Tư duy liên tưởng trong câu đố Nam Bộ
THE ASSOCIATIVE THINKING IN SOUTHERN QUIZZES
Tác giả bài viết: Thạc sĩ PHẠM THU HẰNG
(Giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tây Đô),
NGUYỄN THỊ MỸ NHUNG (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tây Đô)
TÓM TẮT
Tư duy con người thường được hình thành trên cơ sở hai dạng liên tưởng: So sánh tương đồng, đồng dạng và so sánh luận lý tiếp cận, lôgích. Đồng thời, trong giao tiếp, hai hình thức liên tưởng này được phân lập dựa trên tư duy chính xác và tư duy hình tượng. Tuy nhiên, văn bản nghệ thuật đề cao lối diễn đạt hình ảnh, xem trọng sự chính xác khoa học. Với thể loại “câu đố”, một loại hình nghệ thuật dân gian phổ biến, người ra câu đố và người giải câu đố cũng đều dựa trên nguyên lý vận hành tư duy nhận thức mà thử tài cao thấp với nhau. Bài viết nhằm phân tích các cơ sở liên tưởng tạo nên hình thức câu đố. Ngoài hai cơ sở liên tưởng dựa trên nguyên lý tư duy là tư duy chính xác và tư duy hình tượng của con người, còn có thêm cơ sở liên tưởng ngôn ngữ mà cơ sở liên tưởng này lại thuộc phạm trù ngôn ngữ gắn với hình thức sự dụng ngôn ngữ của cộng đồng và đó là hình thức phương ngữ Nam Bộ.
Từ khóa: Câu đố, liên tưởng, nghệ thuật, nhận thức, tương đồng.
ABTRACT
Human thinking is often formed on the basis of two types of association: Comparisons and logic. At the same time, in communication, these two forms of association are based on the accurate thinking and the image thinking that the text of the science or art field requires. However, artistic texts emphasize the way of expressing images, not disregarding scientific accuracy. With the “puzzle” genre, a popular folk art, puzzle makers and puzzle solvers are all based on the principle of running cognitive thinking and trying low and high together. This article aimed to analyze the associative bases that created the puzzle form. Among these, in addition to the two associations based on the principle of thinking which was correct thinking and human figurative thinking, there were additional linguistic associations but this association belongs to the category of language associated with the form of language used by the community and that was the form of Southern dialect.
Keywords: Art, association, perception, quizze, similarity.
x
x x
1. Giới thiệu
Khi con người với một não bộ bình thường, không bị khuyết tật, vốn cùng một thành phần, một môi trường sống, sẽ hình thành những suy nghĩ tương tự, có nhiều điểm tương đồng nhau. Tuy nhiên, tư duy không thể triển khai, định hình nếu không thể hiện qua vỏ bọc ngôn ngữ. Vì vậy với lớp vỏ bọc này, hình thức tuy duy có thể có những thể hiện khác biệt. Bởi đó, câu đối Nam Bộ và câu đối Bắc Bộ, tuy có cùng một thực tại khách quan, nhưng kết cấu đố (hỏi) và giải (đáp) có thể khác biệt, mà điều này tạo nên sự khác biệt trên bề mặt từ ngữ của câu đố. Mặt khác, trên bình diện khoa học, đã có những bài nghiên cứu dựa trên ngữ liệu câu đố Bắc Bộ, nên bài viết này chỉ tập trung khai thác các khía cạnh tư duy của câu đố Nam Bộ, dựa trên nguồn tư liệu đã sưu tầm được tại An Giang.
Câu đố được xem là thể loại văn học dân gian Việt Nam, mô tả sự vật, hiện tượng quen thuộc theo cách nói chệch, đòi hỏi người nghe phải suy nghĩ, phán đoán. Theo các nhà nghiên cứu, nếu căn cứ vào đề tài thì câu đố được chia thành hai loại lớn: Câu đố về tự nhiên và câu đố về văn hoá (câu đố về những sản phẩm vật chất và tinh thần do con người làm ra). Còn căn cứ vào hình thức diễn tả, câu đố được chia thành các loại: Loại trực tiếp (không sử dụng hình thức so sánh, ẩn dụ) và loại gián tiếp (có sử dụng hình thức ẩn dụ, so sánh).
