Tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh “Long Xuyên” ở tỉnh An Giang
A STUDY ON ORIGIN AND MEANING OF GEOGRAPHICAL
NAME “LONG XUYEN” IN AN GIANG PROVINCE
Tác giả bài viết: ĐÀO NGỌC CẢNH
(Trường Đại học Cần Thơ)
TÓM TẮT
Thành phố Long Xuyên là đô thị trung tâm của tỉnh An Giang, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Trong tiến trình lịch sử, vùng đất Long Xuyên có nhiều tên gọi khác nhau liên quan đến những đơn vị hành chính khác nhau. Trong đó, hai tên gọi quan trọng nhất là Đông Xuyên xuất hiện năm 1789 và Long Xuyên xuất hiện năm 1868. Các tên gọi này đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập, nhưng cũng còn nhiều vấn đề chưa sáng tỏ. Bài viết này trình bày một số ý kiến trao đổi nhằm góp phần làm rõ nguồn gốc, ý nghĩa của địa danh nêu trên và các tên gọi liên quan ở tỉnh An Giang.
Từ khóa: Đông Xuyên, Long Xuyên, Nam Kỳ, tỉnh An Giang.
ABSTRACT
Long Xuyen city is the central city of An Giang province, playing an important role for the provincial socio-economic development. In the historical process, this land has many different names related to different administrative units. In particular, the two most important names are Dong Xuyen, which appeared in 1789, and Long Xuyen in 1868. These names have been mentioned by many researchers, but there are still some unclear issues. This article presents some ideas to contribute to clarifying the origin and meaning of the above mentioned geographical names and the related names in An Giang province.
Keywords: Dong Xuyen, Long Xuyen, Nam Ky (Basse-Cochinchine), An Giang province.
x
x x
1. Giới thiệu
Địa danh học là ngành khoa học nghiên cứu về tên gọi của các đối tượng tự nhiên hoặc nhân tạo trên bề mặt đất như: Sông hồ, rừng núi, biển đảo, cầu đường, đình miếu, các địa bàn cư trú (thôn ấp, buôn sóc…) và các đơn vị hành chính (xã, huyện, tỉnh, thành phố…).
Địa danh có quan hệ mật thiết với đời sống con người, bảo lưu các dấu ấn văn hóa – lịch sử và hoàn cảnh xã hội mà nó ra đời. Thông qua địa danh, người nghiên cứu có thể kiến giải nhiều vấn đề về sự hình thành một vùng đất, sự giao lưu, tiếp biến văn hóa và nhiều thông tin liên quan đến vùng đất đó. Vì vậy, địa danh được quan tâm nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau như: Địa lý, lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa, du lịch, v.v…
Thành phố (TP) Long Xuyên ngày nay là đô thị trung tâm của tỉnh An Giang, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong tiến trình lịch sử, trên địa bàn TP Long Xuyên đã xuất hiện nhiều tên gọi khác nhau liên quan đến những đơn vị hành chính khác nhau. Trong đó, hai tên gọi quan trọng nhất là Đông Xuyên xuất hiện năm 1789, thời chúa Nguyễn Ánh và tên gọi Long Xuyên xuất hiện năm 1868, thời Pháp thuộc. Các tên gọi này đã được sử sách nói đến; đồng thời cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu. Tuy nhiên, cho đến nay, cũng còn không ít vấn đề về địa danh “Long Xuyên” và các tên gọi liên quan khác chưa được sáng tỏ. Vì vậy, bài viết này trình bày một số ý kiến trao đổi nhằm góp phần làm rõ nguồn gốc, ý nghĩa của địa danh Đông Xuyên và các địa danh liên quan ở tỉnh An Giang.
2. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu
2.1 Dữ liệu nghiên cứu
Dữ liệu nghiên cứu được thu thập và xử lý từ các nguồn chủ yếu như sau: (1) Từ các bộ sách được biên soạn dưới triều Nguyễn như: Đại Nam nhất thống chí, Gia Định thành thông chí, v.v…; (2) Từ các bản đồ được người Pháp vẽ và ấn hành dưới thời Nguyễn và thời Pháp thuộc như An Nam đại quốc họa đồ (1838); Bản đồ Nam Kỳ lục tỉnh (1863); Bản đồ tỉnh Long Xuyên (1901); (3) Từ các kết quả nghiên cứu, số liệu thống kê, và các nguồn thông tin tư liệu khác dưới dạng văn bản, số liệu, bản đồ, hình ảnh, v.v…
2.2 Phương pháp nghiên cứu
2.2.1 Phương pháp khảo sát thực địa
Các cuộc khảo sát thực địa được thực hiện tại TP Long Xuyên, huyện Thoại Sơn và một số địa bàn khác ở tỉnh An Giang để quan sát, phỏng vấn, thu thập, và xử lý các dữ liệu thực tế, so sánh đối chiếu với các tư liệu, văn bản, bản đồ…. Qua đó, làm rõ các vấn đề liên quan đến các địa danh ở Long Xuyên nói riêng và tỉnh An Giang nói chung.
2.2.2 Phương pháp từ nguyên học
Từ nguyên học là phương pháp truy tìm hình thức từ ngữ nguyên gốc của địa danh. Để có thể phục nguyên địa danh, trước hết phải vận dụng kiến thức về ngôn ngữ học (từ vựng, ngữ âm, ngữ pháp) kết hợp với những kiến thức liên quan khác để giải mã cho tên gọi địa danh, tức là phục hồi từ nguyên của địa danh. Nghiên cứu này tập trung làm rõ mối quan hệ giữa tên gọi “Long Xuyên” với “Đông Xuyên”. Từ đó đã xác định “Đông Xuyên” là từ nguyên của “Long Xuyên”.
