Tìm thấy đạo sắc phong cho Thiên hộ Võ Duy Dương Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều

Tác giả bài viết: Tiến sĩ  ĐỖ THỊ HÀ THƠ
(Trường Đại học Đồng Tháp)

TÓM TẮT

     Hòa vào cuộc chiến chống Pháp của cả nước, Thiên hộ Võ Duy Dương (1827 – 1866) và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều (? – 1866) là hai trong những vị tướng làm nên trang sử hào hùng của mảnh đất Đồng Tháp nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Lòng trung can nghĩa đảm của hai ông đã được triều đình Nguyễn vinh danh qua các đạo sắc phong, với các mỹ tự: Hộ quốc Hàm phu Hoằng tế Thiện trợ Dũng liệt Quảng uy Trung trực Anh đoán, Đoan túc Tôn thần. Sự công nhận này ghi dấu sự kiện quan trọng đối với đời sống văn hóa – tín ngưỡng địa phương. Sự nghiệp chống Pháp của hai ông kết thúc năm 1866, tuy nhiên đến nay chúng tôi mới tìm được đạo sắc phong cho hai ông.

Từ khóa: đạo sắc phong, Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều.

ABSTRACT

     In the war against France, Thien ho Vo Duy Duong (1827 – 1866) and Military Supervisor Nguyen Tan Kieu (? – 1866) are two of the leaders making the glorious history for Dong Thap pronvice in particular and Viet Nam in general. Their bravery and the loyalty were honored by the Nguyen Dynasty through the edicts with these nice words: “Hộ quốc Hàm phu Hoằng tế Thiện trợ Dũng liệt Quảng uy Trung trực Anh đoán”, “Đoan túc Tôn thần”. This authentication marked the important event to cultural and sanctimonious life of this province. Their cause against the French ended in 1866. However, until 2014 were the edicts offered to them found.

Keywords: edict, Thien ho Vo Duy Duong, Military supervisor Nguyen Tan Kieu.

x
x x

     Nhân chuyến hướng dẫn thực tế cho nhóm sinh viên, chúng tôi về xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười. Được người dân địa phương giới thiệu, chúng tôi tìm gặp chú Hồ Văn Mười ngụ ở ấp 1 xã Tân Kiều, hiện chú là Trưởng ban Hội hương của xã. Thật bất ngờ khi biết chú chính là người giữ ba bảo vật của quốc gia. Chúng tôi rất may mắn được chú cho xem ba bảo vật này, đó là: Sắc phong cho Thiên hộ Võ Duy Dương, sắc phong cho Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều và sắc phong cho Công chúa Nguyễn Phúc Hồng Nga1. Nhìn chung các đạo sắc phong đều còn rất tốt, chữ viết nguyên vẹn rõ ràng, chúng tôi xin giới thiệu hai đạo sắc phong cho Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều.

1. Chất liệu và họa tiết

     Cả hai đạo sắc đều được viết trên chất liệu giấy màu vàng đồng, mịn, nổi rõ lên trên là hình rồng uốn lượn trải dài trên trang văn bản, đầu hướng lên trên và quay về phía văn bản, với nhiều chấm tròn rải rác điểm xuyết trên toàn mặt sắc.

     Bốn góc là hình chữ nhật có sáu chữ 夀 thọ cách điệu viền xung quanh, chính giữa cũng là hình chữ 夀 thọ cách điệu, quây quanh là họa tiết mây.

     Mặt sau tờ sắc, bốn gốc là bốn hình chữ 夀 thọ cách điệu, chính giữa tờ sắc có hình 1 chữ thọ, hai bên là họa tiết hai hình lá, hai khóm mây cách quãng đối xứng nhau qua chữ thọ.

     Đường diềm mặt trước và mặt sau của tờ sắc được trang trí hình chữ 卐 vạn đan xen nhau.

2. Kích thước và chữ viết

     Kích thước của hai đạo sắc phong này là 48 x 112 cm. Nội dung hai đạo sắc có tổng cộng 123 chữ phân thành 10 dòng, dòng trung bình 14 chữ, ít nhất 6 chữ và nhiều nhất 15 chữ.

     Cả hai đạo sắc đều được viết theo lối chữ Hán chân phương rất đẹp, rõ ràng, dễ đọc. Hai văn bản này cùng xuất hiện hai chữ Nôm, để ghi địa danh sở tại là 的 Đéc (沙 的 Sa Đéc), 𨑮 Mười (塔𨑮 Tháp Mười). Riêng bản sắc phong cho Nguyễn Tấn Kiều còn xuất hiện chữ Nôm 進 Tấn để ghi tên của ông.