Để có cách nhìn mới hơn về cách phân loại câu đố, chúng tôi dựa vào tư duy liên tưởng để phân loại. Với trên 950 câu đố (cụ thể có 952 câu đố) khảo sát quyển Văn học dân gian An Giang do Huỳnh Công Tín chủ nhiệm kiêm chủ biên, nếu xét từ phương diện tư duy liên tưởng giữa hai phần đố và giải, có thể chia thành 5 loại, cụ thể như sau:
a. Liên tưởng tương đồng chính xác với 153 câu (chiếm tỉ lệ 16,1%).
b. Liên tưởng tương đồng hình tượng có 341 câu (tỉ lệ 35,9%).
c. Liên tưởng luận lý khoa học với số lượng 69 câu (tỉ lệ 7,3%).
d. Liên tưởng luận lý nghệ thuật là 75 câu (tỉ lệ 7,9%).
e. Liên tưởng trên cơ sở chơi chữ có số lượng 312 câu (tỉ lệ 32,8%).
Qua số liệu khảo sát, chúng ta thấy loại câu đố dựa trên sự liên tưởng tương đồng hình tượng và liên tưởng trên cơ sở chơi chữ chiếm tỉ lệ tương đối cao so với 3 loại còn lại.
2. Nội dung
2.1. Câu đố dựa trên tương đồng khoa học
Câu đố dựa trên tương đồng khoa học thường được thiết lập trên cơ sở căn cứ vào các thuộc tính chính xác của sự vật, hiện tượng được miêu tả, nhằm thông qua các thuộc tính này mà suy luận ra các sự vật, hiện tượng tương ứng. Loại câu đố này thường có phần hỏi chú trọng vào đặc trưng cốt lõi của thông tin, nên không nặng hình thức trình bày, sự sắp xếp câu chữ sao cho có nghệ thuật hoặc có vần điệu. Chẳng hạn, các câu đố kiểu dạng như: “Chặt đứt, bứt rời, phơi khô, chụm không cháy ”. Từ các thuộc tính chính yếu được nêu: “+ đứt, + rời, + khô, – cháy”, người trả lời sẽ đưa ra lời giải là cục đất, vì sự vật này cũng có những thuộc tính tương đồng có/ không như thông tin đã nêu. Tương tự, ở câu đố khác cũng có hình thức thông tin như vậy, nhưng sự khác biệt thông tin là ở thuộc tính có/ không, nên câu đố: “Chặt không đứt, bứt không rời, phơi không khô, chụm không cháy.”, lại có thông tin chính yếu được nêu chỉ nhằm vào nét đối lập có/ không, mà trong trường hợp này hoàn toàn chỉ có thuộc tính không (-): “- đứt, – rời, – khô, – cháy”, nên câu đáp sẽ được đưa ra là nước, vì nước cũng có những thuộc tính không như vậy.
Tuy nhiên, có những câu đố mà thuộc tính của nó vừa mang tính chung, vừa có tính đặc thù nên khó nhận diện sự tương đồng hơn, dù sự tương đồng này cũng dựa trên nét tương đồng chính xác, như câu đố về trái cóc: “Ngoài xanh, trong trắng, ở giữa đống chà”. Chi tiết “xanh, trắng ” thì quá chung, có chi tiết “đống chà”, lại quá đặc thù khiến câu đố này không hề dễ giải. Còn câu đố về cây cân/cái cân: “Cái gì một cây, ba dây, một trái?” thì có 3 chi tiết đặc thù trong một sự vật, khiến người giải cũng khó lần ra sự vật ấy; vả lại, nói về cây cân hay cái cân thì có nhiều dạng, mà đây chỉ là một dạng cân (một loại cân đòn dạng nhỏ chỉ cân được vài kg, gồm một cây ngang (đòn cân) vạch các mức trọng lượng, có ba dây để treo một dĩa đựng đồ cân và một trái (quả) cân, được treo và dịch chuyển trên đòn cân để định trọng lượng), dân gian gọi là “cân xách”. Loại cân xách này hiện không còn được phổ biến, nên câu đố này theo thời gian trở nên khó giải.
Ngoài ra, trong câu đố dân gian, nhóm dựa trên nét tương đồng khoa học này cũng được xây dựng câu đố chú trọng trau chuốt về mặt hình thức trình bày dưới dạng có liên kết vần hoặc dưới dạng thơ; thường là thơ lục bát, để câu đố dễ nhớ, dễ thuộc mà có sức lưu truyền rộng rãi trong dân gian, như các câu đố được thể hiện dưới dạng thơ lục bát sau:
Câu đố về con trâu: “Tôi là bạn của nông gia,/ Thân đen đủi bẩn, nhưng mà công to.”. Dựa vào các chi tiết quá rõ ràng: “bạn, đen, bẩn, công to”, nên người giải có thể nghĩ đến con vật muôn đời đã là bạn của nhà nông.
