Tiêu cực và chống tiêu cực trong thi cử dưới triều Nguyễn

D NEGATIVES AND ANTI-NEGATIVES IN NGUYEN DYNASTIES’ EXAMINATIONS

Tác giả bài viết: Lê Thị Thu Hiềna, Nguyễn Trường Thia,
Nguyễn Thị Phương Hồnga, Phạm Hoàng Lan Chia
(aTrường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng)

TÓM TẮT

     Thi cử là một khâu trọng yếu trong quá trình giáo dục, là cách thức để đánh giá sản phẩm của một nền giáo dục và là con đường chính để tuyển lựa bậc hiền tài ở bất kì thời đại nào. Vì vậy, trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, giáo dục và thi cử luôn được nhà nước quan tâm và đề ra nhiều chính sách thay đổi. Hình thành khi chế độ phong kiến ở Việt Nam đã đi vào thoái trào, khi nền giáo dục Nho học đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém khó có thể cứu vãn, triều Nguyễn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, mà tiêu cực trong thi cử là một trong số đó. Dù triều Nguyễn đã đưa ra các biện pháp hòng cứu vãn, song các hiện tượng tiêu cực vẫn không ngừng bộc phát, như hệ quả tất yếu của những yếu kém trên lĩnh vực chính trị – kinh tế – xã hội – giáo dục dưới thời Nguyễn. Bài viết sẽ tập trung phản ánh thực trạng tiêu cực và chống tiêu cực trong thi cử dưới triều Nguyễn, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho công tác thi cử ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: thi cử; tiêu cực; chống tiêu cực; tiêu cực thi cử; triều Nguyễn.

ABSTRACT

     Exam is an important step in the educational process, a way to evaluate the product of an education and the main way to recruit talented people in any era. Therefore, throughout the history of Vietnam, education and examination have been always concerned by the state and set out many policy changes. When a regression occurred to the feudal regime in Vietnam, Confucian education revealed drawbacks and weaknesses that could not be saved; the Nguyen faced many difficulties and challenges. but negatives in examination was one of them. Although the Nguyen Dynasty introduced measures to save, negative phenomena continued to explode, as an evitable consequence of weaknesses in the political, economic, social and educational fields under the Nguyen. The article will focus on reflecting the negatives and anti-negatives in Nguyen dynasties’ examinations, from which we can learn various lessons for the examination in Vietnam today.

Key words: examination; negative; anti-negative, negative in examinations; Nguyen Dynasty.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Trong bất kì thời đại nào, từ thời phong kiến cho đến xã hội hiện đại ngày nay, việc tìm kiếm những người có năng lực thật sự để phục vụ đất nước là điều vô cùng cần thiết và quan trọng. Triều Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng của lịch sử nước ta. Trong quá trình tồn tại của mình (1802 – 1945), triều Nguyễn không chỉ vấp phải những khó khăn về ngoại giao, chính trị, kinh tế mà tiêu cực thi cử dưới thời nhà Nguyễn cũng trở thành một vấn đề nổi cộm trong xã hội lúc bấy giờ. Chính những hiện tượng tiêu cực trong thi cử đã tác động xấu đến tình hình xã hội, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước thời bấy giờ. Vì vậy, việc nghiên cứu vấn đề này đóng một vai trò rất quan trọng, đây là cơ sở để chúng ta nhận thức một cách đúng đắn, khách quan về tình hình thi cử thời Nguyễn, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm làm nền tảng cho việc phát triển giáo dục Việt Nam.

2. Tiêu cực trong thi cử dưới triều Nguyễn

     2.1. Thực trạng tiêu cực trong thi cử dưới triều Nguyễn

     Tiêu cực trong thi cử có thể hiểu là những hành vi, hành động, hiện tượng không lành mạnh, cố ý lừa dối, giấu diếm, làm trái hoặc vi phạm vào những quy định, những quy chế được định ra đối với việc thi cử, những hành vi này có ảnh hưởng không tốt đến việc thi cử, làm mất tính minh bạch, công bằng trong thi cử hoặc làm cho kết quả thi cử sai lệch, không đúng với thực chất, gây tác động xấu đến xã hội.

     Đến thời nhà Nguyễn, giáo dục Nho giáo vẫn nắm giữ địa vị độc tôn, cũng chính vì lẽ đó mà thi cử gần như là con đường duy nhất để tiến đến công danh sự nghiệp. Cái đích ấy đã khiến bao nhiêu sĩ tử ngày đêm dùi mài kinh sử và cũng để đạt được nó mà không ít kẻ đã giở những mánh khóe gian lận để leo lên những nấc thang danh vọng. Cũng giống như các triều đại trước đó, dưới triều Nguyễn, các hiện tượng tiêu cực thi cử vẫn tiếp tục hiện hữu, gây nên những nhức nhối và ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế – xã hội nước ta trong giai đoạn này.

     2.1.1 Kì Khảo hạch

     Thi Hạch là kì thi để kén người được tham dự kì thi Hương, là bước đệm cho thí sinh đảm bảo đủ những điều kiện cần thiết, là “bài kiểm tra đầu tiên” để được tham gia kì thi Hương, hay nói cách khác đây là bước đầu tiên trong con đường thi cử của các sĩ tử. Không những vậy nếu thí sinh được điểm đạt cao cũng sẽ được miễn sai dịch, lao dịch. Chính vì lẽ đó mà ngay trong kì Khảo hạch đã có các hiện tượng tiêu cực dù không nhiều.

