Thủy quân thời chúa Nguyễn qua góc nhìn của người nước ngoài đương thời
NAVY FORCE IN THE TIME OF NGUYEN LORDS VIEWED
BY THE CONTEMPORARY FOREIGN WITNESSES
Tác giả bài viết: Thạc sĩ ĐOÀN ANH THÁI
(Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế)
TÓM TẮT
Quân đội nói chung và thủy quân nói riêng của Đàng Trong được hình thành muộn hơn rất nhiều so với nhà Lê Sơ và các nước lân bang nhưng không vì thế mà sức mạnh bị đánh giá thấp; mà ngược lại thủy quân của chúa Nguyễn được các giáo sĩ, nhà sư và các thương nhân nước ngoài đến Đàng Trong lúc bấy giờ đánh giá rất cao và không thua kém gì so với thủy quân của châu Âu đặc biệt là về chiến thuyền và kỹ luật quân đội.
Từ khóa: Chúa Nguyễn, Thủy quân, chiến thuyền, biển đảo, sức mạnh.
SUMMARY
The military in general and navy force in particular of Dang Trong (Inner Region/Southern Vietnam) came into being much later than that of Later Le dynasty early period and of neighbour countries. However, this fact did not influence the power of navy force that was highly appreciated by contemporary foreign missionaries, monks and merchants. Especially, its warships and military disciplines were seen as strong as that of European navy forces.
Key words: Nguyen Lords, navy force, warship, sea and island, power.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Năm 1558, Nguyễn Hoàng dong buồm vào Nam đi trấn thủ vùng Thuận Hóa. Mặc dù mang danh đi trấn thủ nhưng đây là cách để Trịnh Kiểm đẩy Nguyễn Hoàng vào chốn không có chỗ nương thân, dẫn đến diệt vong. Nhưng với một con người tài ba, đã kinh qua bao cuộc chiến nên Nguyễn Hoàng đã nhanh chóng biến vùng đất mà người đời gọi là “Ô châu ác địa” thành một vùng đất gây dựng cơ nghiệp cho dòng họ Nguyễn “vạn đại dung thân”.
Thuận Hóa, Quảng Nam (sau này là Thuận Quảng) là vùng đất hẹp theo chiều ngang, các cơ sở đều nằm gần ngay sát biển, phía Đông là một dãi đồng bằng nuôi sống cả vùng. Cùng với địa hình bị cắt xẻ bởi những con sông chạy theo hướng Tây Đông, nhà sư Thích Đại Sán đã gọi biển Đàng Trong là “Cửa ngõ của Vương đô”: “Cửa biển là cửa ngõ của Vương đô, Thuận Hóa, để đi thông qua các phủ khác. Vì đất nước Đại Việt chỉ là một dãi núi dọc theo mé biển, các đô ấp đều tựa núi day mặt ra biển, núi cao sông hiểm, cây rừng rậm rạp….” [10, tr.132]. Vì vậy để phù hợp với địa hình gắn liền với biển và những sông ngòi chằng chịt các chúa Nguyễn đặc biệt rất coi trọng xây thủy quân. Đó là chưa kể sau này các giao dịch buôn bán, thông thương đều diễn ra ngay các cửa biển; cùng với cuộc chiến với Đàng Ngoài, thủy quân Đàng Trong đóng góp một phần quan trọng trong việc bảo vệ lãnh thổ, nên việc chú trọng thủy quân là một điều dễ hiểu. Dưới thời chúa Nguyễn, nhà quân sự Đào Duy Từ đã biên soạn cuốn binh thư gọi là Hổ trướng khu cơ, để dạy lại phép dùng binh, trong đó ông đánh giá rất cao về mặt thủy chiến; mà ông cho đặt gọi là Thiên Thủy Chiến để dạy cách vận dụng trong việc chiến đấu dưới nước như: phép lấy nước ngọt trong biển, phép phá xích sắt, phép đặt tên ngầm dưới nước, phép đóng cọc lòng sông… [11]
Cũng giống như các binh chủng khác của chúa Nguyễn, thủy quân được phiên chế bằng đơn vị thuyền. Một thuyền bình quân có từ 30-80 người. Nói không quá khi cho rằng lúc này sức mạnh của thủy quân quyết định sự tồn vong và phát triển của Đàng Trong.
2. Thủy quân của chúa Nguyễn trong con mắt của người nước ngoài đương thời
Đàng Trong bấy giờ là nơi thu hút các thương nhân và các nhà truyền giáo ở trong khu vực cũng như châu Âu tìm đến. Trong các ghi chép đó họ mô tả rất kỹ về quân đội của chúa Nguyễn mà đặc biệt là về chiến thuyền. Trong các thế kỷ XVI và XVII thủy quân chúa Nguyễn được các giáo sĩ, nhà sư và thương nhân nước ngoài đến Đàng Trong đánh giá rất cao và không thua kém gì so với với thủy quân châu Âu đặc biệt về chiến thuyền. Nhưng bước sang nửa cuối thế kỷ XVIII đánh dấu một bước thụt lùi của quân đội chúa Nguyễn, trong đó thủy quân là thấy rõ nhất.
