Văn xuôi về đề tài đồng tính từ cuối thập niên 90 của thế kỉ XX ở Việt Nam – Một bộ phận của văn học đương đại
PROSE ON HOMOSEXUALITY THEMES FROM THE LATE 1990S
OF THE TWENTIETH CENTURY IN VIETNAM –
A PART OF CONTEMPORARY LITERARY
Tác giả bài viết: LÊ THỊ THỦY
(Khoa Ngữ Văn và Địa lí – Trường Đại học Hải Phòng)
TÓM TẮT
Những năm cuối của thế kỉ XX ghi nhận sự phát triển rầm rộ và một hiệu ứng sáng tác mạnh mẽ của mảng văn xuôi viết về đề tài đồng tính. Với một đội ngũ viết trẻ, mảng văn học này đã có nhiều cách thức nhằm thỏa mãn sự đa dạng của nhu cầu đọc. Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển trong bối cảnh đương đại, bộ phận văn xuôi đồng tính cần dự tính những đường thoát mà ở đó, việc phản ánh chân dung cộng đồng giới tính thiểu số nên/phải được bình thường hóa.
Từ khóa: văn xuôi đồng tính, thập niên 90, văn học đương đại.
ABSTRACT
The last years of the twentieth century witnessed the rapid development and a powerful effect of prose on homosexuality. This literary has many ways to satisfy the variety of reading demand with the young writing team. However, the writers have encountered challenges because of the overwhelm present and scabrous future. In the contemporary context, the homosexual literary should project the escape paths in order to survive and to expand after all, in which describing the portrayal of the minority sex community should be normalized.
Keywords: homosexual prose, 1990s, contemporary literary.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Đề tài đồng tính trong lịch sử văn học Việt Nam có thể nói là một “người lạ quen biết” bởi theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu, nó đã manh nha từ trong lòng nền văn học folklore. Tuy vậy, vì nhiều lí do (chủ yếu là do chế định văn hóa phương Đông và ảnh hưởng của lễ giáo phong kiến), vấn đề này vẫn chưa được đánh giá thỏa đáng. Nhiều nhà chuyên môn còn phân vân, lưỡng lự khi nhận định liệu có nên coi văn học đồng tính với tư cách một dòng văn học hay không. Điều này cũng có nguyên do của nó. Thứ nhất, số lượng tác phẩm viết về đề tài đồng tính không nhiều trong tương quan so sánh với các đề tài văn học khác (ví dụ như đề tài chiến tranh, đề tài nông thôn…), và trong số không nhiều ấy, đôi khi lại lẫn vào những tác phẩm chưa thật sự có giá trị văn học. Thứ hai, do cộng đồng LGBT (Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender) trong định kiến của số đông vẫn chỉ được xem là một cộng đồng thiểu số. Tiếng nói của họ, do đó là tiếng nói thiểu số, dị biệt dễ khiến người ta liên tưởng đến một “ghetto”1 thời hiện đại. Tuy nhiên, đồng tính đã, đang và sẽ trở thành một phần tất yếu của đời sống đương đại, mặc kệ người đời muốn nói gì, làm gì. Và văn học (nhất là mảng văn xuôi) viết về vấn đề này kể từ sau dấu mốc 1999 (với sự ra mắt của tiểu thuyết Một thế giới không có đàn bà – Bùi Anh Tấn) đã thực sự khởi sắc, chí ít cũng tạm thời tạo ra được một trào lưu sáng tác trong giới trẻ còn nối dài đến giờ.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Thực trạng văn xuôi về đề tài đồng tính Việt Nam
