Vai trò của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh
Tác giả: Thạc sĩ NGUYỄN QUỐC BÌNH
(Trường Đại học An Giang)
TÓM TẮT
Du lịch ngày nay đã trở thành hoạt động phổ biến và là nhu cầu cần thiết trong đời sống của con người. Hiện nay, ở Việt Nam, du lịch là ngành đang được chú ý phát triển và ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, mang lại nhiều lợi ích cho địa phương. Sự vận hành và phát triển của ngành du lịch cả nước nói chung và các tỉnh thành nói riêng là nhờ vào sự đóng góp của nhiều bên liên quan như các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp lữ hành, khách du lịch,… và đặc biệt là cộng đồng địa phương.
Mỗi bên có mức độ tham gia khác nhau, từ đó có vai trò và vị trí khác nhau trong ngành công nghiệp du lịch. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến một trong những bên liên quan là cộng đồng địa phương tại nơi nhận khách cùng vai trò của họ trong việc phát triển du lịch, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nhằm phát huy vai trò của cộng đồng địa phương trong phát triển ngành du lịch tỉnh Trà Vinh.
Từ khóa: du lịch, du lịch Trà Vinh, cộng đồng địa phương.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Trà Vinh là tỉnh có vị trí thuận lợi, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, phía Tây giáp với Vĩnh Long, phía Nam giáp tỉnh Sóc Trăng, phía Bắc giáp tỉnh Bến Tre, phía Đông giáp biển Đông với 65km đường bờ biển. Được mệnh danh là vùng đất mưa thuận gió hòa và là vùng đất mang nét đặc trưng cho sự giao thoa chuyển từ vùng đồng bằng sang vùng biển đã tạo cho Trà Vinh nguồn tài nguyên du lịch phong phú, bao gồm: cù lao, cồn nổi ven sông, ven biển với những vườn cây ăn trái chuyên canh; đây cũng là nơi hội tụ của ba dòng văn hóa Kinh – Hoa – Khmer với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo.
Trong những năm gần đây, ngành du lịch Trà Vinh có những chuyển biến tích cực: hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng không ngừng được đầu tư, nâng cấp và mở rộng; nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc được nhà nước xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Sản phẩm du lịch của Trà Vinh từng bước chiếm được vị trí nhất định trên thị trường du lịch từ đó lượng khách du lịch đến Trà Vinh để tham quan, trải nghiệm cũng tăng lên hàng năm. Để có được những thành tựu đó, ngành du lịch Trà Vinh nhận được sự đóng góp của nhiều bên liên quan, trong đó có cộng đồng địa phương. Bài viết tập trung làm rõ vai trò của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch và đề xuất những giải pháp nhằm phát huy vai trò của cộng đồng địa phương trong việc phát triển ngành du lịch Trà Vinh trong thời gian tới.
2. Vai trò của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh
2.1. Quan niệm về cộng đồng địa phương
Cộng đồng địa phương là một khái niệm về tổ chức xã hội đã được nhiều nhà nghiên cứu đưa ra trong các công trình khoa học với ngữ nghĩa khác nhau.
Theo Schuwuk (1999), cộng đồng địa phương được hiểu là “Tập hợp các nhóm người có chung địa bàn cư trú và có quyền sử dụng tài nguyên ở địa phương” [2].
Theo tác giả Bùi Thị Hải Yến thì “Cộng đồng địa phương là một nhóm dân cư cùng sinh sống trên một lãnh thổ nhất định, được gọi tên như các đơn vị làng (bản, buôn, sóc), xã, huyện nhất định qua nhiều thế hệ và có những đặc điểm chung về các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, sử dụng các nguồn tài nguyên môi trường, có cùng mối quan tâm về kinh tế xã hội, có sự gắn kết về huyết thống, tình cảm và có sự chia sẻ về nguồn lợi và trách nhiệm trong cộng đồng” [3].
2.2. Vai trò của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch Trà Vinh
Cộng đồng địa phương là thành viên tham gia hoạt động du lịch với vai trò là chủ thể của hoạt động bảo tồn và phát triển du lịch địa phương. Việc nhận thức và chủ động phát huy vai trò của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch là việc làm cần thiết của du lịch Trà Vinh hiện nay. Để làm được điều này, trước tiên cần xác định vai trò cốt lõi của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch Trà Vinh là gì?. Một số vai trò điển hình có thể kể đến như:
Tiếp nhận du khách: cộng đồng dân cư địa phương ở Trà Vinh dù tham gia trực tiếp hay gián tiếp trong ngành du lịch; dù làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm,… hay hoạt động du lịch với tư cách cá nhân thì nhiệm vụ chính của họ là tiếp nhận và tạo môi trường thuận lợi, tạo tâm lý thoải mái và an toàn cho du khách khi họ đến tham quan, tìm hiểu và lưu trú ở địa phương mình. Trong việc tiếp nhận du khách, bằng nhiều hình thức khác nhau, cộng đồng địa phương còn có vai trò cung cấp thông tin trước, trong và sau khi khách đến nhằm giúp du khách hiểu rõ hơn về lối sống, phong tục tập quán, các dịch vụ, các điểm đến hấp dẫn tại nơi họ đến thăm.
Tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, có sức hấp dẫn du khách từ việc khai thác, bảo tồn và phát huy nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của tỉnh. Sản phẩm du lịch được tạo ra có hấp dẫn hay không, nguồn tài nguyên du lịch có được bảo tồn và khai thác bền vững, có đủ sức hấp dẫn du khách hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của cộng đồng, phụ thuộc vào phương thức tổ chức, bảo vệ và khai thác của cộng đồng địa phương. Với lợi thế về vị trí, vừa có đồng bằng lại vừa có biển cả, cộng đồng địa phương ở Trà Vinh đã biết tạo ra những sản phẩm du lịch từ những lợi thế này, điển hình như du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch miệt vườn, du lịch đến các cồn nổi ven biển chuyên canh vườn cây ăn trái đặc sản,… Bên cạnh đó, từ buổi đầu định cư, cộng đồng ba dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã sáng tạo, nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy được những giá trị truyền thống đặc sắc như: nghệ thuật xây dựng, lối kiến trúc, cách trang trí nhà cửa, nghề sản xuất các mặt hàng thủ công, nghệ thuật ẩm thực, nghệ thuật truyền thống, trang phục, lễ hội, kinh nghiệm sản xuất,… Tất cả đã được cộng đồng địa phương khai thác để tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo của Trà Vinh là du lịch văn hóa có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách gần xa.
Tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch và đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp. Nhiều hoạt động kinh doanh du lịch mà cộng đồng địa phương ở Trà Vinh đã và đang tham gia như: cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển, vui chơi giải trí, mua sắm,… Dù kinh doanh lĩnh vực gì thì việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ là điều quan trọng nhất. Đối với bất kỳ một sản phẩm, dù là hữu hình hay vô hình, chất lượng vẫn là yếu tố hàng đầu cần được quan tâm khi cung cấp cho du khách. Chất lượng được thể hiện qua những điểm du lịch xanh, sạch, an toàn; những món ăn ngon, hợp vệ sinh; những phòng khách sạn sạch sẽ, tiện nghi; những hoạt động vui chơi giải trí đa dạng, thoải mái và an toàn cho khách; những món quà lưu niệm chất lượng và mang đậm bản sắc địa phương; những nụ cười thân thiện, thái độ niềm nở của cộng đồng địa phương, những người lao động trực tiếp và gián tiếp trong ngành du lịch;… Tất cả những sản phẩm được tạo ra có đảm bảo chất lượng và có làm hài lòng du khách, có sức hấp dẫn để du khách quay lại lần nữa hay không đều phụ thuộc vào cộng đồng địa phương – những người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào phục vụ khách du lịch.
Cung cấp sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương: tất cả tài nguyên tự nhiên và nhân văn tại địa phương đều có khả năng khai thác để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo. Tuy nhiên, để có sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú vẫn cần sự có mặt của những sản phẩm địa phương do cộng đồng tạo ra. Những sản phẩm đó có thể là nguyên liệu để chế biến các món ăn; các loại nông sản phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách như: lúa gạo, rau củ, trái cây,… Chính những sản phẩm do cộng đồng địa phương tạo ra mới là điểm nhấn thu hút du khách bởi chính kỹ thuật sản xuất, cách chọn nguyên liệu, bí quyết chế biến,… rất riêng của mỗi cộng đồng địa phương đã tạo nên cái gọi là “đặc sản địa phương”, tạo nên thương hiệu riêng của từng điểm đến, giúp phân biệt địa phương này với địa phương khác.
Hiện nay, Trà Vinh có rất nhiều đặc sản địa phương mà bất kỳ du khách đặt chân tới đều muốn một lần thưởng thức hoặc mua về làm quà cho bạn bè và người thân như bún nước lèo, bánh tét Trà Cuôn, bún suông, bánh canh Bến Có, các món ăn chế biến từ đuông, rượu Xuân Thạnh, dừa sáp,… Những sản phẩm này đã tạo nên thương hiệu rất riêng của đặc sản Trà Vinh. Có được thương hiệu này không thể phủ nhận vai trò của cộng đồng địa phương đã sản xuất nguyên liệu và tạo ra nó.
Quảng bá văn hóa, hình ảnh địa phương đồng thời tiết kiệm chi phí quảng cáo cho ngành du lịch tỉnh nhà. Việc quảng bá văn hóa có thể thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, có thể tổ chức rầm rộ thành những chiến dịch, cũng có thể thực hiện một cách lặng lẽ, sâu lắng nhưng đậm chất địa phương thông qua thái độ, cách cư xử của mỗi người dân địa phương đối với du khách. Mỗi người dân địa phương đều có thể là một hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu, quảng bá hình ảnh về văn hóa, lịch sử địa phương cho khách du lịch. Bên cạnh đó, sự hài lòng của du khách về điểm đến và chất lượng dịch vụ cũng phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của người dân địa phương. Nếu thái độ này để lại thiện cảm trong lòng của khách du lịch sẽ dẫn đến khả năng chính du khách là người giúp địa phương quảng bá, tiếp thị cho các sản phẩm du lịch mà họ biết và từng trải nghiệm, từ đó tiết kiệm chi phí rất nhiều cho việc quảng bá du lịch địa phương. Đối với vùng đất Trà Vinh, người dân nơi đây từ lâu được biết đến với tính cách thật thà, mến khách. Chính sự thân thiện ấy đã tạo được những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
3. Giải pháp phát huy vai trò của cộng đồng địa phương nhằm phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh trong thời gian tới
Cùng với sự đa dạng, hấp dẫn về tài nguyên du lịch, để thực hiện được mục tiêu cơ bản đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Trà Vinh trong giai đoạn đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030, trong thời gian tới ngành du lịch tỉnh cần có những giải pháp thiết thực nhằm phát huy vai trò của các bên liên quan, đặc biệt là vai trò của cộng đồng địa phương. Tác giả xin đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò và nhận được sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương để phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh trong thời gian tới:
– Phát triển du lịch gắn với lợi ích của cộng đồng địa phương: khách du lịch đến Trà Vinh ngày càng nhiều sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo của tỉnh trên nhiều phương diện: cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển; các điểm du lịch tự nhiên và nhân văn được bảo vệ, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo tốt hơn. Khi khai thác du lịch sẽ đem đến cho cộng đồng địa phương một nguồn lợi kinh tế, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống thông qua các hoạt động kinh doanh mà cộng đồng địa phương tham gia. Từ đó cho thấy, hoạt động du lịch và cộng đồng địa phương có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Để phát triển du lịch ở Trà Vinh trong thời gian tới cần có những giải pháp nhằm gắn kết du lịch với lợi ích cộng đồng, có như vậy cộng đồng địa phương mới tích cực tham gia và phát huy tốt vai trò của mình trong hoạt động du lịch. Những việc tỉnh cần làm trong thời gian tới là:
+ Các nhà quản lý du lịch, quản lý văn hóa, các doanh nghiệp du lịch và chính quyền địa phương cần phối hợp tốt trong công tác giáo dục cộng đồng địa phương trên địa bàn tỉnh có năng lực giao tiếp, biết giữ gìn thuần phong mỹ tục, biết phát huy lòng mến khách, tính tự tôn cộng đồng, tự tôn dân tộc để có cách ứng xử đúng mực trong giao tiếp với khách du lịch trong và ngoài nước.
+ Chú ý khôi phục và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống đã bị mai một của địa phương, khai thác vào phục vụ du lịch góp phần nâng cao trách nhiệm của người dân địa phương trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa phục vụ phát triển du lịch tỉnh nhà.
+ Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng địa phương tham gia phục vụ du khách thông qua các hoạt động như: cung cấp đặc sản địa phương phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách; sản xuất, buôn bán các mặt hàng lưu niệm mang tính đặc trưng của địa phương; làm hướng dẫn viên hướng dẫn khách tham quan; cung cấp dịch vụ lưu trú, nghỉ ngơi cho khách; vận chuyển du khách tham quan các di tích, thắng cảnh trong tỉnh bằng các phương tiện đặc thù của địa phương chẳng hạn như xe bò, xích lô nhằm tạo nên tính độc đáo trong các chương trình du lịch và để lại ấn tượng tốt trong lòng của khách du lịch,…
Những việc làm trên đây nếu được đầu tư, hướng dẫn cụ thể và thực hiện đúng cách sẽ tạo điều kiện tối đa cho cộng đồng địa phương tham gia vào quá trình phát triển du lịch và cộng đồng địa phương sẽ được hưởng lợi một cách công bằng từ hoạt động du lịch. Có như vậy hoạt động du lịch mới phát triển thực sự đồng thời ngăn chặn được tình trạng “thương mại hóa” trong hoạt động du lịch và như thế, cộng đồng địa phương mới thấy được vai trò và giá trị của mình, từ đó mới nhiệt tình trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, đóng góp tích cực và tự nguyện cho việc phát triển du lịch tỉnh nhà trong thời gian tới.
