Từ những bức ký hoạ đầu thế kỷ 20 đến những ngày Tết và những Lễ hội cổ truyền

Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ  Sử học NGUYỄN MẠNH HÙNG
(Viện trưởng Viện nghiên cứu Việt Nam học)

     Văn thơ nói về Việt Nam có khá nhiều, nhất là từ khi có mặt của người Pháp và sự ra đời của chữ Quốc Ngữ – các đề tài viết về Việt Nam lại càng đa dạng, phong phú hơn. Nhưng các đề tài ấy lại rất hiếm hoi dưới ngòi bút của các hoạ sĩ. Có lẽ vì thế mà Henri Oger đã chọn chỗ đứng của mình khi ghi lại xã hội Việt Nam bằng hàng ngàn bức ký hoạ khắc gỗ độc đáo. Dù chỉ đặt tên cho công trình của mình trong một phạm vi hẹp là Kỹ thuật người An Nam(1) nhưng thực tế Henri Oger đã thực hiện một thiên phóng sự bằng hình minh hoạ đầu tiên và đồ sộ về miền Trung Du Bắc Bộ Việt Nam, nhất là về Hà Nội trong những năm 1908 – 1909.

     Mở đầu cho những trang sách của mình, Henri Oger đã viết: “Những văn sĩ có tài gợi tả không nhiều lắm ! Mặt khác đối với mọi người, sự ghi nhớ bằng mắt thì sâu đậm hơn. Bởi vậy, phần lớn công trình này là những bản vẽ và những bức ký hoạ … Đặc điểm cơ bản của bộ sưu tập là lập luận có mạch lạc. Nó không phải là sản phẩm của sự tình cờ …(2)

     Đoạn mở đầu trên đây của Henri Oger đã cho thấy giá trị của những bức vẽ. Đây không phải là một việc làm ngẫu hứng, một cảm xúc lãng mạn của người hoạ sĩ.

     Là học trò của Silvain Lévi và Finot, giáo sư tại học viện Pháp của trường Cao học thực hành và tại trường đại học Sorbonne vào năm 1907, H.Oger đã xin Bộ trưởng thuộc địa đặc ân để đến Bắc Kỳ thi hành nhiệm vụ quân sự trong năm 1908 – 1909 đã kết hợp thực hiện một dự án nhằm nghiên cứu các gia đình Việt Nam theo phương pháp chuyên khảo (méthode monographique).

     Theo phương pháp này, tác giả phân loại thành các mảng đề tài như sau :

1. Mảng công nghiệp lấy nguyên liệu từ thiên nhiên.

2. Mảng công nghiệp chế luyện các vật liệu lấy từ thiên nhiên.

3. Mảng công nghiệp đưa vào sử dụng các vật liệu đã chế luyện.

4. Đời sống riêng và chung.

     Trong đời sống riêng và chung, H.Oger lại chia nhỏ ra thành 11 tiểu mục, trong đó có: phù phép và bói toán, phép trị liệu dân gian, tranh dân gian, trò chơi và đồ chơi, Tết và lễ hội.

     Riêng đối với Tết và lễ hội mà chúng ta bàn đến Henri Oger đã cho ta thấy những bản vẽ sống động và phong tục tập quán trong một giai đoạn lịch sử đã qua, giai đoạn thực dân nửa phong kiến, mà hầu hết những hình ảnh này đã không còn trong xã hội chúng ta ngày nay nữa.

___________
(1)Henri Oger – Technique du peuple Annamite – Volume des planches – 114 Rue Jules Ferry – Hanoi (1908 –1909).

(2). Henri Oger – Archives documentaires d’art, d’ethnographie et de sociologie de la Chine et de l’Indochine – Introduction geùneùrale aø l‘eùtude de la Technique du Peuple Annamite – Essai sur la vie mateùrielle, les arts, et industries du Peuple d’Annam.

x
x x

     Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa với nền văn minh lúa nước vốn có những ngày Lễ Tết truyền thống, những ngày Lễ hội dân gian đầy ý nghĩa và vui tươi. Từ Tết cơm mới cuối vụ mùa, cho đến Lễ Tết đi săn, Lễ Tết ra xuân vào hè như Tết mưa giông, Tết Đoan ngọ (tết giết sâu bọ)…

      Đó là cả cuộc hành trình lễ hội kéo dài. Đặc biệt để tiễn mùa đông, tổ tiên Việt Nam đã ăn Tết cả, tức là Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó còn có Tết Thượng nguyên, Tết Trung nguyên, (rằm tháng bảy) của Phật Giáo và Tết Trung thu (rằm tháng tám) của trẻ em…

     Theo tục lệ cổ truyền, ngày tế Tổ, nếu là xuân lấy Tết mồng ba tháng ba, nếu là hè lấy Tết mồng năm tháng năm, nếu là thu lấy Tết Trùng dương, nếu là đông lấy Tết đông chí. Tất cả sự tính toán này đều căn cứ vào sự chuyển đổi thời tiết trong năm, căn cứ vào nông lịch phương Đông.

     Mỗi Lễ, mỗi Tết đều có nguồn gốc riêng và trong những ngày Lễ Tết ấy, người Việt Nam đều có cúng lễ lớn hay nhỏ, hoặc ở địa phương, hoặc trong cả nước.

Nguồn bài viết: PGS TS Sử học. Nguyễn Mạnh Hùng

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Kính mời Quý độc giả đón xem tiếp bài viết:

Ý nghĩa chữ “Tết” (Bài viết đang được cập nhật)

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –