TRI THỨC BẢN ĐỊA của NGƯỜI TÀ ÔI trong TRỒNG TRỌT

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

1. Đặt vấn đề

     Theo một số nhà nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp thì canh tác nương rẫy trên vùng cao là một biểu hiện của mối quan hệ gắn bó giữa con người và điều kiện tự nhiên…Có thể được xem là hình thức đao canh hảo chủng của tổ tiên người Việt và các tộc anh em khác cùng sống ở vùng núi nước ta. Hệ thống canh tác này bao gồm các công đoạn: Chặt và đốt cây rừng, chọc lỗ – bỏ hạt, làm cỏ và thu hoạch, không dùng phân bón [1].

     Ở Việt Nam, canh tác nương rẫy thường được tiến hành ở những nơi có độ dốc từ 25o đến 30o với cây trồng chủ yếu là lương thực. Nơi đây với sự tích tụ đất phù sa từ trên đỉnh núi trôi rửa xuống rất thích hợp cho việc trồng trọt. Và người Tà ôi ở Thừa Thiên Huế cũng canh tác nương rẫy trong trường hợp như vậy.

     Người ta cho rằng, canh tác nương rẫy là một hoạt động nông nghiệp gây suy thoái tài nguyên rừng và xói mòn đất nghiêm trọng. Tuy nhiên người ta vẫn chưa xác định được các hình thức du canh khác nhau đã có những tác động như thế nào đến môi trường tự nhiên.

     Như chúng ta đã biết, mỗi một dân tộc đều có những luật tục, những tri thức bản địa riêng để giữ vững vùng đất nguồn của mình. Tri thức bản địa đó được hình thành từ thực tiễn quá trình sản xuất và ứng xử với môi trường tự nhiên – xã hội; được hoàn thiện dần và truyền từ đời này qua đời khác bằng hình thức truyền khẩu trong gia đình, gia tộc và cộng đồng.

     Tri thức bản địa bao gồm nhiều nội dung như: phương thức quản lí cộng đồng, phương thức khai thác và sử dụng các nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên. Mỗi dân tộc thiểu số ở Việt Nam đều có những tri thức bản địa riêng của mình ở lĩnh vực trồng trọt và canh tác nương rẫy, đã đóng góp một phần không nhỏ vào kho tàng tri thức nông nghiệp Việt Nam.

     Tiếp cận tri thức bản địa trong lĩnh vực trồng trọt của người Tà ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng ta sẽ thấy được những giá trị, những kinh nghiệm quý trong trồng trọt truyền thống, kết hợp với tri thức nông nghiệp hiện đại để phát triển đời sống kinh tế nông nghiệp và an toàn lương thực.

2. Tri thức bản địa của người Tà ôi trong trồng trọt

     2.1 Các kiểu chọn và sử dụng đất trong trồng trọt

     a) Ruộng nước (ruộng đjă): Đây là hoạt động kinh tế gia đình tương đối mới lạ, vì ruộng chỉ có đối với người Tà ôi kể từ sau ngày giải phóng. Nên quan niệm của người Tà ôi về ruộng nước cũng chỉ để tạo nên nguồn lương thực cho cuộc sống gia đình chứ không để sản xuất lúa gạo với ý nghĩa hàng hoá. Trình độ canh tác còn ở mức thấp, công cụ lao động hết sức thô sơ, chỉ bao gồm, cuốc, chiếc cày với con trâu…Do đó năng suất lao động không cao và bấp bênh.

     Hiện nay trên các thửa ruộng đều có bón phân hữu cơ và vô cơ nên năng suất sản lượng ngày càng cao. Các giống mới được đưa vào sản xuất trên địa bàn như: X21, X23, lai Trung Quốc đã thay hết các giống cũ cho năng suất thấp.

     b) Trồng rừng: Từ xa xưa, người Tà ôi nơi đây luôn xem rừng là nơi linh thiêng. Ở đó có Yang coh xạ (Thần rừng). Khi đi vào rừng, nhất là rừng già họ luôn có những kiêng kỵ nhất định, như không được la ó, đùa nghịch với cây lá, thú vật. Như vậy sẽ là đùa cợt, không tôn trọng thần rừng nơi đó và bị thần rừng trách, phạt là điều khó có thể tránh khỏi gây nên tai nạn, ốm đau vì thậm chí là chết chóc.

     Trước đây khi không có ruộng nước, rừng chính là nơi kiếm kế sinh nhai, ngày nay một bộ phận người vẫn vậy. Gỗ rừng để làm nhà, củi đốt, thậm chí là để bán…các loại rau rừng, thực phẩm rừng đối với họ là vô cùng quan trọng, làm thức ăn, thức uống hằng ngày. Khi đó thần rừng có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm linh của họ.

     Ngày nay, được Đảng, Nhà nước quan tâm giao đất giao rừng đến tận tay người dân và họ đã tiến hành trồng rừng để phủ xanh đất trống đồi núi trọc, khắc phục hiệu quả chiến tranh để lại. Họ cũng đã hưởng ứng nhiệt tình, nhận cây nhận đất, hoặc họ cũng chủ động bỏ vốn xin đất trồng mới để trồng rừng với các loại cây như: thông, bạch đàn, tràm. Tất nhiên đối với rừng nhân sinh thì yếu tố thần rừng cũng phần nào không còn ảnh hưởng nhiều đối với người Tà ôi nơi đây.

     c) Làm vườn: Trước đây người Tà ôi trồng trọt chủ yếu theo hình thức canh tác nương rẫy, mỗi năm chỉ có một vụ. Do vậy, năng suất thấp, ảnh hưởng xấu đến tài nguyên và môi trường. Hiện nay, do chủ trương kinh tế xã hội đúng đắn, phù hợp với lòng dân, người dân đã nhận thức được việc làm vườn (vườn nhà, vườn đồi, vườn rừng) nên việc định canh, định cư đã dần đi vào nề nếp.

     Cũng từ đây, người Tà ôi ở huyện A Lưới biết làm kinh tế vườn hơn. Hiện nay đang có các chương trình, dự án cải tạo vườn tạp tại các xã Hồng Trung, Hồng Vân và bước đầu mang lại nhiều kết quả khả quan. Các hộ gia đình đã chú tâm đến kinh tế vườn, họ trồng thành vườn cây ăn quả ([2]), cây công nghiệp vận dụng phương pháp, phương thức chăm sóc cụ thể, đúng khoa học đem lại hiệu quả kinh tế như: hồ tiêu, cà phê,…

     Thái độ của người Tà ôi đối với lĩnh vực canh tác mới này là rất hưởng ứng. Tuy nhiên đối với họ còn nhiều vấn đề cần đặt ra như: cây trồng mới với những ưu và nhược điểm mới là vấn đề vẫn đang đặt ra với người dân thiểu số nơi đây, họ vẫn cần sự chỉ đạo đúng hướng, đúng cách, phù hợp của các cấp các ngành có liên quan.

     Đã có một số dự án trồng trọt được đưa vào áp dụng cho người Tà ôi nhưng rồi người dân chỉ tham gia làm trong vài ba tháng hay 2 hoặc 3 năm rồi bỏ, đây có thể xem là vấn đề tâm lý trong công việc, họ lại lao vào làm nương truyền thống mặc dù hiệu quả kinh tế thấp hơn nhiều.

     d) Nương rẫy: So với việc làm ruộng nước, trồng rừng và làm vườn thì có nhiều thuận lợi trong việc tích lũy nguồn lương thực, song người Tà ôi ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn hoạt động trồng trọt chủ yếu là canh tác nương rẫy, mỗi năm chỉ cho 1 vụ nhưng đây là hoạt động kinh tế không thể thiếu được.

     Để chọn được đất tốt cho việc chọn làm nương rẫy, người Tà ôi xưa chỉ đi tìm đất đầu nguồn (cu tiẹc a boc đaa) chỉ có ở những cánh rừng sâu, rừng già đây là địa điểm chưa từng ai khai phá và sử dụng thì mới là đất nhiều chất dinh dưỡng…..Nếu là đất có pha đá, một loại đá mềm màu hơi hồng hồng thì càng tốt hơn. Người đi chọn đất phải là người hiểu biết về địa hình địa thế, chất đất thường là người trụ cột trong nhà hoặc dòng họ.

