Về một cách tiếp cận mới trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản (Qua nghiên cứu trường hợp khu di sản Hội An)

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  ĐỖ THỊ NGỌC UYỂN
(Đại học Sài Gòn)

TÓM TẮT

     Bài viết đưa ra một cách tiếp cận mới trong quản lý di sản nói chung và khu di sản Hội An nói riêng, xem các hoạt động của con người trong mối tương tác với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội đều là hoạt động văn hoá. Khi đặt văn hoá sinh thái nằm trong hệ thống giá trị văn hoá, sẽ cho ta thấy, mối quan hệ văn hoá – sinh thái – du lịch đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Theo đó, việc tìm ra một mô hình quản lý hợp lý là điều cần thiết để các khu di sản được bảo tồn và phát huy có hiệu quả hơn.

Từ khóa: Hội An; Đô thị cổ Hội An, di sản; di sản văn hóa; văn hóa; sinh thái; du lịch.

ABSTRACT

     The paper puts forward a new approach on heritage management in general and Hội An ancient town in particular in which seeing human activities in interactive with natural and social environment are all cultural activities. Putting environment culture in the system of cultural values, it is seen the relationship between culture – environment – tourism and the protection and promotion of heritage values. Thus the finding of a suitable management model is necessary to have better protection and promotion.

Key words: Hội An; Hội An ancient town, Heritage; Cultural heritage; Culture; Environment; Tourism.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Trong những năm gần đây, UNESCO đã công nhận nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên ở Việt Nam là di sản thế giới, dựa trên những giá trị nổi bật toàn cầu của mỗi loại hình di sản, phù hợp với các tiêu chí mà tổ chức này đưa ra. Ví dụ, di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận theo tiêu chí vii: “Chứa đựng các hiện tượng, địa điểm tự nhiên hết sức nổi bật hoặc các khu vực có vẻ đẹp tự nhiên độc đáo và tầm quan trọng về thẩm mỹ” và tiêu chí viii: “Những ví dụ nổi bật đại diện cho những giai đoạn lớn trong lịch sử của trái đất, trong đó, có lịch sử về sự sống, các quá trình địa chất quan trọng đang tiếp diễn trong sự phát triển của các địa mạo, hoặc các đặc điểm quan trọng về địa chất hoặc địa lý tự nhiên”; hoặc di sản văn hoá thế giới Đô thị cổ Hội An được công nhận theo tiêu chí ii: “Thể hiện một sự giao lưu quan trọng giữa các giá trị của nhân loại, trong một khoảng thời gian hoặc trong phạm vi một vùng văn hoá của thế giới, về các bước phát triển trong kiến trúc hoặc công nghệ, nghệ thuật tạo hình, quy hoạch đô thị hoặc thiết kế cảnh quan” và tiêu chí v: “Là một ví dụ nổi bật về một hình thức cư trú của con người hoặc một sự chiếm đóng lãnh thổ mang tính truyền thống và tiêu biểu cho một hoặc nhiều nền văn hóa, nhất là khi nó trở nên dễ bị tổn thương dưới tác động của những biến động không thể đảo ngược”1. Qua quy định của UNESCO, có thể thấy sự kết hợp giữa yếu tố tự nhiên và văn hoá trong các tiêu chí. Ví dụ: vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới nhưng đời sống của cộng đồng làng chài Cửa Vạn trên biển ở vịnh Hạ Long lại là văn hoá. Với khu di sản Hội An, vùng lõi là quần thể các công trình kiến trúc cổ, nhưng vùng đệm và vùng chuyển tiếp lại là cảnh quan môi trường sinh thái của các làng nghề bao quanh phố cổ và hơn nữa, thành phố Hội An còn có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm – Hội An, với vùng lõi là khu bảo tồn biển Cù lao Chàm, vùng đệm là vùng cửa sông Thu Bồn và vùng chuyển tiếp là Đô thị cổ Hội An. Tiêu chí UNESCO đưa ra là để nhấn mạnh đến giá trị nổi bật toàn cầu của mỗi di sản và ưu tiên các biện pháp bảo tồn và phát huy, theo đó, không phải là việc phân chia rạch ròi giữa văn hoá và thiên nhiên. Nhưng, trên thực tế, do đây đó vẫn có việc nhìn nhận tách bạch giữa các giá trị văn hoá, thiên nhiên và sinh quyển (hay gọi chung là tách bạch giữa văn hoá và sinh thái) của các khu di sản, nên công tác quản lý ít nhiều còn có sự chồng chéo, bất cập.