     Theo như ghi chép, dưới triều Nguyễn thì kì Khảo hạch chỉ xảy ra hai hiện tượng tiêu cực:

     – Năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), giám sinh Lý Trần Trinh đến trước quan điển khảo tự trần rằng hạch năm khoá y đều được ưu mà không được dự tuyển, những người được cử thì có người chỉ là hạng bình hạng thứ cùng là người mới bổ [3, tr.382].

     – Từ sau 1877, đời vua Tự Đức, nhiều người đi thi chỉ cốt được miễn sưu dịch [10, tr.141].

     2.1.2. Kì thi Hương

     Thi Hương là cấp thi quan trọng cấp đầu tiên để lấy người đỗ Cử nhân ra làm quan, ngoài ra, các Tân khoa sẽ được vua ban cho mũ áo, quà cáp, yến tiệc. Thêm vào đó, số lượng thí sinh tham gia vào các kì thi Hương khá đông gây khó khăn trong việc quản lí, giám sát, tạo ra nhiều kẽ hở để thí sinh cũng như quan trường vi phạm quy chế. Vì vậy, tính chất quan trọng của cấp thi này đã kéo theo sự gia tăng mạnh mẽ của các hiện tượng tiêu cực. Theo thống kê, đã có tới 38 hiện tượng tiêu cực đã xảy ra trong tổng số 47 khoa thi Hương mà nhà Nguyễn đã tổ chức.

Bảng 1. Hiện tượng tiêu cực thi cử trong kì thi Hương thời Nguyễn

STTThời gianHiện tượng
1Gia Long năm thứ 6 (1807)Thể sát, lại phòng lừa dối, làm tiền.
2Minh Mệnh năm thứ 6 (1825)Quan trường cho học trò ăn mặc giả làm người hầu đi lẫn vào (vi phạm trường quy).
3Minh Mệnh năm thứ 6 (1825)Xếp sai thứ tự người đỗ.
4Minh Mệnh năm thứ 6 (1825)Bộ Lễ xét ra trong quyển đỗ hương cống có dấu vết đáng ngờ (làm dấu bài) và lầm lẫn.
5Minh Mệnh năm thứ 12 (1831)Bộ Lễ duyệt lại những quyền văn đã lấy đỗ thì trường Nam Định có 1 người bị đánh hỏng, 2 người đổi lại thứ tự.
6Minh Mệnh năm thứ 12 (1831)Đến khi những quyển văn thi đỗ, khi đưa lên bộ duyệt lại thì 2 trường Thừa Thiên, Gia Định có 11 người bị đánh hỏng hoặc bị giáng xuống do không đạt.
7Minh Mệnh năm thứ 12 (1831)Trường Nghệ An 2 người bị đổi thứ tự.
8Minh Mệnh năm thứ 12 (1831)Lê Đức Quang, Phạm Huy đã bị truất, lại đi kêu rằng việc khai lầm quan chức của ông cha là do quan Quốc tử giám chỉ bảo.
9Minh Mệnh năm thứ 12 (1831)Đốc học Nghệ An Hoàng Quốc Bảo đệ nộp danh sách những quyển thi nhiều chỗ có vết hoen ố dây mực (giống như bị sửa).
10Năm Minh Mệnh thứ 15 (1834)Các giám khảo can thiệp đổi phê lại quyển văn bài thi của Phan Huy Xán.
11Minh Mệnh năm thứ 18 (1837)Bộ duyệt lại trường Thừa Thiên, truất bốn người xuống làm tú tài (do không đạt).
12Minh Mệnh năm thứ 18 (1837)Khi bộ Lễ duyệt lại quyển đỗ, thì trường Thừa Thiên bị truất 3 người (do không đạt).
13Minh Mệnh năm thứ 18 (1837)Đến khi bộ Lễ duyệt lại quyển đỗ, thì cử nhân trường Hà Nội là Khương Bá Khanh, kì đệ nhị bỏ mất chữ đầu đề (vẫn lấy đỗ)
14Minh Mệnh năm thứ 18 (1837)Cử nhân trường Nam Định là Nguyễn Quang Sán, kì đệ tam, văn lí nhiều đoạn không thông hoạt (mà vẫn lấy đỗ)
15Minh Mệnh năm thứ 18 (1837)Quan trường sau khi đã mở giấy dán tên ra, lại lấy đỗ thêm, coi xét việc trường là Nguyễn Danh Hiển, Bùi Hữu Thành, không đem việc ấy hặc tâu, lại cùng kí tên tâu lên
16Minh Mệnh năm thứ 20 (1839)Ở trường thi ở Nghệ An năm trước, phát giác ra việc Khoa đạo là Trương Tăng Diễn thông đồng tác tệ
17Minh Mệnh năm thứ 21 (1840)Nguyễn Công Trứ làm Chủ khảo trường Hà Nội đã mang theo một cô đào hát cải nam trang vào trường thi cho đỡ buồn (vi phạm trường quy)
18Minh Mệnh năm thứ 21 (1840)Án sát Quảng Bình Vũ Duy Vĩ sung trường Thừa Thiên, sau khoa thi phải làm bản phúc trình nhưng không làm
19Minh Mệnh năm thứ 21 (1840)Cử nhân trường Thừa Thiên là Mai Trúc Tùng, Vũ Khắc Đồng, quyển thi thứ hai, bài phú trùng vận (nhưng vẫn lấy đỗ)
20Minh Mệnh năm thứ 21 (1840)Lâm Duy Thiếp làm chủ khảo trường Nghệ An, chỉ lấy đỗ có 5 người, đến khi nhà vua ra lệnh cho đình thần duyệt lại, lấy thêm hơn 10 người nữa
21Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841)Phạm Duy Hàn mạo nhận quán ở Bình Thuận để thi ở Gia Định
22Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841)Cao Bá Quát làm Sơ khảo trường Thừa thiên cùng Phan Nhạ lấy muội đèn sửa hộ 24 quyển thi phạm trường quy, vớt được 5 tên
23Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841)Bùi Quỹ và Trương Tiến Sĩ che đậy cho Cao Bá Quát và Phan Nhạ chữa bài
24Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841)Chủ khảo trường Thừa thiên, Bùi Quỹ mộ chữ đẹp của Sơ khảo Cao Bá Quát triệu ra ngoại trường viết bảng, giữ lại một đêm (trái với quy định quan nội trường không được ra ngoại trường)
25Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841)Trương Đăng Trinh là cháu gọi Trương Đăng Quế bằng chú, bác, quyển văn kì thứ hai bị Nội trường đánh hỏng, phần khảo là Nguyễn Văn Siêu cho là văn lý có thể lấy được, nói với quan Ngoại trường liệt vào hạng lấy đỗ
26Thiệu Trị năm thứ 3 (1843)Trường Gia Định có Nguyễn Văn Nhuận, kì đệ nhất, đệ nhị đều ở vào hạng trúng cách. Chủ khảo Phan Trừ cho rằng kì đệ nhị, đài khoản không hợp thức, bèn để vào hạng Tú tài
27Thiệu Trị năm thứ 6 (1846)Danh sách dâng lên, 3 nha hội đồng kiểm duyệt, xét ra Phan Văn Nghi viết sai đầu bài thơ (mà vẫn lấy đỗ)
28Thiệu Trị năm thứ 6 (1846)Lê Văn Chất ẩn việc cha hắn can án làm giặc, không đem khai thực
29Thiệu Trị năm thứ 6 (1846)Danh sách dâng lên, 3 nha hội đồng kiểm duyệt, xét ra trường Nam Định, cử nhân Quách Khắc Hợp, Đặng Quang Hiển, Tạ Quốc Trinh, quyển văn 3 kì đều thứ (mà vẫn lấy đỗ)
30Tự Đức năm thứ 17 (1864)Các sĩ tử thi Hương ở 2 trường Hà Nội và Nam Định làm huyên náo cả trường (vi phạm trường quy)
31Tự Đức năm thứ 17 (1864)Các quyển văn trải qua các quan ở các bộ, viện Phước duyệt lại, có trích tâu 3 quyển trong hạng cử nhân, tâu lên chuẩn cho đánh hỏng (vì chưa đạt)
32Tự Đức năm thứ 17 (1864)Sĩ tử ở 3 trường thi thuộc Thừa Thiên, Hà Nội, Nam Định bàn luận xằng bậy, làm huyên náo (vi phạm trường quy)
33Năm Tự Đức thứ 21 (1867)Khi ra đầu bài, học trò làm huyên náo vì đầu bài ra trước, không chịu làm bài, nhổ lều ra khỏi trường
34Tự Đức năm thứ 27 (1874)Trước trường thi văn ở Nghệ An Phước khảo là Đặng Huy tự tiện mang hộp mực vào trường (vi phạm trường quy)
35Năm Tự Đức thứ 30 (1876)Phúc khảo trường Nghệ Đặng Huy Hoán mang hộp mực đen vào trường (vi phạm trường quy)
36Năm Kiến Phúc thứ nhất (1884)Trường thi Hương ở Thừa Thiên, quan trường phê lấy cử nhân 29 người, tú tài 67 người; quan ở bộ xét lại đánh hỏng 8 người (do chưa đạt)
37Đầu thế kỉ XXLê Tấn nhờ người thi hộ mà đỗ cử nhân
38Năm Duy Tân thứ 9 (1915)Con viên Án sát Nam định đem tài liệu vào trường thi
(Nguồn: Đại Nam thực lục tập 1, tập 2, tập 3, tập 4, tập 5, tập 6, tập 7, tập 8, tập 9;
Khoa cử Việt Nam (tập thượng))

   

     Từ Bảng 1 có thể thấy những hiện tượng tiêu cực thi cử trong kì thi Hương dưới triều Nguyễn tập trung vào nhóm những hiện tượng sau:

     – Quan lại chấm bài không tinh, như: “Minh Mệnh năm thứ 12 (1831), đến khi những quyển văn thi đỗ, khi đưa lên bộ duyệt lại thì 2 trường Thừa Thiên, Gia Định có 11 người bị đánh hỏng hoặc bị giáng xuống” [4, tr.223].

     – Quan trường vi phạm quy chế trường thi: “Quan trường cho học trò ăn mặc giả làm người hầu đi lẫn vào trong kì thi Hương năm 1825” [9, tr.185].

     – Quan trường xếp sai thứ tự người đỗ: “Mệnh năm thứ 6 (1825), xếp sai thứ tự người đỗ” [3, tr.422].

     – Quan trường can thiệp sửa bài cho thí sinh: “Cao Bá Quát sửa bài thí sinh vào kì thi Hương năm 1841” [6, tr.243].

     – Quan trường cậy chức làm tiền: “thể sát, lại phòng lừa dối, làm tiền trong kì thi Hương năm 1807” [2, tr.642].

     – Thí sinh làm huyên náo trường thi: “Năm Tự Đức thứ 17 (1864), sĩ tử ở 3 trường thi thuộc Thừa Thiên, Hà Nội, Nam Định bàn luận xằng bậy, làm huyên náo” [7,tr.1063].

     – Thí sinh vi phạm quy chế thi: “Nguyễn Văn Tường giả mạo họ vua vào kì thi Hương năm 1844” [6, tr.424].

     Các hiện tượng tiêu cực trong kì thi Hương xuất phát chủ yếu từ phía quan trường. Chỉ tính riêng việc quan trường chấm bài không tinh đã có đến 13 hiện tượng và 10 hiện tượng đối với việc quan trường vi phạm quy chế thi. Các hiện tượng tiêu cực có mặt trong hầu hết các triều vua, tuy nhiên tập trung nhiều ở thời vua Minh Mệnh với 19 hiện tượng tiêu cực và thời vua Thiệu Trị với 9 hiện tượng tiêu cực.

     2.1.3. Kì thi Hội

     Thi Hội là cấp thi quan trọng bậc nhất trong con đường quan lộ của các sĩ tử, đỗ kì thi Hội cũng đồng nghĩa với việc sẽ được bổ nhiệm vào chức vụ cao và tiếp tục được dự thi Đình. Do đó, kì thi Hội được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ và gắt gao hơn rất nhiều. Trên cơ sở đó cộng với việc số lượng thí sinh ít đã giúp việc giám sát có hiệu quả cao, vì vậy, trong kì thi Hội, số lượng các hiện hiện tượng tiêu cực trong thi cử chỉ còn 5 hiện tượng.

Bảng 2. Hiện tượng tiêu cực thi cử trong kì thi Hội thời Nguyễn

STTThời gianHiện tượng
1Minh Mạng năm thứ 7 (1826)Đặng Tế Mỹ mang văn tự vào trường thi
2Thiệu Trị năm thứ 3 (1843)Quan trường chấm bài tùy tiện, không tinh, nhờ đó Vũ Kim Đĩnh được xét đỗ
3Tự Đức năm thứ 15 (1862)Khoa này có hai người viết bài phú giống nhau, Tuần sát không chu đáo
4Tự Đức năm thứ 24 (1871)Quan trường chấm thi không xem xét cân nhắc lấy trúng cách đến 10 người
5Tự Đức năm thứ 30 (1877)Khuất Duy Nhuận và Nguyễn Văn Bình cậy có quan hệ với quan trường chấm thi, thông đồng với nhau để được lấy đỗ
(Nguồn: Đại Nam thực lục Tập 2, Tập 6).

     

     Bảng 2 cho thấy các hiện tượng tiêu cực xuất hiện rất ít trong các thi Hội. Cũng giống thi Hương, các hiện tượng tiêu cực trong thi Hội thời Nguyễn xuất phát từ cả phía sĩ tử và cả phía quan trường, trong đó tập trung vào việc:

     – Quan trường chấm bài không tinh, như “Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), quan trường chấm bài tùy tiện, không tinh, nhờ đó Vũ Kim Đĩnh được xét đỗ” [6, tr.536].

     – Thí sinh đem tài liệu vào phòng thi: “Đặng Tế Mỹ mang văn tự vào trường thi vào kì thi Hội năm 1826” [3, tr474].

     – Quan trường nhận hối lộ: “Vào năm Tự Đức thứ 30 (1877), Khuất Duy Nhuận và Nguyễn Văn Bình cậy có quan hệvới quan trường chấm thi, thông đồng với nhau để được lấy đỗ” [8, tr.286].

     2.1.4. Kì thi Đình

     Thi Đình là cấp thi cao nhất, việc thí sinh được lấy đỗ trong cấp thi Đình được gọi là Tiến sĩ. Người thi đỗ sẽ được ban mũ áo, yến tiệc và lễ biểu tạ ân và được làm quan chức trong triều chính, cụ thể là Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ được nhập ngạch Hàn Lâm Viện hàm Trước tác thuộc Chánh lục phẩm, Đệ nhị giáp hoặc Đệ tam giáp được nhập ngạch thuộc Chánh thất phẩm. Chính vì nhận được nhiều quyền lợi như vậy nên các sĩ tử đều nỗ lực mọi cách để đỗ kì thi Đình và triều đình nhà Nguyễn cũng tăng cường kiểm soát chặt chẽ kì thi cuối cùng này. Kết quả là chỉ có 3 hiện tượng tiêu cực nảy sinh: “Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), Lê Chân gian lận tuổi để đi thi” [5, tr.782]; “Vào kì thi Đình năm 1844, có quyển văn của Nguyễn Hữu Tạo chấm không tinh” [6, tr.674]; “Quan trường tiết lộ Phước thí trong kì thi Đình năm 1877” [8, tr.277]. Cũng giống với kì thi Hương và thi Hội, các hiện tượng tiêu cực thi cử vẫn xuất phát từ cả hai phía quan trường và thí sinh.

     2.2. Những giải pháp chống tiêu cực trong thi cử của nhà Nguyễn

     2.2.1. Trừng trị những trường hợp vi phạm quy chế thi

     Việc trừng phạt ngay và nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm quy chế thi có tầm quan trọng rất lớn, vừa tạo ra sự công bằng vừa là để làm gương răn đe những người khác.

     Dưới triều Nguyễn, các hình thức xử phạt đối với các hiện tượng trong thi cử tùy vào đối tượng và mức độ vi phạm. Đối với sĩ tử, hình thức xử lí bao gồm: nhắc nhở, phạt trượng, đánh hỏng, xử tội đồ, truất bỏ tước vị, đuổi về quê và không bao giờ được thi. Đối với quan trường, có các hình thức xử lí như: khiển trách, chuyển nơi làm việc, giáng chức, cách chức, giảo giam hậu (giam lại, chờ ngày thắt cổ). Chẳng hạn, đối với các hành vi chấm bài không tinh, khảo hạch không chính xác, xếp sai thứ tự sĩ tử, vi phạm quy chế giám sát trường thi (đưa người hát, học trò vào trường thi, mang mực vào trường thi) thì thường bị giáng cấp và phạt trượng; đối với việc quan lại lợi dụng chức vụ làm tiền thì bị xử tội đồ (tù khổ sai); còn đối với việc can thiệp sửa bài cho thí sinh tùy theo mức độ mà có thể cách chức, thậm chí là tội chết. Đối với sĩ tử, nếu làm bài không đúng quy chuẩn thì sẽ bị đánh hỏng; làm huyên náo trường thi có thể bị phạt dưới hình thức nhắc nhở cho đến xử phạt trượng; còn nếu như mạo nhận quê quán hoặc giấu diếm thân thế thì sẽ bị đuổi về quê và suốt đời không được đi thi nữa.

