Tiếp biến văn hóa Phật giáo trong đạo Cao Đài

RECEIVING AND CHANGING OF BUDDHIST CULTURE IN CAO DAI RELIGION

Tác giả bài viết: ĐẶNG VĂN CHƯƠNG1, TRẦN THỊ THU HÀ2
(1Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Huế, Đại học Huế
2Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế)

TÓM TẮT

     Trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa nội sinh và văn hóa ngoại sinh ở Nam Bộ, Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XX, đạo Cao Đài đã ra đời và ngày càng phát triển. Bài viết trình bày và phân tích đạo Cao Đài đã tiếp biến nhiều yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể của Phật giáo Đại Thừa, một tôn giáo đã phổ biến sâu rộng ở Nam Bộ lúc bấy giờ. Từ khóa: Tiếp biến văn hóa, Phật giáo, Cao Đài, tư tưởng, danh hiệu các đức Phật, đạo kỳ, cổ pháp, y phục.

ABSTRACT

     On the basis of the perfect combination between endogenous culture and exogenous culture in the South and Vietnam in the first half of the twentieth century, Cao Dai religion was born and increasingly developed. The article presents and analyzes the Cao Dai religion that has adopted many tangible and intangible cultural elements of Mahayana Buddhism, a religion that was widely popular in the South at that time.

Keywords: Receiving and changing culture, Buddhism, Cao Dai, doctrine, titles of Buddhas, Cao Dai Flag, ancient Dhama, robe.

x
x x

1. Dẫn nhập

     Ra đời ở miền Nam Việt Nam vào những thập niên 20 của thế kỉ XX, đến nay đạo Cao Đài đã ảnh hưởng rộng rãi đến đời sống tín ngưỡng tôn giáo của cộng đồng người Việt ở trong và ngoài nước. Là một tôn giáo bản địa, song Cao Đài được xây dựng trên nền tảng dung hợp nhiều yếu tố văn hóa, tôn giáo khác nhau trên thế giới. Bài viết này tập trung nghiên cứu về sự tiếp biến văn hóa Phật giáo Đại Thừa/Phát triển trên các lĩnh vực như: giới luật, tư tưởng, danh hiệu các đức Phật, nghi lễ, đạo kỳ và cổ pháp, hệ thống chức sắc, y phục… trong đạo Cao Đài.

2. Giới luật và tư tưởng

     1.1. Giới luật

     Về giới luật, Phật giáo phân chia thành hai: tại gia và xuất gia. Đối với người tu tại gia cần phải hiểu và thực hành 5 giới; đó là, không sát sanh, không ăn trộm, không nói dối, không tà dâm và không uống rượu. Và tùy theo lòng phát nguyện ăn chay 2, 4, 8, 10… ngày/1 tháng hay ăn chay trọn đời. Ngoài ra đối với những người nhận tam quy, ngũ giới, muốn tu Bát quan trai thì phải giữ thêm 3 giới nữa đó là: không trang điểm và không xem múa hát, không nằm giường cao lớn, không ăn phi thời. Trong đạo Cao Đài, tín đồ cũng phải giữ gìn, thực hiện 5 giới nói trên như trong đạo Phật. Thông thường đối với những người mới gia nhập đạo thì thường bắt buộc ăn chay 8, 10 ngày/tháng. Và sau đó tùy lòng phát tâm có thể ăn chay trọn đời. Đối với những người vào tịnh thất tu thì phải ăn chay từ 6 tháng trở lên. Và khi đang vào tịnh thất tu thì không được ăn phi thời.

