Triều Nguyễn với thành tựu khai hoang ở đồng bằng Bắc bộ nửa đầu thế kỷ XIX
Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ ĐÀO TỐ UYÊN
(Khoa Lịch sử – Đại học Sư phạm Hà Nội)
Triều Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Vì vậy nó gắn với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc. Tìm hiểu, nghiên cứu để có những đánh giá xác đáng về nhà Nguyễn là một vấn đề đã và đang được các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực quan tâm. Trong bài viết này chúng tôi muốn đi vào một vấn đề mà theo chúng tôi nó không những chỉ giúp chúng ta hiểu thêm về kinh tế nông nghiệp và xã hội thời Nguyễn mà còn phần nào góp thêm vào việc nhìn nhận nhà Nguyễn một cách khách quan và khoa học hơn. Đó là thành tựu của công cuộc khai hoang ở đồng bằng Bắc Bộ nửa đầu thế kỷ XIX dưới triều Nguyễn.
1. Khẩn hoang – Một yêu cầu cấp thiết được đặt ra ở nửa đầu thế kỷ XIX
Là một nước có nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, từ xa xưa tổ tiên của người Việt đã biết cải tiến kỹ thuật, cải thiện chất đất để thâm canh tăng năng suất, nâng cao hiệu quả cây trồng. Bên cạnh đó, khai hoang mở rộng diện tích canh tác cũng là quy luật của sản xuất nông nghiệp, đồng thời đáp ứng nhu cầu dân số ngày một tăng, giữ vững biên cảnh – một nhiệm vụ tất yếu khách quan của quốc gia Đại Việt.
Từ bao đời nay ông cha ta đã thực hiện công cuộc khai hoang dưới nhiều hình thức khác nhau như: khai hoang lập làng của nông dân, điền trang của quí tộc, địa chủ, đồn điền của Nhà nước… Trải qua hàng ngàn năm, sự nghiệp lao động đó đã góp phần mở mang mộng đất, xóm làng và nâng cao đời sống con người.
Dưới chế độ phong kiến, các triều đại kế tiếp nhau đều có những chính sách và biện pháp khai hoang. Có thể nói khai hoang là một chính sách nông nghiệp tích cực, thông qua việc khai hoang, thái độ của Nhà nước đối với vấn đề ruộng đất được thể hiện rõ rệt.
Bước sang thế kỷ XIX, tình hình kinh tế nông nghiệp và xã hội Việt Nam đã đặt ra cho nhà Nguyễn những thách thức mới: Trước hết là sự suy sụp của chế độ chiếm hữu ruộng đất công làng xã và sự phát triển mạnh mẽ của chế độ tư hữu về ruộng đất. Theo sách: “sở hoạn tu tri” của Nguyễn Công Tiệp thì cho đến đầu thế kỷ XIX có những tỉnh như Phú Yên không có công điền. Còn căn cứ vào địa bạ Gia Long năm thứ 4 của trên 200 xã thuộc 10 huyện của các trấn Sơn Nam thượng, Sơn Nam hạ và trấn Sơn Tây cho thấy có những xã như Nhân Mục, Hồng Đô của huyện Từ Liêm không có ruộng công, một số xã sự chênh lệch giữa ruộng công và ruộng tư rất lớn. Huyện Minh Nghĩa và Yên Sơn của trấn Sơn Tây, công điền chỉ chiếm chưa đến 1%. Huyện Vụ Bản (trấn Sơn Nam hạ) có 26 xã thì 5 xã không có ruộng đất công dưới 5 mẫu[1]. Huyên Gia Viễn (Ninh Bình) trong 24 xã thôn thì 5 xã thôn không có ruộng đất công và 16 xã ruộng tư lớn hơn ruộng công(2). Xã Thổ Mật (một xã liền kề với huyện Kim Sơn sau này trong tổng số 1405 mẫu 4 sào 6 thước công tư điền thổ của toàn xã thì chỉ có 477 mẫu 6 sào 4 thước và ruộng công(3).
Huyện Thuỵ Anh (phủ Thái Bình – trái Sơn Nam hạ), cho đến những năm đầu thế kỷ XIX, ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân cũng chiếm ưu thế, tới 3/4 ruộng đất các loại ở vùng Tây Thuỵ Anh trong đó có 54,2% số người là địa chủ có trên 10 mẫu ruộng, chiếm giữ 85,4% ruộng đất, nhiều địa chủ có trên 30 mẫu ruộng[2].
Từ những cứ liệu trên cho thấy đến những năm 30 của thế kỷ XIX, ruộng đất tư đã chiếm một tỉ lệ lớn so với ruộng công. Bọn địa chủ, hào cường ở địa phương thường cậy quyền thế, ức hiếp dân nghèo, tìm mọi cách để biến công về tư. Nguyễn Công Trứ khi lĩnh doanh điền sứ đã dâng sớ xin trừ cái tệ nạn cường hào, lời tâu rằng: “… Có công điền thổ thì chúng thường bầy việc thuê mướn làm béo mình, nhưng dân nghèo không kê cứu vào đâu được. Giáo hoá không thấu xuống dưới, đức trạch không đến khắp nơi, chưa hẳn là không bởi đó. Thậm chí còn ẩn lậu đinh điền, ruộng đến nghìn mẫu không nộp thuế chỉ đầy túi của hào cường, đinh đến trăm suất chỉ phục dịch riêng cho bọn đó. Nay xin trích lấy một vài người đưa ra pháp luật và bãi lệ thuê mướn nhân công”[3]. Bọn địa chủ, hào cường ở các địa phương còn tìm cách ẩn lậu ruộng đất, trốn đóng thuế cho Nhà nước. Hiên tượng này cũng được Nguyễn Công Trứ tâu về triều đình: “Khi trước đo đạc số ruộng hoang ở Ninh Bình, có khu ruộng đất hoang ở xã Bồng Hải, khi bắt đầu phái đạc lại, chỉ trội lên có hơn 300 mẫu. ấy đều là do tệ lại dịch hào cường thông đồng dấu bớt. Muốn cứu xét lại thì địa thế xứ ấy là ruộng không phải 1, 2 tháng mà làm xong được… Nay xin sắc lại cho đạo thần đạc lại, lấy số ruộng chia lập một làng ấp, để gây nghiệp cho dân nghèo, mà trị tội kẻ gian dấu”.
Đứng trước tình hình đó, nhà Nguyễn thấy cần phải có thái độ và biện pháp để giải quyết vấn đề ruộng đất. Năm 1803 các quan lại ở Bắc Thành đã đề nghị tịch thu ruộng đất tư 10 phần chỉ để cho quan lại 3 phần. Năm 1804 hạ chiếu làm sổ điền ở mọi trấn Bắc Hà và tháng 4 năm đó ban hành bản điều lệ quân cấp công điền thổ và có các điều cụ thể để mọi người đều tuân theo vĩnh viễn làm phép thường”[1]. Nhưng tình trạng chiếm đoạt ruộng đất của địa chủ và hào cường vẫn ngày càng phổ biến làm cho dân nghèo mất đất ngày càng nhiều. Thêm vào đó, chế độ tô thuế nặng nề, thiên tai lụt lội, hạn hán đã gây nên những nạn đói lớn ở Bắc Hà, dẫn đến hàng loạt nông dân phiêu tán, nhiều nơi đồng ruộng bỏ hoang. Hai mươi năm dưới triều Gia Long và 10 năm dưới triều Minh Mạng đã chứng kiến những cảnh đó. Sách “Các trấn, tổng, xã danh bị lãm” chép nhiều làng phiêu tán chỉ có ruộng mà không có người ở. Riêng các trấn Bắc Thành, Thanh Hoá, Nghệ An và Ninh Bình có tới hơn 100 xã, thôn, phường bị phiêu tán.
Nạn đói kém thường xuyên, nông dân phiêu tán, mộng đất hoang hoá là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các cuộc khởi nghĩa nông dân. Ngay từ khi Gia Long lên ngôi, các cuộc khởi nghĩa đã liên tiếp nổ ra. Các cuộc khởi nghĩa tập trung chủ yếu ở các trấn Bắc Thành, đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có trấn Sơn Nam hạ, Nghệ An, Thanh Hoá là nhiều nhất.