Nằm trong vùng đánh giá là ngoại biên, không chính thống, văn xuôi viết về đồng tính bị nhiều nhà nghiên cứu gọi là loại “cận văn học”, “văn học thị trường”, song không vì thế mà nó tỏ ra nao núng. Một đợt sóng sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết, tự truyện, hồi kí… về những thân phận LGBT theo cả hai đường xuất bản bằng sách lẫn “xuất bản online” bước đầu đã thu về những kết quả đáng kinh ngạc. Đồng thời, sự tiêu thụ những ấn phẩm kiểu này chứng thực một thực tế về nhu cầu tìm hiểu, cảm thông, hòa nhập trong cộng đồng, nhất là giới trẻ. Người đọc trẻ, người sáng tác chẳng thấy khuôn mặt nào già (theo nghĩa cả tuổi tác lẫn độ quen thuộc), vấn đề nóng, độ gây hấn cao, tất cả như một từ trường cộng hưởng va đập vào thị hiếu tiếp nhận truyền thống – trước hết của bộ phận phê bình, sau đến số đông dân chúng, gây ra những phản ứng trái chiều trong đó phần lớn là… không đồng tình. Cũng lạ, đầu mối của phản đối không bắt nguồn tự nội tại văn chương mà có lẽ từ đối tượng của nó: Từ khi được/bị phát hiện, đồng tính đã bị người Việt coi như một thứ bệnh hoạn, nhìn nó bằng con mắt kinh tởm, sợ hãi. Định kiến ấy kéo dài rất lâu, cho đến tận thập niên thứ hai của thế kỉ XXI vẫn còn để lại dấu vết. Chính vì lí do chủ yếu đó mà suốt gần một thế kỉ của nền văn học hiện đại, cả người trong cuộc lẫn người sáng tác đều tìm cách tránh né hoặc phải cầu viện đến những hình thức ngụy trang tinh vi, những chuyển vị dục cảm phức tạp.
Ngọn gió lành mang tên Đổi mới thổi vào Việt Nam từ cuối thập niên 80 của thế kỉ trước không chỉ đặt ra những câu hỏi lớn về sự nhận thức chân thực mà còn làm đổi thay những nếp nghĩ xưa cũ, tạo cơ hội cho nhiều mảng đề tài trong đời sống văn học được lộ diện, tái sinh. Văn xuôi (đặc biệt là tiểu thuyết, tự truyện) viết về cộng đồng thiểu số LGBT đúng như nhận định của nhà nghiên cứu trẻ Trần Ngọc Hiếu, đã chuyển sang lộ trình thứ hai là “các tự thuật công khai thú nhận” (Trần Ngọc Hiếu, 2014a, tr.96). Kể từ đó tới nay, mảng văn học này đã đi được một chặng đường gần hai mươi năm (và trong tương lai vẫn còn tiếp tục bước tiếp). Có được sự duy trì đó phần lớn là do tác động từ những thay đổi trong thị hiếu của người tiếp nhận. Sự ám thị của bản tính tò mò tập thể được cổ vũ bởi không khí cởi mở, dân chủ đã đưa đồng tính từ một đề tài nằm trong “vùng cấm” vụt trở thành một điểm “hot”, nhạy cảm, thời sự. Bùi Anh Tấn là một trong những nhà văn tiên phong, nhanh nhạy nhất đã “gãi” đúng chỗ ngứa của dư luận. Chỉ trong một thời gian ngắn, anh liên tiếp tung ra các tác phẩm ít nhiều làm thỏa mãn cơn đói thông tin của một thị trường đa số đang ngập ngừng muốn tìm hiểu về những kẻ đi bên lề mang căn cước giới tính thiểu số ngay cạnh mình. Một thế giới không có đàn bà vạch ra những bí ẩn và góc khuất của những kẻ dị biệt được nhà văn viết dưới dạng tiểu thuyết trinh thám – hình sự có sức thu hút đến nỗi nó được các nhà đạo diễn chọn ngay để chuyển thể sang một seri phim truyền hình dài tập. Những tác phẩm sau đó như Les – vòng tay không đàn ông, Bí mật hậu cung, Bướm đêm, Thám tử yêu, Cô đơn, Phương pháp của A.C Kinsey… khi ra mắt cũng được độc giả đón nhận nhiệt liệt, tuy rằng khách quan mà nói, ở một vài chỗ khi mải đuổi theo việc dẫn giải, Bùi Anh Tấn dễ để lộ những “cố tật”, đó là “thích trích dẫn nhiều sách vở vào tiểu thuyết, khiến người đọc dễ bị lạc vào mê hồn trận lí thuyết mà quên đi nhân vật và cốt truyện” (Thạch Biền, 2005). Mặc dù thế, Bùi Anh Tấn vẫn là một tên tuổi được mong đợi và kì vọng trong sứ mệnh liên thông cộng đồng LGBT với thế giới.