Về mặt số lượng, kích thước và hình dáng của chiến thuyền: giáo sĩ Alexandre de Rhodes người đã có nhiều thời gian sống ở Đàng Trong và Đàng Ngoài (khoảng hơn 7 năm ) đã cho biết về số lượng chiến thuyền của chúa Nguyễn khoảng 200 chiếc: “Trong ba bến ở Đàng Trong, có biết phỏng chừng là bao nhiêu. Một bến ở vào cửa sông lớn, có lần người ta đếm tới sáu mươi tám chiếc. Một bến khác rộng lớn hơn ở vào giữa lãnh thổ gọi là kẻ Chàm có rất nhiều dùng để bảo vệ đất nước và buôn bán với người Tàu thường tới bến này. Còn bến thứ ba thì ở vào biên giới nước Chiêm Thành (…). Thuyền của chúa Đàng Trong rất có thể lên tới con số hai trăm… ” [1, tr.15]. Và ông cũng đánh giá rằng thuyền chiến ở Đàng Trong không thua gì so với Đàng Ngoài “Thuyền chiến Đàng Ngoài cũng như thuyền chiến ở Đàng Trong, chỉ khác là Đàng Ngoài nhiều hơn, vững hơn và trang hoàng đẹp đẽ hơn vì sẵn sàng đưa từ Tàu tới Đàng Ngoài. Nhưng cả hai đều có thuyền nhanh nhẹn và sẵn sàng xung chiến” [1, tr.12]
Nhà truyền giáo Cristophoro Borri đến Đàng Trong năm 1621, đánh giá rất cao sức mạnh trên biển của chúa Nguyễn khi cho biết chúa có khoảng 100 chiến thuyền: “Điều giúp chúa rất đắc lực trong cuộc dấy binh chống chúa Đàng Ngoài, đó là ngài có một trăm chiến thuyền và hơn nữa, chúa rất mạnh về đường biển, như đã mạnh về đường bộ vì có súng ống” [2, tr.83]. Borri cho rằng các chiến thuyền của Đàng Trong so với chiến thuyền ở châu Âu đương thời thì không thua kém gì “Thuyền chiến của họ không lớn cũng không đặc biệt rộng như của ta, nhưng rất lanh lẹ và được trang trí vàng bạc trong rất ngoạn mục. Đặc biệt mũi thuyền vốn được coi là chỗ trọng vọng nhất thì toàn bằng vàng. Đó là chỗ của thuyền trưởng và của những người có chức vị cao, và lý do là người Thuyền trưởng luôn luôn phải là người đầu tiên xuất trận, thế cho nên rất hợp lí, vì mục đích đó mà ông đứng ở đằng đầu và ở chỗ nguy hiểm nhất trong chiếc thuyền” [2, tr.86].
Một trong những nước châu Âu có quan hệ buôn bán sớm với Đàng Trong là người Hà Lan thì cho rằng năm 1642 nhà vua có đến 230-240 chiến thuyền; mỗi thuyền có 64 người gồm người chèo thuyền và binh lính…[Dẫn theo 8, tr.76].
Giáo sĩ Bénigne Vachet đến Đàng Trong năm 1671 đã có những so sánh thú vị về chiến thuyền của các chúa Nguyễn “Tôi nghĩ là nên tả ra chiếc thuyền Đàng Trong. Nó có kích cỡ cũng khá khá như thuyền của chúng ta về cỡ lớn và chiều cao, nhưng không rộng bằng; tuy nhiên kết cấu có khác. Đây là một chiếc tàu phía trong sơn láng một màu đỏ tươi và phía ngoài một màu đen lóe mắt, bao nhiêu nét hiện lên đều đan nhau bằng những lá vàng tạo nên một dáng vẻ đẹp mắt lắm. Có ba chục mái chèo mỗi bên; đều sơn vàng và buộc vào một khuyên sắt, để cho người lính có thể rời chèo một lát mà không ngại…; chính những người lính giữ tay chèo, họ chèo đứng quay mặt về phía mũi thuyền chú ý vào những dấu hiệu của thuyền trưởng đang nhìn họ….[12, tr.260].
Trong một ghi chép của P. Poivre và Ch. Chapman, cả hai người là đại diện của Công ty Đông Ấn Pháp và Anh đến Đàng Trong cho chúng ta biết kỹ hơn về thuyền chiến ở Đàng Trong: “Theo Poa-vrơ thuyền chiến lớn nhất của chúa Nguyễn dài khoảng 90-100 bộ1,cao 7-8 bộ, mặt boong cách mặt nước khoảng 2,5 bộ, phía mũi thuyền có một buồng nhỏ hình vuông, có 4 cửa lùa, mỗi chiều rộng 7-8 bộ, cao cũng khoảng như vậy. Mỗi thuyền có khoảng 40-60 mái chèo. Trọng tải ước chừng khoảng 100-150 tấn” [Dẫn theo 12, tr.297]. Còn theo Ch. Chapman: “Thuyền chiến Đàng Trong, loại lớn nhất dài khoảng 10-12 bộ, đầu và đuôi thuyền thót lại” [Dẫn theo 13, tr.297].
