Từ ĐÌNH LÀNG tới NHÀ VĂN HÓA: SỰ BIẾN ĐỔI của KHÔNG GIAN SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG NÔNG THÔN
TỪ ĐÌNH LÀNG TỚI NHÀ VĂN HÓA: SỰ BIẾN ĐỔI CỦA
KHÔNG GIAN SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG NÔNG THÔN
(qua khảo sát một số xã ở hạ châu thổ sông Hồng)
ĐẶNG THỊ VÂN CHI
(Tiến sĩ – 2007)
1. Lý thuyết về không gian công cộng và nhận diện không gian sinh hoạt cộng đồng ở nông thôn Việt Nam
Khái niệm không gian công cộng được các nhà xã hội học tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau. Từ góc độ chính trị – xã hội, không gian công cộng trước hết là không gian thuộc sự quản lý của nhà nước, của cộng đồng và được tạo ra bởi các nhu cầu chính trị – kinh tế – xã hội của các thể chế xã hội khác nhau và bị chi phối bởi các hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội đó.
Trong xã hội dân chủ, không gian công cộng là không gian ở đó tất cả mọi người, không phân biệt địa vị xã hội hay điều kiện kinh tế đều có quyền tiếp cận và sử dụng. Quyền này được bảo vệ bởi hiến pháp và pháp luật. Đó là những không gian thực sự là của chung, của tất cả mọi người, phân biệt với “ không gian tư” chủ yếu được hiểu là không gian của ngôi nhà, nơi mà các hoạt động và hành vi được tự quy định, không có sự giám sát từ bên ngoài” [1]. Không gian công cộng vì vậy, có thể coi là một “công cụ” để nhà nước dân chủ thực hiện trách nhiệm của họ với xã hội và cũng thông qua đó tương tác với xã hội.
Tuy nhiên, ở các giai đoạn lịch sử khác nhau, trong các thể chế xã hội khác nhau, quyền tiếp cận đến các không gian công cộng này cũng bị giới hạn và quy định theo cách thức và mức độ khác nhau. Cũng từ đó, các không gian công cộng cũng được thiết kế, nhận diện và quản lý tiếp cận theo cách thức riêng biệt, tương ứng như: Đình làng là nơi làm việc, nơi thể hiện quyền lực của chính quyền địa phương, nơi tiến hành các nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng, các hoạt động văn hóa, lễ hội của dân làng trong xã hội nông thôn Việt Nam xưa; Quảng trường sẽ là nơi diễn ra những sự kiện chính trị, xã hội quy mô lớn, với nghi thức chuẩn mực trong đô thị; Công viên là nơi dành cho sự nghỉ ngơi thư giãn, tiếp cận thiên nhiên của mọi đối tượng trong xã hội…
TS Michael DiGregorio cho rằng không gian công cộng, là không gian do nhà nước quản lý… bao gồm rất nhiều không gian như đường phố công cộng, vỉa hè, bến sông, bờ đê, quảng trường, các công trình công cộng, sân đình, chùa, siêu thị, tóm lại, không gian công cộng dựa trên định nghĩa phổ biến, được áp dụng cho bất kỳ một không gian nào mà người dân có thể tụ họp. [2]
Còn theo PGS Lisa Drummond của Đại học York, Toronto, Canada “Không gian công cộng thì đa dạng, chúng mang các dáng vẻ khác nhau trong các thời gian và địa điểm khác nhau […] Trong ý nghĩa đơn giản nhất, không gian công cộng là những không gian mà tất cả các thành viên của xã hội, về mặt lý thuyết, có quyền sử dụng.[…] Điều mà tất cả các không gian công cộng đều có điểm chung: đó là những nơi mà mọi người gặp gỡ, do nhu cầu hoặc do ngẫu nhiên, hay chỉ là ghé qua.” Không gian công cộng là không gian của sự tụ họp. [3]
Như vậy, nhìn chung lại, có thể đi đến một cách định nghĩa chung nhất: không gian công cộng chính là không gian phục vụ chung cho nhiều người, cho tập thể, là nơi mà mọi người có thế đến giao lưu và gặp gỡ nhau. Các không gian công cộng là khu vực hiệu quả nhất trong việc tạo nên các giao tiếp xã hội, là một phần không thể thiếu của cuộc sống, nó thúc đẩy mối quan hệ giữa con người với nhau và ảnh hưởng tới các hành vi xã hội của con người.
