Trường tiểu học Pháp-Việt ở Trung kỳ đầu thế kỉ XX[1]
ÉCOLE PRIMAIRE FRANCO-VIETNAMIENNE EN ANNAM
AU DÉBUT DU XXe SIÈCLE
Tác giả bài viết: Giáo sư, Tiến sĩ NGUYỄN VĂN KHÁNH [2]
TÓM TẮT
Để góp phần làm sáng tỏ thực trạng của giáo dục ở Trung Kỳ, nhất là giáo dục ở bậc tiểu học thời kỳ đầu thế kỉ XX, dựa trên các tài liệu của chính quyền Pháp bao gồm các nghị định, báo cáo niên giám, tài liệu thống kê của chính quyền Pháp trong đó có Nha Học chính Trung Kỳ, bài viết tập trung trình bày các chính sách giáo dục của chính quyền thuộc địa Pháp và triều Nguyễn trong thời kỳ cải cách giáo dục lần thứ nhất từ năm 1906, đồng thời phục dựng lại trên những nét lớn hệ thống giáo dục tiểu học Tiểu học Pháp-Việt (Ecole primaire franco-indigène) ở Trung Kỳ đầu thế kỉ XX, trên các khía cạnh trường lớp, chương trình, nội dung đào tạo đến đội ngũ giáo viên, học sinh, thi cử, bằng cấp. Trên cơ sở đó nêu lên một vài nhận xét về giáo dục Tiểu học ở Trung Kỳ từ đầu thế kỉ XX đến cuối chiến tranh thế giới thứ Nhất, thời điểm kết thúc nền giáo dục Nho học ở Việt Nam.
Từ khóa: Trường tiểu học Pháp-Việt, Trung Kỳ, đầu thế kỉ XX.
RÉSUMÉ
Vu les documents du gouvernement colonial français concernant des décrets, des rapports d’annuaire, des documents statistiques du gouvernement et surtout ceux de la Direction de l’Instruction Publique d’Annam, cet article se concentre sur les politiques éducatives du gouvernement colonial français et de la dynastie des Nguyen pendant la première période de réforme de l’éducation depuis 1906. En outre, il vise également à restituer l’aperçu du système d’enseignement primaire franco-vietnamien (École primaire franco-indigène) au début du XXe siècle, sur les aspects: écoles, programmes, contenus de formation, équipe d’enseignants, élèves, examens, diplômes. Cet article a donc pour but de contribuer à clarifier la situation de l’éducation du moment en Annam et notamment l’enseignement primaire au début du XXe siècle. Sur cette base, un certain nombre de commentaires seront soulevés en ce qui concerne l’enseignement primaire en Annam du début du XXe siècle jusqu’à la fin de la première guerre mondiale – le moment où s’est mise la fin de l’éducation confucéenne au Vietnam.
Mots clés: École primaire franco-vietnamienne, Annam, début du XXe siècle.
x
x x
Đầu thế kỉ XX, thực hiện chính sách khai thác thuộc địa trên qui mô lớn theo đường lối do Toàn quyền Paul Doumer đề xuất, cùng với việc thiết lập bộ máy cai trị trên thống nhất từ trung ương đến cơ sở, thực dân Pháp cũng tìm cách thay đổi và thực hiện chính sách giáo dục mới, nhằm thu hẹp dần hệ thống Nho học, đồng thời xác lập vai trò chủ đạo của hệ thống giáo dục Pháp. Nhưng khác với xứ Nam Kỳ và Bắc Kỳ, tại Trung Kỳ bên cạnh chính quyền Pháp, triều đình Nguyễn cũng có những hoạt động và đóng vai trò nhất định trong quá trình thực hiện cải cách giáo dục.
1. Chính sách cải cách giáo dục của chính quyền Pháp và triều đình Nguyễn
Trung Kỳ là xứ có diện tích lớn nhất trong ba kỳ của Việt Nam, dân số đứng thứ hai sau Bắc Kỳ. Những tỉnh có đông dân số ở Trung Kỳ là Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Bình. Đây cũng là những tỉnh có số trường học nhiều hơn cả (không kể Thừa Thiên với Kinh đô Huế là trung tâm học vấn của Trung Kỳ giai đoạn này).
Bảng 1. Dân số các tỉnh Trung Kỳ năm 1906
STT | Tỉnh | Tỉnh lị | Dân số (đơn vị tính: người) |
1 | Thanh Hóa | Thanh Hóa | 1.000.300 |
2 | Nghệ An | Vinh | 1.050.400 |
3 | Hà Tĩnh | Hà Tĩnh | 394.000 |
4 | Quảng Bình | Đồng Hới | 500.000 |
5 | Quảng Trị | Quảng Trị | 250.000 |
6 | Thừa Thiên | Huế | 291.000 |
7 | Quảng Nam | 860.000 | |
8 | Quảng Ngãi | 130.000 | |
9 | Darlak | Buôn Mê Thuột | 81.000 |
10 | Bình Định | Quy Nhơn | 400.000 |
11 | Phú Yên | Sông Cầu | 160.000 |
12 | Khánh Hoà | Nha Trang | 117.000 |
13 | Ninh Thuận | Phan Rang | 56.000 |
14 | Bình Thuận | Phan Thiết | 102.000 |
15 | Plei-Ken-Derr | Plei-Tai | 4.000 |
16 | Đà Nẵng (thành phố nhượng địa) | 6.000 | |
Tổng | 4.927.175 |
Là Tổng trú sứ đầu tiên của Bắc và Trung Kỳ, Paul Bert đã coi giáo dục là công cụ quan trọng trong việc chinh phục người bản xứ. Ngay từ cuối thế kỉ XIX, ông ta đã nhận định: “Bắc Kỳ giàu có với người dân hiền hoà, chăm chỉ lao động…, họ sẽ làm việc, thu hoạch mùa màng, trả thuế, cần giữ yên nông dân”; trong khi đó đối với Trung Kỳ, một xứ “nghèo và hay gây gổ”, cần “trấn an các nho sĩ, duy trì uy tín nhà Vua, lập một giới chính trị quý tộc, giữ yên giới nho sĩ” (Kotovtchkhine, 2000, tr. 112).
Trong giai đoạn Toàn quyền Paul Beau nắm quyền (1902-1907), chính sách giáo dục của thực dân Pháp ở Việt Nam được định hình rõ ràng hơn. Cùng với việc tiếp tục đầu tư mở mang kinh tế thuộc địa, chính quyền P. Beau đã bắt đầu tiến hành cải cách giáo dục nhằm hạn chế ảnh hưởng của nền giáo dục Nho học, đồng thời xác lập và mở rộng hệ thống giáo dục của Pháp. Một loạt nghị định thành lập các cơ quan quản lý giáo dục đã được ban hành trong những năm đầu thế kỉ XX cho thấy chủ trương nhà nước muốn tìm cách nắm giữ vai trò kiểm soát và hướng tới xây dựng một hệ thống giáo dục thống nhất toàn Đông Dương. Đồng hành cùng với các chính sách của Pháp, triều đình Nguyễn cũng tiến hành các cải cách thi cử và trường Nho học ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, tạo nên một sự chuyển mình mạnh mẽ trong giáo dục thời kỳ này.
Ngày 27/4/1904, Toàn quyền Đông Dương Paul Beau ra một loạt nghị định để thiết lập các cơ quan quản lý giáo dục và tổ chức các trường Pháp và Pháp-Việt ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ (Xem Hoa, 2013). Cũng trong số các văn bản phê chuẩn dịp này, Nghị định về vị trí thanh tra trường công và trường tư toàn Đông Dương đã được ban hành, cho thấy chính quyền Pháp chủ trương thâu tóm dần việc kiểm soát giáo dục ở tất cả các xứ, vốn có những bước đi khá khác biệt trong tiến trình cải cách. Trong khi Nam Kỳ và Bắc Kỳ đã có các Sở Giáo dục và sớm phát triển các trường Pháp-Việt thì ở Trung Kỳ, thư ký Toàn quyền Broni cho rằng “những nguồn tài nguyên phục vụ giáo dục còn thiếu thốn, và tất cả vẫn đang trong quá trình thực hiện” (Bulletin official de l’Indochine francaise, 1904).
Trong bối cảnh hoạt động của các trường học Pháp-Việt mới được lập ra còn chuệch choạc thiếu sự thống nhất, các thanh tra có nhiệm vụ thị sát tất cả các trường học ở Đông Dương, báo cáo lại với Toàn quyền và nhận chỉ dẫn để giúp trường học ngày càng hoàn thiện hơn.
Ngày 14/11/1905, Tổng thống Pháp ra Sắc lệnh lập Tổng nha Học chính Đông Dương và các Sở Học chính trực thuộc (Bulletin officiel de l’Indochine francaise, 1906d). Ngày 30/10/1906 Sở Học chính Trung Kỳ thành lập theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, muộn nhất so với hai xứ Nam Kỳ và Bắc Kỳ. Nghị định này đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến nhân sự giáo viên, học sinh và hệ thống các trường Pháp, Pháp-Việt ở bậc phổ thông (Journal officiel de l’Indochine francaise, 1906, tr. 1634-1640). Điều 1 của Nghị định này quyết định bắt đầu đưa chương trình giáo dục Pháp vào giảng dạy tại các trường học ở Trung Kỳ như:
1. Trường nam sinh và trường hỗn hợp, nơi có số học sinh nam cao hơn học sinh nữ, thày dạy người Pháp nhiều hơn thày dạy bản xứ. Thày dạy người Pháp mang chức danh giáo sư, thày dạy bản xứ mang chức danh giáo viên tiểu học.
2. Trường nữ sinh và trường hỗn hợp, nơi có số học sinh nữ cao hơn hoặc bằng học sinh nam với đội ngũ nữ giáo viên tiểu học người Pháp (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2016, tr. 134).
