Văn học dân gian trong đời sống của cộng đồng người Thái ở Nghệ An
Tác giả bài viết: BÙI MINH THUẬN
(Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Vinh)
TÓM TẮT
Trong văn hóa thì văn học là loại hình, lĩnh vực quan trọng thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người. Người Thái là dân tộc thiểu số có đời sống văn hóa rất phong phú, đa dạng và có vai trò quan trọng ở vùng miền Tây Nghệ An. Nền văn học dân gian Thái là di sản nghệ thuật quý báu, phản ánh rõ nét đời sống văn hóa – xã hội của tộc người và đóng vai trò quan trọng tạo ra các giá trị chuẩn để con người vươn tới, từ đó hình thành nên phẩm chất con người. Đồng thời, văn học là một trong những động lực trực tiếp góp phần xây dựng nên nền tảng tinh thần của cộng đồng và xây dựng, phát triển văn hóa.
Từ khóa: Văn học; văn học Thái; văn học dân gian Thái Nghệ An.
1. Đặt vấn đề
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất trong cả nước và cũng là nơi sinh sống của nhiều thành phần dân tộc khác nhau. Theo số liệu thống kê tính đến ngày 1/7/2015, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có tất cả 39 dân tộc thiểu số, với số lượng là 466.161 người. Ngoài các dân tộc di cư từ nơi khác đến trong khoảng mấy chục năm trở lại đây, có 5 dân tộc đã sinh sống từ lâu đời trên mảnh đất vùng miền Tây Nghệ An là Hmông, Khơ mú, Thái, Thổ và Ơ đu. Trong đó, cộng đồng người Thái có số lượng dân cư đông đảo nhất với 324.120 người, chiếm 69,53% tổng số người dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh (Dẫn theo số liệu của Phòng Chính sách, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cung cấp).
Văn học Thái ưa nay đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập và giới thiệu trong nhiều loại ấn phẩm khác nhau, hầu như tất cả đều có một nhận định chung rằng dân tộc Thái có một nền văn học phong phú và đặc sắc. Để minh chứng cho nhận định ấy, các nhà nghiên cứu đã giới thiệu, phân tích, đánh giá những giá trị hình thức và nội dung của nền văn học Thái trên các thể loại như ca dao, tục ngữ, câu đố, truyền thuyết, thoại, truyện thơ, truyện lịch sử…
Văn học dân gian là một trong những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của người Thái. Những lời thơ giàu nhạc điệu, giàu tình cảm đã khơi gợi cho người đọc cả một thế giới tâm hồn phong phú. Văn học Thái mang đậm yếu tố trữ tình với những sắc thái, tình cảm thiết tha, đậm lòng nhân đạo cho ta thấy rõ đời sống tình cảm nhuần nhị của đồng bào Thái.
Thông thường, khi nghiên cứu văn học của một dân tộc, một quốc gia, người ta thường phân chia thành hai loại chủ yếu là văn học dân gian và văn viết, với ngầm định tiêu chí cho từng loại. Trong văn học của đồng bào dân tộc Thái, rất khó tìm ra một ranh giới rõ ràng cho sự phân định giữa hai dòng văn học dân gian (folklore) và văn học viết. Bài viết này không nhằm mục đích phân tích sự phân định ấy mà nhằm làm rõ những giá trị đặc sắc trong các sáng tác văn học và ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách văn hóa trong cộng đồng người Thái miền Tây Xứ Nghệ (Trần Văn Thức, 2017).
2. Truyện kể dân gian
Truyện kể dân gian của đồng bào Thái ở miền Tây Nghệ An rất phong phú đa dạng. Loại hình này được đồng bào Thái lưu truyền đến ngày nay chủ yếu bằng phương thức truyền miệng. Nội dung của các truyện kể là giải thích về nguồn gốc loài người, về các hiện tượng trong tự nhiên, về các anh hùng dân tộc, về quá trình thành lập bản mường, về tình yêu đôi lứa, về cuộc đấu tranh giữa cái thiện với cái ác, tốt với ấu, giàu với nghèo… để giáo dục con người trong ã hội (Vi Văn An, 2017, tr. 311).