     1.2. Tư tưởng Tịnh Độ

     Tư tưởng Tịnh Độ là tư tưởng của một tông phái Phật giáo. Theo tông phái này, người tu hành cần phải nương tựa vào lời phát nguyện và năng lực của đức Phật A Di Đà để được sanh về nước Tịnh Độ. Người tu hành chỉ cần niệm danh hiệu của đức Phật một cách chuyên cần thì lúc sắp mất sẽ được đức Di Đà tiếp dẫn. Hiện tại trong các nghi lễ cầu siêu đều có niệm danh hiệu của đức Phật Di Đà, thần chú Vãng sanh và tụng kinh Di Dà. Khi nhập liệm và di quan đều niệm danh hiệu của đức Phật. Đạo Cao Đài cũng tiếp nhận hình tượng của đức Phật Di Đà, trong các lễ cầu siêu cũng có các bài tán dương công đức của đức Phật; tuy nhiên việc thường xuyên niệm danh hiệu của đức Phật thì đã được tiếp biến qua hình tượng của đức Chí Tôn. Chúng ta có thể thấy trong Kinh Di Đà của Phật giáo có đoạn như sau: “nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhơn, văn thuyết A Di Đà Phật chấp trì danh hiệu, nhược nhất nhựt, nhược nhị nhật, nhược tam nhựt, nhược tứ nhật, nhược ngũ nhật, nhược lục nhật, nhược thất nhựt, nhứt tâm bất loạn. Kỳ nhơn lâm mạng chung thời, A Di Đà Phật dữ chư thánh chúng hiện tại kỳ tiền. Thị nhơn chung thời tâm bất điên đảo tức đắc vãng sanh A Di Đà Phật cực lạc quốc độ” [1,tr.79-80]. So sánh với đạo Cao Đài, Hộ pháp Phạm Công Tắc có nói: “Đức Chí Tôn là Đại Từ Phụ khi đến độ Bần Đạo, Bần Đạo có hỏi về phương Tận độ các vong linh nhân loại thì có nói quả quyết như vầy: Dầu cho có kẻ nào phạm tội dẫy đầy mặt đất mà khi hấp hối rồi chỉ kêu lấy danh Ta thì cũng đặng siêu thoát” [2]. Hay trong Di Lặc Chơn kinh có ghi: “Nhược hữu chúng-sanh văn ngã ưng đương thoát nghiệt, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng tùng thị Pháp điều Tam-Kỳ Phổ-Độ, tất đắc giảithoát luân hồi, đắc-lộ Đa-La Tam-Diệu Tam-Bồ-Đề thị chi chứng quả Cực-Lạc Niết Bàn” [3]. Qua đây chúng ta thấy được rằng tư tưởng Tịnh Độ đã được tiếp nhận và tiếp biến trong đạo Cao Đài.

