Vấn đề loại hình văn bản

  IU.M. LOTMAN*

     0.0.

     Văn bản thường được hiểu là thông điệp riêng lẻ, tính phân khúc của nó (so với cái “không phải văn bản” và “văn bản khác”) có thể cảm nhận tương đối rõ rệt bằng trực giác.

     0.1. Nhưng sự phân khúc như thế không phân bố đồng đều ở các cấp độ. Chẳng hạn, cùng một chuỗi mệnh đề, nó có thể được cảm nhận như là chuỗi tách ra từ mệnh đề trước và mệnh đề sau trong tương quan ngôn ngữ học (ví như, tương quan cú pháp), với nhà ngôn ngữ học, nó tạo thành một văn bản và, do đang trình bày các qui tắc pháp lí nào đó, nó có thể không có sự định giới như thế. Với luật gia, nó sẽ là một văn bản nếu nhập vào một chỉnh thể rộng hơn, hoặc không phải văn bản nếu không nhập vào đó. Từ đây, có thể rút ra:

       0.1.1. Văn bản bao giờ cũng có mở đầu, kết thúc và một tổ chức nội tại xác định. Theo định nghĩa, cấu trúc nội tại là thuộc tính cố hữu của mọi văn bản. Văn bản không phải là tập hợp các kí hiệu rời rạc.

       0.1.2. Tính không đồng đều trong việc phân bố ranh giới văn bản theo cấp độ dẫn tới chỗ, muốn giải mã đầy đủ nội dung, cần dựa vào một loại hình văn bản nào đó mà nó không chỉ là sự trừu tượng hoá khoa học, nó hiện diện một cách cụ thể trong ý thức của người chuyển tải và người tiếp nhận thông tin như một yếu tố cơ bản của mã. Loại hình văn bản rõ ràng luôn phù hợp với trật tự tầng bậc của các mã.

       0.1.3. Có vẻ như việc xếp văn bản vào một phạm trù loại hình nào đó được xác định bằng nội dung (ví dụ, kết luận “đây là văn bản luật” sẽ được đưa vào nền tảng ngữ nghĩa pháp lí đặc biệt của nó) hoặc kết cấu của nó – một loại cú pháp đặc biệt chỉ có ở những văn bản nào đó (chẳng hạn: “những văn bản thực sự là truyện cổ tích thần kì là những văn bản được tổ chức theo cách nào đó”).

     0.1.4. Trái ngược với cách trên, có một giả thiết cho rằng, phương diện ngữ nghĩa và cú pháp của một văn bản cụ thể nào đó không có vai trò gì trong việc phân chia loại hình, mà chỉ là những dấu hiệu trong số các dấu hiệu nếu dựa vào đó có thể tiến hành nhận thức bản chất chức năng của văn bản.

0.1.1.4.a. Ví dụ. Pushkin đã đưa vào văn bản tiểu thuyết Dubrovski một tài liệu pháp lí đích thực – một quyết định tư pháp. Được rút ra từ tiểu thuyết, những trang ấy là một văn bản pháp lí. Sự định danh này được dựa vào ngữ nghĩa đặc biệt của chúng (sự hiện diện của các thuật ngữ páhp lí, nội dung văn bản nói chung, tương quan giữa văn bản với hiện thực ngoài văn bản) và kết cấu đặc biệt của tài liệu (chẳng hạn, kết cấu qui phạm: “Theo kết quả xét xử vụ án và trích lục được thực hiện làm từ Luật pháp tại <…> toà án huyện, QUYẾT ĐỊNH”). Trong tiểu thuyết của Pushkin, những dấu hiệu ấy không bao giờ thay đổi. Nhưng, bên cạnh đó, còn xuất hiện những dấu hiệu khác được xem là quan trọng hơn, khiến không thể gọi văn bản là văn bản pháp lí. Chẳng hạn, tài liệu pháp lí được đưa vào tiểu thuyết của Pushkin không có sự phân giới riêng – từ văn bản, nó đã thành một phần của văn bản. Những ranh giới được cung cấp cho người đọc bằng trực giác không trùng với ranh giới của nó. Được đưa vào văn bản với một chức năng – chức năng nghệ thuật – bản thân nó sẽ đạt được chức năng nghệ thuật khi, là một văn bản pháp lí đích thực, nó được xem là sự mô phỏng nghệ thuật đối với một văn bản pháp lí.