2.2.3 Phương pháp địa lý học lịch sử
Địa lý học lịch sử là phương pháp nghiên cứu nhằm làm rõ những thay đổi về không gian địa lý qua các thời kỳ lịch sử. Nghiên cứu nàyvận dụng phương pháp địa lý học lịch sử để làm rõ sự ra đời của thủ Đông Xuyên thời chúa Nguyễn Ánh và những thay đổi của địa danh Đông Xuyên qua các thời kỳ lịch sử về địa bàn, ranh giới, cấp độ hành chính và tên gọi như chợ Đông Xuyên, chợ Long Xuyên, hạt Long Xuyên, tỉnh Long Xuyên, tỉnh lỵ Long Xuyên, thị xã Long Xuyên, v.v…
2.2.4 Phương pháp tiếp cận liên ngành
Địa danh là đối tượng nghiên cứu liên quan đến nhiều lĩnh vực khoa học. Vì vậy, tiếp cận liên ngành là phương pháp thích hợp và hiệu quả để nghiên cứu địa danh. Nghiên cứu này tiếp cận địa danh Đông Xuyên và Long Xuyên dưới các khía cạnh: Sử học, ngôn ngữ học, địa lý học, v.v… để giải quyết những vấn đề liên quan đến các địa danh tại địa bàn nghiên cứu.
3. Nội dung nghiên cứu
3.1 Khái quát sự hình thành vùng đất Long Xuyên
Vùng đất Long Xuyên, tỉnh An Giang, cũng như toàn vùng Nam Bộ, xưa là lãnh thổ của vương quốc Phù Nam – một quốc gia cổ đại hình thành vào đầu Công nguyên ở khu vực Đông Nam Á. Trong tác phẩm Lược sử vùng đất Nam Bộ do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam biên soạn dưới sự chủ biên của GS.TSKH Vũ Minh Giang có viết:
Trên cơ sở phát triển kinh tế – xã hội cuối thời kỳ đồng thau, sơ kỳ đồ sắt, dưới tác động của văn minh Ấn Độ, khoảng đầu Công nguyên, vùng đất Nam Bộ bước vào thời kỳ lập quốc. Căn cứ vào những ghi chép trong các thư tịch cổ Trung Quốc thì vào khoảng thời gian đó ở phía Nam của Lâm Ấp (Chămpa), tương ứng với vùng đất Nam Bộ ngày nay, đã xuất hiện một quốc gia có tên gọi là Phù Nam.
(Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam [HKHLSVN], 2009)
Trong thời kỳ Phù Nam cường thịnh đã có nhiều nước nhỏ thần phục với tư cách là những thuộc quốc hoặc chư hầu, trong đó có Chân Lạp. Mặc dù là thuộc quốc của Phù Nam, nhưng Chân Lạp đã nhanh chóng phát triển thành một vương quốc độc lập vào thế kỷ VI và nhân sự suy yếu của Phù Nam đã tấn công chiếm lấy một phần lãnh thổ của đế chế này vào đầu thế kỷ VII (HKHLSVN, 2009).
Dưới thời vương quốc Chân Lạp, vùng đất An Giang có tên là Tầm Phong Long (Kompong Long). Năm 1757, vua Chân Lạp dâng đất này cho chúa Nguyễn. Sách Đại Nam nhất thống chí chép:
Tỉnh An Giang: Xưa là đất Tầm Phong Long, năm Đinh Sửu (1757) Thế Tông thứ 19, quốc vương Chân Lạp Nặc Tôn dâng đất này, đặt làm đạo Châu Đốc. Vì đất ấy nhiều chỗ bỏ hoang, đầu đời Gia Long mộ dân đến ở gọi là Châu Đốc tân cương.
(Quốc sử quán triều Nguyễn [QSQTN], 2006, tr. 184).
Năm Kỷ Dậu (1789), một đồn nhỏ gọi là thủ Đông Xuyên được thành lập tại vàm sông Tam Khê (tục danh là Ba Rạch) nhằm tăng cường phòng thủ cho đạo Châu Đốc, đồng thời tạo điều kiện cho người dân đến làm ăn sinh sống (UBND TP Long Xuyên, 2010; Phan Văn Kiến, 2019).
Thủ Đông Xuyên thời chúa Nguyễn Ánh là một đồn nhỏ, đơn sơ. Có lẽ vì vậy mà dân gian còn gọi là “thủ Thảo” hoặc “Thủ Thảo đồn”. Từ đó, rạch Đông Xuyên cũng gọi là “Thủ Thảo đà” (rạch Thủ Thảo). Trong sách Petit cours de géogrphie de la Basse Cochinchine (Tiểu giáo trình Địa lý Nam Kỳ) của Trương Vĩnh Ký, xuất bản tại Sài Gòn năm 1875, có ghi: “Thủ-thảo đà, tức vàm LongXuyên” (Trích trong Trần Hoàng Vũ, 2019, tr. 40). Dưới triều Nguyễn, xét thấy việc bố trí lực lượng đồn trú ở đây không còn phù hợp nên triều đình đã bãi bỏ thủ Đông Xuyên. Sách Đại Nam nhất thống chí chép:
Thủ Đông Xuyên cũ: ở đường lạch bờ phía tây Hậu Giang thuộc địa phận huyện Tây Xuyên, đặt từ năm Kỷ Dậu (1789) đầu đời Trung hưng, sau bỏ; năm Minh Mạng thứ 18 đổi làm sở thuế quan, nay bỏ.
(QSQTN, 2006, tr. 217).
Năm 1805, vua Gia Long chia toàn bộ vùng đất mới từ Gia Định đến Hà tiên thành 5 trấn: Biên Trấn (Biên Hòa), Phiên Trấn (Gia Định), Định Trấn (Định Tường), Vĩnh Trấn (Vĩnh Long, An Giang), Hà Tiên Trấn (Kiên Giang, Cà Mau). Vùng đất Đông Xuyên thuộc Vĩnh Trấn. Đến năm 1808, Vĩnh Trấn đổi thành trấn Vĩnh Thanh gồm 1 phủ (Định Viễn) và 4 huyện là: Vĩnh Bình, Tân An, Vĩnh Thanh, Vĩnh Định (QSQTN, 2006).
Lúc bấy giờ, giao thông đi lại còn rất khó khăn. Từ Đông Xuyên sang Rạch Giá phải đi theo sông Hậu vòng qua biển Cà Mau rất xa và mất nhiều thời gian. Vì vậy, triều đình Nguyễn đã đề ra kế hoạch đào kênh ở vùng này. Năm 1816, triều đình đã tiến hành đo đạc và hoạch định 5 tuyến đường thủy tại An Giang (Trần Hoàng Vũ, 2017).
