thể di tích Cố đô Huế hiện nay

     1.1. Những thuận lợi cơ bản

     – Công tác quản lý nhà nước:

     Công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Huế được thực hiện đồng bộ theo đúng chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ngoài sự quản lý trực tiếp được giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, với chức năng chính tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, còn có sự tham gia quản lý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, ban, ngành khác.

     + Ngày 13/05/2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 35/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 818/QĐ-TTg ngày 07/06/2010 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu tổng quát: bảo tồn di sản văn hóa Cố đô Huế; phát huy các giá trị quý giá của di sản văn hóa Cố đô Huế, bao gồm di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa môi trường cảnh quan đô thị và thiên nhiên trong việc giáo dục, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

     + Ngày 05/12/2012 Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 2295/QĐUBND Phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế đến năm 2020, với mục tiêu khai thác tốt các giá trị tại khu di sản Cố đô Huế.

     – Hợp tác trong nước và quốc tế:

     Nhiều năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nhiều mặt của quần thể di tích Cố đô Huế. Đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã hợp tác với hơn 25 tổ chức quốc tế, như UNESCO, Nhật Bản, Quỹ Toyota, Quỹ Japan Foundation, Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa… Thực hiện hàng chục dự án trùng tu, nghiên cứu bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực hết sức có ý nghĩa. Nổi bật trong đó là Dự án nghiên cứu kiến trúc truyền thống Huế và phục hồi điện Cần Chánh (phối hợp với Đại học Waseda) đã thực hiện được hơn 20 năm (1994 – 2016), với nguồn kinh phí được đầu tư ngày càng lớn và bước đầu đã đạt được kết quả tốt.

     Trung tâm cũng hợp tác với nhiều đơn vị, tổ chức trong nước để thực hiện các dự án quy hoạch, bảo tồn và đào tạo nhân lực, như Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Viện Sử học…

     Thông qua các hoạt động hợp tác dự án nói trên, nguồn nhân lực của Trung tâm đã được đào tạo, trau dồi kiến thức thường xuyên và không ngừng trưởng thành; nhiều đoàn cán bộ của Trung tâm đã được mời đi báo cáo khoa học, tham quan học tập kinh nghiệm và đào tạo ngắn hạn, dài hạn ở nước ngoài.

     1.2. Những khó khăn trước mắt

     Việc khai thác du lịch gắn với bảo tồn, phát triển di sản trong thời gian qua tại Cố đô Huế đã đạt được những kết quả khả quan, song, phần nào cũng làm ảnh hưởng đến di sản văn hóa. Cùng với quá trình đô thị hóa, sự gia tăng dân số cũng như lượng khách du lịch khiến di tích phải đối diện với nhiều nguy cơ và bộc lộ những quan ngại trong công tác bảo tồn. Bên cạnh những nguy cơ đe dọa đến sự mất còn của di sản từ thiên nhiên, thì còn xuất hiện nhiều nguy cơ từ con người.

     Khi được hỏi “những khó khăn, bất cập trong công tác bảo tồn di sản văn hóa thế giới Cố đô Huế hiện nay đang gặp phải là gì?” Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã cho biết:

     Thứ nhất, là về khía cạnh pháp lý. Quy định của Công ước quốc tế về bảo vệ di sản giữa vùng lõi và vùng đệm vừa chặt lại vừa thoáng. Tức là, nếu để bảo đảm di sản được bảo tồn một cách bền vững, thì phải làm quy hoạch tốt.

     Thứ hai, trùng tu di sản là lĩnh vực rất đặc thù, nó đòi hỏi lao động thủ công với kỹ thuật truyền thống, trình độ nghệ nhân tinh xảo. Trong khi quy định hiện nay về ngày công của nghệ nhân lại theo Luật xây dựng quy định là không phù hợp, nên không thu hút được nhân tài.

     Thứ ba, có thể tính đến, là nguồn nhân lực. Mặc dù trong những năm qua, Trung tâm đã xây dựng một đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn khá vững vàng. Tuy vậy, bảo tồn di sản là một công việc gắn liền với quá nhiều lĩnh vực khoa học, nên số lượng và chất lượng nhân lực hiện có vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc bảo tồn khi được đầu tư lớn hơn.

     Thứ tư, là thách thức từ sự cạnh tranh giữa các khu di sản trong khu vực. Hiện nay, miền Trung và Tây Nguyên tập trung nhiều di sản thế giới của Việt Nam (cả vật thể và phi vật thể). Mỗi khu di sản phải luôn vận động để khẳng định vai trò, vị thế của mình. Huế phải làm tốt nhất điều đó vì có 2 di sản đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh. Trên tầm rộng hơn, Huế và các khu di sản khác của Việt Nam phải sát cánh để cạnh tranh với các khu di sản của Đông Nam Á và Trung Quốc. Đó là những thách thức rất lớn.

     Thứ năm, quan trọng nhất và cũng là vấn đề muôn thuở là những thách thức và khó khăn đến từ việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Đối với Huế, đây là vấn đề lớn nhất trong bối cảnh hiện nay, vì Huế nếu tính luôn cả những thành tố thiên nhiên mang tính biểu tượng, thì vô cùng rộng lớn. Đây là bài toán lớn, nan giải và cũng là vấn đề mà Ủy ban Di sản thế giới đã nhiều lần khuyến cáo đối với di sản Huế.