     Người Tà ôi nơi đây cho rằng: mọi vật xung quanh con người đều có linh hồn vì vậy điểm đặc biệt trong quá trình chọn đất làm nương là các điềm báo. Khi đã xác định được chỗ đất để chọn người ta đến đất chỗ ấy cắm một cái cọc bằng gỗ hoặc tre. Một đầu của cái cọc được chẻ đôi để chêm vào một cục đất hoặc đá([3]). Sau đó khấn vái vào cái cọc ấy một vài câu với ý xin sự ban phát của thần đất thần rừng nơi ấy. Ví như: “Cho tôi được làm cái rẫy, giới hạn từ đây sang đây, nếu không ưng ý nhờ thần báo mộng, tôi sẽ trả lợn, dê cho Yang”([4])

      Việc đầu tiên đã xong và người ta mong đêm về thật nhanh để còn thấy giấc mơ, đêm ngủ nếu gia chủ nằm mơ thấy rằng có người đem cho mình một số thứ như: gạo, lúa, ngô, chiếc gùi…là điềm lành. Nghĩa là thần rừng đã đồng ý cho người đó sử dụng chỗ đất để khai phá.

     Nếu nằm mơ thấy gãy dao, gãy rựa, hoặc cái gùi bị nước cuốn trôi có nghĩa là điềm xấu, thần đất thần rừng không đồng ý([5]). Nếu người đó vẫn cố tình chọn chỗ đất ấy thì sẽ bị thần đất, thần rừng trừng phạt. Tuy nhiên người ta vẫn có thể xin tiếp chỗ đất ấy để làm nếu muốn thì phải bằng cách nhổ cái cọc làm dấu đã chôn và đem đến ở một địa điểm khác có thể là vài mét hoặc xa hơn.

     Người ta đã xin như vậy và nếu được cho phép thì hôm sau chủ đất sẽ đi cắm đất ([6]), công việc tiếp theo là phát quang và sau đó là đốt để có một mảnh nương trồng trọt. Có một lễ nghi phải làm trước khi đốt nương là cúng một con gà để cầu cho nương được tươi tốt, nếu những nhà khá giả hơn thì có thể cúng dê, lợn, trâu bò.

     2.2 Cách tính thời gian liên quan đến trồng trọt

     a) Cách tính các ngày trong tháng như sau:

NgàyTiếng Tà ôiNghĩaTiếng Việt
01karưhườm (đỏ)mồng một
02takkoi lo’hnhú sừngmồng hai
03Ilău lo’h tômbắp chân căng lần đầumồng ba
04Ilău lo’h tubắp chân căng lần cuốimồng bốn
05kalang lo’h tômcánh diều lên lần đầumồng năm
06kalang lo’h tucánh diều lên lần cuốimồng sáu
07pâng lo’h tômchính giữa hiện lần đầumồng bảy
08pâng lo’h tuchính giữa hiện lần cuốimồng tám
09parnung lo’h tômbánh phồng lên lần đầumồng chín
10parnung lo’h tubánh phồng lên lần cuốimồng mười
11kammooch lo’h tômlinh hồn người chết hiện lần đầumười một
12kammooch lo’h tulinh hồn người chết hiện lần cuốimười hai
13traleang lo’hcái sập cửa hiện ramười ba
14karlooicái đèo theo saumười bốn
15trakoalcái gốimười lăm
16trabrangsự neo đậumười sáu
17traleang pătcái sập cửa biến dầnmười bảy
18parnung păt tômbánh phồng xẹp lần đầumười tám
19parnung păt tubánh phồng xẹp lần cuốimười chín
20pâng păt tômchính giữa ẩn lần đầuhai mươi
21pâng păt tuchính giữa ẩn lần cuốihăm mốt
22kammooch păt tômlinh hồn người chết ẩn lần đầuhăm hai
23kammooch păt tulinh hồn người chết ẩn lần cuốihăm ba
24kalang păt tômcánh diều xuống lần đầuhăm bốn
25kalang păt tucánh diều xuống lần cuốihăm lăm
26Ilău păt tômbắp chân xẹp lần đầuhăm sáu
27Ilău păt tubắp chân xẹp lần cuốihăm bảy
28takkoi pătlụi sừnghăm tám
29ntrokvệt dài nhỏhăm chín
30nhiltối như mựcba mươi