– Giáo dục nâng cao ý thức của cộng đồng địa phương trong công tác phát triển du lịch tỉnh nhà. Cộng đồng địa phương chính là những người đã sáng tạo, nuôi dưỡng và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống vốn được xem là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn nên họ cần được giáo dục về cách thức giữ gìn và khai thác một cách hợp lý. Trên thực tế, bên cạnh đại bộ phận người dân địa phương là những người thân thiện, cởi mở, lịch sự và chân thành với khách du lịch thì ở Trà Vinh vẫn có không ít những người dân do vô tình, do nhận thức chưa đầy đủ hoặc do bảo thủ, cố tình không hiểu về các mục tiêu và lợi ích mà hoạt động du lịch đã mang lại cho cộng đồng nên họ có những hành vi tiêu cực với du khách và cộng đồng như: gây gổ với du khách; gây mất đoàn kết trong cộng đồng; không ủng hộ các kế hoạch xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật để phục vụ du khách; cung cấp những dịch vụ kém chất lượng và thậm chí lừa gạt du khách làm cho du khách ngại quay lại địa phương,… Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác giáo dục nâng cao ý thức cho người dân địa phương, tuyên truyền để họ thấy rõ lợi ích từ du lịch từ đó họ mới đóng góp một cách tích cực và tự nguyện cho sự phát triển ngành du lịch tỉnh nhà.
– Cộng đồng địa phương cần được tạo điều kiện để tham gia ở các mức độ khác nhau trong quá trình quy hoạch, xây dựng và phát triển du lịch địa phương. Trong quy hoạch phát triển du lịch tại địa phương, từ việc lên kế hoạch tới việc quản lý, tư vấn và thực hiện cần có sự tham gia của cộng đồng địa phương bởi họ có thể là đối tượng trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần làm nên thành công của quy hoạch, sự phát triển ngành du lịch đương nhiên cần có sự tham gia của cộng đồng địa phương. Quá trình lên kế hoạch phải luôn luôn tính tới vai trò tham gia của người dân địa phương trên các khía cạnh, cần chứng minh cho cộng đồng địa phương thấy họ có lợi từ những kế hoạch đó, khi có được lợi ích hiển nhiên cộng đồng địa phương sẽ biết tham gia như thế nào cho hiệu quả nhất. Chỉ như vậy, du lịch mới có thể cung cấp một cơ sở bền vững cho cộng đồng địa phương và cộng đồng địa phương sẽ phát huy tối đa vai trò của mình vì mục đích phát triển du lịch địa phương.
4. Kết luận
Trà Vinh là tỉnh có đầy đủ nguồn tài nguyên để có thể khai thác phát triển du lịch. Mỗi công trình, mỗi danh thắng trong tỉnh đều là những mắc xích liên kết quan trọng trong tổng thể ngành du lịch của Trà Vinh. Chính vì vậy, thời gian qua Trà Vinh luôn là điểm đến lý tưởng để du khách đến tham quan vãng cảnh, học tập và nghiên cứu khoa học, từ đó góp phần làm cho ngành du lịch Trà Vinh không ngừng phát triển. Tiếp nối những thành công đã đạt được, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh giai đoạn năm 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2030 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Để có những thành tựu đó và để mục tiêu trở thành hiện thực không thể phủ nhận vai trò và những đóng góp to lớn của cộng đồng địa phương. Với những giải pháp đề ra, hy vọng trong tương lai các cấp các ngành trong tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng địa phương phát huy vai trò của mình, góp phần phát triển mạnh mẽ ngành du lịch Trà Vinh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Hữu Nhân (2005), Phát triển cộng đồng, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Bùi Thị Hải Yến (chủ biên) (2012), Du lịch cộng đồng. Nxb Giáo dục Việt Nam.
3. Tỉnh Trà Vinh, Du lịch Trà Vinh – tiềm năng và triển vọng.
4. UBND tỉnh Trà Vinh (2018), Kế hoạch phát triển du lịch Trà Vinh giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030.
5. Giới thiệu Trà Vinh đọc từ
https://www.dulichtravinh.com.vn/index.php/gioi-thieu/gioithieu-ve-tra-vinh
6. Vai trò của cộng đồng trong phát triển thương hiệu du lịch đọc từ
http://khoadulich.vanlanguni.edu.vn/userfiles/VAI%20TR%C3%92%20C%E1%BB%A6
A%20C%E1%BB%98NG%20%C4%90%E1%BB%92NG-dec13(1).pdf
__________
[2] Nguyễn Hữu Huân (2005), Phát triển cộng đồng, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
[3] Bùi Thị Hải Yến (chủ biên) (2012), Du lịch cộng đồng, Nxb Giáo dục, tr. 33.
Nguồn: Hội thảo Khoa học “Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa
gắn với phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh”
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Vai trò của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh (Tác giả: ThS Nguyễn Quốc Bình) |