     1.3. Những vấn đề đặt ra cho công tác quản lý quần thể di tích Cố đô Huế hiện nay

     – Vấn đề xây dựng nhà cửa của cư dân trong khu di sản

     Do công tác khoanh vùng bảo vệ các điểm di tích còn chưa kịp thời và dân số tăng nhanh, đã dẫn đến tình trạng, nhiều hộ dân lấn chiếm, xây dựng nhà ở trái phép ở một vài điểm di tích trong khu di sản; bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa nhận thức được đầy đủ về sự cần thiết phải bảo vệ, giữ gìn môi trường và bảo vệ di sản. Ngoài ra, chính quyền địa phương có di tích chưa kiên quyết xử lý triệt để những vi phạm pháp luật về di sản văn hoá, tạo tiền lệ cho những vi phạm tiếp theo. Khu vực vùng đệm hiện nay chưa được nghiên cứu một cách toàn diện về mức độ ảnh hưởng đến giá trị di sản và chưa ban hành được một Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, để quản lý hoạt động xây dựng nhà cửa của nhân dân sinh sống trong khu vực vùng đệm và vùng tiếp giáp di tích.

     Nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân rất cao, đặc biệt là sau những trận lũ lụt, việc sửa chữa, nâng cấp nhà cửa của các hộ dân trong khu vực kinh thành Huế trở thành vấn đề rất cấp thiết, như nâng nền nhà và xây nhà cao tầng để tránh lũ lụt, đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân. Tuy nhiên, sự gia tăng dân số cùng với việc xây dựng, phát triển của cơ sở hạ tầng đã gây sức ép đáng kể lên môi trường.

     Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những ngôi nhà “xây dựng trái phép” trong khu vực kinh thành hiện nay là do lịch sử để lại, trước khi có những quy định khoanh vùng bảo vệ. Nhiều gia đình sống ngay tại vùng lõi của di tích từ vài ba đời nay, do vậy, việc di dời dân cư ở một số vị trí ảnh hưởng đến giá trị di sản cần phải tiến hành đồng bộ với việc tái định cư và đảm bảo các quyền lợi và điều kiện sống tối thiểu cho dân cư tại nơi ở mới, đòi hỏi phải có quỹ đất và nguồn đầu tư rất lớn… Hiện nay, do hạn chế về nguồn ngân sách và khó khăn trong việc tìm quỹ đất để tái định cư nên công tác giải tỏa dân cư ra khỏi vùng di tích càng gặp nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng lớn đến các chính sách đầu tư phát triển của địa phương. Một ví dụ điển hình cho vấn đề này, là việc triển khai dự án tiêu thoát nước thải cho thành phố Huế. Vì những khó khăn trong vấn đề giải tỏa và tái định cư cho hơn 260 hộ dân sống trong khu vực I của Ngự hà và khoảng hơn 100 hộ dân lấn chiếm trên các hồ ao trong kinh thành, việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước cho phía bờ Bắc sông Hương phải chuyển qua giai đoạn II (sau năm 2015) chứ không thể thực hiện trong giai đoạn I (2010 – 2015).

     Tình trạng dân cư phát triển nhanh trong khu vực kinh thành cũng ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện các chính sách của thành phố, trong đó, có kế hoạch bảo tồn hệ thống nhà rường và nhà vườn bên trong kinh thành (với diện tích tối thiểu cho phép tách thửa là 200m2/thửa đất) để giữ vẻ đẹp cổ kính, hài hòa cho tổng thể khu vực này hầu như không thực hiện được; nhà rường đã mất đi rất nhanh và thay bằng nhà xây bê tông, nhà vườn bị xẻ nhỏ nên cũng mất đi sắc thái truyền thống.

     – Mất cổ vật tại các di tích

     Trong lịch sử, Huế từng là trung tâm hội tụ của cổ vật, báu vật của quốc gia, nhưng hiện nay, nhiều cổ vật trong số đó đã bị tản mát đi khắp nơi trên thế giới. Căn cứ vào các tư liệu lịch sử, có thể biết những đợt mất mát cổ vật lớn của Huế đã từng xảy ra không ít lần, tiêu biểu là vào các năm 1775, 1862, 1885, 1945, 1947, 1972. Sau năm 1975 đến nay, đặc biệt là trong thập niên 1980, tại thành phố Huế và vùng phụ cận, hàng loạt cổ vật quý ở các lăng mộ bị kẻ gian đào phá lấy cắp.

     Hiện nay, hệ thống cổ vật chủ yếu tập trung tại các bảo tàng do nhà nước trực tiếp quản lý, tiêu biểu là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế), Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế (có 2.200 hiện vật), Bảo tàng Văn hóa Huế (trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Huế). Bên cạnh đó, tại Huế còn có hàng chục bộ sưu tập tư nhân có giá trị cao.

     Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện quản lý hơn 11.500 hiện vật, trong đó có 8.800 hiện vật được bảo quản trong kho và trưng bày tại một số điểm (tả vu của điện Cần Chánh, Trai cung – thuộc đàn Nam Giao, Thiên Định cung – thuộc lăng vua Khải Định) và khoảng hơn 2.760 hiện vật được bảo quản, trưng bày tại các khu lăng tẩm và di tích khác.

