Từ CỖ XE NGỰA đến các QUẢNG ĐƯỜNG ĐỜI
NGUYỄN MẠNH HÙNG
(Phó giáo sư, tiến sĩ sử học)
Bỗng dưng! Tôi được mời tham dự Sea Games 30 tại Manila – Philippine theo lời mời của PGS.TS Hoàng Vĩnh Giang (hình 1) thông qua đề xuất của anh Phùng Lê Quang từng là kiếm sư nay là chuyên viên phụ trách môn đấu kiếm của Tổng cục thể dục thể thao Bộ văn hóa thể thao và du lịch. Ý định của Tiến sĩ là cho phép tôi theo Đoàn Kiếm thuật để quan sát học hỏi với lý do là tôi đã từng học bộ môn này khi còn ở trường Trung học. Sau đó, khi trở thành sinh viên Đại học Sài Gòn tôi đã là huấn luyện viên – và giữ chức vụ giám đốc phòng Kiếm thuật phương Tây thuộc Liên đoàn Kiếm thuật Sài Gòn – Miền Nam Việt Nam. Hồi ấy, vào khoảng những năm 1965 – 1969, phòng kiếm “ngó” sang bên trái là Dinh Gia Long (hình 2). Nhưng đừng “quẹo” “yu–thơn” (U-turn) mà ngó ngược về quá khứ xa xăm ở phía bên kia thì là Khám lớn (hình 3) – ngó thẳng trước mặt là Tòa án – mà “ngó quẹo đầu” ra sau lưng là trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn (hình 4).
Vào thời ấy có hai vị giáo sư trẻ nổi danh là Thầy Nguyễn Văn Trung (hình 5) và Thầy Lý Chánh Trung (hình 6) của tờ báo Hành Trình đang ngự trị. Hai Thầy của tôi đấy! Còn “dòm”qua bên kia là đường Lê Thánh Tôn, quận 1 – “con đường tơ lụa” của dân phố nhà giàu, chỉ kém thua con đường Catinat và Bonard. Tuy nhiên, nếu nhìn bên cạnh thì là nơi anh Trịnh Công Sơn (hình 7) và chị Khánh Ly (hình 8) đang tạm trú trong phong trào CPS (Chương trình Phát triển Sinh viên Học sinh). Tất cả đang vận động cùng với các phong trào văn nghệ như: Du ca, Tình ca… Rồi còn cả hội họa sĩ trẻ do anh Nguyễn Trung (hình 9) ở ngã tư Lê Thánh Tôn và Nguyễn Trung Trực phụ trách. Lại còn có cả Câu lạc bộ Nguồn Sống cùng ở dưới đó. Tất cả “ngự trị” trong khu tứ giác ấy như vùng Thánh địa! Truớc đây, nơi này từng là khu nhà Tiền chế đã bị bỏ quên.
Tôi “cai quản” ở mép đất riêng để ẩn khuất phát triển môn Kiếm Thuật Phương Tây. Từ nơi đó, tôi mở rộng cho các võ sư Vovinam, Judo, Tae Kwon Do, Aikido… cùng đến đó. Thỉnh thoảng tôi lại mời gọi Thầy võ sư Lê Sáng của Võ đường Hoa Lư, Thầy đến để cho vài thế “cặp cổ”. Còn võ sư Aikido (Hiệp khí đạo) là Thầy Đặng Thông Phong (hình 10). Thầy “nhỏ xíu như củ khoai” mà ngón đòn của Thầy đã làm cho đối phương phải té nhẹ nhàng như múa “tăng-gô” mà không phải đòn “vật rầm rầm”. Thầy cũng đến chơi và đặt nền móng. Còn võ sư Nguyễn Bình đã có chân đứng vững vàng ở trường Pétrus Ký (hình 11) và làm giám đốc một võ đường trên xa lộ Biên Hòa, Thầy chẳng cần gì cả.