0.1.1.4.b. Thuyết minh. Khi nói về khiếm khuyết của việc phân tích văn bản từ góc độ ngữ nghĩa và cú pháp, chúng tôi đối lập nó với hướng tiếp cận chức năng, chứ không phải ngữ dụng. Lập luận không dựa vào thế này: “Ngữ dụng, chứ không phải ngữ nghĩa và cú pháp, quyết định bản chất của văn bản”, mà thế này: “Việc thay đổi chức năng của văn bản sẽ tạo ra cho nó một ngữ nghĩa mới và một cú pháp mới”. Chẳng hạn, trong ví dụ được dẫn ra ở trên, kiến tạo tài liệu theo các qui tắc hình thức của văn bản pháp lí được xem là kiến tạo theo các qui tắc của kết cấu nghệ thuật.

      0.2. Hệ thống hành chức xã hội của văn bản qui định sự phân loại theo loại hình của văn bản.

     0.3. Vấn đề nguyên nhân xuất hiện của những sự phân loại văn bản nào đó, quan hệ giữa chúng với thực tại xã hội và thế giới quan (mô hình thế giới) của nhà xã hội này, hay nhà xã hội kia và các nhóm xã hội là một vấn đề độc lập và sẽ không được đề cập trong đề cương này.

     1.0.

     Ai cũng biết, một văn bản có khả năng hành chức theo những cách khác nhau. Ngoài ra, chúng ta còn có một thực tế, trong loạt phạm trù loại hình-hành chức này thì văn bản là nhân tố sáng tạo, trong loạt phạm trù loại hình-hành chức khác, nó lại là nhân tố tiếp nhận. Đã vậy, do thường xuyên diễn ra việc tái nhận thức một cách tổng quát hơn đối với văn bản, nên các đơn vị ngữ nghĩa và cú pháp khác nhau của nó trở thành những đơn vị có ý nghĩa quan trọng về mặt cấu trúc.

     1.1. Cho nên, cần nói về tương quan giữa văn bản với hai loại hình – của người sáng tạo (người truyền đạt) và người tiếp nhận, chứ không phải một loại hình nào đó.

       1.1.1. Cách phân chia loại hình văn bản như thế tương đương với quan niệm của các nhà ngôn ngữ học về ngữ pháp của người nghe và ngữ pháp của người nói.

     1.2. Trên lí thuyết, việc đánh giá loại hình văn bản, quan hệ giữa người sáng tạo và người tiếp nhận có thể chỉ có hai loại: trùng hợp (dẫu chỉ vì người sáng tạo là người tiếp nhận) và không trùng hợp. Nhưng cần nhớ, khả năng – thuần tuý lôgíc – này được hiện thực hoá tuỳ thuộc vào hàng loạt điều kiện bổ trợ.

2.0. 

     Ch. Hockett[1] chỉ ra rằng “từ quan điểm người nghe, hệ thống cú pháp cần được nghiên cứu như một tiến trình ngẫu nhiên”[2]. Sẽ không bàn tới toàn bộ chủ đề này, nhưng trong phạm vi vấn đề đang quan tâm, chúng tôi thấy cần làm rõ thêm đôi điều. Giả sử chúng ta có một ngôn ngữ nào đó, chẳng hạn, “cấu trúc truyện kể của một tiểu thuyết viết về những bí mật”. Những tình huống ban đầu, sự kết nối giữa chúng với các tình tiết tiếp theo tạo thành truyện kể cụ thể ấy, – tất cả những cái đó, với người nghe, chỉ là sự lựa chọn được thực hiện với một xác suất rất lớn từ một loạt tình huống trong chừng mực có thể có. Ngôn ngữ L càng nhiều “văn vẻ”[3], độ dư thừa trong đó càng cao (xin giả định, L là “tiểu thuyết bí mật” đại chúng, bắt chước, hoặc văn “trinh thám rẻ tiền”, hoặc tác phẩm đạt tính nghệ thuật cao trong hệ thống mĩ học đồng nhất), thì khả năng tiên đoán ở cấp độ ấy của văn bản càng lớn. Nhưng người nghe sẽ không thể đoán định chính xác các câu hỏi: “Người ta có thể thông báo cho tôi điều gì (và với mức độ tin cậy thế nào) bằng ngôn ngữ L?” và “Thông tin mà tôi nhận được chuyển tải bằng ngôn ngữ nào?”. Ở trường hợp thứ nhất, mô hình sẽ mang tính ngẫu nhiên từ đầu chí cuối, trường hợp thứ hai chỉ nói về việc phải lựa chọn từ vô số ngôn ngữ mà tôi biết L1, L2, L3… Ln một ngôn ngữ đã được sử dụng để tiến hành truyền tin.