     Vấn đề không gian trưng bày và sự đảm bảo an toàn cho các cổ vật là vấn đề đang đặt ra cấp thiết hiện nay, bởi ở Huế, không gian các di tích rất rộng, trải dài ở nhiều vùng khác nhau, lực lượng bảo vệ mỏng, hệ thống camera và các thiết bị an ninh chưa được lắp đặt đầy đủ nên việc bảo quản cổ vật còn gặp nhiều khó khăn.

     – Nạn chèo kéo, đeo bám du khách

     Có thể nói, trong nhiều năm trở lại đây, du lịch Thừa Thiên Huế đã có những bước phát triển đáng kể, cơ sở vật chất được đầu tư nâng cấp, môi trường du lịch không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, việc tổ chức quản lý các khu, điểm du lịch nói chung, nhất là việc duy trì đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường ở các địa điểm du lịch còn bất cập, trong đó có việc hệ thống bãi xe tại khu lăng tẩm chưa được đầu tư đúng mức, hệ thống nhà vệ sinh công cộng chưa đạt tiêu chuẩn quốc gia; hiện tượng hoạt động kinh doanh, dịch vụ còn thiếu kỷ cương, việc tranh giành mua, bán, ép giá, cò mồi, đeo bám, ăn xin, lừa đảo du khách… tại các điểm tham quan, du lịch vẫn còn tồn tại, gây bất bình cho du khách, ảnh hưởng đến môi trường du lịch. Chính vì vậy, thời gian qua, Ủy ban nhân dân Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều văn bản quy định việc đảm bảo trật tự, trị an, vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan du lịch.

     – Tình trạng quá tải khách du lịch tới tham quan các điểm di tích

     Sự có mặt của quá nhiều du khách ở một điểm di tích tạo ra các tác động hóa học và cơ khí học (khí cácbon điôxít từ hơi thở) cùng với các yếu tố khí hậu nhiệt đới, gây hư hỏng cho di tích và các vật thể khác, như: tranh, ảnh, các đồ trang trí và các dụng cụ (thiết bị) thờ cúng.

     Sự ô nhiễm từ bụi, dầu, gas, rác thải… cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng tới phong cảnh văn hóa và môi trường sinh thái của di sản và bản thân tự nhiên.

     Ở Huế, du khách đến tham quan, du lịch rải rác trong cả năm, nhưng tập trung đông nhất là vào các dịp lễ hội, như: Festival Huế – được tổ chức 2 năm một lần vào các năm chẵn, Lễ hội Nam Giao, Lễ tế Xã Tắc, Lễ hội điện Huệ Nam; dịp nghỉ Tết Âm lịch, các kỳ nghỉ lễ của đất nước, như Quốc tế lao động 1/5, Quốc khánh 2/9…). Có thể nói, Huế đang từng bước định vị hình ảnh điểm đến là “Thành phố lễ hội” của Việt Nam và mang tầm quốc tế. Chỉ tính riêng kỳ Festival Huế năm 2014 (từ ngày 12/4 – 20/4/2014), các điểm di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế đã đón khoảng 200.000 du khách tới tham quan, du lịch, trong đó có khoảng 100.000 khách quốc tế.

     Để phát triển ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, mà trọng tâm là thu hút khách tới tham quan di sản văn hóa thế giới – quần thể di tích Cố đô Huế theo hướng bền vững; phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, gìn giữ và bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và an toàn, các cấp, các ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ triển khai các biện pháp nhằm xử lý nghiêm những vấn đề nảy sinh như đã nêu trên.

2. Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Huế

     Xuất phát từ thực trạng và nhu cầu bảo vệ, phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Huế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong bối cảnh mới – thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở phân tích thực trạng quản lý di tích lịch sử – văn hóa trong thời gian qua; những hạn chế và khó khăn trong công tác quản lý nhà nước đối với quần thể di tích Cố đô Huế, chúng tôi đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý như sau:

     2.1. Giải pháp về cơ chế chính sách

     Việc nhà nước điều chỉnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt bằng những văn bản quy phạm pháp luật là điều rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn to lớn. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn thiếu và chồng chéo, chưa tính đến đầy đủ các yếu tố đặc thù của di tích, đặc biệt là di tích quốc gia đặc biệt. Quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng và đấu thầu gần như không có cơ chế ưu đãi mang tính đặc thù nào cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt mà chỉ có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn các công trình khác tại quy định pháp luật về xây dựng.

     Di tích quốc gia đặc biệt là tài sản vô giá của quốc gia, do đó, cần tiếp tục nghiên cứu và ban hành các quy định đặc biệt, nhằm quản lý, bảo tồn và phát huy được giá trị đặc biệt quan trọng của nó. Giải pháp đề xuất là trong các luật về đầu tư công, xây dựng, đấu thầu nên bổ sung thêm quy định cụ thể đối với việc trùng tu theo từng loại hình di tích. Trong khi các cơ quan Trung ương chưa ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới, tỉnh Thừa Thiên Huế trong chức năng, quyền hạn của mình có thể tiếp tục hoàn thiện và ban hành một số văn bản trong một số lĩnh vực sau:

     – Quy chế phối hợp giữa 04 cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh đang hoạt động quản lý trong lĩnh vực di sản văn hóa là: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Trung tâm Festival Huế, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch; phối hợp giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường,… và với chính quyền cấp huyện nơi có di tích nhằm phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm trong việc phối hợp quản lý.