Nhân đây, nếu không nhắc đến tên một nhân vật trong làng võ ta – thì thật là vô lễ! Đó là võ sư sáng lập Vovinam – một nhà chính trị yêu nước Thầy Nguyễn Lộc (hình 12), Thầy đã gửi lại tên tuổi để nhận diện làng VoViNam – Việt Võ Đạo bên cạnh tên tuổi Võ cổ truyền Việt Nam… trùm phủ lên nhiều diễn đàn Võ thuật Thế giới. Rồi lâu lâu tôi có mời Thầy sáng lập Võ đường Sa Long Cương đến để chỉ dạy thêm “bát bộ chân quyền” – Đó là Thầy Trương Thanh Đăng (hình 13) – Thầy còn dạy VÕ cho tôi mấy bài quyền để “hộ thân”. Nhưng điều ấy vẫn chưa làm tôi “bái phục” cho bằng khi trong tay Thầy không cầm võ khí, mà đã khom mình né tránh được “6 đường dao” của một võ sư người Mỹ khi đến xin được dò xét võ Việt Nam theo cách đó! Trong những ngày đầu quân đội Mỹ đặt chân đến Sài Gòn. Đặc biệt có khi nhà sư Thích Tâm Giác của Võ đường Quang Trung cũng đến để chơi “tiếng Nhật” với tôi mà Thầy đã từng tu nghiệp ở Nhật Bản. Như vậy, vai trò của tôi lúc ấy là gạch nối hay là con thoi trong khu “Thánh địa tứ giác” đó, mà ngày nay là Thư viện Khoa Học Tổng Hợp của Thành phố – Một Thư viện vang danh Đông Nam Á thời đó do Mỹ thiết kế theo cách “chuyên nghiệp”.
Lại còn môn Judo thì có Võ sư Phạm Lợi. Nay Ông đã hóa ra là người thiên cổ! Ông đem bằng Đệ tứ đẳng từ Pháp về để cùng tạo dựng nên một tầng lớp võ sư trong nước. Đó là Võ sư Chiêm Huỳnh Văn – nay Thầy còn khỏe với nghề châm cứu, bấm huyệt, lấy ra từ “phép cứu sinh của Nhật Bản”.
*
* *
Trở lại với anh Trịnh Công Sơn và chị Khánh Ly mà tôi vừa thoáng quên! Cả hai anh chị thì chăm lo giọng ca, tiếng đàn! Còn tôi thì một mặt lo cơ bắp ở sân vận động Phan Đình Phùng để góp sức đào tạo “kiến càng” của phong trào thể dục thẩm mỹ và cử tạ (hình 14) mà anh Nguyễn Thành Nhơn đưa từ Pháp về cùng với người em là lực sĩ đẹp nhất Châu Âu tên Nguyễn Công Án (hình 15). Ông về Việt Nam theo lời mời của Ngài Ngô Đình Nhu thuộc chế độ của cụ Ngô Đình Diệm vang bóng một thời. Tôi đã ra sức hoạt động như thế để làm gì? Để “góp vốn” vào hồ sơ “xin tạm hoãn quân dịch” đấy! Chứ tôi chả phải làm Thầy Bà gì! Chả phải Võ sư gì cả!?
May mắn thay! Khi tôi còn làm việc cho một trường Đại học mang danh quốc tế – tôi có lấy kinh nghiệm cá nhân mà đào tạo nên một chàng thể hình đẹp đẽ không kém gì đàn anh trước năm 1975, nếu không nói là có vượt trội về “cơ bắp” – tên là Lý Đức (hình 16) với văn bằng Cử nhân đầu tiên, “phô bày cơ thể” tại các phòng “dzim” (Gym) mà ăn lương tháng.
Sau năm 1975, tôi có tìm cách được gần gũi với chú Lê Bửu (hình 17) – nhà lãnh đạo ngành Thể dục Thể thao Thành phố để xin công việc của một huẩh luyện viên thể hình thẩm mỹ mà có “xuất gạo” (hình 18).
Anh cũng tử tế mà chỉ cho tôi xuống Sân vận động Phan Đình Phùng. Vị Thủ trưởng nơi đây nhìn tôi mà “thuyết trình”: “Nhà nước ta coi cơ bắp như nguồn tài nguyên của giai cấp công nông, để lao động làm nên của cải, còn giới tư sản giờ này thì chỉ làm trò phô diễn… Tôi lui ra cổng”! Nhưng đây là “dĩ vãng” ẩn mình trong góc khuất lịch sử. Thế nhưng! Câu nói ấy là “lời tiên tri” còn đáng hơn “đồng tiền bát gạo”! Mà tôi sẽ nói tiếp sau.
Rồi thì, khi phía anh Trịnh Công Sơn có người đứng ra thành lập Quán Gió để nuôi dưỡng phong trào bằng nước chanh pha Rhum – thì tôi cũng có đóng góp bằng ít “đồng xu cắc bạc” bổ ra từ “con heo đất” của Mẹ tôi – để mua ly muỗng vì yêu thích cái “chất nhạc”của anh Sơn với giọng ca khàn khàn của chị Khánh Ly. Riêng có anh Miên Đức Thắng (hình 19) là đến đây để chen vào bài “Viên kẹo đồng” thì chất nhạc – nghe như có “tiếng gió”. Sau đó. anh Thắng đi xuống từ “sân khấu dã chiến’’ với ly nước trà đá – anh than vãn: “Coi chừng viên kẹo” đó lại dành cho tôi!
