Tiền sử Đồng bằng Nam Bộ – Phần 1: Hoạt động kiếm sống của cư dân tiền sử trên vùng đất Nam Bộ
1. Những gợi ý từ hiện tượng Lung Leng (Việt Nam) và Kota Tampan (Malaysia) đối với nghiên cứu tiền sử đồng bằng Nam Bộ
Cho đến nay chưa phát hiện được di chỉ cư trú thời đại đá cũ nào ở vùng Nam Bộ, ngoại trừ những thông báo phát hiện lẻ tẻ di vật kiểu đá cũ (palaeolithic-like) ở Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng chứ chưa thấy một tổng thể các yếu tố cấu thành một di tích đá cũ đáng tin cậy, như địa tầng có công cụ và các tàn tích thức ăn, bếp lửa hay xương cốt người… để có thể giúp định vị tương đối chắc chắn khoảng thời gian hoạt động của nhóm cư dân đá cũ cụ thể. Bởi lẽ, lịch sử nhân loại dường như cũng bắt đầu với sự mở ra thời đại đá cũ, tức từ khi những người vượn Đông Phi đầu tiên dùng cuội làm công cụ kiếm sống cách ngày nay có thể tới 5 triệu năm. Tình trạng sử dụng công cụ đá ghè đẽo – đặc trưng kỹ thuật cơ bản định danh thời đá cũ, tồn tại cho đến tận gần đây ở một số nhóm cư dân nguyên thủy sống biệt lập ở châu Phi, châu Đại Dương… và trong thực tiễn khảo cổ học, thời đá cũ của một số nhóm cư dân Jomon Nhật Bản hay cư dân văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam, Thái Lan, Malaysia vẫn còn kéo dài đến tận ba, bốn ngàn năm cách ngày nay. Vì thế, như đã nhấn mạnh ở chương trên đây, phát hiện công cụ kiểu đá cũ chỉ có thể giúp xác nhận tình trạng hiện tồn của kỹ thuật nguyên thủy chứ không đảm bảo xác nhận tuổi, cho dù là tuổi tương đối của chúng. Công trình này nhằm làm rõ những vấn đề tiền sử – sơ sử của đồng bằng Nam Bộ, vì thế chủ chương chọn hai địa điểm đá cũ ngoài trời có địa tầng tương đối cụ thể ở phía bắc Lung Leng (Kon Tum, Việt Nam) và phía nam Kota (Tampan, Malaysia) để phác họa một phần bức tranh tiền sử sớm khu vực.
Nói cách khác, chưa có cơ sở để nói về thời đại đá cũ ở Nam Bộ, nhưng từ những di tích cụ thể đã được nghiên cứu có thể đưa ra những gợi ý về thời kỳ này ở Nam Bộ.
a) Hiện tượng đá cũ ở Lung Leng (Kon Tum)
Nghiên cứu tiền sử Tây Nguyên được bắt đầu từ khá sớm, cùng với chương trình khai thác thuộc địa của chính quyền thực dân Pháp hồi đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, dưới thời thực dân, chưa bao giờ đó là những chương trình điều tra, nghiên cứu cơ bản, mà chỉ là những phát hiện, công bố đơn lẻ, ngẫu nhiên như những hoạt động “bên lề” của chương trình khai thác thuộc địa mà thôi. Vì thế, cho đến trước khi giải phóng miền Nam năm 1975, tiền sử Tây Nguyên vẫn còn là một bức chấm phá rất thưa thớt và mờ nhạt. Trong đó nổi bật nhất là những phát hiện rìu đá mài quanh vùng Biển Hồ, ghi nhận những hoạt động của cư dân tiền sử trên vùng đất trù phú nhưng còn rất thưa dân và chậm phát triển này1.
Sau kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những cuộc điều tra cơ bản khảo cổ học ở Tây Nguyên đã được xúc tiến. Nhưng chính chủ trương tiến hành xây dựng các hệ thống thủy điện ở Tây Nguyên mới thực sự là đòn bẩy thúc đẩy rầm rộ công cuộc điều tra, khai quật khảo cổ học ở Tây Nguyên. Trong đó tiêu biểu nhất là cuộc khai quật giải phóng mặt bằng hàng vạn mét vuông lòng hồ thủy điện Yaly tại khu vực Lung Leng (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Điểm liên quan đến phần viết này là phát hiện của các nhà khảo cổ về một hệ thống công cụ cuội nguyên thủy nằm trên bề mặt tầng sinh thổ hoặc đôi khi xen lẫn với di vật tầng văn hóa thời hậu đá mới – kim khí tại một số hố khai quật ở Lung Leng.