     Chúng ta có thể thấy được hình thức xử phạt khá đa dạng và linh hoạt. Tùy thuộc vào từng đối tượng và mức độ vi phạm của sĩ tử hay quan trường, bộ phận tham gia coi thi mà triều Nguyễn sẽ áp dụng những biện pháp xử phạt cụ thể khác nhau.

     2.2.2. Siết chặt quản lí đối với sĩ tử

     Để có thể hạn chế được những hiện tượng tiêu cực thi cử đến mức tối đa, bên cạnh việc thực hiện khảo hạch nhằm “sàng lọc” bớt những thí sinh yếu kém, ở kì thi đầu tiên là thi Hương, nhà Nguyễn đã đặt ra những quy định nghiêm ngặt buộc sĩ tử dự thi phải tuân theo:

     – Sĩ tử tuyệt đối không được được mang tài liệu vào trường thi, nếu ai vi phạm bị sẽ bị đóng gông một tháng, người phát giác sẽ được thưởng ba lạng bạc. Hết hạn đóng gông kẻ phạm tội còn bị phạt một trăm trượng [1, tr.70]. Nếu là cử nhân, giám sinh, tú tài lại bị xoá bỏ chân đỗ bắt về làm dân chịu sai dịch vĩnh viễn không được đi thi nữa, và không được vào làm việc ở các nha môn, các quan trong Kinh ngoài trấn không ai được bảo cử cho. Nếu đương trường khám thấy ở lều chiếu, hòm, tráp hoặc khăn gói, hay khăn trầu, để lẫn giấy có chữ, xét ra không phải giấy chép nghĩa sách và văn bài đi thi thì lập tức đánh 40 roi [10, tr.152].

     – Cấm không được nói chuyện ồn ào, chạy lộn xộn trong trường thi, những thí sinh phạm quy không chỉ bị trị tội mà còn truy đến Đốc học, Giáo thụ, Huấn đạo tại địa phương cư trú của thí sinh. [10, tr.70]

     – Trên quyển thi của thí sinh phải có đóng dấu nhật trung để tránh gian lận, xác nhận quyển thi của thí sinh được làm bài trong trường thi. Thí sinh phải mang quyển thi của mình lên nhà Thập đạo để đóng dấu. [10, tr.70]

     – Mượn người làm bài hay làm bài thay cho người khác thì bị xử tội sung quân; những người cùng một nhà không được xếp cho ngồi cùng một vi [10, tr.234].

     – Không được phép kê khai gian lận tên tuổi, nếu lầm lẫn tên tuổi bởi sai sót của Lý trưởng địa phương, thí sinh có thể cải chính ngay tại trường thi. Nếu cố ý che dấu, hoặc dùng tên của người khác đi thi, phát giác sẽ được trị tội, nếu đã đỗ đạt gì ở các khoa trước cũng ở cách trước cũng cách tuột [1, tr.70].

     – Không được tự tiện đổi chỗ ngồi, tự ý vứt bỏ hoặc sửa đổi bảng ghi tên. Ở một số trường thi có cắm thể ghi tên thí sinh để họ cắm lều tại đấy, tránh lộn xộn. Một số thí sinh cố ý cắm lều gần những người giỏi để hỏi bài, hoặc gà bài cho người khác. Nếu bị phát giác kẻ vi phạm sẽ phải chịu tội đóng gông giam trước trường, phạt đánh 100 trượng.

     – Không được phép nộp bài thi trễ hạn, quyển thi nộp trong thời gian hạn định sẽ được bỏ vào hòm đựng bài thi. Những quyển thi nộp không đúng thời hạn quy định vẫn được thu bài nhưng phải để ra ngoài hòm gọi là Ngoại hòm. Thí sinh nộp trễ quá canh một (quá 19 giờ) thì không nhận bài [1, tr.71].

     Đối với thi Hội và thi Đình, lệ trường quy cũng giống như thi Hương nhưng nếu vi phạm trường quy sẽ bị phạt nặng hơn so với thi Hương [1, tr.81].

     2.2.3. Đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với quan trường

     Đối với quan trường, những điều lệ ràng buộc rất nghiêm ngặt. Các quan trường coi thi hay chấm thi được yêu cầu tiêu chuẩn thấp nhất phải đỗ từ Cử nhân trở lên cho đến quan văn có hàng nhất, nhị phẩm, đều là những người nổi tiếng hay chữ.

     Riêng đối với quan Sơ khảo và Phúc khảo thường được lấy từ các Huấn đạo, Giáo thụ của địa phương, vì vậy, họ phải bị điều đi chấm thi ở địa phương khác, không được phép chấm tại địa phương của mình. Những lệ ràng buộc phần lớn để tránh có những tệ nạn gian lận trong khoa cử.

