Vị trí và vai trò của văn hóa trong thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945

PGS.TS  PHẠM QUANG LONG
                                                       (Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội)

1. Đặt vấn đề

      GS Trần Văn Giàu, người đã giành nhiều thời gian, tâm sức để nghiên cứu về cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, trong một lần về thăm khoa Lịch sử, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nơi ông đã từng có nhiều năm giữ cương vị Chủ nhiệm khoa, tâm sự: thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của nước ta kỳ lạ lắm, có thể còn cần phải nghiên cứu rất nhiều nữa, còn cần làm sáng tỏ nhiều khía cạnh nữa để nhận thức hết được sự vĩ đại của một đường lối, sự tài giỏi của một phương thức tổ chức, sự kỳ diệu của một phương thức vận động xã hội. Bởi chỉ với hơn 5000 đảng viên, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh mà nòng cốt là Đảng cộng sản đã giành được độc lập cho một quốc gia ở một tình huống đặc biệt. Nhưng, ông cũng lại còn day dứt một điều, vì sao có những thời điểm vận nước rơi vào những tình huống bi đát đến thế, sức mạnh của đất nước dường như bị triệt tiêu, không còn có cả khả năng phòng thủ, khả năng tự bảo vệ. Cuối đời, do sức khỏe không còn được như xưa, ông không dám tập trung cho những công trình dài hơi, nhưng vẫn cố gắng đi tìm lời giải đáp cho một câu hỏi từ lâu khiến ông day dứt. Đó là vì sao chỉ với 25 lính, trong đó có một tên bị bệnh, không thể tham chiến nhưng đám lính Pháp này vẫn có thể lấy được tỉnh Ninh Bình? Với lực lượng ấy, theo ông, chỉ cần trai tráng trong một làng cũng có thể tiêu diệt được nếu họ đồng lòng[i]. Và, trong một lần khác, khi nói chuyện về tình hình thời sự, ông cũng kể rằng “tôi đã từng đặt ra câu hỏi cho ba đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô cũ: vì sao với hơn 14 triệu đảng viên mà khi người ta mổ thịt các chú, các chú không có phản ứng gì, kể cả giẫy giụa?”[ii]. Bài viết này chỉ tập trung lý giải về vai trò của văn hóa trong cuộc cách mạng này, với tư cách là một bộ phận của cuộc cách mạng giải phóng, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng trong một hoàn cảnh xã hội đặc biệt.

 2. Bối cảnh văn hóa, xã hội và vị trí của văn hóa trong cuộc cánh mạng giải phóng

      Từ 1930, khi được thành lập, Đảng Cộng sản Đông Dương đã xác định vai trò của văn hóa như là một bộ phận của cuộc cách mạng xã hội mà người đảng viên phải hoạt động. Trong điều kiện lịch sử ấy, lại là một nội dung trong một tài liệu mang tính cương lĩnh, văn bản này chưa có điều kiện để nhận thức đầy đủ về bản chất, vai trò, các phương thức của hoạt động văn hóa và điểm mấu chốt trong quan niệm của Đảng lúc này là vẫn nhìn nhận, đánh giá sự đóng góp của văn hóa đối với quá trình phát triển xã hội từ góc nhìn ý thức hệ. Điều này được thể hiện rất rõ trong khi chỉ đạo các phong trào cách mạng sau đó. Từ phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh những năm 1930-1931 cho đến thời kỳ Mặt trận Bình Dân 1936-1939, về phương diện văn hóa, quan điểm của Đảng Cộng sản lộ rõ xu hướng đánh giá cao những giá trị thực tiễn, trước mắt của các giá trị văn hóa, phong trào văn hóa, tổ chức văn hóa, các nhà hoạt động văn hóa, nếu như các hoạt động ấy đều tập trung cho sự nghiệp đấu tranh với đế quốc phong kiến, khơi dậy thái độ phản kháng của quần chúng nhân dân, tập trung cho cuộc cách mạng xã hội nhằm đánh đổ đế quốc, phong kiến, giành độc lập cho dân tộc. Đến những năm tiền khởi nghĩa, vấn đề này càng trở nên cấp bách hơn, thiết thực hơn. Nói cho công bằng thì từ khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, phát xít Nhật hất cẳng Pháp, thiết lập chế độ cai trị của Nhật trên toàn cõi Đông Dương thì lý thuyết Đại Đông Á không phải không có những ảnh hưởng đến tâm thế xã hội, đến những xu hướng văn hóa-xã hội khác nhau của các phong trào văn hóa. Trong thực tiễn, bên cạnh những nhận thức đúng và đủ về chính sách văn hóa chính thống, không ít nhà tư tưởng, nhà hoạt động văn hóa vẫn còn có những mơ hồ, lệch lạc trước những chính sách văn hóa và triển vọng của văn hóa Việt Nam. Chính vì vậy Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 do đồng chí Trường Chinh với tư cách là Tổng Bí thư của Đảng khởi thảo, đã thể hiện khá đầy đủ quan niệm của Đảng về vai trò của văn hóa đối với cuộc cách mạng giải phóng. Mục tiêu cứu quốc được đặt ra đầu tiên và gần như xuyên suốt bản Đề cương văn hóa 1943, tư tưởng cứu quốc, cương lĩnh của một nền văn hóa cứu quốc được xác định, lý giải, yêu cầu gắn liền với cuộc cách mạng xã hội. Tình hình chính trị, xã hội đang có nhiều diễn biến phức tạp. Trên lĩnh vực văn hóa, nhiều xu hướng khác nhau đang chi phối đời sống tinh thần của dân tộc. Nhiều người phân vân trước học thuyết Đại Đông Á của Nhật, không ít người đã lầm tưởng rằng, đây chính là một cơ hội để văn hóa Việt Nam phục hưng, do được hưởng lợi từ quan niệm “đồng chủng đồng văn” của người Nhật, được “trở về” với nguồn gốc Á đông sau một thời gian dài bị nô dịch bởi người Pháp. Những tư tưởng triết học của phương tây được giới thiệu ở Việt Nam lúc này như triết học Đêcác, Berson, Căng, Nitsơ cũng đang có nguy cơ gây lạc đường cho nhiều trí thức trẻ chán ghét những tư tưởng cũ nhưng chưa tìm ra được hướng đi mới cho đời mình. Xu hướng nệ cổ, xu hướng cực đoan trong học thuật, những bế tắc của văn chương…(chủ nghĩa lãng mạn đã đi vào bế tắc, chủ nghĩa hiện thực đã đi đến giai đoạn cuối của nó và dần lộ ra những dấu hiệu không còn tính chiến đấu mạnh mẽ như giai đoạn đầu và những năm 36-39) tạo ra một không khí ngột ngạt, bế tắc trong đời sống tinh thần. Trong “đêm trước của cuộc cách mạng”, bản Đề cương văn hóa Việt Nam mà chúng ta hay gọi là Đề cương văn hóa 1943 ra đời đã đem lại một không khí mới cho văn hóa Việt Nam. Với Đề cương văn hóa Việt Nam, lần đầu tiên Đảng Cộng sản đưa ra một cương lĩnh văn hóa, mà ở đó nội dung, tính chất, tổ chức, định hướng phát triển của một cuộc cách mạng văn hóa chỉ có thể gắn với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và tương lai của nền văn hóa ấy sau khi cách mạng đã thành công. Đề cương văn hóa Việt Nam, vì vậy, có tác dụng định hướng cả về hướng đi, cách thức xây dựng và hoạt động nên nó có tác dụng lâu dài với cách mạng Việt Nam.Vì trong điều kiện hoạt động bí mật, bản Đề cương dù sao cũng mới chỉ dừng lại ở những định hướng lớn, những nguyên tắc mang tính chất nền tảng, nhiều vấn đề cũng mới chỉ được nêu ra ở những định hướng lớn mà chưa có điều kiện đi sâu vào những nội dung cụ thể, những quan hệ phức tạp trong nội hàm khái niệm. Sau khi cách mạng thành công, đồng chí Trường Chinh đã viết một bài tiểu luận dài có nhan đề Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa Việt Nam lúc này và báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam nhằm giải thích rõ hơn nhiều vấn đề trước đó Đề  cương chưa có điều kiện làm rõ. Sở dĩ phải nói thêm như vậy, vì thứ nhất, do tính chất ngắn gọn của Đề cương, nhiều vấn đề chưa được cụ thể, nhiều định hướng chưa có dịp trình bày chi tiết và cũng có cả những vấn đề chưa được nói tới. Ở những văn bản sau này, tác giả của Đề cương đã trình bày kỹ hơn, giải thích rõ thêm nhiều nội dung của Đề cương, nhưng ở trong bài viết này, chúng tôi vì tôn trọng tính lịch sử của văn bản, sẽ không mở rộng, bàn thêm, bàn ra ngoài những điều đã được nói tới, cho dù những điều đó hoàn toàn có logic về mặt nội dung khoa học, về sự liền mạch của tư tưởng và trên thực tế, những gợi mở, đề xuất đầu tiên này đã được triển khai, vận dụng trong suốt chiều dài vận động của văn hóa Việt Nam từ bấy đến nay. Thêm nữa, sau khi chính quyền đã thuộc về nhân dân, Đảng Cộng sản đã thực hiện quyền lãnh đạo của mình nên đã phát triển thêm nhiều nội dung mà Đề cương chỉ mới đề cập đến mà chưa có sự luận giải hoặc luận giải chưa thuyết phục. Sự nhất quán của quan điểm chỉ đạo ở trong mấy văn bản này là điều dễ nhận thấy và những nguyên tắc về một nền văn hóa thuộc về tương lai, tầm nhìn và sự minh triết của nó đã đặt nền tảng cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam từ bấy đến nay là sự thực lịch sử không thể không thừa nhận.