Di tích khảo cổ học Lung Leng vốn là một gò cao hình mu rùa nằm bên cạnh sông Sê San. Vị trí cư trú thuận lợi đã biến nơi đây thành điểm dừng chân của những người săn bắt, hái lượm thời đại đồ đá cũ, mà bộ công cụ gồm hàng trăm tiêu bản làm từ cuội sông, ghè đẽo một cách thô sơ để lại trong tầng đất nền laterit cổ nơi đây là những bằng chứng không thể chối cãi. Tổ hợp công cụ ghè đẽo nói trên đã phát triển đến giai đoạn muộn của lối sống nguyên thuỷ, thể hiện ở những công cụ cuội khá phát triển như rìu mài lưỡi, phiến cuội tròn có khoan thủng, tương ứng với những di vật của các nhóm săn bắt, hái lượm thời Toàn tân ở Nam Trung Quốc, Bắc Việt Nam và cũng giống bộ công cụ đá gần đây của những thổ dân Papua vùng châu Đại Dương.
Hiện tượng tồn tại những nhóm săn bắt, hái lượm sử dụng công cụ cuội sông rất thô sơ trên các triền đồi gò rừng khắp Đông Nam Á là một hiện tượng phổ biến và trải qua thời gian rất dài. Đặc điểm chung của công cụ cuội khá dễ nhận là việc lựa chọn từ các nguồn cuội sông có sẵn trong vùng sinh sống để ghè đẽo làm công cụ. Loại cuội sông thường thấy nhất là cuội thạch anh quartzit. Những hòn cuội dẹt, bầu dục vừa tay được ghè bẻ bằng một vài nhát đập khá đơn giản để tạo ra một rìa lưỡi hay đầu nhọn sắc giúp cho việc chặt hay đào bới kiếm ăn1.
Như đã đề cập đến ở phần trên, hiện tượng lớp cư dân thời đại hậu đá mới – kim khí để lại dấu tích văn hóa ở bên trên hoặc xen lẫn với di tích kiểu đá cũ ở Lung Leng rất giống với hiện tượng đã khai quật được ở Bản Ngạt (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) gần đây, năm 20061.
Tình trạng trên cũng được ghi nhận rất rõ tại hang Xóm Trại – một di tích hang động đá cũ ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, nơi người tiền sử đầu tiên đến cư trú từ 20 nghìn năm cách ngày nay. Dấu tích đồ gốm và rìu mài toàn thân kiểu Mán Bạc – Đông Khối (loại hình văn hóa 3.500 – 3.200 năm ở đồng bằng Thanh Hóa và Ninh Bình) đan xen chặt chẽ với công cụ cuội thô và vỏ ốc thức ăn của người văn hóa Hòa Bình sống tại hang này. Sự có mặt của những người trồng lúa của bình tuyến Mán Bạc – Đông Khối đã góp phần làm chuyển biến lối sống hang động, phụ thuộc thức ăn thiên nhiên của cư dân Xóm Trại xưa, làm xuất hiện những làng trồng lúa đầu tiên trong khu vực. Khi hiện tượng này được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Khảo cổ học năm 2007, nhiều nhà khoa học đã cung cấp thêm nhiều dẫn chứng khác tương tự, như trường hợp ở di chỉ Sập Việt (Yên Bái), Thành Dền (Phú Thọ), Làng Vạc (Nghệ An)…
Theo chúng tôi, hiện tượng tồn tại bộ di vật đá cũ ở Lung Leng cũng có thể góp thêm chứng cứ về sự thay đổi lối sống nguyên thủy với bộ công cụ cuội ghè đẽo bằng lối sống nông nghiệp thô sơ với rìu mài toàn thân, đồ gốm và sử dụng kim loại, diễn ra khoảng 3.000 – 4.000 năm cách ngày nay tại đây.
Phát hiện nhóm công cụ kiểu đá cũ bằng đá cuội ở Đạh Đờn, bằng đá bazan ở Đạh Bnâm Huôi, Hồ Tuyền Lâm gần đây ở Lâm Đồng chứng tỏ lối sống săn bắt, hái lượm tồn tại phổ biến và kéo dài trong điều kiện địa hình đồi núi ở Tây Nguyên. Cho đến tận gần đây, dù các thời đại đều ít nhiều ghi ấn dấu vết của mình trên vùng đất này, nhưng về cơ bản đây vẫn là một vùng đất chậm phát triển, lưu tồn nhiều giá trị văn hóa nguyên thủy và là nơi dừng chân lý tưởng của những nhóm người từng gặp phải bất lợi sau những biến động xã hội lớn.