Đầu năm 1818, Thoại Ngọc Hầu phụng chỉ vua Gia Long đốc suất đào vét sông Đông Xuyên nối với Rạch Giá thông ra biển Kiên Giang, gọi là “Đông Xuyên cảng đạo”. Khi công việc hoàn thành, vua Gia Long rất vui mừng đã ban cho sông này tên là Thoại Hà và ban cho ngọn núi Sập bên bờ sông là Thoại Sơn để thưởng công cho Thoại Ngọc Hầu (Trịnh Hoài Đức, 2004; QSQTN, 2006).
Thoại Hà là công trình kênh đào đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ, mở đầu cho sự hình thành nền văn minh kênh rạch ở vùng này, góp phần thúc đẩy giao thông, thương mại, an ninh quốc phòng, phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Nhờ có giao thông thuận lợi, kinh tế-xã hội ở vùng Đông Xuyên đã phát triển nhanh chóng, dân cư đến làm ăn sinh sống ngày càng đông đúc. Từ đó đã hình thành hai thôn đầu tiên là Mỹ Phước và Bình Đức; sau đó có thêm thôn Mỹ Thạnh. Ba thôn này đều thuộc huyện Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh (Phan Văn Kiến, 2019).
Theo Địa bạ thôn Bình Đức (do Thôn trưởng Võ Văn Yến và Dịch mục Nguyễn Văn Thành kê khai dưới thời Minh Mạng) thì thôn này bao gồm 5 xứ: Đông Xuyên, Trà Ôn, Cần Say (Cần Xây), Trà Mạn và Cù lao Cau. Trong đó, xứ Đông Xuyên có địa giới như sau: Đông giáp sông lớn (sông Hậu); nam giáp Đông Xuyên đà (rạch Đông Xuyên); tây giáp Tầm Vu đà (rạch Tầm Vu) và địa phận thôn Vĩnh Thuận; bắc giáp xứ Trà Ôn và rừng. Như vậy, xứ Đông Xuyên lúc bấy giờ tương ứng với địa bàn hai phường Bình Khánh và Mỹ Bình của TP Long Xuyên ngày nay (Trích trong Trần Hoàng Vũ, 2019, tr. 40).
Năm 1832, vua Minh Mạng cho đổi các trấn thành tỉnh. Vùng đất từ Gia Định đến Hà Tiên được chia thành 6 tỉnh, từ đây có danh xưng “Nam Kỳ lục tỉnh”. Tỉnh An Giang lúc bấy giờ bao gồm hai phủ, bốn huyện: huyện Tây Xuyên và Phong Phú thuộc phủ Tuy Biên; huyện Đông Xuyên và Vĩnh An thuộc phủ Tân Thành (QSQTN, 2006, tr.184).
Giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp đem quân xâm chiếm nước ta. Trước sức mạnh xâm lược của thực dân Pháp, nhà Nguyễn từng bước nhượng các tỉnh thuộc vùng đất Nam Bộ cho Pháp. Năm 1862, đại diện của nhà Nguyễn là Phan Thanh Giản và đại diện của Pháp là đô đốc Bô-na (Bonard) đã ký Hiệp ước (Nhâm Tuất) nhường quyền cai quản 3 tỉnh miền Đông cho Pháp. Tiếp đó, năm 1867, Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây để tới năm 1874, triều đình nhà Nguyễn ký tiếp Hiệp ước (Giáp Tuất) nhượng toàn bộ 6 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp (HKHLSVN, 2009).
Sau khi chiếm được Nam Kỳ lục tỉnh, Pháp tạm thời duy trì các tỉnh của triều Nguyễn, nhưng gọi tên theo tên tỉnh lỵ. Tỉnh An Giang được gọi là tỉnh Châu Đốc. Đồng thời, Pháp lập ra một cấp hành chính mới dưới cấp tỉnh gọi là hạt thanh tra (Inspections). Tên các hạt thanh tra thường không gọi theo tên Hán Việt của triều Nguyễn mà được gọi theo tục danh (tên Nôm) nơi đặt lỵ sở. Theo đó, tỉnh An Giang được chia thành ba hạt thanh tra: Châu Đốc (Tuy Biên), Sa Đéc (Tân Thành), Bãi Xàu (Ba Xuyên). Vùng đất Đông Xuyên bấy giờ thuộc hạt thanh tra Châu Đốc (Dương Văn Triêm, 2019).
Ngày 21/8/1868, Pháp lập ra hạt thanh tra Long Xuyên (Inspection de Long Xuyen) trên cơ sở tách từ khu vực phía dưới sông Vàm Nao thuộc hạt thanh tra Châu Đốc. Hạt thanh tra Long Xuyên gồm các tổng: An Bình, An Phú, Định Hòa, Định Mỹ, Định Thành Hạ, Phong Thạnh Thượng. Vùng đất Đông Xuyên (tức TP Long Xuyên ngày nay) thuộc hạt thanh tra Long Xuyên, gồm các thôn: Mỹ Phước, Mỹ Quới, Mỹ Thạnh, Thới Tây Trung (thuộc tổng Định Phước), và thôn Bình Đức (thuộc tổng Định Thành Hạ). Ngày 26/9/1871, thôn Bình Đức được chia thành hai thôn: Mỹ Hội Tiểu và Bình Đức (Dương Văn Triêm, 2019). Ngày 5/1/1876, Pháp ra quy định đổi hạt thanh tra thành hạt tham biện (Arrondissement), đồng thời cho đổi thôn thành làng. Theo đó, hạt thanh tra Long Xuyên được đổi thành hạt tham biện Long Xuyên gồm 8 tổng, 54 làng (Trần Văn Đông, 2019; Dương Văn Triêm, 2019).
Cuối năm 1899, Pháp ra nghị định xóa bỏ hệ thống cấp tỉnh thời Nguyễn; đồng thời quy định kể từ ngày 01/01/1990, hạt tham biện được đổi thành tỉnh. Theo đó, hạt tham biện Long Xuyên được đổi thành tỉnh Long Xuyên. Như vậy, tỉnh An Giang thời Nguyễn được chia thành 5 tỉnh mới: Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Cần Thơ, Sóc Trăng (Nguyễn Đình Tư, 2016; Dương Văn Triêm, 2019).
