Tiếp biến nghệ thuật trang trí trên kiến trúc phong cách Đông Dương tại Hà Nội (1884 – 1945)
TRANSFORMATION OF DECORATIVE ART ON INDOCHINA
ARCHITECTURE STYLE IN HANOI (1884 – 1945)
Tác giả bài viết: BÙI THỊ THANH HOA
(Trường Đại học Mở Hà Nội)
TÓM TẮT
Nước Pháp là một trong những trung tâm nghệ thuật lớn của trong thời kỳ Phục Hưng và cho tới tận ngày nay của Châu Âu. Sẽ chẳng có gì liên quan tới quốc gia Đại Nam xưa kia nếu như không có sự xâm lược của họ vào mảnh đất hình chữ S năm 1858, mà ý nghĩa sâu xa được bắt đầu từ hiệp ước Versailles, ký kết năm 1787 bởi Nguyễn Ánh với người Pháp. Sở dĩ nhắc tới mối liên hệ này để thấy rằng sự hiện diện của người Pháp tại Việt Nam đã có hơn 70 năm trước khi họ chính thức xâm lược nước ta. Quãng thời gian đủ dài để người Pháp có những toan toan tính dài hơi cho sự cai trị của mình, cái mà họ gọi là “khai phá văn minh” cho xứ An Nam. Hiển nhiên, những người Pháp muốn sống một cuộc sống thật thoải mái như ở nhà, trên mảnh đất mà họ dự tính cai trị lâu dài, điều này dẫn tới việc các công trình mang phong cách kiến trúc Pháp đầu tiên được xây dựng. Tại Hà Nội, các công trình kiến trúc mang hơi thở, phong cách Pháp xuất hiện muộn hơn (1875), tiêu biểu là sự xuất hiện của phong cách Kiến trúc Đông Dương, là sản phẩm đặc sắc của sự kết hợp tài tình giữa kiến trúc phương Tây và văn hóa bản địa. Bài viết nhằm chỉ ra những đặc điểm trang trí trên các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc từ đó cho thấy được sự tiếp biến về văn hóa – mỹ thuật – kỹ thuật đối với các công trình kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc.
Từ khóa: Phong cách, nghệ thuật, Đông dương, kiến trúc.
ABSTRACT
France is one of the great arts centers of the Renaissance and until today of Europe. There will be nothing to do with the ancient Dai Nam nation without their invasion of the S-shaped land in 1858, but the profound meaning begins from the Treaty of Versailles, signed in 1787 by Nguyen Anh with the French. The reason referred to this relationship is to see that the French presence in Vietnam has been more than 70 years before they officially invaded our country. The time was long enough for the French to make a long-term attempt to manage their rule, which they called “civilized mining” for An Nam. Obviously, French people want to live a comfortable life like at home, on the land they intend to govern for a long time, which leads to the construction of the first French architectural style built. In Hanoi, the breath-taking architecture, French style appeared later (1875), typical of the appearance of the Indochina Architecture style, is a unique product of the ingenious combination between Western architecture and indigenous culture. The article aims to point out the decorative features on the French colonial architectural works, thereby showing the cultural – artistic – technical convergence for French colonial architecture works.
Keywords: Style, art, Indochina, architecture.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Vào đầu thế kỷ XX (1901-1920) ở Hà Nội, một loạt công trình kiến trúc đại diện cho chính quyền thực dân theo phong cách Tân Cổ điển được xây dựng và đưa vào sử dụng cho thấy chúng không hoàn toàn không phù hợp với khí hậu cũng như truyền thống thẩm mỹ và cảnh quan ở đây. Bản thân giới trí thức Pháp ở thuộc địa cũng nhận ra việc áp đặt những giá trị văn hoá từ chính quốc vào một đô thị bản địa có truyền thống văn hoá lâu đời thật khó có ngay được cái nhìn thiện cảm, hoặc nói thẳng ra là rất khó chấp nhận. Do vậy việc tìm tòi một phong cách kiến trúc vừa có khả năng đáp ứng công năng hiện đại, vừa phù hợp với khí hậu, cảnh quan và truyền thống văn hoá địa phương được một loạt kiến trúc sư người Pháp và sau đó là người Việt theo đuổi, từ đó tạo ra một phong cách kiến trúc kết hợp sau này được gọi là phong cách kiến trúc Đông Dương.