3. Tư tưởng về một nền văn hóa mới mang tính cách mạng trong Đề cương văn hóa 1943

     Nhiều người đã nói tới việc từ trước khi Đề cương ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ít lần nói tới vấn đề văn hóa và cách mạng văn hóa trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Nói như thế là đúng với lịch sử nhưng cũng cần phải khẳng định rằng, chỉ đến Đề cương, những vấn đề về một nền văn hóa mới do Đảng lãnh đạo mới được đặt ra một cách công khai, đầy đủ, toàn diện và mang tính chiến lược. Tính chất cách mạng của nền văn hóa mới được nhấn mạnh. Nhưng điều cũng cần nói rõ hơn ở đây là Đảng coi cuộc cách mạng của nền văn hóa ấy phải gắn liền với cuộc cách mạng xã hội sắp diễn ra, cần tập trung toàn bộ sức lực, hoạt động cho mục tiêu cứu quốc. Tính chất cứu quốc của Đề cương, vì vậy rất đậm nét.  Bản Đề cương bao gồm nhiều nội dung lớn, sau mỗi vấn đề lại được chia ra thành những nội dung nhỏ hơn nhưng có khả năng bao quát nhiều lĩnh vực, nhiều nội dung, trong đó có cả những giả thuyết của văn hóa Việt Nam trong tương lai, tính chất của nền văn hóa ấy và những phương thức lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa. Cũng trong văn bản này, lần đầu tiên Đảng đặt vấn đề về văn hóa trong cách mạng dân tộc dân chủ, đánh giá (sơ lược) lịch sử văn hóa Việt Nam, những nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách đô hộ của ngoại bang, vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam, những nguyên tắc vận động văn hóa mới, tính chất của nền văn hóa mới, những phương thức vận động văn hóa mới trong cuộc cách mạng sắp diễn ra và sau khi đã thành công v.v…, nghĩa là lần đầu tiên, Đảng nêu ra một Đề cương vận động, một Cương lĩnh (có thể nói như thế) về một nền văn hóa phải có, sẽ có trong và sau khi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ hoàn thành và tiếp đó là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa như là một bước tiếp theo tất yếu phải có của cuộc cách mạng xã hội. Đề cương nói về một cuộc cách mạng văn hóa trong tương lai, hoàn toàn khác trước đây cũng như hiện tại từ một cách nhìn hoàn toàn mới, mang tinh thần cách mạng chứ không phải là những cải cách, thay đổi. Bởi vậy, phải nhìn nhận nó từ những quan điểm mới: cách nhìn theo quan điểm mác xít về một nền văn hóa mới được xây dựng dưới thể chế chính trị-xã hội hoàn toàn mới. Những tư tưởng văn học mới cũng được xem như một bộ phận, một lĩnh vực của văn hóa mới Việt Nam. Ở đây, nên chú ý tới luận điểm của GS Đào Duy Anh trong Việt Nam văn hóa sử cương, tới một sự gặp gỡ không phải do những tương đồng về nhận thức chính trị nhưng từ cách nhìn mang đậm cảm thức yêu nước và tinh thần dân tộc, GS Đào Duy Anh trong công trình viết năm 1938, trước cương lĩnh về văn hóa của Đảng 5 năm, đã cho rằng, đứng trước một cuộc vận động xã hội, một cuộc đảo lộn lớn cần “soát xét lại” những di sản văn hóa của dân tộc để biết mình, biết người, biết lựa chọn ra cái gì hữu dụng để đương đầu với thử thách mới, biết cái gì cần loại bỏ để cho mình mạnh lên[iii]. Tư tưởng ấy thể hiện sự minh triết của nhà khoa học. Đồng thời cũng cần nói thêm rằng từ sau năm 30, GS Đào Duy Anh không hoạt động chính trị nữa, chỉ thuần túy làm khoa học, nhưng có lẽ nhãn quan chính trị, bản lĩnh chính trị đã giúp GS có một quan điểm rất gần với quan niệm của Đảng về các vấn đề của văn hóa truyền thống, đời sống văn hóa bấy giờ. Không có tư liệu để khẳng định rằng, Trường Chinh đã có đọc Việt Nam văn hóa sử cương và chịu ảnh hưởng quan niệm này, nhưng rõ ràng về quan niệm, cách tiếp cận các vấn đề của văn hóa, xã hội, con người của hai công trình này có rất nhiều điểm tương đồng. Đó là điều đáng mừng vì qua hiện tượng này có thể có thêm bằng chứng để khẳng định, vì sao cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có sức lôi cuốn nhiều trí thức, các nhà hoạt động xã hội có xu hướng chính trị khác với Đảng Cộng sản đến với cuộc cách mạng do Đảng lãnh đạo như vậy.