Trong một mô tả của tác giả Alexis de Rochon cho biết Đàng Trong thời chúa Nguyễn Phúc Khoát có khoảng 300 chiến thuyền: “Nhà vua giữ một đạo quân từ 12.000 đến 15.000 người phòng ngự cung điện, vừa bảo vệ hoàng gia, vừa giữ nước; và gần 300 chiến thuyền mà vào thời chiến được dùng để di chuyển lính từ nơi này sang nơi khác,còn thời bình thì để cho quốc vương du ngoạn vì chưng ngài không bao giờ ra khỏi kinh thành mà không đi thuyền” [3, tr.38].
Mặc dù không trực tiếp đến ở Đàng Trong, nhưng qua một số tài liệu cung cấp và những câu chuyện kể của những thừa sai đáng tin cậy sống tại đây, mục sư De Choisy đã viết lại hồi ký của mình về Đàng Trong và Đàng Ngoài rất chi tiết và thú vị, trong đó ông đề cập đến số lượng chiến thuyền của Đàng Trong “Bởi lẽ vương quốc Đàng Trong được tạo lập và tồn tại do chiến tranh nên kỷ luật quân đội rất được tuân thủ. Không có một chiếc tàu nào, chỉ có thuyền; vào năm 1679 ở đây có 131 chiếc. Người chỉ huy đoàn chiến thuyền luôn luôn là vị Đông cung thái tử đương thời.
Mỗi chiến thuyền có 30 mái chèo mỗi bên: mỗi người giữ một mái chèo. Lái và mũi để để tự do, và đó là vị trí của sĩ quan, không có gì rõ ràng cả. Bên ngoài là một lớp sơn đen, bên trong một lớp sơn màu đỏ mà người ta rất tự hào. Các mái chèo đều thếp vàng” [ 7, tr.265]. Cũng theo Choisy thì con số 131 chiến thuyền tại thủ phủ Phú Xuân, ngoài ra chiến thuyền còn được bố trí ở các dinh khác nữa:“Ngoài các chiến thuyền của nhà vua, các trấn thủ của ba dinh chính trong vương quốc, nơi đó có hải cảng tốt cũng có chiến thuyền trấn thủ. Dinh Cát ở biên giới với Đàng Ngoài2 có 30 chiếc; trấn thủ dinh Chiêm có 17 chiếc; trấn thủ dinh Niaroux có (?) 15 chiếc” [7, tr.266].
Theo Bowyear cho biết vào năm 1695 Đàng Trong có 200 chiến thuyền lớn (50-70 tay chèo mỗi thuyền) và 500 chiến thuyền nhỏ (40-44 tay chèo mỗi thuyền) [Dẫn theo 8, tr.76]. Ngoài ra, ông còn mô tả lại một cách sinh động về các chiến thuyền ở Đàng Trong “Bụng chèo sơn trắng, lưng chèo sơn đỏ; từ mũi đến lái, nổi lên mặt nước, thuyền phết một lằn sơn đỏ rộng gần một tấc; trên lằn đỏ lại phết màu đen; đằng lái màu vàng và chạm trổ lạ kỳ” [12, tr.240].
Vì sao số lượng chiến thuyền của Đàng Trong được các giáo sĩ, thương nhân mỗi người lại có một con số khác nhau như thế ?. Điều đó chúng ta có thể lý giải được là do người nước ngoài có người đến Đàng Trong trong một thời gian dài, có nhiều người chỉ đến được trong thời gian rất ngắn và có trường hợp chỉ nghe kể lại nên việc để nắm được đầy đủ các thông tin ở Đàng Trong là điều rất khó; hơn nữa họ đến với Đàng Trong ở những thời điểm khác nhau nên số lượng chiến thuyền sẽ có thay đổi; bên cạnh đó có một số người lại chỉ biết đến thủ phủ Đàng Trong là Phú Xuân và dinh Quảng Nam nên việc con số thuyền chiến đưa ra có khác nhau, đôi khi là chênh nhau gấp đôi. Vì vậy một số người chỉ nhìn thấy thuyền chiến ở thủ phủ của chúa mà chưa thấy hết được các chiến thuyền ở các dinh khác ví như ở Quảng Bình, chắc chắn vào thời chiến tranh (1627-1672) ở đây là nơi tập trung số lượng quân đội nhiều chứ không riêng gì ở thủ phủ Chúa. Rồi ở các dinh Cát (dinh cũ-cựu dinh), dinh Quảng Nam, dinh Trấn Biên,….ở đây đều tập trung số một lượng chiến thuyền đáng kể do các chúa Nguyễn đang thực hiện chiến lược mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam nên việc chiến thuyền tập trung về phía Nam là một điều dễ hiểu vừa là để mở rộng lãnh thổ vừa để chế ngự Champa, Chân Lạp và để làm thế trọng với quân Xiêm.