2. Sự xuất hiện của kiến trúc phong cách Đông Dương
Những năm đầu của thời kỳ thuộc địa ở Đông Dương kiểu dáng kiến trúc thời kỳ này thường là sự dập khuôn nguyên mẫu của các công trình phỏng theo chính quốc, không thực sự thích ứng với điều kiện tự nhiên và khí hậu ở Việt Nam. Các kiến trúc sư người Pháp trong quá trình thiết kế cũng đã tìm cách cải biên từ kiến trúc bản xứ sao cho thích ứng với khí hậu, sự dụng các kỹ thuật và vật liệu địa phương. Tuy nhiên sự vay mượn này đã dẫn điến nhiều sự trộn lẫn pha tạp trong kiến trúc.
Do đặc điểm vị trí địa lý của Việt Nam là nơi giao lưu với kiến trúc Trung Quốc từ hơn 2 thiên niên kỷ, từ nhiều thế kỷ với kiến trúc Chăm, Khơme và thậm chí có cả Nhật Bản. Trong thời kỳ thuộc địa Pháp, kiến trúc ở Việt Nam tồn tại song song 3 hệ thống là: kiến trúc Pháp, kiến trúc Việt Nam và kiến trúc thuộc địa. Trong thế kỷ XVII và XVIII, sự xuất hiện của các nhà truyền giáo và những kỹ sư, kiến trúc sư Châu Âu đã đánh dấu điểm khởi đầu cho sự trao đổi kiến trúc với phương Tây.
Bắt đầu từ những năm 1880 ở thời kỳ tiền thuộc địa, người Pháp vào Đông Dương khai phá đã mang tới phong cách kiến trúc phương Tây bản địa. Khi đó họ nhận ra rằng khí hậu ở nơi đây đặc biệt là Việt Nam rất khắc nghiệt, nên bản thân kiến trúc sẽ phải thay đổi để thích nghi với điều kiện không thuận lợi, khác với chính quốc. Và kiến trúc Tiền thuộc địa ra đời, là tiền thân của kiến trúc Đông Dương sau này. Người có công nhất trong việc sáng lập ra phong cách kiến trúc này là Ernest Hébrard, giáo sư của trường Mỹ thuật Đông Dương, một viên chức cao cấp được chính phủ Pháp đưa sang để phụ trách công việc quy hoạch và kiến trúc của ba nước Đông Dương. Ông là kiến trúc sư nổi tiếng đã có giải thưởng Prix de Rome. Ông gọi nó là “phong cách kiến trúc Đông Dương” (style indochinois). Thực chất đây là một phong cách chiết trung Âu – Á, trong đó không chỉ có chi tiết kiến trúc của ba nước Đông Dương mà có cả chi tiết kiến trúc Trung Quốc. Hébrard sử dụng “phong cách kiến trúc Đông Dương” rất sáng tạo và đã để lại những công trình rất có giá trị nghệ thuật. Một số công trình tiêu biểu: Toà nhà chính Đại học Đông Dương (19 Lê Thánh Tông), Sở Tài chính, Bảo tàng Louis Finot (1 Phạm Ngũ Lão), Viện Pasteur (1 Yécsin), Nhà thờ Cửa Bắc, Câu lạc bộ thuỷ quân (36 Trần Phú).
3. Đặc điểm nghệ thuật trang trí trên các công trình kiến trúc phong cách Đông Dương tại Hà Nội
Kiến trúc Đông Dương là một kiến trúc chỉ có ở Đông Dương. Những đặc điểm của phong cách kiến trúc Đông Dương chính là vẻ đẹp của sự kết hợp Châu Á với Châu Âu tạo nên vẻ đẹp riêng biệt. Để xây dựng được phong cách kiến trúc Đông Dương, những gì thuộc về giá trị văn hóa của người Việt vẫn cần được bảo tồn, ngoài ra có thể kết hợp những vật liệu xây dựng hiện đại, tiên tiến của Châu Âu như gạch ốp lát để tạo nên vẻ đẹp cho công trình và đảm bảo được độ bền của công trình.