     Lịch tháng của người Tà ôi chỉ có tháng đủ ngày và tháng thiếu ngày. Khi “nhil” (tối như mực) không xuất hiện thì tháng đó chỉ có 29 ngày. Bước chuyển tiếp từ ngày cuối của tháng trước đến ngày đầu của tháng sau được xác định qua “ntrok” (vệt dài nhỏ). Đó là một hình dạng tựa dấu vết của trăng trên không trung thăm thẳm. Chính dựa vào hình dạng khác nhau của trăng trên không trong từng tháng như vậy mà người Tà ôi hoạch định thời điểm trồng trỉa các loại cây trồng cho phù hợp đưa lại năng suất cao [7]. Ngày thích hợp cho các loại cây trồng gồm:

SttCác loại cây trồngNgày trong thángGhi chú
1Sắn1, 2, 27, 28, 29, 30Trời mờ tối sẽ cho củ to
2Lúa18Lúa rẫy
3Chuối14, 16, 17Khi trăng sáng chuối sẽ dài buồng, to quả
4Dứa14, 15
5Khoai14, 15, 16, 17, 18
6Thuốc lá22 và cuối thángKhông bị sâu ăn lá
7Tre, mía17, 18Không bị rỗ ruột hoặc sâu ăn đọt non
8Ớt, bầu, bí, rau23, 24
9Các loại cây trồng khác16, 17Trồng tập trung vào tháng 1, 2, 3
10Ngô22, 23, 24. 25Chắc hạt, đầy trái

     Người Tà ôi ở A Lưới quan niệm vào ki say cu mại tức là tháng không đẹp nhằm vào ngày 12, 13, 20, 21 âm lịch hàng tháng thì không được trồng. Vì đó là những ngày sinh sôi của các loại sâu bọ phá hoại mùa màng làm hại đến cây trồng.

     Đối với lúa nước, họ thực hiện quá trình gieo trồng theo lịch của người Việt. Gieo mạ vào khoảng tháng 2, khoảng một tháng sau thì cấy. Hiện nay, những giống lúa như đã nêu trên cứ khoảng 3 đến 4 tháng là thu hoạch. Như vậy, mỗi năm cũng cho được hai vụ.

     b) Cách tính các tháng trong năm

     Để tính các tháng trong năm thì người Tà ôi theo dõi quá trình sinh trưởng của hai loại giống cây lương thực chủ yếu là ngô và lúa.

     Cây ngô bắt đầu trỉa từ tháng 1 và thu hoạch vào tháng 4. Khoảng thời gian này được người Tà ôi gọi là mùa ngô. Cây lúa bắt đầu gieo trỉa vào tháng 5 và thu hoạch vào tháng 10. Nên người ta gọi khoảng thời gian là mùa lúa. Như vậy, tính theo thời vụ, thời gian năm của người Tà ôi có 10 tháng trong 1 năm.

     Bên cạnh đó, họ còn tính các tháng trong năm dựa vào thời tiết qua bốn yếu tố sau là quan trọng nhất. Đó là pir (hoa), atooq (nóng), tưm/yur pang (mát/rụng lá), a – oot (lạnh). Chính vì vậy, người Tà ôi tính một năm có bốn mùa như sau: nno pir/nhnhom (mùa xuân) được tính từ tháng 1 đến tháng 3, nno atooq (mùa hè) từ tháng 4 đến tháng 6, nno tưm/yur pang (mùa thu) từ tháng 7 đến tháng 9 và nno a- oot (mùa đông) là tháng 10. Trong khi đó tháng 10 của người Tà ôi dài gấp ba so với các tháng khác ôm trùm của tháng 11, 12 của người Kinh. Vì thế lịch tháng của người Tà ôi hiện nay vẫn có sự bảo lưu tính cổ truyền và có sự điều chỉnh tháng phù hợp với lịch hiện đại. Tức là người Tà ôi hiện tại vẫn theo lịch 10 tháng của họ trong canh tác nương rẫy và 12 tháng theo dương lịch như sau:

ThángTiếng Tà ôiĐặc điểm tự nhiênCông việc liên quan đến trồng trọt
1Xay moiTrời mưa lạnhLàm cỏ, dọn nương rẫy, trồng các loại hoa màu, trồng ngô, ngô lên mơn mởn
2Xay barNắng ấm dầnPhát rẫy chọn đất, dọn cỏ các loại cây hoa màu
3Xay peNắng ấm, có nhiều ong rừng, gió nhẹPhát cốt đốt rẫy chính thức, làm cỏ ngô sắn, thơm chuối, khai thác lâm sản ngoài gỗ, ngô lên mơn mởn, trổ đòng kết trái
4Xay poanNắng ấm, ong về làm tổ mới, cây cối nở hoaTrỉa lúa màu, thu hoạch một số cây lương thực, thu hoạch ngô
5Xay soongSang trời nắng, trưa mưa giông, chiều lạnhTrỉa lúa mùa, dọn rẫy ngô, làm đất mới, hái quả rừng, đánh bắt cá
6Xay apakNắng nóng, mưa giông lớnLàm cỏ mùa, trỉa lúa muộn, đi săn thú
7Xay apoolNắng to, kiến và mối nhiều, đất có từng đống đùn lên do kiến, mối đàoChăm sóc lúa, thu hoạch các loại hoa màu phụ
8Xay akolMưa nắng không ổn địnhLàm cỏ lúa mùa
9Xay kiesTrời có dấu hiệu mưa lạnhLàm cỏ lúa lại, lúa chắc hạt, gié bông
10Xay mi chắtTrời nhiều mây mưaThu hoạch lúa mùa
11Xay chắt môiMưa lạnhCất lúa vào kho
12Xay chắt barRét đậm, mưa lâm thâmTết Ada cổ truyền
Đối với ruộng nước, phong tục tập quán không có gì đặc biệt. Chỉ khi thu hoạch lúa về thì người ta mới thực hiện việc cúng hồn lúa (hay còn gọi là “lễ mừng cơm mới” gọi là Ada được tiến hành vào khoảng từ tháng 11 đến tháng 12 dương lịch hàng năm).

___________
[1]: Trần Đức Viên: Canh tác nương rẫy với vấn đề môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững trên đất dốc. Trong sách: Tuyển tập công trình nghiên cứu Khoa học kỹ thuật nông nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, Hà Nội, 1996, trang 87.

[2]: Nguyễn Khoa Lân, Bùi Trung: Cây ăn quả ở vườn nhà miền núi huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế – Hiện trạng và triển vọng. Tạp chí Khoa học, Đại học Huế, số 21.2004. Trang 37 – 43.

[3]: Cách thức làm như vậy thì người Tà ôi gọi là dấu Ta leo. Không chỉ riêng việc tìm đất mà người Tà ôi khi đi tìm củi, mật ong trên rẫy, rừng hoặc dưới suối họ cũng làm dấu như vậy.

[4]: Viện Văn hóa – Thông tin, Hoàng Sơn (Chủ biên): Người Tà ôi ở Thừa Thiên Huế. NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2007, trang 41.

[5]: Về vấn đề nằm mơ như đã nêu thì có nhiều công trình khi nghiên cứuvề người Tà ôi đã nêu ra như: Mơ tốt sẽ thấy ăn cơm, ăn cá, cây cam sai quả, gùi đất ở rẫy, mồ mả nhiều, dòng suối trong, ớt chin đỏ. Mơ xấu sẽ thấy gà chết, ăn thịt mang, thấy cuộn tóc, người có râu đuổi, bị thú rừng đuổi…Xem thêm: Viện Văn hóa – Thông tin, Hoàng Sơn (Chủ biên): Người Tà ôi ở Thừa Thiên Huế. NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2007, trang 44. Nguyễn Văn Mạnh (Chủ biên), Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Hữu Thông: Luật tục của người Tà ôi, Cơtu và Bru  Vân kiều ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. NXB Thuận Hóa, Huế, 2001, trang 88.

Hoặc trong tri thức truyền thống trước đây khi đi chọn một khu đất để làm nương rẫy thì người ta lấy một cái cối giã gạo và bổ đôi, nếu cái cối vỡ toạc ra với tư thế nằm úp thì không đựơc phép phát chỗ đất ấy. Ngược lại nếu cái cối vỡ ra với thế bổ ngửa ngừơi ta được phép chọn chỗ đất ấy để làm nương.    

[6]: Tục này gọi là Pôọc chô, các thành viên trong gia đình sẽ chặt cành cây, tre, lồ ô đan hàng rào để rào quanh  coi như tấm rẫy đã được định hình, có chủ mới.

[7]: Chúng tôi dựa theo bài: Nguyễn Thị Sửu: Cách tính thời gian của người Tà ôi xưa. Tạp chí Sông Hương, Huế, số 12.2009.

Còn tiếp