b) Trường hợp Kota Tampan (Malaysia)
Trên danh nghĩa địa điểm đá cũ Kota Tampan nằm ở Penang (Tây Malaysia), nhưng thực tế nếu tính theo đường chim bay thì khoảng cách từ trung tâm đồng bằng Cửu Long đến đây (theo hướng tây nam) cũng bằng khoảng cách (theo hướng bắc) đến địa điểm Lung Leng (khoảng 600-700km). Kota Tampan là tên một quả đồi mà từ trước Chiến tranh thế giới thứ hai, một số nhà khảo cổ học người Anh đã từng phát hiện nhiều công cụ cuội ghè đẽo nguyên thủy. Gần đây, các nhà khảo cổ học Malaysia đã tiến hành khảo sát, khai quật tương đối hệ thống di tích này và xây dựng tại đây một bảo tàng ngoài trời về thời đại đá cũ ở miền Tây Malaysia. Điểm đáng nói nhất ở địa điểm này là địa tầng chứa công cụ và những cơ sở giúp xác định niên đại cho hoạt động của cư dân nguyên thủy chủ nhân bộ công cụ đó tại vùng này.
Tầng cuội sông cổ do lũ tích hình thành có độ dày trung bình 50 – 80cm chạy dài phủ hầu khắp bề mặt quả đồi. Tầng cuội đó hiện chìm dưới mặt đất khoảng gần 1 mét và nhờ đó đã giúp bảo tồn tính nguyên trạng của di tích đá cũ. Tình trạng dải cuội chứa công cụ này của Kota Tampan khá giống tình trạng của địa điểm Vườn Dũ ở Bình Dương nước ta. Tức là hoạt động của cư dân nguyên thủy đã khai thác cuội xuất lộ tự nhiên làm công cụ ngay trên bề mặt các tầng cuội sông sẵn có. Vì thế chúng ta có thể dựa vào kinh nghiệm của Kota Tampan để nghiên cứu lại địa điểm Vườn Dũ ở lưu vực Đồng Nai và phát hiện những địa điểm tương tự ở vùng lưu vực sông Hiếu (xã Nghĩa Đàn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An).
Công cụ cuội tìm được ở Kota Tampan về cơ bản khá gần gũi cả về chất liệu lẫn loại hình với công cụ kiểu Sơn Vi miền Bắc Việt Nam. Tại Kota Tampan, các tàn tích xương cốt người và động vật cũng không có, nhưng điều khác biệt cơ bản chính ở điều kiện bảo tồn của chúng trong một địa tầng tự nhiên khá nguyên vẹn. Thời kỳ hoạt động của cư dân nguyên thủy ở đây lại ngẫu nhiên trùng với hoạt động núi lửa trong vùng mà các nhà khoa học địa chất có thể định được tuổi nhờ tro bụi của chúng. Vì thế, việc nghiên cứu tỉ mỉ mối quan hệ giữa các lớp bụi núi lửa với địa tầng chứa công cụ đã giúp các nhà khảo cổ học Malaysia giới hạn tuổi của bộ công cụ cuội Kota Tampan trong khoảng 34.000 năm cách ngày nay. Và như vậy, cùng với hiện tượng công cụ cuội kiểu Sơn Vi tại Bách Sắc (Trung Quốc) được xác định tuổi tới 800.000 năm và trường hợp Kota Tampan với tuổi 34.000 năm đã cảnh báo chúng ta về phương pháp luận trong việc định tuổi từng sưu tập công cụ cuội ghè đẽo phát hiện trên bề mặt, không có địa tầng.
2. Đồng bằng Nam Bộ và vấn đề nguyên liệu chế tác công cụ kiểu đá cũ
Cho đến nay vẫn chưa có phát hiện khảo cổ học nào về thời đại đá cũ trong phạm vi đồng bằng Nam Bộ. Địa điểm đã phát hiện công cụ kiểu đá cũ gần đồng bằng nhất là ở rìa thềm cao phía tây bắc, hạ lưu sông Đồng Nai. Đó là địa điểm Vườn Dũ (Bình Dương).
Theo công bố gần đây nhất1 thì các nhà khảo cổ vẫn đặt di tích Vườn Dũ vào phạm trù nghiên cứu thời đại đá cũ hậu kỳ, tương tự hiện tượng Sơn Vi ngoài trời ở miền Bắc Việt Nam. Di tích này nằm trên thềm phù sa cổ hữu ngạn sông Đồng Nai, ở độ cao từ 12 đến 14m so với mặt biển hiện tại (tọa độ 11004’00” vĩ tuyến Bắc – 106049’41” kinh tuyến Đông). Địa điểm này được phát hiện từ năm 1976 và được điều tra thăm dò năm 19782.