     Đặc biệt, đối với Hội An – một thành phố có hai danh hiệu di sản thế giới: Đô thị cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm – Hội An, bên cạnh giá trị văn hoá là nguồn tài nguyên, sản phẩm du lịch chủ yếu, thì cảnh quan, môi trường sinh thái xung quanh khu di sản cũng tác động không nhỏ đến sự tồn vong của di sản và con người sống trong khu di sản, đặc biệt là trong tình hình biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp như hiện nay. Đồng thời, trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản, những hoạt động du lịch cũng tác động không nhỏ, làm biến đổi giá trị văn hoá, môi trường sinh thái,… Một mô hình phát triển bền vững và cân đối chỉ có thể được đảm bảo bằng việc kết hợp hài hoà giữa các nhân tố: văn hoá và tự nhiên với sự phát triển kinh tế – xã hội. Chính vì vậy, việc nhận diện mối quan hệ văn hoá – sinh thái – du lịch trong bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản là cần thiết, để có định hướng quản lý đúng đắn không chỉ đối với Hội An mà còn có thể áp dụng cho các nơi khác. Đó là cách tiếp cận mới trong quản lý di sản mà Hội An nói riêng và các khu di sản khác nói chung cần nhìn nhận thêm để việc quản lý di sản đi đúng hướng.

     Để tìm hiểu mối quan hệ giữa văn hoá – sinh thái – du lịch đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản Hội An, trước hết chúng ta cần tìm hiểu các khái niệm về văn hoá, sinh thái, văn hoá sinh thái và du lịch, cũng như khái niệm về bảo tồn và phát huy.

2. Các khái niệm

     2.1. Văn hoá, sinh thái và văn hoá sinh thái

     Văn hóa là một khái niệm khá phức tạp, từ mỗi phương diện nghiên cứu khác nhau, sẽ có những khái niệm về văn hóa khác nhau. Định nghĩa về văn hóa đầu tiên xuất hiện trong tác phẩm Văn hóa nguyên thủy, xuất bản năm 1871 của nhà văn hóa học người Anh E. B. Tylor và cho đến nay, đã có hàng trăm định nghĩa về văn hóa của các nhà khoa học trong và ngoài nước.

     Chúng tôi nhận thấy, định nghĩa về văn hóa của Trần Ngọc Thêm mang tính phổ quát và khoa học, phù hợp cho việc nghiên cứu vấn đề này. Ông cho rằng: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo, tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình”. Giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần ở đây cũng đồng nghĩa với giá trị văn hóa vật thể và văn hoá phi vật thể mà UNESCO thường phân loại để công nhận di sản.

     Từ sinh thái có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là oikos, có nghĩa là nơi cư trú. Người đặt nền tảng cho nghiên cứu sinh thái là Haekel. Ông đã gián tiếp đưa ra định nghĩa đầu tiên về sinh thái vào năm 1870 như sau: “Sinh thái học là nghiên cứu về kinh tế, các hộ gia đình và các cơ thể động vật. Nghiên cứu này bao gồm mối quan hệ của động vật với môi trường hữu cơ và vô cơ, dựa trên tất cả mối quan hệ có lợi và có hại mà Darwin gọi là các điều kiện cho các cuộc đấu tranh sinh tồn”2. Vậy, hệ sinh thái bao gồm các sinh vật hoạt động trong một phạm vi môi trường, điều đó có nghĩa, con người cũng nằm trong phạm vi đó.

     Ở Việt Nam, nhiều nhà khoa học đã quan tâm nghiên cứu về văn hoá sinh thái, nhưng khái niệm văn hoá sinh thái phù hợp với nghiên cứu này, theo chúng tôi là: “Văn hoá sinh thái là toàn bộ những giá trị văn hóa – xã hội được thể hiện trong thái độ đối xử, trong hành vi tác động và cải biến thiên nhiên nhằm tạo ra môi trường sống phù hợp, đáp ứng nhu cầu sống lành mạnh, phát triển và tiến bộ của con người”3. Theo đó, văn hoá sinh thái thuộc hệ thống giá trị văn hoá.