Theo thống kê từ sự ghi chép của Đại Nam thực lục chính biên, Minh Mệnh chính yếu và Bản triều bạn nghịch liệt truyện thì từ năm 1804 đến năm 1827, riêng Bắc thành đã có đến 24 cuộc khởi nghĩa nông dân. Động lực chính trong tất cả các cuộc khởi nghĩa ở nửa đầu thế kỷ XIX đều là quần chúng nông dân nghèo đói, không những ở miền xuôi mà cả ở những vùng dân tộc ít người miền núi. Trong tình trạng xã hội bấy giờ, giải pháp để có thể ổn định trật tự xã hội, điều hoà mâu thuẫn giai cấp chỉ có thể bằng việc giải quyết ruộng đất cho nông dân để ổn định cuộc sống cho họ, tạo điều kiện cho sức sản xuất phát triển, cũng là nhằm phục hồi kinh tế nông nghiệp. Tiên cơ sở đó đẩy mạnh sản xuất công thương nghiệp, đáp ứng được yêu cầu mà đất nước đang đòi hỏi.
2. Thành quả khẩn hoang dưới triều Nguyễn ở đồng bằng Bắc bộ nửa đầu thế kỷ XIX
Đầu thế kỷ XIX, tiềm năng đất đai của nước ta còn khá phong phú, kể cả ở Nam Bộ và vùng duyên hải đồng bằng Bắc bộ. Tuy nhiên, tiềm năng đó có được khai thác hiệu quả hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của Nhà nước. Các vua Nguyễn đã áp dụng các biện pháp và kinh nghiêm của ông cha ta trong lịch sử, tiếp tục thực hiện các biện pháp khai hoang, thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Gia Long, kế đó là Minh Mạng rồi Thiệu Trị và Tự Đức đều rất chú ý đến việc khai hoang. Trong khoảng từ năm 1802 đến năm 1858, nhà Nguyễn đã ban hành 46 quyết định khai hoang với các lực lượng được huy động tối đa (cả tù binh là tội phạm) và phương thức khẩn hoang khác nhau như: Đồn điền, doanh điền, tư nhân được Nhà nước cấp vốn và tư nhân khai khẩn tự do[2].
Riêng các trấn ở Bắc thành, những nơi có ruộng hoang hoá và dân tự nguyện làm đơn xin khai khẩn thì Nhà nước cho phép và ruộng khai khẩn được thì trở thành ruộng tư. Năm 1831, vua Minh Mạng ra thông cáo cho phép tất cả mọi người dân trong cả nước đều được làm đơn xin khai khẩn đất hoang chỗ nào tuỳ ý. Được 3 năm Nhà nước mới chi chép lại số lượng diện tích, 3 năm nữa Nhà nước mới bắt đầu thu thuế. Nhờ chính sách động viên và khuyến khích này, ở những vùng ven biển, có lịch sử khai hoang từ trước, vẫn tiếp tục được nhân dân khai khẩn đất hoang và thành lập làng ấp mới. Tổng Quần Anh (Hải Hậu) được khai khẩn từ thế kỷ XV, sang thế kỷ XIX vẫn được tiếp tục tiến hành. Năm 1804 sau khi chia 3 xã, việc khẩn hoang từ đê Cồn Tiền trở ra vẫn được tiếp tục tiến hành do các chức dịch bản xã đưa người đi khai khẩn. Năm 1827, ba xã Thượng, Trung, Hạ lại hợp cùng với các làng Kim Đê, Trại Đáy, Phạm Rỵ, Phạm Pháo, thành lập tổng Quần Anh[1] [2]. Huyện Yên Hưng (Quảng Ninh, trong thế kỷ XIX, các làng xã ở đây cũng liên tục tiến hành các hoạt động khai hoang. Với hình thức khai hoang tự động và tập thể của các nhóm cư dân. Thành quả khẩn hoang chia theo phương thức: Một diện tích nhỏ được dùng để thưởng cho những người có công khai phá làm tư hữu, còn đại bộ phận được chuyển vào quỹ đất công của làng xã và phân chia cho các thành viên theo định kỳ2. Qua hơn 30 năm, từ năm Gia Long thứ tư (1805) đến năm Minh Mệnh thứ 18,19 (1837, 1838), mộng thực canh ở Yên Hưng đã tăng thêm 382 mẫu 1 sào và một làng mới – làng Hưng Học được lập nên với tổng số ruộng đất là 346 mẫu 6 sào trong đó ruộng thực canh 300 mẫu(10).