     – Quy chế về việc xây dựng, sửa chữa nhà trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích Cố đô Huế.

     – Quy chế đặc thù trong việc tuyển dụng và sử dụng viên chức tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, nhằm thu hút được lực lượng có trình độ chuyên môn cao hay tay nghề cao vào làm việc tại các bộ phận chuyên môn của Trung tâm (có thể áp dụng cơ chế thành lập Hội đồng sát hạch trình độ tay nghề, trình độ am hiểu thay cho bằng cấp đối với các nghệ nhân, nhà nghiên cứu; quy chế trả lương chuyên gia thay cho lương viên chức đối với một số nhà nghiên cứu).

     – Quy chế về việc huy động, phân bổ vốn địa phương cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, kể cả nguồn thu từ bán vé, khai thác dịch vụ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

     – Ban hành bộ quy tắc về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế theo đúng chuẩn mực quốc gia cũng như quốc tế và triệt để áp dụng bộ quy tắc này trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế.

     2.2. Giải pháp về cơ cấu tổ chức và hoàn thiện bộ máy quản lý

     Hiện nay, mô hình tổ chức đơn vị quản lý di tích trên toàn quốc còn thiếu thống nhất (từ tên gọi, cấp quản lý, mô hình quản lý) và nhiều bất cập (sự phối hợp quản lý giữa các cơ quan liên quan). Vì vậy, ngày 27/8/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn 2946/BVHTTDL-DSVH yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiện toàn lại đơn vị quản lý di tích, theo đó, Bộ yêu cầu: “các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới, các địa phương cần nghiên cứu lộ trình nâng cấp bộ máy trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”. Tuy nhiên, vẫn không hướng dẫn chi tiết về tổ chức, tên gọi, chức năng và nhiệm vụ quyền hạn của đơn vị này. Do vậy, mặc dù Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế – phù hợp với định hướng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng vẫn còn một số bất cập cần kiện toàn để nâng cao năng lực, cũng như phù hợp quy định và thực tế thông qua một số giải pháp sau:

     – Mô hình quản lý của Trung tâm hiện nay được đánh giá là một trong những mô hình hoạt động có hiệu quả hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc quản lý, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, đòi hỏi Trung tâm phải thay đổi mô hình quản lý. Điều này đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 – 2020; Nghị quyết số 01- NQ/TU ngày 04/12/2015 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tại Hội nghị lần thứ hai, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2016.

     – Nghị định 16/2015/NĐ-CP ra đời với mục đích khuyến khích và buộc các đơn vị sự nghiệp công lập phải đổi mới, tự chủ trong hoạt động, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Trên cơ sở đó, Trung tâm có kế hoạch đổi mới mô hình hoạt động của một số phòng, ban, tiến tới tự chủ một phần hoặc tự chủ hoàn toàn về tài chính, nhân sự và thực hiện nhiệm vụ cụ thể là:

     + Chuyển đổi Trung tâm Phát triển Dịch vụ Di tích Huế theo hướng tự chủ toàn bộ, Nhà nước không bố trí biên chế và ngân sách; nâng cao chức năng nhiệm vụ để huy động một cách có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho hoạt động dịch vụ, tiến tới xã hội hóa hoàn toàn các hoạt động dịch vụ tại khu di sản Huế.

     + Kiện toàn hoạt động quản lý thu phí tham quan di tích Huế (thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2017).

     + Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với Ban Tư vấn Bảo tồn Di tích (thực hiện năm 2016).

     + Giao tự chủ tài chính một phần đối với Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế (thực hiện trong giai đoạn 2017 – 2018) và Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (thực hiện trong giai đoạn 2018 – 2020).

     + Chuyển đổi mô hình Phòng Cảnh quan Môi trường thành Trung tâm Bảo tồn Cảnh quan Môi trường Di tích Huế (thực hiện trong giai đoạn 2017 – 2018).

     + Chuyển đổi mô hình Phòng Hướng dẫn Thuyết minh thành Trung tâm Lữ hành- Thuyết minh hướng dẫn (thực hiện trong giai đoạn 2017 – 2018).

     + Thành lập mới Trung tâm Hóa nghiệm Bảo quản (thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2020).

     + Chuyển đổi mô hình hoạt động của Phòng Nghiên cứu Khoa học thành Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng (thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2020).

     + Cần cải tổ hoặc kiện toàn tổ chức bộ máy của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để Trung tâm này đảm nhận được thêm chức năng nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật liên quan đến hoạt động bảo tồn, trùng tu và bảo tàng theo các chuẩn mực quốc gia và quốc tế; tiến đến đồng thời tổ chức đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và tay nghề cao đáp ứng yêu cầu quản lý và bảo tồn, trùng tu di tích trong tỉnh cũng như khu vực.