     1.3. Tư tưởng thiền

     Trong Phật giáo, ngài Tông Mật chia thiền làm 5 loại: ngoại đạo thiền, phàm phu thiền, tiểu thừa thiền, đại thừa thiền, tối thượng thừa thiền. Trong đó tối thượng thừa thiền tức là dòng thiền được ngài Bodhidharma tiếp nhận và truyền bá [4, tr.6950]. Cho đến thời ngài Ngưỡng Sơn Tuệ Tịch thì cho rằng Ngài Bodhidharma sau khi đến Trung Quốc và truyền giáo truyền đến ngũ gia thất tông thuộc hệ thống Lục tổ Huệ Năng được còn gọi là Tổ sư thiền. Tôn này chủ trương không lập văn tự, không truyền riêng ngoài, chỉ ngay nơi tâm, tâm truyền tâm [5, tr.6898]. Tư tưởng dòng Tổ sư thiền này ảnh hưởng rất lớn đến đạo Cao Đài. Cụ thể, đạo Cao Đài lấy kinh Pháp Bảo Đàn của Lục tổ Huệ Năng làm cổ thư. Theo đạo Cao Đài thì thiền định có những phương pháp sau: 1. Thiền định quán chiếu lỗi lầm; 2. Thiền định quán chiếu vào một vấn đề; 3. Thiền định tìm một trạng thái thư giãn thân tâm; 4. Thiền định quán chiếu từng hoạt động của thân; 5. Thiền định quán chiếu vào mọi đau khổ. Phương pháp thiền định này là một công án Thiền giúp người thực hành luôn tỉnh tức và tu ngay nơi bản thân [6]. “Công án” trong thiền tông Phật giáo là những ghi chép lại lời nói và việc làm của các vị thiền sư để giúp cho người học thiền làm đối tượng để suy xét, nghiên cứu, nó cũng là phép tắc để nương tựa [7, tr.1195-1196]. Trong Cao Đài cũng sử dụng danh từ “công án” để chỉ cho người thực hành thiền dùng các phương pháp thiền trên quán chiếu bản thân. Ví dụ: “Phương-pháp thiền-định này nhằm vào các hành động lỗi-lầm của mình đã mắc phải để khắc-phục. Đây là phép thiền-định xuất-phát từ cửa tu-chơn của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, do một đấng Thiêng-liêng là Bát-nương Diêu-Trì Cung là bà Tiên thứ Tám của Cung Diêu-trì (nay là một nữ Phật) giáng cơ dạy nữ phái tại Trí-Huệ Cung. Phương-pháp thiền-định nầy là một công-án Thiền nhằm vào tự-tỉnh tu-thât” [8]. Phép quán chiếu lỗi lầm của Cao Đài giống với phép sám hối trong đạo Phật. Bên cạnh đó, sự tỉnh giác trong từng giây phút tương tự phép chánh niệm của Phật giáo. Quán chiếu theo từng hành động của thân thể đây là sự ảnh hưởng rất lớn từ Phật giáo phát triển, tức là khi đi, đứng, nằm, ngồi đều trong chánh niệm, trong sự tỉnh giác. Nó cũng đặc biệt ảnh hưởng pháp thiền của Lục tổ Huệ Năng: “Ngoài lìa tướng tức là thiền, trong chẳng loạn tức là định” [9, tr.229]. Thế nên trong mọi lúc mọi nơi đều tu tập được, không phải chỉ khi ngồi trên bồ đoàn mới là ngồi thiền. Trong thiền định thực hành của đạo Cao Đài có ghi: “Do đó trong chơn-truyền của Cao-Đài-giáo xem những việc làm thường nhật như ăn uống, ngủ thức, đi ra đường, khi trở về nhà… mỗi việc làm coi như thực hiện một nghi-lễ nghĩa là phải tập-trung tư-tưởng một cách nghiêm-túc như là làm trước mặt Thượng-Đế và được Thượng-Đế chứng giám” [10]. Hay “trong từng công việc nhỏ nhặt, thậm chí như rữa chén bát, nấu ăn, giặt dũ, quét dọn, tắm rửa… bằng cách tập-trung tư-tưởng vào việc làm với tất cả chân-thành và trân-trọng, cả ngủ-quan đều đặt hết vào sự việc cho thật hoàn-hảo tâm-tư không mong đạt đến điều gì, nhưng mà cứ làm như vậy thì thâm tâm sẽ tỉnh lặng và trí tuệ sẽ từ từ phát triển. Đây là phương-pháp dụng-công tuhành tốt nhất và cũng hữu-hiệu nhất, nên ca dao có câu: “Nhất tu thị, nhị tu gia, thứ ba tu chùa”. Phương-pháp thiền-định này, ngay từ hồi Nhị-kỳ phổ-độ, đồng thời với Phật Thích ca, Bồ-tác Duy-ma-Cật đã nói rằng: “Không phải ngồi sững mới là thiền, tâm chẳng trụ trong chẳng trụ ngoài như vậy là thiền…” [11]. Tuy nhiên đạo Cao Đài có nhiều sự khác biệt sau khi tiếp nhận và tạo nên những nét đặc sắc riêng biệt.

2. Danh hiệu của các đức phật

     Danh hiệu của các vị Phật trong Phật giáo được xuất hiện trong các bản kinh, những bài giáng cơ của đức Chí tôn. Về mặt hình tượng, lịch sử cũng như tín ngưỡng mang màu sắc Phật giáo tuy nhiên có những nét tiếp biến đặc sắc riêng biệt.

     2.1. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

     Đức Phật Thích Ca là đức Phật lịch sử được sinh ra tại vườn Lumbini khoảng thế kỷ thứ V trước Tây lịch, là thái tử con vua Suddhodana và hoàng hậu Maya ở thành Kapilavatthu thuộc bắc Ấn Độ. Năm 29 tuổi, thái tử vượt thành để đi tìm con đường giác ngộ. Năm 35 tuổi sau 49 ngày đêm ngồi thiền định dưới gốc cây Bồ đề thì chứng ngộ. Sau đó đức Phật thuyết pháp 44 năm và nhập Niết-bàn. Với tôn chỉ “tam giáo quy nguyên”, Cao Đài kế thừa hình tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong đạo Phật. Cho đến lịch sử tìm cầu học đạo và thuyết giảng cũng hoàn toàn tương đồng đầy đủ 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp. Hàng năm vào ngày 08/04 (AL) tại Tòa thánh Tây Ninh hay các tòa Thánh thất tại các địa phương có thiết đại lễ cúng vía Đức Phật Thích Ca. Tuy nhiên, sự tiếp biến thể hiện rõ khi đạo Cao Đài cho rằng Đức Phật là một người đệ tử của Thượng đế (đấng Chí tôn) thay Thượng đế giảng giải đạo lý của mình trong thời kỳ đầu. Về vị trí thờ tự thay vì tượng Phật Thích Ca ở giữa hai bên là Bồ tát Quan Âm và Địa Tạng hay Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền như trong Phật giáo thì hình tượng Phật Thích Ca trong đạo Cao Đài cũng được thờ ở giữa nhưng hai bên là Lão tử và Khổng tử.