Một hình thức khai hoang đáng chú ý nhất ở đồng bằng Bắc bộ trong nửa đầu thế kỷ XIX đó là hình thức “Doanh điền” do Nguyễn Công Trứ đề xuất và thực hiện với danh nghĩa Doanh điền sứ của triều đình Nguyễn. Hình thức này được áp dụng đầu tiên vào năm 1828 ở vùng ven biển Nam Định và Ninh Bình thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Bản điều trần của Nguyên Công Trứ “Khẩn ruộng hoang để yên nghiệp dân nghèo” đã nêu lên một cách đầy đủ về xuất phát điểm, mục đích cũng như biện pháp để thực hiên hình thức khẩn hoang này. “Đời làm ăn xưa, chia ruộng định của, dân có nghiệp thường cho nên ở yên nơi làng mạc, không có gian tà. Ngày nay những dân nghèo túng, ăn dưng chơi không, khi cùng thì họp nhau trộm cướp, cái tệ không ngăn cấm được. Trước thần đến Nam Định, thấy mộng bỏ hoang ở các huyện Giao Thuỷ, Chân Định, mênh mông bát ngát, hỏi ra thì dân địa phương muốn khai khẩn nhưng phí tổn nhiều, không đủ sức. Nếu cấp tiền công thì có thể nhóm họp dân nghèo mà khai khẩn, Nhà nước phí tổn không mấy mà cái lợi tự nhiên sẽ vô cùng. Phàm các hạt thấy dân du đãng, không bấu víu vào đâu, đều đưa cả về đấy. Như thế thì đất không bỏ hoang, dân đều làm ruộng, phong tục kiêu bạc lại thành thuần hậu”[1]. Theo bản điều trần thì khai hoang chẳng những giúp cho dân có ruộng đất để họ yên ổn làm ăn, không tụ họp nhau mà nổi loạn. Hơn nữa lại đáp ứng được yêu cầu thuế khoá do khẩn hoang đem lại – một vấn đề nan giải của Nhà nước phong kiến lúc bấy giờ. Trong bản điều trần khẩn hoang, Nguyễn Công Trứ cũng trình bày các biện pháp cụ thể để triển khai công việc: “Cho những người địa phương giàu có trông coi làm, mộ được 50 người thì cho làm một ấp cho làm ấp trưởng, đều tính đất chia cho. Cấp cho tiền công để làm nhà cửa, mua trâu bò nông cụ, lại lượng cấp cho tiền gạo lương tháng trong hạn 6 tháng, ngoài hạn ấy thì làm lấy mà ăn, 3 năm thành ruộng đều chiếu lệ tư điền mà đánh thuế”(12)
Doanh điền là một hình thức khẩn hoang dưới thời Nguyễn được Nhà nước cấp một phần nhu phí cho dân khai hoang(13).
Đơn vị |
Số đinh |
Tiền mua trâu bò |
Tiền mua nông cụ |
Tiền làm nhà |
Tổng cộng |
Lý |
50 người |
300 quan |
400 quan |
100 quan |
440 quan |
Ấp |
30 người |
180 quan |
24 quan |
60 quan |
264 quan |
Trại |
15 người |
90 quan |
12 quan |
30 quan |
132 quan |
Giáp |
10 người |
60 quan |
8 quan |
20 quan |
88 quan |
Các khoản chi cấp trên đây, Nhà nước không cấp phát bằng tiền mà phát bằng hiện vật cho người khai hoang. Cứ 5 người thì phát một con trâu, một cái bừa, một cày, một móng, một cuốc và một liềm, sức các ông chiêu mộ lĩnh về cấp phát[2]. Mỗi người dân còn được cấp lương ăn trong 6 tháng. Mặc dù số tiền chi phí trên không nhiều, nhưng sự giúp đỡ một phần của Nhà nước là nguồn động viên và hỗ trợ quan trọng cho công cuộc khai hoang. Trong quá trình thực hiện, với tư cách là doanh điền sứ, người trực tiếp tổ chức và chỉ đạo khai hoang, Nguyên Công Trứ còn đề ra những chính sách và biện pháp thích hợp để kết hợp kinh phí có hạn của Nhà nước với sự đóng góp của nhân dân, tận dụng tài lực, vật lực của những người có của trong nông thôn, và sức lao động của dân nghèo khổ trong đó có cả những người đã từng tham gia khởi nghĩa chống triều đỉnh như cuộc khởi nghĩa nông dân do Phan Bá Vành lãnh đạo.
