Tín ngưỡng THỜ THẦN ở ĐÌNH LÀNG ĐỒNG THÁP
ĐỖ THỊ HÀ THƠ
(Khoa Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Đồng Tháp)
TÓM TẮT
Đình làng Đồng Tháp hiện vẫn còn lưu giữ dấu vết tín ngưỡng thờ tự một thời của cư dân địa phương. Vị trí cấp bậc của thần được “bảo vệ” và “thiết đặt” chính bằng sự phong cấp của thế tục. Theo đó, các vị thần khác – kết quả từ nhu cầu địa phương hoá phúc thần của người Việt, sự giao thoa văn hoá với người Trung Quốc, người Chiêm Thành, người Chân Lạp – đều quy tụ về đình để trú ngụ và hưởng tế lễ bên cạnh vị thần chủ soái: Thần Thành Hoàng. Qua khảo sát thực tế, bài viết xin giới thiệu về cơ bản tập hợp thần linh được thờ tự ở đình, làm cơ sở phát huy văn hóa địa phương trong việc hoạch định và tôn tạo tự tích đình thời hiện đại.
ABSTRACT
Dong Thap village’s communal houses retain the traces of worshiping beliefs of the local people in the past. The ranks of the gods were conferred and protected according to the secular style. Accordingly other gods – results from the needs of the localization of Vietnam people, the cultural exchange with the Chinese, the Campanagara, the Chenla – all gathered at the village communal houses to shetter and enjoy of ferings together with the main god – the Deity. After making a survey, this article presents basic introduction of gods being worshiped in the village communal houses, providing basis for the promotion of the local culture in planning, embellishing written evidence of the village communal houses in the morden time.
x
x x
1. VÀI NÉT VỀ ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
Đình ở Đồng Tháp đa phần được xây dựng vào thế kỷ XIX để đảm bảo và phục vụ nhu cầu tín ngưỡng cho dân địa phương. Qua điền dã 11 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Đồng Tháp, có thể thống kê được 84 ngôi đình
Bảng 1: Số lượng đình và đối tượng được ban sắc phong hiện còn ở đình trên địa bàn tỉnh Đồng Thápi
Tp/huyện | Số đình | Số lượng sắc phong | Đối tượng ban tặng |
Tp. Cao Lãnh | 6 | 15 | – Thành Hoàng – Đại Càn |
Tp. Sa Đéc | 6 | 13 | – Thành Hoàng – Đại Càn – Nhân Hòa hầu Tống Phước Hòaii – Khâm sai Chưởng cơ Nguyễn Văn Thốngiii |
Huyện Cao Lãnh | 14 | 42 | – Thành Hoàng – Thân phụ, thân mẫu của Công Bộ Tả Tham tri Bùi Đức Minhiv |
Huyện Châu Thành | 13 | 14 | – Thành Hoàng – Đại Càn |
Huyện Lai Vung Huyện Lấp Vò | 12 12 | 12 12 | – Thành Hoàng – Thành Hoàng |
Huyện Tam Nông | 5 | 2 | – Thành Hoàng – Đại Càn |
Huyện Thanh Bình | 5 | 9 | – Thành Hoàng – Đại Càn |
Huyện Hồng Ngự Huyện Tân Hồng Huyện Tháp Mười | 6 2 3 | 6 2 0 | – Thành Hoàng |
Đình ở Đồng Tháp ngày trước chủ yếu được xây cất ven các con sông, đường giao thông chính của địa phương bấy giờ. Từ thực tế khảo sát, một số đình hiện nay tọa lạc ở chỗ rất hẻo lánh, đường đi ngoằn ngoèo, một số đình nằm ngay trục lộ chính do sông được bồi đắp. Nhiều ngôi đình có sắc phong được ban vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), với số lượng mỹ tự ban cho thần Thành Hoàng là 保安正直之神 Bảo an Chính trực chi thần, khẳng định nhiều đình ở Đồng Tháp có niên đại gần 200 năm. Từ dữ liệu này có thể tạm đi đến kết luận những thôn làng này được khai phá từ khá sớm. Bảng thống kê trên cho thấy mật độ phân bố đình trong cả tỉnh không đều nhau, huyện Cao Lãnh với 18 đơn vị hành chính cấp xã có nhiều đình nhất. Sự chênh lệch về mật độ phân bố đình ghi nhận sự quần cư tụ hội của cư dân buổi đầu khai hoang lập ấp và phát triển cho đến ngày nay trên đất Đồng Tháp, trên hết là việc chinh phục thiên nhiên cùng sự giao thương kinh tế giữa các vùng với nhu cầu cần được bảo trợ của lớp người di dân.
Nhìn chung, kiến trúc cũng như cách bày trí khu thờ tự ở các đình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp gần như giống nhau. Về đại thể, đình làng Đồng Tháp xây dựng đầy đủ ba khu: Khu thờ tự, khu võ ca, khu võ quy. Trong đó, khu thờ tự là nơi được trang trí cầu kỳ và đẹp mắt nhất với các bức hoành phi, câu đối, bài vị được chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng. Một số đình ở tỉnh Đồng Tháp được tu sửa những năm trở lại đây cũng mô phỏng lại kiến trúc cổ và tạo tác hoành phi, câu đối trên chất liệu bê tông ở khu chánh tẩm, tạo nên không gian trang nghiêm cho khu thờ tự và sự bề thế của ngôi đình. Theo đó, cả một hệ thống thần linh sinh động được địa phương hoá đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của làng xã. Sự phối hợp của thần linh trong khuôn viên ngôi đình ở tỉnh Đồng Tháp từ thế kỷ XIX ghi nhận sự nâng cao ý thức khu vực của người dân. Trên tinh thần này, các hoạt động cầu đảo xin chứng giám của cõi linh được hình thành mang tính duy lý có hệ thống hơn của cư dân phương Nam. Những hình thức lễ tín ngưỡng dân gian, lễ nông nghiệp và lễ tết cổ truyền cũng được kết thành trên quan niệm về vị thần được thờ tự ở đình.
2. HỆ THỐNG THẦN LINH ĐƯỢC THỜ TỰ TRONG ĐÌNH
Khi ngôi đình thiên di theo bước chân di dân của cư dân Bắc và Trung, ngôi đình đã không còn giữ vai trò thống soái trong sinh hoạt làng xã đối với cư dân phương Nam. Thêm vào đó, các bản sắc phong cho thần Thành Hoàng và thần Đại Càn của triều đình Huế một mặt minh chứng cho tính “âm phù” của thần, mặt khác gián tiếp khẳng định chức năng thờ cúng của đình bên cạnh ý đồ chính trị khác. Đến đây “chức năng thờ cúng hoàn toàn lấn áp chức năng thế tục” (Tạ Chí Đại Trường, 2011). Tín ngưỡng thờ thần ở đình làng Đồng Tháp nói riêng và khu vực Tây Nam Bộ nói chung được hình thành và kế thừa từ thành quả tư duy Việt trong chặng đường Nam tiến. Tuỳ từng nơi cư trú, ngôi đình hiện lên với một tập hợp thần linh phối thờ riêng, phản ánh sự cầu đảo của cõi tục đối với cõi thiêng vừa cụ thể nhưng cũng rất chung chung. Khảo sát cách bày trí khu thờ tự các đình ở tỉnh Đồng Tháp hiện nay, có thể thấy tập hợp thần linh được quy tụ thờ ở đình có thể phân thành các nhóm đối tượng: Vị thần thờ chính, vị thần phối thờ theo tín ngưỡng dân gian, vị thần phối thờ qua giao thoa văn hoá và nhân vật lịch sử.