Một số người nước ngoài như Borri, Choisy thì cho rằng chúa Nguyễn chỉ có khoảng 131 chiến thuyền, nhưng qua xác minh các tài liệu của sử sách trong nước đương thời cũng như các nhà nghiên cứu thì con số này là chỉ số lượng thuyền ở thủ phủ của chúa và có thể là ở dinh Quảng Nam. Qua xác minh các tư liệu thì cho chúng ta biết rằng con số trên 200 chiến thuyền được đưa ra có thể xem là tương đối chính xác vì rằng nó bao quát hết số lượng chiến thuyền tất cả các dinh ở Đàng Trong. Qua các mô tả trên cho chúng ta có con số khá chính xác về số lượng mái chèo ở trên chiến thuyền là từ 40-60.
Về mặt trang bị trên chiến thuyền: ngoài các vũ khí truyền thống như giáo, gươm, dao găm, móc, giây thì chiến thuyền của chúa Nguyễn được trang bị thêm súng hỏa mai và đặc biệt là súng thần công (đại bác). Theo Borri cho biết thì các loại súng và đại bác của chúa Nguyễn một phần là do lượm nhặt và tịch thu từ các con tàu đắm “nhiều thứ súng lớn tịch thu và lượm nhặt được do tàu và chiến thuyền bị đắm trôi dạt vào bờ biển: thực ra tàu người Bồ cũng như người Hà Lan thường đâm vào cồn đá và người bản xứ vớt được như ngày nay có thấy. Nguyên trong phủ chúa có sáu mươi cỗ và có những cỗ rất lớn” [2, 81-82]. Bên cạnh việc lượm nhặt thì các chúa Nguyễn còn mua vũ khí từ các nước như Hà Lan, Bồ Đào Nha…Ngoài ra các chúa Nguyễn đã tự sản xuất và từ năm 1631 đã cho thành lập một xưởng đúc vũ khí đặt ở bờ Nam của sông hương (nay là phường Phường Đúc của thành phố Huế). Việc đúc trọng pháo của các chúa Nguyễn đã được sự giúp đỡ của một người Bồ Đào Nha là João da Cruz, có thể nói công nghệ đúc trọng pháo đã tiến lên một bước lớn sánh ngang với các trọng pháo phương Tây để trang bị cho các chiến thuyền.
Về mặt trang bị đại bác trên các chiến thuyền, chúng ta cũng có những con số không giống nhau giữa các mô tả của các giáo sĩ, thương nhân. Người Hà Lan cho rằng mỗi thuyền trạng bị một khẩu súng thường là bắn 4, 5, 6 hoặc 8, 10 đạn sắt và hai khẩu súng lớn [Dẫn theo 8, tr.76]. Borri cho biết rằng: “mỗi thuyền có súng đại bác và nhiều súng musqueton. Và người ta lấy làm lạ khi biết chúa Đàng Trong luôn luôn có tới một trăm thuyền chiến có đủ súng ống và nghiêm chỉnh nghênh chiến…” [2, tr.84-85].
Giáo sĩ Bénigne Vachet cho biết “Lại có ba khẩu đại bác phía mũi và hai khẩu nhỏ ở hai bên. Còn có nhiều hạ sĩ quan, ngoài cả một đại đội thêm vào đó khi hữu sự” [12, tr.260]. Giáo sĩ De Choisy thì mô tả rằng “Người chèo thuyền cũng là lính, dưới chân họ có một khẩu súng hỏa mai, một dao găm, một chiếc cung và một carcois; họ bị cấm một điều khó khăn nhất trong đời là không được nói một lời nào. Họ luôn luôn phải nhìn người chỉ huy, với chiếc đũa trong tay diễn tả tất cả các lệnh lạc. Mọi tay chèo đều chèo đứng, mặt hướng về mũi thuyền nơi có người chỉ huy. Tất cả ở đây đều hòa hợp, y như một thầy dạy nhạc đánh nhịp để cho mọi nhạc công của mình nghe rõ hơn, một người chỉ huy chiến thuyền ở Đàng Trong cũng dùng động tác với chiếc đũa của mình để được vâng lời; vì không mở miệng, ông ta làm hiệu tiến lên, lùi lại, quay, rút vũ khí mà ông ta thích, mọi thao tác được điều chỉnh theo nhịp của chiếc đũa” [7, tr.265]. Và ông viết tiếp “Mỗi một chiến thuyền có 3 sĩ quan, 6 đại bác nhỏ, hai người giám hộ, 60 lính hay tay chèo và 2 trống. Có một lối đi ở phía trước và hai mảnh nhỏ ở hai bên sườn” [7, tr.266]. Theo Bowyear thì “Họ đem theo ba chục chiếc thuyền ngay khi được biết rằng thuyền của chúng tôi đậu ở ngoài khơi, như thế hoặc là vì sợ thì đúng hơn, vì họ rất tị hiềm đám người láng giềng với họ là người Bắc, vì tị hiềm đám người Hà Lan mà họ buộc lòng phải chịu ơn. Mấy chiếc thuyền này có chở theo trước mũi một khẩu cao xạ nhỏ bằng đồng nặng 8-12 liu. Thuyền có 50 mái chèo [12, tr.240].