Thật ra, hồi ấy tôi chỉ nghe mà có thắm vào tâm can những bài nhạc với ca từ của các anh ấy. Ai đó! Đã đặt tên cho dòng nhạc này là dòng nhạc “phản chiến” – nghe như có tiếng còi của trọng tài thổi phạt đối thủ của phe chiến tranh chơi bạo! mà rút thẻ vàng để cho phe hòa bình được đá phạt trong trận cầu Quốc tế. Tất cả như “trò chơi khởi nghiệp của Thần binh đao”! Thế nhưng, thời ấy tôi có ca lầm bầm trong miệng bài “Dư âm” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Tuy nhiên, tôi lại thích bài ca “Lòng mẹ” của nhạc sĩ Y Vân hơn (hình 20) do thuộc lòng như cháo”. Ông sáng tác bài ca ấy như đọng lại trong lòng của nhiều người hơn cả! Nhạc sĩ Y Vân đã tạo ra lời ca thấm đậm trong tim khi nghe tin đêm khuya – Bà mẹ của nhạc sĩ đi ra phông tên nước – để giặt giũ quần áo cho ông mà bị lính mã tà bắt nhốt vì vi phạm lệnh giới nghiêm – Ông đã khóc bằng dòng nhạc tình tự đó!
Thế nhưng, tôi có thích bài “Trường làng tôi” của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu (hình 21), có lần được thử giọng ở quán cơm Anh Vũ (hình 22) để làm “ca sĩ’ phụ diễn văn nghệ mà có cái phiếu ăn cơm xã hội giá 5.000 đồng. Tôi “bị khuyên” là “về uống nước chanh nhiều vô” cho giọng trong lên một tí, rồi thử giọng lần hai! Rõ ràng giấc mơ làm “ca sĩ”của tôi đã vỡ vụn. Riêng ca sĩ Thanh Thúy thì giấc mơ cao cả hơn để đi “tìm danh vọng” trong niềm thương tiếc của bà con Sài Gòn thời đó khi nghe tin “Thúy đã đi rồi”. Chao ôi! Bà con Nam Kỳ buồn tê tái! Lúc ấy, khi tôi vừa bước xuống sân khấu thì chị ngồi đó – chờ đến – “xô” cửa miệng! Chị nhìn tôi và ca tụng tôi: “Sao gan quá ta!” hát trật nhịp vậy em!
Lần đó bác thợ mộc xóm tôi chận ngoài cổng để đòi lại đôi “san-đan” mà ổng cho mượn để lên sân khấu:
– Tao tưởng mày được làm ca sĩ thì tao cho luôn để tao còn đi xem hát “cọp”! Nhưng mày “dởm” quá!
Nhưng khi tôi ca bài “Lòng mẹ” oang oang trong xóm, ổng gọi tôi vào – có cả Bả – lục cái rương đồ nghề! bỏ búa, kềm ra…! cho tôi đôi “san-đan” đó và cái nón nỉ mà ổng đã dấu Bả để đi “hớp hồn” mấy bà bán cá ở chợ cầu Muối!
*
* *
Nhưng tất cả nếu như thế thì PGS. TS Hoàng Vĩnh Giang chả mời tôi đi qua Ma-ni-la làm gì cho “chật chội”. Thế mà anh Giang đã mời tôi thật đấy! Vì tôi đã từng làm thủ lĩnh môn Kiếm chém (Sabre) (hình 23) trong giới sinh viên chứ bộ! Và tôi cũng đã từng thi đấu với một vài Kiếm sư Pháp từ nước Pháp sang – trong đó có người tự xưng thuộc hạng nhì nước Pháp và một Kiếm sư Mỹ – tự xưng là vô địch Châu Âu thời ấy!
Chả nhẽ bây giờ tôi dám tuyên bố là tôi đã không thất bại trước các mũi kiếm của các “ngự lâm pháo thủ” đó! Chế độ Sài Gòn “đã nhắm mắt” hay sao mà để cho tôi vào danh sách “lực sĩ quốc gia” để ăn lương tháng – được tháng nào hay tháng đó! Ai tin! Chỉ có kiếm sư trứ danh là anh Lê Hải – một sĩ quan phi công – từng vô địch tuyệt đối thời ấy là tin tôi. Đúng là anh không có đối thủ của môn épé (kiếm 3 cạnh). Lại còn được biết anh có thi đấu quốc tế và không ai cản nổi mũi kiếm của anh khi anh ra nước ngoài vào năm 1975. Tuy nhiên, đến lúc này tôi vẫn chưa may mắn được gần anh Hoàng Vĩnh Giang – nếu không có câu chuyện tiếp sau…
Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Vĩnh Giang – vào những năm 80 đã bước vào Sài Gòn. Chúng tôi gặp nhau. Tôi đã mời gọi các kiếm sĩ cũ trước đây từng học ở C.S.S (từ Câu lạc bộ Sài Gòn) do anh Trần Văn Xuân bậc đàn anh triệu tập – anh thu gom không được bao nhiêu, do hai Thầy dạy tên Đời và Đường đã ra đi mà nay đã hóa ra người thiên cổ. Riêng các kiếm sĩ phòng kiếm Gia Long thì do tôi mời gọi để hội ngộ. Dù đã có tuổi, các kiếm sĩ Sài Gòn năm xưa cũng đã đọ kiếm với các kiếm sĩ Hà Nội từng học ở Liên Xô còn trẻ trung và mạnh mẽ. Chúng tôi phải thua vì sức yếu lực tàn… và cũng vì “mặc cảm”! Có anh chị em còn chưa có “xuất gạo để ăn”!