     2.2. Đức Phật Di Lặc

     Trong kinh điển Phật giáo thì ngài Di Lặc được sinh trong một gia đình Bà-la-môn, xuất gia làm đệ tử của đức Phật Thích Ca, sau đó nhập Niết-bàn trước đức Phật Thích Ca. Hiện tại ngài Di Lặc đang ở cung trời Đâu Suất thuyết pháp, là người được đức Phật Thích Ca thọ ký sẽ làm Phật tiếp theo ở cõi ta bà. Trong Di Lặc chơn kinh của Đạo Cao Đài cho thấy Đức Phật Thích Ca đã giao cho ngài Di Lặc hóa độ chúng sanh trong thời kỳ thứ ba [12]. Về mặt hình tượng thì hình tượng đức Phật Di Lặc trong Cao Đài kế thừa hình tượng của Phật giáo. Cũng trong Di Lặc chơn kinh chúng ta thấy có sự xuất hiện danh hiệu của một số vị bồ tát như: “Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, tín ngã ưng đương phát nguyện Nam Mô Chuẩn Đề Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát, năng trừ ma chướng quỉ tai, năng cứu khổ ách nghiệp chướng, năng độ chúng sanh qui ư Cực-Lạc, tất đắc giải thoát.”. Hay “Nhược hữu chúng sanh văn ngã ưng đương thoát nghiệt, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, tùng thị Pháp điều Tam-kỳ Phổ-độ, tất đắc giải thoát luân hồi, đắc Lộ Đa-La Tam-Diệu Tam-Bồ-Đề, thị chi chứng quả Cực-Lạc NiếtBàn”[13]. Các danh hiệu “Chuẩn Đề Bồ tát”, “Phổ Hiền Bồ tát” là danh hiệu của các vị Bồ tát được xuất hiện trong rất nhiều bản kinh Phật như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm. “Phật”, “Pháp”, “Tăng” là ba ngôi tam bảo trong đạo Phật.

     2.3. Phật Nhiên Đăng

     Phật Nhiên Đăng là một vị cổ Phật trong Phật giáo, là người đã thọ ký cho đức Thích Ca thành Phật [14, tr.4331]. Theo giải thích của đạo Cao Đài, Nhiên Đăng là một vị cổ Phật ở Ấn Độ. Hiện tại đức Phật làm chưởng giáo Sơ Hội Long Hoa Thanh Vương đại hội, đang chưởng quản tầng trời Hư Vô Thiên. Trong Thánh Giáo Minh Thiện Đàn có ghi chép bốn bài giáng cơ như sau: 1. “Nhiên Đăng phụng lịnh Đức Cao Đài,/ Thuận ý Ngọc Hoàng, ngã giáng lai./ Bồ Tát chơn truyền vô tận ý,/ Ma Ha tự đắc độ hàn tai.”; 2. “Nhiên Đăng thương xót kẻ trần gian,/ Nên xuống Linh san đặng cứu nàn./ Khổ ách kia qua, tai trở lại,/ Lòng từ chơn thật đến Thiên đàng”; 3. “Nhiên Đăng Cổ Phật giáo từ đa,/ Dục đắc chơn truyền nguyện Thích Ca./ Nhứt bất ly kinh vô thế sự,/ Tây phương đắc ngộ lạc như hà.”; 4. “Nhiên Đăng Cổ Phật giáo từ đa,/ Dục đáo Niết Bàn nguyện Thích Ca./ Tu khả miễn hành kỳ thiện đạo,/ Văn kỳ chánh ngữ nguyện Di-Đà [15].