Trong thực tế, ở nhiều làng ấp của huyện Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình), các chiêu mộ đã đóng góp cả sức lực và tiền của vào công cuộc khai hoang lập ấp. Trong hàng ngũ chiêu mộ, ngoài một số xuất thân từ nông dân còn có cả những địa chủ và một số ít là nhà nho và hàng ngũ quan lại ở các địa phương[1].
Hình thức khẩn hoang doanh điền của nhà Nguyễn thực hiện ở đồng bằng Bắc bộ đã thu được những thành quả đáng khích lệ. Mùa thu năm 1828 huyện Tiền Hải ra đời với diện tích khai hoang được 18.970 mẫu và số đinh 2.350 người. Huyện được chia đặt thành 7 tổng với 14 lý, 27 ấp, 20 trại, 10 giáp. Cuối năm 1829 huyện Kim Sơn cũng chính thức được ghi vào sổ sách của nhà Nguyễn[2] với 7 tổng, 60 lý, ấp, trại. Số ruộng khẩn hoang được là 14.620 mẫu chia cho 1250 đỉnh. Tổng Hoành Thu (Giao Thuỷ – Nam Định) bắt đầu được khai khẩn vào tháng 3 năm 1828 đến đầu năm sau thì căn bản hoàn thành với sự ra đời của 14 ấp, trại giáp, có 385 mẫu ruộng và 301 đinh. Tổng Ninh Nhất cũng được thành lập với 9 lý, ấp, trại, giáp có 345 đinh và 4120 mẫu ruộng đất.
Như vậy chỉ trong vòng 2 năm, hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn và hai tổng Hoành Thu, Ninh Nhất được lập nên với 16 tổng, 154 lý, ấp, trại, giáp. Số ruộng đất khẩn hoang được là 38.095 mẫu và 4.264 dinh. Đó là một thành quả rất lớn, đáng được đánh giá cao dưới thời Minh Mạng.
Một vấn đề mà các nhà nghiên cứu cũng quan tâm là người khai hoang sẽ được hưởng thành quả đó ra sao và chính sách của Nhà nước đối với ruộng đất ở hình thức khẩn hoang doanh điền như thế nào?
Theo “Đại Nam thực lục” thì: ‘Trong số đất khai khẩn được cứ 100 mẫu, trừ đất đình chùa, thổ trạch, đất mạ 30 mẫu, còn thành điền 70 mẫu. Cứ 15 mẫu thì định làm nhất đẳng 1 mẫu, nhị đẳng 2 mẫu, tam đẳng 12 mẫu”. Tuy nhiên, thực lục không cho chúng ta biết về sở hữu các loại mộng cũng như quan hệ giữa tư điền và công điền.
Những tư liệu còn lại ở các địa phương Tiền Hải, Kim Sơn, Hoành Thu, Ninh Nhất giúp chúng ta hiểu thêm về chính sách của Nhà nước đối với ruộng đất khai hoang ở đây.
Theo quy định của Nhà nước thì ruộng đất ở Tiền Hải là “công điền quân cấp”. Theo nguyên tắc của lệ “Công điền quân cấp” thì ruộng đất được chia cấp đều cho dân đinh khai hoang theo thời hạn 3 năm, hết 3 năm phải trả lại ruộng cho làng để chia lại. Quyền sở hữu là của Nhà nước, làng ấp chỉ có quyền quản lí. Tuy nhiên, ruộng “công điền quân cấp ở Tiền Hải có những đặc điểm riêng trong phân phối, nó không giống với chế độ quân điền thời Gia Long mà ở đó có sự phân biệt đẳng cấp rõ rệt. Ở đây, mọi người có công khai hoang được hưởng quyền lợi như nhau. Bình quân mỗi đinh được 6 mẫu. Trong thực tế có làng, ấp mỗi đinh được 10 mẫu, cá biệt có làng lên tới 12 mẫu. Còn phần đông bình quân cho một đinh ở các làng là 8 mẫu. Hơn nữa, ruộng “công điền quân cấp” lại được hưởng theo lệ thuế tư điền mà trong đó ruộng loại 3 chiếm tới 80%, đó là một ưu đãi đối với người khai hoang.