Trở lại với anh Hoàng Vĩnh Giang lúc ấy! Vì anh mà sức sống võ thuật cả nước – đặc biệt là tại miền Nam – không phải “chết lâm sàng”. Vì Anh đã “hợp thức hóa” cho nó “tờ thế vì khai sinh”. Còn đời tôi lúc đó đã sang trang, địa phương gọi tôi lên phường và thông báo: “Chúng tôi đã xác minh và làm rõ Cha đồng chí đã hy sinh chống Pháp – nằm xuống ở chiến khu D”. Vì thế! Mà ủy ban khi thành lập Hợp tác xã chất đốt đã ra nghị quyết bổ nhiệm Đồng chí làm “trưởng ban bổ củi”. Từ đó mà tôi có xuất gạo! “Cơ Bắp” đã cứu đời tôi theo tầm nhìn đó, tôi không chỉ được xuất gạo mà còn được gọi là Đồng Chí. Từ đây tôi tiếp nhận nhiều anh em từng là luật sư, là thẩm phán,… bạn bè hồi đã học trường luật mà bỏ nghề để đi đạp xích lô, chạy xe ôm, bán đồ cũ, chạy xe ba gác mà hội tụ. Sau khi học tập cải tạo – ai còn khỏe “Kiến càng” đây! thì dùng búa tạ – ai mà yếu dùng dao, rựa, chẻ nhỏ thành củi. Còn có ai là nhà sư! cho vào làm xã viên, chuyển mái tóc thành “đờ mi cua” lấy 2 bàn tay từng gõ mõ cột thành bó “củi” như “trói gà” hai chân cho chặt! Tất cả đều có “xuất gạo”!
Tôi nhận được giấy mời của PGS. TS Hoàng Vĩnh Giang mà lòng vui hẳn lên! vì tôi có dịp ngắm nhìn tận mắt các “đường kiếm của Đoàn Việt Nam” trong đó có các kiếm sĩ có thành tích quốc tế của Hà Nội và TP.HCM. Tôi được mời ngồi trên hàng ghế chủ tọa kế bên Ngài Chủ tịch Liên đoàn Kiếm Châu Á, Bà Chủ tịch Liên đoàn Kiếm Mã Lai, và ông Chủ tịch Hội Kiếm Phi Luật Tân, để chứng kiến các cuộc thi đấu. Đó là những người mà tôi chen được chân “ngồi chung trong bàn tiệc” (hình 24). Trước đó! Chiếc ghế ngồi trên bàn chủ tọa không phải là loại “ghế hỏa lò” mà là chiếc “ghế băng giá” vì tôi không thể hét to lên khi đường kiếm Việt Nam ăn điểm.
Nhưng thật sự là tôi không quan tâm đến cái ghế lạnh lẽo đó mà nhìn về phía trước nơi có sàn thi đấu đang nóng bỏng. Tôi thật tò mò làm sao để dò tìm các huấn luyện viên khi đưa học trò lên sàn để tập dượt lần cuối. Tôi quan sát cách họ dạy, có khác gì so với ông Thầy Tây dạy cho tôi thời xa xưa hay không? về cách bước tới, bước lui, cách “phăng người” đâm, chém, gạt, đỡ… và cách đứng thẳng – đôi chân xếp thành hình chữ V, kiếm và mặt nạ luôn cầm tay.
Tất cả cái chuỗi hành vi cơ bản ấy đã diễn ra theo cách mà tôi chưa hề thấy!
Hầu hết các huân luyện viên là người châu Á, trong đó có người Hàn Quốc những người đà góp phần cho phong trào kiếm TPHCM. Vậy mà từ đó cá nhân họ đã nổi danh khiến cho phong trào kiếm Đóng Nam Á còn phải “tranh giành” – cô Nguyễn Thị Kim Nga Sài Gòn dẫn đoàn kiếm của TPHCM đã nói thế! Như tranh giành Ông Park… của môn bóng đá.