        2.0.1. Nếu trong đó: a) tri thức ngôn ngữ có trước sự tiếp nhận văn bản, b) truyền tin được tiến hành phù hợp tuyệt đối với các qui tắc (các qui tắc được xem là có độ ổn định cao), thì các loại hình truyện kể nào đó sẽ được người đọc lựa chọn (hoặc đánh giá) bằng cách dựa vào một mô hình xác xuất nhất định, lại nữa, sự lựa chọn từ một tập hợp khả năng nào đó sẽ thường xuyên được thực hiện. Về ngôn ngữ L, theo qui tắc nổi tiếng của Wittgenstein[4] về việc không tồn tại cái bất ngờ trong lôgíc, nó, vốn đã được nhận biết, sẽ mãi mãi cố định, không có cái thay thế.

     2.1. Trong những điều kiện ấy, người tiếp nhận không tái tạo ngôn ngữ theo hệ thống thử và sai số, mà nhận biết nó theo tín hiệu bên ngoài nào đó mà thường là chẳng có ý nghĩa quan trọng gì về mặt cấu trúc trong hệ thống ngôn ngữ (chẳng hạn, văn bản thuộc loại trinh thám có thể được nhận biết quan phong cách của trang bìa, văn bản thuộc loại thơ – ngay trước khi được ngâm lên – có thể nhận biết qua kiểu để tóc, cử chỉ của diễn viên ngâm thơ hoặc chỉ dẫn: “Hội viên Hội nhà văn, nhà thơ N phát biểu”).

3.0.

     Từ quan điểm người nghe, có thể có ba hướng tiếp cận văn bản:

     a) Sự phân loại loại hình văn bản của người nghe và người phát trùng hợp với nhau (người nghe nói chung thường nghiêng về phía cho rằng chỉ có một loại hình duy nhất “đúng”). Trong trường hợp này, người nghe muốn dựa vào tín hiệu bên ngoài để đồng nhất văn bản được tiếp nhận với một nhóm phân loại xác định theo loại hình của nó.

     b) Người nghe không quan tâm tới bản chất chức năng của văn bản trong hệ thống của người phát, mà chỉ đặt bản vào hệ thống của mình. Đây là hướng tiếp cận tiêu biểu của “phê bình hiện thực” những năm 1860, đó cũng là đặc điểm của người đọc hiện đại khi tiếp xúc với các văn bản cổ, hoặc người chép tiểu sử phục dựng hiện thực đời sống của nhà thơ theo văn bản một bài thơ trữ tình. Liên hệ với kiểu xuyên tạc, bóp méo một cách công nhiên loại trữ tình xã hội, hoặc trữ tình – chủ quan.

     c) Người nghe không nắm được hệ thống phân loại của tác giả và cố gắng tìm hiểu văn bản trong phạm vi loại hình của nó. Nhưng theo hệ thống thử và sai số, anh ta biết chắc áach đọc văn bản của mình là thiếu cơ sở và tìm cách chiếm lĩnh hệ thống của tác giả.

     3.1. Dẫu rằng bản thân cũng là người đọc và luôn tiếp xúc với độc giả khác bằng nhiều con đường khác nhau, tác giả không thể không tính tới thái độ của người tiếp nhận. Vì thế, tác giả có thể sản xuất văn bản theo các định hướng 3.0.a, 3.0.b, hoặc 3.0.c.

       3.1.1. Ở 3.0.a. Văn bản sẽ được định hướng với một hệ thống kí hiệu ổn định bên ngoài, hệ thống kí hiệu này xác nhận đặc điểm loại hình của chúng. Đó sẽ là những văn bản được công thức hoá và lễ nghi hoá một cách sâu sắc. Các đoạn mào đầu, những nhân vật khuôn mẫu dễ liệt kê vào một danh sách tình huống khép kín làm nên đặc trưng của chúng.

       3.1.2. Ở 3.0.b. Văn bản sẽ được định hướng với sự lễ nghi hoá được biểu hiện tối thiểu – đó là những tiểu thuyết theo kiểu Goncharov[5] (quan điểm của người sáng tạo: “Tôi là nghệ sĩ, chứ không phải nhà tư tưởng, việc của tôi là mô tả những điều tôi nhìn thấy, còn nhà phê bình sẽ đánh giá, bình luận), kí của “trường phái tự nhiên”[6]. 3.0.b. đòi hỏi nhất thiết phải có mặt một nhân vật thứ hai – nhà phê bình bổ sung cho tác giả. Các văn bản dự đoán cổ xưa với sự tách đôi thành người sáng tạo văn bản (Pythie[7]) và người giải đoán (tư tế).