     – Trong phần Cách đặt vấn đề, Đề cương đã xác định “ba phạm vi tư tưởng, học thuật, nghệ thuật” là ba lĩnh vực của văn hóa Việt Nam mà ở đó, người cộng sản phải nắm lấy, coi đó là một nhiệm vụ của mỗi cá nhân và tổ chức đảng. Rõ ràng ở đây, vấn đề tư tưởng, học thuật và đời sống văn học được đưa lên hàng đầu bởi những năm tháng ấy, tình hình tư tưởng và học thuật Việt Nam đang có nhiều vấn đề cần phải giải quyết để phục vụ cho cuộc cách mạng xã hội mà lúc đó, Đảng Cộng sản đã khởi xướng được hơn 10 năm trời. Những cuộc tập dượt 30-31, 36-39, tình hình cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đã nổ ra và ở Việt Nam, do sự bưng bít thông tin, do những chính sách văn hóa của Pháp-Nhật đang có nguy cơ làm cho văn hóa Việt Nam ngày càng xa rời cái gốc dân tộc và có nguy cơ lún sâu vào quỹ đạo của văn hóa nô dịch đế quốc, thực dân mà Đề cương đã phải đặt vấn đề tư tưởng, học thuật và nghệ thuật như ba phạm vi quan trọng nhất, nổi lên hàng đầu trong cuộc đấu tranh mà người Cộng sản phải nắm lấy và thực hiện. Rõ ràng ở đây, khái niệm văn hóa mới chỉ được sử dụng theo nghĩa hẹp và cũng chưa đạt tới cách hiểu về văn hóa của Hồ Chí Minh[iv] được nêu ra trong cùng thời gian ấy từ trong những ghi chép của Người trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch. Ba lĩnh vực mà Đề cương nêu ra, hiển nhiên đã coi trọng vấn đề tư tưởng, thái độ xã hội của những người làm văn hóa, cũng như tầm quan trọng của nó trong cuộc cách mạng xã hội. Theo logic vấn đề có thể thấy, yêu cầu đặt ra hàng đầu lúc này là khơi dậy những giá trị tích cực của văn hóa truyền thống, văn hóa yêu nước, văn hóa đấu tranh chống kẻ thù của dân tộc. Nói như thế  không phải là suy diễn một cách võ đoán ra ngoài văn bản mà đến khi có điều kiện, trong Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam cũng như Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa Việt Nam lúc này Trường Chinh-với tư cách là người dự thảo Đề cương, là Tổng Bí thư của Đảng đã nói rõ hơn, trực tiếp và cụ thể hơn quan điểm này. Nếu chỉ giới hạn văn hóa trong ba phạm vi trên là đã “bỏ quên”, “không tính đến” nhiều phương diện khác của văn hóa như ngày nay chúng ta hiểu và như bản chất của nó vẫn thế, nhưng chưa nhận thức đầy đủ mà thôi. Đồng thời, lại cũng cần phải nhận thức về tính chất trực tiếp, ưu tiên của Đề cương lúc này là dành cho những vấn đề tư tưởng-một biểu hiện khác của cuộc đấu tranh chính trị, đang được thể hiện trực tiếp, gay gắt trên địa hạt học thuật, nghệ thuật. Mục tiêu chính trị hàng đầu của Đảng lúc này là cuộc cách  mạng dân tộc dân chủ, đánh đổ đế quốc, phong kiến, giành chính quyền. Trong Đề cương, vì vậy, chưa có điều kiện (có lẽ cả do mục tiêu chưa đặt ra và cả nhận thức chưa đạt tới tầm nhận thức đầy đủ về các lĩnh vực khác nhau và đánh giá hết vai trò, ý nghĩa của văn hóa) để nói về văn hóa với tất cả các lĩnh vực và nội dung vốn có của nó. Điều này cũng là lẽ tự nhiên, bởi như phương châm cách mạng của Đảng có vấn đề nêu ra những nội dung thích hợp, những mục tiêu cách mạng “vừa tầm” để cuộc đấu tranh nhanh chóng giành được thắng lợi. Ngay cả C.Mác hay V.Lênin khi bàn về những vấn đề của văn học, nghệ thuật cũng thường từ chính trị học, triết học và các ông khi khai thác một ví dụ, một nội dung nào đó của nghệ thuật cũng không mấy khi chú ý đến toàn bộ nội hàm của khái niệm mà chủ yếu khai thác những gì cần và có lợi cho mục đích của mình. Do đó khi nghiên cứu di sản của các nhà kinh điển về văn học, nghệ thuật cũng nên lưu ý khía cạnh hoàn cảnh cụ thể của lịch sử và hoàn cảnh văn bản để tránh những suy diễn, hiểu sai ý định của họ. Với Đề cương cũng như vậy bởi ngay ở mục 2 có viết: “Quan hệ giữa văn hóa với kinh tế, chính trị” cũng khẳng định, nền văn hóa mới phải được xây dựng trên “nền tảng kinh tế” và “chế độ kinh tế” và cuộc “cách mạng văn hóa” là một nhiệm vụ song song với cuộc “cách mạng chính trị” bởi “có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả” và văn hóa được coi như là một trong ba “mặt trận” phải do Đảng lãnh đạo. Rõ ràng trong luận điểm này, Đảng Cộng sản đã coi văn hóa như một lĩnh vực hoạt động tinh thần quan trọng, là phương tiện và công cụ của cuộc đấu tranh chính trị. Nó mang tính trực tiếp, nó là công cụ chuyển tải những tư tưởng cách mạng đến với quần chúng. Đây là một tư tưởng chỉ đạo mang tính nền tảng, nguyên lý gốc bởi Đảng coi văn hóa (trong đó có văn học) là một lĩnh vực liên quan trực tiếp, gắn bó chặt chẽ với các hình thái ý thức xã hội, có vai trò quyết định tạo nên nền tảng tinh thần của xã hội nên Đảng phải kiểm soát được, lãnh đạo được. Ở đây cần chú ý một quan điểm quan trọng của Đề cương, đó là coi văn hóa như là một hình thái ý thức xã hội, được xây dựng trên nền tảng của một thượng tầng kiến trúc tương ứng với nó. Quan điểm này là một bước tiến, mang tính định hướng rất lớn, nó giúp cho việc nhìn nhận những vấn đề của văn hóa trong mối quan hệ với đời sống xã hội nhiều mặt rõ hơn, nhưng xét về sự tác động qua lại giữa văn hóa với đời sống, dường như mới chỉ thấy nhấn mạnh đến những tác động một chiều, giản đơn, chưa nhận thấy tính đa diện và đa dạng của mối quan hệ này. Luận điểm này, trong những giai đoạn sau của cuộc cách mạng xã hội, trong quá trình tổ chức và triển khai những nhiệm vụ của một nền văn hóa mới, đã bộc lộ tính chất đơn giản và giáo điều trong nhận thức về lý thuyết hình thái ý thức xã hội, vốn chỉ nhìn từ góc độ chính trị, từ tính chất của một chế độ xã hội trong khi sự tương tác giữa các yếu tố ấy, đặc biệt là vấn đề con người và đời sống tinh thần vốn phức tạp và phong phú hơn nhiều những khuôn mẫu, mô hình.