Kiến trúc theo phong cách Đông Dương là những công trình có cấu trúc mặt bằng, hình khối hoàn toàn theo kiểu Pháp thịnh hành lúc bấy giờ, nhưng đã có sự tìm tòi, biến đổi về mặt không gian và cấu tạo kiến trúc nhằm tạo ra những công trình có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, cảnh quan cũng như truyền thống văn hoá bản địa. Các kiến trúc sư theo phong cách này thường sử dụng những hình thức và chi tiết kiến trúc truyền thống Việt Nam, trong việc tạo nên các bộ mái, ô văng che cửa, cùng các hoạ tiết trang trí khác. Nhìn chung đây là phong cách thành công nhất trong việc tạo ra những công trình kiến trúc đẹp, hiện đại, phù hợp với khí hậu, cảnh quan và văn hoá truyền thống bản địa thời kỳ Pháp thuộc. Kiến trúc Đông Dương là sự kết hợp tinh tế giữa những cái đẹp của nền văn hóa Việt với sự tinh tế của kiến trúc Pháp. Kiến trúc Đông Dương không mang đến sự áp đặt của kiến trúc Pháp mà còn tồn tại cái đẹp của kiến trúc Việt. Những giá trị tinh tế, hiện đại của Pháp kết hợp với văn hóa Việt tạo nên kiến trúc đẹp, riêng của kiến trúc Đông Dương. Và kiến trúc Đông Dương trở thành kiến trúc hiện đại của người Việt với nhiều đặc điểm.
– Về kỹ thuật và vật liệu xây dựng: Trong kiến trúc Đông Dương, kỹ thuật và vật liệu xây dựng được sử dụng là những kỹ thuật của Châu Âu với những vật liệu mới như hệ khung bê tông cốt thép chịu lực, khung thép tiền chế, sành sứ nhiều màu, ngói ardoise, gạch ốp lát… Phương tiện kỹ thuật trong xây dựng cũng được cải tiến khá nhiều với cột thu lôi, đèn điện, cổng sắt uốn, tấm lợp kim loại…
– Về các giải pháp kiến trúc: Kiến trúc Đông Dương vẫn được áp dụng các giải pháp thông thoáng, cách nhiệt để phù hợp nhất với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như bố trí các dãy hành lang, dàn pergola rộng rãi chạy dọc theo công trình. Phần tường phía sát trần được bố trí các lam gió để tạo sự thông thoáng và lấy sáng cho không gian bên trong. Thường kiến trúc Đông Dương được xây thêm một sân trong hay giếng trời để tăng thêm sự thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên cho phần lõi của công trình kiến trúc. Đồng thời sân trong, tiểu cảnh, giếng trời còn góp phần lớn vào việc tạo nên tính thẩm mỹ, sự thanh thoát và nhẹ nhõm cho toàn bộ khối kiến trúc.
Một trong những nét rất đặc trưng ở các công trình kiến trúc Pháp là tường xây rất dày, có nhiều nhà tường dày đến 40 – 50cm, vừa để chống nóng vào mùa hè, chống lạnh vào mùa đông. Cửa 2 lớp, trong kính ngoài lá sách, lấy sáng về mùa đông, lấy gió về mùa hè. Cửa sổ bao giờ cũng có ô văng lớn chống nước mưa tạt. Trong các công trình công cộng bao giờ cũng có hành lang lớn, hành lang này cũng là một yếu tố chống nóng. Hệ console gỗ rất đẹp, hợp với mái ngói và hệ xà gồ gỗ. Hệ thống thoát nước mái rất tốt, độ dốc mái bao giờ cũng là 60% đảm bảo thoát nước nhanh, không bị dột. Sử dụng gốm trang trí mặt đứng. Chân công trình không còn xây bằng đá hoặc ốp đá như trước đây nữa. Nếu chú ý kỹ sẽ thấy bậu của sổ bao giờ cũng có một độ vát nhất định để tránh nước tràn vào trong, đặc biệt có những công trình còn có rãnh thoát nước cho cửa sổ ngay trên bậu cửa mà nhìn kỹ ta mới nhận ra.
– Kết cấu mái nhà: Nếu trong kiến trúc truyền thống của người Việt sử dụng mái ngói thì mái của kiến trúc Đông Dương vẫn sử dụng mái ngói cho những công trình nhỏ và sử dụng mái bằng cho những công trình lớn. Phần mái thường được thiết kế nhô ra xa để có thể che nắng che mưa. Seno (dịch nghĩa tiếng việt) thu nước được thiết kế chạy dọc theo mái. Một số công trình sử dụng dạng mái vút cong ở các góc, mái chồng diêm theo kiểu kiến trúc truyền thống, có hoa văn trang trí ở đỉnh mái và ở các góc cong của mái.