     Các quan Khoa đạo thuộc viện Đô Sát là những người chữ nghĩa tinh thông nên chỉ được phép ngồi ở chòi trông coi thí sinh (thi Hương) chứ không được vào chỗ thí sinh. Khoa đạo sung việc trường thi thì một người chuyên xét ở Nội trường, một người chuyên xét ở Ngoại trường, đều không được tự tiện ra vào, không được cùng sĩ tử gặp nhau, không được ngồi cùng với quan Ngoại trường ở nhà Thập đạo, tự tiện xem quyển văn của sĩ tử, sổ biên tên học trò của viện, Đề điệu không được dự biết nhằm ngăn chặn nạn đút lót, hối lộ, gửi gắm. Ở Ngoại trường, quan Chánh, Phó Chủ khảo đi đâu cũng có quan Khoa đạo và đội Thể sát đi theo như hình với bóng. Các quan Sơ khảo, Phúc khảo, Giám khảo đi theo chỉ được mang theo tên bếp lo nấu ăn, chỗ ở đều ngăn cách nhau, ai ở gian nấy. Quan Đề điệu thường xuyên khóa kín cửa không cho đi lại, đợi thi cử xong mới mở cửa cho ra. Quan trường nếu bị phát giác có sự tư thông hay nhờ cậy thì quan trường bị xử biếm chức hay bãi chức.

     Không những vậy, các quan Nội, Ngoại trường không được tự tiện ra vào một cách tự do. Sơ khảo, Phúc khảo không được tự tiện qua lại với nhau. Viện Sơ khảo và viện Phúc khảo không được tự tiện đi lại với nhau. Nếu không có việc công mà vì tư tình, đến thăm nhau, đánh bạc hay chơi đùa đều có tội. Sau khi các quan tiến trường, cổng trường khóa lại, có lính canh gác suốt ngày đêm không cho ai ra vào, các vật dụng được sắp đặt đầy đủ, nếu thiếu thứ gì các Khảo quan không được tự tiện mua mà phải trình quan Giám sát Ngoại trường (có chỗ chép là Chủ khảo) là người độc nhất có quyền tiếp xúc với quan Tổng đốc ở bên ngoài nhờ chu biện hộ. Các khảo quan nếu không có việc công thì không được qua lại, ai ở phòng nấy, gần như bị giam lỏng, để tránh chuyện thông đồng, gian lận [1, tr.98].

     Quan trọng nhất là việc chấm thi. Nếu chấm bài sơ suất bị quan chấm lần sau phát giác, tùy lỗi nặng nhẹ mà có hình thức trách phạt khác nhau như trừ lương bổng, giáng cấp, cách chức. Ngoài ra, ở kì thi Hương, cấm quan trường mang mực đen đi, phải chấm bằng các mực khác màu đen. Còn ở thi Hội, quan trường sẽ chấm trên Châu quyển được chép bằng mực đỏ, nên khảo quan bị cấm mang theo mực đỏ, ai bị phát giác trái luật sẽ bị trị tội [1, tr.98-99].

     Để đề phòng có những tệ nạn trong khoa cử vì thân thích, lệ Hồi tị (tránh không tham gia) ở trường thi được áp dụng rất chặt chẽ. Lệ định rõ những quan trường có người thân thuộc đi thi hoặc sung làm quan trường cùng một chỗ, dù thân thích là bên thông gia cũng trình rõ để xin Hồi tị. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), vua ban dụ: “Những Lại điển giúp việc sao chép giấy tờ có thân thuộc dự thi đều phải Hồi tị. Thân thuộc quy định là chú bác ruột; anh em chú bác ruột; cháu gọi bằng chú bác ruột, cậu ruột; anh em cô cậu ruột. Ai đã được cử nếu gặp trường hợp những người thân thuộc trên dự thi thì phải khai báo lên, nếu ẩn giấu thì phải chịu tội. Còn thân thuộc hơn nữa như cha con, anh em ruột đương nhiên phải Hồi tị, miễn bàn dự” [1, tr.99]. Về sau, năm 1877, định thêm lệ như sau: “Quan tham dự trường thi có rể đi thi buộc phải Hồi tị” [1, tr.99].

     2.2.4. Quy định về cách ra đề thi, chấm thi

     Về cách ra đề thi: Đối với thi Hương, sau khi thí sinh đã vào trường thi đầy đủ, các quan Chánh, Phó chủ khảo, Giám khảo, Phân khảo, Phúc khảo, Sơ khảo họp tại nhà Thập đạo để ra đề thi, việc ra đề thi ngay tại trường thi như vậy tránh được việc bị lộ đề từ sớm. Tuy nhiên, đến năm Tự Đức thứ 4 (1851), vua bắt đầu ban đề cho thi Hương, sau đó đề thi được chép ra thành hai bản ở cổng vi, riêng đề văn sách dài nên thường được chép ở mỗi vi ba đến bốn bản để tránh tình trạng thí sinh chen lấn, xô đẩy, lợi dụng cơ hội để hỏi bài gây lộn xộn trường thi.

     Về cách chấm thi: Phép chấm thi thay đổi tùy thời, nhưng không ngoài mục đích kén chọn người một cách công bằng, thích đáng. Ở kì thi Hương, Giám khảo phải khám xét dấu niêm phong trước khi mở hòm phân phát cho các ông Sơ khảo chấm trước tiên bằng son ta (màu gạch), xong đến các ông Phúc khảo chấm lại bằng mực xanh, cuối cùng đến Giám khảo duyệt lại lần nữa bằng màu hồng đơn. Những người chấm thi phải đề rõ tên họ, chức tước, điểm rồi kí tên lên mặt quyển. Nội trường chấm xong, đưa cho Đề tuyển chuyển ra ngoại trường. Các ông Chánh, Phó Chủ khảo chấm lại những bài đỗ. Phân khảo đọc lại những bài bị đánh hỏng xem ai đáng vớt thì trình lên Chủ khảo, ngoại trường chấm bằng mực son tàu màu đỏ tươi. Khi chấm xong, xếp đặt theo thứ tự điểm từ cao đến thấp rồi gởi ra cho Đề tuyển ráp phách, lập danh sách những người trúng cử, niêm yết. Sau mỗi kì thi, Chủ khảo và cả Giám sát mỗi người phải làm một bảng phúc trình đệ về Kinh. Tất cả các quyển đỗ hay hỏng, kể cả ngoại hàm cũng đều phải được gửi về Kinh để Bộ Lễ hoặc nhà vua duyệt lại [1, tr.100].