     2.4. Quan Thế Âm Bồ tát

     Bồ tát Quan Âm là vị bồ tát phát nguyện hễ ai đau khổ niệm danh hiệu ngài thì ngài liền quán sát âm thanh và cứu độ. Trong Tây phương tam thánh thì ngài cùng với bồ tát Đại Thế Chí đứng hai bên tượng Phật A Di Đà. Về Tam thánh ta bà thì ngài cùng với ngài Địa Tạng bồ tát đứng hai bên của tượng Phật Thích Ca. Về tín ngưỡng Quán Thế Âm trong đạo Phật chỉ cho tông giáo lấy hình tượng bồ tát Quan Thế Âm để thờ phụng và đọc tụng kinh Phổ Môn cũng như niệm danh hiệu của bồ tát. Đạo Cao Đài đã kế thừa hình tượng Bồ tát Quan Âm trong Phật giáo và cho rằng bồ tát là người nắm quyền Phật giáo trong thời kỳ thứ ba. Trong Tam chấn oai nghiêm của đạo Cao Đài thì bồ tát Quán Thế Âm ở vị trí phía tay trái dưới Lão tử (hình thánh đạo ngũ chi). Theo đạo Cao Đài dưới hình thức cơ bút, cụ thể trong LUẬT TAM THỂ, Bát Nương có nói: “Dưới quyền của Phật Mẫu có Cửu Tiên Nương trông nom về Cơ Giáo hóa cho vạn linh, còn ngoài ra có hằng hà sa số Phật trông nom về Cơ Phổ độ mà Quan Thế Âm Bồ Tát là Đấng cầm đầu. Quan Thế Âm Bồ Tát ngự tại Cung Nam Hải, ở An Nhàn Động, còn Cung Diêu Trì thì ở tại Tạo Hóa Thiên” [16]. Hình tượng Quan Âm còn xuất hiện trong những bài giảng, ví dụ: “QUAN trường như áo mặc rồi thay,/ ÂM chất người ôi! kíp tạo gầy;/ BỒ liễu nam nhân tua gắng chí,/ TÁT nhơn tác phúc chốn trần ai”[17]. Hay trong kinh Cầu Siêu: “Quan Thế Âm lân mẫn ân cần,/ Vớt lê thứ khổ trần đọa lạc” [18].

     2.5. Phật A Di Đà

     Đức Phật A Di Đà là một vị Phật thời quá khứ trong đạo Phật. Ngài là giáo chủ ở cõi Tây phương cực lạc, với lời nguyện hễ ai trước lúc mệnh chung niệm danh hiệu của đức Phật từ một niệm cho đến mười niệm thì liền được đức Phật và thánh chúng hiện trước mặt tiếp dẫn về cõi nước của ngài. Đạo Cao Đài cũng tiếp nhận hình tượng của đức Phật A Di Đà, tuy nhiên có sự tiếp biến rõ rệt. Cụ thể, đạo Cao Đài nói rằng đức Phật Di Đà trong thời kỳ thứ ba giao lại cho ngài Di Lặc làm chủ cõi Cực Lạc. Còn Đức A-Di-Đà Phật vào Lôi Âm Tự cùng Đức Phật Thích Ca tại Kim Sa Đại điện trong Kim Tự Tháp [19]. Ngoài ra trong lúc cầu siêu, hình tượng đức Phật Di Đà cũng xuất hiện nhằm cứu độ và tiếp dẫn chúng sanh như trong đạo Phật cụ thể như trong bài kinh cầu siêu: “Đầu vọng bái Tây Phương Phật Tổ, A Di Đà Phật độ chúng dân”[20].

     2.6. Địa Tạng bồ tát

     Trong đạo Phật, Địa Tạng là vị bồ tát phát nguyện cứu vớt chúng sanh trong sáu đường [21]. Trong đạo Cao Đài, hình tượng Địa Tạng bồ tát thường xuất hiện trong kinh cầu siêu “Đại Thánh Địa Tạng Vương Bồ Tát./ Bố từ bi tế bạt vong hồn” [22]. Hay trong bài kệ chuông: “Thần chung thanh hướng phóng chung đô/ Địa Tạng khai môn phóng xá cô/ Tam kỳ vận chuyển kim quang hiện/ Sám hối âm hồn xuất u đồ” [23].