Số lượng súng thần công đặt trên các chiến thuyền theo mô tả đều cho các số lượng khác nhau, người Hà Lan cho rằng có 3 khẩu, nhưng theo Vachet thì có 3 khẩu ở phía mũi và hai khẩu ở hai bên, còn Choisy cho biết có 6 khẩu. Người đưa ra con số thấp nhất về súng thần công được trang bị trên chiến thuyền là Bowyear, ông cho biết chỉ có một khẩu ở trước mũi. Đến nửa cuối thế kỷ XVIII, sau khi kết thúc chiến tranh với Đàng Ngoài, cùng với việc ít chú trọng việc binh nên việc trang bị thần công, một loại vũ khí chiến lược và quan trọng vào loại bậc nhất trên chiến thuyền của chúa Nguyễn đã không được chú trọng.
Về mặt sử dụng và huấn luyện thủy quân: Vai trò của thủy quân rất quan trọng trong chiến lược bảo vệ lãnh thổ và phát triển ngoại thương nên các chúa Nguyễn luôn luôn rất chú trọng về sức mạnh cũng như sự linh hoạt trong tác chiến. Việc luyện cho tinh thông các phép sử dụng binh khí cũng như chèo thuyền luôn luôn được chú trọng, vì vậy khi đánh giá về sự tinh nhuệ của thủy quân, nhà sư Thích Đại Sán viết “Trong thuyền đèn lửa tắt hết. Cai Bá đứng trước mũi thuyền, cầm một dây hỏa mai ra hiệu; hoặc bát hoặc cạy, khi chậm khi mau, các thuyền đều ngó theo hỏa hiệu lái chèo, chẳng hề sai chậy” [10, tr.145]. Quân lính được huấn luyện rất có kỷ luật và tuân thủ nghiêm ngặt: “cơm nước xong, trống đồng lại nổi lệnh. Các quân nhân đang thổi cơm trên bờ, có kẻ đương ăn, có kẻ chưa ăn, cũng có kẻ đương nấu hoặc đương vò gạo, đều dẹp lại, vội vàng chạy đến mở dây thuyền. Mỏ đánh giữa giông, các thuyền khi đi hàng dọc, khi sắp hàng ngang, khi đi thẳng một hàng, khi chia thành hai dãy; ba quân miệng hò khoan, chân dậm ván, thuyền đều đúng nhịp, rập rang” [10, tr.146]. Các chúa Nguyễn còn thành lập một trường tập bắn cho đại bác (thần công) và có những bục bắn chỉ dành cho thủy quân. Việc huấn luyện thủy quân cũng được Bénigne Vachet cho biết “Có hai ngày trong năm mà các chiến thuyền phải thao luyện toàn bộ trước mặt của chúa Thượng. Vào năm 1674 tôi ở lại trong dinh vị Cai cơ (le ministre d’estat), ông này có lòng tốt đối với tôi, đã muốn cho tôi thưởng ngoạn cảnh tượng ấy…Chúa Thượng đã ngồi trước phủ chúa trên bờ sông, sông rất rộng và sâu ở đoạn này” [6, tr.244]. Khi nói về những thủy quân thì Cristophoro Borri cho biết các chúa Nguyễn không dùng những phạm nhân để chèo thuyền giống như bên châu Âu mà đó là những người lính tinh nhuệ, rất hăng hái và dũng cảm “Cần phải biết rằng người Đàng Trong không có lệ dùng những phạm nhân hay người bị án khổ sai để chèo thuyền….Người Đàng Trong không giả đò, họ rất hăng hái và dũng cảm, với mái chèo, súng và dao, họ can đảm tấn công và trong hỗn chiến, họ tỏ rõ lòng dũng cảm hiếm có của họ” [2, tr.86].
Theo như mô tả của Thích Đại Sán thì hầu như tất cả các thuyền đánh cá cũng đều được huấn luyện như quân lính, vì khi đưa rước nhà sư đều có sự hỗ trợ của thuyền Điến xá hoặc Điền cô (thuyền đánh cá) lúc đầu huy động có 8 chiếc nhưng sau lên 40 chiếc [9, tr.159]. Điều đó để thấy được rằng các ngư dân cũng chính là những thủy quân hùng mạnh vì họ được huấn luyện rất chuyên nghiệp, nghe hiệu lệnh của một người mà tất cả các thuyền đều theo rất đều. Các chúa Nguyễn đã biến những ngư dân thành những thủy quân tài ba với khả năng quen với sóng biển, thuộc lòng từng con nước, cùng với việc sử dụng thành thạo các loại vũ khí. Chỉ cần một tiếng thanh la là tất cả đều răm rắp nghe lệnh. Trong một mô tả khác cho thấy được rằng thuyền đánh cá ở Đàng Trong với số lượng rất lớn: “Quay nhìn xuống biển, thấy thuyền cá nghìn buồm đứng chong. Vì đứng trên cao nhìn xuống, nên trông thấy hình như mọi thuyền đều đứng yên” [9, tr.191].