Hay câu đố khác về nước “Cái gì chẳng rắn, chẳng dai,/ Ai mà cắt được thì tài lắm thay!”. Dựa vào các chi tiết: “- rắn, – dai, – cắt”, người giải có thể nghĩ ngay đến nước, một vật thể rất gần gũi và rất cần thiết cho cuộc sống con người.
Hoặc câu đố về gió “Cái gì không sắc không hình,/ Rập rờn sóng lúa, rung rinh lá cành?”. Dựa vào các chi tiết: “- sắc, – hình, + rập rờn, + rung rinh”, người giải có thể dựa vào hai thuộc tính có của hiện tượng mà đó ra được là gió trời…
Còn đây là dạng câu đố khai thác sự hài âm, hài thanh để làm mờ những đặc trưng tương đồng chính xác, khiến người giải khó tìm lời đáp hơn, chẳng hạn:
Câu đố về quả trứng trong quá trình phát triển thành con: “Tròn tròn như lục lạc,/ Trong nạc ngoài xương. /Thọ khí âm dương,/ Trong xương ngoài nạc.”.
Hoặc câu đố có lời giải là (con ốc, con cua): “Xào mặn, xào mẳn có đầu không cẳng,/ Xào mẳn, xào mặn, có cẳng không đầu.”. Cả hai câu đố đã khai thác tốt hiện tượng ngữ âm, hiện tượng điệp từ, điệp cú, nên không chỉ có giá trị về phương diện tư duy, mà còn có cả giá trị về phương diện nghệ thuật ngôn từ.
Mặt khác, cũng có câu đố có lớp vỏ nghệ thuật, khiến người giải khó tìm ra sự vật tương đồng nếu quá chú tâm vào hình thức nghệ thuật của câu đố. Như câu đố bàn cờ và các quân cờ: “Một mẹ tới mấy chục con,/ Con đen con trắng, con tròn mẹ vuông.”. Câu đố khai thác tốt hình ảnh ẩn dụ, hiện tượng trái nghĩa, điệp từ, nên nhiều lúc đánh lừa người giải nghĩ tới con vật hơn đồ vật. Tuy nhiên, một câu đố khác về con cua, có hình thức trình bày hoàn chỉnh dưới dạng một cặp lục bát “Con gì càng lớn càng nhỏ,/ Một mai hai mắt lò dò bò ngang?” dễ giúp người giải tìm được lời đáp, bởi những thông tin đặc trưng được cung cấp nhiều hơn và dễ nhận biết hơn được người đố nêu ở câu 8, thay vì chỉ một câu 6 chắc là khó nhận diện hơn, bởi cặp từ “càng” có thể đánh lừa người ta về mặt từ loại giữa danh từ và phụ từ. Câu đố này, nếu chỉ có một câu 6, có thể xem như hiện tượng chơi chữ khá thú vị.
Hiện tượng khai thác nét tương đồng chính xác là cơ sở của ẩn dụ từ vựng. Tuy nét liên tưởng thiếu tính bất ngờ, nhưng đặt trong ngữ cảnh phát ngôn thích hợp, vẫn tạo ra những giá trị nghệ thuật làm gia tăng sự hấp dẫn của câu đố.