Đối với nhân sự giáo viên người bản xứ, Nghị định qui định, để trở thành giáo viên chương trình giáo dục Pháp-Việt tại Trung Kỳ, các ứng viên phải đủ 21 tuổi, có bằng trung học Pháp- Việt và tư cách đạo đức tốt. Giáo viên tiểu học dạy chữ Hán tại các trường Pháp-Việt được miễn xuất trình bằng trung học Pháp-Việt, nếu đạt một trong 4 học vị: tiến sĩ, phó bảng, cử nhân hoặc tú tài (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2016, tr. 136-137).
Hệ thống trường thực hiện chương trình giáo dục Pháp ở Trung Kỳ bao gồm: 1. Trường học của Pháp dành cho người Pháp và mang quốc tịch Pháp, và 2. Trường PhápViệt dành cho dân bản xứ. Trường học Pháp có hai khối trường là khối trường công lập do Chính quyền Bảo hộ, tỉnh hoặc thành phố thành lập và quản lý; khối trường tư thục do cá nhân được cấp phép mở và quản lý. Tại mỗi tỉnh lỵ, nếu ngân sách cho phép có thể được mở một trường Pháp. Trường nhận học sinh ở độ tuổi từ 6 đến 13.
Các Trường Pháp-Việt chia thành hai bậc: Tiểu học và Trung học. Trường Tiểu học lập tại tỉnh lỵ hoặc cũng có thể lập tại phủ lỵ, huyện lỵ nếu có nhu cầu; chi phí do ngân sách tỉnh chu cấp.
Trường Tiểu học gồm 4 lớp: Lớp dự bị (lớp tư), Lớp sơ đẳng (lớp ba), Lớp nhì, Lớp nhất. Trường nhận trẻ em từ 8 đến 14 tuổi. Sau thời gian học, học sinh phải trải qua một kỳ thi thường là vào ngày 15/6 hàng năm, với 8 môn thi gồm Chính tả, Thi viết, Toán đố, Tập làm văn, Thủ công, Bài tập đọc, Lịch sử và Địa lý (lấy theo thang điểm 10). Những ai đủ điểm đỗ thì được nhận bằng. Những học sinh đủ điểm đỗ và từ 11 tuổi trở lên thì có quyền nhận bằng Sơ đẳng tiểu học. Để nhận bằng Tiểu học Pháp-Việt, học sinh phải đủ 14 tuổi và trải qua hai bài thi: Thi viết và Thi vấn đáp; đỗ thi viết mới được chuyển qua thi vấn đáp. Thông thường kỳ thi viết gồm 6 môn và thi vấn đáp có 5 môn; trong các môn thi này có một bài tập làm văn bằng tiếng Pháp, một bài luận bằng chứ Quốc ngữ và một bài luận bằng chữ Hán. Trong phần thi vấn đáp học sinh chủ yếu phải đọc và dịch tiếng Pháp ra Quốc ngữ và ngược lại.
Sau khi tốt nghiệp và có bằng Tiểu học Pháp-Việt, học sinh mới được dự thi vào Trung học. Theo Nghị định ngày 30/10/1906, Trường Quốc học chính thức trở thành trường trung học với 4 ban: Ban Khắc độ, Ban Địa chính, Ban Sư Phạm và Ban Giáo dục phổ thông. Để dự thi vào Trường Quốc học, thí sinh phải đủ 15 tuổi, cao nhất là 20 tuổi. Thời gian học là 4 năm. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, học sinh học sinh cũng phải qua hai kỳ thi viết và vấn đáp rồi mới đủ điều kiện nhận bằng. Các ứng viên người bản xứ từ 18 tuổi trở lên đều có thể dự thi lấy bằng Trung học Pháp-Việt. Bằng Trung học Pháp-Việt do Khâm sứ Trung Kỳ trao theo đề nghị của Hội đồng thi cũng do Khâm Sứ quyết định (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2016, tr. 139-144).
Phối hợp với chính quyền Pháp, triều đình Huế cũng tổ chức một cơ quan giáo dục riêng, thay cho Bộ Lễ vốn vẫn quản lý hoạt động học và thi. Năm 1907, hưởng ứng trào lưu tân học đang trở nên rầm rộ “phong hội vừa mới mở ra, văn minh ngày càng tiến triển, cách học cách thi đều đã lần lượt cải lương”, triều đình Huế lập ra Bộ Học bên cạnh Lục bộ” (Quốc Sử quán triều Nguyễn, 2012, tr. 486), đứng đầu là Thượng thư Cao Xuân Dục. Tiếp sau, triều đình Huế chọn Hội đồng sở tu để tổ chức biên tập các sách giáo khoa Tiểu học và Trung học của chương trình giáo dục khoa cử Hán học đã cải cách (Khóai, 2016, tr. 16).