Không gian sinh hoạt cộng đồng là không gian công cộng được thiết lập để dành cho các hoạt động của cộng đồng, vì vậy, trước hết nó là một không gian chung, mọi người đều có quyền tiếp cận và được quy định chức năng dành cho các hoạt động chung. Những hoạt động chung này có thể thuộc lĩnh vực chính trị, văn hóa, cũng có khi là nơi thể hiện quyền lực của chính quyền…
Từ các định nghĩa được nhiều nhà khoa học thừa nhận về không gian công cộng vận dụng vào việc nhận diện không gian sinh hoạt cộng đồng ở nông thôn Việt Nam, chúng ta thấy trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, làng xã Việt Nam, nơi mà hầu hết người dân sống trọn đời ở đó, và cũng là nơi mà những người đã dời làng đi làm ăn, sinh sống ở xa… hướng về… từ thời xa xưa đều đã có những không gian công cộng dành cho các hoạt động của cộng đồng. Các hoạt động cộng đồng trước hết phải là các hoạt động mang tính cộng đồng và vì cộng đồng như: các cuộc họp của toàn thể dân làng, các cuộc đại hội xã viên Hợp tác xã, các cuộc bầu cử (bầu cử xã trưởng, lý trưởng, bầu hội đồng nhân dân, quốc hội…), các cuộc họp thông báo lệnh vua/phổ biến đường lối chính sách, các buổi học tập chính trị, nói chuyện thời sự, kỷ niệm ngày lễ, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim, các hoạt động quản lý sản xuất, thu thuế, thực hiện nghĩa vụ công dân và nghĩa vụ kinh tế, lễ hội, thờ cúng thần bảo hộ dân làng (thành hoàng làng), xử phạt, … Tuy nhiên, trong từng thời kỳ lịch sử, dưới các thể chế chính trị khác nhau, các không gian dành cho các hoạt động cộng đồng này cũng mang những đặc điểm nhận diện và tên gọi khác nhau. Đó có thể là đường làng, ngõ xóm, gốc Đa, bến nước, điếm canh, Đình, Chùa… ở nông thôn Việt Nam truyền thống… Đó cũng có thể là Hội trường Ủy ban nhân dân, trụ sở Hợp tác xã (HTX), Sân kho HTX và các nhà văn hoá (NVH) thôn, xã… ở nông thôn Việt Nam hiện nay.
2. Sự biến đổi của không gian sinh hoạt cộng đồng ở nông thôn Việt Nam
2.1. Đình làng – Không gian sinh hoạt cộng đồng trong làng xã Việt Nam truyền thống
Mặc dù chúng ta đều biết rằng Làng Việt có lịch sử tồn tại và phát triển từ hàng ngàn năm trước, và cùng với sự tồn tại và phát triển của làng – xã là các hoạt động chung của cộng đồng cư dân trong làng xã. Tuy nhiên, hiện nay, không gian sinh hoạt cộng đồng ở nông thôn Việt Nam trong thời kỳ trước khi Đình làng trở thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng vẫn chưa được nhận diện cụ thể và chính xác. Vì vậy, có nhiều ý kiến khác nhau về không gian sinh hoạt cộng đồng ở các làng xã thời kỳ này. Phan Huy Lê cho rằng vào buổi đầu thời kỳ dựng nước “mỗi làng có một ngôi nhà sàn rộng làm nơi sinh hoạt cộng đồng và cử hành các nghi lễ tôn giáo mà hình ảnh còn tìm thấy trên trống đồng Đông Sơn và dấu vết còn để lại trong đình làng của người Việt hay nhà Rông của các dân tộc Tây Nguyên”[4]. Trần Thị Kim Anh thì thử đưa ra một cách kiến giải mới về nguồn gốc của Đình làng cho rằng: “tục thờ thành hoàng và các sinh hoạt cộng đồng khác của người Việt như xử lý việc làng, bao gồm xử các tranh chấp kiện cáo nhỏ trong làng, các hành vi vi phạm lệ làng, giải quyết các vấn đề về thuế má, quan dịch, và đương nhiên cả việc tập họp dân làng để nghe các lệnh lệ của triều đình… đều đã tồn tại và được thực hiện từ lâu đời tại các địa điểm công cộng của làng như các đền miếu thờ thần linh thổ địa và sân chùa…” [5]. Một ý kiến được nhiều người tán đồng là các Đình Trạm, nơi cho khách đường xa tạm trú [6], nơi dừng chân của vua mỗi khi vi hành (các hành cung) [7] hoặc chí ít cũng là nơi những người lính tuần mang mệnh lệnh, hoặc các chiếu chỉ của vua tới các làng xã [8]… chính là tiền thân của ngồi Đình Làng. Tạ Chí Đại Trường cho rằng có thể trước khi Trần Thừa lệnh cho các làng đưa tượng Phật vào thờ ở Đình Trạm năm 1231 thì tại các Đình Trạm cũng đã có thờ thần linh…
Từ các khảo sát về làng Việt (có cả so sánh với làng ở Hàn Quốc) trong quá trình hướng dẫn sinh viên thực tập và học môn Làng xã Việt Nam, chúng tôi cho rằng, không gian sinh hoạt cộng đồng trước khi được định vị cụ thể là Đình Làng thì nó có thể chỉ là một khoảng đất trống ở trung tâm làng, hoặc đầu làng, dưới gốc cây đa hay cây gạo[9], hay một ngôi nhà chung, là đền, miếu cũng có thể là điếm canh[10], đình trạm…
Đến thế kỷ 15, dưới thời Lê sơ, cùng với việc xây dựng nhà nước quân chủ chuyên chế, lấy Nho giáo làm bệ đỡ cho chính quyền, các vị thần bảo hộ trong các làng xã, các vị thành hoàng làng được toàn thể dân làng công nhận đã được đưa vào Đình thờ cúng. Cũng từ đây trở đi Đình làng trở thành một biểu tượng của tính cộng đồng làng xã của người Việt. Chính việc Vị Thành hoàng làng được thờ ở Đình đã làm cho đình làng trở thành đại biểu cho cộng đồng làng, đồng thời cũng góp phần gắn kết dân làng với nhau cũng như gắn kết dân làng với cộng đồng lớn hơn là cộng đồng quốc gia, cộng đồng dân tộc. Điều này được thể hiện qua việc các vị Thành hoàng làng được nhận sắc phong của Vua.
Hầu hết các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đều thống nhất cho rằng Đình làng với một thực thể kiến trúc thường được tọa lạc ở trung tâm làng, trên vùng đất cao, bằng phẳng và khoảng sân rộng trước Đình là một không gian sinh hoạt cộng đồng trong làng xã với ba chức năng: “hành chính, tôn giáo và văn hóa. Về chức năng hành chính, Đình là chỗ để họp bản các “việc làng”, để xử kiện, phạt vạ… theo những quy ước của làng. Về chức năng tôn giáo, Đình là nơi thờ thần của làng, thường là một vị, nhưng cũng có nhiều khi nhiều vị, được gọi là “Thành hoàng” làng. Về chức năng văn hóa, Đình là nơi biểu diễn các kịch hát, như chèo, hay hát cửa đình – tức ca trù, một hình thức đã phát triển trong các thế kỷ trước, nơi tiến hành các lễ hội, các trò chơi…”[11], các chức năng này thường không được tách bạch, mà đan xen hòa quyện vào nhau…
Tóm lại, từ các chức năng của Đình được mô tả như ở trên, trong nông thôn Việt Nam truyền thống, Đình làng là một không gian sinh hoạt cộng đồng, nơi diễn ra các hoạt động vì mục đích chung của làng. Vai trò là một trung tâm sinh hoạt cộng đồng ở làng xã Việt Nam của Đình làng kéo dài suốt từ thế kỷ 15 cho đến giữa thế kỷ XX.
1.2. Sự biến đổi của không gian sinh hoạt cộng đồng ở nông thôn miền Bắc Việt Nam hiện nay
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là một biến cố lớn trong đời sống chính trị của cộng đồng dân tộc nói chung và của cộng đồng cư dân các làng xã nói riêng. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc một nhà nước dân chủ cộng hòa ra đời. Cũng lần đầu tiên trong lịch sử làng xã Việt Nam, bộ máy quản lý nông thôn truyền thống đã từng tồn tại hàng nghìn năm bị giải thể, chính quyền nhân dân được thành lập.
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, miền Bắc được giải phóng, Đảng lao động Việt Nam và chính phủ nước Việt Nam dân chủ công hòa tiến hành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa trên toàn miền Bắc. Kết quả của cuộc cách mạng này là người nông dân trong các làng xã sau khi được chia ruộng đất đã đưa ruộng đất vào các hợp tác xã nông nghiệp làm ăn tập thể. Như vậy có thể nói, về đời sống chính trị, kinh tế và xã hội ở nông thôn miền Bắc Việt Nam đã có những thay đổi căn bản. Ở hầu hết các làng xã ở miền Bắc Việt Nam Hội đồng nhân dân xã và Ủy ban nhân dân xã thay thế cho Hội đồng kỳ mục, bộ phận kỳ dịch (các lý trưởng, phó lý, trương tuần…)…; Các ban chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp quản lý việc sản xuất chung của cả làng-xã… Bản thân việc từ nền sản xuất tiểu nông tự cấp tự túc, các hộ gia đình là một đơn vị sản xuất chuyển sang lao động tập thể, công cụ lao động và tư liệu sản xuất là của chung, việc điều hành sản xuất, phân phối sản phẩm… đã làm nảy sinh nhiều hoạt động mang tính cộng đồng. Đặc biệt, sự xuất hiện của nhiều đoàn thể như Mặt trận Tổ Quốc, chi bộ Đảng, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân… cũng làm cho nhu cầu có một không gian chung cho các sinh hoạt cộng đồng trở nên hiện hữu và cấp bách.
Ở một bình diện khác, vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và sự truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê nin trong nhân dân, cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc Việt Nam cũng như phong trào hợp tác hóa nông nghiệp trong khắp các làng quê dường như đã làm vai trò bảo hộ dân làng của các Vị Thành hoàng làng trở nên mờ nhạt, thậm chí nhiều thực hành tín ngưỡng, tôn giáo bị coi là “mê tín dị đoan.”… Có thể thấy rằng sự chuyển đổi không gian sinh hoạt cộng đồng ở các làng quê miền Bắc Việt Nam trong những năm từ 1954 đến nay đã diễn ra trên nền bức tranh chung này.