Riêng Đội kiếm TP. HCM bây giờ lại có huấn luyện viên là người Hungary – cao to hơn cả! Tôi cũng rất tò mò để xem ông “ra quân” theo cách nào? Lúc chúng tôi học kiếm thì Thầy Vatin (hình 25) là người dạy chính thức – Ông là Kiếm sư từng tốt nghiệp trường đại học thể thao trứ danh của Pháp và được mời đến xứ Nam Kỳ để góp sức xây dựng Câu lạc bộ Sài Gòn CSS, cùng với Kiếm sư De Pape – Các ông đã dạy kiếm cho các viên chức Pháp và Việt Nam, các cò-mi, các học sinh trường tây, trường Đầm, trường Ma Sơ…! Lúc ấy, kiếm thuật là môn chơi “quý tộc”của Sài Gòn và cũng là của “giới chức Thực dân” – một không gian cách biệt – trong đó có luật sư Lambert sừng sỏ, sẵn sàng đứng ra bênh vực quyền lợi của công dân Pháp tại “ba quan tòa lớn”.
Tôi làm thế nào để được “lọt thỏm” vào trong thế giới “quyền lực vô hình” đó với một chút “ngưỡng mộ” pha trộn chút “mặc cảm” của một dân tộc bị trị. Tuy nhiên, tất cả như được dồn hết công sức vào đường kiếm – mà lúc đó – tôi là thủ lĩnh đội kiếm sinh viên để thi đấu với các đội kiếm khác – trong đó có đội kiếm quốc tế của Câu lạc bộ Sài Gòn – lúc này đã có nhiều hội viên là người Mỹ, đội kiếm Quân đội Sài Gòn có anh Lê Hải, mà Đại úy Lộc làm thủ lĩnh.
Đội kiếm này luôn giành giải nhất đồng đội, còn anh Lê Hải đoạt giải cá nhân. Cuối cùng là đội kiếm học sinh Pháp tại CSS đứng “hạng bét”! Mặc xác chúng! Bọn này biết tiếng Việt mà không nói, mà cho rằng tiếng Việt chúng bay! thiếu văn phạm! Chúng đấu như để chơi trò đâm chém “vung vít” chả ăn điểm. Riêng chúng tôi còn mang nặng nỗi “ưu tư với người Pháp” có căn cứ lịch sử.
Vì thế Đội kiếm sinh viên chúng tôi đứng hạng nhì (hình 26). Lúc ấy, người Mỹ muốn thay thế người Pháp – nhưng không thể thay thế được ông Thầy tôi là Ông Vatin. Cho đến sau 1975, ông xin về Pháp, ở đâu? Tôi không được biết. Nếu Ông Franchini (hình 27) – chủ nhà hàng Continental (hình 28) – giữ vai trò quyền lực trên con đường tơ lụa Catinat – thì ông Vatin thì giữ vai trò “hiệp sĩ’ trên con đường xây đắp lớp vỏ “quý tộc” cho giới quyền lựcvà giới tinh hoa Sài Gòn – trong đó có các vị tướng lĩnh như quý Ngài: Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Dương Văn Minh… quý vị ấy không đến đó mà chơi thì là ai?
Lúc này – ông Chủ tịch Liên đoàn Kiếm châu Á – người đã để cho tôi – một “kẻ vô danh tiểu tốt” được phép ngồi bên cạnh, ông hay đảo mắt nhìn quanh vùng không gian dành cho các sàn thi đấu, thỉnh thoảng ông quay sang nhìn tôi để đặt câu hỏi.
Tôi nghĩ rằng ông luôn “để mắt” vào người vận động viên của ông, ông thấy được các “đường tấn công ăn điểm mạnh mẽ” của đoàn Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á đấy chứ! Báo chí đã ca tụng rồi đấy! (hình 29).
– Không! Tôi quan sát “con đường lùi” của họ “để phải thua điểm” theo cách nào?
Thật ra, tôi không chỉ nhìn “con đường lùi ấy” mà suy nghĩ về con đường thể hiện cái “vóc dáng bề ngoài” của các đấu sĩ Đông Nam Á của nước bạn. Tôi nhận thấy hầu như họ đều có chung một cử chỉ khi bộc lộ cảm xúc – Họ “ném mặt nạ có khi ném cả kiếm xuống sàn đấu” khi bày tỏ cảm xúc “ăn điểm” hay “mất điểm”… (hình 30). Mặt nạ là biểu tượng của “cái đầu” nằm “lăn long lóc” – Còn cây kiếm là vũ khí luôn phải cầm tay của các chiến binh “ngự lâm pháo thủ” dù chết cũng không buông rời khỏi nó. Nhưng ở đây, tôi thấy lưỡi kiếm chỉ còn là “cái cuốc” vứt bên bờ đê… Còn mặt nạ như cái gàu sòng ném bên bờ ruộng!