Còn phía chính quyền Pháp, ngày 8-3-1906 Toàn quyền Paul Beau ký nghị định thành lập Hội đồng hoàn thiện giáo dục bản xứ Đông Dương nhằm tổ chức lại các trường Nho giáo với mục tiêu cuối cùng là chuyển các trường Nho giáo thành trường Pháp-Việt. Cơ sở cho việc thành lập Hội đồng này được Tổng thư ký Phủ Toàn quyền Broni đưa ra “Vào thời điểm khi mà cải cách nền giáo dục bản xứ là bắt buộc, những quyết định của chính quyền địa phương trở nên đặc biệt quan trọng, chính là nhờ vào năng lực nhân sự, Pháp cũng như châu Á, vốn đã có kinh nghiệm về đạo đức và tâm lý người bản xứ, hiểu biết về lịch sử, triết học và ngôn ngữ Viễn Đông, hoặc nhờ những nghiên cứu của họ về phương pháp sư phạm ở các vùng lân cận. Họ cần phải nhóm họp lại với nhau để lập ra một Hội đồng hoàn thiện giáo dục bản xứ, trực thuộc Toàn quyền và khởi xướng các hoạt động” (Bulletin officiel de l’Indochine francaise,1906e). Ngày 16/5 cùng năm, Toàn quyền ra nghị định lập ở mỗi xứ một Uỷ ban hoàn thiện giáo dục bản xứ (Bulletin officiel de l’Indochine francaise, 1906a); đồng thời ra nghị định về biên soạn sách giáo khoa cho các trường này (Bulletin officiel de l’Indochine francaise, 1906b).
Tại Trung Kỳ, ngày 24/11/1906, Toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định qui định thành phần của Ủy ban hoàn thiện giáo dục bản xứ Trung Kỳ (Journal officiel de l’Indochine francaise, 1906, tr. 1738), do Chánh văn phòng Phủ Khâm sứ, ông Serres làm chủ tịch, với đa phần là người Pháp, chỉ có vài người Việt Nam như Hồ Đệ, Cao Xuân Dục, Nguyễn Đình Hòe, Hoàng Thông. Để làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý giáo dục của xứ, ngày 18/12/1915 Toàn quyền Đông Dương lại ra Nghị định qui định cách thức hoạt động của Sở Học chính Trung Kỳ (Service local de l’Enseignement en Annam). Nghị định cũng xác định chức trách, nhiệm vụ của Chánh Sở Học chính trên các mặt điều hành, giám sát, quản lý nhân sự, kiểm tra chương trình, sách giáo khoa, tổ chức thi cử của các trường, cũng như thực hiện báo cáo về tình hình sử dụng ngân sách và các hoạt động của Sở, của Hội đồng hoàn thiện giáo dục bản xứ lên Khâm sứ và Toàn quyền Đông Dương.
Đối với chương trình cải cách giáo dục Bản xứ, sau hơn một tháng thảo luận của Hội đồng hoàn thiện giáo dục bản xứ Trung Kỳ, ngày 31/5/1906 (tức ngày 9-4 năm Thành Thái thứ 18), bảnBản Quy chế giáo dục về cải cách trường Nho học và các kỳ thi Hương (Anh, 2008, tr. 847-853) đã được trình ra. Nội dung chủ yếu của Bản quy chế là đưa các trường bản xứ vào hệ thống giáo dục công, gồm có ba bậc: 1) Bậc Ấu học lập ở làng, ngân sách và việc thuê thầy do làng tự tổ chức lấy, các Giáo thụ (trường Phủ), Huấn đạo (trường Huyện) trong vùng có trách nhiệm giám sát việc học ở trường này; trường Ấu học dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ; tốt nghiệp Ấu học, học sinh dự thi Tuyển, đỗ gọi là “Tuyển sinh”; 2) Bậc Tiểu học dạy ở phủ, huyện (trường Giáo thụ, trường Huấn đạo). Ở bậc này, học sinh học chữ Hán và chữ Quốc ngữ, thêm môn số học và địa lý, lịch sử đơn giản; tốt nghiệp Tiểu học, học sinh dự thi Khảo khóa, đỗ gọi là “Khóa sinh”; 3) Bậc Trung học dạy ở các trường tỉnh (trường Đốc học). Trường dạy chữ Hán, chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp. Chữ Hán do Đốc học dạy, chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp do giáo viên trường Pháp-Việt sở tại dạy. Tốt nghiệp Trung học, học sinh thi “Hạch”, đỗ gọi là “Thí sinh”. Kể từ năm 1909, chỉ những người có bằng “Thí sinh” mới được dự thi Hương.
Chương cuối cùng của Bản Quy chế giáo dục dành cho việc học Pháp-Việt, theo đó mối quan hệ giữa trường Nho giáo bản xứ và trường học mới đã được quy định rõ ràng “chỉ những người nào có bằng Tuyển sinh mới được vào học trường Tiểu học Pháp-Việt”. Bản Quy chế này đã được Toàn quyền Đông Dương phê chuẩn ngày 14/9/1906 và được coi là chuẩn mực cho việc học và thi cử Nho học cho đến năm 1918 (Bulletin officiel de l’Indochine, 1906c).
Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình cải cách giáo dục với hai nội dung: xây dựng và từng bước mở rộng các trường Pháp và Pháp-Việt, và điều chỉnh chương trình học và thi của các trường Nho học với việc bổ sung thêm môn tiếng Pháp, đến ngày 21/12/ 1917, Toàn quyền Albert Sarraut đã ký Nghị định ban hành bộ Học chính Tổng quy (Règlement général de l’Instruction en Indochine), có hiệu lực thực hiện trên phạm vi cả nước từ ngày 15/3/1918. Bộ Học chính Tổng quy gồm 7 quyển, 558 điều (Journal officiel de l’Indochine francaise, 1918, tr. 607-684) qui định các vấn đề các bậc học, nhân sự giáo viên, chương trình, thanh tra, thi cử, học bổng, bằng… Theo Nghị định này, hệ thống giáo dục gồm ba bậc học: Tiểu học (Đệ nhất cấp), Trung học (Đệ nhị cấp), Cao đẳng (Đệ tam cấp). Ngoài ra, còn có hệ thống các trường chuyên nghiệp (trường nghề). Trong bậc giáo dục phổ thông có hai loại trường là trường Pháp và trường Pháp-Việt. Hệ thống trường Pháp-Việt dành cho người bản xứ với bậc Đệ nhất cấp (Tiểu học) gồm sơ đẳng tiểu học và các lớp sơ đẳng trung học; bậc Đệ nhị cấpgồm (Cao đẳng tiểu học, tương đương trung học cơ sở hiện nay), và bậc Trung học. Đối với bậc giáo dục Tiểu học Pháp-Việt tại mỗi xã có thể mở ít nhất một trường công. Ngân sách xây dựng và duy trì hoạt động do chính quyền cấp xã chi trả. Nếu là trường tiểu học Pháp đặt ở tỉnh lỵ thì sẽ do giáo sư người Pháp điều hành. Các trường tiểu học Pháp-Việt được chia thành các trường nam sinh và trường nữ sinh bản xứ. Bậc tiểu học Pháp-Việt gồm 5 lớp: Đồng ấu, Dự bị, Sơ đẳng tiểu học, Trung đẳng tiểu học và Cao đẳng tiểu học. Độ tuổi nhận vào học từ lớp đồng ấu là 7 tuổi, học hết Tiểu học là 11 tuổi. Chương trình giảng dạy ở bậc Tiểu học nhằm đến 5 mục tiêu: 1. Giáo dục đạo đức; 2. Giáo dục thể chất và vệ sinh; 3. Giáo dục (kiến thức) sơ đẳng; 4. Thủ công; 5. Truyền bá tiếng Pháp. Đối với các lớp sơ đảng tiểu học, chữ Hán không phải học bắt buộc mà là môn tự nguyện. Cũng tương tự như vậy, việc dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp không phải là bắt buộc tại các trường hàng xã, nhưng lại là các môn bắt buộc đối với các lớp tiểu học toàn cấp (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2016, tr. 355-357). Một mặt chính quyền Pháp ban hành quy chế giáo dục mới áp dụng cho toàn Đông Dương, mặt khác gây sức ép buộc triều đình Huế phải bỏ việc học và thi cử theo kiểu cũ. Ngày 26/10/1918 (theo Tây lịch) bộ Học dâng triều đình kiến nghị bãi thi cử. Ngày 14/7/1919, Vua Khải Định phê chuẩn việc chấm dứt thi cử Nho học và giao lại tất cả việc học cho chính quyền Pháp quản lý. Đến năm 1919, kỳ thi Hội cuối cùng cũng chấm dứt, khép lại chế độ khoa cử và nền Nho học đã tồn tại gần ngàn năm, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho giáo dục ở Việt Nam.
2. Sự ra đời của các trường Tiểu học Pháp-Việt
Trước khi Sở Học chính Trung Kỳ lập năm 1906, người Pháp chỉ kiểm soát một cách lỏng lẻo việc học ở xứ này. Việc mở các trường dạy tiếng Pháp và quốc ngữ chủ yếu nhờ vào các giáo sĩ người Pháp, đặc biệt các sư huynh dòng La San đã sớm lập trường học ở một số thành phố lớn Trung Kỳ. Năm 1895, theo khảo sát trên khắp các thuộc địa và xứ bảo hộ của Pháp, ở Trung Kỳ, đã có khoảng 1200 trẻ em học các trường dòng; ngoài ra các sơ của trường Saint Paul tổ chức các lớp học cho trẻ mồ côi ở gần Huế, hội phổ biến Pháp ngữ Alliance francaise mở 1 trường Pháp ở Đà Nẵng (Berger-Levrault et Cie, 1895, tr. 452).
Dấu ấn đầu tiên của chính quyền Pháp trong việc tham gia trực tiếp vào cải cách giáo dục ở Trung Kỳ là mở hai cơ sở giáo dục mới. Trường Pháp-Việt đầu tiên ở Trung Kỳ là trường Quốc học, lập năm 1896 và trường nghề Huế năm 1899.
Sau cải cách năm 1906, ở Trung Kỳ tồn tại 3 loại trường gồm trường bản xứ (Nho học), trường Pháp-Việt, trường Pháp. Tuy nhiên, bài viết chỉ xin tập trung trình bày về các trường tiểu học Pháp-Việt.