Sau phát súng mở màn năm 1999 của Bùi Anh Tấn, thị trường văn xuôi đề tài đồng tính sôi nổi hẳn lên với một loạt tên tuổi: từ Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Thơ Sinh, Vũ Đình Giang, Nguyễn Ngọc Thạch đến Nguyễn Quỳnh Trang, Thủy Anna, Angry Chuột… Đáp ứng sự đa dạng của nhu cầu đọc, các tác giả trẻ cũng có những cách xử lí khác nhau đối với đề tài mà mình lựa chọn. Nếu như Bùi Anh Tấn luôn xem xét vấn đề trong thuộc tính hai mặt thì các cây bút đàn em của anh lại thiên về sự tỏ bày những bất hạnh của các thân phận LGBT như một tiếng kêu khẩn thiết trước thái độ ghẻ lạnh, hắt hủi của cộng đồng. Cùng viết về một phận người, khi Trần Thùy Mai, Nguyễn Thơ Sinh, Trang Hạ, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Ngọc Tư chọn cách miêu tả nhẹ nhàng, không giật gân, gây sốc thì những trang văn của Nguyễn Đình Tú, Vũ Đình Giang, Nguyễn Ngọc Thạch, Hoàng Nguyên, Đoan Trang lại cuốn hút bởi sự khốc liệt, dữ dội và đầy trăn trở.
Nhìn lại cục diện phát triển của văn xuôi về đề tài đồng tính trong bối cảnh đương đại, dễ nhận thấy có hai xu hướng sáng tác mang sắc thái đối lập: xu hướng thứ nhất, tạm gọi là xu hướng tả chân, thường thấy ở những cây bút nam, hoặc chứng kiến hoặc kể câu chuyện của chính đời mình, sẵn sàng cho dư luận thấy độ gai góc, vật vã, bi thương của những kẻ dám cãi lại mệnh trời, do đó, rất ám ảnh. Nháp (Nguyễn Đình Tú), Đời Callboy, Chuyển giới (Nguyễn Ngọc Thạch), Lạc giới (Thủy Anna), Bóng (Tự truyện của Nguyễn Văn Dũng do Hoàng Nguyên, Đoan Trang chấp bút), Tôi là Gay (Angry Chuột)… thuộc về trường hợp này. Xu hướng thứ hai, tạm gọi là xu hướng tình cảm, không đặt nặng vấn đề tình tiết, sự kiện, không có các khúc đoạn bạo liệt mà quan tâm nhiều đến thế giới nội tâm nhân vật. Xu hướng này thường lồng ghép hoặc coi LGBT chỉ như một nhánh phụ trong một chủ đề rộng lớn hơn. Chủ đề ấy có thể là các vấn đề mà lớp người trẻ phải đối mặt trong xã hội hiện đại: sự khao khát khẳng định bản thân, sự đổ vỡ tổn thương bên trong tâm hồn hay các căn bệnh tâm lí “kì lạ” đang có xu hướng lan rộng một cách chóng mặt. Bầy thú bông của Quỳnh (Trần Thùy Mai), Những đốm lửa trên vịnh Tây Tử (Trang Hạ), Giữa dòng chảy lạc (Nguyễn Danh Lam), Sông (Nguyễn Ngọc Tư)… là những đại diện điển hình cho xu hướng viết này. Trong số đó, Sông – tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Ngọc Tư khiến cho người đọc vừa ngạc nhiên vừa thích thú bởi sự chuyển hướng đề tài đột ngột ở cây bút tưởng chừng sẽ mãi đóng đinh với những câu chuyện xưa cũ về số phận con người. Khi Sông được ra mắt, có ý kiến cho rằng, dường như Nguyễn Ngọc Tư cũng đang ngả theo xu thế thời thượng chứ không đơn giản chỉ là sự làm mới chính mình. Tuy nhiên, thả trôi theo Sông, theo chân nhân vật từ hạ lưu đến thượng nguồn mới thấy những phỏng đoán đó là vô căn cứ. Vẫn trung thành với cách viết “tưng tửng”, nhẹ nhàng xen lẫn dí dỏm, nhân hậu, Nguyễn Ngọc Tư miêu tả hành trình đi kiếm tìm bản thể cá nhân của lớp