     Để thực hiện Nghị quyết Đại hội, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện việc chuyển đổi mô hình hoạt động của một số phòng, ban, đơn vị nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Khi hội đủ các điều kiện về tổ chức bộ máy, mô hình hoạt động, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền nâng cấp Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thành Viện Bảo tồn Di sản Huế, là đơn vị chuyên sâu trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đây sẽ là mô hình Viện Bảo tồn di sản đa năng, bao gồm bảo tồn cả di sản vật thể, phi vật thể và cảnh quan văn hóa gắn liền với di sản; chức năng bao gồm cả nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn, không phải mô hình nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu lý thuyết.

     2.3. Giải pháp về bảo tồn, tu bổ và phục hồi di tích

     Quyết định 818/QĐ-TTg ngày 07/06/2010 là cơ sở để huy động các nguồn vốn phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 – 2020, từ đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1880/QĐ-TTg Ngày 12/12/2012 phê duyệt Chính sách hỗ trợ đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế từ năm 2013 đến 2020 với mức đầu tư 800 tỷ đồng. Quyết định ghi rõ, bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 2013 đến 2020 với tổng mức 800 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 100 tỷ đồng. Riêng năm 2013, do ngân sách khó khăn nên bố trí hỗ trợ 50 tỷ đồng; các năm sau tùy điều kiện ngân sách sẽ bố trí tăng thêm để đảm bảo tổng mức hỗ trợ như trên. Để công tác tu bổ, tôn tạo và phục hồi một cách hiệu quả các di tích trong hoàng thành và các nơi khác thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, cần thực hiện những nhiệm vụ sau:

     – Nghiên cứu lập hồ sơ bảo tồn, tu bổ và phục hồi tôn tạo các hạng mục trong Đại nội và các điểm di tích khác thuộc quần thể di tích Cố đô Huế.

    – Triển khai thực hiện theo thứ tự ưu tiên các công trình có đầy đủ cơ sở khoa học để tiến hành tu bổ phục hồi.

     – Đối với các công trình đã bị mất hoặc chỉ còn lại vết tích thì tiến hành thám sát khảo cổ học, lập hồ sơ di tích, bảo tồn nền móng và dựng bia biển để giới thiệu. Cụ thể là:

     + Phục hồi các điện trong Tử Cấm thành: điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, điện Kiến Trung…

     + Tu bổ kinh thành Huế với các hạng mục: tường thành, hộ thành hào, cầu, cống, pháo đài.

     + Tu bổ tôn tạo hoàn chỉnh hệ thống thủy đạo kinh thành, cảnh quan di tích và các khu vườn Ngự, cơ sở hạ tầng các lăng tẩm…

     + Tu bổ hoàn chỉnh di tích Cơ Mật viện (Tam tòa), lầu Tàng Thơ, cung An Định và Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế để có nơi trưng bày các sưu tập cổ vật, tạo sức hấp dẫn trong khu vực kinh thành và cho phép phân bổ số lượng khách tham quan trên phạm vi rộng hơn – yếu tố quan trọng trong một chiến lược quản lý du khách.

     + Tu bổ hoàn chỉnh di tích đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc và thực hiện trưng bày nội thất Trai cung thành bảo tàng về lễ tế Nam Giao, tạo thêm điểm tham quan cho du khách.

     + Tu bổ lăng các vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định, Dục Đức, Đồng Khánh và lăng các chúa Nguyễn.

     + Tu bổ và phát huy giá trị di tích Trấn Bình đài, Trấn Hải thành, điện Huệ Nam, Hải Vân quan…

     + Thám sát, khai quật khảo cổ, lập tư liệu bảo tồn nền móng và dựng bia, biển giới thiệu một số công trình ở các điểm di tích đã mất hoặc chỉ còn lại dấu vết.

     2.4. Giải pháp về giải tỏa, di dời các hộ dân sống trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích Cố đô Huế

     Nhằm giải quyết khó khăn đã nêu, tỉnh Thừa Thiên Huế cần có các giải pháp quyết liệt và cụ thể, phù hợp với khả năng của người dân. Một số giải pháp đề xuất có thể áp dụng là:

     – Công khai quy hoạch chi tiết khu vực cần giải tỏa và khu vực tái định cư; tạo mọi điều kiện cho người dân được nắm bắt và tiếp cận các thông tin về quy hoạch, chủ trương, chính sách của nhà nước, về phương án đền bù giải tỏa, tái định cư. Tổ chức các diễn đàn đối thoại để giải đáp mọi thắc mắc của người dân trực tiếp bị ảnh hưởng; phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tuyên truyền, giáo dục, vận động thuyết phục quần chúng nhân dân, khơi dậy lòng tự hào và trách nhiệm của công dân với công cuộc xây dựng quê, hương đất nước và sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.