Trường Pháp-Việt ở Trung Kỳ hoạt động khó khăn do thiếu giáo viên giảng dạy. Trong giai đoạn từ năm 1906 đến 1919, trường Pháp-Việt có hai cấp học là Tiểu học và Trung học. Trường Pháp-Việt được thành lập sớm nhất ở Trung Kỳ là trường Quốc học Huế theo đạo Dụ của vua Thành Thái ngày 23/10/1896 và Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 18/11/1896 (JOIF, 1896, tr. 957-959). Trường có tên gọi Quốc gia học đường hay Pháp tự Quốc gia học đường. Khi mới thành lập Trường chỉ có Tòa nhà Giám đốc ba gian hai trái, ba tòa nhà và hai dãy lớp học gồm 16 gian. Đến năm 1914 Trường mới được xây bằng gạch ngói và đến năm 1918 mới khánh thành rồi đưa vào sử dụng như ngày nay. Học sinh Trường Quốc học Huế gồm các đối tượng: – Các công tử, con hoàng thân; – Các tôn sinh con cháu trong Hoàng gia; – Một số học sinh trường Quốc tử giám; – Một số vị tân khoa (Tiến sĩ, Phó bảng) chủ yếu vào học tiếng Pháp để chuẩn bị ra làm quan như Đào Nguyên Phổ, Phạm Liệu, Nguyễn Đình Hiến,… (Thắng, 1993, tr. 165- 170). Tại Huế, bên cạnh Trường Quốc học còn có Trường Đồng Khánh, lúc đầu mang tên Trường cao đẳng tiểu học Đồng Khánh dành riêng cho học sinh nữ trong các tỉnh Trung Kỳ (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận). Mặc dù được mở từ sớm những mãi đến năm 1909, Trường Quốc học mới có kỳ thi lấy bằng Sơ đẳng Tiểu học Pháp-Việt (Certificat d’Etudes Primaires Franco-Indigène).
Tại Trung Kỳ, ngoài Trường Quốc học, hầu hết các trường ở tỉnh lý hoặc Phủ, Huyện lỵ đến sau năm 1917 (tức sau khi có Học chính Tổng quy) mới đổi thành trường Tiểu học Pháp-Việt (Thắng, 1993, tr. 153). Sau năm 1917 ở Trung Kỳ mới có thêm các Trường Cao đẳng Tiểu học Vinh (ở Nghệ An), còn gọi là Trường Quốc học Vinh, Trường Cao đẳng Tiểu học Qui Nhơn (ở Bình Định), còn gọi là Trường Quốc học Qui Nhơn.
Trong thời kỳ đầu thế kỉ XX, hiện trạng của các trường tiểu học ở Trung Kỳ khá khác nhau. Ngoài Trường Quốc học Huế ngay từ khi mở đã có từ Lớp Đồng ấu đến Cao đẳng Tiểu học rồi Trung học (gồm Đệ nhất cấp tương đương trung học cơ sở và Đệ nhị cấp tương đương trung học phổ thông), phần lớn các trường còn lại chỉ có lớp Đệ nhị cấp (Cao đẳng Tiểu học), thậm chí một số trường mới có các lớp Sơ đẳng Tiểu học.
Về số lượng trường, năm 1910, toàn Trung Kỳ có 25 trường Tiểu học Pháp-Việt. Năm 1913, số trường Pháp-Việt ở Trung Kỳ là 35 (1 trường Trung học; 27 trường Tiểu học nam, 7 trường Tiểu học nữ). Năm 1918-1919 có 42 trường Pháp -Việt (1 trường Trung học, 29 trường Tiểu học nam và 12 trường tiểu học nữ) (Gouvernement General de l’Indochine, 1919).
Số học sinh các trường Pháp-Việt cũng tăng nhanh. Theo Henry Brenier, năm 1912 ở Bắc Kỳ có 1.200 trường cấp 1, 118 trường cấp 2 với khoảng 22.000 học sinh (Brenier, 1914; Xem thêm (Thúy, 2013, tr. 168)). Còn theo Nguyễn Q. Thắng thì số lượng học sinh trường Pháp-Việt ở Trung Kỳ vào năm 1915 là 2042, đến năm 1920 đã tăng lên khoảng trên 30.000 người[3] (Thắng, 1993, tr. 155).
Bảng 2: Các loại hình trường học ở Trung Kỳ năm 1912-1913
Các loại trường |
Năm 1912 |
Năm 1913 |
|||||
Trường bản xứ |
|
Số trường |
Số giáo viên |
Số học sinh |
Số trường |
Số giáo viên |
Số học sinh |
Cấp 1 |
|
|
|
|
|
|
|
Cấp 2 và 3 |
93 |
93 |
10.508 |
93 |
93 |
11.000 |
|
Trường Pháp Việt |
Tiểu học |
24 |
67 |
1.635 |
28 |
74 |
1.903 |
Cao đẳng tiểu học |
1 |
6 |
96 |
1 |
8 |
120 |
|
Học nghề |
1 |
2 |
113 |
1 |
2 |
129 |
|
Trường Pháp |
|
5 |
5 |
46 |
5 |
7 |
59 |
Nguồn: Les Annales Coloniales, 1913, “Enseignement en Annam”, 3-6-1913
Bảng 2 cho thấy, ở Trung Kỳ chỉ riêng số học sinh trường bản xứ (trường Tiểu học của Giáo thụ, Huấn đạo; trường Trung học của Đốc học) cũng đã gấp gần 10 lần số học sinh các trường Pháp-Việt.