     Một nội dung khác, rất quan trọng cần được nhận thức và đánh giá đúng mức là vấn đề “học thuật, nghệ thuật”. Có người sẽ đặt vấn đề: tại sao nội hàm của khái niệm văn hóa, bao gồm nhiều nội dung khác nữa như di sản văn hóa, đời sống văn hóa, con người và những quan hệ của nó… cũng rất cần thiết trong giai đoạn lịch sử này, nhưng Đề cương lại chỉ nhấn mạnh ba lĩnh vực “tư tưởng, học thuật và nghệ thuật” và coi đó như một “mặt trận” người cộng sản cần hoạt động và nắm lấy quyền lãnh đạo? Qua hồi ức của những người trong cuộc, đối chiếu với tình hình thực tiễn của đời sống học thuật và nghệ thuật (chủ yếu là văn học) bấy giờ, có thể thấy Đề cương đã nêu ra rất trúng tính cấp thiết và yêu cầu phải tập trung toàn bộ sức lực cho mục tiêu  sắp tới của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Bởi vậy mà ba lĩnh vực nói trên, nơi thể hiện rõ nhất, tập trung nhất tư tưởng chính thống của chế độ xã hội bấy giờ (thể chế thực dân nửa phong kiến)-cơ sở sẽ đẻ ra nền văn hóa tương ứng với nó là nền văn hóa nô dịch. Mục tiêu đầu tiên, quan trọng nhất là đánh đổ thể chế ấy nên Đề cương cũng phải tập trung cho nó và “bỏ quên” những lĩnh vực khác cũng là điều có thể hiểu được. Đồng chí Trần Quốc Hương viết trong hồi ký về sự ra đời của Đề cương đã chứng minh thêm cho lập luận này: “ vấn đề văn hóa mới của dân tộc…Đảng ta đã quan tâm từ lâu rồi. Trong Luận cương do đồng chí Trần Phú khởi thảo, vấn đề này đã được đặt ra. Trong thời kỳ cách mạng Mặt trận Dân chủ, có điều kiện tương đối thuận lợi, Đảng ta đã dành chỗ trên sách báo công khai của mình phổ biến những quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về văn hóa, văn nghệ, giới thiệu các nhà văn cách mạng hoặc tiến bộ trên thế giới và trong nước, đề xướng một nền văn nghệ mới, đấu tranh chống những khuynh hướng văn nghệ lạc hậu đương thời…Nhưng phải đến Hội nghị Trung ương lần thứ tám năm 1941, cuộc vận động văn hóa này mới được Trung ương bàn luận và giải quyết toàn diện cả về đường lối cả tổ chức. Do đó, mới có bản Đề cương về văn hóa Việt Nam và Hội Văn hóa Cứu quốc”[v]. Riêng về văn học và những vấn đề học thuật trên sách báo công khai, những năm này cũng thể hiện tính chất đi xuống, lầm lẫn, chịu ảnh hưởng những quan điểm không lành mạnh của những quan điểm tư tưởng siêu hình, duy tâm, nệ cố, “mượn màu duy vật” có thể gây hại cho đời sống văn học, nên ở Đề cương, vấn đề này nêu ra như một nguy cơ phải đấu tranh, loại bỏ.

     – Khi bàn về việc phân kỳ và xác định tính chất của văn hóa Việt Nam, Đề cương khẳng định: có 3 giai đoạn rõ rệt là “từ thời Quang Trung trở về trước” “văn hóa Việt Nam có tính chất nửa phong kiến nửa nô lệ, phụ thuộc vào văn hóa Tầu”. Thời kỳ thứ hai tính “từ Quang Trung cho đến khi Đế quốc Pháp xâm chiếm” là “văn hóa phong kiến có xu hướng tiểu tư sản” và thời kỳ “từ Pháp xâm chiếm cho đến nay” văn hóa Việt Nam mang tính chất “nửa phong kiến, nửa tư bản và hoàn toàn có tính cách thuộc địa” (có chú thêm cần “phân biệt mấy giai đoạn trong thời kỳ này”). Về cách phân kỳ và xác định tính chất của mỗi thời kỳ ấy của văn hóa Việt Nam, trên những nét lớn không phải là không có căn cứ. Đề cương căn cứ vào nền tảng kinh tế-xã hội và chế độ kinh tế xây dựng cũng với những hệ thống thiết chế tinh thần của nó để xác định tính chất nền văn hóa. Do đó mới có những kết luận về sự phân kỳ dựa trên những mốc lịch sử như thời kỳ Quang Trung trở về trước, thời kỳ Pháp xâm lược v.v…Ở đây, cách phân kỳ của các giai đoạn phát triển văn hóa, cũng như xác định tính chất của nền văn hóa ấy chủ yếu dựa trên những tiêu chí của những triều đại phong kiến và phương thức tổ chức chế độ xã hội, trong đó có đời sống tinh thần. Cũng có thể do đây chỉ là bản Đề cương, nên tác giả không có điều kiện giải thích rõ hơn luận điểm của mình nhưng rõ ràng tính chất đơn giản, chỉ mới nhìn thấy những mạch, dòng chính thống mà chưa thấy được những dòng chảy ngầm, chưa thấy “những yếu tố dân chủ và chủ nghĩa xã hội” hay chưa thấy “dòng văn hóa thuộc về nhân dân” như cách nói của V.Lênin về văn hóa ở những thời kỳ trước cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ cũng như cách nhìn nhận vấn đề vẫn có phần đơn giản, như gắn tính chất văn hóa Việt Nam với những kiểu tổ chức xã hội, với thể chế chính trị mà chưa nhìn nhận những giai đoạn phát triển của văn hóa theo những quy luật nội tại của nó. Vấn đề ở đây là: Đề cương phân kỳ văn hóa và xác định tính chất của văn hóa chủ yếu dựa trên cơ sở tổ chức xã hội về mặt chính trị và nền kinh tế được tổ chức trên nền tảng chính trị của xã hội ấy. Dấu ấn của mỗi thời kỳ lịch sử tương ứng với mỗi triều đại chưa được nói đến như văn hóa Lý-Trần, Lê, Nguyễn v.v..Đánh giá về tính chất của văn hóa Việt Nam hiện tại, chỉ ra những âm mưu về văn hóa của chính quyền cai trị và đế quốc Pháp, phát xít Nhật và nêu những giả thuyết về tương lai của văn hóa Việt Nam v.v… Đề cương hoàn toàn xuất phát từ góc độ chính trị của vấn đề. Những kết luận như “văn hóa Việt Nam hiện nay về hình thức là thuộc địa, về nội dung là tiền tư bản” rõ ràng chưa chặt chẽ về mặt khoa học cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Đây là những kết luận căn cứ trên những tiêu chí chính trị-xã hội của một thời đại, trên những biểu hiện bề nổi của văn hóa Việt Nam bởi văn hóa hợp pháp, thứ văn hóa được bảo trợ và khuyến khích đúng là đã mang những biểu hiện như vậy. Song mặt khác, những dòng chìm, những mạch ngầm của văn hóa dân tộc mang ý nghĩa tích cực cũng chưa được ghi nhận. Sau này, trong Mấy nguyên tắc lớn…đồng chí Trường Chinh nói rõ hơn, vì sao lúc đó, Đề cương chưa thể nói rộng hơn, sâu hơn về những mặt này nhưng lại phải công khai, trực tiếp khẳng định tính chất của văn hóa Việt Nam, vạch trần những hậu quả tai hại của chính sách văn hóa nô dịch của Pháp Nhật, kêu gọi thành lập mặt trận văn hóa chống lại xu hướng này: “ dưới quyền thống trị của đế quốc Pháp; văn hóa Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng tai hại làm cho nó bị nô dịch và chia rẽ, phát triển không đều; thiếu hẳn tinh thần độc lập, tự do và dân tộc thống nhất”, “có xu hướng Pháp hóa hay Nhật hóa đến nỗi có có khi mất cả bản sắc tốt đẹp của dân tộc”[vi]. Những chính sách văn hóa công khai của Pháp-Nhật, dù ở góc độ nào cũng chỉ gây hại cho văn hóa dân tộc. Trong luận điểm này, do tính chất và hoàn cảnh lịch sử bấy giờ, khó có thể tìm thấy một thái độ nào khác ngoài sự phủ định quyết liệt. Hồi ký của một số nhà hoạt động văn hóa thời đó đã kể lại rằng, chính sách văn hóa của Pháp –Nhật bấy giờ, nhất  là tuyên truyền văn hóa ngu dân, chủ nghĩa đầu hàng và chủ nghĩa ái quốc mù quáng, thuyết Đại Đông Á…không phải là không tạo ra những lầm lạc bởi sự ngộ nhận trong đội ngũ những nhà văn, nhà hoạt động xã hội. Quan điểm của Đề cương hết sức rõ ràng, đã có ảnh hưởng không nhỏ tới nhận thức của một số người, nhất là “ức thuyết văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”. Do những điều kiện còn phải hoạt động bí mật mà bản Đề cương chưa thể nói rõ hơn nhiều nội dung cụ thể của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới, nhưng những cơ sở mang tính quyết định về một nền văn hóa mới được xây dựng trên một cơ sở kinh tế, một phương thức xã hội được tổ chức theo những nguyên tắc mới đã được xác lập. Nói như Giáo sư Đặng Thái Mai thì dựa trên nền tảng này mà Văn học khái luận của ông (ra đời một năm sau) đã phân tích, lý giải, giới thiệu nhiều vấn đề của văn học theo tinh thần mác xít này. Có thể nói, đây là công trình đầu tiên viết về các vấn đề của văn học theo quan điểm mác xít hệ thống nhất, như là sự giải thích, nói rõ thêm những tư tưởng của bản Đề cương. Bảy chương sách, bao gồm những vấn đề thiết yếu nhất, như định nghĩa văn học, nguyên tắc văn học thể hiện ý thức hệ và phát triển gắn với sự tiến hóa của nhân loại, vấn đề sáng tác, tính giai cấp của các hình thái xã hội, các vấn đề về nội dung và hình thức, điển hình và cá tính, tự do sáng tác và tính dân tộc, tính quốc tế của văn học. Hiển nhiên là Văn học khái luận cũng không tránh khỏi những bất cập bởi trình độ lý luận mác xít lúc đó được tiếp thu cũng còn ở mức độ cơ bản, dưới dạng nguyên lý chứ chưa đi sâu vào các vấn đề lý luận văn nghệ. Nhưng dù sao, Văn học khái luận cũng góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền những tư tưởng lớn của Đề cương vào đời sống xã hội. Nó đã để lại những ảnh hưởng tích cực như hồi ký của những người tham gia tổ chức Văn hóa cứu quốc kể lại.