Ngày 7/11/1916, chính quyền Pháp giải thể làng Mỹ Quới nhập vào làng Mỹ Phước thuộc tổng Định Phước; nhập các làng Mỹ Hội Tiểu (tổng Định Thành Hạ), Hưng Châu (tổng Định Hòa), và một phần làng An Hòa (tổng An Phú) thành làng Mỹ Hòa Hưng thuộc tổng Định Thành Hạ. Ngày 1/4/1917, tổng Định Thành Hạ được đổi tên là tổng Định Thành (Dương Văn Triêm, 2019).
Năm 1917, Pháp lập ra cấp quận làm trung gian giữa tỉnh và tổng, xã. Theo đó, tỉnh Long Xuyên có ba quận được thành lập là: Châu Thành, Chợ Mới, và Thốt Nốt. Quận Châu Thành (tương ứng với địa bàn TP Long Xuyên ngày nay) gồm 2 tổng và 5 làng: Tổng Định Phước gồm ba làng: Mỹ Phước, Mỹ Thạnh, Thới Tây Trung; tổng Định Thành gồm hai làng: Bình Đức, Mỹ Hòa Hưng. Lỵ sở tỉnh Long Xuyên đặt ở làng Mỹ Phước và làng Bình Đức (Trần Văn Đông, 2019; Dương Văn Triêm, 2019). Trong thời gian này, hoạt động kinh tế ở tỉnh Long Xuyên ngày càng phát triển, dẫn đến sự hình thành các thị tứ và các chợ trong tỉnh. Năm 1924, toàn tỉnh Long Xuyên có 9 chợ là: Mỹ Phước, Thốt Nốt, Lấp Vò, Chợ Mới, Tấn Đức (cù lao Giêng), Mỹ Chánh, Núi Sập (Thoại Sơn), Hương Cả Tình (Mỹ Luông), Chợ Thủ. Trong đó, chợ Mỹ Phước ở trung tâm tỉnh lỵ Long Xuyên rất sấm uất, là chợ đứng đầu tỉnh Long Xuyên về tổng doanh thu (Dương Văn Triêm, 2019).
Ngày 27/11/1934, chính quyền Pháp cho hợp nhất làng Mỹ Thạnh với làng Thới Tây Trung thành làng Mỹ Thới thuộc tổng Định Phước. Từ đây, hệ thống hành chính các tổng, làng của tỉnh Long Xuyên thời Pháp thuộc cơ bản ổn định đến năm 1945. Vùng đất Long Xuyên (tương ứng với địa bàn TP Long Xuyên ngày nay) bao gồm 2 tổng, 4 làng: hai làng Mỹ Phước, Mỹ Thới thuộc tổng Định Phước; hai làng Bình Đức, Mỹ Hòa Hưng thuộc tổng Định Thành (Dương Văn Triêm, 2019).
Đối với khu vực đô thị, sau một thời gian thử nghiệm, Toàn quyền Đông Dương đã ban hành quy chế quản lý đô thị và thống nhất tên gọi là thị xã. Ngày 31/5/1935, chính quyền Pháp ban hành nghị định cải biến trung tâm tỉnh lỵ Long Xuyên thành thị xã Long Xuyên dưới quyền quản lý của Thị trưởng do Chủ tỉnh Long Xuyên kiêm nhiệm. Ranh giới thị xã Long Xuyên là ranh giới trung tâm thị tứ (centre urbain), trên một phần diện tích làng Bình Đức và làng Mỹ Phước. Như vậy, địa bàn thị xã Long Xuyên dưới thời Pháp thuộc nhỏ hơn nhiều so với TP Long Xuyên ngày nay (Dương Văn Triêm, 2019).
Năm 1945, nước ta giành được độc lập. Theo sự phân chia địa giới của chính quyền cách mạng, vùng đất Long Xuyên tương ứng với huyện Châu Thành thuộc tỉnh Long Xuyên; năm 1947, vùng này thuộc tỉnh Long Châu Hậu; đến cuối năm 1950, thuộc tỉnh Long Châu Hà (UBND TP Long Xuyên, 2010; Trần Văn Đông, 2019).
Sau Hiệp định Genève (1954), ở miền Nam nước ta có hai hệ thống chính quyền song song tồn tại, thường gọi là chính quyền Sài Gòn và chính quyền Cách mạng. Về phía chính quyền Sài Gòn, năm 1956 hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc được sáp nhập thành tỉnh An Giang. Tỉnh lỵ An Giang đặt tại Long Xuyên và vẫn giữ nguyên tên gọi “Long Xuyên”, về mặt hành chính thuộc xã Mỹ Phước, quận Châu Thành. Năm 1957, hai xã Bình Đức và Mỹ Phước được chia thành 5 xã là Bình Đức, Mỹ Hòa Hưng, Phước Đức, Mỹ Phước và Mỹ Thới. Năm 1959, xã Phước Đức bị giải thể để nhập vào xã Bình Đức và Mỹ Phước (Nguyễn Bảo Kim, 2019, tr. 36).
Về phía chính quyền Cách mạng: Năm 1956, địa bàn Long Xuyên thuộc huyện Châu Thành tỉnh An Giang; năm 1957, địa bàn này tách khỏi huyện Châu Thành, thành lập thị xã Long Xuyên. Năm 1971, sau khi tách tỉnh Long Châu Hà, thị xã Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang. Tháng 5 năm 1974, thị xã Long Xuyên lại thuộc tỉnh Long Châu Hà theo Hội nghị thường trực của Trung ương Cục Miền Nam (UBND TP Long Xuyên, 2010).