Thủy quân ngoài việc canh phòng các cửa biển thì cũng được huy động để tuần tra kiểm soát vùng biển đảo. Bên cạnh đó chúa Nguyễn còn cho thành lập các đội Hoàng Sa, Bắc Hải…để vừa khai thác các tài nguyên trên biển đảo mà chủ yếu là đi lượm các hóa vật, trong đó có cả những vũ khí của của các con tàu đắm ở trên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Côn Lôn…. “Đội Hoàng Sa để lấy hóa vật, đội Thanh Châu để khai thác yến sào, đội Hải Môn để lượm hóa vật [5, tr.119-120], đội Bắc Hải để lượm hóa vật ở các vùng biển đảo phía Nam như cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên [5, tr.124].
Với một lực lượng thủy quân mạnh, đã được các giáo sĩ, thương nhân nước ngoài đánh giá rất cao, điều đó còn được chứng minh bằng thực tế khi thủy quân chúa Nguyễn đã có những thắng lợi lớn trên biển trước cả thế lực châu Âu.
1. Theo như ghi chép của Đại Nam thực lục và một số bộ sử dưới triều Nguyễn, cuộc chiến có tính chất đối đầu đầu tiên với các thế lực bên ngoài trên biển đó là giặc Hiển Quý: “Ất dậu, năm thứ 28 [1585], bấy giờ có tướng giặc nước Tây Dương hiệu là Hiển Quý (Hiển Quý là tên hiệu của bọn tù trưởng phiên, không phải là tên người) đi 5 chiếc thuyền lớn, đến đậu ở Cửa Việt để cướp bóc ven biển. Chúa sai hoàng tử thứ sáu lĩnh hơn 10 chiếc thuyền, tiến thẳng đến cửa biển, đánh tan 2 chiếc thuyền giặc. Hiển Quý sợ chạy.
Chúa cả mừng nói rằng : “Con ta thực là anh kiệt”, và thưởng cho rất hậu. Từ đó giặc biển im hơi.” [9, tr.32].
Nhưng qua Ngoại phiên thông thư và một số học giả thì Hiển Quý là một thương nhân chứ không phải một tên phỉ cướp bóc mà chính thủy quân chúa Nguyễn đã đánh nhầm. Nhưng theo chúng tôi với bộ phận của những người có tư tưởng mở cửa để cho các thương thuyền đến buôn bán thì không có lý do gì mà quan quân chúa Nguyễn cho đánh thương nhân cả. Có lẽ thương nhân Hiển Quý3 đã có ý khiêu khích hoặc hành động gì làm tổn hại đến lãnh thổ Đàng Trong nên đã bị thủy quân Đàng Trong tiến đánh và người đánh không ai khác đó chính là Nguyễn Phúc Nguyên vị Thế tử sau này nối nghiệp chúa.
2. Trong lịch sử thời chúa Nguyễn khi nhắc đến trận thủy chiến không thể không nhắc đến trận chiến với các chiến hạm Hà Lan năm 1644 chiến thắng này đã được sách Đại Nam thực lụcchép “Giáp thân, năm thứ 9 [1644] (Lê Phúc Thái năm 2, Thanh Thế tổ Thuận Trị năm 1, Minh hậu Phúc vương Hoằng Quang năm 1), mùa hạ, tháng 4, dựng miếu Hy Tông ở dinh cũ Phúc Yên. Chúa thường đến xem.
Thế tử Dũng Lễ hầu (tức là Phúc Tần, Thái tông Hiếu triết hoàng đế) đánh phá giặc Ô Lan(1) ở cửa Eo. Bấy giờ giặc Ô Lan đậu thuyền ngoài biển, cướp bóc lái buôn. Quân tuần biển báo tin. Chúa đương bàn kế đánh dẹp. Thế tử tức thì mật báo với Chưởng cơ Tôn Thất Trung (con thứ tư của Hy Tông), ước đưa thủy quân ra đánh, Trung lấy cớ chưa bẩm mệnh, ngần ngại chưa quyết. Thế tử đốc suất chiến thuyền của mình tiến thẳng ra, Trung bất đắc dĩ cũng đốc suất binh thuyền theo đi, đến cửa biển thì thuyền Thế tử đã ra ngoài khơi. Trung lấy cờ vẫy lại, nhưng Thế tử không quay lại. Trung bèn giục binh thuyền tiến theo. Chiếc thuyền trước sau lướt nhanh như bay. Giặc trông thấy cả sợ, nhằm thẳng phía đông mà chạy, bỏ rơi lại một chiếc thuyền lớn. Thế tử đốc quân vây bắn. Tướng giặc thế cùng phóng lửa tự đốt chết. Thế tử bèn thu quân về.