Cho đến nay số công cụ cuội mà mảnh tước thu thập được tại đây là hơn 20 tiêu bản. Chúng phân bố trên bề mặt và lẫn trong lớp cuội sông xuất lộ trên mặt thềm phù sa cổ rải rác trong vùng mang tên Vườn Dũ I, II và III. Đáng tiếc cho đến nay vẫn chưa có một cuộc khai quật quy mô nào được tiến hành tại đây, như cách đã được làm ở Kota Tampan (Malaysia), khiến cho phát hiện này dần đi vào quên lãng. Về phía vùng thềm cao Đồng Nai, số lượng di vật đá kiểu đá cũ xuất hiện nhiều hơn và nhiều khi đan xen trong một vùng địa lý có mật độ dày đặc di tích thời đại đá mới và kim khí1. Trong một số trường hợp, chúng được phát hiện cùng với các hiện vật thời đại đá mới hay thời kim khí, tương tự tình trạng ở Lung Leng (Kon Tum). Việc xác định di tích thời đại đá cũ ở Bình Dương cũng như ở Đồng Nai thực chất còn nặng tính phỏng đoán dựa trên so sánh loại hình kỹ thuật chứ chưa hề có bất kể chứng cứ địa tầng hay kết quả niên đại bằng các phương pháp khoa học tự nhiên nào. Do đó, trong các cuốn sách hoặc giáo trình viết về khảo cổ học thời tiền sử Nam Bộ nói chung, phần thời đại đá cũ được trình bày khá chung chung và mang tính hình thức, thiếu thuyết phục. Điều đó không chứng tỏ rằng đây là vùng hoàn toàn vắng bóng hoạt động của cư dân thời đá cũ mà chỉ lưu ý xác nhận một sự thực rằng cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một địa điểm thời đại đá cũ chuẩn xác nào ở vùng Nam Bộ, chí ít cũng như trường hợp ở Lung Leng (Kon Tum).
Như phần trên chúng tôi đã đưa ra một lý giải cho hiện tượng thiếu vắng di tích đá cũ ở vùng đồng bằng Nam Bộ dựa trên việc hiếm các bãi cuội sông đủ lớn thuận tiện cho việc chế tác công cụ. Điều này chắc hẳn chỉ đúng với khu vực đồng bằng nhận nước từ hệ thống sông Cửu Long, do lưu lượng phù sa lũ tích tại đây có kích cỡ hạt khá khiêm tốn. Trong khi đó, thảng hoặc ở lưu vực sông Vàm Cỏ Đông và sông Đồng Nai người ta đã phát hiện được một số tầng cuội cổ đôi khi xuất lộ trên bề mặt bị bào mòn hoặc đứt gãy. Ví như dải cuội chạy dài từ Vườn Dũ đến Mỹ Lộc phía hữu ngạn sông Đồng Nai thuộc địa phận tỉnh Bình Dương. Việc thiếu hiếm nguồn đá chế tác công cụ là đặc điểm dễ thấy và có ảnh hưởng nhất đến quá trình phát triển tiền sử sớm ở đồng bằng Nam Bộ.
Về mặt lý thuyết, phân bố cư trú tiền sử sớm của con người phụ thuộc chặt chẽ vào ba yếu tố chính: 1- Vùng đạt sự cân bằng ổn định của thức ăn thiên nhiên quanh năm, 2- Vùng đảm bảo có đủ nguồn nguyên liệu cần thiết phục vụ cuộc sống kiếm ăn nguyên thủy (đá, tre, gỗ, xương động vật ăn cỏ), 3- Vùng đủ điều kiện tránh cho con người những nguy hại từ thời tiết, khí hậu (vùng có nhiều hang động, vùng không bị bão tố, sóng thần, sa mạc hay băng tuyết) và môi trường tự nhiên, xã hội (côn trùng gây bệnh, thú dữ và đối thủ nguy hiểm từ các cộng đồng người khác). Xét trên các khía cạnh đó, thì vùng đồng bằng Nam Bộ, cả trong thời kỳ mở rộng cực đại gần nhất (18.000 – 15.000 năm trước), khi biển ở xa cách bờ hiện tại trên dưới 200km, nâng tổng diện tích đồng bằng lên gấp hơn 5 lần so với ngày nay, vẫn luôn là một vùng sông ngòi dày đặc, phù sa tươi tốt, có đủ điều kiện phát triển nguồn sống tự nhiên cho con người. Đó cũng là vùng không bị đe dọa bởi các yếu tố môi trường có hại. Tuy nhiên, hiện tượng vắng bóng dấu tích hoạt động của con người thời đại đá cũ ở đây hoàn toàn là do thiếu vắng điều kiện thứ hai, tức không đảm bảo dễ dàng có nguồn nguyên liệu đá công cụ.