Sau ngày miền Nam giải phóng (30/4/1975), tỉnh An Giang được tái lập gồm hai thị xã: Long Xuyên, Châu Đốc và các huyện Châu Thành, Huệ Đức, Chợ Mới, Phú Tân, Tân Châu, Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn. Ngày 27/1/1977, xã Mỹ Thới được chuyển từ huyện Châu Thành về thị xã Long Xuyên. Ngày 01/3/1977, một số xã của thị xã Long Xuyên được nâng thành phường: Bình Đức, Mỹ Bình, Mỹ Long và Mỹ Phước; còn lại là các xã: Mỹ Hòa, và Mỹ Thới. Ngày 23/8/1979, chuyển xã Mỹ Hòa Hưng từ huyện Châu thành về thị xã Long Xuyên. Ngày 12/1/1984, thành lập phường Mỹ Xuyên tách từ phường Mỹ Long, xã Mỹ Khánh tách từ phường Bình Đức, và xã Mỹ Thạnh tách từ xã Mỹ Thới (Dương Văn Triêm, 2019).
Ngày 01/3/1999, Chính phủ ra Nghị định số 09/1999/NĐ-CP thành lập TP Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang. Ngày 02/8/1999, thành lập hai phường mới: Phường Bình Khánh (tách từ phường Bình Đức) và phường Mỹ Quý (tách từ phường Mỹ Phước). Ngày 12/4/2005, thành lập phường Đông Xuyên (tách từ phường Mỹ Xuyên) và nâng xã Mỹ Hòa thành phường. Ngày 14/4/2009, Chính phủ ra Quyết định số 474/QĐTTg công nhận TP Long Xuyên là đô thị loại II trực thuộc tỉnh An Giang (UBND TP Long Xuyên, 2010).
Hiện nay, TP Long Xuyên có 13 đơn vị hành chính phường, xã và 96 khóm, ấp. Trong đó, có 11 phường (Bình Đức, Bình Khánh, Đông Xuyên, Mỹ Bình, Mỹ Hòa, Mỹ Long, Mỹ Phước, Mỹ Quý, Mỹ Thạnh, Mỹ Thới, Mỹ Xuyên) và 2 xã (Mỹ Khánh, Mỹ Hòa Hưng) với tổng diện tích 115,3642 km2, dân số 286.287 người, mật độ dân số 2.482 người/km2 (Cục Thống kê tỉnh An Giang, 2018).
3.2 Nguồn gốc, ý nghĩa của địa danh “Long Xuyên”
Địa danh “Long Xuyên” vốn được dùng cho xứ Cà Mau với tên gọi là “đạo Long Xuyên” do Mạc Thiên Tứ đặt ra năm 1757. Sách Gia Định thành thông chí chép:
Năm Đinh Sửu (1757), vua Chân Lạp đem đất 5 phủ là Vũng Thơm, Cần Bột, Chân Sum, Sài Mạt và Lình Quỳnh biếu Mạc Thiên Tứ để đền ơn đã bảo toàn cho. Thiên Tứ đặt xứ Rạch Giá làm đạo Kiên Giang, Cà Mau làm đạo Long Xuyên, lại đặt quan trông coi, chiêu mộ dân cư lập nên thôn ấp, do đó mà đất đai xứ Hà Tiên mới rộng lớn ra.
(Trịnh Hoài Đức, 2004, tr. 6).
Năm Gia Long thứ 7 (1808), đạo Long Xuyên được đổi ra huyện Long Xuyên thuộc trấn Hà Tiên. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), huyện Long Xuyên thuộc phủ An Biên tỉnh Hà Tiên. (QSQTN, 2006).
Còn vùng đất ngày nay là TP Long Xuyên lại có tên gọi là “Đông Xuyên” bắt nguồn từ thủ Đông Xuyên được lập ra vào năm 1789 dưới thời chúa Nguyễn Ánh. Về mặt ngữ nghĩa, chữ “Đông Xuyên” có hai thành tố: Thành tố “đông” thường dùng để chỉ phương hướng (phía mặt trời mọc); thành tố “xuyên” có nhiều nét nghĩa, nhưng nét nghĩa thích hợp ở đây là “dòng nước, con sông”. Như vậy, tên gọi “Đông Xuyên” có nghĩa là “ở phía đông dòng sông”. Nhưng, đó là dòng sông nào?
Tác giả Huỳnh Công Tín (2019) khẳng định: “Tất nhiên con sông cả đó phải là con sông Hậu (Hậu Giang)”. Và tác giả đã dẫn sách Đại Nam nhất thống chí ghi rằng: “Huyện Tây Xuyên… nguyên là đất huyện Vĩnh Định và đất thổ huyện Ngọc Luật ở về phía tây Hậu Giang”, “Huyện Đông Xuyên… nguyên là đất huyện Vĩnh Định ở về phía đông Hậu Giang” (Trích trong Huỳnh Công Tín, 2019, tr. 104).
Rất đáng tiếc, nhận định này là một sự nhầm lẫn. Sông Hậu (Hậu Giang) đúng là được dùng để đặt tên cho hai huyện Đông Xuyên và Tây Xuyên (thời Minh Mạng), nhưng không được dùng để đặt tên cho thủ Đông Xuyên (thời chúa Nguyễn Ánh). Huyện Đông Xuyên thời Minh Mạng nằm ở phía đông sông Hậu (tương ứng với địa bàn thị xã Tân Châu và các huyện Phú Tân, Chợ Mới ngày nay). Còn huyện Tây Xuyên là dải đất phía tây sông Hậu (từ TP Long Xuyên đến TP Châu Đốc ngày nay) mà vùng đất Long Xuyên là trung tâm huyện Tây Xuyên, tức “Tây Xuyên huyện đường” (QSQTN, 2006; Nguyễn Liên Phong, 1909).
Từ đó suy ra, việc đặt tên cho thủ Đông Xuyên không phải dựa vào sông Hậu, mà dựa vào sông Ba Rạch. Như vậy, “thủ Đông Xuyên” có nghĩa là “đồn binh nằm ở phía đông sông Ba Rạch”. Sau khi lập thủ Đông Xuyên thì sông Ba Rạch cũng được gọi là sông Đông Xuyên, ngày nay là sông Long Xuyên.