2.2. Câu đố dựa trên tương đồng nghệ thuật
Loại câu đố này chú trọng những nét tương đồng bất ngờ, lệ thuộc nhiều vào ngữ cảnh câu thơ, nên những câu đố thuộc nhóm này, tách ra khỏi lời giải nó vẫn là những sáng tác thơ dân gian thú vị. Bởi nó mang đầy đủ giá trị nghệ thuật tạo hình, giá trị của những ẩn dụ tu từ, nhân hóa và cả giá trị nghệ thuật thơ với sự gắn bó từ trong niêm luật thể thơ. Có các câu đố tiêu biểu cho dạng thức này như sau:
Câu đố về thời gian (một tháng) được thể hiện phổ biến ở mọi miền là, “Ba mươi con nhốt một lồng,/ Mười con có mồng, hai mươi con không.”. Nhưng trong phương ngữ Nam Bộ, câu đố này lại có khác, “Ba mươi con ở một nhà,/ Mười con ngủ mùng, hai chục con không.”. Hai câu đố này tuy có cùng kiểu cấu trúc, nhưng do câu đố đầu có từ “mồng và lồng”, khiến người nghe nghĩ tới “con vật” (loài cầm). Còn câu đố sau có từ “mùng và nhà”, thì đối tượng được hướng tới không hẳn là con vật, mà có thể là người. Tuy nhiên, ở câu đố Nam Bộ, không chỉ đơn thuần có hiện tượng chuyển đổi ngữ âm từ “mồng” sang “mùng”, bởi người phương Nam ngoài việc gọi những ngày đầu trong tháng là “mùng một, mùng hai, mùng ba, mùng bốn…”, họ còn gọi “mồng một, mồng hai, mồng ba, mồng bốn…” như người ở các vùng miền khác; nhưng khi dùng từ “mùng” trong phương ngữ này, người ta có tính đến một nghĩa khác, được hiểu là “màn” như trong phương ngữ Bắc Bộ. Vì vậy, từ 2 câu đố, có thể thấy câu đố Nam Bộ có một ngoại diên rộng hơn nhiều nên việc xác định đối tượng nhiều khả năng nhầm lẫn hơn; riêng câu đố Bắc Bộ lại là câu thơ lục bát đảm bảo luật thanh vần, nhưng do từ “mồng” còn thêm từ “lồng” khiến ngoại diên câu đố hẹp đi rất nhiều. Từ đó, lời giải cho câu đố này sẽ sớm được nhận diện.
Tương tự, có nhiều câu đố được thể hiện dưới hình thức thơ lục bát, như:
Câu đố đám sao trời được ví như bầy cò trắng: “Bầy cò lông trắng phau phau,/ Ban đêm đi ăn, ban ngày trốn mất.”;
Câu đố con tem, người Nam Bộ còn gọi “con cò” được nhân hóa rất thú vị: “Con gì khi sống nằm yên,/ Đến khi nó chết lại đi trăm miền?”;
Câu đố trái khóm/ trái thơm, miền Bắc gọi “quả dứa” còn được nhân hóa sống động hơn: “Đầu rồng đuôi phụng cánh tiên,/ Hàng trăm con mắt láo liên nhìn trời.”;
Hay câu đố gốc tre khô cũng được nhân hóa độc đáo: “Ông già ổng chết đã lâu,/ Con mắt trao tráo, hàm râu vẫn còn.”…
Nhóm câu đố này thể hiện sự liên tưởng tương đồng nghệ thuật rất chính xác, nhưng cũng hết sức bất ngờ, nên khi sáng tạo, tác giả dân gian không chỉ chú trọng để tạo thành hình thức câu đố khó đoán; mà còn quan tâm miêu tả thực tại như một tác phẩm thơ, với đầy đủ yêu cầu của việc sử dụng thi pháp nghệ thuật.
Ngoài ra, có những thực tại khó đoán hơn nên khi xây dựng câu đố, tác giả dân gian một mặt đưa vào câu thơ nhiều chi tiết thuộc tính liên quan tới sự vật, hiện tượng được nhắm tới. Đồng thời, cũng có nhu cầu miêu tả chúng trong quá trình vận hành, khiến người giải khó tìm ra lời đáp. Mặt khác, người làm còn có nhu cầu tạo nên một tác phẩm thơ dân gian có độ rộng, không chỉ về mặt hình thức nghệ thuật mà còn hàm chứa nội dung thông tin phong phú hơn. Chẳng hạn:
Câu đố bàn tay: “Năm ông cùng ở một nhà,/ Tình huynh nghĩa đệ vào ra thuận hoà./ Bốn ông tuổi đã lên ba,/ Một ông đã già nhưng mới lên hai.”. Chi tiết nghệ thuật thú vị, khéo léo trong câu đố này là chỗ quan niệm: một ngón cái (một ông đã già) và bốn ngón con (bốn ông), nhưng ngón cái chỉ có 2 lóng (tuổi lên hai), còn các ngón con đều có 3 lóng (tuổi lên ba).