     – Ưu tiên sử dụng vốn tạo lập quỹ đất, nhà phục vụ tái định cư và bố trí đủ vốn để thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư trong thời gian đầu của dự án. Đối với các khu vực giải tỏa thuộc 4 phường trong kinh thành, do quỹ đất tái định cư lân cận không có, nên xem xét xây dựng các khu chung cư tại khu quy hoạch Bắc Hương Sơ, khu Bãi Dâu, khu Bàu Vá; đồng thời, tỉnh xem xét mua một số căn hộ thu nhập thấp để bố trí tái định cư. Đối với khu vực giải tỏa thuộc các huyện, thị xã, nên bố trí đất tái định cư tại các lô đất xen/ghép do chính quyền quản lý trong các khu dân cư hiện hữu hoặc khu quy hoạch xây dựng mới lân cận. Riêng Bắc Hương Sơ là khu vực có thể tập trung bố trí tái định cư cho nhiều hộ dân, nên song song với việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ tái định cư, chính quyền cần sớm đầu tư phát triển các tiện ích công cộng kèm theo cho người dân, như: chợ, trường học, công viên, sân thể dục thể thao, nhà văn hóa để đảm bảo các điều kiện về môi trường sống và cơ sở hạ tầng tốt hơn nơi ở cũ. Chỉ đạo tổ chức triển khai, giám sát chặt chẽ chất lượng xây dựng các công trình phục vụ tái định cư.

     – Xây dựng cơ chế ưu đãi đặc biệt về giá và thủ tục hành chính đối với các hộ dân sống trong di tích khi bị giải tỏa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho áp dụng cơ chế đặc thù. Trong giai đoạn hiện nay, có thể áp dụng cơ chế mua nhà ở xã hội cho các hộ dân này, nhằm giảm giá nhà tái định cư (nhà nước không tính tiền sử dụng đất trong giá bán chung cư và hỗ trợ thuế, lãi vay để giảm giá thành căn hộ chung cư; người mua căn hộ được trả góp trong 10 – 15 năm). Đối với các hộ dân nhận đất tự xây nhà tái định cư, xem xét cho nợ tiền sử dụng đất 10 – 15 năm không tính lãi… Cơ chế này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Ủy ban nhân dân thành phố Huế áp dụng khá thành công khi định cư cho dân vạn đò thành phố Huế.

     – Vận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi nhất mà pháp luật cho phép để áp dụng cho người dân, như: tính toán đầy đủ các yếu tố lợi thế của khu đất bị giải tỏa để bồi thường, hỗ trợ; tất cả các hộ phụ có hộ khẩu đều được áp dụng chính sách như hộ chính khi bị giải tỏa; bố trí nơi học hành cho con em các hộ dân nơi tái định cư thuận lợi; giải quyết các thủ tục liên quan hộ khẩu nhanh chóng và không thu phí; kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tái định cư hỗ trợ tạo việc làm cho người dân.

     – Điều chỉnh giá bồi thường, hỗ trợ sát với giá thị trường nhằm hạn chế tối đa khiếu nại, khiếu kiện.

     – Tập trung giải quyết nhanh, công bằng, minh bạch các vụ khiếu nại, khiếu kiện của người dân (nếu có).

     2.5. Giải pháp về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Huế

     Bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Huế là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, xuyên suốt quá trình hoạt động của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Trung tâm đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ lâu dài cho công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế. Tuy nhiên, đây là một công việc rất phức tạp, thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều lĩnh vực khoa học: lịch sử, khảo cổ, kiến trúc, xây dựng, mỹ thuật, văn hóa… Vì vậy, việc đào tạo để có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tay nghề vững vàng là điều kiện tiên quyết, không thể thiếu trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích Huế. Nhằm đáp ứng được trình độ, chứng chỉ tay nghề theo yêu cầu tại Nghị định số 61/NĐ-CP ngày 01/7/2016, cũng như do yêu cầu của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, cần thực hiện các giải pháp sau:

     – Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc tiếp nhận các dự án tài trợ nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ bảo tồn và phát huy giá di tích, như: Đại học Waseda Nhật Bản, Quỹ Hỗ trợ quốc tế của UNESCO và các nước Pháp, Ba Lan, Đức.

     – Khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh tham gia các khóa bồi dưỡng đào tạo để nâng cao năng lực nhằm đủ điều kiện tham gia nhận thầu thi công công trình trùng tu di tích Cố đô Huế.

     – Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng nên phối hợp với một số đơn vị trên địa bàn: Đại học Mỹ thuật, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật mở một số lớp bồi dưỡng kiến thức về mỹ thuật Huế cho cán bộ quản lý, thi công trùng tu di tích nhằm có kiến thức nhất định về mỹ thuật công trình.

     – Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với một số đơn vị có chức năng, như Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Công ty Cổ phần Di tích Trung ương (đơn vị chuyên trùng tu di tích) hoặc các nghệ nhân nghề truyền thống (sơn ta, nề, mộc) mở các lớp đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho lực lượng công nhân trên địa bàn tỉnh.

     – Mời các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực du lịch dịch vụ về tư ấn, hướng dẫn, tham gia giảng dạy cho đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động đang hoạt động dịch vụ, nhằm thúc đẩy doanh thu dịch vụ của Trung tâm tương xứng với giá trị của quần thể di tích Cố đô Huế.

     – Thường xuyên mở lớp bồi dưỡng kiến thức về tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ du khách cho các bộ phận tiếp xúc trực tiếp, như: nhân viên bán vé, nhân viên dịch vụ, lực lượng bảo vệ, cán bộ hướng dẫn…, với phương châm 04: luôn mỉm cười, luôn lắng nghe, luôn xin lỗi và luôn cảm ơn nhằm thực hiện thắng lợi đề án “Nâng cao chất lượng phục vụ du khách tại các điểm tham quan thuộc quần thể di tích Huế”.