     Cần phải nhấn mạnh điều này: lần đầu tiên với Đề cương, vấn đề bản chất xã hội của văn học, rộng hơn là của văn hóa được chỉ ra từ nguồn gốc, từ những quan hệ máu thịt của nó với đời sống và vai trò, vị trí quan trọng của nó tham gia vào công cuộc cải tạo xã hội. Nó hoàn toàn không phải là thứ tháp ngà của nghệ sĩ, muốn thoát ly khỏi thực tế, chỉ để theo đuổi những ước vọng cá nhân như nhiều người đã ngộ nhận do sự bế tắc về sự nhận đường. Một điều đáng chú ý nữa là trong hoàn cảnh xã hội như thế (trong nước là ách đô hộ của Pháp-Nhật, tình hình quốc tế là chiến tranh thế giới đang diễn ra) nhưng Đề cương đã nói đến “những ảnh hưởng của văn hóa tân dân chủ, xu trào văn hóa mới của Việt Nam đang cố vượt qua hết mọi trở lực để nảy nở (văn nghệ bất hợp pháp). Quan điểm biện chứng hướng đến tương lai mang tính dự cảm sáng suốt của Đề cương đã được chính lịch sử chứng minh nên sức hấp dẫn bởi cách đặt vấn đề mới mẻ, căn cứ trên những điều kiện chính trị, xã hội cụ thể là cơ sở cho những phân tích đầy sức thuyết phục của tác giả.

     – Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam: Phần này nêu ra 5 nội dung lớn, mang ý nghĩa quan trọng về một cuộc cách mạng văn hóa sẽ diễn ra trong tương lai. Đó là thái độ của Đảng Cộng sản đối với cuộc cách mạng tinh thần. Đề cương khẳng định: cuộc cách mạng văn hóa rất cần cho một cuộc cách mạng xã hội, nó sẽ xảy ra khi cuộc cách mạng xã hội nổ ra và tất yếu phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo, những phương thức tổ chức của nền văn hóa mới bây giờ chỉ là “dọn đường cho cuộc cách mạng triệt để mai sau”. Lần đầu tiên và cũng mang tính hệ thống hơn cả, Đảng Cộng sản khẳng định, trên “mặt trận” văn hóa, không phải và không thể làm một cuộc “cải cách văn hóa” mà phải là một cuộc “cách mạng” và cũng cần tận gốc, triệt để như cuộc cách mạng xã hội. Sau này, trong Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa Việt Nam lúc này (Tạp chí Tiên phong, số 2 năm 1945), đặc biệt là Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, đồng chí Trường Chinh trình bày rõ hơn, đầy đủ hơn vấn đề kế thừa di sản văn hóa dân tộc, đánh giá di sản văn hóa dân tộc và mục tiêu cụ thể cũng như nội dung của một nền văn hóa mới mang tính chất dân chủ và xã hội chủ nghĩa. Văn bản khẳng định tầm quan trọng của cách mạng văn hóa ở chỗ nó làm nhiệm vụ “cải tạo xã hội”, góp phần xây dựng một xã hội mới, theo những nguyên tắc tổ chức và tính chất mới nên nó phải là “văn hóa xã hội chủ nghĩa”, chỉ có “dựa vào cách mạng dân tộc giải phóng mới có điều kiện phát triển” và chỉ có như vậy, văn hóa Việt Nam mới có thể “tới trình độ dân chủ và có tính chất dân tộc hoàn toàn độc lập dựng nên một nền văn hóa mới”. Lần đầu tiên, Đảng Cộng sản nêu rõ nền văn hóa mới “ Về xã hội, lấy giai cấp công nhân làm  gốc. Về chính trị, lấy dân tộc, dân chủ, nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc. Về tư tưởng, lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc. Về sáng tác văn nghệ, lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc”. Quan niệm này, về mặt văn hóa, hoàn toàn mang quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, tuy không nói ra bằng lời, nhưng thấm đẫm tinh thần về mô hình và mối quan hệ của một hình thái kinh tế-xã hội của Mác. Khi xem xét các quan hệ kinh tế, xã hội và xác định tính chất của mô hình kinh tế-xã hội và những hình thái ý thức xã hội được xây dựng trên cơ sở của các quan hệ kinh tế-xã hội, Mác đã khẳng định tuy có những biểu hiện không hoàn toàn giống nhau ở nơi này hay nơi kia, nhưng trên những nét lớn nhất, những đặc điểm dễ nhận thấy nhất thì nhân loại đã trải qua 5 hình thái tổ chức kinh tế-xã hội, là dân chủ sơ khai, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản và xã hội chủ nghĩa. Và ở mỗi hình thái kinh tế-xã hội ấy lại nảy sinh ra những hình thái tư tưởng thuộc kiến trúc thượng tầng (mà văn hóa là một trong những hình thái ý thức ấy) tương ứng với nó. Do vậy tính chất “dân chủ” hay “xã hội chủ nghĩa” của văn hóa mới mà Đề cương nói đến ở đây chính là mô hình văn hóa hoàn toàn mới, tính chất của nền văn hóa ấy được xác định trên cơ sở tổ chức kinh tế-xã hội mới, nói cụ thể hơn là thuộc một chế độ xã hội được tổ chức sau khi cuộc cách mạng dân chủ nhân dân hoàn thành, bắt tay vào xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa theo mô hình Liên bang Xô Viết.