2.1 Vị thần thờ chính
Tính chất cởi mở trong quan niệm của cư dân phương Nam nói chung và người Đồng Tháp nói riêng đã tạo nên vị thế mới cho các vị thần được thờ tự ở đình. Sự phân cấp không tranh chấp vị thần Thành Hoàng của nhóm di dân buổi đầu đã gián tiếp định hình thứ bậc cho các vị thần được phối thờ sau này. Dựa vào nguồn tư liệu dân gian và qua kết quả thống kê cho thấy triều đình Nguyễn ban tổng cộng 65 đạo sắc phong cho thầnv.
Thành Hoàng vào các triều vua Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định, Bảo Đại. Trong đó tập trung nhiều nhất ở niên hiệu vua Thiệu Trị thứ 5 (1845) và Tự Đức thứ 5 (1852), với số lượng mỹ tự đầy đủ vào năm Thiệu Trị thứ 5 là 保安正直佑善之神 Bảo An Chính trực Hựu thiện chi thầnvi, năm Tự Đức thứ 5 là 廣厚正直佑善敦凝之神 Quảng hậu Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng chi thần. Chính tính chất tập trung quyền lực của thần Thành Hoàng, cộng thêm sự phong cấp của thế tục càng làm tăng thêm uy thế cho vị thần này để quản lý dân ở những vùng xa trung ương như ở Đồng Tháp. Và nghĩa là, vị thần hào luỹ của Trung Quốc (城 thành: hào, 隍 hoàng: luỹ) khi vừa đến Việt Nam lập tức hoá thành vị thần chung chung đầy quyền bính ở cõi linh thiêng trừ tai giáng phúc cho cư dân trên các vùng đất mới. Với tính chất chung này, nên dù hữu danh vô thực, vị thần Thành Hoàng ở Đồng Tháp đã phát huy vai trò thống nhất thần linh và hợp thức hóa việc thờ tự ở địa phương.
Bài vị thờ thần Thành Hoàng ở các đình của tỉnh Đồng Tháp đều thờ bức đại tự chữ 神 Thần bằng chữ Hán được sơn son thếp vàng, riêng đình Mù U (huyện Châu Thành) thờ bức đại tự chữ Hán với bốn chữ 城隍大王 Thành Hoàng Đại vương. Khánh thờ được đặt ở vị trí tối tôn nơi chánh tẩm, hộ vệ cho thần còn có hai ban Tả, Hữu.
Thần Thành Hoàng trở thành biểu tượng tâm linh của các đình khu vực miền Tây. Việc thờ tự vị thần này cũng giống như đình ở Đồng Tháp. Điểm đặc biệt của tín ngưỡng thờ thần Thành Hoàng ở tỉnh đều mang tính bất biến theo thời gian và không gian. Quan niệm về ông thần “hộ quốc tí dân” mang biểu tượng của sức mạnh tự nhiên là như nhau và tồn tại mãi mãi. Với bước đầu khảo sát, trường hợp tại đình thần Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang), đây là đình vốn dĩ thờ thần Thành Hoàng bổn cảnh, được ban sắc phong vào ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức 5 (1852), không phải ban cho Nguyễn Trung Trực. Nhưng do biến cố lịch sử dân làng đã đổi tên thành đình thần Nguyễn Trung Trực tồn tại đến nay và người dân nơi đây vẫn ngỡ rằng sắc phong được ban cho và vị thần được thờ tự chính là anh hùng Nguyễn Trung Trực. Như vậy, sự hỗ trợ về mặt pháp lý với những bằng sắc của triều Nguyễn còn lưu lại ở các đình thuộc tỉnh miền Tây trực tiếp khẳng định địa vị độc tôn nhằm tăng thêm quyền bính ở cõi linh thiêng cho thần Thành Hoàng để quản lý dân ở những vùng xa trung ương, gián tiếp cùng với thần dân nơi đây nêu cao ý thức bảo vệ và phân biệt văn hoá dân tộc trước thách thức thời đại. Theo đó, tục thờ cúng thần Thành Hoàng ở Đồng Tháp nói riêng và Tây Nam Bộ nói chung đã góp phần minh chứng cho ý thức cũng như nếp sống tập thể của người dân trên bước đường khai phá vùng đất mới với đủ mọi thử thách từ thiên nhiên. Đây chính là nét văn hóa đặc trưng thống nhất của cộng đồng người Việt trong cả nước.
2.2 Vị thần phối thờ theo tín ngưỡng dân gian
Xuất phát từ cơ tầng của nền nông nghiệp lúa nước, cư dân Đồng Tháp tiếp nhận thờ vị thần bảo trợ cho nông nghiệp, Thần Nông, ở khuôn viên sân đình. Thông thường mỗi đình đều lập bệ gạch giữa sân, bệ gạch này là đàn Xã tắc (社 Xã: thần đất, 稷 tắc: thần lúa nếp), chỉ Thần Nông. Mặt sau đàn Xã tắc thường đắp hình “long bàn hổ cứ” tượng trưng cho sự hoà hợp âm dương, cầu mùa màng tươi tốt. Đình Tân Hòa (huyện Thanh Bình), đình Tân Dương (huyện Lai Vung) đắp nổi hình lân mã cũng cùng ý nghĩa trên. Ngoài ra, đình Mỹ Long (huyện Cao Lãnh) còn thờ tượng Thần Nông trên đàn Xã tắc, đình Tịnh Thới (Tp. Cao Lãnh) đề chữ Thần Nông bằng Quốc ngữ ngay trên đàn Xã tắc. Riêng đình Phú Hựu (huyện Châu Thành) còn lập miếu thờ cho thần Thần Nông, bài vị được viết bằng chữ Hán. Tuy nhiên, miếu thờ Thần Nông không còn đảm bảo được tính chất thờ phụng Thần Nông nguyên thuỷvii. Sự bảo trợ nông nghiệp của thần Thần Nông được thần Ngũ hành tiếp sức đủ sức hấp dẫn bước chân dân khai hoang trên vùng đất mới.
Mặc dù vậy, thiên nhiên phương Nam cụ thể ở Đồng Tháp vốn mang sẵn tính đe doạ con người bởi “rừng thiêng nước độc”. Quá trình khẩn hoang của cư dân đã sản sinh nên tín ngưỡng thờ thần Hổ. Nhiều nơi miếu thờ Sơn Quân đặt liền kề với miếu thờ Ngũ hành như đình Xẻo Vạt, đình Bình Tiên, đình An Nhơn (huyện Châu Thành) và đình An Phong (huyện Thanh Bình), đình Bình Hàng Tâyviii (huyện Cao Lãnh)… Bài vị thường là viết bằng chữ Hán, riêng đình Mỹ Long (huyện Cao Lãnh), đình Tân Xuân (huyện Châu Thành) thờ Sơn Quân bằng cốt tượng. Gần đây nhiều đình chuyển ghi bài vị bằng chữ Quốc ngữ.