người trẻ vừa như một nhu cầu tự thân vừa như một sự trốn chạy. Trong số ba thanh niên ngẫu nhiên cùng lập hội “phượt” dọc theo dòng chảy con sông Di (Ân, Xu, Bối), có tới hai người thuộc về giới thứ ba với những dấu-hiệu-đồng-loại kín đáo ở cách “ngón tay út hay cong tớn lên” (Nguyễn Ngọc Tư, 2014, tr.10). Tuy thế, cách Nguyễn Ngọc Tư miêu tả một lát cắt đời tư của Ân, Bối trong hành trình khám phá sông Di lại không giống như cách viết thường thấy về những thành viên của cộng đồng LGBT ở các tác phẩm đã có. Cuộc tình oái oăm với Tú giống hệt như một cuốn road movie2 với những cảnh quay chậm đan xen rất ngẫu hứng, có thể lùa về bất chợt mỗi khi Ân dừng lại suy tư. Không ồn ào, không gay cấn, chẳng có “xen” (scene) nào quá nóng bỏng, thế nhưng vẫn gọi dậy cả một trời day dứt, khắc khoải. Ngòi bút của nhà văn khi viết về dục tính dị thường ấy cũng tự nhiên như không, hoàn toàn giống như khi chị viết về những mối tình trai gái khác đầy rẫy trong tác phẩm. Có lẽ với Nguyễn Ngọc Tư, các đề tài đều được đối xử như nhau. Người đồng tính hay dị tính đều cần phải sống, cần phải yêu. Họ bình thường và bình đẳng giữa cuộc đời. Quan niệm đó khiến cho chị không cần lên gân hay cảm thấy bị áp lực lúc phải xử lí một chất liệu đời sống được cho là phức tạp. Thái độ viết ấy đã cấp cho tiểu thuyết của chị một sự khách quan cần thiết để Sông khác hẳn với những bạn bè cùng trang lứa. Không quá lạc quan khi cho rằng, có thể nhìn thấy một con đường mới mở cho các nhà văn vẫn muốn tiếp tục khai thác đề tài về đồng tính từ tiểu thuyết này.
Nhìn sang các quốc gia láng giềng xa gần, nguyên nhân nào khiến cho những Carmilla (Sheridan Le Fanu), A different Drum (Tiếng trống khác) (Chris Davidson), The Well of loneliness (Giếng cô đơn) (Radclyffe Hall), Women’s Barrack (Doanh trại nữ) (Tereska Torres) rồi The Picture of Dorian Gray (Bức tranh của Dorian Gray) (Oscar Wilde), Female Man (Con người giống cái) (Joanna Russ), Single Man (Kẻ cô độc) (Christopher Isherwood) và sau này là Death in Venice (Chết ở Venice) (Thomas Mann), The price of salf (Giá của nỗi đau) (Patrical Highsmith), Brokeback mountain (Chuyện tình núi Brokeback) (E. Annie Proulx)… gây được tiếng vang và nhiều tranh cãi đến thế? Không khó để nhìn thấy, yếu tố quyết định phần lớn phụ thuộc vào nhận thức và thái độ của chính người sáng tác. Trong đại đa số các tác phẩm văn chương đồng tính kinh điển thế giới, tuyệt nhiên không hề có người đồng tính nào “có vẻ bệnh hoạn” chỉ vì xu hướng tình dục của họ. Những vấn đề mà họ phải đối mặt, giống như tất cả những người còn lại của xã hội: sự cô đơn, tiền bạc, mưu sinh… Tình yêu không phải là câu chuyện duy nhất của họ, nhưng nếu có, thì đều tuyệt đẹp!” (Hạnh Đỗ, 2018). Thực tế này càng trở nên thách thức với đội ngũ viết văn về đề tài đồng tính ở Việt Nam khi mà hoạt động chọn dịch những tác phẩm hay, có giá trị nghệ thuật cao trong kho tàng văn học các nước đã khiến người xem dần chán những motif lặp lại, chán những ủy