     Đề cương nêu ra ba phương châm lớn (văn bản gọi là ba nguyên tắc) của cuộc “vận động văn hóa mới Việt Nam trong giai đoạn này” là dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa, ở mỗi mục đều có giải  thích rõ nội dung cơ bản của phương châm đó là gì. Dân tộc hóa là “chống mọi ảnh hưởng nô dịch, thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”, đại chúng hóa là “chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đại chúng hoặc xa đông đảo quần chúng” và khoa học hóa là “chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”. Ba nguyên tắc lớn này phải thắng trong cuộc đấu tranh chống lại “những xu hướng bảo thủ, triết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm v.v…”đồng thời cũng chống cả “xu hướng văn hóa quá trớn của bọn Tờ rốt kít”. Rõ ràng, ba nội dung, ba phương châm, ba nguyên tắc này đã vạch ra những đường hướng cơ bản cho một nền văn hóa mới ở mục tiêu phải đạt đến, tính chất phải có và cả những nội dung cơ bản của nó. Ở những nguyên tắc lớn này, những yêu cầu về mặt chính trị, tư tưởng hệ được đặt ra ở bình diện thứ nhất. Nó mang tính nguyên tắc cao, rạch ròi nhưng vì thế cũng dễ thành khuôn cứng, dễ bỏ quan những vấn đề, hiện tượng nằm giữa những ranh giới ấy hoặc những nội dung mang tính kế thừa hoặc giao thoa giữa những nguyên tắc, lĩnh vực, giai đoạn. Ví dụ, nếu xét về mặt bản thể, những tư tưởng nhân văn của các thời kỳ văn hóa trước đó thuộc về những xu hướng, trào lưu, dòng văn hóa ngoài văn hóa tân dân chủ hay xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, có những giá trị văn hóa cũng mang tính lịch sử, có thể không phù hợp với tính chất, nội dung, yêu cầu của một nền văn hóa mới, nhưng đồng thời trong nó cũng có những yếu tố, nói như V. Lê nin, lại thuộc về nhân dân, mang tính chất dân chủ và xã hội chủ nghĩa. Vấn đề là ở chỗ tiếp thu và “khước từ di sản nào” theo cách nói của V.Lênin ở đây chưa được vạch ra một cách thuyết phục. Vạch một đường ngăn giữa các giai đoạn, dòng…như thế dễ dẫn đến những cứng nhắc, những thiệt thòi và lúng túng khi phải giải quyết những trường hợp cụ thể. Điều này đã xảy ra trong thực tiễn khi đánh giá, phê phán, tiếp thu những di sản văn hóa quá khứ hoặc đụng đến những vấn đề đương đại vốn không đơn giản. Đề cương đặt vấn đề ba phương châm, thực chất là ba tính chất là gắn với truyền thống dân tộc, thuộc về nhân dân và thấm nhuần tinh thần khoa học như ba trụ cột cơ bản, đảm bảo cho văn hóa Việt Nam phát triển. Sau này, khi đã giành được chính quyền, Đảng Cộng sản đã nói rõ hơn thái độ của mình trong lĩnh vực văn hóa là phải gắn bó chặt chẽ với đời sống dân tộc, với truyền thống di sản của ông cha, gắn bó với đời sống nhân dân, phục vụ nhân dân và tất cả thái độ tiếp cận từng vấn đề, cả trong tiếp nhận di sản, trong nghiên cứu khoa học hay sáng tạo thì tư tưởng vì dân tộc, đại chúng với một thái độ khách quan, đúng đắn của một nhãn quan khoa học vẫn là những nguyên tắc quan trọng nhất. Nếu chỉ nhìn nhận văn bản này như là sự chuẩn bị trong đêm trước của cuộc cách mạng xã hội, đã thấy tính chất thực tiễn và khoa học của cách tiếp cận vấn đề, mà nếu nhìn lại lịch sử hơn 70 năm ra đời và tác động đến đời sống của những quan điểm văn hóa này, mới thấy hết tầm nhìn xa trông rộng của những tư tưởng lớn về văn hóa.

     Không phải là một văn bản nghiên cứu mà là một đề cương các nội dung, nguyên tắc chỉ đạo cho một cuộc vận động, đề cương hành động mà cái đích của nó là một cuộc cách mạng văn hóa trên cơ sở gắn với một cuộc cách mạng xã hội, không nhắm vào mục tiêu “cải cách văn hóa” mà là “cách mạng văn hóa”, Đề cương đã nêu ra những “nhiệm vụ cần kíp” của những nhà văn hóa mác xít trong thực tiễn là bằng mọi cách “chống lại văn hóa phát xít phong kiến, thoái hóa, nô dịch, văn hóa ngu dân và văn hóa phỉnh dân” để “phát huy văn hóa dân chủ”, trong đó “tranh đấu về học thuật, tư tưởng” (các trường phái triết học sai lầm “có ảnh hưởng tai hại” như triết học Khổng, Mạnh, chủ nghĩa duy tâm của Đêcac, Becson, Căng, Nitsơ v.v.. và phải khẳng định được vai trò của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; đấu tranh về “tông phái văn nghệ”, làm cho “xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng”, về tiếng nói, chữ viết, phối hợp trên các lĩnh vực bí mật và công khai, tuyên truyền, xuất bản, tổ chức các nhà văn, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng v.v…Tính chất trực diện, cách thức vận động và những nội dung được nêu ra rất cụ thể. Như đã trình bày ở trên, do quan niệm mà các lĩnh vực tư tưởng, học thuật, sáng tác văn nghệ được Đề cương nêu lên trước hết. Ở phần cuối này, những lĩnh vực ấy cũng được nhắc lại, trong đó nêu yêu cầu đấu tranh về trường phái, xu hướng (trong văn bản gọi là tông phái) phải được đặt lên hàng đầu, phải giải quyết từ cơ sở tư tưởng, cơ sở triết học làm nền tảng cho những học thuyết, trường phái ấy. Mục tiêu chính trị được đặt lên hàng đầu nên trong những nội dung được đề cập đến ở đây những vấn đề ấy cũng được đặt ở vị trí trọng yếu nhất. Trong đời sống văn chương bấy giờ, sự khủng hoảng, bế tắc của các trường phái lãng mạn, hiện thực, nhất là lãng mạn, đã bộc lộ rất rõ. Văn học lãng mạn, sau giai đoạn phát triển đầy mạnh mẽ, có nhiều đóng góp của nó, đã rơi vào khủng hoảng. Sự xuất hiện của những tổ chức và sáng tác của một số người cuối những năm 30, đầu những năm 40 đã báo hiệu sự đi xuống và xuất hiện những mầm mống bệnh hoạn, điều mà Nguyễn Tuân sau này nói là “nguy cơ của cả một nền văn học”. Chủ nghĩa hiện thực cũng đi qua giai đoạn phát triển cao nhất, đã có những thành tựu rực rỡ nhất và cũng thấp thoáng những dấu hiệu suy yếu hơn trước. Tính chiến đấu yếu hơn; năng lực phê phán xã hội thiếu mãnh liệt và trực diện hơn những năm 36-39. Đại diện xuất sắc nhất ở giai đoạn này như Nam Cao tuy vẫn sắc sảo, sâu sắc nhưng những vấn đề chính mà ông quan tâm như sự tha hóa của con người lại không hướng tới những xung đột xã hội, giai cấp, những hoàn cảnh rộng, mà đi vào những vấn đề đạo đức cá nhân, sự tồn vong của các cá nhân và những vấn đề của chính nó. Không phải cứ đi vào những vấn đề có ý nghĩa bao quát đến toàn xã hội, đám đông mới có cơ sở để tạo nên những tác phẩm lớn, nhưng vấn đề bấy giờ Đảng chủ trương hướng đến là những xung đột xã hội, giai cấp, vấn đề số phận dân tộc, đất nước hơn là vấn đề của số phận cá nhân. Chiến tranh, khủng hoảng xã hội đã làm cho văn học đánh mất dần đi những giá trị tích cực vốn có của nó nên Đề cương đặt vấn đề đấu tranh với những quan điểm duy tâm, siêu hình, những xu hướng thần bí, tắc tị trong văn chương, đấu tranh về tông phái văn nghệ là hoàn toàn căn cứ vào tình hình thực tiễn của đời sống văn học-một phương tiện có tác động khá trực tiếp đến đời sống tinh thần của xã hội.