Đến đây, khuôn viên sân đình đã quy tụ tập hợp thần linh cơ bản gắn liền với nhu cầu thiết thân của con người. Và sự cộng hưởng của vị thần Chúa Xứ (xem thêm mục 2.3) ở khuôn viên sân đình giúp tăng cường niềm tin của dân địa phương về sự bảo trợ của thần linh. Biến đổi xã hội cùng với yêu cầu ngày càng cao của cõi tục về một cuộc sống phồn phú ở những vùng xa trung ương đã thúc đẩy quá trình địa phương hoá của vị phúc thần khác là thần Thổ Địa/Thổ Thần, cùng hội tụ ở sân đình. Phạm vi quản lý của thần Thổ địa nhỏ hẹp hơn so với vị Chúa Xứ và cấp bậc càng thấp hơn thần Thành Hoàng. Thần Thổ địa được phối thờ ở sân đình là những nỗ lực đáng kể của người dân địa phương trước vị thần đại diện cho triều đình phong kiến cũng như vị thần chủ đất cũ của người Chiêm Thành và người Chân Lạp. Tính chất gần gũi của thần Thổ Địa theo thời gian trở thành vị gia thần ban phúc cho mỗi gia đình người Việt.
Trong tương quan với các đình khu vực Tây Nam bộ, tùy phạm vi cũng như quy mô của đình mà hệ thống thần linh trong khuôn viên sân đình được tập hợp đầy đủ, hoặc chọn một trong số những vị thần đã kể trên, nhưng điểm chung nhất là đình nào cũng có thờ Thần Nông. Tuy nhiên, cách thờ vị thần này cũng không nhất quán trong cùng một huyện hoặc một tỉnh như tỉnh Đồng Tháp. Tình hình chung này diễn ra ở hầu khắp các đình cùng khu vực, có thể kể đến các đình Mỹ Hội Đông, đình Tầm Du, đình Tú Tề (An Giang), đình Bình Thủy, đình Thới Bình – Tân An (Cần Thơ), đình Hòa Khánh, đình Rừng Muỗi (Long An), đình thần xã Mỹ Hương (Sóc Trăng)… đều lập hẳn miếu có mái nóc nhọn. Hạn hữu có đình thần Phan Thanh Giản (Cần Thơ), đình Hòa Minh (Vĩnh Long)… xây miếu mái bằng. Đặc biệt hơn đình Nhơn Ái và đình Mỹ Khánh (Cần Thơ), ban thờ Thần Nông được lập như bàn thiên bên hông đình. Đình Bình Lương (Vĩnh Long) thờ cả bài vị của thần Hậu Tắc và Thần Nông ngay trong chánh tẩm. Ngoài Thần Nông, thần Hổ và thần Ngũ Hành là hai vị thần xuất hiện nhiều ở các đình Tây Nam Bộ, riêng đình Hòa Ninh (Trà Vinh) còn lập thêm hai ban tả hữu thờ Mãnh thú. Trong khi đó, một số đình tân lập hay những đình xây dựng lâu năm lại không có vị thần nào ngự trị trong khuôn viên sân đình, chẳng hạn đình Phú Hội, đình thần Chùa Ông (Vĩnh Long), đình Mỹ Quý, đình Bến Kinh, đình Long Hậu Hạ, đình Mỹ Thập, đình Phú Thứ, đình Mỹ Hiệp, đình Tân Lập (Trà Vinh)… vấn đề thờ tự càng đơn giản hơn. Phần vì nằm ở nơi hẻo lánh chưa thực sự nhận được sự quan tâm của người dân địa phương cũng như các cấp chính quyền sở tại, phần vì một số nơi cũng muốn làng mình có đình để chứng tỏ với làng bên cạnh về bề dày lịch sử nên lớp người sau đành chú trọng theo kiểu “cho có”. Với tập hợp thần linh theo tín ngưỡng dân gian, bộc lộ tính thực tế, sự dung dị, hài hòa trong cách sống và quan niệm của người Đồng Tháp cũng như người miền Tây. Họ mưu cầu cuộc sống yên bình, ấm no trước sức mạnh của thú dữ, họ sẵn sàng tôn cọp lên hàng thần linh và cũng sẵn sàng thể hiện sức mạnh muốn chinh phục thiên nhiên của mình. Nhìn chung, sự lựa chọn vị thần thờ tự khuôn viên sân đình phần nào lý giải cho nhu cầu cần được bảo trợ nơi rừng thiêng nước độc trên bước đường khai phá vùng đất mới. Theo đó, tính tương cận về mặt địa lý của vùng đồng bằng chiêm trũng góp phần hình thành diện mạo tín ngưỡng thờ thần chung giữa các tỉnh miền Tây.
Cùng với hệ thống thần linh ở khuôn viên sân đình, hệ thống nghi lễ vụ mùa được triển khai quanh năm, ghi dấu sự vận hành và ảnh hưởng của tứ thời đối với nghề nông. Lễ hội nông nghiệp ở các đình tỉnh Đồng Tháp thống nhất theo tên gọi chung của cả nước: Lễ Hạ điền (xuống đồng gieo hạt), Thượng điền (mừng mùa màng bội thu). Thời gian tổ chức cụ thể từng lễ phụ thuộc vào từng đình, về cơ bản lễ Hạ điền tổ chức vào mùa xuân, lễ Thượng điền tổ chức vào mùa hạ. Ngoài ra các đình còn tổ chức lễ Kỳ yên như hình thức cầu xin sự bảo trợ của thần linh sau công đoạn gieo hạt của lễ Hạ điền. Và đây cũng là các kỳ lễ chính yếu của các đình cùng khu vực. Theo đó, sinh hoạt tín ngưỡng của cư dân tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh miền Tây chiêm trũng mang đậm yếu tố văn hóa nông nghiệp.
2.3 Vị thần phối thờ qua giao thoa văn hoá
Tất cả các đình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đều thờ vị Bạch Mã Thái giám/ Thái giám/Bạch Mã. Theo nghiên cứu của một số học giả cho rằng, vị thần Bạch Mã không có cái chỉ cái giống là vị thần dùng cho thần Thành Hoàng di chuyển. Vì vậy, vị thần Bạch Mã Thái giám mang tính chất hướng nội hơn, là sản phẩm tư duy của con người đối với nhu cầu trần tục ở cõi thiêng. Tuy nhiên truy về gốc, vị thần Bạch Mã nguyên là biến dạng của vị thần biển mà nghiên cứu của Tạ Chí Đại Trường cho biết việc thu nhận, chuyển đổi và biến dạng thần linh của người Việt với người Chiêm Thành, Chân Lạp và Trung Quốc đã tạo nên diện mạo và danh xưng hiện tại cho thần. Ở đình làng tỉnh Đồng Tháp, bài vị của thần thường là bức đại tự chữ Hán: 白馬太鑑 Bạch Mã Thái giám, 白馬 Bạch Mã, 太鑑 Thái giám. Hạn hữu ở đình Tân Dương (huyện Lai Vung) vừa thờ bài vị vừa thờ cốt tượng. Đặc biệt với sự cộng cư của lưu dân Trung Quốc ở Đồng Tháp đã thần hoá một nhân vật lịch sử cụ thể, Thái giám Trịnh Hoà với công trạng mở con đường tơ lụa cho Trung Quốc, tạo nên lai lịch cho vị thần Thái giám gắn liền tên tuổi với danh nhân nước này.
Kết quả khảo sát cho biết, tỉnh Đồng Tháp không còn/không xuất hiện sắc phong cho vị thần Bạch mã Thái giám với tư cách bảo vệ cư dân trên vùng biển. Theo thời gian, vai trò của thần Bạch mã Thái giám bắt đầu mờ nhạt trong đời sống tín ngưỡng của cư dân Đồng Tháp. Nhất là tên gọi Thái giám của thần chỉ được hiểu như chức vụ trong nội cung của triều đình phong kiến.