Năm 1868, tên gọi “Long Xuyên” chính thức trở thành địa danh hành chính khi chính quyền Pháp lập ra hạt thanh tra Long Xuyên. Lý giải về sự biến đổi tên gọi từ “Đông Xuyên” thành “Long Xuyên” có thể nêu ra một số quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tên gọi “Long Xuyên” ở An Giang bắt nguồn từ tên gọi “Long Xuyên đạo” ở xứ Cà Mau do Mạc Thiên Tứ đặt ra năm 1757. Sách Monographie de la province de Long-xuyen (Chuyên khảo tỉnh Long Xuyên) do Pháp xuất bản tại Sài Gòn năm 1905 có viết:
Một đồn, dự kiến gồm các đội quân lấy từ Camau [Cà Mau] để chống lại người Cam-bốt được xây dựng ở Binh-duc [Bình Đức], tại cửa rạch Long-Xuyên. Công trình này được gọi là Thu-thao-don [Thủ Thảo đồn] và đạo quân nhỏ đó được gọi là Long-xuyen-dao [Long Xuyên đạo].
(Trích trong Trần Hoàng Vũ, 2019, tr. 40).
Có thể thấy rằng, đồn binh tại cửa rạch Long Xuyên, được lập dưới thời chúa Nguyễn Ánh, đã có tên là thủ Đông Xuyên. Vì vậy, nếu thủ Đông Xuyên (Thủ Thảo đồn) huy động lực lượng từ “Long Xuyên đạo” mà dùng tên gọi chung là đạo Long Xuyên cho cả một vùng từ Cà Mau đến Đông Xuyên thì cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn dưới thời chúa Nguyễn Ánh, khi mà vùng đất này còn hoang vu, dân cư thưa thớt. Đến triều Nguyễn, khi hệ thống hành chính đã được phân định rõ ràng thì cách gọi như vậy không thể tồn tại. Trên thực tế, triều Nguyễn chỉ sử dụng tên gọi Long Xuyên cho xứ Cà Mau (tỉnh Hà Tiên), mà không dùng tên gọi này cho xứ Đông Xuyên (tỉnh An Giang).
Quan điểm thứ hai cho rằng: Vùng Miệt Thứ (thuộc huyện Long Xuyên, tỉnh Hà Tiên dưới triều Nguyễn) đón nhận người từ Đông Xuyên, cù lao Ông Chưởng, Chợ Mới dồn xuống lập nghiệp, hoặc tham gia nghĩa quân chống Pháp. Sau này họ quay về nơi chôn nhau cắt rốn mang theo cả địa danh Long Xuyên (Trích trong Chau Mô Ni Sóc Kha, 2019, tr. 60).
Có thể thấy rằng, quan điểm này là chủ quan và thiếu căn cứ. Trên thực tế thường diễn ra điều ngược lại, nghĩa là khi người dân di cư đến một vùng đất mới thì họ lấy tên quê hương mình đặt cho nơi họ đến; chứ không có chuyện người ta đến nơi nào đó ở một thời gian, khi quay về thì lại đổi tên “nơi chôn nhau cắt rốn” của mình. Thực ra, nếu có người nào quay về thì cũng chỉ là thiểu số mà thôi. Không thể tin rằng những người “cố cựu” (đa số) lại theo những người “hồi hương” (thiểu số) để đổi tên quê hương mình.
Quan điểm thứ ba cho rằng: Chữ “long” trong tên gọi “Long Xuyên” là thành tố Hán Việt, trong trường hợp này có nghĩa là “các con sông họp lại, gặp nhau”. Như vậy, địa danh “Long Xuyên” là một địa danh hành chính, được chính quyền đặt, để chỉ một vùng đất có nhiều sông rạch gặp nhau (Huỳnh Công Tín, 2019, tr. 105).
Quan điểm này cũng khó chấp nhận, bởi địa danh “Đông Xuyên” được lập ra từ thời chúa Nguyễn Ánh (mà sau đó chúa Nguyễn Ánh lên làm vua mở đầu triều Nguyễn) nên là một tên gọi có ý nghĩa, đã ăn sâu trong ý thức người dân và quan lại nhà Nguyễn. Vì vậy, không thể ngẫu nhiên mà chính quyền nhà Nguyễn thay bằng một tên gọi Hán Việt khác. Hơn nữa, sử sách triều Nguyễn không hề ghi chép về việc đặt ra tên gọi “Long Xuyên” ở tỉnh An Giang.
Nếu cho rằng, chính quyền Pháp đặt ra tên gọi “Long Xuyên” theo nghĩa Hán Việt thì càng không có cơ sở. Bởi vì, khi thiết lập các đơn vị hành chính ở Nam Kỳ, người Pháp rất lúng túng trước tình trạng các địa danh thường có 2 tên: Mỹ danh (tên do triều đình đặt), tục danh (tên do dân gian đặt). Để chấm dứt tình trạng này, ngày 27/2/1868, Thống soái Nam Kỳ De Lagrandière cho lập một ủy ban điều tra và chủ trương thống nhất sử dụng tên gọi dân gian (tục danh) cho các địa danh hành chính (Dương Văn Triêm, 2019, tr. 18).
Quan điểm thứ tư cho rằng: sự thay đổi từ “Đông Xuyên” thành “Long Xuyên” là do biến âm, mà “Đông Xuyên” là từ nguyên (tên gốc) của “Long Xuyên”. Quan điểm này lại chia ra hai trường hợp: (1) Người Pháp phát âm “Đông Xuyên” thành “Long Xuyên”; (2) Người dân địa phương đọc trại “Đông Xuyên” thành “Long Xuyên”. Nhà văn Sơn Nam, khi bàn về tên gọi Long Xuyên, đã cho rằng:
Chợ Đông Xuyên, mà lúc đầu công văn chính thức Pháp vẫn gọi, đổi ra Long Xuyên vào thời điểm nào, chẳng rõ; điều chắc chắn là năm 1873 đã gọi là Long Xuyên, qua báo cáo của chủ tỉnh về cuộc khởi nghĩa của Trần Văn Thành (1867-1873)… Sự thay đổi này có lẽ do quan cai trị Pháp khi phát âm: Đông Xuyên giống như Long Xuyên.
(Sơn Nam, 2004, tr. 269).