4. Đánh giá về vai trò của văn hóa trong Cách mạng Tháng Tám 1945 và bài học lịch sử

     Đề cương văn hóa 1943: Là cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản về lĩnh vực văn hóa, có thể nói rằng, những định hướng lớn về một nền văn hóa cần có, phải có trong tương lai, khi mà cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ chưa thành công, đã được hình thành trên những phương hướng, nội dung quan trọng nhất. Nhìn nhận nền văn hóa ấy phải được xây dựng trên cơ sở của một hình thái  kinh tế-xã hội mới, do Đảng lãnh đạo, phải trở thành một “mặt trận” mà người cộng sản phải nắm lấy, lãnh đạo và bắt nó phục vụ cho cuộc cách mạng xã hội là một bước tiến về nhận thức của Đảng về văn hóa. Đảng chủ trương có lãnh đạo được văn hóa “đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của đảng mới có hiệu quả”. Hiển nhiên, từ trong văn bản này, tư tưởng dùng văn hóa, trong đó có văn nghệ như một phương tiện phục vụ cho công tác tuyên truyền, vận động quần chúng làm cách mạng theo những mục tiêu của Đảng đã được xác định như những nhiệm vụ xã hội của văn nghệ. Quan niệm ấy xuyên suốt cho đến những giai đoạn sau. Tư tưởng này vừa tạo nên sự thống nhất, tập trung của văn nghệ, vừa tiềm ẩn những bất cập của nó như đề cao tính chất tuyên truyền, chức năng nhận thức, phản ánh, giáo dục, khẳng định bản chất xã hội của văn nghệ mà ít chú ý đến đặc trưng của nó. Trong hoàn cảnh bấy giờ, đưa ra được những vấn đề này, biến nó thành tư tưởng để vận động cho một nền văn hóa mới, chưa có hoặc chính xác hơn là mới chỉ là những mầm, những nụ, chưa được thừa nhận nhưng đã chứng tỏ sức sống của nó là một sáng tạo của Đảng, bởi chỉ có nêu ra được những hướng đi như thế mới có khả năng tập hợp được lực lượng và Đề cương trở thành tài liệu đầu tiên, quan trọng và duy nhất, có tác dụng tập hợp lực lượng rất lớn những người có tư tưởng tiến bộ bấy giờ trong mặt trận Văn hóa cứu quốc. Cần phải nhìn thấy tính chất cứu quốc, tinh thần Phục hưng và cả tinh thần Khai sáng của Đề cương văn hóa mới này, nhận thức được tính chất tiên phong, mở đường của nó cho các văn nghệ sĩ trở về với dân tộc, gắn bó với nhân dân trong sự nghiệp cầm bút của mình mới thấy hết được thái độ của Đảng không chỉ đối với cuộc cách mạng xã hội mà còn là những mong muốn xây dựng một nền tảng tinh thần mới cho xã hội trong tương lai.

     Coi văn hóa là một mặt trận và sức sống của nó chỉ có thể được khẳng định trong những thử thách ở đời sống, Đề cương đã hơn một lần nhấn mạnh đến sự cần thiết, tính chất “cách mạng”, “mới” của nền văn hóa đi liền với cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Và chỉ có hoàn thành cuộc cách mạng này thì cách mạng xã hội mới được coi như thành công. Trong những năm tháng ấy, đánh giá về vai trò to lớn và sự cần thiết của văn hóa với đời sống xã hội là một bước tiến lớn về nhận thức của Đảng đối với văn hóa dân tộc.

     Những phương châm dân tộc, khoa học và đại chúng, cho đến tận bây giờ vẫn chứng tỏ tính chất đúng đắn về đường hướng nhưng cũng cần phải nhìn thấy và đánh giá đúng mức những điều còn giản đơn trong cách giải thích nội dung khái niệm, cách gò những yêu cầu chính trị vào nội dung khoa học của khái niệm. Nhưng điểm quan trọng nhất là qua bao nhiêu thăm trầm, biến động, con đường trở về với nhân dân, dân tộc, gắn bó máu thịt với cuộc sống của nhân dân mới là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho văn hóa dân tộc phát triển.

     Từ quan điểm lịch sử, không thể không nhận thấy những khiếm khuyết của Đề cương, như trong xác định phạm vi đối tượng, lĩnh vực văn hóa, những nét đặc thù của khái niệm cũng như trong đánh giá di sản, xác định tính chất hoặc phân kỳ lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa dân tộc v.v…Điều ấy hoàn toàn có thể hiểu được bởi trong những điều kiện hoạt động bất hợp pháp, thiếu thốn tư liệu, mặt bằng lý luận còn thấp,v.v…đã không cho phép tác giả đi sâu vào những vấn đề chuyên môn. Mặt khác lại cũng phải nhận thấy đây là một bản Đề cương, một chương trình, kế hoạch hành động mang tính chất cương lĩnh của một tổ chức chính trị ở một lĩnh vực vốn rộng về phạm vi, phong phú về nội dung, khó có quan điểm thống nhất ngay cả với những nhà chuyên môn, phức tạp về cách tiếp cận và quan điểm đánh giá…thì những nét lớn nhất của Đề cương, sau hơn 70 năm vẫn giữ được tính đúng đắn về mặt khoa học và tính thực tiễn về mặt vấn đề. Đó là một thành công, một đóng góp của Đảng đối với văn hóa dân tộc, không thể phủ nhận. Lướt qua những giai đoạn phát triển, đổi thay hơn 70 năm qua, nhìn lại những quan điểm lớn nhất của Đảng về văn hóa mới thấy hết những minh triết của cách tiếp cận vấn đề, tính thực tiễn và khoa học của những luận điểm. Bao trùm lên tất cả là tính chất cách mạng, thái độ nhất quán và những nguyên tắc của Đảng về một nền văn hóa mới, được định hướng ngay từ khi nó chưa được xác lập, chưa thật rõ hình hài nhưng những cái mới của nó đã hé lộ, sức sống của nó ngay từ những buổi đầu tiên đã được khẳng định. Chính vì thế mà tương lai của những tư tưởng lớn ấy, những định hướng ấy đã bám rễ vào đời sống và chứng tỏ sự đúng đắn ngay từ những buổi đầu.