Theo quy luật phát triển tất yếu của ngôn ngữ, một khi chưa có chữ viết hoặc chữ viết chưa được thông dụng thì văn vần hầu như chiếm ưu thế trong đời sống sáng tác của các dân tộc. Do đó, truyện kể của đồng bào Thái chủ yếu diễn đạt bằng văn vần, còn văn xuôi chưa xuất hiện. Đồng bào thường gọi hình thức này là Lái (truyện kể). Xét cho cùng, Lái cũng là một loại hình như vè kể chuyện của bà con miền xuôi (chẳng hạn vè về nhân vật anh hùng Đốc Thiết ); Lái cũng là truyện thơ như Lái nộc yêng; Lái là vè kể truyện lịch sử mang tính sử thi như Lái Khủn Chưởng; Lái cũng là thần thoại, truyền thuyết, cổ tích Tất cả đều thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan, thể hiện ước mơ khát vọng về cuộc sống hạnh phúc, khao khát có cuộc sống tự do, công bằng của đồng bào nơi đây. Truyện kể của đồng bào Thái ở miền Tây Nghệ An gồm nhiều loại, có thể chia theo từng nội dung như sau
* Truyện kể việc xuống mường
Các truyện kể việc xuống mường tiêu biểu như Lái lóng mương (kể về quá trình con người xuống mường, phải đấu tranh gay gắt với lực lượng nhà trời ), Lái khoải lóng mương (kể chuyện các con vật xuống mường), Đặc biệt, truyện Lái Ai Cắp và Y Kèo kể về sự tức giận của Ông Trời trước cách sống ngang ngược và bướng bỉnh của con người, vì vậy trời đã tạo nên một trận hồng thủy để trừng phạt những hành động đó. Sau trận hồng thủy, mọi người chết hết chỉ còn lại Ai Cắp và Y Kèo là sống sót. Sở dĩ có điều này là do Ai Cắp và Y Kèo được một con chim cu xanh mách cho cách để lánh nạn, đó là lấy một quả bí đục lỗ rồi chui vào đó trốn. Khi nước rút, họ sống trơ trọi trên trần gian, sau đó được Pọ Phạ cho làm vợ chồng rồi sinh con đàn cháu đống. Ngụ ý của câu chuyện muốn nói, người Kinh, người Thái, người Khơ mú, người Hmông đều được sinh ra từ bọc thai của Y Kèo và là anh em một nhà. Do đó, tuy có những khác biệt trong đời sống văn hóa và sinh sống ở những khu vực khác nhau nhưng phải luôn đoàn kết, yêu thương nhau.
* Truyện kể về việc khai phá xây dựng bản mường
Đây là những câu chuyện thể hiện tinh thần muốn chế ngự thiên nhiên. Sức mạnh của tự nhiên thường thể hiện ở các hình tượng con yêu tinh, đười ươi, con hổ, con rồng, con rắn khổng lồ, con trăn kỳ lạ… Với sự nỗ lực phi thường của mình, con người đã chiến thắng được các thế lực tàn bạo. Những câu chuyện đó vừa có tính hiện thực, vừa là sản phẩm của ước mơ và trí tưởng tượng. Đó là các chàng dũng sĩ có sức khỏe phi thường, những người khổng lồ có lòng cứu nhân độ thế một cách vô tư, hồn nhiên như dũng sĩ Ai Chệt Hay, dũng sĩ chạy nhanh như gió, Tạo Nọi, Tô Má Nhủi, Xin Xây, Gia Ba Sử , chàng giết hổ, Vừ Lin Thoong. Những câu chuyện này, nếu chúng ta bóc cái màn thần linh huyền bí, sẽ biểu lộ rõ ý chí đấu tranh bất khuất của đồng bào Thái trước sức mạnh của thiên nhiên để cùng nhau chung tay dựng bản, lập mường.
* Truyện kể về đời sống, sinh hoạt bản mường
Đó là những câu chuyện kể về các hoạt động tôn giáo nguyên thủy, về tín ngưỡng tô tem của đồng bào Thái như truyện Con bìm bịp kể về vật tổ của họ Hạ đã giúp một người họ Hạ biết được thứ lá quý để chữa bệnh hiểm nghèo; truyện Chim tăng lo kể về một trong những vật tổ của họ Lo Kăm, đã giúp dòng họ này tìm ra được giống lúa giữa lúc cái chết kề bên; truyện Con rắn vật tổ của họ Ngân, đã giúp họ Ngân tìm ra được nguồn nước uống trong lúc nắng hạn. Truyện Cái lốt khái kể về một chàng trai nghèo khổ làm nghề đi săn, chàng đã lấy được cái lốt khái của một cô gái đẹp. Sau đó hai người lấy nhau, sinh ra được bốn người con đặt tên là