Trong phạm trù thời đại đá cũ, nguồn nguyên liệu đá thông dụng nhất để làm công cụ là những loại đá có độ hạt mịn, gắn kết bền vững tồn tại dưới dạng đá cuội lăn hoặc đá khối gốc, trong đó những vỉa, bãi cuội lăn có kích thước trung bình 15 x 10 x 5cm thường được coi như điều kiện lý tưởng nhất cho mục đích công cụ của những người săn bắt, hái lượm thời đại đá cũ. Các bãi cuội như vậy thường hình thành trong quá trình lũ tích, rửa trôi từ các vùng đá khối gốc. Theo một quan sát thực nghiệm sơn khối bazan Kim Bôi và vùng thung lũng cuội Mường Vang (Hòa Bình) thì phân bố của dạng cuội như vậy, trong điều kiện độ dốc trung bình 30 – 35%, từ vùng đá khối gốc theo các nhánh thượng nguồn sông Bưởi đến đồng bằng bãi cuội là khoảng 5km. Bãi cuội trong điều kiện đồng bằng, với độ dốc 5 – 10% có thể trải theo các dòng sông trên một diện tích rộng có bán kính tới 50km (ví dụ theo sông Bưởi tới vùng Đa Bút, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Trong một số trường hợp lưu lượng nước mạnh, độ dốc cao như sông Hồng, cuội có kích thước như trên chỉ phân bố ở vùng rìa đồng bằng cao thuộc một phần khu vực Hà Nội hiện nay.
Tại đồng bằng Nam Bộ, hầu như hoàn toàn vắng bóng dấu vết đá gốc có thể làm công cụ cũng như các tầng dải cuội trên lưu vực bồi đắp bởi sông Mê Kông. Cuội nhỏ dưới dạng sạn sỏi (trung bình dưới 1cm) chỉ xuất hiện ở vùng đồng bằng phía đông bắc do bồi đắp của các dòng sông Vàm Cỏ, Đồng Nai, Sài Gòn1. Những vỉa cuội có kích thước công cụ (15 x 10 x 5cm) hoặc nhỏ hơn, chỉ xuất hiện thưa thớt ở vùng thềm trung du các con sông vùng cao phía bắc – đông bắc của đồng bằng như sông Bé, sông Đồng Nai nhưng khá hiếm ở lưu vực sông Vàm Cỏ.
Điều kiện địa chất nói trên góp phần lý giải sự vắng bóng thời đại đá cũ trên khu vực đồng bằng Nam Bộ. Tuy vậy, dựa trên kết quả khai quật ở Lung Leng (Kon Tum) và Kota Tampan (Malaysia) và những phát hiện lẻ tẻ khác trên vùng rìa phía bắc sát nách đồng bằng Nam Bộ, chúng ta hoàn toàn có quyền tin rằng, trước khi xuất hiện những làng xóm trồng lúa sớm hậu kỳ đá mới, đã từng có những hoạt động săn bắt, hái lượm nguyên thủy khá sôi nổi ở rìa cao phía bắc và phía đông bắc khu vực.
3. Vấn đề lương thực trước nông nghiệp trồng lúa
Nguồn cung cấp thức ăn cho cư dân Việt cổ trước khi xuất hiện nghề lúa quảng canh chủ yếu khai thác trong tự nhiên và từ những hình thái trồng trọt các loại cây ăn được không phải là ngũ cốc, ví như các loại khoai (khoai sọ, củ từ), trám, hạt dẻ, chuối… Trong khung cảnh khảo cổ học, các hạt như trám, dẻ… đã từng thấy nhiều trong trầm tích Hoabinhian ở miền Bắc Việt Nam. Còn đối với các loài cho bột như khoai, củ hay các loại quả ăn được như chuối… chỉ là đoán định dựa trên tài liệu dân tộc học so sánh. Kết quả nghiên cứu starch1 trên các công cụ chế biến chưa được triển khai ở Việt Nam.
Trong thực tế, thông qua tài liệu dân tộc học, chúng ta hiếm thấy một nhóm cư dân sống dựa hoàn toàn chỉ vào một nền kinh tế trồng trọt những cây không ngũ cốc. Ngay cả trong những nhóm cư dân thực hành hệ thống nông nghiệp củ khá hệ thống như người Papua ở châu Đại Dương thì bản thân nền kinh tế đó đều phải gắn với một nguồn cung cấp lương thực tự nhiên khác do săn bắt, hái lượm bổ sung thêm.
Nông nghiệp ngũ cốc mới thực sự tạo ra bước nhảy vọt của xã hội loài người. Chỉ ngũ cốc mới cho phép thực hành quảng canh, tích trữ lâu ngày và nhờ đó tạo ra khả năng sản sinh ra giá trị “thặng dư” nguyên thủy – cơ sở để kích thích sản xuất và phân chia lao động. Nền sản xuất ngũ cốc không chỉ được minh chứng bằng sự có mặt những hạt ngũ cốc mà cần cả một hệ thống bảo quản, chế biến ngũ cốc. Khác với các loại hình lương thực khác, ngũ cốc đòi hỏi một quá trình chế biến phức tạp trước khi có thể trở thành đồ ăn cho con người. Việc sản xuất một lượng ngũ cốc đủ đáp ứng nhu cầu lương thực không thể là những hoạt động đơn lẻ của một cá thể hay của một đơn vị gia đình. Vì vậy, sự tồn tại một nền sản xuất lương thực ngũ cốc luôn gắn với sự định cư làng xóm với một diện tích đất lúa nhất định.