mị, mặc cảm từng có về người đồng tính. Họ kêu gào người viết trong nước phải thay đổi, phải học hỏi thế giới. Và đó là một động lực tốt, tuy đầy khó khăn với tất thảy những người cầm bút đang dấn thân vào vùng LGBT. Cho rằng văn xuôi Việt về thế giới thiểu số cần thêm nhiều “người cô độc” (mượn tên A Single man – một tiểu thuyết nổi tiếng của tác giả người Mĩ Christopher Isherwood – làm ý tưởng), các độc giả Việt Nam mong mỏi từ nay trở đi, văn học/văn xuôi đồng tính sẽ có cách nhìn nhận và phản ánh khác với trước. Giải quyết được vấn đề đó cũng có nghĩa là xác định được một “đường thoát” cho hiện tại nhiều bế tắc của bộ phận văn chương về đồng tính còn non trẻ. Đương nhiên ở đây có sự khác biệt về văn hóa; nhưng thiết nghĩ, trong mô hình thế giới phẳng, chẳng có một yếu tố nào cưỡng lại được hệ quả của nó, kể cả cái mà người ta vẫn thường đinh ninh về độ vững bền, bất biến.
2.2. Văn xuôi đề tài đồng tính: những gian nan phía trước
Kể từ dấu mốc 1999, văn xuôi về đề tài đồng tính đã ghi nhận một giai đoạn hưng thịnh. Hiện tại nó đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí còn đứng trước nguy cơ bị “xâm lăng” bởi những ấn phẩm dạng fake3. Khi Cục xuất bản Việt Nam ban hành một loạt công văn yêu cầu các nhà xuất bản ngừng phát hành dòng sách ngôn tình, đam mĩ vì “thô tục và vô bổ” (Mi Ly, 2015), dư luận mới biết về sự tung hoành làm mưa làm gió trên thị trường đọc của các loại tiểu thuyết đam mĩ (Damei, Tanbi) vốn có nguồn gốc từ Yaoi (tiểu thuyết dành cho nữ giới tập trung vào chủ đề mối quan hệ đồng tính nam lãng mạn đậm mùi sắc dục thường được viết bởi các tác giả nữ của Nhật Bản). Những khuyến cáo về tình trạng xuống cấp của văn hóa đọc, sự say cuồng và mê muội do hiệu ứng tạo nên từ những ấn phẩm kiểu Yaoi, Damei cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho các bậc phụ huynh tỏ ra lo ngại và ngăn cấm con cái mình tiếp xúc với dòng văn học đồng tính thật sự. Một lần nữa, sự khác biệt trong truyền thống văn hóa đã trở thành một trở ngại để còn rất lâu nữa, trên các kệ sách ở Việt Nam mới xuất hiện những cuốn sách giới thiệu về sự đa dạng tính dục trong cuộc sống dành cho đối tượng từ thiếu nhi trở đi, kiểu như Large fears (Những nỗi sợ lớn) (Myles Johnson & Kendrick Daye), 10.000 dresses (Một vạn váy đầm) (Marcus Ewert & Rex Ray), King and King (Vua và Vua) (Linda De Haan & Stern Nijland), Call me tree (Hãy gọi tôi là cây) (Maya Christina Gonzalez), Introducing Teddy (Giới thiệu Teddy) (Jessica Walton)… Tuy hiện tại, cuộc tranh cãi nên hay không nên dịch và cổ vũ sáng tác những kiểu truyện viết về thế giới thứ ba cho trẻ em chưa diễn ra tại Việt Nam nhưng đứng trên quan điểm giáo dục hiện đại, chắc chắn những tác phẩm này hẳn sẽ lành mạnh hơn nhiều kiểu tiểu thuyết Damei, Tanbi du nhập từ cửa ngõ phía Bắc kia. Sự so sánh này có thể sẽ châm ngòi cho những tranh cãi nhưng cũng là cơ hội để nhận ra nhiều khoảng trống trên thị trường dòng văn học viết về cộng đồng đồng tính hiện nay.