Thuế ruộng đất của các tỉnh từ Nghệ An trở ra Bắc dưới thòi Minh Mạng được quy định như sau[1]:
Loại ruộng |
Ruộng công |
Ruộng tư |
Loại 1 |
120 bát/ 1 mẫu |
40 bát/ 1 mẫu |
Loại 2 |
84 bát/1 mẫu |
30 bát/ 1 mẫu |
Loại 3 |
50 bát/ lmẫu |
20 bát/ 1 mẫu |
Căn cứ vào những văn bản của Nhà nước thì toàn bộ ruộng đãi ở Kim Sơn sau khai hoang được giao cho các làng với danh nghĩa là công hữu. Theo pháp luật và tập quán thì ruộng đất này thuộc công điền chứ không phải tư điền. Nhưng để khuyến khích người khai hoang, Nhà nước cho nộp thuế theo lệ ruộng tư và khi chia người ta gọi là “Tư điền quân cấp”[2]. Đặc điểm của cách phân chia ruộng đất này là; người được chia ruộng được hưởng suốt đời, nhưng chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền mua bán. Khi người được cấp ruộng chết đi, nếu không có con trai hoặc con trai chưa đến tuổi thành đinh thì phải trả lại ruộng đó cho làng. Ruộng mới khai hoang sau 3 năm mới phải nộp thuế.
Về số lượng, ruộng đất bình quân cho mỗi đinh theo chế độ “tư điền quân cấp” là 10 mẫu. Tuy nhiên, trong thực tế số ruộng này có dao động ít nhiều ở từng lý, ấp, trại. Chế độ ‘Tư điền quân cấp” ở Kim Sơn so với chế độ “Công điền quân cấp” ở Tiền Hải có những điểm giống và khác nhau. Trước hết cả hai loại đều được hưởng theo lệ thuế tư điền, đó là sự ưu đãi của Nhà nước. Nhưng chế độ “công điền quân cấp” ở Tiền Hải cứ 3 năm chia lại một lần nên sự luân chuyển giữa người này sang người khác sẽ nhanh chóng làm cho người khai hoang mất quyền sử dụng đất với số lượng còn bị giảm đo do dân số tăng lên. Còn chế độ ‘Tư điền quân cấp” ở Kim Sơn cho phép người dân khai hoang được hưởng dụng ruộng đất một đời, thêm nữa lại được quyền để lại cho con trai đến tuổi thành đinh nên phần đất mà làng chia cho họ được giữ tương đối lâu dài. Vì vậy có những lúc nhân dân coi đó là tư điền(19). Đó là sự chiếu cố nhiều hơn đối với quyền lợi của người khai hoang so với Tiền Hải. Sự ưu ái đó là nguồn động viên quan trọng giúp mọi người khắc phục khó khăn giữ vững thành quả khai hoang mà họ đã giành giật được trong cuộc vật lộn vóới thiên nhiên đầy khó khăn và vất vả.
Chế độ ruộng đất ở Kim Sơn còn được bổ sung bằng việc phê chuẩn của vua Tự Đức ngày 18 tháng 6 năm thứ nhất (1848) cho phép ruộng đất ở Kim Sơn theo chế độ một nửa là tư điền thế nghiệp, một nửa là tư điền quân cấp (theo sự thỉnh cầu của nhân dân Kim Sơn). Sau đó ngày 12 tháng 11 năm Tự Đức thứ 4 (Tức ngày 2 tháng 1 năm 1852), với tờ “Bẩm” của các nguyên mộ ở các lý ấp trại toàn huyện gửi lên quan Tuần phủ Ninh Bình, vua Tự Đức lại sửa lại chế độ ruộng đất ở Kim Sơn theo chế độ: Tất cả dân đinh lúc đó chia làm 3 hạng, nguyên mộ, thứ mộ và tân mộ. Tư điền quân cấp không có gì thay đổi. Riêng tư điền thế nghiệp chia theo tỷ lệ (10; 7; 5), chẳng hạn, nếu nguyên mộ được 10 mẫu thì thứ mộ được 7 mẫu và tân mộ được 5 mẫu). Đối voi con trai của nguyên, thứ mộ chết trước năm 1848 được chia một phần bằng thứ mộ. Nếu không có con trai thì con trai nuôi cũng được chia như vậy. Vợ goá hay con gái của nguyên thứ mộ đã chết được chia bằng 1/2 của thứ mộ. Phần cho nguyên, thứ mộ và con trai của nguyên thứ mộ đã chết được trao cho họ vĩnh viễn (được tự do mua bán, để lại cho con cháu, sử dụng theo ý kiến của họ). Riêng phần của vợ goá hay con gái của nguyên thứ mộ đã chết chỉ được hưởng hoa lợi, người con gái khi đi lấy chồng và người vợ goá sau khi chết thì phải trả lại ruộng cho làng[1] . Chế độ ruộng đất này được duy trì trong thời gian khá lâu ở Kim Sơn cho đến cuối thế kỷ XIX.