     Thi Hội: Mỗi quyển thi ban đầu chấm ở Nội liêm do hai quan Đồng khảo cùng chấm, bàn bạc để phê, ghi tên ở trước quyển thi. Xong chuyển để quan Chánh, Phó Chủ khảo hoặc quan Tri cống cử cùng chấm lại để có lời phê sau cùng [1, tr.103].

     Thi Đình: chỉ có một quyển thi, chấm điểm số để phân thứ hạng [1, tr.106].

     2.2.5. Tăng cường giám sát trường thi

     Đối với các triều đại trước, đa phần các quy định về giám sát coi thi hay chấm thi chưa rõ ràng, các công việc này không được quy định một cách cụ thể mà chỉ được thực hiện theo các chức danh và nhiệm vụ được giao. Ví dụ thi cử thời Lê – Trịnh công việc giám sát được giao cho tuần xước (đốc xuất quân lính ngày đêm canh gác quanh trường thi), thể sát (khám xét hành lí lều chõng thí sinh mang vào trường thi), mật sát (kín đáo theo dõi phát hiện các hiện tượng khả nghi, bảo vệ bên trong trường thi). Ngoài ra có các viên nha lại làm việc viết bảng, xá nhân canh cửa, nha lại coi giữ các nhà công đồng phúc khảo… Đến triều Nguyễn, quy trình giám sát được quy định một cách cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ và gắt gao hơn trước.

     Năm 1835, đã có lệ trường thi phải có hai viên giám thí tuần sát, họ là những quan võ nhị, tam phẩm được phép lấy 300 biền binh ngày đêm tuần phòng ở phía ngoài các vi. Viên giám thí được phép dùng Phó vệ uý Cấm binh dinh Vũ lâm, giám sát mọi công việc coi thi và chấm thi ở Nội liêm. Đối với khu vực Ngoại trường, tuần sát cũng dùng Phó vệ uý Cấm binh dinh Vũ lâm, để tra xét việc chuyên chở, ra vào qua cổng trường và giữ gìn chìa khoá các cửa. Cắt cử thêm một viên đốc sức việc tra hỏi tuần sát ở Nội, Ngoại trường, lấy quan nhị phẩm. Hai giám sát trường vụ, dùng quan Khoa đạo. Các viên trên này đều do vua chọn phái đến. Ở bên ngoài trường thi do đội Tuần sát canh giữ, cứ mỗi viên Tuần sát chỉ huy 300 lính và 10 voi, họ điều động quân lính ngày đêm coi sóc bên ngoài trường thi. Trước ngày diễn ra kì thi, các hòm đựng ấn của trường thi và quyển thi để trong Thí viện đường, có 20 lính do phủ Thừa Thiên phái đến cho tuỳ tùng viên tuần sát, ngày đêm coi giữ.

     2.3. Bài học kinh nghiệm

     Từ thực trạng tiêu cực và các giải pháp chống tiêu cực trong trong thi cử dưới triều Nguyễn đã để lại cho công tác thi cử ở Việt Nam một số bài học kinh nghiệm như sau:

     Thứ nhất, kết hợp giáo dục đạo đức và xử phạt nghiêm minh, linh hoạt.

     Tiêu cực trong thi cử dưới triều Nguyễn xuất phát từ cả yếu tố chủ quan và khách quan, từ cả phía người học và bộ phận coi thi, chấm thi. Vì vậy, để việc chống tiêu cực trong thi cử có hiệu quả, việc giáo dục tư tưởng, đạo đức cho cán bộ giáo viên, học sinh phải được thực hiện thường xuyên. Trong giảng dạy, ngoài kiến thức, kĩ năng cần lưu ý liên hệ, vận dụng giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh.

     Dưới triều Nguyễn, con đường duy nhất đi đến thành công và danh vọng chính là đỗ đạt và ra làm quan, ngoài ra người học không còn lựa chọn nào khác. Điều này dẫn đến hệ lụy, người học chỉ học với một mục đích duy nhất là học để sau này ra làm quan, vì thế họ luôn nỗ lực, cố gắng mọi cách để đạt được mục đích đó, thậm chí là phải gian lận, đút lót hay hối lộ trong khi thi. Chính vì vậy, giáo dục ngày nay cần phải định hướng cho người học xác định được thế mạnh và sở thích của mình, để người học có thể lựa chọn theo đúng khả năng của bản thân, phát huy được khả năng và năng lực. Đồng thời, trong tư vấn nghề nghiệp nên gợi mở cho người học nhiều hướng đi khác có thể dẫn đến thành công, bên cạnh con đường thi cử vào đại học.

      Mặt khác, những tiêu cực trong thi cử dưới triều Nguyễn khi phát hiện được đều bị xử lí với các hình thức xử phạt khác nhau, tương ứng với mức độ và hành vi phạm tội. Có những hình thức xử phạt rất nặng như: quan trường bị giáng cấp, cách chức, và thậm chí là cả tội chết; thí sinh không bao giờ được đi thi nữa. Vì vậy, trong tình hình thi cử hiện nay, khi mà trong thi cử vẫn còn đang tồn tại rất nhiều bất cập, những hình thức xử phạt chưa thật sự phù hợp đối với các hành vi vi phạm, điều này đòi hỏi các hình thức kỉ luật đối với trường hợp sai phạm cần mang nặng tính răn đe hơn và cần phải xử lí đúng người đúng tội.