       3.1.3. Ở 3.0.c. Các văn bản có chứa đựng yếu tố tranh luận, giễu nhại (parodie) được định hướng vào cấu trúc 3.0.a. hoặc bất kì một mối tương quan nào khác (trích lục, đề từ v.v…).

     3.2. Vì cơ cấu nhắm tới độc giả của tác giả không phải bao giờ cũng có nghĩa là một độc giả như thế phải hiện diện, cho nên có thể giả định một sơ đồ gần đúng về các kiểu quan hệ loại hình có thể có giữa tác giả và người đọc của văn bản.

Người giải thích (độc giả, thính giả)

 

 

3.0. а

3.0. b

3.0. c

 

3.1.1

1) Truyện cổ tích, được tiếp nhận bởi trẻ em, người đại diện cho ý thức văn hoá dân gian.

2) Truyện trinh thám trong sự tiếp nhận của “độc giả trinh thám”.

1) Truyện cổ tích là tài liệu giúp tái tạo hiện thực xã hội của một thời đại nào đó.

2) Phiên dịch nôm na các bản sonnet.

1) Tái tạo một cách khoa học xúc động thẩm mĩ đã mất.

2) Thẩm mĩ hoá sự “thô sơ” trong văn hoá thế kỉ XX.

Người sáng tạo văn bản

3.1.2

1) Thụ cảm huyền thoại hoá vật liệu báo chí bằng ý thức ngây thơ (nhận biết bằng các phạm trù của cổ tích hoặc huyền thoại).

2) Tác giả văn tuyển kể lại “cho trẻ em” tiểu sử một “vĩ nhân”.

1) “Văn học nghệ thuật”[8] theo hệ thống thuật ngữ của Bielinski (nhà văn đưa ra một tài liệu chân thật – giải thích nó là công việc của nhà phê bình)

2) “Phê bình hiện thực” những năm 1860.

3) Tư liệu thống kê, tài liệu tra cứu.

4) Văn bản ngụ ý về sự hiện diện của “nhà tiên tri” và “người giải thích”[9].

Chuyên khảo Phương pháp nghệ thuật của Goncharov.

 

3.1.3

1) Hoạ lại tranh của hoạ sĩ thế kỉ XIX trên hộp Palekh[10]

2) Folclore hoá các văn bản của Pushkin.

Chekhov qua sự thuật lại của V. Ermilov[

11]

1) Văn bản xoá bỏ khuôn sáo văn học với tinh thần luận chiến (“Tập truyện của ông Belkin”)

Chú thích cho bảng 3.3.

      a) Các vị dụ dẫn ra trong bảng chưa thể cung cấp đầy đủ các trường hợp tương quan giữa các loại hình của thái độ tác giả và độc giả đối với văn bản.

     b) Để đơn giản hoá hàng loạt trường hợp, “người tiếp nhận” (độc giả) và người kể lại, “người thuật lại” (người diễn giải) được đồng nhất với nhau. Khi mô tả chi tiết hơn, tất cả các trường hợp tổ chức văn bản có sự tham gia của người môi giới cần tách ra thành các cặp: “tác giả – người môi giới (người tiếp nhận)” và “người môi giới (người truyền đạt) – độc giả”.

     Bảng trên chỉ cung cấp những thí dụ về các loại hình văn bản có thể có, hơn nữa, mức độ đích đáng của những thí dụ riêng lẻ rõ ràng vẫn còn có thể bàn cãi.

      3.4. Các văn bản thực tế là một bức tranh hỗn hợp phức tạp của chín loại hình văn bản đã được giới thiệu.

4.0.

     Dưới ánh sáng của những điều đã nói, có thể tiến hành một số quan sát đối với vấn đề then chốt về tiêu chí phân chia văn bản thành loại “nghệ thuật” và “phi nghệ thuật” (không phải theo nghĩa là phẩm chất nghệ thuật thấp, mà là những văn bản không thuộc về nghệ thuật). Luận điểm then chốt: “bất kì văn bản nào cũng có khả năng biến thành văn học” (А. М. Pjatigorski) – vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, nó cần phải có một số giới thuyết bổ sung.

     4.1. Cần làm sao để sự phân chia thành văn bản “nghệ thuật” và “phi nghệ thuật” hiện diện trong tâm trí người tiếp nhận, nhưng không cần phải có sự tham gia của nó trong tâm trí người sáng tạo văn bản.