May mắn hơn vị thần Bạch Mã Thái giám, vị thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải được biết đến nhiều hơn ở vùng đất Đồng Tháp với số lượng lớn các bằng sắc của nhà Nguyễn ban tặng. Vị thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương được phủ lên truyện tích về sự trung trinh của Hoàng hậu và ba công chúa nhà Triệu Tống trong trận truy bức của quân Nguyên. Bước chân Nam tiến của cư dân Việt đã đưa vị thần này theo cuộc hành trình của mình và sự pha trộn với văn hoá Chàm khiến vị thần Po Riyak hay Po Yan Nưga hay Po Yan Dari Việt hoá thành Tứ Vị Thánh Nương và được thờ khắp nơi dọc biển. Tính chất biển của vị thần Đại Càn được ứng dụng nhiều hơn trong đời sống của người Đồng Tháp với lễ Cầu ngư vào mùa nước nổi diễn ra vào tháng 9, tháng 10 âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, số lượng tự tích thờ vị thần Đại Càn ở tỉnh Đồng Tháp hiện nay không nhiều. Theo khảo sát gần đây, tỉnh Đồng Tháp chỉ có một miếu thờ thần Đại Càn duy nhất nằm trong khuôn viên đình Mỹ Hội (huyện Cao Lãnh). Mặc dù số lượng sắc phong ban cho vị thần Đại Càn tương đối nhiều, 28 văn bản, nhưng sự ít ỏi về số lượng tự tích thờ vị thần này phản ánh sức giảm sút mức ảnh hưởng của vị thần Đại Càn đối với đời sống tâm linh cư dân Đồng Tháp. Tình hình này buộc vị thần Đại Càn phải thiên di vào đình cho hợp thời. Theo đó, dù được ban sắc, được phong lên hàng Thượng đẳng thầnix song vị thần Đại Càn ở tỉnh Đồng Tháp chỉ được thờ trong đình với tư cách phối tự, thậm chí còn không có ban/ khánh thờ. Và đây cũng là hiện tượng phổ biến diễn ra ở các đình cùng khu vực. Riêng hai trường hợp khảo sát được nằm ở đình thần Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang) có lập ban thờ Chánh soái Đại Càn ngay gian giữa chánh tẩm, đình Phú Khương (Bến Tre) thờ chính là thần Đại Càn.
Hầu hết các đình ở tỉnh Đồng Tháp đều lập miếu thờ Bà Chúa Xứ, vị thần đất cấp cao với vai trò chủ xứ sở của đất Chiêm Thành và Chân Lạp. Vị trí miếu thờ thường được lập ngoài sân đình cùng với các vị thần: Thần Nông, Ngũ hành, Thổ địa, Sơn Quân. Bài vị của thần được viết bằng chữ Hán. Tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ ở tỉnh Đồng Tháp mang tính chất phổ biến, nhiều nơi dân địa phương còn lập riêng miếu thờ Bà với quy mô lớn. Điều này ít nhiều cho thấy sức ảnh hưởng của “trung tâm” thờ tự Chúa Xứ ở Châu Đốc (tỉnh An Giang) chi phối mạnh mẽ tín ngưỡng thờ Bà ở các tỉnh Tây Nam Bộ nói chung và ở khu vực Đồng Tháp nói riêng.
Nói đến vị chúa đất, xin nói thêm về vị thần có tên Chúa Ngung Ma nương. Văn tế một số đình tỉnh Đồng Tháp có kêu cầu đến vị thần này nhưng không thấy xuất hiện bài vị của thần trong hệ thống thần linh thờ tự của đình. Vị thần với tên chữ Hán là 主隅嬤娘 Chúa Ngung Ma nương trực tiếp cho biết tầng cấp quản lý của thần, chủ ở từng mảnh ruộng nhỏ. Vị thần này được tiếp nhận ở mức độ đồng nhất sinh hoạt nông dân Việt với nông dân Chiêm Thành và Chân Lạp, đưa đến một sự thờ cúng thần đất địa phương trong chặng đường khai khẩn. Lâu dần vị thần này của hai vương quốc bị thay thế bằng thần Tiền Hiền và thần Hậu Hiền của người Việt. Trường hợp duy nhất khảo sát được ở đình thần Hòa Long (huyện Lai Vung) có miếu thờ thần Chúa Ngung phía sau đình.
Hạn hữu đình An Phong (huyện Thanh Bình) có thờ Cửu Thiên Huyền Nữ trong khu vực chánh tẩm, ban thờ được bày trí tranh hình đơn giản. Vị thần này vốn là một nữ thần nổi tiếng của Đạo giáo Trung Quốc, sau khi vào Việt Nam, được Đạo Cao Đài gọi là Đức Diêu Trì Phật Mẫu hay Kim Bàn Phật Mẫu. Bà được rước vào đình phối thờ như người mẹ sanh, mẹ độ theo tín ngưỡng dân gian của người Việt.
Vị thần Chúa Xứ, Chúa Ngung, Cửu Thiên mang dáng dấp của một nữ thần cùng với thần Đại Càn, thần Ngũ hành (Kim Đức nương nương, Mộc Đức nương nương, Thủy Đức nương nương, Hỏa Đức nương nương, Thổ Đức nương nương) từ lâu được người dân Đồng Tháp đưa vào đình thờ, ghi nhận sự chấp nhận của giới Nho sĩ bấy giờ về hiện tượng song tồn của nữ thần bên cạnh các nam thần chi phối toàn bộ đình trung. Đặc biệt ở khu vực Tây Nam Bộ, qua khảo sát sơ bộ, ghi nhận thêm trường hợp thờ nữ thần là bà Nam Hải, bà Địa Mẫu ngay khu vực chánh tẩm ở đình Tân Hạnh và đình Định Thới (Vĩnh Long), bài vị viết bằng chữ Hán lẫn chữ Nôm. Đây là hiện tượng phổ quát diễn biến trong nội dung ngôi đình suốt tiến trình lịch sử của cả nước.
Ngoài ra, đình Tân Dương (huyện Lai Vung) hiện nay còn nghi thờ Thanh Long, Bạch Hổ đắp nổi hình, đình Tân Khánh Tây (huyện Lấp Vò) lập bệ thờ đắp nổi hình ở sân đình, đình Mỹ Long (huyện Cao Lãnh) lập miếu thờ với bài vị chữ Hán, được bố trí theo ý niệm của phong thủy Tả Thanh Long – Hữu Bạch Hổ, cho thấy sự ảnh hưởng của Nho học đối với cư dân địa phương. Đình Thượng Văn (huyện Cao Lãnh) gần đây còn thiết trí thêm nghi thờ Phúc Lộc Thọ mang ý nghĩa của sự chúc tụng nhiều hơn là tín ngưỡng.
Thêm vào đó, ngay trong chốn đình trung của một số đình như Thượng Văn, đình Mỹ Long (huyện Cao Lãnh), đình Mỹ Thạnh (Tp. Cao Lãnh), đình Tân Phước (huyện Lai Vung), đình Phú Thuận (huyện Hồng Ngự), đình Tân Hòa (huyện Thanh Bình), đã đưa tập hợp một số thần linh vốn ở khuôn viên sân đình vào khu vực chánh tẩm với bài vị gọi chung là Bàn thờ Hội đồng. Hình thức thờ cúng này chỉ diễn ra ở một số đình cùng khu vực như đình Tân Lộc Tây (Cần Thơ), đình Mỹ Trang, đình Phú Long (Tiền Giang), đình Bình Tịnh, đình Bình Chánh (Long An), đình thần Vĩnh Hòa (Bến Tre), đình Vĩnh Ngươn, đình thần Vĩnh Tế, đình thần Hòa Thạnh, đình thần Vĩnh Thạnh Trung (An Giang)… Điều này giải quyết được nhu cầu thờ phụng của người dân địa phương trước hệ thống thần linh phong phú; đồng thời tái khẳng định sức ảnh hưởng của những vị thần này trong đời sống thường nhật ở bản xứ.