Nông nghiệp ngũ cốc ở Việt Nam chỉ có thể xuất hiện với bình tuyến Phùng Nguyên ở phía bắc và với bình tuyến An Sơn ở phía nam. Trước đó, ở những nền văn hóa trước Phùng Nguyên, như Đa Bút, Quỳnh Văn chúng ta khó tìm được bằng chứng của một nền kinh tế ngũ cốc. Địa điểm Gò Trũng là nơi khai quật được số lượng đáng kể chày và bàn nghiền có thể sử dụng cho chế biến ngũ cốc. Tuy nhiên, nếu chứng minh được thực sự cối, chày đó dùng chế biến ngũ cốc thì tàn tích thức ăn thu được trong tầng văn hóa vẫn phản ánh nguồn sống chính của Gò Trũng dựa vào thiên nhiên (cá và nhuyễn thể biển). Bên cạnh việc vẫn lấy khai thác lương thực từ nguồn thức ăn sẵn có trong thiên nhiên, có thể nghĩ rằng đã có thể tồn tại những dạng thức hoạt động nhằm chăm trồng một số cây hữu dụng có điều kiện (nhu cầu hằng ngày: sợi, gia vị, thuốc…)1.
Trong thời tiền sử sớm, horticulture là một loại hình kinh tế phụ mang tính tùy tiện và không hệ thống. Hầu như việc trồng chăm cây con này không có ý nghĩa gì đối với việc cung cấp lương thực cho con người. Nhưng chính thông qua việc chăm trồng đó, loài người đã nhận thức được bản chất quá trình sinh tồn phát triển của giống loài – nền tảng nhận thức quan trọng hàng đầu của việc tiến hành trồng trọt các loại cây lương thực sau này.
Trong lịch sử nhân loại thì những kiểu địa hình đồng bằng phù sa hạ lưu thường xuyên ngập lụt như đồng bằng Nam Bộ chỉ có thể trở thành những trung tâm văn minh nhà nước sớm, hệ quả của quá trình phát triển nông nghiệp ngũ cốc, thương mại và tụ cư. Những dạng địa hình đó chưa bao giờ là nơi trở thành cái nôi phát sinh nông nghiệp. Chính tình trạng phì nhiêu đến độ lúa không trồng vẫn mọc đã khiến đồng bằng này có một thời trì trệ kéo dài trong thời tiền sử. Tuy nhiên, chúng ta đã không tìm được bằng chứng con người khai thác đồng bằng lúa tự nhiên này cho đến trước thời hậu kỳ đá mới.
Sự xuất hiện làng trồng lúa hậu kỳ đá mới như An Sơn ở thượng lưu sông Vàm Cỏ Đông với niên đại khởi đầu thuộc bình tuyến những người trồng lúa sớm nhất trong cả khu vực Đông Nam Á (4.500 – 4.000 năm trước)1 là sự khởi đầu cho chuỗi phát triển văn hóa sản xuất lúa lương thực rất đáng chú ý của đồng bằng Nam Bộ. Dấu tích trấu lúa trộn trong đất làm gốm phát hiện ở những tầng sớm được xác định thuộc loại lúa trồng mang đặc trưng genetic của loài Orisa sativa japonica2.
Mãi cho đến thời kỳ trước, sau Công nguyên, các mẫu lúa thu thập được vẫn chiếm tỷ lệ khá cao là các loài lúa trời hoang hoặc bán hoang dại3. Hiện tượng này không có gì lạ, bởi cho đến tận gần đây vẫn tồn tại nhiều vùng cư dân sống bằng khai thác lúa hoang ở đồng bằng của những người lấy chiến lược sản xuất lương thực làm chính và những người còn một phần đưa tay chấp nhận sự hào phóng của thiên nhiên.