     4.2. Trong trường hợp sau, hiệu quả nói trên sẽ không thể xuất hiện nếu người diễn giải đứng ở ccs vị trí 3.0.a. và 3.0.c.và có thể xuất hiện ở trường hợp 3.0.b.

__________
[1] Charles Francis Hockett (1916-2000): Nhà ngôn ngữ học, nhân chủng học, giáo sư mộ trong những đại biểu nổi tiếng nhất của chủ nghĩa cấu trúc ở thế hệ thứ hai của Mĩ. Ông là tác giả của hàng loạt công trình về ngữ âm học và hình thái học, về phương pháp mô tả ngôn ngữ, về ngôn ngữ người da đỏ Bắc Mĩ, ngôn ngữ Trung Hoa….-ND.

[2] Ch. Hockett.- Ngữ pháp của người nghe// Cái mới trong ngôn ngữ học. T.4. M., 1965. Tr. 139.

[3] Dịch từ chữ: фразеологичен (tiếng Pháp: phra séologique). Trong bản tiếng Nga của Iu.M. Lotman, chứ này được để trong ngoặc kép, nên chúng tôi dịch là “văn vẻ”.- ND.

[4] Ludwig Josef Johann Wittgenstein – nhà triết học, lô gíc học người Áo, đại biểu của triết học phân tích và là một trong những nhà tư tưởng xuất sắc nhất của thế kỉ XX. Ông đã đề xướng cương lĩnh sáng tạo ra một ngôn ngữ nhân tạo “lí tưởng” mà ngôn ngữ lô gíc toán học là kiểu mẫu của nó. Ông phát triển học thuyết nguyên tử luận lôgíc như là sự phóng chiếu của cấu trúc tri thức lên cấu trúc thế giới.- ND.

[5]  Ivan Alexandrovich Goncharov (1812-1891): Nhà văn hiện thực Nga. Ông nổi tiếng với bộ ba tiểu thuyết: Chuyện bình thường (1847), Oblomov (1859) và Vách đứng (1870).- ND.

[6] Tên gọi một xu hướng và cũng là một giai đoạn sáng tác chịu ảnh hưởng sâu sắc sáng tác của N.V. Gogol, làm thành chủ nghĩa hiện thực trong văn học Nga vào những năm 1840. Các nhà văn tiêu biểu của trường phái này là: I.S. Turgheniev (1818-1883), F.M. Dostoievski (1821-1881), D.V. Grigorovich (1822-1900), A.I. Ghersen (1812-1870), I.A. Goncharov, N.A. Nhecrasov (1821-1878), I.I. Panaev (1812-1862), N.G. Secnysevski (1828-1889), M.E. Saltykov-Sedrin (1826-1889) v.v…- ND.

[7] Nữ tu sĩ Apôllông, người truyền sấm ngữ ở đền Đen -phơ

[8] Tiếng Nga: “Беллетристика” (gốc từ tiếng Pháp: “belles lettres” – khái niệm chỉ văn học nghệ thuật.

[9] Trường hợp lí tưởng sẽ là văn bản được tạo ra bằng cách sau đây: “nhà tiên tri” thốt lên một cái gì đó hoàn toàn bí hiểm, còn “người giải thích” (hiển nhiên đây không phải là kẻ lừa đảo) thì thuyết minh: “Người nói rằng…”.

[10] Palekh: Một làng nhỏ, giống như thị trấn, trung tâm hành chính của quận Palekh tỉnh Ivahov. Tranh vẽ trên hộp của Palekh: Là nghề thủ công phát triển ở làng Palekh. Những tiểu hoạ sơn mài của làng Palekh thường được vẽ trên hộp đựng đồ trang sức, tráp, bình, ché, trâm cài đầu, gạt tàn thuôc, kẹp cà vạt…- ND.

[11] Vladimir Vladimirovich Ermilov (1904-1965): Nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học Xô Viết, giải thưởng Stalin hạng Hai (1950), là uỷ viên Ban chấp hành Đảng cộng sản Liên Xô (từ 1927). Ông in chuyên luận A.P. Chekhov (1860-1904) và năm 1949.- ND.

(1966)

Người dịch: Lã Nguyên

Nguồn: Nguồn: М. Ю. Лотман.- СЕМИОСФЕРА.-  Санкт-Петербург,
“Искусство-СПБ”, 2000 г. Cтр. 17 – 24

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)