     – Ngoài ra, Trung tâm cần quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng “cả hồng lẫn chuyên” cho đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm di tích Huế, bồi dưỡng, trang bị những kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ cho đội ngũ này. Đây là nhiệm vụ rất cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Đạo đức nghề nghiệp và trình độ, bản lĩnh chính trị của các hướng dẫn viên và thuyết minh viên có vai trò quan trọng trong quá trình tiếp nhận và truyền tải thông tin đến khách tham quan. Hình ảnh điểm đến có để lại ấn tượng tốt hay không trong lòng du khách, đều có sự tác động về mặt ý thức chính trị của thuyết minh viên và hướng dẫn viên. Do vậy, việc giáo dục bồi dưỡng đạo đức, ý thức chính trị cho đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên ở đây là phù hợp và là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế.

     2.6. Giải pháp xã hội hóa huy động các nguồn lực xã hội trong công tác quản lý quần thể di tích Cố đô Huế

     Để huy động nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, ngoài ngân sách của nhà nước, trước đây, chúng ta đã thực hiện phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, ngày nay, chúng ta thực hiện “xã hội hóa” trong hoạt động bảo vệ di sản, nhằm khơi dậy những tiềm năng, thu hút sự tham gia, đóng góp của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước để bảo vệ di sản tốt hơn. Qua sự tham gia, đóng góp của các lực lượng xã hội, ý thức bảo vệ di sản của cộng đồng sẽ dần được nâng lên. Vì vậy, Trung tâm cần tiến hành các giải pháp sau:

     – Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động thực hiện Luật di sản văn hóa để Luật đi vào cuộc sống và có hiệu lực, giúp các tổ chức, cá nhân hiểu được giá trị của di tích để từ đó sẽ có hành vi “ứng xử” với các di sản văn hóa tích cực hơn, tránh được tình trạng vì không hiểu Luật mà vi phạm, đồng thời, có thể ngăn chặn những hành vi xâm hại tới di tích. Nâng cao ý thức tôn trọng, bảo tồn và phát huy giá trị của quần thể di tích Huế trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ hiện nay. Coi đây là biện pháp quan trọng có ý nghĩa lâu dài trong sự nghiệp bảo tồn di sản. Ban hành chính sách cụ thể để khuyến khích nhân dân tham gia vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn, cho cả hôm nay và mai sau.

     – Cần mở rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác quốc tế để tranh thủ sự trợ giúp về vật chất và tinh thần của các tổ chức phi chính phủ, các nước trên thế giới và khu vực. Kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để thành lập Quỹ hỗ trợ bảo tồn và phát triển di tích Cố đô Huế, góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử của dân tộc.

     – Xây dựng và ban hành chính sách kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa hoặc hợp tác công – tư một số công trình, khu vực thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, như hồ Tịnh Tâm, công viên Nguyễn Văn Trỗi, cung An Định.

      – Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cần mạnh dạn tìm kiếm, kêu gọi các nhà đầu tư vừa có tâm, nhưng lại phải có tầm (có tâm huyết, có tiềm lực kinh tế thực sự mạnh) đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ di tích Huế, nghiên cứu phát triển gia tăng các sản phẩm văn hóa cung đình, sản phẩm văn hóa truyền thống Huế, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, tạo sản phẩm chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tăng nhanh tỷ trọng nguồn thu dịch vụ, phấn đấu mức tăng trưởng nguồn thu dịch vụ hàng năm đạt từ 25 – 30%.

     2.7. Giải pháp bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch bền vững

     Khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở di tích Cố đô Huế là giải pháp tốt nhất để bảo tồn di tích, làm cho di tích sống, hòa vào cuộc sống của xã hội đương đại, có tác dụng giáo dục và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, tạo nguồn sinh lợi để bảo tồn di tích. Để công cuộc bảo tồn quần thể di tích Cố đô Huế gắn liền với phát triển du lịch bền vững, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có thể thực hiện những giải pháp cụ thể như sau:

     – Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ trùng tu, tôn tạo công trình kiến trúc trong khu vực Hoàng cung, triển khai quyết liệt tinh thần của Quyết định số 818/QĐ- TTg ngày 07/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, ưu tiên các công trình trọng điểm, như: Ngọ môn, Thái miếu, các công trình nằm theo trục dọc Tử Cấm thành, Đại Cung môn, điện Cần Chánh, lầu Kiến Trung…, nhằm tạo diện mạo mới mẻ, ấn tượng tốt hơn trong lòng du khách khi tham quan Huế.

     – Tăng cường công tác quảng bá tiếp thị, tập trung giới thiệu rộng rãi dưới góc độ tài nguyên du lịch văn hóa cho du khách trong và ngoài nước thông qua ấn phẩm quảng cáo, tờ gấp sách hướng dẫn, mạng internet, các cuộc hội chợ triển lãm.

     – Thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình, nhằm tuyên truyền quảng bá các giá trị của di sản văn hóa Huế.