Bên cạnh sự khác biệt về di sản văn hóa giữa hai nhóm cư dân đại diện ở Transbassac và Cisbassac (đông và tây đồng bằng Nam Bộ) kể trên chúng ta còn nhận ra dấu hiệu ưu đãi của thiên nhiên có chiều hướng mở rộng hơn đối với khu vực Tứ giác Long Xuyên, nhất là kể từ nửa sau thiên niên kỷ 1 trước Công nguyên, đánh dấu bởi sự phát triển mật độ dân cư khá nhanh thông qua tăng trưởng số lượng di tích cư trú khảo cổ học. Tuy nhiên, cần phải phân tích xem xu hướng tăng dân cư đồng bằng đó là xu hướng tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp trồng lúa hay là tăng trưởng của khai thác lúa tự nhiên. Dựa vào phân tích bộ công cụ đá còn khá nghèo nàn (một phần do thiếu nguyên liệu) trong vùng Tứ giác Long Xuyên cũng như tình trạng sử dụng lúa trời còn khá cao (thông qua kết quả giám định dấu tích lúa) chúng tôi nhận thấy cho đến trước khi bùng phát văn hóa Óc Eo, nền kinh tế khai thác lúa tự nhiên vẫn chiếm vị trí quan trọng. Kinh tế trồng lúa hẳn mới chỉ dừng ở phạm vi các triền cao ven chân núi hoặc các doi sông, cồn sông. Trong trường hợp đó, công cuộc khai đào kênh mương trị thủy chỉ giới hạn trong phạm vi từng làng liên quan đến giới hạn trồng lúa quanh làng mà thôi. Hệ thống kênh rạch tự nhiên hoặc khai đào chắc chắn chỉ có quy mô hẹp phục vụ công việc vận chuyển lúa trời ở những cánh đồng hoang xa làng.
Tuy nhiên, như đã phân tích ở Chương I, trong lát cắt thời gian nửa sau thiên niên kỷ 1 trước Công nguyên, hiện tượng làng nghề chuyên hóa gia tăng rõ rệt ở khu vực đồng bằng cao và thấp phía đông Nam Bộ, thể hiện đầu tiên ở bốn lĩnh vực dễ nhận thấy: nghề gốm, nghề chế tác công cụ đá, chế tác đồ đồng và nghề làm sợi dệt vải. Những dấu hiệu làng nghề này đều tỏ ra khá mờ nhạt ở khu vực phía tây đồng bằng Nam Bộ. Rất có thể đã tồn tại ở hai nửa đông, tây một “mạng xã hội” xuất phát trước hết từ nhu cầu trao đổi sản phẩm: một bên là lương thực lúa và một bên là các sản phẩm làng nghề.
__________
1. Xem Lafont, P.-B.: “Note sur un site néolithique de la province de Plei Ku”, bài in trong BEFEO, 1956, vol. XLVIII, fasc 1, pp.233-248.
1. Dạng công cụ tương tự như vậy được phát hiện có niên đại cổ nhất trong khu vực Đông Nam Á cổ đại là ở Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc). Những hiện vật khai quật trên đồi Baidu huyện Tiandong thuộc lòng chảo Bách Sắc rất giống công cụ cuội sông mà chúng ta vẫn quen gọi là văn hóa Sơn Vi. Thoạt đầu, bằng phương pháp phân loại loại hình, đa số các nhà khảo cổ học cho rằng chúng tồn tại trong khoảng 15 – 30 ngàn năm trước. Nhưng gần đây, niên đại giám định bằng khoa học tự nhiên đã xác nhận chúng gắn liền với đời sống săn bắt, hái lượm của cư dân nguyên thủy sống cách chúng ta ngày nay hơn 800.000 năm (Xie Guangmiao: The Prehistoric Archaeology in Guangxi, Báo cáo khoa học tại Viện Khảo cổ học, Hà Nội, tháng 11-2008). Những công cụ tương tự đã được phát hiện và khai quật nhiều lần trên bề mặt cũng như trong địa tầng ở Kota Tampan (miền Tây Malaysia) đã được xác định niên đại thông qua tro núi lửa cho thấy chủ nhân bộ công cụ cuội ghè đó là những người săn bắt, hái lượm sống trước chúng ta hơn 30.000 năm. Tuy vậy, gần đây, tại miền Đông Ấn Độ, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một sưu tập công cụ cuội thạch anh rất nguyên thủy tồn tại lẫn với công cụ cuội mài lưỡi và một số yếu tố khá muộn, phản ánh sự giao tiếp của những nhóm cư dân nguyên thủy với những người chăn nuôi du mục sống cách ngày nay không xa. Hiện tượng tồn tại kéo dài những nhóm cư dân nguyên thủy đã được khoa học quan sát ở rất nhiều châu lục như châu Phi, châu Đại Dương, châu Mỹ trước khi làn sóng thực dân tác động làm biến đổi lối sống của họ cho thấy sự phát triển không đồng đều là một đặc điểm phổ biến của thời tiền sử.