Lộc, Lữ, Lương, Quang. Cô gái đó chính là một nàng tiên. Một hôm nọ, cô tìm được cái lốt khái và chạy vào rừng. Từ đó, cha con sống với nhau. Sau khi người cha chết, ông truyền cho mỗi người con mang tên một họ và con cháu không được giết hổ, không ăn thịt hổ, thấy hổ chết phải để tang… Đó còn là những chuyện cắt nghĩa cho sự hình thành các địa danh lạ như Sự tích các hang động ở lèn Vua là do quân của thần Nước xuyên thủng núi để đánh nhau với thần Núi mà thành; Sự tích bản Kăm là do một người đàn bà rách rưới, bẩn thỉu, ghẻ lở, đến thử lòng người trong bản mà có… Đó còn là những truyện không chỉ giải thích các hiện tượng tự nhiên mà còn mang nội dung xã hội sâu sắc, nhắc nhở giáo dục bà con sống có đạo lý ở đời như Sự tích ruộng Na Nhung, quỷ Muỗi nói về tình bà cháu; Sự tích mỏm Pỏm Mồng nói về tình vợ chồng; Sự tích Mai rùa nói về tình cha con; Sự tích Hòn đá Củ Xôi nói về sự không nên tò mò
* Truyện ca ngợi bản mường
Tiêu biểu như các câu chuyện Lái nộc yêng, Lái Khủn Chưởng, Lái Khủn Tưởng… Lái nộc yêng (tức truyện Chim yểng hay Đôi yểng vàng), thông qua việc hỏi đáp của hai vợ chồng đôi chim yểng trong lúc đi đường, truyện nhằm ca ngợi Quỳ Châu (được hiểu không chỉ Quỳ Châu ngày nay mà cả Phủ Quỳ trước đây. Phủ Quỳ trước đây bao gồm 4 huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Tân Kỳ và Nghĩa Đàn ngày nay), với núi sông hùng vĩ, bản làng đông vui, nhà nhà giàu có, cảnh trí nên thơ, trai gái xinh tươi, phong tục tốt đẹp. Những nơi đôi chim yểng bay qua từ Mường Nọc, Mường Hin đến Mường Mủn, Mường Miêng, Mường Chiêng Ngam “ngó chỗ nào cũng đẹp, nhìn chỗ nào cũng xinh”. Rất nhiều câu trong truyện Lái nộc yêng đã được các chàng trai, cô gái lấy ra để hát đối đáp với nhau trong các dịp vui như mừng nhà mới, mừng đám cưới, qua các điệu hát nhuôn, xuối, lăm, khắp.
Lái Khủn Chưởng được em là bản anh hùng ca Thái, là tác phẩm sử thi tiêu biểu của người Thái. Nó được lưu truyền rất lâu đời và sâu rộng trong nhân dân bằng nhiều hình thức như kể, hát (hắp), khóc (hày), múa (txạ) và ghi vào sách bằng chữ Thái cổ, trong đó phổ biến nhất là hát. Từ cụ già đến em bé, không ai không mê say tác phẩm này. Mặc dù có chữ, nhưng người ta không tìm thấy tác giả của Khủn Chưởng. Những người chủ sách đều nhận là ghi lại của “người trước” (tức là của tập thể dân tộc Thái). Trong sử thi Chương của người Thái cũng đã phân biệt Chương Han của người Thái Tây Bắc, Thạo Hùng – Thạo Chương của người Thái – Lào, Khủn Chưởng của người Thái. Như thế vừa có sản phẩm của dân tộc, vừa có sản phẩm của vùng trong dân tộc, cùng với tập thể tác giả của chúng (Phan Đăng Nhật, 2005). Qua việc sưu tầm, biên dịch của các nhà nghiên cứu, về cơ bản thì sử thi Khủn Chưởng đã được phục hồi và chia làm hai phần: phần thứ nhất là Xôn Cháng Ồm (Chiến công của người cha) gồm có các chương Khủn Chỏm xin con, Cưới nàng Ảm Pím, Lấy Ngọm Muồn, Đánh Phà Huồn; phần thứ hai là Xôn Cháng Nọi (Chiến công của người con) gồm có ba chương Chuộc xác, Chuộc khí tài, Diệt mường. Nội dung của Khủn Chưởng diễn tả hai nhiệm vụ của anh hùng sử thi (đánh giặc và lấy vợ) một cách phong phú và đặc sắc. Mục tiêu cuối cùng của cuộc đời chinh chiến của cha con Chưởng là đem lại cuộc sống hòa bình, ấm no cho mọi người.
“Thắng giặc rồi, từ đây và mãi mãi
Hãy cùng dân sửa sang lại bản mường
Dạy cho dân chăm chỉ ruộng đồng
Cho mọi người cơm no, áo ấm
Muôn năm trong cuộc sống vui tươi
Bố con ta có lúc thảnh thơi
Xin ông trời bắc cầu vàng, cầu bạc cho qua
Ta sẽ trở về với Hạ Xái quê hương xứ sở”.