Để có cái nhìn cụ thể hơn về sự chuyển biến của các không gian sinh hoạt cộng đồng trong làng xã Việt Nam giai đoạn này, chúng tôi khảo sát 3 xã ở hạ châu thổ sông Hồng là xã HT (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng), xã PL (huyện Đông Hưng, Thái Bình) và xã VV (huyện Vũ Thư, Thái Bình).[12]
* Xã HT (huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) là xã nằm gần cuối địa giới thành phố Hải Phòng, giáp với Ninh Giang, Hải Dương, có diện tích là 5,63 km², dân số là 7069 người (theo thống kê năm1999 ). Đây là xã thuần nông. Xã này trước đây gồm có 3 làng lớn, Làng TV, làng BT và làng ĐM, mỗi làng đều có đình riêng. Như mọi làng quê khác, đình làng là không gian sinh hoạt cộng đồng của làng. Từ sau năm 1954, đời sống chính trị của cư dân làng xã đã thay đổi. Chính quyền nhân dân được thiết lập, trụ sở Ủy ban nhân dân được xây dựng và là nơi chính quyền xã làm việc, giải quyết công việc hành chính của làng. Đình làng trở thành nơi dạy học cho trẻ em và là nơi mở các lớp xóa nạn mù chữ. Trong thời gian sau này, cả xã, tách ra thành 8 thôn đồng thời là 8 đội sản xuất. Khi HTX được thành lập, mỗi đình có một số phận khác nhau. Giai đoạn 1960 đến 1978, 1979 mỗi thôn là một HTX và mỗi thôn có một kho và một sân kho HTX. Mọi hoạt động của người dân, từ họp đại hội xã viên, bầu cử, bàn thảo kế hoạch sản xuất, các hoạt động của chi bộ, đoàn thanh niên, hội phụ nữ… đều được tiến hành tại sân kho HTX. Có thể nói lúc này sân kho HTX trở thành không gian sinh hoạt cộng đồng của các cư dân trong thôn.
Năm 1979, khi các HTX được nâng lên thành các HTX bậc cao, có quy mô toàn xã, cơ sở vật chất của HTX được đầu tư để nâng cao, đình làng ở thôn TV bị chính quyền xã dỡ bỏ để lấy đất xây dựng NVH thôn. Đình BT cũng bị dỡ để xây dựng NVH xã. Từ năm 1979, xã HT có NVH xã rất khang trang, được đánh giá là xã có NVH to, bề thế nhất huyện. Từ đây, mọi sinh hoạt cộng đồng: họp hành các ban ngành, các đoàn thể diễn ra ở đây. Đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ mỗi khi có sự kiện quan trọng… Từ năm 1997 đến những năm 2000-2003, khi đất đai đã được chia về cho các hộ gia đình sản xuất, các HTX không còn vai trò quản lý và tổ chức sản xuất nông nghiệp như trước, các nhà NVH thôn được xây dựng hoặc tu sửa trên nền đất của các kho HTX cũ. Và cho đến nay xã có 1 NVH xã lớn và 7 NVH thôn, thôn ở gần NVH xã thì dùng ngay NVH xã để hoạt động. Năm 2010-2011, NVH xã xuống cấp, nên đã được chuyển ra xây dựng lại ở khu đất rộng rãi khang trang hơn, đình BT lại được xây dựng lại trên nền cũ, tuy nhiên Đình chỉ là nơi dành cho các hoạt động tâm linh, thờ cúng thần linh của Làng. Mọi hoạt động cộng đồng đều diễn ra ở NVH.
* Xã VV (huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình)
Xã VV có dân số là 5054 người, gồm có 9 thôn, trong thời kỳ xây dựng hợp tác xã, VV có 2 HTX, mỗi thôn là một đội sản xuất, mỗi HTX gồm có 4-5 đội sản xuất. Thời kỳ đầu mới thành lập HTX, đình làng vẫn còn và cũng giống như xã HT, huyện Vĩnh Bảo và một số làng quê khác Đình trở thành nơi dạy học cho trẻ em trong làng. Thời kỳ đầu, ở giai đoạn tổ đổi công và các HTX cấp thôn, làng, mỗi đội sản xuất đều có một kho và sân kho của đội sản xuất, mọi hoạt động cộng đồng như hội họp của đội sản xuất, của các đoàn thể thanh thiếu nhi, phụ nữ, chi bộ… đều diễn ra ở Kho HTX và sân kho HTX. Vào năm1978, khi có chủ trương xây dựng HTX bậc cao, xã cũng đã cho phá đình để lấy đất xây dựng nhà trẻ của thôn. Năm 1990, trụ sở Ủy ban nhân dân và các nhà Nhà văn hóa thôn được xây dựng. Hiện tại thôn nào cũng có nhà văn hóa. Năm 2015, trong chủ trương xây dựng nông thôn mới, Nhà văn hóa được xây dựng lại khang trang hơn, đình cũng được xây dựng lại trên nền cũ, nhà trẻ chuyển sang nơi khác, được xây lại to đẹp hơn và trở thành trường mẫu giáo chung cho toàn xã. Đình làng, dù được dựng lại nhưng chủ yếu dành cho các hoạt động tâm linh. Hiện tại, NVH xã và Đình nằm cạnh nhau trên cùng một khu đất. Lãnh đạo xã cũng có tâm lý muốn đưa Nhà văn hóa và Đình về gần nhau tạo thành một không gian chung lớn cho các sinh hoạt cộng đồng của làng xã.
* Xã PL (huyện Đông Hưng Thái Bình)
Xã PL nằm ở phía bắc huyện Đông Hưng, bên bờ bắc sông Tiên Hưng, có diện tích 4,77 km2, dân số là 6.598 người theo điều tra dân số năm 1999. Xã PL trước đây cũng có Đình làng, nhưng đã bị phá bỏ từ lâu mà người dân không còn nhớ nữa (gần đây xã PL có khôi phục lại miếu và lễ hội Miếu Cả). Thời kỳ HTX, mọi sinh hoạt cộng đồng cũng diễn ra ở các khu vực Kho và sân kho HTX, hoặc họp nhờ các gia đình có nhà rộng rãi. Khoảng thời gian từ 2005-2006, các NVH thôn được xây dựng. Từ lúc này, các NVH thôn trở thành nơi tổ chức các buổi họp hành của nhân dân trong thôn cũng như nơi sinh hoạt, họp hành của các đoàn thể trong thôn như sinh hoạt chi bộ Đảng, họp của Hội cựu chiến binh, của các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, và sinh hoạt hè, tổ chức trung thu cho các cháu.
Ngoài 3 trường hợp này, còn có những làng xã vẫn giữ được đình xưa cho đến bây giờ. Tuy nhiên việc sử dụng đình tùy thuộc vào hiện trạng của kiến trúc, trình độ cán bộ cũng như nhận thức của người dân. Ví dụ như ở Đình làng Phù Lưu (Từ Sơn, Bắc Ninh), bên cạnh không gian thờ cúng của Đình trước đây (chính điện và hậu cung) thì bên phải chính điện có bày bàn thờ tổ quốc với cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ, Hội người cao tuổi sử dụng làm nơi gặp gỡ, làm việc, phát lương cho cán bộ về hưu. Còn làng Khê Hồi (huyện Thường Tín, Hà Nội), kiến trúc Đình được sử dụng làm nơi làm việc của Ủy ban [13]và Ban chủ nhiệm HTX. Hoặc làng An Tiến (huyện Hưng Hà, Thái Bình), mặc dù có NVH, nhưng mọi hoạt động của người dân trong làng đều diễn ra ở Đình. NVH luôn đóng cửa và không được người dân quan tâm[14]….
3. Nhà văn hóa- không gian sinh hoạt cộng đồng ở nông thôn hiện nay
Trong đường lối phát triển kinh tế, xây dựng đất nước giàu mạnh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhận thức rõ các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò to lớn, có vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của các không gian sinh hoạt cộng đồng ở nông thôn Việt Nam, và đáp ứng nhu cầu về một không gian sinh hoạt cộng đồng ở làng xã, ngày 28/10/2008, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong chương trình có vấn đề xây dựng các nhà văn hóa tới tận các thôn làng. Nhà văn hóa là 1 trong 19 tiêu chí của xây dựng Nông thôn mới. Các Nhà văn hóa thôn, xã này có chức năng:
a- Góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức khoa học, kỹ thuật; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh trên địa bàn thôn.
b- Tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
c- Tổ chức hội họp, học tập cộng đồng và tổ chức các hoạt động sinh hoạt khác ở thôn.
Với chủ trương trên của Đảng và chính phủ, được sự hỗ trợ của nhà nước, các Nhà văn hóa đã xuất hiện trong khắp các thôn làng.
Khi khảo sát về tình hình hoạt động của các nhà văn hóa, chúng tôi nhận được câu trả lời[15] khá giống nhau là: Nhà văn hóa thôn- làng hiện nay chủ yếu là nơi hội họp của cư dân trong thôn, xã, nơi hội họp và sinh hoạt của các tổ chức, các đoàn thể trong chính quyền như họp chi bộ, họp Hội Cựu chiến binh, hội họp, sinh hoạt văn nghệ… của các đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, nơi sinh hoạt hè cho các cháu học sinh… Nhà văn hóa cũng là nơi phổ biến đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, các sinh hoạt chính trị như bầu cử, tiếp xúc cử tri… Cũng có xã, NVH là nơi tổ chức các lớp học nghề, các buổi phổ biến kiến thức về khoa học kỹ thuật… Thỉnh thoảng NVH mới có cơ hội sử đụng đúng như tên gọi của nó là nhà văn hóa, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ… Dưới đây là một mô tả về hoạt động của NVH xóm 2, xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình:
“NVH là nơi sinh hoạt chung của toàn xóm. Đó vừa là nơi họp của người dân trong xóm khi có công việc chung. Đó cũng có thể là nơi phục vụ cho các dịp liên hoan ăn uống trong những dịp lễ tết. NVH có vai trò vô cùng quan trọng bởi xóm tôi trước đây luôn thiếu một địa điểm sinh hoạt chung như vậy. Mỗi khi có cuộc họp của xóm hay của các đoàn hội đều phải tiến hành ở nhà của trưởng xóm hoặc hội trưởng…do đó không gian hội họp rất hạn chế khiến bà con khó có thể đến đông đủ. Từ khi có nhà văn hóa mọi cuộc họp đều được tổ chức tại đây hơn nữa những phương tiện như loa đài luôn đầy đủ và sẵn có cho nên các cuộc họp tổ chức rất thuận tiện và dễ dàng. Thứ nữa phải kể đến là mỗi dịp tổ chức liên hoan của xóm hay của các hội như hội phụ nữ, hội cựu chiến binh… cũng rất tiện lợi do nhà văn hóa được xây dựng đầy đủ cả nhà bếp. Giờ đây mỗi dịp trung thu, xóm đã có một địa điểm vui chơi tổ chức phá cỗ cho các em thiếu nhi trong xóm chứ không còn phải mượn nhà này nhà kia như thời của chúng tôi. Quan trọng hơn cả nhà văn hóa với không gian xung quanh giờ được xây dựng khang trang với sân bê tông sạch sẽ. Vào mỗi buổi chiều đây là địa điểm sinh hoạt giải trí của người dân trong xóm với các môn thể thao như cầu lồng hay bóng chuyền…Một địa điểm sinh hoạt như vậy là vô cùng cần thiết cho việc phục vụ đời sống văn hóa của người dân trong xóm. Đặc biệt trong ngày 22-5 vừa qua NVH của xóm đã trở thành địa điểm bầu cử khang trang rộng rãi, tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền công dân của mình”[16].