Ngoài các trường công lập, Trung Kỳ còn có các trường Pháp-Việt tư thục, đa phần là trường công giáo. Trường Dòng Lasan Pellerin Huế có 76 học sinh bậc trung học và 414 học sinh bậc tiểu học. Trường này được xếp vào trường tư Pháp-Việt.
Tại khu vực Nghệ An và Hà Tĩnh, từ đầu thế kỉ XX cũng bắt đầu mở trường Tiểu học Pháp-Việt. Thời gian lập các trường này tuy sớm muộn khác nhau, nhưng diễn ra ngay sau khi Toàn quyền Đông Dương ban hành các nghị định về việc thành lập Nha Học chính Đông Dương (4/11/1905), Hội đồng Hoàn thiện cải cách nền học chính bản xứ tại Đông Dương (ngày 16/5/1906) và về cải cách nền học chính bản xứ Đông Dương. Vì vậy, đến năm 1918, tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có đến 4 trường Pháp-Việt với số lượng 527 học sinh, trong đó có 424 học sinh nam và 103 học sinh nữ (Ban Nghiên cứu Lịch sử tỉnh Nghệ Tĩnh, 1984, tr. 301). Trong số 4 trường Pháp-Việt này có lẽ trường ở Vinh ra đời sớm và có qui mô lớn hơn các trường khác vì vị trí trung tâm của một tỉnh lỵ và đô thị vùng. Dựa trên cơ sở Trường Pháp-Việt Vinh, đến 1/9/1920, Toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định thành lập Trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh) dành cho học sinh các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Trường Quốc học Vinh tồn tại đến năm 1943 thì đổi tên thành Trường Quốc học Nguyễn Công Trứ.
Kết luận
Có thể nói, song song với việc đề ra và thực hiện các chính sách đầu tư khai thác về kinh tế, từ đầu thế kỉ XX, chính quyền thực dân Pháp cũng xúc tiến cải cách trong lĩnh vực giáo dục nhằm hạn chế ảnh hưởng của nền giáo dục Nho học và xác lập hệ thống giáo dục mới của Pháp tại Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, từ năm 1906, thực dân Pháp bắt đầu tiến hành chính sách cải cách giáo dục, tập trung ở cấp học cơ sở (chủ yếu là bậc Tiểu học) bằng việc thay đổi nội dung chương trình học và thi đối với các trường Hán học, đồng thời đề ra các qui định cụ thể đối với các trường Pháp-Việt dành cho người bản xứ trên các phương diện trường học, chương trình giảng dạy, đội ngũ giáo viên, học sinh, thi cử, chế độ bằng cấp… Cuộc cải cách này kéo dài cho đến cuối Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nhằm triển khai các nội dung cải cách, chính quyền Pháp đã ban hành một loạt nghị định qui định phương thức tổ chức và các hoạt động cụ thể. Nhưng đối với Trung Kỳ các văn bản do chính quyền Pháp ban hành chậm hơn và ít hơn nhiều so với Nam Kỳ và Bắc Kỳ. Nguyên nhân một phần là do ảnh hưởng của nền Nho học ở đây khá mạnh và sâu đậm; mặt khác, Trung Kỳ còn là vùng đất do triều đình Nguyễn có quyền quản lý trên danh nghĩa.
Cũng do sự chỉ đạo của chính quyền Pháp có phần chậm chạp nên hệ thống trường Pháp- Việt trong đó có bậc Tiểu học Pháp-Việt ở Trung Kỳ ra đời muộn hơn (Thao, 1995, tr. 127) so với Nam Kỳ và Bắc Kỳ. Số học sinh các trường Tiểu học Pháp- Việt cũng chỉ đạt con số vài nghìn, thấp hơn nhiều so với các khu vực khác. Tuy nhiên, nhìn chung trong phạm vi cả nước, vào thời kỳ đầu thế kỉ XX, số trường và số lượng học sinh các trường tiểu học Pháp-Việt vẫn ít hơn nhiều so với hệ thống trường lớp Nho học. Số trường và học sinh các trường Nho học vẫn chiếm ưu thế. Lý do là vì nhiều gia đình và trẻ em còn muốn học hành thi cử để “làm quan”. Thêm nữa, vào học các trường Nho học vừa dễ dàng, thuận tiện, chi phí lại thấp so với các trường Pháp-Việt.
Để đẩy mạnh quá trình Pháp hóa nền giáo dục Việt Nam bằng cách xác lập vị trí thống soái của hệ thống trường Pháp-Việt, trước hết ở bậc học cơ sở, vào cuối năm 1917, chính quyền Pháp đã ban hành một chính sách cải cách tổng thể và toàn diện nền giáo dục Việt Nam với việc ban hành Học chính Tổng quy. Khác với đợt cải cách giáo dục đầu thế kỉ XX, bộ Học chính Tổng quy được triển khai đồng bộ và nhất quán trên phạm vi cả nước trong đó có xứ Trung Kỳ. Cũng từ thời điểm này, giáo dục Tiểu học Pháp-Việt ở Trung Kỳ, nhất là ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có tốc độ phát triển nhanh chóng, góp phần đổi mới và hiện đại hóa nền giáo dục trong khu vực miền Trung và cả nước.