Đội kiếm Việt Nam đã không làm thế! Tôi chợt mỉm cười rồi vội lấy tay bưng bít cái mồm không để cho Quý Ngài Chủ tịch ngồi bên cạnh phát hiện cái cử chỉ thiếu “lễ độ” đó!
Khi người Nhật Bản đặt tên cho các môn văn võ của mình, họ đã gắn vào chữ Đạo như Nhu đạo, Kiếm đạo, Trà đạo… Đạo là gì? Thầy Châm Vũ – Nguyễn Văn Tần dạy bảo tôi rằng: Không chỉ là “phương thuật” mà còn là “phong cách”. Tôi tự hỏi phải chăng môn “Kiếm thuật phương Tây” khi đưa vào làm “trò chơi trong nhà” của Olympic thì ai đó đã gạt bỏ phần cái hình thái bề ngoài, cái mà loài người sơn phết cho “lớp vỏ lịch lãm”! Vì nó không “ăn điểm”?! Thế rồi! Trong lúc rảnh rang, tôi còn đi dạo Nhà thi đấu Kiếm thuật của đất nước Philippine. Đúng là họ đã giàu có, nên hàng chục sàn tập đã hiện đại – lót lưới sắt – để phát hiện những mũi kiếm lạc lõng. Lại còn có một “máy tính bảng” trông như “tấm gạch thẻ” nằm ở một bên đầu góc. Không phải chỉ có các kiếm sĩ đi lại trên đường băng đó để tập luyện hay thi đấu – mà còn là nơi mà mọi người khi đi ngang qua đã “dẫm đạp” lên. Tôi thấy đau xót trong lòng! Đau thật sự! Vì hồi đó, ở phòng tập kiếm của các Câu lạc bộ Sài Gòn của 50 năm về trước – các Ông Tây chỉ làm nổi một sàn, còn thô sơ hơn nhiều mà khi đi ngang qua họ phải tránh dẫm đạp lên, để bảo vệ độ bền vững. Hơn nữa! Họ còn tỏ lòng tôn trọng không chỉ là bảo tồn cái giá trị phi vật thể các phong cách thời phong kiến La Mã mà còn theo đường nét tư sản sau thời phá ngục Bastille. Họ không chỉ quý tài sản do họ làm ra! họ quý cả tài sản do Nhà nước họ làm ra! mà không “dẫm đạp” lên, dù đó chỉ là một “bãi cỏ dành riêng cho các cháu chơi đùa!”.
Ngay cả “sàn nhảy” của nhiều phòng trà, hộp đêm Sài Gòn – khi đi qua, họ không băng ngang, mà né tránh với “cái đầu hơi gục xuống”. Mà còn hơn thế nữa! Ở đó thể hiện lòng tôn trọng dù chỉ là trò chơi nhảy đầm của “Bà Đầm Xòe” và các ông Tây “mũi lỏ, mắt xanh” thời thuộc địa!
Cuối cùng, tôi nhận thấy ở nơi đây một phong cách Đông Nam Á như đã bộc lộ – không phải ở cách cư xử mà ở cách họ vận động cơ bắp! Họ quá vất vả nhảy tới, bước lui liên tục với cái lưng còm mà chẳng ghi được điểm gì! Còn phong cách phương Tây cách nay 50 năm mà tôi còn nhớ, họ im lặng như các chiến binh thời Napoléon cầm trong tay ngọn giáo. Rồi! Bất chợt đâm thẳng vào đối phương, gây chết chóc. Tôi tự hỏi – Phải chăng các Liên đoàn Kiếm của các nước trong khu vực và trên thế giới cần cho thêm chiểc mề đay vàng giành cho quốc gia nào mang đến cho giải một phong cách học của loài người, biến “trò chơi chiến tranh” thành “trò chơi giao lưu” để lưu trữ cơn “ác mộng của lịch sử nhân loại” mà nhà phân tâm học Carl Jung đã nói như thế!