Câu đố đôi mắt: “Sinh đôi cùng lúc cùng giờ,/ Hai nhà cùng có hai bờ hàng cây./ Khi ngủ cùng ngủ một giây,/ Khi buồn cùng lúc trời đầy mưa tuôn.”. Chi tiết hết sức bất ngờ của câu đố này chính là cặp “sinh đôi”, nên thường giống nhau như khuôn. Trong cơ thể con người có nhiều cơ quan có đôi, như: tai, chân, tay…; nhưng chỉ có mắt là có “đôi bờ hàng cây ” (hai hàng lông mi), “cùng ngủ”, “cùng khóc” (trời đầy mưa tuôn).
Câu đố chu kỳ mặt trăng: “Thuở bé em có hai sừng,/ Đến tuổi nửa chừng mặt đẹp như hoa./ Ngoài hai mươi tuổi đã già,/ Quá ba mươi tuổi mọc ra hai sừng.”. Câu đố này ngẫm ra cũng rất thú vị, bởi: “thuở bé” (trăng đầu tháng) thì có “có hai sừng” (trăng khuyết), kiểu như còn bé có hai bím tóc; “đến tuổi nửa chừng” (rằm 15/ 30) thì “mặt đẹp như hoa” (trăng tròn); ngoài hai mươi tuổi “đã già” (trăng méo); quá ba mươi tuổi mọc ra hai sừng (khởi đầu trăng mới nên trăng lại khuyết)…
Các câu đố dạng này thể hiện quá trình nắm bắt thực tại hết sức chi tiết. Đồng thời, thực hiện một quá trình phác họa từ ngữ cũng hết sức dụng công, bởi nếu không sẽ khó định danh thuộc tính của thực tại bằng những tên gọi tương xứng, nhưng lại giàu tính biểu trưng nghệ thuật. Về phương diện câu đố, đây là loại câu đố ẩn chứa những liên tưởng tư duy sâu sắc, không chỉ ở người làm ra câu đố, đồng thời, chỉ có ở người giải được câu đố. Về phương diện tác phẩm, đây là những bài thơ hay, không chỉ ở giá trị nội dung mà còn hàm chứa giá trị nghệ thuật thông qua việc khéo sử dụng các phương tiện mỹ từ pháp làm sinh động nghệ thuật thơ ca.
2.3. Câu đố dựa trên luận lý khoa học
Nhìn chung, mức độ khó của “đáp số” các câu đố dựa trên cơ sở luận lý (lô gích) có phần thấp hơn loại câu đố dựa trên cơ sở tương đồng, bởi hai phần của đáp án thì được người đố cho trước một phần, nên người giải chỉ cần nắm chắt phần cho trước rồi luận suy phần còn lại. Loại câu đố này, tuy cũng được xác lập để đố, nhưng có thể nói được là “đố cho vui”, còn gọi “đố vui”. Còn mục tiêu trọng yếu vẫn là muốn cung cấp thêm thông tin cho người muốn tìm hiểu, hoặc nhắm vào giới trẻ và người bình dân ít học. Các câu đố dạng này bao gồm việc nêu ra một đối tượng chung; trên cơ sở đối tượng ấy, lại có từng câu nêu đặc trưng “định tính”, giúp người giải luận suy chính xác để phân loại đối tượng. Chẳng hạn:
Câu đố đề cập các loại bút, viết: “Bút gì nghe đã nặng rồi? (bút chì)/ Bút gì trẻ con thường chơi ngày ngày? (bút bi)/ Bút gì gọi đáp lời ngay? (bút dạ)/ Bút gì nói được mới hay mới tài? (bút đàm)/ Bút gì điện lực vẫn xài? (bút thử điện)/ Bút gì thể loại khoe tài văn chương? (bút ký)/ Bút gì kịch chiến văn thường? (bút chiến)/ Bút gì sĩ tử vẫn thường đi thi? (bút nghiên)/ Bút gì tên thật giấu đi? (bút danh)/ Bút gì “gà chết” tức thì lạ chưa? (bút sa)/ Bút gì dấu vết người xưa? (bút tích)/ Bút gì hoạ sĩ vẫn ưa thích dùng? (bút lông)”.
Tương tự, có câu đố đề cập các thành tố cà (một yếu tố vô nghĩa khi đứng một mình, ngoại trừ hiện tượng đồng âm “cà”, trong: “cà chua, cà pháo, cà tím…: “Cà gì lên khói? (cà ràng)/ Cà gì lâu nhất? (cà kê)/ Cà gì lấp lánh? (cà rá)/ Cà gì trong chùa? (cà sa)”.