Bên cạnh việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ được giao, thì tại các địa phương, do có địa điểm không gian thuận tiện, rộng rãi, có sẵn cơ sở vật chất, NVH còn đáp ứng một số nhu cầu các gia đình người dân trong làng xã như tổ chức đám cưới, đám ma, đám giỗ ở NVH, hiện tượng này đặc biệt khá thường xuyên trong các khu vực ven đô, khi đất bị chia lô để bán, không gian riêng tư của các hộ gia đình bị thu hẹp lại, vì vậy mỗi khi “nhà có viêc” người dân lại mượn NVH làm nơi tổ chức sự kiện.
Cũng có nơi như thôn Trạc xã Châu Quế Hạ huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên, NVH ngoài việc tổ chức các hoạt động chung của cộng đồng còn là nơi ở của một cụ bà cô đơn, không nơi nương tựa. Các cán bộ của thôn xóm đã bố trí, sắp xếp một chỗ trong NVH cho cụ ở. Cụ sống bằng những đồng trợ cấp ít ỏi, thường ngày mọi người xung quanh chia sẻ từ bò gạo, miếng rau, miếng thịt cho cụ. Đến khi cụ mất thì mọi người cùng nhau họp lại và lo ma chay cho cụ[17].
Gần đây nhất, NVH thôn Hoành xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức thành phố Hà Nội lại được sử dụng để giam giữ các chiến sĩ thuộc lực lượng cảnh sát cơ động trong cuộc tranh chấp về quyền sử dụng đất.[18]
Hiện nay, có nhiều nơi, nhà văn hóa đã bị sử dụng sai chức năng như được sử dụng để phơi nông sản… Điều mà hầu hết các ý kiến[19] khi nói về những bất cập của NVH đều cho rằng NVH chưa được sử dụng hiệu quả (thường xuyên đóng cửa, khi có việc mới mở), hầu hết các NVH đều không có các phương tiện giúp nâng cao hiểu biết như sách báo… Các hoạt động văn hóa mang nặng tính phong trào và chưa làm được nhiệm vụ nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Nguyên nhân của tình trạng này, trước hết nằm ở khâu tổ chức và quản lý các NVH. Tại các làng xã, NVH do trưởng thôn quản lý và cầm chìa khóa. NVH thường được trang bị một số thiết bị kỹ thuật như loa, ampli, micro, ti vi, quạt … do sợ bị mất các thiết bị trong NVH, nên các NVH luôn trong tình trạng cửa đóng then cài. Mặt khác, bản thân trưởng thôn cũng bận nhiều công việc, việc quản lý NVH của trưởng thôn chỉ là công việc kiêm nhiệm nên các hoạt động chỉ đơn thuần là giữ chìa khóa và mở cửa NVH mỗi khi có hội họp, hoặc hoạt động gì đó. Hầu hết các NVH đều không có thư viện hoặc sách báo phục vụ nhân dân. Cả ba xã mà chúng tôi khảo sát, những người có trách nhiệm đều thấy nếu có thư viện thì rất tốt, nhưng không có kinh phí để làm, thêm nữa, không có nhân lực để quản lý thư viện… Một nguyên nhân quan trọng khác của tình trang NVH chưa làm hết chức năng và nhiệm vụ của mình là không có cán bộ chuyên trách có trình độ chuyên môn quản lý và điều hành các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở đây. Như ở xã VV ( huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), trưởng thôn được phụ cấp 60.000 đồng/1 năm cho việc quản lý NVH, còn các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở xã HT ( Huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) thì được giao cho cán bộ thanh niên phụ trách.
Nói tóm lại, hiện các NVH đang làm khá tốt nhiệm vụ là nơi tiến hành các cuộc họp, các cuộc gặp gỡ của cư dân trong làng xã, nơi giao tiếp xã hội, nơi người dân có thể bày tỏ nguyện vọng ý kiến của mình trước các vấn đề liên quan đến cuộc sống của mình. NVH cũng làm tốt việc tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước tới dân làng… Các hoạt động văn hóa thể thao dù còn chưa được chú ý đúng mức, nhưng nó cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của cư dân trong làng xã. Có thể khẳng định rằng NVH thực sự đã làm tốt chức năng là ngôi nhà chung, là không gian sinh hoạt cộng đồng ở nông thôn miền Bắc Việt Nam.