Nhưng khi đi dự Sea Games 30 lần này, tôi còn quan sát loại ngôn ngữ là tiếng Pháp được các trọng tài sử dụng – trong đó có 2 kiếm sư Việt Nam của Hà Nội là những trọng tài quốc tế – hai vị ấy là: Phạm Anh Tuấn (hình 31) và Nguyễn Lê Bá Quang (hình 32) họ làm khá quá! Chuyên nghiệp quá! Ngoài nhiệm vụ quan sát “đường đi nước bước” của đội kiếm của cả nước Việt Nam theo cách đó! mà tôi còn quan sát Hòn ngọc Manila của Philippine để đo độ sáng chói với Hòn ngọc Viễn Đông của Sài Gòn thời Nam Kỳ thuộc địa. Chính là lúc tôi ngắm nhìn dưới chân nó, một đường nét mà chế độ thực dân Tây Ban Nha còn chưa lấy đi hết.
*
* *
Khi ấy đã đến gần ngày cuối của Xi–Ghêm (Sea Games) tôi phải ra về vì cái vé tàu bay đã vừa đúng. Lúc này, Việt Nam đã được 2 huy chương vàng ở môn kiếm, tổng số là Bốn, với một Bạc và một Đồng (hình 33), chia đều cho 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Tôi ra xe để được dẫn đi một vòng Thành xưa trên một cỗ xe ngựa.
Trong cuộc sống của tôi, tôi đã từng được ngồi trên những cỗ xe Mẹt-xế-đì (Mercedes) của vài người bạn là “đại phú gia” cùng một cô gái đẹp của anh ấy ở phía trên. Nhưng lần này tôi được mời ngồi chiếc xe ngựa như loại “xe thổ mộ” của đất nước tôi khi tôi còn bé. Làm sao mà biết được tôi sung sướng thế nào!
Đó là một cỗ xe ngựa (hình 34) chở chúng tôi như con ngựa thồ kéo ì ạch cái khung xe đi vòng quanh Thành cổ – Manila. Đây là nơi mà tôi trông thấy được vẻ đẹp nguy nga không chỉ bức tường thành đồ sộ mà còn là một Nhà thờ vĩ đại! Nhưng ngôi nhà thờ ấy chỉ thiếu “Thằng Gù” cũng như “Cây Đa thiếu Thằng Cuội”.
Tuy nhiên, bù đắp vào đó “một cậu bé ăn xin” dù cho đất nước có đầy cả những tòa nhà lên cao tầng mười thế mây! Mà nơi đây vẫn duy trì cái “mức còn hạ thấp dưới nền đất”! Một lớp người như sống dưới gầm cầu đầy ắp mồ hôi và nưóc mắt. Tất cả được lưu trữ như lòng trắc ẩn của loài người trước khi nó sa đọa hẳn vào thế giới đầy rác rưởi dưới chân nó và ô uế đầy không khí ô nhiễm trên đầu nó của thời kỳ Duy vật.
Trên cỗ xe có 4 du khách – trong đó là 3 người đàn ông – còn lại là một phụ nữ – chị “ăn cơm nhà đi vác rù và cho đội Cổ động viên bóng đá nam nữ” – Tên của chị mà tôi gọi là “Cái Nga”. Hai người còn lại – ngoài tôi ra – là một chàng trai trẻ trung là thạc sĩ người Việt ở nước ngoài! Đó là nhà sưu tập Bưu thiếp và tiền cổ Đông Dương tên là Nguyễn P.S.T. – biệt danh Minh Nhật, về bưu thiếp – thật bất ngờ là anh có bức “Trại Ông Dem” ở Bình Dương có con tem chết, anh chìa ra cho tôi xem như để “lay le”! Còn về tiền, anh ấy còn có đồng bạc Con Cò (hình 35), đồng bạc Bà đầm Xòe (hình 36) thật “kinh điển”! Đồng bạc Con Cò – theo anh có hai phiên bản cất cao hồn thiêng sông núi.
Một là: “Anh mê đồng bạc con cò, bỏ cha bỏ mẹ đi phò Lang Sa”.
Hai là: “Lấy em bằng bạc con cò không phải hẹn hò nói chuyện đẩy đưa”.
Người đàn ông thứ hai là đại kiếm sư Nguyễn Mạnh Hùng – trùng tên với tôi – người Hà Nội, anh đã từng học ở Liên Xô và đưa môn Kiếm về đào tạo nên tầng lớp vận động viên của Hà Nội từ hơn 30 – 40 năm trước. Mà bây giờ có người “ngậm trên môi chiếc mề đay vàng trước ống kính”. Trên gu-gồ (google), hiện nay còn có nhiều người cùng mang tên như tôi – họ danh giá lắm! Vì thế mà tôi phải đặt cho mình một biệt danh riêng. Đố ai nhầm lẫn được với tôi. Đó là: “Con bọ hung”! Đơn giản chỉ là tôi thôi, lầm lũi trong trang website: www.thanhdiavietnamhoc.com
Tôi không ngờ người vị đại kiếm sư Nguyễn Mạnh Hùng ở Hà Nội ấy còn có nghề tay trái là “xem tử vi” – anh ấy “bình luận lá số” không thua kém gì Giáo sư Trần Quốc Vượng – một trong Tứ trụ Triều đình của ngành Sử học của Hà Nội. Anh bóc một quẻ cho tôi trên năm đầu ngón tay mà tôi sung sướng lạ: “Cuối đời không phải bóc đất mà ăn” – Còn giáo sư Trần Quốc Vượng (hình 37) thì bói cho tôi theo cách rơi tự do “lọt sàn xuống nia”.