     – Đẩy mạnh công tác quản lý giám sát, nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện đang khai thác phục vụ khách tham quan tại các điểm di tích Cố đô Huế, như: dịch vụ bán đồ lưu niệm, bán hàng giải khát, dịch vụ bán vé tham quan,… nhằm giảm thiểu những vấn đề không đáng có, để đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ trong sự quản lý của Trung tâm.

     – Cần xây dựng chiến lược sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Thừa Thiên Huế, chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa. Nghiên cứu kỹ thị trường du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với từng loại thị trường để khai thác tài nguyên du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và các di tích lịch sử – văn hóa Huế nói riêng hiệu quả hơn.

     – Trung tâm cần có kế hoạch làm việc cụ thể với các địa phương và ban, ngành liên quan, như: Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Du lịch… để triển khai những biện pháp đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách.

     – Ưu tiên nguồn vốn cho công tác tôn tạo cảnh quan sân vườn ở các điểm di tích, như: lăng Minh Mạng, lăng tự Đức, lăng Khải Định, Văn Thánh, Võ Thánh… và đặc biệt là điểm Đại nội, với khu đất phía Đông và phía Tây điện Thái Hòa.

     2.8. Thực hiện tốt các cam kết với tổ chức quốc tế

     Tại kỳ họp lần thứ 35 của UNESCO, quần thể di tích Cố đô Huế nằm trong danh sách “những di sản bị khuyến cáo”. Vì vậy, nhằm giữ gìn, bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và xác thực của di sản, Chính phủ Việt Nam và chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cần thực thi đầy đủ những quy định của luật pháp quốc tế nói chung, công ước và hướng dẫn thực hiện công ước di sản thế giới nói riêng, thể hiện ở những giải pháp sau:

     – Xây dựng thành công Kế hoạch quản lý quần thể di tích Cố đô Huế giai đoạn 2015 – 2020, định hướng 2030.

     – Triển khai Dự án Quy hoạch và tôn tạo vành đai xanh nhằm giảm thiểu tiếng ồn và ảnh hưởng tầm nhìn tại khu lăng Minh Mạng và lăng Khải Định.

     – Đẩy nhanh công tác di dời, giải tỏa các hộ dân trong vùng lõi khu di sản.

     – Xem xét khả năng hoạt động mở rộng phạm vi khu di sản theo khuyến nghị của UNESCO sao cho phù hợp với quy định pháp luật về di sản văn hóa.

     – Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế luôn thực hiện công tác báo cáo định kỳ với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam về công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Huế.

     2.9. Giải pháp thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm di tích

     Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế có nhiệm vụ quản lý, bảo tồn toàn bộ khu di sản Cố đô Huế, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, sự chỉ đạo về chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và sự phối hợp hỗ trợ của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam. Từ nghiên cứu thực trạng cho thấy, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm thuộc quần thể di tích Cố đô Huế cần phải có các giải pháp sau:

  Một là: Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cần thành lập một đội thanh tra liên ngành, bao gồm: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa – Thể thao, Đội quy tắc đô thị, Công an…, lấy tổ khoanh vùng bảo vệ trực thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế làm nòng cốt, thường xuyên đi kiểm tra các trường hợp xây dựng, lấn chiếm đất đai trong phạm vi khu vực khoanh vùng bảo vệ I và II di tích Cố đô Huế để kịp thời báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết.

     Hai là: Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó, có các điểm và cụm di tích nổi bật, như lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Dục Đức, đàn Nam Giao…; có hình thức xử phạt nghiêm và thích đáng đối với những hành vi xâm hại di tích nhằm chấm dứt hiện tượng các cá nhân, doanh nghiệp có ý định xâm hại hoặc có nguy cơ làm ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan di tích.

     Ba là: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cần xây dựng kế hoạch cụ thể về thanh tra, kiểm tra ngắn hạn, dài hạn tại các di tích, kiểm tra một cách thường xuyên trong việc chấp hành và thực hiện theo quy định pháp luật về di sản văn hóa.

     Bốn là: Xây dựng quy chế phối hợp cụ thể, rõ ràng giữa các phòng, ban, đơn vị trong Trung tâm, tổ chức thanh tra, kiểm tra chéo các hoạt động, như: bán vé tham quan, thuyết minh hướng dẫn, kiểm soát vé… và nhất là hoạt động dịch vụ giải khát, bán đồ lưu niệm, bán sách, tranh, ảnh để công tác đạt hiệu quả tốt hơn.

     Năm là: Có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời đối với tập thể và cá nhân phát hiện ra những sai phạm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Huế, góp phần đưa hình ảnh Cố đô Huế mãi là điểm đến hấp dẫn trong lòng mỗi du khách trong và ngoài nước.

     Quần thể di tích Cố đô Huế là một kho báu, là bộ phận cấu thành hệ sinh thái văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đó cũng là mấu chốt để mở rộng phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời, biết khai thác và phát huy những giá trị văn hóa là một giải pháp để bảo tồn di tích trong cuộc sống đương đại./.

Nguồn: Di sản văn hóa vật thể, số 4 (57) – 2016

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý quần thể di tích cố đô Huế (Tác giả: Nguyễn Quang Huy)