     Những bài học lịch sử:

     – Bài học lớn nhất, bao trùm và xuyên suốt từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay là Đảng ta đã đưa ra được một cương lĩnh về một nền văn hóa tập trung cho nhiệm vụ cứu quốc và mục tiêu ấy đã thành công. Gắn bó với đời sống dân tộc, với những nhiệm vụ chính trị, xã hội xuyên suốt gần một thế kỷ tồn tại, nhiệm vụ cứu quốc, kháng chiến, kiến quốc, mở đường cho những phong trào yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nền văn hóa Việt Nam từ sau 1945 đến nay đã đóng góp một phần quan trọng vào lịch sử đương đại. Tư tưởng cứu quốc với khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết” đã trở thành ngọn cờ tập hợp lực lượng, khơi dậy ở mỗi người dân, cộng đồng, dân tộc, đảng phái, tôn giáo lòng yêu nước và khát vọng độc lập. Tinh thần cứu quốc của văn hóa trở thành mệnh lệnh của cuộc sống, được nhận thức sâu sắc ở cả tầm lãnh đạo lẫn trong nhận thức, tình cảm và hành động của mỗi cá nhân. Theo hồi ức của các nhà hoạt động văn hóa Cứu quốc thì nhờ có những hoạt động hiệu quả này mà trong Quốc dân đại hội Tân Trào, đại biểu của Văn hóa cứu quốc đã có vị trí quan trọng và trong thời gian trước, trong, sau cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tinh thần cứu quốc của văn hóa đã có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống nhân dân, tập hợp thành một lực lượng hùng hậu ủng hộ cách mạng. Nói như Nguyễn Tuân là hầu hết mọi trí thức lớn và văn nghệ sĩ đã đứng về “dưới lá cờ nghĩa của Cách mạng” để chung tay đấu tranh và xây dựng một xã hội kiểu mới[vii]. Không có tư tưởng này soi đường, khó có thể chỉ với hơn 5000 đảng viên làm nòng cốt của mặt trận Việt Minh, Đảng có thể lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trọn vẹn như vậy. Thấm nhuần tư tưởng này, hầu hết các bậc nhân sĩ, trí thức yêu nước, kể cả những người còn rất xa lạ với tư tưởng cộng sản cũng tự nguyện đi theo cách mạng, hiến dâng cả tiền bạc, sinh mạng cho độc lập dân tộc. GS Trần Quốc Vượng đã từng nói thế hệ những người như cha ông còn rất xa lạ với đấu tranh giai cấp, lý tưởng cộng sản…nhưng nghe và tin theo Bác Hồ, theo ngọn cờ yêu nước, đấu tranh để giành độc lập dân tộc mà nhập thế, trở thành những con người được giác ngộ lý tưởng xã hội theo quan niệm cộng sản[viii].

     – Sự cởi mở về khâu tập hợp lực lượng, đoàn kết toàn dân, cố kết cộng đồng trong những ngày đầu cách mạng đã làm thay đổi nhận thức xã hội. Sự tin yêu vào chủ trương cứu quốc, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, đã khiến nhiều văn nghệ sĩ, nhân sĩ, các nhà hoạt động văn hóa từ bỏ quan niệm cũ, chấp nhận một thế giới quan và nhân sinh quan mới. Đây là cuộc nhận đường đầu tiên của đội ngũ trí thức để đến với Cách mạng. Họ là những người tiên phong đi đến với cách mạng và là lực lượng chủ chốt để tham gia xây dựng nền văn hóa mới. Nguyễn Tuân đã nói đến việc sẵn sàng “mang những đứa con tinh thần” trước đây của mình “tàn sát” cả đi để đến với nhân dân, cách mạng[ix]. Nhưng “cái thủa ban đầu dân quốc” này sau đó đã vấp phải những ngộ nhận, giản đơn, mang ý thức hệ làm cho sức lan tỏa, tập hợp lực lượng có suy giảm.

     – Khi mục tiêu đã xác định, Đảng đã thành lập ra một tổ chức phù hợp để lãnh đạo văn hóa, gây ảnh hưởng trong đội ngũ trí thức, tập hợp lực lượng để tuyên truyền trong nhân dân, giác ngộ những lực lượng có ảnh hưởng trong xã hội nhưng chưa hiểu và đi theo đường lối của Đảng. Đó là một kinh nghiệm quý báu, sau này được vận dụng và phát huy hiệu quả trong sự nghiệp chống Mỹ và tay sai ở miền Nam, nhất là trong việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Mặt trận Dân chủ và các phong trào xã hội chính trị khác.

     – Lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn theo tinh thần biện chứng, chủ trương văn hóa soi đường cho quốc dân đi, kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến là sự vận dụng sáng tạo chủ trương coi văn hóa như một bộ phận của cuộc cách mạng xã hội, vừa có tính chất then chốt, mở đường, vừa là một bộ phận không thể tách rời của cuộc cách mạng xã hội. Do tình hình chiến tranh kéo dài, chủ trương này sau đó bị đơn giản hóa thành quan niệm văn hóa phục vụ chính trị, phản ánh các nhiệm vụ của cuộc đấu tranh chính trị nên đã có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển đa dạng của văn hóa.

     – Do chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ về những đặc trưng của văn hóa, trong quản lý, chỉ đạo một lĩnh vực vừa mới mẻ, vừa chuyên sâu lại đang hình thành, nên dần dần cả trong chỉ đạo lẫn trong tổ chức thực hiện đường lối văn hóa kháng chiến bộc lộ những nhược điểm như giáo điều, công thức, chính trị hóa nhiều nội dung rất chuyên sâu của văn hóa, làm phương hại đến sự lan tỏa của mục tiêu cách mạng. Những nhược điểm này còn kéo dài ra những năm sau./.

(Tất cả những đoạn trích trong Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 đều theo bản in nhân kỷ niệm 70 năm ngày ra đời của văn bản lịch sử này)

__________
[i] Trò chuyện của GS Trần Văn Giàu với thầy trò trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2000, khi GS về thăm trường.

[ii] Trò chuyện của GS Trần Văn Giàu với GS Bùi Đình Thanh, PGS Nguyễn An Lịch và tác giả bài viết tại nhà riêng của GS Trần Văn Giàu.

[iii] Đào Duy Anh Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Thế giới (liên kết với Nhã Nam), H., 2014.

[iv] Hồ Chí Minh Nhật ký trong tù.

[v] Nhiều tác giả Một chặng đường văn hóa. Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1984, tr. 45.

[vi] Nhiều tác giả Một chặng đường văn hóa. Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1984, tr. 45.

[vii] Nguyễn Tuân, Tùy bút kháng chiến.

[viii] Trần Quốc Vượng Theo dòng lịch sử, Nxb Văn hóa-Thông tin, H., 1996.

[ix] Nguyễn Tuân, Tùy bút kháng chiến.

    NguồnHội đồng lý luận trung ương (tháng 8/2018)

Ban Tu Thư (https://thanhdiavietnamhoc.com)