3. Niên đại, quốc ấn và mỹ tự

     Hai đạo sắc phong cùng được ban vào ngày 25 tháng 7 năm Khải Định 9 (1924) nhân dịp đại khánh (sinh nhật) tứ tuần của vua Khải Định. Dòng chữ ghi niên đại được viết ở phía bên trái văn bản và được ấn dấu triện 敕命之寳 Sắc mệnh chi bảo màu son đỏ đóng trùm lên từ chữ 年 niên đến chữ 五 ngũ (đạo sắc cho Nguyễn Tấn Kiều), đến chữ 日 nhật (đạo sắc cho Võ Duy Dương). Quốc ấn này có hình vuông, kích thước là 13,5 x 13,5 cm. Chữ trong con dấu được khắc theo lối chữ triện. Mỹ tự của hai đạo sắc phong này tương đối giống nhau, ca ngợi công đức hai ngài như Hộ quốc Hàm phu Hoằng tế Thiện trợ Dũng liệt Quảng uy Trung trực Anh đoán (đã được gia tặng trước đây), Đoan túc Tôn thần (gia phong đợt này). Căn cứ vào mỹ tự này, đối chiếu quy định ban cấp sắc phong thần của triều Nguyễn thì cấp bậc được ban tặng cho hai vị là cấp Hạ Đẳng Thần.

4. Địa điểm lưu giữ

     Hai đạo sắc được lưu giữ tại nhà chú Hồ Văn Mười. Hai đạo sắc này được cuộn tròn cho vào ống thiết tròn màu đỏ có nắp đậy và được đặt vào hộp đựng sắc nhỏ bằng gỗ màu đen, bên trong sơn đỏ, có kích thước 12 x 53 cm. Sau đó gói hộp nhỏ lại bằng vải đỏ và cố định lại bằng dây vải đỏ, tiếp tục đặt vào hộp đựng sắc lớn. Hộp sắc lớn cũng bằng gỗ, được chạm khắc hình rồng, có kích thước 16 x 64 cm. Phía trước hộp sắc dán hình của 2 vị trướng, được chú Mười kính cẩn đặt lên bàn thờ và hằng ngày đều có thắp nhang cúng vái. Sau đây chúng tôi xin lần lượt giới thiệu nguyên văn chữ Hán, phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa hai đạo sắc nói trên:

     Đạo sắc phong cho Thiên hộ Võ Duy Dương

敕 沙 的 省 豊 稔 總 美 夀 社 塔𨑮村奉事指揮掌管義軍五拎千户武惟 楊靈扶翊保

中興加贈美字護國咸夫弘濟善助,勇 列廣威,忠直英踹,護國庇民,稔著靈應 節蒙頒給敕封凖許奉事o肆今值朕四旬 大慶節經頒寳詔覃恩禮,隆登秩著加贈 端肅尊神o特凖奉事用誌國慶而申祀典o 欽哉!

啟定玖年柒月貳拾五日o

     Phiên âm Hán Việt:

Sắc Sa Đéc tỉnh, Phong Nẫm tổng, Mỹ Thọ xã, Tháp Mười thôn phụng sự Chỉ huy Chưởng quản Nghĩa quân Ngũ linh Thiên hộ Võ Duy Dương linh phù dực bảo trung hưng gia tặng mỹ tự Hộ quốc Hàm phu Hoằng tế Thiện trợ Dũng liệt Quảng uy Trung trực Anh đoán, hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trị Trẩm tứ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ, long đăng trật trứ gia tặng Đoan túc Tôn thần. Đặc chuẩn phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển.

Khâm tai!

Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.

(Ấn Sắc mệnh chi bảo).

     Dịch nghĩa:

Sắc cho thôn Tháp Mười, xã Mỹ Thọ, tổng Phong Nẫm, tỉnh Sa Đéc phụng thờ Chỉ huy Chưởng quản Nghĩa quân Ngũ linh Thiên hộ Võ Duy Dương đã hiển linh phù giúp công cuộc Trung hưng, được gia tặng mỹ tự là Hộ quốc Hàm phu Hoằng tế Thiện trợ Dũng liệt Quảng uy Trung trực Anh đoán, giúp nước yên dân, linh ứng lâu năm, từng được ban cấp sắc phong chuẩn cho thờ phụng. Nay đúng dịp đại khánh tứ tuần của Trẫm đã ban bảo chiếu ra ân rộng rãi, lễ lớn gia tăng cấp bậc nên gia tặng thêm là Đoan túc Tôn thần. Đặc chuẩn phụng thờ để ghi nhớ ngày mừng của nước và làm rõ phép tắc thờ tự. Hãy kính tuân theo!

Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9.

(Ấn Sắc mệnh chi bảo).