Chúa mới nghe tin Thế tử đi có một mình cả sợ, bèn tự đốc suất đại binh tiếp ứng, vừa tới cửa biển, xa trông khói đen bốc mù trời, kíp ra lệnh cho các quân tiến lên. Tới khi được tin thắng trận, chúa mừng lắm, kéo quân về hải đình để chờ. Thế tử đến bái yết. Chúa giận trách rằng: “Mày làm Thế tử, sao không thận trọng giữ mình?”. Lại thiết trách Trung về tội không bẩm mệnh. Trung cúi đầu tạ tội giờ lâu, rồi nhân khen ngợi oai phong anh dũng của Thế tử không ai kịp được. Chúa cười nói rằng: “Trước kia tiên quân ta đã từng đánh phá giặc biển, nay con ta cũng lại như thế. Ta không lo gì nữa”. Bèn trọng thưởng cho, rồi khiến xa giá về cung” [9, tr.55-56].
Theo như mô tả lại của Alexandre de Rhodes thì các chiến hạm của Hà Lan đã thua thảm hại. Đây là một trận chiến thể hiện được sức mạnh của thủy quân trước chiến hạm Hà Lan và cũng là một thông điệp mạnh gửi tới âm mưu của Đàng Ngoài.
3. Trong cuộc chiến bảo vệ vệ lãnh thổ trước sự tấn công của Đàng Ngoài. Bảo vệ vùng biển nói riêng và lãnh thổ Đàng Trong nói chung. Các cuộc chiến của Đàng Ngoài đánh vào Đàng Trong đều không thiếu đường biển, khi đánh vào của Nhật Lệ, khi đánh vào cửa Gianh nhưng tất cả đều thất bại trước thủy quân của chúa Nguyễn. Trong những lần hành quân của Đàng Ngoài có sự trợ giúp của thủy quân và vũ khí của Hà Lan nhưng tất cả đều thất bại trước thủy quân của chúa Nguyễn. Cuối cùng Đàng Ngoài phải tù bỏ ý định của mình “Công cuộc khôi phục Đàng Trong dĩ nhiên phải bỏ một cách nhục nhã” [1, tr.17].
4. Trận chiến lấy lại đảo Côn Lôn từ thực dân Anh cũng là một chiến công đầy quả cảm và mưu trí của thủy quân chúa Nguyễn. Cũng giống như các nước tư bản phương Tây khác đang tìm kiếm những “mảnh đất màu mở ở phương Đông”, thực dân Anh cần một chỗ để có thể neo đậu, sửa chữa tàu thuyền và thực hiện các mưu đồ của mình, nên chúng muốn lấy Côn Lôn để làm điều đó. Với cuộc chiến lấy lại Côn Lôn thêm một minh chứng rằng các chúa Nguyễn đã xác lập và kiểm soát vùng biển đảo của mình tốt như thế nào. Điều đó nó càng khẳng định các đội Hoàng Sa, Bắc Hải…nó không chỉ là đi lượm các hóa vật mà chính là những nhà trinh sát trên biển. Thủy quân của chúa Nguyễn một lần nữa khẳng định rằng họ có thể đủ sức đánh bại các thế lực nếu xâm phạm lãnh hải của họ. Mưu lược dùng người Mã Lai và những cách đánh sáng tạo đã cho thấy được mưu trí của họ.
Nhâm Ngọ năm thứ 11 [1702] “Giặc biển là người Man An Liệt(1) có 8 chiếc thuyền đến đậu ở đảo Côn Lôn. Trưởng là bọn Tô Thích Già Thi 5 người tự xưng là nhất ban, nhị ban, tam ban, tứ ban, ngũ ban(2) (mấy ban cũng như mấy bực, nguyên người Tây phương dùng những tên ấy để gọi bọn đầu mục của họ) cùng đồ đảng hơn 200 người, kết lập trại sách, của cải chứa đầy như núi, bốn mặt đều đặt đại bác. Trấn thủ dinh Trấn Biên là Trương Phúc Phan (con Chưởng dinh Trương Phúc Cương, lấy công chúa Ngọc Nhiễm) đem việc báo lên. Chúa sai Phúc Phan tìm cách trừ bọn ấy” [9, tr.115].
Một năm sau khi chiếm đóng, quân của thực dân Anh đã bị đuổi đi: “Quý mùi, năm thứ 12 [1703] Mùa đông, tháng 10, dẹp yên đảng An Liệt. Trước là Trấn thủ Trấn Biên Trương Phúc Phan mộ 15 người Chà Và sai làm kế trá hàng đảng An Liệt để thừa chúng sơ hở thì giết. Bọn An Liệt không biết. Ở Côn Lôn hơn một năm không thấy Trấn Biên xét hỏi, tự lấy làm đắc chí. Người Chà Và nhân đêm phóng lửa đốt trại, đâm chết nhất ban, nhị ban, bắt được ngũ ban trói lại, còn tam ban, tứ ban thì theo đường biên trốn đi Phúc Phan nghe tin báo, tức thì sai binh thuyền ra Côn Lôn, thu hết của cải bắt được dâng nộp. Chúa trọng thưởng người Chà Và và tướng sĩ theo thứ bực. Tên ngũ ban thì đóng gông giải đi, chết ở dọc đường” [9, tr.117].