Kết luận
Chỉ trong vòng hơn 50 năm, từ 1954 đến nay, không gian sinh hoạt cộng đồng ở nông thôn miền Bắc Việt Nam đã có những biến đổi cực kỳ nhanh chóng và khó có thể hình dung nổi. Đình làng- “đại biểu của cộng đồng làng”, với vai trò “là nơi tiến hành các sinh hoạt vì mục đích chung của làng và là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của làng”, nơi thờ cúng vị thần bảo hộ dân làng, mà hình ảnh của Vị thành hoàng làng đã góp phần “ tạo nên sức mạnh bảo vệ làng, giữ nước “[20], đã từng tồn tại hơn 500 năm trong các làng quê Việt Nam có thể nhanh chóng bị dỡ bỏ chỉ để xây dựng Nhà văn hóa, nhà trẻ, hoặc sân kho HTX vì lý do thiếu đất…Sự thay đổi này đã diễn ra cùng với sư thay đổi của thể chế chính trị, hệ tư tưởng (từ một nhà nước quân chủ chuyên chế nho giáo sang nhà nước Xã hội chủ nghĩa) và phương thức sản xuất xã hội.( từ một nền kinh tế tiểu nông tự cấp tự túc sang nền kinh tế XHCN)
Sự biến đổi của không gian sinh hoạt cộng đồng từ Đình làng đến Nhà văn hóa cũng đã khẳng định vai trò quan trọng của không gian sinh hoạt cộng đồng trong đời sống nông thôn Việt Nam. Dù dưới thể chế chính trị nào, nhà nước quân chủ chuyên chế Nho giáo, nhà nước dân chủ cộng hòa hay nhà nước xã hội chủ nghĩa thì một không gian công cộng dành cho các sinh hoạt cộng đồng của cư dân trong các làng xã ở Việt Nam là một phần quan trọng không thể thiếu. Tại nơi đây các hoạt động chung của cộng đồng làng xã như hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, kỷ niệm, mừng thọ…đã được tiến hành với sự tham gia của toàn thể cộng đồng làng.
Mặt khác, sự biến đổi của không gian sinh hoạt cộng đồng này cũng phản ánh vai trò của các thể chế chính trị trong việc tạo ra các không gian công phù hợp với hệ tư tưởng chính thống trong xã hội, cũng như sự vận hành của chính quyền nhà nước trong việc quản lý xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và sự ra đời của chính quyền công nông đã làm lu mờ vai trò của các vị thần bảo hộ làng xã. Đây có thể là lý do các đình làng, nơi thờ các vị thành hoàng làng dần vắng bóng trong các làng quê Việt Nam trong các thập niên 1970, 1980. Có những ngôi đình bị dỡ bỏ để lấy đất xây dựng các công trình khác, và cũng có những ngôi đình bị tàn phá trong chiến tranh nhưng không được tu sửa hoặc xây dựng lại. Và trong khi đình làng mất đi ý nghĩa đại biểu của cộng đồng làng xã, thì kho HTX và sân kho HTX được giao cho vai trò là trung tâm sinh hoạt cộng đồng tại các làng quê, khi các HTX nông nghiệp là trung tâm của các hoạt động kinh tế, quản lý lao động tại các làng xã. Hiện nay, các HTX không còn vai trò quản lý hoạt động kinh tế xã hội ở các làng xã nữa thì các NVH trở thành ngôi nhà chung của cộng đồng dân cư làng xã.
Sự biến đổi của không gian sinh hoạt cộng đồng từ Đình làng tới nhà văn hóa cũng phản ánh sự phát triển của xã hội theo hướng ngày càng chuyên biệt hơn. Nếu như trước đây Đình làng đảm nhận cả 3 chức năng: Hành chính- chính trị, văn hóa và tôn giáo thì hiện này các không gian sinh hoạt cộng đồng mang tính chuyên biệt hơn. Bên cạnh NVH là nơi tổ chức các sinh hoạt cộng đồng và có chức năng chính là hoạt động văn hóa, các xã còn có các Ủy ban nhân dân là nơi giải quyết các công việc hành chính và Đình làng ( đang được các làng xây dựng lại trên nền đình làng cũ ngày một nhiều hơn) là nơi thực hiện các hoạt đông tôn giáo tín ngưỡng của làng.
Cuối cùng, để các NVH có thể hoạt động hiệu quả, phát huy thế mạnh của mình góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân và xây dựng một xã hội mới, hiện đại, nhân văn và dân chủ, các NVH cần được đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn nữa với các thư viện, các thiết bị thể thao…, đặc biệt cần có cán bộ có chuyên môn điều hành và quản lý các hoạt động ở nhà văn hóa…
Tài liệu tham khảo và trích dẫn
1. Trần Thị Kim Anh (2012), “Một kiến giải về nguồn gốc ngôi đình làng Việt Nam”. http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/mot-kien-giai-ve-nguon-goc-ngoi-dinh-lang-viet-nam.
2. Toan Ánh (2005) Nếp cũ- Làng xóm Việt Nam, NXB trẻ.
3. Phan Kế Bính (1990) Việt Nam phong tục, NXB Tổng hợp, Đồng Tháp.
4. John Kleinen, (2013)Làng Việt- Đối diện tương lai, hồi sinh quá khứ, NXB Lao động.
5. Drummond, Lisa B W (2007) Fast-forward Hanoi: Public space in the utopian city. In Nguyen Xuan Long (ed) / Hanoi 5000 Hoan Kiem Lakes. Hanoi.
6. Michael DiGregorio “ Không gian công cộng và thành phố của tập đoàn “ http://ashui.com/mag/tuongtac/phanbien/6707-khong-gian-cong-cong-va-thanh-pho-cua-tap-doan.html.
7. Nguyễn Duy Hinh ( 1996) . Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam, NXB KHXH, Hà Nội.
8. Phan Huy Lê ( 1996), “Làng xã cổ truyền của người Việt, tiến trình lịch sử và kết cấu kinh tế- xã hội” trong Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay ( Phan Huy Lê và Vũ Minh Giang chủ biên), Hà Nôi, tr 128.