Để cho mảng văn học này được rộng đường phát triển, không chỉ đòi hỏi tài năng, độ trưởng thành trong ý thức sáng tác của người cầm bút, sự bình thản, không quá khích của người tiếp nhận mà còn phải có sự vào cuộc của bộ phận phê bình, nghiên cứu. Sự thực là giai đoạn trước Đổi mới, vì những thăng trầm ngoắt ngoéo của lịch sử, không có nhiều công trình bàn về văn học đồng tính. Việc đánh giá một cách dân chủ, thoải mái về đề tài này có lẽ chỉ được khởi phát trong vòng hơn chục năm trở lại đây. Cùng với sự hiện diện của tác phẩm về đề tài đồng tính, bước đầu đã xuất hiện các chuyên gia văn học về lĩnh vực giới như Trần Ngọc Hiếu, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Như Bình, Hoàng Tùng (trong nước), Nguyễn Quốc Vinh (hải ngoại) với những nhận định sắc sảo, độc đáo mang tính phát hiện về đặc điểm cũng như tương lai phát triển của văn học đồng tính nước nhà. Có thể kể đến các bài: “Văn học queer: hướng đến một dòng văn học thiểu số ở Việt Nam”, “Văn học đồng tính ở Việt Nam – từ những hình thức ngụy trang đến các tự thuật thú nhận” (Tác giả Trần Ngọc Hiếu (Hải Ngọc)), “ Hiện tượng biến đổi giới trong văn học Việt Nam trung đại – một vài nhận xét” (Nguyễn Thanh Tùng), “Những nhục thể biến dị và các động thái chuyển vị của dục cảm đồng tính trong văn chương Việt Nam từ và về thời Pháp thuộc” ( Nguyễn Quốc Vinh), “Đáp lời con quái Sphinx hay ngọn nguồn sáng tạo thơ Xuân Diệu” (Đỗ Lai Thúy), “Đề tài đồng tính trong một số tác phẩm văn học Việt Nam” (Nguyễn Như Bình)… Trong số các nhà nghiên cứu này, có thể xem Trần Ngọc Hiếu là người đầu tiên sử dụng khái niệm “thiểu số” (tiếp thu ý tưởng của hai nhà nghiên cứu người Pháp Gilles Deleuze và Félix Guattari nhận xét về văn chương Franz Kafka) để “định dạng” văn học đồng tính Việt Nam. Cũng theo học giả, cần hình dung về văn học đồng tính trong một định nghĩa “lỏng”: “đó không phải là dòng văn học được xác lập bởi một nhóm tác giả đặc thù hay xoay quanh những nhân vật có độ nhiễu về bản sắc giới tính. Văn học đồng tính nên được xem như một dải phổ của những biểu hiện về tình trạng mơ hồ và xu hướng lệch chuẩn về giới tính vốn rất đa dạng, phức tạp từ quan hệ luyến ái đồng giới, hiện tượng giả nam/giả nữ, hiện tượng bị thiến, hiện tượng đổi vai “giới” trong nghệ thuật tự sự, các hình thức ngụy trang giới tính…” (Trần Ngọc Hiếu, 2014b, tr.53). Quan điểm mới và mang tính mở này đã khiến nhiều người làm công tác phê bình phải suy nghĩ, bởi đề xuất định nghĩa “lỏng” về một bộ phận văn chương còn gây nhiều tranh cãi rõ ràng đã khước từ những cách hiểu xơ cứng, đơn giản đến nghèo nàn vẫn tồn tại từ trước tới nay. Có thể sẽ có nhiều người không đồng tình nhưng thiết nghĩ, với đặc thù “không biên giới” trong cả lĩnh vực sáng tác và phê bình, văn chương muôn đời luôn ẩn chứa những bất ngờ trong các sự kiện tưởng như đã hiển hiện. Phát biểu cá nhân này của tác giả Trần Ngọc Hiếu khiến chúng tôi không khỏi nghĩ đến một số trường hợp trong văn học Việt Nam giai đoạn Đổi Mới trở về trước vì hoàn cảnh thời đại đã chưa được nhìn nhận thỏa đáng. Phóng chiếu cách diễn giải của Deleuze, Trần Ngọc Hiếu cho rằng văn học đồng tính ở Việt Nam “về cơ bản vẫn là văn chương của/về một cộng đồng thiểu số hơn là một thứ văn chương thiểu số như nó nên là. “Queer” được xác định chủ yếu như một đối tượng, một đề tài, một phạm vi hiện thực vốn bị xem nằm ở ngoại biên và cách khai thác đối tượng hay mảng hiện thực ấy vẫn theo hướng tự dị lãm hóa (exotic), bị chi phối bởi thế giới quan dị giới” (Trần Ngọc Hiếu, 2014b, tr. 53). Nhận định đó hoàn toàn có thể xem như một gợi ý hay về việc sáng tác cho các tác giả muốn gắn bó với đề tài đồng tính. Chỉ trên cơ sở đặt dòng văn học này trong một định nghĩa “lỏng” thì mới mong nó mang chở được một tinh thần hiện sinh kiểu “queer” như Trần Ngọc Hiếu đã gọi ra.