Một dạng câu đố cũng có kiểu kết cấu tương tự như câu đố trên, dù câu đố này có nhiều thực tại được nêu, thay vì chỉ có một thực tại: “Một trăm thứ bông, bông chi không cánh? (bông gòn)/ Một trăm thứ bánh, bánh gì không ăn? (bánh xe)/ Một trăm thứ tăng, tăng gì không thấy? (tăng xông)/ Một trăm thứ giấy, giấy gì không trơn? (giấy nhám)/ Một trăm thứ sơn, sơn gì không phết? (sơn lâm)/ Một trăm thứ tết, tết gì của trẻ con? (tết trung thu)/ Một trăm thứ kem, kem gì không xức? (kem đánh răng/ Một trăm thứ mứt, mứt gì không ăn? (mứt tết)/ Một trăm thứ xăng, xăng gì mắc nhất? (xăng máy bay)”
Ngoài ra, có một dạng câu đố mà gần như người đố muốn giải bày tất cả các thuộc tính có liên quan tới sự vật, hiện tượng, để tạo điều kiện cho người giải tìm ra đáp số dễ dàng. Xét từ bình diện tư duy, loại câu đố này không đòi hỏi phải đào sâu nhiều thuộc tính sự vật, hiện tượng để đoán định ra thực tại. Nhưng xét từ bình diện thơ, đây lại là tác phẩm có giá trị văn chương, như bao tác phẩm văn học dân gian khác; nghĩa là, nó không chỉ chứa đựng giá trị nội dung mà còn mang cả giá trị nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật liên kết âm vận trong thơ. Chẳng hạn, có các câu đố sau:
Câu đố ngọn hải đăng: “Bơ vơ mỏm đá một mình,/ Dưới chân sóng biển rập rình quanh năm./ Ánh ngời sóng gọi xa xăm,/ Tàu to mảng bé hỏi thăm đường về.”;
Câu đố cánh buồm: “Cũng gọi là cánh như chim,/ Những ngày lặng gió nằm im khoang thuyền./ Chờ cơn gió lộng kéo lên,/ Đưa thuyền rời bến tới miền khơi xa.”;
Câu đố trái cân/ quả cân: “Không sinh từ cây, từ cội, từ cành,/ Sinh từ trí óc, bàn tay con người./ Trái gì không vị, không mùi,/ Không ăn, chỉ giúp cho đời thẳng ngay.”;
Câu đố con ngỗng: “Con gì dài cổ lêu nghêu,/ Đuổi trộm cũng tốt tiếng kêu vang nhà./ Họ cùng ngan, vịt, gần gà,/ Thấy ai lười học, thường là đến thăm?”;
Câu đố cây bông súng – cây súng: “Hai cây cùng có một tên,/ Cây xoè mặt nước, cây lên chiến trường./ Cây này ở lại quê hương,/ Cây kia hoa nở ngát thơm mặt hồ.”…
Nhìn chung, tất cả các câu đố dạng này, cần một tư duy luận lý chính xác, khoa học là đủ để xác lập được đối tượng ẩn giấu trong câu đố. Tính nghệ thuật được đánh giá cao là ở bình diện tác phẩm thơ.
2.4. Câu đố dựa trên luận lý nghệ thuật
Nhóm câu đố này cũng cần liên tưởng trên cơ sở tư duy luận lý; nhưng hình thức câu đố lại được trình bày dưới dạng hình tượng, còn bản thân lời giải đố lại được luận suy bằng tư duy nghệ thuật ngôn từ. Với hai căn cứ từ hai bình diện kể trên, các câu đố kiểu dạng này bao gồm:
Câu đố về cây đế, một loài cây hoang dại trong tự nhiên, nhưng “đế” còn hàm nghĩa là vua của các vì vua: “Nghĩ mình cũng chánh vì vương,/Vậy mà ăn tuyết nằm sương một mình. ”.
Câu đố về me dốt: chỉ tình trạng me chuẩn bị chín, có hiện tượng vừa tróc vỏ, nhưng “dốt” còn hàm nghĩa không biết chữ: “Nghĩ mình gút mắc nhiều bề,/Sử kinh chẳng thuộc, thơ đề chẳng xong.”.
Câu đố về trái sầu riêng: là một loại trái cây đặc sản của miền Tây Nam Bộ, nhưng “sầu riêng”, còn hàm nghĩa nỗi buồn tủi riêng mang: “Thảnh thơi tủi phận riêng mình,/ Vợ con xa vắng gia đình vỡ tan.”.