Tựu trung, các vị thần phối thờ ở đình qua giao thoa văn hóa giữa các dân tộc biểu hiện rõ thái độ tôn trọng, nếp sống hòa đồng của lớp người di dân cầu mong nhận sự bảo trợ từ những vị thần này như những vị thần theo tín niệm của mình. Đây trở thành đặc điểm chung trong sinh hoạt cộng đồng của người Tây Nam Bộ.
2.4 Thờ nhân vật lịch sử
Các vị thần như đã trình bày là những vị thần thường trực ở tất cả các đình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Hoà vào hệ thống thần linh trên và tuỳ theo đặc điểm lịch sử từng vùng, các đình còn phối thờ thêm những vị nhân thần khác là hiện thân cho cốt cách và chính khí của người Việt trước biến động lịch sử.
Theo số liệu thống kê, trong tổng số 84 đình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp chỉ có vài đình có thờ nhân vật lịch sử như: Nguyễn Văn Thống ở đình Tân Khánh (TP Sa Đéc), Nguyễn Trung Trực ở đình Định Hoà và đình Phong Hoà (huyện Lai Vung), đình Mỹ Ngãi (TP Cao Lãnh) thờ ba vị đại thần họ Nguyễn là Thống Linhx, Thống Bình và Thống Chiếuxi. Đặc biệt các đình Phú Thọ, Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Cường (huyện Tam Nông) và ba đình Hưng Thạnh, Tân Kiều, Trường Xuân (huyện Tháp Mười) đều thờ Thiên hộ Võ Duy Dươngxii và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiềuxiii hoặc một trong hai vị. Một số đình tôn xưng những vị có công khai sáng vùng đất, hiến đất dựng đình như: Bốn ông Nguyễn Khắc Minh, Nguyễn Hoàng Đạo, Bùi Văn Giang, Bùi Văn Lược ở đình Mỹ Ngãi (Tp. Cao Lãnh), Cẩm địa Nguyễn Văn Ân, Tiền Hiền thờ ông Nguyễn Văn Cận, Hậu Hiền thờ ông Nguyễn Văn Xứ ở đình Tân Thành (huyện Lai Vung), Tiền Hiền thờ ông Nguyễn Văn Phấn, Hậu Hiền thờ ông Trần Văn Quận ở đình Tân An Trung (huyện Lấp Vò)… Khánh thờ các vị thường bài trí hình chân dung hoặc bài vị bằng chữ Hán. Tinh thần trung nghĩa chống giặc ngoại bang của các vị tướng được nhân dân địa phương mặc nhiên tôn làm thần và rước vào đình phối thờ như nét son giá trị của lịch sử. Việc thờ những con người thực có công trạng với dân với nước phù hợp với triết lý sống của cư dân nông nghiệp (cũng như trường hợp thờ các vị Tiền Hiền – Hậu Hiền, Tiền Vãng – Hậu Vãng). Theo đà phát triển của xã hội, nhiều nơi đã lập đền thờ riêng cho những vị anh hùng này.
Trên nguyên lý này, hầu hết các đình tỉnh Đồng Tháp đều lập ban thờ Bác Hồ. Vị trí ban thờ tuỳ theo sắp xếp của từng đình. Ngoài ra, một số đình còn lập ban thờ những vị nhân thần có công với dân tộc và quê hương qua tấm bài vị ghi 百林官舊臣 Trăm Quan Cựu thần. Đặc biệt ở đình Tân Hòa (huyện Thanh Bình) còn thờ đức Phật Thầyxiv phía sau khu vực chánh tẩm. Theo luận thuyết trên, thờ Phật Thầy là thờ nhân vật lịch sử mang tính chất điển hình, tuy nhiên ở đây còn cho thấy sự dung hòa giữa tín ngưỡng – tôn giáo trong khuôn viên ngôi đình. Một hình thức thờ cúng đặc biệt khác ở đình Tân Quy Tây (Tp. Sa Đéc), đình Phong Hòa (huyện Lai Vung) là thờ cúng Cửu huyền thất tổ, thể hiện lòng tôn trọng, nhớ ơn ông bà cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp được người dân nơi đây đưa vào đình nhằm răn dạy bản thân về việc làm, sự được mất của mình ở hiện tại đối với ông bà cha mẹ trong quá khứ, con cháu trong tương lai, ít nhiều mang tính nhân quả. Ban thờ thiết trí đơn giản bằng tranh thờ chữ Hán. Hình thức thờ cúng này xuất hiện không nhiều ở các đình cùng khu vực. Theo đó, đình dần trở thành nơi tựu trung của những giá trị hiện sinh tốt đẹp của cư dân địa phương. Hiện nay số ít đình còn khánh/ ban thờ 先 師 Tiên Sư ở khu chánh tẩm, như trường hợp đình Tân An (Tp. Cao Lãnh), đình Mù U (huyện Châu Thành), đình Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò), đình Tân Long (huyện Thanh Bình). Qua tìm hiểu, rất tiếc không có thêm thông tin gì về ông thầy dạy nghề của vùng này. Hay tập hợp người được chính quyền truy phong Liệt sĩ/ Liệt sĩ trận vong được thờ ở hầu khắp các đình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, đã xúc tác thêm cho sự thần hóa những nhân thần ngự trị trong cõi tục. Qua đây tái minh chứng cho tính cởi mở trong tâm thức tín ngưỡng của người Đồng Tháp về thế giới ngoài con người chốn đình trung.
Tình hình này cũng diễn ra tương tự ở các đình cùng khu vực. Điều đặc biệt ghi nhận được từ thực tế khảo sát, hầu hết các đình ở tỉnh Hậu Giang đều thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực như đình Rạch Còi, đình liên xã Hòa An – Phương Bình, đình xã Xà Phiên, đình xã Tân Bình… bên cạnh những đình được lập thờ riêng ông ở xã Long Trị, xã Long Mỹ, xã Vĩnh Diễn. Xuất phát từ cùng quan niệm thờ cúng ông bà, nhớ ơn tiền nhân vài đình cũng tôn thần cho cá nhân có ảnh hưởng nhất định đối với địa phương, trường hợp này xuất hiện ở đình Bình Thủy (Cần Thơ), khánh thờ chính thờ chung thần Thành hoành và ông Đinh Công Chánhxv bằng hình chân dung. Từ cơ sở này cho thấy tính tương cận về mặt nhận thức trong quan niệm của cư dân phương Nam về thang giá trị trong việc thần hóa nhân vật tại chỗ.
Ngoài ra, một số đình cùng khu vực thể hiện sự dung hòa giữa tôn giáo và tín ngưỡng như đình Thới Thạnh (Cần Thơ) thờ bài vị Ngọc Hoàng ngay khu vực chánh tẩm, đình thần thị trấn Trần Hữu Nghĩa (Sóc Trăng) lập hẳn đài Quan âm trước sân đình và hình Hộ pháp ngay cửa vào chánh tẩm, đình Long Hanh (Trà Vinh) có đài thờ ngài Địa Tạng ngay lối cổng vào.