Xuất phát từ nhu cầu phòng thủ cả trên bộ và mặt biển nên lực lượng thủy quân đã được các chúa Nguyễn chú trọng xây dựng. Thủy quân Đàng Trong được đánh giá là một trong những lực lượng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ và không thua kém gì so với châu Âu. Tuy nhiên bước vào gần nữa sau của thế kỷ XVIII đánh dấu sự đi xuống của thủy quân chúa Nguyễn. Điều đó đã dược P. Poive đến Đàng Trong năm 1740 đánh giá rằng “các thuyền này để tiêu khiển hơn là dùng vào công việc, chúng là một công trình nghệ thuật và cố thẩm mỹ [dẫn theo 8, tr.78].
__________
1 Bộ (pied): đơn vị đo lường cổ của Pháp, tương đương 0,3248m. Đơn vị này chia thành 12 pouces.
2 Ở đây Choisy có nhầm lẫn vì dinh Cát hay còn gọi là dinh cũ, cựu dinh nằm trên đất Quảng Trị nên không phải là biên giới với Đàng Ngoài. Biên giới với Đàng Ngoài lúc này là các dinh nằm trên đất Quảng Bình: dinh Quảng Bình, dinh Ngói Châu Bố Chính và Đạo Lưu Đồn [Tác giả].
3 Xin xem thêm Nguyễn Quang Trung Tiến (2015), Những tồn nghi quanh nỗ lực bang giao giữa Nguyễn Hoàng với Nhật Bản cuối thế kỷ XVI-đầu thế kỷ XVII, in trong Lịch sử và triển vọng mỗi quan hệ Việt Nam –Nhật Bản nhìn từ miền Trung Việt Nam, Nxb Thông tin và truyền thông, tr.47-56.
(1). Ô Lan: Tức Hà Lan bây giờ.
(1). Tức người Anh (English).
(2) Tức các cấp bậc quan một, quan hai v.v…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Alexandre de Rhodes (1994), Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Hồng Nhuệ dịch, Tủ sách Đại Kết, Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hồ Chí Minh.
2. Cristophoro Borri (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ-Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, chú thích.
3. Nguyễn Duy Chính tuyển dịch (2016), Đàng Trong thời chúa Nguyễn, Nxb Hội nhà văn.
4. Vĩnh Cao dịch, Phan Thanh Hải giới thiệu (2006), Về những văn thư trao đổi giữa chúa Nguyễn và Nhật Bản, thế kỷ XVI-XVII, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, số 4 (57), Tr.92-101.
5. Lê Quý Đôn (1964), Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
6. Cadière (2001), Phường trường súng, tạp chí Những người bạn cố đô Huế (BAVH), tập XII, người dịch Hà Xuân Liêm, hiệu đính Trần Thanh, Nhị Xuyên, Nxb Thuận Hóa Huế.
7. Cadière (2003), Hồi ký của mục sư De Choisy về xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài, tạp chí Những người bạn cố đô Huế (BAVH)tập XVI, người dịch Nguyễn Cửu Sà, hiệu chỉnh, biên tập Lưu Nguyễn, Nhị Xuyên, Nxb Thuận Hóa, Huế.
8. Litana (2014), Xứ Đàng Trong lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ 17-18, Nguyễn Nghị dịch, Nxb trẻ.
9. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập I, Nxb Giáo dục.
10. Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự, , Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế.
11. Đào Duy Từ (1977), Binh thư yếu lược phụ Hổ trướng khu cơ, Nxb Khoa học xã hội.
12. Những người châu Âu đã thấy Huế xưa (2001), tạp chí Những người bạn cố đô (BAVH) tập VII,bản dịch do bà Mir, phụ chú do L.Cadière, Bữu Ý và Phan Xưng dịch, Nxb Thuận Hóa.
13. Nguyễn Việt, Vũ Minh Giang, Nguyễn Mạnh Hùng (1983), Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm, Nxb Quân đội nhân dân.
Địa chỉ liên hệ:
ThS. Đoàn Anh Thái
Mail: toivietnam.doan87@gmail.com
Sdt: 0934829357
Nguồn: Tác giả gửi bài viết đến Ban Tu thư của trang http://thanhdiavietnamhoc.com/
Ghi chú:
Bài viết được http://thanhdiavietnamhoc.com/ đăng tải vào ngày 10/09/2020, vào lúc 18:20.
Tác giả đã gửi bài viết cho Ban Tu thư cập nhật lại (23/06/2021, 10:35).
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Thủy quân thời chúa Nguyễn qua góc nhìn của người nước ngoài đương thời (Tác giả: ThS. Đoàn Anh Thái) |