Còn tác giả Nguyễn Hữu Hiệp lại cho rằng: Sự xuất hiện địa danh Long Xuyên là sự nói trại từ Đông Xuyên, là sự nói đớt “đ” thành “l”. Ví dụ,“đi đứng đông đảo” thành “li lứng lông lảo”, “Đông Xuyên” thành “Long Xuyên” (Trích trong Chau Mô Ni Sóc Kha, 2019, tr. 61).
Căn cứ vào các bản đồ xuất bản trong các năm 1838, 1863, và 1901 thì thấy rằng người Pháp phân biệt rất rõ các tên gọi “Đông Xuyên” và “Long Xuyên”, cụ thể như sau:
Trong An Nam đại quốc họa đồ (Bản đồ nước An Nam) do giám mục người Pháp Jean-Louis Taberd (1794 – 1840) xuất bản năm 1838 có ghi rõ địa danh “Đông Xuyên” bằng chữ Quốc ngữ với đầy đủ dấu tiếng Việt dọc theo sông Đông Xuyên, nay là sông Long Xuyên (Hình 1).
Trong bản đồ Nam Kỳ lục tỉnh (BasseCochinchine) do Pháp ấn hành năm 1863 (khi đó 3 tỉnh miền Đông đã nhượng cho Pháp, nhưng 3 tỉnh miền Tây vẫn thuộc nhà Nguyễn) có ghi chữ “Cho Long Xuyen” (Chợ Long Xuyên) tại vị trí TP Long Xuyên ngày nay và chữ “Dong Xuyen (Huyen)” (Huyện Đông Xuyên) tại vị trí thị xã Tân Châu ngày nay (Hình 2).
Trong bản đồ tỉnh Long Xuyên do Pháp xuất bản năm 1901, chữ “Long Xuyen” được ghi không có dấu, nhưng các chữ: “Định Thanh” (Định Thành), “Định Phươc” (Định Phước), “Định Hoa” (Định Hòa), “Định My” (Định Mỹ), ghi bằng chữ “Đ” rất rõ (Hình 3).
Như vậy, có thể khẳng định rằng, người Pháp không phát âm hoặc ghi âm nhầm “Đông Xuyên” thành “Long Xuyên”. Điều đó có nghĩa là, người dân địa phương đã đọc trại “Đông Xuyên” thành “Long Xuyên”. Tuy nhiên, có hai vấn đề đặt ra: Người nào có cách đọc trại như vậy? Cách đọc này có trở thành phổ biến ở vùng này hay không? Tại Hội thảo khoa học “Lịch sử 230 năm từ thủ Đông Xuyên đến TP Long Xuyên”, Tiến sĩ Ngô Quang Láng – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang cho rằng: Người Hoa thường phát âm “đ” thành “l” nên “Đông Xuyên” được gọi là “Long Xuyên” (Ngô Quang Láng, ý kiến cá nhân, ngày 19 tháng 4, 2019).
Theo Trần Thị Ngọc Giàu (2019), từ giữa thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX người Hoa có bốn lần di cư lớn vào Nam Bộ, trong đó có Long Xuyên. Vì vậy, ở Long Xuyên có số lượng người Hoa sinh sống rất đông. Đa số người Hoa Long Xuyên làm nghề buôn bán và tiểu thủ công. Đặc biệt, sau khi Thoại Ngọc Hầu tổ chức đào sông Đông Xuyên thông với Rạch Giá thì chợ Đông Xuyên trở thành đầu mối giao lưu hàng hóa lớn, ghe thuyền đến mua bán tấp nập, người Hoa tụ tập về đây làm ăn buôn bán ngày càng đông đúc.
Đáng lưu ý, khi cuộc xâm chiếm Nam Kỳ sắp kết thúc, thực dân Pháp đã mở cửa cho người Hoa từ Trung Quốc di cư vào Nam Kỳ để làm công cụ tay sai cho chúng. Khi di cư đến đây, người Hoa đã nhanh chóng thâu tóm hoạt động kinh doanh thương mại. Trong báo cáo Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ năm 1880 của người Pháp có ghi: “Người Hoa đã định cư trong xứ, nắm trong tay những thương điếm chính” (Trích trong Trần Thị Ngọc Giàu, 2019, tr. 140).
Từ đó có thể khẳng định: (1) Do cách phát âm “đ” thành “l” nên người Hoa gọi chợ Đông Xuyên là Long Xuyên; (2) Do người Hoa có dân số đông và có vai trò nổi bật trong hoạt động kinh doanh thương mại ở chợ Đông Xuyên nên khi họ gọi chợ này là Long Xuyên thì nhiều người khác cũng gọi theo; (3) Người Pháp đã ghi nhận tên gọi chợ Long Xuyên trong bản đồ Nam Kỳ năm 1863, trước khi quân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ (1867).
Năm 1868, chính quyền Pháp đã lấy tên chợ Long Xuyên để đặt cho hạt thanh tra Long Xuyên. Sách Monographie de la province de Long-xuyen xuất bản tại Hà Nội năm 1924 viết:
Năm 1868, Thống đốc nhận thấy được tầm quan trọng của ‘Chợ Long Xuyên’, là cửa ngõ vào Rạch Giá, đã quyết định thành lập một hạt thanh tra cho tất cả các làng của tỉnh Châu Đốc, từ vị trí phía dưới Vàm Nao đến giáp ranh các hạt thanh tra Rạch Giá, Cần Thơ, và Sa Đéc.
(Trích trong Dương Văn Triêm, 2019, tr. 18).
4. Kết luận
Vùng đất Long Xuyên ở An Giang được hình thành trong quá trình khẩn hoang lập ấp của người Việt ở miền Tây Nam Bộ mà mở đầu là “thủ Đông Xuyên” dưới thời chúa Nguyễn Ánh. Đến triều Nguyễn, ở địa bàn này xuất hiện tên gọi “huyện Tây Xuyên”, nhưng tên gọi này đến nay hầu như không còn tồn tại.