(Phan Đăng Nhật, 2005, tr. 55)
Một trường ca nữa cũng được em là nổi tiếng của đồng bào Thái mà chúng ta không thể không nhắc tới là Lái Khủn Tưởng. Trường ca này được chia làm ba phần là Khủn Tưởng – Khủn Tinh – Nàng Ni, dài trên một nghìn câu, thể hiện khát vọng của người Thái làm chủ mường Đất, lại muốn làm chủ cả mường Nước và mường Trời. Điều đặc biệt, chúng ta cần lưu ý ở câu chuyện này là việc ây dựng hình tượng Ám Cai – con của Khủn Tinh và Nang Ni. Khủn Tinh là con trai của Khủn Tưởng (người) và nàng Ẹt Khay (rồng) nên Khủn Tinh mang dòng máu của cả người và rồng. Còn Nang Ni, tuy là vượn, nhưng được ghi nhận là ở trong dòng dõi của Then Thượt trên trời, nên Nang Ni thuộc về tiên giới. Ám Cai là con trai của Khủn Tinh (người – rồng) và Nang Ni (tiên) nên Ám Cai có trong cơ thể mình cả ba dòng máu người – tiên – rồng. Hình tượng Ám Cai chào đời được miêu tả rõ trong Huyền thoại Khủn Tinh của tác giả Sầm Văn Bình (Sầm Văn Bình, 2006).
“Dẻo dai tựa Chông La mường nước
Khỏe như tầng rễ đất Chiêng Chan
Tinh nhanh như vượn chúa mường
Ngời ngời bên cạnh mẹ rừng Nang Ni…”
(Phan Đăng Nhật, 2005, tr. 76)
* Truyện nói về các quan hệ xã hội ở bản mường, ở gia đình
Đó là chuyện nói về các mối quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. Các truyện kể tiêu biểu như Miếng da trâu, Nàng Tóc thơm , Chàng Voi, Chàng Rùa, Con cá măng, Nàng Côi, Chàng Mong… Nhân vật chính của những câu chuyện này thường là người mồ côi, người đàn bà góa hay người con út trong gia đình. Họ là những người dân lao động nghèo khổ, thật thà, hiền lành, chăm chỉ, sống vị tha, luôn sẵn lòng tương trợ giúp đỡ người khác khi gặp hoạn nạn. Song họ lại luôn gặp những điều không may do thiên nhiên, do bọn cầm quyền (chúa đất, chúa mường ) ám hại, đối thô bạo, dã man. Tuy nhiên, với bản chất lương thiện, tốt đẹp, họ đã được các lực lượng siêu nhiên giúp đỡ; và bằng sự thông minh, dũng cảm, tài trí, họ đã vượt qua những khó khăn, trắc trở, để xây dựng cuộc sống no đủ, yên lành và hạnh phúc. Các câu chuyện này có tác dụng giáo dục con người sống lương thiện, nhân ái, đồng thời phản ánh mơ ước của con người về một xã hội công bằng, tốt đẹp và đầy tình yêu thương.
* Truyện nói về tình yêu trai gái, hạnh phúc lứa đôi
Đây là mảng đề tài được đề cập nhiều, với những chuyện kể khá tiêu biểu như Chàng Chồn – Nàng Cả , Tạo Kha – Nàng An, Nàng Đỉ – Chàng Măn, Khủn Lố – U Tiếm, Noóng Bua, Sự tích hòn Đá Thề. Các câu chuyện phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau của tình yêu trai gái đó là những mối tình trong sáng, gắn bó, keo sơn, nhưng không đấu tranh được với những quyền lực trong xã hội, trong gia đình, những tục lệ khắt khe nên đã đưa đến cái chết thê thảm như Khủn Lố – U Tiếm, như đôi trai gái trong Sự tích hòn Đá Thề; đó là những câu chuyện lên án các cô gái hay chàng trai không chung tình, vì bị sắc đẹp hay vật chất cám dỗ; đó còn là những chuyện tình ban đầu éo le, trắc trở nhưng nhờ có lòng thủy chung son sắt, có tình yêu mãnh liệt, nên họ đã vượt được mọi khó khăn để đi đến bến bờ hạnh phúc.
Ngoài ra, đồng bào Thái còn có những câu chuyện ngụ ngôn, chuyện mang nội dung đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp. Qua đó, cho thấy kho tàng truyện kể nơi đây rất phong phú, đa dạng, để lại gia tài lớn trong kho tàng văn học Thái nói riêng, văn học Việt Nam nói chung.
3. Truyện thơ, đồng dao, ca dao, tục ngữ
Quý độc giả vui lòng xem tiếp bài viết trong tệp PDF đính kèm bên dưới.
Nguồn: Tạp chí khoa học Trường Đại học Vinh, Tập 48 – Số 3B/2019, tr. 91-101
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Văn học dân gian trong đời sống của cộng đồng người Thái ở Nghệ An (Tác giả: Bùi Minh Thuận) |