Tuy xuất hiện muộn hơn và phát triển không mạnh như ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ nhưng sự ra đời của hệ thống trường Tiểu học Pháp-Việt đã làm thu hẹp phạm vi hoạt động, hạn chế mức độ ảnh hưởng của hệ thống giáo dục Nho học, tạo cơ sở xác lập vị trí độc tôn của nền giáo dục theo mô hình Pháp ở Trung Kỳ cũng như trên cả nước từ những năm 1920 trở đi.
_________
[1] Một phần nội dung bài viết này đã giới thiệu trong bài “Giáo dục tiểu học ở Trung Kỳ đầu thế kỷ XX”, in trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 7-2020.
[2] GS.TS, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[3] Các số liệu này đã được dẫn lại từ sách của Thomson, V. (1937), French Indochina, London và Anh, N.T. (1970). Việt nam dưới thời Pháp đô hộ, Sài Gòn: Nxb Lửa thiêng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Anh, N.T. (1970). Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ. Sài Gòn: Nxb. Lửa thiêng.
2. Anh, N.T. (2008). Bản Quy chế giáo dục 1906, Parcours d’un historier du Vietnam. Ed. Les Indes savants. tr. 847-853.
3. Ban nghiên cứu Lịch sử tỉnh Nghệ Tĩnh. (1984). Lịch sử Nghệ Tĩnh, Tập 1. Vinh: Nxb. Nghệ Tĩnh.
4. Berger-Levrault et Cie. (1895). Organisation des colonies francaises et des pays de protectorat. Tome second. Paris.
5. Brenier, H. (1914). Essai d’Atlas statistique de l’Indochine francaise, Hanoi.
6. Bulletin official de l’Indochine francaise. (1904). Rapport au Gouverneur général suivi d’un arrêté portant création d’un emploi d’Inspecteur de l’Enseignement public et privé de l’Indochine. N4.
7. Bulletin official de l’Indochine francaise. (1905). du Président de la République francaise instituant une Direction générale de l’Instruction publique en Indochine.N1. 8. Bulletin officiel de l’Indochine francaise. (1906a). Arrêté institutant, dans chaque pays de l’Indochine, une comité local de perfectionnement de l’Enseignement indigène (du 16 mai 1906). N.6.
9. Bulletin officiel de l’Indochine francaise. (1906b). Arrêté institutant un concours public pour la rédaction de manuels d’enseignement destines aux écoles indigènes (du 16 mai 1906). N.6.
10. Bulletin officiel de l’Indochine. (1906c). Arrêté 460 “Ordonnance royale sur la réforme de l’Enseignement indigène (appouvée le 14 septembre 1906)”.
11. Bulletin officiel de l’Indochine francaise (1906d). Décret du 14 nobembre 1905 du Président de la République francaise instituant une Direction générale de l’Instruction publique en Indochine. N1.
12. Bulletin officiel de l’Indochine francaise. (1906e). Rapport au Gouverneur général suivi d’un arrêté instituant un Conseil de perfectionnement de l’Enseignement indigène en Indo-Chine. N.3.
13. Gouvernement General de l’Indochine. (1919). Rapport au Conseil de Gouvernement, Session ordinaire de 1918-1919. Hanoi-Haiphong IDEO.
14. Hoa, T.T.P. (2013). Giáo dục Pháp-Việt ở Bắc Kỳ. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội.
15. JOIF. (1896). Arrêté du 18 Novembre 1896 du Gouverneur général de l’Indochine portant création d’une école sous le nom de Quoc hoc (Collège national) à Huê. J 1025.
16. Journal officiel de l’Indochine francaise. (1906). Arrêté du 30 octobre 1906 du Gouverneur général de l’Indochine portant organisation du Service de l’Enseignement en Annam. tr. 1634-1640.
17. Journal officiel de l’Indochine francaise. (1918).
18. Khóai, P.V. (2016). Hán văn trong chương trình cải lương giáo dục khoa cử 1906- 1919. Hà Nội: Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
19. Quốc sử quán triều Nguyễn. (2012). Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên.
20. Kotovtchkhine, Stephane. (2000). Paul Bert et l’Instruction publique. Édition Universitaires de Dijon.
21. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. (2016). Giáo dục Việt Nam thời kỳ thuộc địa qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945). Hà Nội: Nxb. Thông tin và Truyền thông.
22. Thao, T.V. (1995). L’école francaise en Indochine. Paris: Karthala.
23. Thắng, N.Q. (1993). Khoa cử và giáo dục Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Văn hóa-Thông tin.
24. Thomson, V. (1937). French Indochina. London.
25. Thúy, T.T. (2013) (cb). Lịch sử Việt Nam, Tập 7 từ năm 1897 đến năm 1918. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.
Nguồn: Giáo dục Pháp-Việt cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX,
Nhà xuất bản Đại học Huế, năm 2021
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Trường tiểu học Pháp-Việt ở Trung kỳ đầu thế kỉ XX (Tác giả: GS TS Nguyễn Văn Khánh) |