1. Trong hố khai quật tại Bản Ngạt, các nhà khảo cổ ghi nhận hệ thống công cụ đá cũ tiêu biểu làm bằng cuội thạch anh nằm rải rác trên nền sinh thổ, tức là bề mặt nền cư trú đầu tiên của nhóm cư dân thời đại đồng thau cách đây 3.000 năm. Một số trường hợp công cụ cuội kiểu đá cũ đó nằm cùng tổ hợp di vật thời đại đồ đồng với tư cách như một hiện vật đang được sử dụng đương thời. Hiện tượng này đã khiến nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đã có sự cư trú đan xen, chồng chéo một thời giữa những nhóm cư dân trồng lúa đồng bằng Thanh Hóa với những nhóm săn bắt, hái lượm miền núi phía tây Thanh Hóa. Trong trường hợp ở Bản Ngạt, có thể những người trồng lúa đồng bằng thuộc giai đoạn Quỳ Chử – Đông Sơn đã mở rộng địa bàn hoạt động lên vùng núi Cẩm Thuỷ và đã tiếp xúc hoặc đã sử dụng nơi cư trú của nhóm săn bắt, hái lượm nguyên thủy ở Bản Ngạt, biến nơi đây thành làng trồng lúa.
1. Xem Bùi Chí Hoàng, Nguyễn Văn Quốc và Nguyễn Khánh Trung Kiên: Khảo cổ học Bình Dương – từ Tiền sử đến Sơ sử, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010, tr.47.
2. Xem Lê Trung Khá: “Những công cụ đá cũ mới phát hiện ở miền Đông Nam Bộ”, bài in trong Những phát hiện về khảo cổ học miền Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.23-50.
1. Xem Lê Xuân Diệm, Phạm Quang Sơn và Bùi Chí Hoàng: Khảo cổ học Đồng Nai, Nxb. Đồng Nai, 1991, tr.31-52.
1. Xem Trần Nghi và nnk: “Đặc điểm tướng đá – cổ địa lý và lịch sử phát triển địa chất Pliocen – Đệ tứ thềm lục địa Đông Nam Việt Nam”, bài in trong 60 năm địa chất Việt Nam – Tuyển tập báo cáo Hội nghị khoa học, Hà Nội, tháng 10-2005, tr.140-153.
1. Starch là các phân tử tinh bột thực vật. Việc sử dụng các loại củ, hạt có tinh bột của người tiền sử thường để lại dấu tích ở kẽ các công cụ gia công, chế biến như các bàn đập hạt, quả, hòn nghiền, chày giã củ, hạt… Ngành nghiên cứu tinh bột để lại trên các dụng cụ tiền sử như vậy cho phép chỉ ra xu hướng thức ăn tinh bột thực vật của các nhóm săn bắt, hái lượm.
1. Trong cuộc sống tiền sử sớm vẫn nảy sinh những nhu cầu chuyên biệt hằng ngày, trong đó sản phẩm của một số loài thực vật không phải bất kể lúc nào cũng phải rời bỏ nơi cư trú để đi xa tìm kiếm. Những sản phẩm phục vụ các nhu cầu chuyên biệt có thể là những loại cây gia vị có chức năng cân bằng khẩu vị hay chữa bệnh, hoặc những cây cho sợi giúp việc tu chỉnh, níu buộc lại công cụ hay vật dụng… Giới nghiên cứu dân tộc thực vật học cổ xếp chúng vào nhóm “cây hữu dụng” (using plants, industrial plants). Rất có thể một số loại cây như vậy đã được người tiền sử Hoà Bình trồng hoặc chăm sóc từ rất sớm một cách không hệ thống ngay gần sát nơi cư trú của mình, ví dụ cây gai cho sợi buộc, cây ớt, cây tre… cũng như một số cây cho thuốc trị cảm, đau bụng, bong gân, sai khớp… Những cây này cần cho bất cứ nhóm cư dân tiền sử nào. Thay vì mỗi khi cần phải đi tìm thì họ để chúng ở gần nơi ở của mình. Cũng có nhà nghiên cứu xếp chúng vào cái gọi là Horticulture (trồng vườn).
1. Xem Bellwood, P.: Premier Report of the Excavation at An Son (Long An, Southern Vietnam), 2010, tài liệu nội bộ. Xem thêm Bellwood, P.: First Farmers – The Origins of Early Agricultural Societies, Blackwell, 2005.
2. Xem Bellwood, P.: Personal information, ngày 25-7-2010.
3. Xem Nguyễn Xuân Hiển: “Archaeological Rice Remains in Vietnam”, bài in trong Southeast Asian Archaeology – EASEAA Conference Proceeding, Leiden, 1998.
Nguồn: Vùng đất Nam Bộ – Tập II – Từ cội nguồn đến thế kỷ VII,
NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Tiền sử Đồng bằng Nam Bộ – Phần 1: Hoạt động kiếm sống của cư dân tiền sử trên vùng đất Nam Bộ (Nguồn: Vùng đất Nam Bộ – Tập II – Từ cội nguồn đến thế kỷ VII, NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017) |