3. Nghi lễ

     Nghi lễ trong đạo Cao Đài là sự hòa hợp của cả ba tư tưởng: Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo. Bắt đầu một buổi lễ thì sau khi bắt ấn tý, thì chủ lễ sẽ đưa tay đưa tay lên trán niệm “Nam mô Phật”, đưa tay qua bên trái, niệm “Nam mô pháp”; rồi tiếp tục đưa tay qua bên phải, niệm “Nam mô tăng”. Sau đó để tay trước ngực và niệm: “Nam mô Cao Đài tiên ông bồ tát ma ha tát./ Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát ma ha tát./ Nam mô Lý Đại Tiên-Trưởng kiêm Giáo-Tông Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ./ Nam-mô Hiệp-thiên Đại Đế Quan-Thánh Đế-Quân./ Nam-mô Chư Phật, Chư Tiên, Chư Thánh, Chư Thần.” Các danh niệm: “Nam mô Phật”, “Nam mô pháp”, “Nam mô tăng”, “bồ tát ma ha tát”, “Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát ma ha tát” và “Nam-mô Chư Phật” đều là các danh niệm trong Phật giáo. Phật giáo có ngũ phần hương gồm: giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát và giải thoát tri kiến hương, tương đương với năm phần pháp thân mà bậc Vô học (để chỉ cho bậc thánh chứng đắc A-la-hán không cần phải học thêm gì nữa) thành tựu năm pháp công đức có được [24, tr.3872]. Đạo Cao Đài tiếp biến ngũ phần hương của Phật giáo thông qua việc thắp 5 cây hương. Trong cuốn Thiên Đạo của Nguyễn Trung Hậu và Phan Trường Mạnh, chương III: Lễ nghi tế tự thuộc phần giáo lý có nói như sau: “Luận về phép tu tĩnh, năm cây nhang ấy biểu tượng năm giai đoạn tu hành, tùy theo công đức mà nên đạo quả. Năm cây nhang ấy gọi ngũ phần hương là: – 1). Giới hương, nghĩa là giữ trọn giới cấm cho thân mình trong sạch. -2). Định hương nghĩa là thiền định cho tâm thân an tịnh. -3). Huệ hương, nghĩa là thiền định rồi thì phát huệ. – 4). Tri kiến hương, nghĩa là phát huệ rồi gia công thêm nữa thì sẽ biết cái mầu nhiệm của Tạo Hóa, tức là đắc lục thông. – 5). Giải thoát hương nghĩa là giải thoát luân hồi quả báo” [25]. Đối với người chết, trong phần tang lễ đạo Cao Đài cũng có nghi lễ cầu siêu giống như tín đồ Phật giáo.

4. Đạo kỳ, cổ pháp và hệ thống chức sắc

     4.1. Đạo kỳ

     Theo hiến chương của đạo Cao Đài, thì đạo kỳ (cờ của đạo Cao đài) có ba màu là vàng, xanh, đỏ; trong đó màu vàng là màu đại diện cho phái Thanh cũng là màu của Phật giáo – một trong ba tôn giáo lớn được tiếp nhận hình thành nên đạo Cao Đài.

     4.2. Cổ pháp

     Cổ pháp theo đạo Cao Đài có có hai nghĩa: pháp thuật và bí pháp thời xưa của các tôn giáo được sử dụng làm biều tượng đại diện thể hiện sự kết hợp của các tôn giáo trong thời kỳ thứ ba. Trong Cổ pháp hộ pháp thì có ba vật đó là: bình bát vu; cây phất trần và kinh Xuân Thu. Trong đó có bình bát vu là biểu tượng của Phật giáo. Về cổ thư thì đạo Cao Đài lấy kinh Pháp Bảo Đàn của Lục tổ Huệ Năng (Phật giáo) làm đại diện.

     4.3. Hệ thống chức sắc của đạo Cao Đài

    Hệ thống chức sắc của đạo Cao Đài được chia làm hai phần: Hiệp thiên đài và Cửu trùng đài. Đối với Cửu trùng đài, có ba phái: Thái, Thượng, Ngọc. Trong đó, chưởng pháp của ba phái đại diện cho ba đạo lớn được Cao Đài thiếp nhận. Phái Thái đại diện cho Phật giáo, phái Thượng đại diện cho Lão giáo, phái Ngọc đại diện cho Nho giáo.