Theo các bài vị và tượng thờ hiện còn trong các đình tỉnh Đồng Tháp cho thấy mức độ ảnh hưởng sâu đậm của Nho giáo trong tâm thức tín ngưỡng của người dân địa phương trong quá khứ. Gần đây nhiều ngôi đình đã phối thờ thêm các vị Khổng Tử, Khổng Minh, Quan Công cũng là biểu hiện ý niệm Nho giáo được thần thánh hoá. Như vậy, tập hợp thần linh như đã trình bày bên trên cho thấy sự trân trọng giá trị điển hình của những con người có thực. Chính tính chất tương đồng gần gũi trong quan niệm của người dân địa phương, các vị thần này được tôn sùng ngay trong chánh tẩm của đình.
Dù đối tượng thờ ở mỗi nơi nhiều ít khác nhau, song cũng đủ đáp ứng cho nhu cầu tâm linh ngày càng mở mang, theo thời gian và theo sự mở rộng đất đai mà họ khai phá. Với dẫn liệu ít ỏi trên phần nào cho thấy nét văn hóa, nếp sống đặc trưng của người miền Tây trong tổng hòa nét chung của người Nam Bộ: cởi mở, phóng khoáng và hội nhập.
Các vị thần được thờ tự trong đình làng Đồng Tháp như đã kể trên phần nào giúp tái hiện lại một thế giới vượt thường trong tâm thức tín ngưỡng của người dân Đồng Tháp bấy giờ. Theo đó, những nghi thức tế lễ là con đẻ cho cả quá trình tư duy không ngừng nghỉ của người Đồng Tháp trước những đổi thay thời cuộc. Văn tế Hán Nôm còn lưu lại của một số đình cho biết quy định nghiêm ngặt của chuỗi hành động “hưng”, “bình”, “chước/hiến tửu”… khi tiến hành lễ thần của viên Chánh bái.
Hiện nay, một số đình vẫn còn lưu lại tập tục tế bái này với phần nghênh thỉnh thần và sắc thần rất trịnh trọng. Cũng trong văn tế đình vào các kỳ lễ trong năm cho biết thêm danh sách các vị thần “đồng lai phối hưởng” của từng đợt cúng tế. Đây là cứ liệu rất quan trọng làm căn cứ cho việc tái hiện lại một cách đầy đủ và hệ thống tập hợp thần linh được thờ tự trong quá khứ cũng như giúp cho việc tôn tạo tu bổ đình thời hiện đại. Qua khảo sát, có thể thấy nhiều vị thần chưa thực sự được “chính danh” trong đình dù xuất hiện trong văn tế. Như đình Mỹ Hiệp (huyện Cao Lãnh)xvi với các vị thần trong lễ Lạp miếu (Lạp miếu chánh tế văn) gồm:
美合敕大乾國家南海敦凝正直尊神。
本境城隍祐善正直尊神。
敕大乾國家南海四位上尊神。
願神含弘光大至德溥博,加贈含弘光大至德 溥博顯化莊徽上等尊神。
左班列位尊神,右班列位尊神。
本境本處土地福德正神,暨今年所值行譴行兵曹判官之神。
白馬太監之神,五方土地土祇土公土主土府之神。
左廟五行仙娘之位,右廟主處木佬山君之位。
東廚司命灶君之神。
東南察海狼獺二大將軍及木柱石柱。
本處尊神等諸陽神。
前賢開墾,後賢開基之神。
五方主隅嬤娘之位,先師度進,山川岳瀆,河伯水官之神。
前往員官,後往員職並部下等眾同來敢格,及本社列貴先靈同來配享。
(Mỹ Hiệp sắc Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Đôn ngưng Chánh trực tôn thần.
Bổn cảnh Thành Hoàng Hựu thiện Chánh trực tôn thần.
Sắc Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị thượng tôn thần.
Nguyện thần Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác, gia tặng là Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hoá Trang huy thượng đẳng tôn thần.
Tả ban liệt vị tôn thần, Hữu ban liệt vị tôn thần.
Bổn cảnh bổn xứ Thổ Địa phúc đức chánh thần, kỵ Kim niên sở trị Hành khiển Hành binh Tào phán quan chi thần.
Bạch Mã Thái giám chi thần, Ngũ phương Thổ Địa Thổ Kỳ Thổ Công Thổ Chủ Thổ Phủ chi thần.
Tả miếu Ngũ Hành Tiên Nương chi vị, Hữu miếu Chúa Xứ Mộc Lão Sơn Quân chi vị.
Đông Trù Tư Mệnh Táo Quân chi thần.
Đông Nam Sát Hải Lang Thát Nhị Đại Tướng Quân, cập Mộc Trụ Thạch Trụ.
Bổn xứ tôn thần đẳng chư dương thần. Tiền Hiền khai khẩn, Hậu Hiền khai cơ chi thần.
Ngũ phương Chúa Ngung Ma Nương chi vị, Tiên Sư Độ Tiến, Sơn Xuyên Nhạc Độc, Hà Bá Thuỷ Quan chi thần.
Tiền Vãng viên quan, Hậu Vãng viên chức với các bộ hạ cùng đến chứng lòng thành, cùng liệt quý tiên linh bổn xã chung đến hưởng.)
Qua bài văn tế, có thể thấy tín ngưỡng thờ thần cây, thần đá, thần Hà Bá, Sơn Xuyên Nhạc Độc của cư dân Việt, phản ánh rõ ước vọng được bảo trợ từ thiên nhiên trong chặn đường Nam tiến đến Đồng Tháp. Tuy nhiên, so với khánh thờ hiện hữu của đình Mỹ Hiệp, những vị thần: Thạch Trụ, Mộc Trụ, Sơn Xuyên Nhạc Độc, Hà Bá Thuỷ Quan, Chúa Ngung Ma Nương, Đông Nam Sát Hải Lang Thát Nhị Đại Tướng Quân… không xuất hiện trong đình, lại dồn tụ về đình vào các kỳ tế lễ tạm xem như sự “vỗ về” của người trần thế đối với cõi siêu linh (Tạ Chí Đại trường, 2006). Trường hợp duy nhất ở đình Mù U (huyện Châu Thành) có lập hẳn ban thờ vị thần núi 高阁大王 Cao Các Đại vươngxvii với tấm bài vị màu đỏ, dòng chữ Hán màu vàng. Điều này lý giải cho những xáo trộn của lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh và sự trì kéo của bộ phận người muốn đả phá “tàn dư” của phong kiến trong quá khứ đã dẫn đến sự mất mác bài vị thờ thần, sự thay hình đổi dạng của một số di vật tại đình đã và đang diễn ra ở đình Tân Xuânxviii (tỉnh Đồng Tháp), đình An Bình (tỉnh Vĩnh Long) (Đỗ Thị Hà Thơ và Lý Vĩnh Thuận, 2017) ghi nhận được. Nhưng đây cũng là tình trạng phổ biến ở các đình trong các tỉnh miền Tây, họa may trường hợp duy nhất ở đình Hòa Minh (Trà Vinh) là còn bài vị thờ thần Hải nhật Hà bá bằng chữ Hán.