Còn hai tổng Hoàng Thu và Ninh Nhất (huyện Giao Thuỷ – Nam Định) cũng do Nguyễn Công Trứ chỉ đạo khẩn hoang thì ruộng đất ở đây có những nét vừa giống với chính sách áp dụng đối với Kim Sơn (từ năm 1848 đến 1885), lại vừa giống vói Tiền Hải. Hai tổng ở liền nhau nhưng chính sách có khác nhau chút ít.
Ở Hoành Thu, mỗi nguyên mộ hoặc thứ mộ được nhận 2 mẫu đất và ruộng làm tư điền. Tuy nhiên, tuỳ theo số lượng ruộng khai hoang được ở từng lý, ấp, trại mà số tư điền, tư thổ có khác nhau (có làng mỗi người được 1 mẫu 8 sào, có làng mỗi người được 2 mẫu 3 sào). Còn lại là công điền, công thổ. ở Ninh Nhất, ruộng đất được chia làm 2 phần, một nửa là công điền, công thổ và nửa còn lại là tư điền, tư thổ. Các nguyên, thứ mộ đều được nhận phần tư điền quản nghiệp, số lượng tuỳ theo diện tích khai hoang được ở từng làng ấp. Ở một một số làng, mỗi đỉnh được 5 mẫu, có làng một đỉnh được tới 5 mẫu 8 sào, trong khi đó có làng chỉ có 4 mẫu 8 sào/ 1 đinh. Còn công điền, công thổ thì phân cho các nhân đinh theo chế độ ruộng khẩu phân (cứ 3 năm chia lại 1 lần)[2].
Từ việc nghiên cứu thành quả khai hoang ở đồng bằng Bắc bộ ở nửa đầu thế kỷ XIX chúng ta có thể rút ra một số nhận xét sau:
3. Một vài kết luận:
– Để phục hồi và phát triển kinh tế nông nghiệp, giải quyết tình trạng nông dân lưu tán, khởi nghĩa nông dân và vấn đề tài chính cho Nhà nước, nhà Nguyễn đã có những hình thức và biện pháp khai hoang. Riêng đồng bằng Bắc bộ có thể nói khai hoang đã mang lại những kết quả to lớn, đặc biệt là hình thức doanh điền do Nguyễn Công Trứ đề xuất và trực tiếp thực hiện.
– Về mặt pháp lý, Nhà nước cho phép ruộng do dân tự đứng ra khai khẩn được biến thành ruộng tư; ruộng do các nhóm tư nhân hay tập thể làng xã khai khẩn được biến thành ruộng công của làng xã; ruộng theo hình thức doanh điền được hưởng lệ thuế tư điền, có thể nói đó là sự nhân nhượng của Nhà nước về phương diện bóc lột tô thuế. Đây cũng là bước quan trọng trong việc thừa nhận quyền tư hữu hoá những ruộng đất khẩn hoang. Điều này ngay dưới thời Minh Mệnh và sau này thời Tự Đức vẫn được duy trì. Như vậy đề nghị của Nguyễn Công Trứ trong bản điều trần khẩn hoang đã được Nhà nước chấp nhận và thực hiện.
– Chính sách của nhà Nguyễn đối với ruộng đất khai hoang ở đồng bằng Bắc bộ trong nửa đầu thế kỷ XIX một mặt phản ánh xu thế tất yếu của lịch sử và xu hướng tư hữu hoá ruộng đất ở nửa đầu thế kỷ XIX, nhưng mặt khác nó cũng tạo điều kiện cho sự củng cố kinh tế sở hữu tư nhân, góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp và do đó, khách quan nó cũng thúc đẩy kinh tế hàng hoá phát triển.