     Thứ hai, phòng, chống tiêu cực phải thực hiện đồng bộ, thống nhất trong hệ thống giáo dục.

     Dưới triều Nguyễn, trước thực trạng tiêu cực thi cử xảy ra ngày càng nhiều, triều đình đã có những quy định cụ thể đối với cả về phía người đi thi, bộ phận coi thi và bộ phận chấm thi, tức là định rõ những quy chế, chế tài xử phạt đối với từng đối tượng khi họ vi phạm các quy chế thi. Do vậy, việc phòng chống tiêu cực trong thi cử hiện nay phải được thực hiện một cách đồng bộ, triệt để, không thiên vị hay kiêng nể bất cứ cá nhân nào, mọi hành vi sai phạm đều xử theo luật nhằm mang tính răn đe; cùng với đó là một cơ chế kiểm soát, thanh tra chặt chẽ.

     Thứ ba, “sàng lọc” cẩn thận đội ngũ cán bộ coi thi và chấm thi.

     Có thể thấy, triều Nguyễn rất quan tâm đến bộ phận coi thi và chấm thi của khoa thi Tiến sĩ. Các quan trường coi thi hay chấm thi được yêu cầu tiêu chuẩn thấp nhất phải đỗ từ Cử nhân trở lên cho đến quan văn có hàng nhất, nhị phẩm. Thực trạng cũng cho thấy, các hiện tượng tiêu cực trong thi cử dưới triều Nguyễn phần nhiều xuất phát từ phía quan trường. Điều này chứng tỏ, chất lượng của một kì thi phụ thuộc rất nhiều vào bộ phận này. Vì vậy, các kì thi, đặc biệt là kì thi THPT Quốc gia, đội ngũ cán bộ coi thi phải được sàng lọc và có sự lựa chọn kĩ càng. Tùy tính chất của kì thi mà từ đó tuyển lựa ra những người có trình độ nhằm đảm bảo được chất lượng của việc giám sát và chấm thi. Phải lựa chọn được những người có kiến thức chuyên môn tốt lẫn đạo đức nghiêm túc, có thái độ trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. Trong kì thi THPT Quốc gia 2018 vừa rồi, một cán bộ giáo dục trong ngành có thể ngang nhiên sửa điểm cho thí sinh, việc này đến từ cơ chế bảo vệ, niêm phong, giám sát vẫn còn lỗ hổng. Điều này cũng phản ánh một phần nào đó đạo đức, tư tưởng của một bộ phận cán bộ giáo dục đang tha hóa. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng, học tập và làm làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để trong sạch hóa, lành mạnh hóa đội ngũ cán bộ giáo dục; từ đó chọn lựa đội ngũ cán bộ coi thi và chấm thi có đủ đức lẫn tài, có tinh thần trách nhiệm cao để đảm bảo kì thi được diễn ra nghiêm túc, có chất lượng.

3. Kết luận

     Là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, dưới triều Nguyễn, các hiện tượng tiêu cực trong thi cử vẫn tiếp diễn với nhiều hình thức đa dạng, ở mọi cấp thi của khoa thi tiến sĩ. Và như một hệ lụy tất yếu, khi thi cử là con đường chủ yếu để tuyển dụng nhân tài cho đất nước và nhân lực cho bộ máy chính quyền, những hiện tượng tiêu cực trong thi cử dưới triều Nguyễn đã ảnh hưởng đến năng lực quản lí của đội ngũ quan lại, không tạo được nguồn lực mạnh mẽ để thay đổi tình hình đất nước lúc bấy giờ. Tiêu cực trong thi cử không chỉ là “vấn nạn” dưới triều Nguyễn, mà đồng thời cũng là khó khăn, thách thức mà nền giáo dục, thi cử ở Việt Nam hiện nay đang phải đối diện và khắc phục.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     [1] Vĩnh Cao, Phạm Đức Thành Dũng (Chủ biên) (2000). Khoa bảng và các nhà khoa bảng triều Nguyễn. NXB Thuận Hóa, Huế.

     [2] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006). Đại Nam thực lục, (Viện sử học dịch), Tập 1. NXB Giáo dục, Hà Nội.

     [3] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006). Đại Nam thực lục, (Viện sử học dịch), Tập 2. NXB Giáo dục, Hà Nội.

     [4] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006). Đại Nam thực lục, (Viện sử học dịch), Tập 3. NXB Giáo dục, Hà Nội.

     [5] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006). Đại Nam thực lục, (Viện sử học dịch), Tập 4. NXB Giáo dục, Hà Nội.

     [6] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006). Đại Nam thực lục, (Viện sử học dịch), Tập 6. NXB Giáo dục, Hà Nội.

     [7] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006). Đại Nam thực lục, (Viện sử học dịch), Tập 7. NXB Giáo dục, Hà Nội.

     [8] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006). Đại Nam thực lục, (Viện sử học dịch), Tập 8. NXB Giáo dục, Hà Nội.

     [9] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006). Đại Nam thực lục, (Viện sử học dịch), Tập 9. NXB Giáo dục, Hà Nội.

     [10] Nguyễn Thị Chân Quỳnh (2003). Khoa cử Việt Nam, Quyển thượng: Thi Hương. NXB Văn học và Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội, Nhân văn & Giáo dục,
ISSN 1859 – 4603, Tập 9, số 1 (2019), 45-53

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Tiêu cực và chống tiêu cực trong thi cử dưới triều Nguyễn (Tác giả: Lê Thị Thu Hiền, Nguyễn Trường Thi, Nguyễn Thị Phương Hồng, Phạm Hoàng Lan Chi)