Câu đố về trái bí: là một loại quả thuộc nhóm rau củ quả, nhưng “bí” còn hàm nghĩa vô phương cách giải quyết sự việc: “Tới chẳng lối, lui không đường,/ Trùng trùng vây phủ tứ phương núi rừng.”.
Câu đố về cây chùm gởi: một loại cây không bám vào đất mà lại bám vào một cây khác để sống, nhưng “chùm gởi” còn hàm nghĩa sống nhờ: “Thương thay không đất cắm dùi,/ Kiếm nơi nương tựa nhờ trời hứng sương.”.
Câu đố về con trai: một loài thủy sản có vỏ bọc hai mảnh, nhưng “trai” còn hàm nghĩa trai tráng, trẻ trung: “Con gì trẻ mãi không già?”…
Tất cả những câu đố dạng này, lời giải đố bào giờ cũng có hai tầng nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng; nghĩa đen đáp ứng yêu cầu thông tin hiển ngôn của thực tại, nghĩa bóng đám ứng yêu cầu hàm ngôn của phát ngôn.
2.5. Câu đố dựa trên hiện tượng chơi chữ
Nhóm câu đố dựa trên hiện tượng này thường phần lớn khai thác hiện tượng nói lái, hoặc đôi khi khai thác sự khác biệt từ hình thái âm tiết thể hiện trên chữ viết mà tạo ra những liên tưởng từ ngữ mới, thật hết sức bất ngờ, thú vị. Các câu đố kiểu dạng này bao gồm:
Câu đó về 4 con vật (rồng, cua, rùa, công). Câu đố dạng này, không thể căn cứ vào bản thân những từ ngữ được dùng để xây dựng câu đố mà tạo được hiện tượng nói lái. Điều duy nhất đòi hỏi người giải, một mặt phải nắm được nội dung thông tin tổng thể của câu đố, mặt khác phải đáp ứng được yêu cầu đã nêu ra ở đầu đề, chẳng hạn: “Ghép tên hai con, nói lái,/ Sẽ thành ra lại hai con./ Ai từng xuống biển lên non,/ Bốn con kể đúng, vỗ giòn pháo tay.”.
Các câu đố còn lại đều ở dạng trên cơ sở các từ đã có trong câu đố, người giải phải luận suy thế nào để chọn được cặp từ tạo nên được hiện tượng nói lái có nghĩa, thì mới mong lời giải đó là đúng.
Chẳng hạn:
Câu đố về các thứ canh: “Cau vườn không bẻ lại bẻ cau ranh,/ Ông bắt được ông câu bành,/ Thầy ký bắt được thầy ký banh.”. Từ các thành tố đã nêu, ta có lời giải cau ranh là canh rau; câu bành là canh bầu; ký banh là canh bí.
Câu đố củi mục: “Giống xuồng trong ngọn bơi ra,/ Nhưng mà cụt mũi người ta vớt về.” Từ thành tố đã nêu, ta có lời giải cụt mũi <-> củi mục.
Câu đố cái ô: “Ông cố bên Tàu, ông cố ai?” Từ thành tố đã nêu, ta có lời giải cố ai là cái ô.
Câu đố con nhái lặn: “ Chèo thuyền đi đến Nam Vang,/ Viết thư nhắn lại em khoan lấy chồng.” Từ thành tố đã nêu, ta có lời giải nhắn lại <-> nhái lặn.