3. Kết luận
Khái niệm đồng tính thường khiến nhiều người lầm tưởng là sản phẩm của thời hiện đại mà ít ai chịu công nhận đó cũng là một kết quả của sự chọn lọc tự nhiên. Văn chương về đồng tính cũng chỉ làm một việc hết sức khách quan của nghệ thuật là phản ánh hiện thực. Hơn thế, nó còn là sản phẩm điển hình của cơ chế thị trường trong văn học. Bỏ qua những khen chê, tự bản thân người sáng tác phải có ý thức thay đổi để có thể vượt thoát ra ngoài chính những định kiến sẵn có về một dòng văn học chạy theo thị hiếu tầm thường, do đó, không có giá trị văn học. Nỗ lực thay đổi sẽ là cơ sở chính để hiện thực hóa kì vọng “cận văn học” trở thành văn học đích thực.
___________
1. Khu vực mà người Do Thái buộc phải sinh sống (trước đây), khu vực đô thị đông đúc gắn với một nhóm dân tộc hay sắc tộc đặc thù (thường là nhóm thiểu số) (ngày nay).
2. Có thể hiểu là “phim hành trình” hoặc những bộ phim theo tinh thần on the road (trên mọi nẻo đường).
3. Hàng giả, hàng nhái.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Thạch Biền. (07/10/2005). Có một Bùi Anh Tấn khác, Khai thác từ
https://nld.com.vn/van-nghe/comot-bui-anh-tan-khac.htm
Hạnh Đỗ (08/4/2018). Người đồng tính bị kì thị, một phần là lỗi truyền thông, Khai thác từ http://www.tienphong.vn/gioi-tre/nguoi-dong-tinh-bi-ki-thi-mot-phan-la-loi-truyen-thong1259458.tpo
Trần Ngọc Hiếu. (2014a). Văn học đồng tính ở Việt Nam – từ những hình thức ngụy trang đến các tự thuật thú nhận. Tạp chí Nghiên cứu văn học, 6, 96-112.
Trần Ngọc Hiếu. (2014b) Văn học queer: Hướng đến một dòng văn học thiểu số ở Việt Nam. Tạp chí Tia sáng, 1, 53-55.
Mi Ly. (19/5/2015). Ngừng xuất bản dòng sách ngôn tình, đồng tính nam vì “thô tục và vô bổ”. Khai thác từ https://thethaovanhoa.vn/bong-da/ngung-xuat-ban-dong-sach-ngon-tinh-dongtinh-nam-vi-tho-tuc-va-vo-bo-n20150519112432997.htm
Nguyễn Ngọc Tư. (2014). Sông. NXB Trẻ.
Nguồn: Tạp chí Khoa học – Trường Đại học Sư Phạm Tp. HCM,
Tập 15, Số 8 (2018): 36-43
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Văn xuôi về đề tài đồng tính từ cuối thập niên 90 của thế kỉ XX ở Việt Nam – Một bộ phận của văn học đương đại (Tác giả: Lê Thị Thủy) |