Sau khi Thoại Ngọc Hầu đốc suất đào sông Đông Xuyên thông với Rạch Giá để trở thành tuyến đường thủy gọi là “Đông Xuyên cảng đạo”, hoạt động giao lưu buôn bán ở vùng Đông Xuyên được đẩy mạnh, dẫn đến sự ra đời “chợ Đông Xuyên”, một đầu mối giao thương lớn trong vùng. Chợ Đông Xuyên thu hút nhiều người đến làm ăn buôn bán, nhất là người Hoa. Do cách phát âm của người Hoa (“đ” thành “l”) nên “chợ Đông Xuyên” dần dần được gọi là “chợ Long Xuyên”. Khi thực dân Pháp chiếm tỉnh An Giang, nhận thấy tầm quan trọng của vùng đất Long Xuyên, nhất là của chợ Long Xuyên nên đã lập ra hạt thanh tra Long Xuyên. Từ đó, Long Xuyên trở thành địa danh chính thức với các tên gọi như tỉnh Long Xuyên, thị xã Long Xuyên, và ngày nay là TP Long Xuyên.
Có thể thấy rằng, địa danh “Đông Xuyên” có ý nghĩa rất quan trọng đối với TP Long Xuyên cũng như với tỉnh An Giang. Hiện nay, địa danh này vẫn còn được lưu giữ qua một số tên gọi như: Phường Đông Xuyên, khách sạn Đông Xuyên. Hy vọng rằng, cùng với “Long Xuyên”, tên gọi “Đông Xuyên” sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy trong mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của TP Long Xuyên nói riêng và tỉnh An Giang nói chung.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
An Nam đại quốc họa đồ, 1838. Phụ bản của cuốn Từ điển Latin-An Nam (Dictionarium latino-anamiticum). Calcutta: Nhà xuất bản Oriental Lith. Press. Truy cập từ https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/23050642969
Bản đồ Nam Kỳ lục tỉnh, 1863. Truy cập từ https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/3/3a/NamKy1863.jpg
Bản đồ tỉnh Long Xuyên, 1901. Truy cập từ
https://www.wikiwand.com/vi/Long_Xuy%C3%AAn_(t%E1%BB%89nh)
Chau Mo Ni Sóc Kha. (Tháng 4, 2019). Mạn đàm từ nguyên “Long Xuyên”. Bài tham luận tại hội thảo “Lịch sử 230 năm từ thủ Đông Xuyên đến TP Long Xuyên”, An Giang.
Trịnh Hoài Đức. (2004). Gia Định thành thông chí (Lý Việt Dũng. Biên dịch). Biên Hòa: Nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Nai. (Quyển sách gốc được xuất bản khoảng năm 1820).
Trần Văn Đông. (Tháng 4, 2019). Địa chí hành chính TP Long Xuyên qua các thời kỳ lịch sử.
Bài tham luận tại hội thảo “Lịch sử 230 năm từ thủ Đông Xuyên đến TP Long Xuyên”, An Giang.
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. (2009). Lược sử vùng đất Nam Bộ (Xuất bản lần thứ 2; Vũ Minh Giang. Chủ biên). Hà Nội: Nhà xuất bản Thế giới.
Trần Thị Ngọc Giàu. (Tháng 4, 2019). Tìm hiểu hoạt động kinh tế người Hoa Long Xuyên dưới thời Pháp thuộc (1868-1945). Bài tham luận tại hội thảo “Lịch sử 230 năm từ thủ Đông Xuyên đến TP Long Xuyên”, An Giang.
Phan Văn Kiến. (Tháng 4, 2019). Duyên cách hành chính vùng đất Long Xuyên. Bài tham luận tại hội thảo “Lịch sử 230 năm từ thủ Đông Xuyên đến TP Long Xuyên”, An Giang.
Nguyễn Bảo Kim. (Tháng 4, 2019). Lịch sử hình thành, phát triển từ thủ Đông Xuyên đến TP Long Xuyên hiện nay. Bài tham luận tại hội thảo “Lịch sử 230 năm từ thủ Đông Xuyên đến TP Long Xuyên”, An Giang.
Ngô Quang Láng. (Ngày 19 tháng 4, 2019). Ý kiến phát biểu tại hội thảo “Lịch sử 230 năm từ thủ Đông Xuyên đến TP Long Xuyên”, An Giang.
Sơn Nam. (2004). Tìm hiểu đất Hậu Giang và lịch sử đất An Giang. TP Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Trẻ.
Nguyễn Liên Phong. (1909). Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca. Sài Gòn: Nhà xuất bản Đinh Thái Sơn.
Quốc sử quán triều Nguyễn. (2006). Đại Nam nhất thống chí, tập 5. (Phạm Trọng Điềm. Biên dịch; Đào Duy Anh. Hiệu đính). Huế: Nhà xuất bản Thuận Hóa. (Quyển sách gốc được biên soạn thời Tự Đức và được xuất bản thời Duy Tân, khoảng năm 1910).
Huỳnh Công Tín. (Tháng 4, 2019). Tên gọi TP Long Xuyên. Bài tham luận tại hội thảo “Lịch sử 230 năm từ thủ Đông Xuyên đến TP Long Xuyên”, An Giang
Dương Văn Triêm. (Tháng 4, 2019). Địa giới hành chính Long Xuyên thời thuộc Pháp. Bài tham luận tại hội thảo “Lịch sử 230 năm từ thủ Đông Xuyên đến TP Long Xuyên”, An Giang.
Nguyễn Đình Tư. (2016). Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1959-1954), tập 1. TP. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Tổng hợp.
UBND tỉnh An Giang, (2013). Địa chí An Giang. An Giang: UBND tỉnh xuất bản.
UBND TP Long Xuyên. (2010). Lịch sử hình thành TP Long Xuyên. Truy cập tại
http://longxuyen.angiang.gov.vn/wps/portal/!ut/p/c4/04_SB8K8xLLM9MSSzPy8xBz9CP0os3j3oBBLczdTEwMLD383A09nx1ADT_OgQDMfA_2CbEdFAGcdssk!/
Trần Hoàng Vũ. (2017). Thoại Ngọc Hầu qua những tài liệu mới. TP. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Tổng hợp.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Quốc tế AGU,
AGU International Journal of Sciences – 2020, Vol. 25 (2), 1 – 11
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh “Long Xuyên” ở tỉnh An Giang (Tác giả: Đào Ngọc Cảnh) |