Nhìn chung, với hệ thống thần linh được thờ cúng ở đình làng Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh Tây Nam Bộ nói chung đã lý giải cho việc hiện thực hóa khát vọng được che chở của người dân đến khai phá vùng đất mới. Theo thời gian, họ đã giữ lại những vị thần có quyền năng đủ mạnh để làm điểm tựa tinh thần cho mình, đồng thời tổng hợp thần linh vào chung ngôi đình trong bối cảnh cụ thể của điều kiện tự nhiên và dung hòa với tín ngưỡng cũng như tôn giáo bản địa. Chính điều này đã tạo nên tính cách mở, thực tế của con người và vùng đất miền Tây. Họ sống bao dung, chan hòa với các dân tộc nơi mình đặt chân đến (trường hợp thờ thần Chúa Ngung, Chúa Xứ), tri ân tiền nhân hay những người đã xây dựng, bảo vệ làng (trường hợp thờ Tiền Hiền, Hậu Hiền, Liệt sĩ trận vong, anh hùng được thần hóa, chủ đất, người bỏ tiền dựng làng, tổ nghề…), tính chịu khó chinh phục thử thách, vượt qua cản trở bằng niềm tin của chính mình (trường hợp thờ thần Hổ, thần Mãnh thú), tính hào sảng tin tưởng và thờ bất kể vị thần nào che chở cho mình (trường hợp thờ thần độ mạng, Ngũ Hành). Tất cả tạo nên bức tranh sinh động về thần, đất và con người miền Tây. Từ đây cung cấp thêm cơ sở lý giải về vũ trụ và về cuộc sống của người nam bộ trong quá khứ và hiện tại.
Tính cách vượt thường của nghi lễ tế thần chính là cách con người giao tiếp với thần linh. Quan niệm về sự liên kết cõi tục – cõi thiêng vẫn còn rất đậm sâu trong tư tưởng của người dân Đồng Tháp trong quá khứ và hiện tại. Chính vì vậy, việc cất giữ sắc phong, vốn được xem như linh vật của thần, mặc dù đây chỉ là tấm bằng sắc của một ông vua phong kiến trần tục ban cho, trở thành trọng trách thiêng liêng của cả làng, có ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến nhóm người giữ và dân toàn vùng. Theo đó hàng loạt nghi lễ được nảy nở để thực thi xoay quanh tấm bằng sắc ấy vào những dịp tế lễ định kỳ của địa phương (thường lệ mỗi năm đều khai sắc nhưng cũng có đình quy định 3 năm hay 5 năm mới khai mở một lần. Thậm chí có đình chỉ thực hiện rước sắc chứ không khai sắc).
Và chỉ có như thế thì thần mới tán trợ cho những hành động của con người trong thực tế. Quan niệm về sự “ban ân bố trạch” của thần đôi khi còn mang tính chất đe doạ đối với người dân trong vùng. Do đó, sắc phong càng được giữ kỹ, càng ít người biết lại càng huyền bí và linh thiêng, nhờ vậy phần nào mới tránh được thần “quở trách”. Tuy nhiên trên thực tế, “số phận” của một số bản sắc phong ít nhiều bị hư hại nặng như trường hợp ghi nhận được tại đình Phú Thành A huyện Tam Nông. Và “vật thiêng” của thần đã hoàn toàn biến mất khỏi cõi tục. Đây cũng là tình trạng chung ở các ngôi đình trong các tỉnh cùng khu vực.
3. KẾT LUẬN
Đời sống tín ngưỡng của người Đồng Tháp nói riêng và người miền Tây nói chung rất phong phú và đa dạng, chung quy cũng nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của họ trên vùng đất miền Tây. Ngoài những vị thần cơ hữu của tín ngưỡng truyền thống, họ còn tìm kiếm và sáng tạo thêm những vị thần thích ứng với điều kiện môi trường sống mới ở miền Tây. Đây là thành tựu quý giá, sản phẩm tư duy không ngừng nghỉ của người Việt trên bước đường chinh phục tự nhiên. Với nếp sống tâm linh này, tạo nên nếp văn hóa cũng như tính cách cởi mở, hào sảng, thực tế, dung hòa của người miền Tây trong bối cảnh hội nhập và giao lưu văn hóa; đồng thời bộc lộ giá trị tinh thần cũng như ý thức lưu giữ để nhớ lại cội nguồn mình. Từ góc độ tín ngưỡng cho thấy, tính chất mở, tích hợp và đa nguyên của ngôi đình Đồng Tháp cũng như các ngôi đình ở miền Tây Nam Bộ thể hiện giá trị dân tộc được tái khẳng định bằng tinh thần yêu nước, trở thành điểm đặc biệt trong tín ngưỡng thờ thần và quy tắc ứng xử trong văn hóa tâm linh của người miền Tây trong quá khứ, rất cần được duy trì và tiếp nối. Trong đó, tính bất biến là cơ sở nhận diện tín ngưỡng thờ thần. Nghĩa là dù không gian, thời gian, chính sách… đổi khác thì những thần linh vốn được dân tôn thờ vẫn không thay đổi, được truyền tụng và tồn tại từ đời này sang đời khác.
Hệ thống thần linh được thờ ở tự tích đình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh miền Tây ghi nhận hiện tượng cộng tồn văn hoá của người Việt với người Hoa, người Chiêm Thành và người Chân Lạp. Việc trùng tu đình ở tỉnh Đồng Tháp chủ yếu bắt đầu từ những năm thế kỷ XXI. Trải qua buổi tang thương dâu bể, ngôi đình vẫn trầm mặc chứng kiến bao đổi thay thế sự và rồi cũng thay đổi theo sức ép của những chuyển đổi. Đến nay, chức năng thờ cúng hiện còn của đình là sợi dây duy nhất kết nối quá khứ và hiện tại, đảm bảo tâm thức tín ngưỡng và phong tục tế lễ địa phương. Tuy nhiên, việc thực hành lễ của các đình hiện nay chủ yếu chỉ có các vị cao niên tập lễ, trai gái địa phương lại không được tham dự, chỉ lẩn quẩn các công việc tạp vụ khác, hoạ may được đứng nhìn một phân lễ nào đó trong chuỗi nghi lễ ấy. Điều này vô hình trung tạo nên sự xa cách thậm chí tách rời các thế hệ trong cùng một vùng. Vấn đề càng trở nên khuôn sáo hơn khi lớp người sau muốn biết nghi lễ tiết chế địa phương lại phải tìm hiểu qua sách vở mà không có cơ hội được chính những vị đang làm nên những nghi tiết ấy chỉ dẫn. Thái độ này đối với văn hoá được thời gian xúc tác đã làm mờ hoá cái văn hoá cổ truyền vốn có của người Việt. Việc giới trẻ cố gắng tìm lại nếp xưa tục cũ cơ hồ bị chặn đứng bởi yếu tố tâm lý tâm linh và định kiến khắt khe của đại đa số các bậc cao niên hữu trách ở đình sở tại.
Xuất phát từ tập hợp thần linh thờ cúng ở đình cùng nghi thứ giao tiếp cõi tục – cõi thiêng giúp tái hiện lại diện mạo tín ngưỡng Đồng Tháp trong quá khứ, tạo tiền đề cho việc kế thừa thành quả văn hoá tín ngưỡng của người Đồng Tháp để tránh sa vào hiện tượng mê tín dị đoan trong việc gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc thời hội nhập. Vào các kỳ lễ đình trong năm, các cấp chính quyền địa phương nên phối hợp với ban quý tế tổ chức buổi tập và giảng lễ trước cho dân cùng biết. Một mặt giúp phổ biến và lưu giữ nét văn hoá nghi lễ. Mặt khác để tập tục địa phương trở thành chiếc nôi nuôi dưỡng tâm hồn văn hoá và tinh thần dân tộc của những người con được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này; như vậy vừa có thể phát huy yếu tố nội sinh để quảng bá văn hoá địa phương, vừa khai thác tiềm năng du lịch lễ hội phục vụ đời sống kinh tế người dân sở tại.