Công trình tiêu biểu cho nghệ thuật thiết kế kiến trúc phần mái có sự tiếp biến nghệ thuật giữa nghệ thuật kiến trúc châu Âu và Á đông là Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng lịch sử Việt Nam). Hình khối mặt đứng công trình được nhấn mạnh bởi hệ thống mái che khối sảnh hình bát giác nhô cao phía trên công trình. Đây là một hệ ba lớp mái bao gồm mái trên có độ dốc lớn và được ngăn cách với các mái dưới bởi hệ thống cửa lấy sáng và một hệ console liên tục, phía dưới là hai lớp mái có độ dốc nhỏ hơn. Mặc dù hình khối theo kiểu bát giác mang nhiều nét của kiến trúc Trung Hoa cổ, nhưng nhìn toàn bộ khối mái này lại gợi cho chúng ta hình ảnh cúa tháp chuông chùa Keo ở Thái Bình, cách xử lý khéo léo của các kiến trúc sư ở hệ mái ba lớp với các console liên tục chồng lên nhau. Toàn bộ hệ mái cho các khu trưng bày được cấu tạo theo kiểu mái chồng diêm hai lớp thường thấy ở đình làng và các ngôi chùa Việt Nam truyền thống. Khe hở giữa hai lớp mái đóng vai trò thoát gió trong hệ thống thông gió tự nhiên của công trình.
Lớp mái phía dưới đua rộng ra khỏi hệ thống tường ngoài, có tác dụng che nắng và chống mưa hắt cho hệ thống cửa mờ rộng phía dưới, đồng thời tạo bóng đổ trên mặt đứng làm tăng vẻ duyên dáng cho toà nhà. Phần mái đua được đỡ bởi hàng cột kép kết hợp với hệ console cách điệu cùng các họa tiết trên lan can tạo ra một dáng vẻ Á Đông rõ rệt. Các giải pháp thông gió tự nhiên được các tác giả lưu ý đặc biệt bằng cách tổ chức một hệ thống cửa sổ mở rộng trên các tầng nhà, kết hợp với các cửa thoát gió trên mái khiến cho khối không khí trong nhà luôn được lưu thông theo cả phương ngang lẫn phương đứng.
– Thiết kế phần cửa: Trong kiến trúc Đông Dương được bố trí nhiều cửa trên tường. Những cửa sổ được thiết kế cao và rộng để tăng thêm sự thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên. Các công trình sử dụng phổ biến kiểu cửa lá sách đảm bảo cho gió tự nhiên vào trong không gian, giúp không gian thoáng hơn. Cửa sổ không chỉ được bố trí bên trên công trình mà còn được bố trí ở hành lang đặc biệt là hành lang ở phái chịu nhiều ánh sáng trực tiếp của mặt trời.
Công trình Sở Tài chính (nay là trụ sở Bộ Ngoại giao) với thiết kế hệ mái của công trình không chỉ mang tính trang trí mà có ý nghĩa thực sự về khả năng che nắng, cách nhiệt, chống chói và chống mưa hắt. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy phía Đông và Tây của toà nhà đều có các hàng hiên nhỏ có mái che chống bức xạ mặt trời gay gắt vào buổi sáng và buổi chiều. Khả năng thông gió và lấy sáng tự nhiên của công trình rất tốt nhờ lượng mở cứa lớn trên các mặt đứng. Các lỗ thoáng được đặt phía trên sàn và sát trần nhà đảm bảo khả năng thoát nhiệt. Toàn bộ cửa sổ đều được bố trí giữa hai lớp cửa kính trong chóp ngoài đảm bảo thông gió, lấy sáng tốt mà vẫn chống được ánh nắng chói chang về mùa hè và cái lạnh buốt giá về mùa đông ở Hà Nội.
– Về phần trang trí: kiến trúc Đông Dương thường sử dụng các hình thức và motip trang trí mỹ thuật truyền thống Việt Nam do các kiến trúc sư thời đó chủ yếu tận dụng những người thợ thủ công ở địa phương. Điều này cho thấy kiến trúc Đông Dương là một kiến trúc kết hợp của vẻ đẹp Á Đông với vẻ đẹp của Châu Âu.