Rồi Thầy ngửa mặt lên trời mà ca vang: “Thất nghiệp nằm đình còn có trống cầm canh”. Tôi đã “xeo-phi” được tấm ảnh về hai người đàn ông ấy khi họ xuống ngựa vào một công viên. (hình 38) (hình 39).
Nhưng còn lại “Cái Nga” – Chúng tôi có dịp đi thăm “cái Nga” (hình 40) ở nơi cô đang ở. Thế mới biết nơi đây như một chung cư. Nghĩa là các “cổ động viên nam nữ tập trung” ở đây một tốp, các nơi khác thì có các tốp khác. Họ thuê chung một phòng hai người. Tất cả có một bếp nấu ăn tập thể để nấu rau, nấu thịt cá, cơm. Riêng phần cơm cô đã có mang thêm “một va li mì gói” để ăn dặm vào lúc đêm sau cơn hò hét “tưng bừng khói lửa”. “Cái Nga” ẩn mình trong lực lượng chiến binh “sấm sét” đó, để ứng phó với các đội cổ động của đối phương trông như một đoàn xiếc dân tộc – đến khi tàn cuộc chiến thì Cái Nga cùng đoàn quân “võ mồm” tan biến trong màn sương. Ai về nhà nấy, với lời hứa hẹn thầm lặng “hãy đợi đấy! Xi-Ghêm 31” – Xin chào Người Anh Em Đông Nam Á! Chúng tôi người Việt Nam đang vẫy gọi!
Lúc bấy giờ, khi tôi ở lại một mình, bất chợt một cậu bé ăn xin đứng dưới cỗ xe chìa bàn tay phải ra để đưa lên. Tôi hiểu được “ám hiệu”đó và đặt vào một “đồng tiền điếu”. Chú bé cho đồng tiền qua bên trái để rảnh tay chụp lấy cổ chân tôi và xiết mạnh như muốn đưa ra một “thông điệp”. Tôi liền bước xuống, cậu bé ôm chặt lấy tôi. Trong khi con ngựa dậm mạnh chân như ganh tức. Nhưng người cầm cương đã nhanh chân nhảy xuống chui dưới bụng xe, lấy ra một cái thùng sữa để nó liếm láp mà cũng là để trấn an nó! Đến lúc này, cậu bé vẫn ôm chặt lấy tôi, mà tôi vẫn cứ để yên thế như nhiều quán ăn Sài Gòn để yên cho bọn nhỏ ăn xin trước những năm 1975 để liếm cái đĩa ăn thừa của khách. Bất chợt! Tôi nghe một mùi vị quen thuộc áp vào mũi tôi. Đó là cái mùi hương toát ra không kém cái “mùi áo của tôi 50 năm về trước”.
Khi ấy, tôi còn là cậu “sinh viên vô gia cư” tại Sài Gòn. Đó là một hôm tôi hẹn mẹ tôi để gặp được bà trong thoáng chốc. Nơi hẹn ẩn mình trong “bãi rác chất cao như núi” trên đường Nguyễn Thiện Thuật – Quận 3.
Khi ấy bà cho tôi một “ổ bánh mì chất đầy thịt” để tôi ăn tẩm bổ, trong lúc bà thay áo cho tôi – nghĩa là – bà lấy áo cũ để đổi cái áo mới, và ngắm nhìn tôi như người say mê một bức tranh Lợn, tranh Gà ngày Tết. Còn tôi thì dốc tâm vào cái ổ bánh mì “sành điệu” ấy! Bỗng dưng có tiếng “còi hụ của xe cảnh sát đi tuần ”. Tôi co giò vọt mất. Còn bà ập vào mặt cái áo 7 ngày chưa giặt của tôi mà hai vai bà run lên!…
Tuy nhiên! Trở lại với diễn đàn Sea Game 30 – dấu ấn còn để lại cho Đoàn Kiếm Việt Nam qua ảnh (hình 41) (hình 42).
Cuối cùng! Sea Game 31 – Người Anh Em! Chúng tôi người Việt Nam đang vẫy gọi: Xin đừng để ai lọt lại phía sau!!!
(Nguồn: Tạp chí Thanh Niên, số 1, ngày 08/01/2020)
Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com)