Chú thích:
i Số liệu chúng tôi thống kê vào tháng 10 năm 2016. Do điều kiện khách quan, nên ở một số đình chúng tôi không được mở sắc phong nên không rõ đối tượng được ban tặng là ai.
ii Đình Vĩnh Phước hiện đang lưu giữ 5 đạo sắc phong ban cho Nhân Hòa hầu Tống Phước Hòa.
iii Đạo sắc phong này là bản sao, do con của ông là Nguyễn Văn Lộc vâng mệnh sao lại, hiện lưu giữ ở đình Tân Khánh.
iv Đình Thượng Văn hiện lưu giữ 2 đạo sắc phong ban cho thân phụ và thân mẫu của Công Bộ Tả Tham tri Bùi Đức Minh.
v Số lượng sắc phong trên chúng tôi thống kê ở những tự tích là đình, riêng tự tích đền, miếu và các tư gia không thuộc đối tượng nghiên cứu ở bài viết này.
vi Năm 1845, vua Thiệu Trị ban sắc hai lần cách nhau một tháng, cụ thể vào ngày 27 tháng 11, ban mỹ tự cho thần Thành Hoàng các thôn ở tỉnh Đồng Tháp bấy giờ là 保安正直之神 Bảo an Chính trực chi thần, đến ngày 26 tháng 12 tiếp tục gia tặng mỹ tự cho thần là 保安正直佑善之神 Bảo an Chính trực Hựu thiện chi thần.
vii Câu chuyện dân gian về lời phát thệ của Thần Nông chỉ ở ngoài sân đình, quyết không vào kiểu nhà bà Cửu thiên Huyền nữ dạy dân làm (mô phỏng theo thế đứng chống nạnh của bà), vì như thế là “nấp dưới nách đàn bà”, lý giải cho việc miếu thờ Thần Nông phải xây theo kiểu nhà nóc bằng (kiểu nhà do chính ông dạy dân làm) mới “hợp” nguyên tắc thờ vị thần này của dân gian.
viii Đình hiện còn giữ được 6 đạo sắc phong, trong đó 3 đạo ban cho thần Thành Hoàng và 3 đạo ban cho thần Đại Càn cùng vào ngày 27/11 và ngày 26/12 năm Thiệu Trị 5, ngày 8/11 năm Tự Đức 3. Nội dung văn bản sắc phong ở đình cho biết danh tự chính thức của địa phương được triều đình Nguyễn phê chuẩn việc thờ tự là thôn 平翰西 Bình Hàn Tây thuộc huyện 建豐 Kiến Phong. Nhưng nay địa danh này đều được viết là Bình Hàng Tây.
ix Bản sắc phong ở đình Mỹ Ngãi, đình Tân An, đình Mỹ Xương, đình An Phong đều cùng được ban vào ngày 27 tháng 11 năm Thiệu Trị 5 với mỹ tự đầy đủ của thần là 合弘光大至德溥博上等神 Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Thượng đẳng thần. Đến ngày 26 tháng 12 năm Thiệu Trị 5, thần Đại Càn được ban sắc gia tặng thêm mỹ tự là 合弘光大至德溥博顯化上等神 Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Thượng đẳng thần. Ngày mồng 8 tháng 11 năm Tự Đức 3, lại tiếp tục gia tặng là 合弘光大至德溥博顯化莊徽上等神 Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Trang huy Thượng đẳng thần.
x Thống Linh: Tức Nguyễn Văn Linh (1815 – 1865): Người tỉnh Đồng Tháp, được phong chức Thống Lãnh binh, phụ tá đắc lực cho Thiên hộ Võ Duy Dương chiêu mộ nghĩa quân và xây dựng căn cứ chống Pháp ở Đồng Tháp Mười.
xi Thống Bình và Thống Chiếu: Cũng như Thống Linh, hai ông Nguyễn Văn Thống và Nguyễn Văn Chiếu được phong chức Thống Lãnh binh, cùng hợp sức với Thống Linh giúp Thiên hộ Võ Duy Dương chống Pháp. Về sau ba ông cùng bị Pháp bắt và xử tử vào ngày 28 tháng 8 năm 1865.
xii Thiên hộ Võ Duy Dương (1827 – 1866): Người ở huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, được vua Tự Đức phong hàm Chánh bát phẩm Thiên hộ vào năm 1860. Ông có công huy động nhân dân lập căn cứ chống Pháp ở Đồng Tháp Mười những năm 1864 -1866.
xiii Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều (? – 1866): Phó tướng của Thiên hộ Võ Duy Dương, được phong chức Đốc binh, cùng hợp sức với Thiên hộ Dương chống Pháp ở Đồng Tháp Mười.
xiv Đức Phật Thầy: Tức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên (1807 – 1856), là người sáng lập ra giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương ở An Giang. Lúc sinh thời, ông vừa trị bệnh cứu người, vừa quy tụ dân khai hoang và phổ biến giáo lý mầu nhiệu của đạo Tứ ân.
xv Theo nghiên cứu của Trần Phỏng Diều cho hay: “Ngày 15 tháng 8 năm 1913, làng Long Tuyền dịch bệnh tràn lan. Một số nhân sĩ trong làng thỉnh chư nho đến cầu cơ xin thuốc cho đồng bào trị bệnh thời khí. Đinh Công Chánh tôn thần giáng cơ cho thuốc cứu người mắc, sẵn dịp ra cuốn “Hiếu Để Liêm Tiết” khuyên đời. Vì ông cho thuốc cứu độ nhân dân, làm sách khuyến thiện, nên trong làng làm bài vị thờ tại đình từ năm 1913”. (Trần Phỏng Diều, 2018).
xvi Bài văn tế trích trong Gia lễ nghi văn quyển hiện được ông Tư Nghĩa cất giữ. Quyển nghi văn này là tập tư liệu tổng hợp tự soạn 4 bài văn tế của đình, gồm: 獵廟正祭全文儀省牲之禮 Lạp Miếu chánh tế toàn nghi tỉnh sinh chi lễ, 獵廟正祭文 Lạp miếu chánh tế văn, 先師正祭文 Tiên sư chánh tế văn, 文祭廟關帝 Văn tế miếu Quan Đế, không đánh số trang và không có rốn sách, được viết tay trên chất liệu giấy dó, viết bằng chữ Hán, theo lối chữ Chân, rõ ràng, dễ đọc. Hiện trạng văn bản còn rất tốt, bìa ngoài là giấy cậy, viết tên quyển nghi văn kèm theo dòng chữ ghi ngày tháng bằng chữ Hán. Cụ thể: 嘉禮儀文卷美協乙未年四月初十日 Gia lễ nghi văn quyển, Mỹ Hiệp Ất Mùi niên tứ nguyệt sơ thập nhật.
xvii Kết quả khảo cứu của các nhà nghiên cứu cho biết, thần Cao Các còn được gọi là thần Cao Sơn Cao Các, là vị thần núi nổi tiếng linh ứng, phù trợ dân chống được tai họa, được thờ khắp đất nước.
xviii Đình Tân Xuân (huyện Châu Thành) đã bị phá dỡ toàn bộ và xây dựng mới hoàn toàn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trần Phỏng Diều, 2018. Tín ngưỡng thờ danh nhân ở các đình tại Cần Thơ, 18/03/2018. http://bantuyengiao.cantho.gov.vn
Đỗ Thị Hà Thơ, Lý Vĩnh Thuận, (2017). Di văn Hán Nôm và việc tái lập lịch sử đình thần An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 48c: 27-32.
Tạ Chí Đại Trường, 2006. Thần người và đất Việt, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 384 trang. Tạ Chí Đại Trường, 2011. Những bài dã sử Việt, Nxb Tri thức, Hà Nội, 448 trang.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. Tập 54, Số 4C (2018): 126-136
Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com)