Các motip trang trí mỹ thuật truyền thống Việt Nam thường có 3 loại họa tiết trang trí chính :
+ Motip trang trí con chữ: chữ Hán, Chữ Vạn…
+ Motip trang trí là các biểu tượng của tôn giáo như: Bát bửu, tứ linh, Bát quái, Lưỡng nghi…
+ Motip trang trí hoa lá: Hoa chanh, dây leo, lá cúc…
Hầu hết những chi tiết của motip trang trí ở Hà Nội là sự đề cập trực tiếp đến những hình tượng có tính chất khái quát mang tính triết lý phương Đông, các motip này được trình bày khá đơn giản, gọn gàng, mang tính cách điệu cao. Motip hồi văn chữ Vạn được sử dụng đến mức dày đặc trên tường Trụ sở Bộ Ngoại Giao và Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trên tường sát mái của Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia hoặc ngay trên cửa chính Đại học Tổng hợp Hà Nội có thể hiện hình tượng Bát quái.
Khác với họa tiết trang trí trên các công trình kiến trúc phong cách Đông Dương phía Nam giàu chất dân gian, các họa tiết trang trí trên các công trình kiến trúc phong cách Đông Dương ở Hà Nội chủ yếu sử dụng các đồ hình trang trí, các biểu tượng được kết tinh từ triết lý của các tôn giáo lớn như: Phật giáo, Đạo giáo, Khổng giáo chính vì vậy mà tính chất hàn lâm và thấm đẫm văn hóa Á đông là những nét rất nổi bật trong đặc trưng kiến trúc phong cách Đông Dương tại Hà Nội.
4. Giá trị tiếp biến trên nghệ thuật trang trí trên các công trình kiến trúc phong cách Đông Dương tại Hà Nội
Khi các kiến trúc kiểu phương Tây bộc lộ nhiều bất cập trong điều kiện khí hậu và văn hóa Việt Nam thì việc sử dụng nghệ thuật kiến trúc, trang trí truyền thống Việt Nam với các ý nghĩa triết lý văn hóa sâu sa mới là sự lựa chọn phù hợp. Qua đó cũng thể hiện tinh thần độc lập sáng tạo của các nhà kiến trúc sư người nước ngoài trong việc sử dụng thợ trang trí người Việt Nam là giải pháp tối ưu cho việc thích ứng với môi trường tự nhiên và khí hậu nơi bản xứ. Những ý tưởng kiến trúc tuy do người nước ngoài khởi xướng nhưng đã được các nghệ nhân Việt Nam thực hiện với tinh thần dân tộc với lối thể hiện không chỉ đúng về hình thức mà còn cả về nội dụng của nghệ thuật truyền thống đã chuyền tải. Đó chính là sự tiếp biến giữa các dòng văn hóa: Âu – Á (Pháp – Việt), sự cộng sinh của nghệ thuật trang trí phương Tây và phương Đông đầu thế kỷ XX, được biểu hiện bởi những tính chất sau :
– Giá trị lịch sử: thể hiện bởi sự đánh dấu một phong cách mới phù hợp với văn hóa truyền thống Việt Nam với các phong cách kiến trúc phương Tây đương thời được du nhập. Những hình thức kiến trúc, motip trang trí truyền thống thường xuất hiện trên các kiến trúc đình, chùa, cung điện, lăng tẩm… dưới bàn tay của những người thợ thủ công Việt Nam lại xuất hiện mềm mại, uyển chuyển, ăn hợp trên các công trình kiến trúc mang phong cách phương Tây. Điều đó chứng minh nghệ thuật trang trí dân tộc có thể phù hợp trong nhiều trường hợp với mục đích công năng sử dụng của các công trình kiến trúc tại Hà Nội thời kỳ đó. Không chỉ vậy, qua các hình thức truyền thống thể hiện trên kiến trúc phương Tây cho thấy bản sắc dân tộc được bảo toàn. Đó chính là đóng góp quan trọng và còn nguyên giá trị đến ngày nay của nghệ thuật Kiến trúc Đông Dương cho những giá trị lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Sự hiện diện của các hình thức kiến trúc, các motip trang trí dân gian trên các công trình kiến trúc ở Hà Nội đã chứng minh Kiến trúc phong cách Đông Dương là một phong cách nghệ thuật thuộc về bản sắc dân tộc Việt Nam – một nền nghệ thuật mang đậm tính dân gian. Phong cách kiến trúc này cũng có sự đóng góp lớn lao và là dấu ấn đặc sắc trong quá trình nghệ thuật tạo hình ở Việt Nam.
– Tính độc đáo: kiến trúc phong cách Đông Dương ở Hà Nội đã tạo ra sự khác biệt và tính chất riêng so với các kiến trúc cùng phong cách ở các địa phương khác… Với những nét gần gũi, thân thiện của nghệ thuật phương Đông đã nằm trong tiềm thức người địa phương phong cách Kiến trúc Đông Dương ở Hà Nội với những hình thức, ý nghĩa hoàn toàn hợp lý, hài hòa và phù hợp với kiến trúc mà nó cộng sinh gắn kết.
Những yếu tố đặc trưng của nghệ thuật trang trí kiến trúc truyền thống hòa quyện vào kiến trúc Pháp đã đem lại cho kiến trúc phong cách Đông Dương ở Hà Nội những điểm nhấn đặc biệt, là dấu ấn đặc sắc của phong cách này không thể nhầm lẫn với các phong cách kiến trúc khác. Điều đáng chú ý là, những công trình kiến trúc Đông Dương tại Hà Nội lại được thực hiện với những chất liệu mới (sắt, thép, vữa, xi măng, kính…) đã biểu hiện một tư duy sáng tạo mới để chứng minh phong cách nghệ thuật này có thể thích ứng để tồn tại và phát triển, cụ thể là thể hiện trên lĩnh vực trang trí kiến trúc.
5. Kết luận
Kiến trúc phong cách Đông Dương nói riêng và kiến trúc Pháp thuộc nói chung, được nảy sinh và phát triển trong bối cảnh người Pháp mở rộng các vùng thuộc địa tại bán đảo Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) trong đó các công trình thời Pháp thuộc để lại nhiều dấu ấn nhất là tại Việt Nam.
Kiến trúc phong cách Đông Dương là một sự nhìn nhận lại về cách tiếp cận nghệ thuật kiến trúc của người Pháp đối với một dân tộc nền tảng văn hóa nghệ thuật truyền thống lâu đời. Đồng thời phong cách kiến trúc này ra đời cũng cho thấy sự áp đặt và tính phi truyền thống trong các phong cách kiến trúc trước đó của người Pháp đã không được người bản địa chấp nhận.
Kiến trúc phong cách Đông Dương là sản phẩm của sự xuống thang và chấp nhận thỏa hiệp của kiến trúc Pháp với nghệ thuật kiến truyền thống Việt Nam. Ở một mặt khác đây là sự tiếp biến đầy sáng tạo của hai công trình sư “Pháp -Việt”. Các công trình kiến trúc phong cách Đông Dương nêu ở các phần trên là minh chứng thuyết phục nhất của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Pháp: đồ sộ, tráng lệ, vững chãi với sự tinh tế, mềm mại, sâu sắc của tinh hoa kiến trúc Việt Nam.
Ngoài những ý nghĩa nêu trên, kiến trúc phong cách Đông Dương còn là sự kết hợp, lai tạo hết sức độc đáo và kỳ lạ: giữa một bên là khoa học và chính xác trong toán học và vật lý trong thiết kế kiến trúc và một bên là những biểu tượng của triết học trong tôn giáo và văn hóa vừa sâu sắc vừa ẩn dụ cả sức mạnh tâm linh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đặng Thái Hoàng, Kiến trúc Hà Nội thế kỷ XIX – XX, NXB Hà Nội, 1995.
2. Hữu Ngọc, L. Borton, Kiến trúc Pháp ở Hà Nội, NXB Thế giới.
3. Nguyễn Đình Toàn, Những nhân tố tự nhiên và truyền thống văn hoá bản địa trong kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ, 1997.
4. Kiến trúc các công trình xây dựng tại Hà Nội (1875 – 1945), NXB Thế giới, 2009.
5. V. Malherbe và cộng sự, Hà Nội – giấc mơ Tây phương ở Viễn đông, Hà Nội, 2010.
6. Trần Quốc Bảo: Kiến trúc Pháp ở Hà Nội và tầm ảnh hưởng của nó, Đề tài nghiên cứu cấp Bộ, Trường đại học Xây dựng.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Viện Đại học Mở Hà Nội 54, (04/2019), 1-8
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Tiếp biến nghệ thuật trang trí trên kiến trúc phong cách Đông Dương tại Hà Nội (1884 – 1945) – Tác giả: Bùi Thị Thanh Hoa |