9. Nguyễn Quang Ngọc ( 2009) Một số vấn đề Làng xã Việt Nam, NXB Đại học quốc gia.
10. Philippe Papine- Olivier Tessier Chỉ biên) (2002) Làng ở Châu thổ sống Hồng- vấn đề còn bỏ ngỏ , NXB Lao động xã hội.
11. Hà Văn Tấn và Nguyễn Văn Cự ( 1998) Đình Làng Việt Nam NXB TP Hồ Chí Minh;
12. Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần, Người và Đất Việt, NXB Thông tin , tr149.
Và một số tư liệu điền dã môn học Làng Xã Việt Nam dưới sự hướng dẫn của TS Đặng Thị Vân Chi của các sinh viên các khóa K56, k57, k58, k59 Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.
________________________
[1] Drummond, Lisa B W (2007) Fast-forward Hanoi: Public space in the utopian city. In Nguyen Xuan Long (ed) / Hanoi 5000 Hoan Kiem Lakes. Hanoi.
[2] http://ashui.com/mag/tuongtac/phanbien/6707-khong-gian-cong-cong-va-thanh-pho-cua-tap-doan.html
[3] Drummond, Lisa B W (2007) Fast-forward Hanoi: Public space in the utopian city. In Nguyen Xuan Long (ed) / Hanoi 5000 Hoan Kiem Lakes. Hanoi.
[4] Phan Huy Lê ( 1996), “Làng xã cổ truyền của người Việt, tiến trình lịch sử và kết cấu kinh tế- xã hội” trong Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay ( Phan Huy Lê và Vũ Minh Giang chủ biên), Hà Nôi, tr 128.
[5] Trần Thị Kim Anh (2012), Một kiến giải về nguồn gốc ngôi đình làng Việt Nam. http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/mot-kien-giai-ve-nguon-goc-ngoi-dinh-lang-viet-nam.
[6] Hà Văn Tấn và Nguyễn Văn Cự ( 1998) Đình Làng Việt Nam NXB TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Duy Hinh( 1996) . Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam, NXB KHXH, Hà Nội; tr99.
[7] Tạ Chí Đại Trường (2006),Thần, Người và Đất Việt, NXB Thông tin , tr149.
[8] Mà biểu hiện là tại rất nhiều ngôi đình vẫn còn có tấm biển đề “ Thánh cung vạn tuế”.
[9] Trong tâm lý người dân Việt, cây đa/ cây gạo là cây thiêng “ thần cây đa, ma cây gạo”, ở Hàn Quốc, biểu tượng của làng là tượng gỗ và cây Dang san ở đầu làng, nơi dân làng tụ họp để nghe thông báo hoặc bàn bạc việc làng cũng là dưới gốc cây lớn và tượng gỗ, biểu tượng thần của làng ở đầu làng, không có mái che.(Jeong Jong Lyeol- Thực tập sinh Hàn Quốc tại Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt).
[10] Theo khảo sát của Nguyễn Tú Anh, sinh viên K59, khoa VN học và Tiếng Việt, ĐHKHXH&NV< ĐHQG Hà Nội thì, ở làng Yên Lãng, Điếm canh là ngôi nhà chung, có chức năng cộng đồng : Là nơi ghi công trạng của người có công với làng, là địa điểm tập hợp dân làng, phân công công việc trong làng… thu thuế, thu nhận sản phầm nông nghiệp bán cho nhà nước ( thời kỳ HTX).
[11] Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, ( 2014) Đình làng Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội.
[12] Ở cả 3 xã này, tác giả đã đến khảo sát và phỏng vấn trực tiếp những người quản lý Làng xã, chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã, trưởng thôn.
[13] Tư liệu của Lê Quang Pháp, sinh viên K57 khoa Việt Nam học trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[14] Tư liệu của Phạm Thị Thơm, sinh viên K59 khoa Việt Nam học trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[15] Đây là câu trả lời của Bí thư đảng bộ xã PL huyện Đông Hưng Thái Bình, nguyên chủ tịch xã HT huyện Vĩnh Bảo Hải Phòng, thôn trưởng thôn CV xã VV huyện Vũ Thư Thái Bình.
[16] Báo cáo thực tập môn học của Đinh Xuân Lộc, sinh viên K58 khoa Việt Nam học & Tiếng Việt, Trường Đại học KHXH &NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[17] Tư liệu khảo sát của Nguyễn Thị Bảy và Nguyễn Thị Vân Anh, sinh viên K56 Khoa Việt Nam học & Tiếng Việt, Trường Đại học KHXH &NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[18] http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/15-canh-sat-bi-bat-giu-tai-my-duc-duoc-tha-3571959.html.
[19] Sinh viên các K56, K57, K58, K59 Khoa Việt Nam học & Tiếng việt.
[20] Đặng Thế Đại, “ Vai trò của tín ngưỡng Thành hoàng trong đời sống cộng đồng làng Việt( Qua thực tế ở Tả Thanh Oai)” trong Làng ở Châu thổ sống Hồng- vấn đề còn bỏ ngỏ (Philippe Papine- Olivier Tessier (Chủ biên) 2002, NXB Lao động xã hội, tr388-389.
Nguồn: Bài đã đăng trong Nghiên cứu và giảng dạy Việt Nam học,
NXB Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, tháng 8 năm 2017.
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)