5. Y Phục

     Y phục của Cao Đài chia theo màu sắc đại diện cho ba tôn giáo lớn được tiếp nhận để hình thành nên đạo Cao Đài. Đối với phái Thái (đại diện cho sự tiếp biến đạo Phật) thì chia theo từng cấp bậc. Đối với Thái Chưởng giáo ở Cửu trùng đài thứ hai, thì bộ đại phục gần giống với y phục của Phật giáo nhất. Với áo trong màu vàng, bên ngoài đắp Khậu (hậu), đầu đội mũ Hiệp chưởng, tay cầm bình Bát vu, chân đi giày Vô ưu thêu chữ Thích. Ở các Cửu trùng đài sau gồm Thái đầu sư, Thái chánh phối sư, Thái phối sư và Thái giáo sư có nhiều thay đổi, tuy nhiên vẫn có áo trong màu vàng và đắp Bá nạp quang màu đỏ bên ngoài, không có mũ Hiệp chưởng và bình Bát vu. So sánh với Phật giáo, thì áo tràng mặc bên trong của tu sĩ là màu vàng, đắp y hậu và phân chia theo từng loại, bậc phức tạp hơn so với đạo Cao Đài. Về y phục của Hộ pháp trong đạo Cao Đài gần có nét tương tự với y phục của các tượng Hộ Pháp trong Phật giáo. Trên tay vị Hộ Pháp cũng cầm Giáng ma xử giống hình tượng hộ pháp Vi Đà trong Phật giáo. Trên Kim khôi (mũ) có 3 ngạnh với ý nghĩa là Chưởng Quản Tam Thiên bên Tây Phương Cực Lạc. Còn trên bộ tiểu phục, thì mũ đội có thêu 3 hình cổ pháp.

6. Kết luận

     Có thể nói đạo Cao Đài là sự kế thừa, kết hợp nhuần nhuyển giữa văn hóa Nam Bộ, văn hóa dân tộc với văn hóa các tôn giáo trên thế giới đã có mặt và phổ biến ở Nam Bộ vào nửa đầu thế kỷ XIX, và đã đáp ứng nhu cầu tâm linh của đông đảo nhân dân. Phật giáo Đại Thừa/Phát triển đã được đạo Cao Đài tiếp nhận, biến đổi để góp phần hình thành tư tưởng, giới luật, chức sắc, đạo kỳ, cổ pháp, y phục… của mình, tạo ra một tôn giáo mới có tính tích hợp trong bối cảnh Phật giáo nước nhà đang gặp nhiều khó khăn dưới thời Pháp thuộc. Chính việc tiếp biến văn hóa Phật giáo này trong mối quan hệ với “tam giáo đồng nguyên” vừa giúp đạo Cao Đài dễ đi vào lòng người, dễ tiếp nhận, tạo cơ sở cho sự phát triển lâu dài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Thích Minh Thời (2011). Kinh Di Đà, NXB Tôn Giáo, Hà Nội.

[2] Các Lời Phê của Đức Hộ Pháp. Sưu tập Du Văn Siêu chỉnh sửa Dã Trung Tử, http://caodaibanchinhdao.org/forum/showthread.php?t=2471, truy cập 11/10/2020.

[3] Di-Lặc Chơn Kinh, Kinh Cứu Khổ,
https://tusachcaodai.files.wordpress.com/2012/10/dilacchonkinh_kinhcuukho.pdf, truy
cập ngà 10/10/2020, tr.11.

[4] Thích Quảng Độ (dịch) (2014). Phật Quang Đại Từ điển (tập 5), NXB Phương Đông,
TP Hồ Chí Minh.

[5] Thích Quảng Độ (dịch) (2014). Phật Quang Đại Từ điển (tập 5), NXB Phương Đông,
TP Hồ Chí Minh.

[6] Dã Trung Tử (2003). Thiền định thực hành, Lưu hành nội bộ,
https://www.daotam.info/booksv/pdf/pdf2/Thien_Dinh_Thuc_Hanh.pdf, truy cập
ngày 10/10/2020, tr.17.

[7] Thích Quảng Độ (dịch) (2014). Phật Quang Đại Từ điển (tập 1), NXB Phương Đông,
TP Hồ Chí Minh, tr.1195-1196.