Câu đố gò mối: “Ông già ổng lội qua sông,/ Ông rớt cái gói, chổng mông lại mò.” Từ thành tố đã nêu, ta có lời giải gói mò là gò mối. Loại câu đố này có độ khó cao hơn bởi 2 thành tố lại không đứng gần nhau;
Câu đố con còng: “Chiếc xuồng chìm tại biển Đông,/ Vạt thì trôi hết mà cong nó còn.”; dị bản: “Ghe chài chìm giữa biển Đông,/ Bạn bè chết hết tài công có còn?” Từ thành tố đã nêu, ta có lời giải cong còn là con còng, hay công còn là con còng. Loại câu đố này có độ khó cao hơn bởi 2 thành tố lại không đứng gần nhau…
Các câu đố được thiết lập dưới hình thức nói lái trong Nam Bộ thường có khuynh hướng thay đổi phần vần giữa hai âm tiết, còn phụ âm đầu vẫn nguyên vị; riêng thanh điệu có thể hoán chuyển trật tự trước sau tùy thuộc vào đặc trưng ngữ nghĩa của đơn vị lái. Về phương diện quan hệ ngữ âm và chữ viết, tuy có sự khác biệt trong chừng mực giữa con chữ thể hiện và thanh âm, mà hầu hết người Nam Bộ đều nhận ra, nhưng sở dĩ có hiện tượng này là bởi vì trong khuynh hướng phát âm của họ có khá nhiều âm vị được thể hiện và tri nhận dưới dạng đồng âm, như: âm “-o-” và “-ô-”, các phụ âm cuối “-n” và “-ng”; “-t” và “-c” được thể hiện bằng chữ viết, “thanh hỏi” và “thanh ngã” được thể hiện bằng chữ viết…
Ngoài ra, cần ghi nhận thêm hiện tượng chơi chữ ở hai từ chỉ khác nhau ở phụ âm đầu, như trường hợp câu đố (con ốc): “Vốn là con cốc bay cao,/ Mất đầu thành giống dưới ao ăn bùn.”.
Các câu đố thể hiện dưới dạng chơi chữ nói chung, thường khó đoán định hơn nếu người giải không chú tâm vào bình diện này. Tuy nhiên, việc xác lập hình thức câu đố dưới dạng chơi chữ, một mặt vẫn đảm bảo hai phương diện nội dung và nghệ thuật của một bài thơ. Mặt khác, nó thể hiện sự thông minh, hóm hỉnh và khả năng sử dụng thành thạo tiếng Việt của người ra câu đố, và của người nghĩ ra được lời giải đúng. Nên nhớ rằng, hiện tượng nói lái trong tiếng Việt, người dân vùng miền nào cũng biết và sử dụng. Có điều hiện tượng này đã trở thành thói quen trong tâm thức người Việt Nam Bộ, dù có học hay không thì người Nam Bộ vẫn luôn nhạy bén trong mọi hiện tượng nói lái.
3. Kết luận
Thể loại câu đố dân gian Việt Nam nói chung, câu đố dân gian Nam Bộ nói riêng, vừa có những điểm chung vừa có sự khác biệt. Điểm chung là sự nhạy bén trong tư duy nhận thức của người dân khi xây dựng câu đố và tìm lời giải cho câu đố, dù dưới hình thức liên tưởng nào, dù thuộc địa hạt tư duy chính xác (khoa học) hay tư duy hình tượng (nghệ thuật), dù thuộc bình diện tư duy hay bình diện ngôn ngữ. Mặt khác, ở bình diện nghệ thuật thơ, nó còn thể hiện tài ứng khẩu thành thơ của các tác giả dân gian. Đồng thời, ở bình diện lưu truyền, các tác phẩm này luôn được tu sửa, gọt giũa để trở thành những sáng tác dân gian có giá trị cao cả về mặt nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Điểm khác biệt là ở dữ liệu câu đố, tư duy của người dân Nam Bộ là sự phản ánh thực tế vùng miền, mang nét thực tiễn cao; còn mức độ “ hoang sơ”, “thô ráp” thì chắc là cao hơn câu đố Bắc Bộ, bởi ca dao Bắc Bộ vốn được nhìn nhận có tính “mượt mà” và “thướt tha” hơn. Nhưng trong thưởng thức nghệ thuật, nghệ thuật văn chương dân gian nói riêng, vấn đề là ở nhu cầm thưởng thức thẩm mỹ ở mỗi vùng miền, hơn là việc lượng giá ở những thuộc tính vừa nêu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ninh Viết Giao, 2008. Câu đố Việt Nam. NXB Văn học.
2. Triều Nguyên, 2011.Câu đố người Việt. NXB Lao động.
3. Nhiều tác giả, 2007. Tìm hiểu mô hình câu đố. NXB ĐHSP Hà Nội.
4. Từ Phát, 1971. Thai đố phổ thông dẫn giải. NXB Văn học.
5. Huỳnh Công Tín (chủ biên), 2021. Văn học dân gian An Giang. NXB Giáo dục.
6. Nguyễn Văn Trung, 2007. Câu đố Việt Nam, NXB Tổng hợp TP.HCM.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu khoa học và Phát triển kinh tế
Trường Đại học Tây Đô Số 12 – 2021
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Tư duy liên tưởng trong câu đố Nam Bộ (Tác giả: Phạm Thu Hằng và Nguyễn Thị Mỹ Nhung) |