– Đối với dân khai hoang, nhà Nguyễn đã chú ý thoả mãn yêu cầu của họ ở mức độ khác nhau: Cùng là hình thức khẩn hoang doanh điền nhưng ở Kim Sơn khác chút ít so vói Tiền Hải và sau đốó còn được bổ sung bằng các quyết định của vua Tự Đức vào các năm 1848 và 1852 theo đơn thỉnh cầu của dân khai hoang. Điều này chứng tỏ các vua Nguyễn đã có những chính sách động viên, ưu đãi và đáp ứng kịp thời đối với người lao động.
Cuối cùng, dù xuất phát từ mục tiêu và lợi ích nào thì những thành tựu khai hoang ở đồng bằng Bắc bộ trong nửa đầu thế kỷ dưới thời Nguyễn là thành quả lao động của đông đảo các tầng lớp nhân dân mà chủ yếu là nông dân, nhưng nó cũng không thể tách rời vai trò tổ chức và chỉ đạo của các vua triều Nguyễn. Vì vậy, phải có đó là một chính sách và biện pháp tích cực của nhà Nguyễn lúc bấy giờ. Những bài học và kinh nghiệm về công cuộc khai hoang của ông cha ta trong lịch sử, cũng như ở nửa đầu thế kỷ XIX, vẫn còn là những kinh nghiêm và bài học quý giá cho công cuộc khai hoang của chúng ta trong thời kỳ hiện tại.
__________
[1] , (2), (3) Thống kê theo địa bạ các năm Minh Mạng thứ 11, 12, 13 – Tư liệu sưu tầm tại địa phương.
[2] Nguyễn Đức Nghinh, Bùi Thị Minh Hiền: Tư liệu ruộng đất vùng Thuỵ Anh, Thái Bình cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 1/1991.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam thực lục chính biên, tập 2. NXB Giáo dục (2004), tr.767.
[1] Đại Nam thực lục chính biên, sđd., lập 1 tr. 583,599.
[2] Trương Hữu Quýnh, Đỗ Bang: Tình hình ruộng đất, kinh tế nông nghiệp và đời sống nhân dân dưới triều Nguyễn. NXB Thuận Hoá, Huế 1997, tt.43.
[1] Trần Văn Kiên: Quá trình khai hoang lập làng ở Quần Anh (Hải Hậu – Nam Định) từ cuối thế kỷ XV đến nửa đầu thế kỷ XIX- Luân văn Thạc sĩ lịch sử, Hà Nội 2006.
[2] (10)Bùi Việt Hùng: Tình hình ruộng đất và kinh tế nông nghiệp huyện Yên Hưng – Quảng Ninh từ đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX- Luận án tiến sĩ lịch sử, Hà Nội 1999.
[1] (12)(13) Đại Nam thực lục chính biên, tập 2. Sđd, 1r.719, 720, 779.
[2] Lê Thước: Sự nghiệp và thơ văn của uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ. NXB Lê Văn Tân, 1982, tr.37.
[1] Xin tham khảo:
– Bùi Quý Lộ: Công cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải (1828) – Luận án PTS Lịch sử, Hà Nội 1987.
– Đào Tố Uyên: Công cuộc khẩn hoang thành lập huyện Kim Sơn – Luân án PTS Lịch sử. Hà Nội 1991.
[2] Đại Nam thực lục. Sđd, tr.843.
[1] Thuế lệ, năm Minh Mệnh thứ 15 – Bản chữ Hán, chép tay sưu tầm tại địa phương.
[2] (19) Souvignet: Régime foucier du huyen de Kim Son. Revue Indochinoise 1905.
[1] Souvignet. Sđd, tr. 561.
[2] Phan Đại Doãn: Mấy nét về công cuộc khai hoang thành lập hai tổng Hoành Thu, Ninh Nhất. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 3/1982.
Nguồn (PDF): nhatbook.com
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Triều Nguyễn với thành tựu khai hoang ở đồng bằng Bắc bộ nửa đầu thế kỷ XIX (Tác giả: PGS.TS Đào Tố Nguyên) |