     Đạo sắc phong cho Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều

敕沙 的 省 豊 稔 總 美 夀 社 塔𨑮村奉事兵運参謀督兵阮進僑靈夫翊 保中興加贈

美字護國咸夫弘濟善助,勇列廣威, 忠直英踹,智略疆儀,護國庇民,稔著靈 應節蒙頒給敕封凖許奉事o肆今正值朕 四旬大慶節經頒寳詔覃恩禮,隆登秩著 加贈端肅尊神o特凖奉事用誌國慶而申 祀典o欽哉!

啟定玖年柒月貳拾五日o

     Phiên âm Hán Việt:

Sắc Sa Đéc tỉnh, Phong Nẫm tổng, Mỹ Thọ xã, Tháp Mười thôn phụng sự Binh vận Tham mưu Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều linh phù dực bảo trung hưng gia tặng mỹ tự Hộ quốc Hàm phu Hoằng tế Thiện trợ Dũng liệt Quảng uy Trung trực Anh đoán Trí lược Cương nghi, hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trị Trẫm tứ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ, long đăng trật trứ gia tặng Đoan túc Tôn thần. Đặc chuẩn phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển.

Khâm tai!

Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.

(Ấn Sắc mệnh chi bảo).

     Dịch nghĩa:

Sắc cho thôn Tháp Mười, xã Mỹ Thọ, tổng Phong Nẫm, tỉnh Sa Đéc phụng thờ Binh vận Tham mưu Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều đã hiển linh phù giúp công cuộc Trung hưng, được gia tặng mỹ tự là Hộ quốc Hàm phu Hoằng tế Thiện trợ Dũng liệt Quảng uy Trung trực Anh đoán Trí lược Cương nghi, giúp nước yên dân, linh ứng lâu năm, từng được ban cấp sắc phong chuẩn cho thờ phụng. Nay đúng dịp đại khánh tứ tuần của Trẫm đã ban bảo chiếu ra ân rộng rãi, lễ lớn gia tăng cấp bậc nên gia tặng thêm là Đoan túc Tôn thần. Đặc chuẩn phụng thờ để ghi nhớ ngày mừng của nước và làm rõ phép tắc thờ tự. Hãy kính tuân theo!

Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9.

(Ấn Sắc mệnh chi bảo).

          Qua nội dung của hai đạo sắc trên hé lộ thông tin lịch sử vô cùng quan trọng về hai vị tướng chống Pháp ở đất Đồng Tháp:

     – Hai ông trước đây đã từng được ban cấp sắc phong và được chuẩn cho dân địa phương thờ tự. Tuy nhiên hiện nay chúng tôi chưa tìm được sắc phong trước đó.

     – Công trình nghiên cứu về đất và người Đồng Tháp chỉ cho biết, hai ông được dân địa phương mặc nhiên tôn làm thần Thành hoàng bổn cảnh sau khi mất, rất cần bổ sung thông tin về việc ban sắc phong của triều đình Huế vinh danh cho hai ông với tư cách của một nhân thần.

     – Mở tiếp những trang sử ghi chép về Đốc binh Kiều, chúng tôi thấy ghi: “Rất tiếc đến hiện nay, chúng ta chưa biết họ và quê quán của Đốc binh Kiều” 2. Ở đạo sắc thứ 2, dòng thứ 2, phẩm hàm và tên họ của ông được ghi rõ ràng là 兵運参謀督 兵阮進僑 Binh Vận Tham Mưu Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều. Đến đây, các nhà nghiên cứu ở Đồng Tháp có thể khẳng định tên họ chính xác của ông, xóa bỏ phần phỏng đoán trước đây trong dân gian là Lê Công Kiều hay Trần Phú Kiều, để viết tiếp các công trình giới thiệu cuộc đời và trọng trách lịch sử của ông dành cho vùng đất Đồng Tháp.

     Việc bảo quản và giữ gìn được hai đạo sắc quý giá về hai vị anh hùng của dân tộc nói chung và của người dân Đồng Tháp nói riêng, đã giúp chúng tôi đưa ra nhận xét chân xác về quá khứ oai hùng của người và đất Đồng Tháp trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Từ cứ liệu này, chúng tôi xin cung cấp những thông tin trên, kịp thời bổ sung và mở ngõ hầu lịch sử cho các công trình nghiên cứu sau.

     Chú thích:

     1. Về đạo sắc phong cho công chúa Nguyễn Phúc Hồng Nga đã được phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa viết ở tờ sắc khác, ban cùng năm và được đóng ấn Sắc mệnh chi bảo.

     2. Ban tuyên giáo tỉnh ủy Đồng Tháp (2014), Địa chí tỉnh Đồng Tháp, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh,

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Đồng Tháp (2014), Địa chí tỉnh Đồng Tháp, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Sài Gòn, Số 25 – Tháng 12/2014

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Tìm thấy đạo sắc phong cho Thiên hộ Võ Duy Dương Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều (Tác giả: TS. Đỗ Thị Hà Thơ)