[8] Dã Trung Tử (2003). Thiền định thực hành, Lưu hành nội bộ,
https://www.daotam.info/booksv/pdf/pdf2/Thien_Dinh_Thuc_Hanh.pdf, truy cập
ngày 10/10/2020, tr.19.

[9] Thích Thanh Từ (2012). Kinh Pháp Bảo Đàn giảng giải, NXB Tôn Giáo , Hà Nội.

[10] Dã Trung Tử (2003). Thiền định thực hành, Lưu hành nội bộ,
https://www.daotam.info/booksv/pdf/pdf2/Thien_Dinh_Thuc_Hanh.pdf, truy cập
ngày 10/10/2020, tr.34.

[11] Dã Trung Tử (2003). Thiền định thực hành, Lưu hành nội bộ,
https://www.daotam.info/booksv/pdf/pdf2/Thien_Dinh_Thuc_Hanh.pdf, truy cập
ngày 10/10/2020, tr.36.

[12] Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng, Giới Thiệu Tòa Thánh Tây Ninh,
http://www.daotam.info/booksv/pdf/pdf2/GT-ToaThanhTayNinh.pdf, truy cập ngày
11/10/2020, tr.81.

[13] Di-Lặc Chơn Kinh, Kinh Cứu Khổ,
https://tusachcaodai.files.wordpress.com/2012/10/dilacchonkinh_kinhcuukho.pdf, truy
cập ngày 10/10/2020, tr.10-13.

[14] Thích Quảng Độ (dịch) (2014). Phật Quang Đại Từ Điển (tập 3), NXB Phương Đông,
TP Hồ Chí Minh.

[15] Liên Thanh, Nhiên Đăng Cổ Phật. Cao Đài – Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ,
https://sites.google.com/site/thienchaucom/–dhuc-nhien-dhang-co-phat, truy cập ngày
09/10/2020.

[16] Đức Quán Thế Âm Bồ Tát trong Tam Kỳ Phổ Độ. Tìm Hiểu Đạo Cao Đài,
http://www.tongiaocaodai.com/duc-quan-the-am-bo-tat-trong-tam-ky-pho-do/,truy cập
ngày 09/10/2020.

[17] Siêu tập Thánh giáo đức Quan Thế Âm Bồ tát (bài 1). Nhịp Cầu Giáo Lý. 6 28,
http://www.nhipcaugiaoly.com/post?id=576#cungtacgia, truy cập ngày 05/10/2020.

[18] Kinh Cầu Siêu. Cao Đài – Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ,
https://sites.google.com/site/thienchaucom/–kinh-cau-sieu, truy cập ngày 06/10/2020.

[19] Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng, Giới Thiệu Tòa Thánh Tây Ninh,
http://www.daotam.info/booksv/pdf/pdf2/GT-ToaThanhTayNinh.pdf, truy cập
ngày11/10/2020, tr.15.

[20] Kinh Cầu Siêu. Cao Đài – Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ,
https://sites.google.com/site/thienchaucom/–kinh-cau-sieu, truy cập ngày 3/10/2020.

[21] HT Thích Trí Tịnh (dịch) (2011). Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, tr.50-51.

[22] Kinh Cầu Siêu. Cao Đài – Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ,
https://sites.google.com/site/thienchaucom/–kinh-cau-sieu, truy cập ngày 3/10/2020.

[23] Liên Thanh, Kệ Chuông và Kệ Trống. Cao Đài- Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ,
https://sites.google.com/site/thienchaucom/–ke-chuong-va-ke-trong, truy cập ngày
06/10/2020.

[24] Thích Quảng Độ (dịch) (2014). Phật Quang Đại Từ điển (tập 3), NXB Phương Đông,
TP Hồ Chí Minh.

[25] Thiên Đạo, https://www.daotam.info/booksv/thiendao.htm, truy cập ngày 14/11/2020.

[26] Thiên Đạo, https://www.daotam.info/booksv/thiendao.htm, truy cập ngày 14/11/2020.

Nguồn: Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế,
ISSN 1859-1612, Số 1(57)/2021: tr.50-59

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Tiếp biến văn hóa Phật giáo trong đạo Cao Đài (Tác giả: Đặng Văn Chương, Trần Thị Thu Hà)