     2.2. Du lịch

     Hiện nay, nhiều học giả trên thế giới đã đưa ra các định nghĩa khác nhau về du lịch. Theo Tổ chức Du lịch thế giới IUOTO (International Union of Official Travel Organisation): “Du lịch là hành động du hành đến một nơi khác với địa điểm cư trú thường xuyên của mình, nhằm mục đích không phải để làm ăn, tức không phải để làm một nghề hay một việc kiếm tiền sinh sống”. Hội nghị Liên hiệp quốc về du lịch được tổ chức ở Roma (Italia) năm 1963 cho rằng: “Du lịch là tổng hợp các mối quan hệ, hiện tượng và các hoạt động kinh tế bắt nguồn từ các cuộc hành trình và lưu trú của cá nhân hay tập thể ở bên ngoài nơi ở thường xuyên của họ hay ngoài nước họ với mục đích hòa bình. Nơi họ đến lưu trú không phải là nơi làm việc của họ”. Theo I.I. Pirôgionic: “Du lịch là một dạng hoạt động của dân cư trong thời gian rỗi, liên quan tới sự di chuyển và lưu lại tạm thời bên ngoài nơi cư trú thường xuyên nhằm nghỉ ngơi, chữa bệnh, phát triển thể chất và tinh thần, nâng cao trình độ nhận thức – văn hoá hoặc thể thao, kèm theo việc tiêu thụ những giá trị về tự nhiên, kinh tế và văn hoá”4.

     Theo quan niệm của người phương Tây, du lịch là một chuyến du ngoạn, không vì mục đích sinh lợi. Nhu cầu đích thực là thưởng ngoạn, thẩm định các giá trị vật chất và tinh thần tại các điểm du lịch (nghỉ dưỡng, hồi phục sức khỏe, hưởng thụ những thành quả lao động, tìm hiểu và trải nghiệm về văn hóa…). Theo quan niệm của người phương Đông, du lịch là đi chơi, trải nghiệm ở một nơi xa nơi cư trú của mình, với mục đích nâng cao trí lực, làm dày thêm vốn văn hóa của cá nhân.

     Theo Luật du lịch Việt Nam: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định”5.     

     Với cách định nghĩa này, có thể hiểu được mục đích của du lịch là du ngoạn để thẩm định các giá trị vật chất, tinh thần ở một nơi nào đó khác với nơi mình sinh sống, lao động hằng ngày. Tuy nhiên, du lịch ngày càng phát triển, các loại hình du lịch cũng ngày càng đa dạng, nhu cầu của con người ngày càng cao, mục đích của du lịch cũng không bó hẹp trong việc đáp ứng các nhu cầu của con người, mà còn hướng tới các giá trị chân – thiện – mỹ, như: giáo dục về lòng yêu nước, chia sẻ các giá trị lịch sử- văn hóa truyền thống của các tộc người, chế độ xã hội, nền kinh tế… Đặc biệt, du lịch còn có ý nghĩa lớn, góp phần khai thác, bảo vệ các giá trị di sản văn hóa, bảo vệ và phát triển môi trường tự nhiên, xã hội.

     Như vậy, có thể tạm hiểu, du lịch là một hoạt động xã hội gắn với các giá trị tự nhiên và giá trị nhân văn.

     2.3. Bảo tồn và phát huy

     Theo Từ điển Tiếng Việt, do Hoàng Phê chủ biên: “bảo tồn” có nghĩa là giữ lại, không để mất đi, còn “phát huy” là làm cho cái hay, cái tốt lan tỏa tác dụng và tiếp tục nảy nở thêm6. Thuật ngữ bảo tồn và phát huy, cũng có nhiều từ và ý nghĩa khác nhau. Thuật ngữ bảo tồn trong tiếng Anh có 2 từ: conservation (nghĩa là: tất cả mọi quy trình có thể sử dụng để trông nom địa điểm nhằm lưu giữ ý nghĩa văn hoá của nó) và preservation (nghĩa là: bảo quản kết cấu một địa điểm ở hiện trạng và kìm hãm sự xuống cấp của kết cấu đó)7. Trong hầu hết các hiến chương của ICOMOS, thường dùng từ bảo tồn (conservation) mang ý nghĩa rộng cho các di sản nói chung. Đối với Đô thị cổ Hội An, đó là một địa điểm có kết cấu của một quần thể kiến trúc cụ thể, cần được bảo tồn và kìm hãm sự xuống cấp của nó. Vì vậy, công tác bảo tồn ở Hội An thường sử dụng là từ preservation. Về thuật ngữ phát huy (promotion), được sử dụng rất nhiều trong văn bản của Việt Nam, nhưng trong các công ước của UNESCO và hiến chương của ICOMOS, thường dùng từ sử dụng (use). Trong Hiến chương Burra (1979) có ghi: “Khi nào việc sử dụng một địa điểm là có ý nghĩa văn hoá, thì việc sử dụng đó cần được duy trì và một địa điểm cần phải có một cách sử dụng thích hợp”; và, điều 5, Hiến chương Venice (1965) ghi: “Việc bảo tồn di tích luôn được tạo điều kiện thuận lợi bằng cách sử dụng những di tích đó vào một mục đích hữu ích cho xã hội, cách sử dụng như vậy là đáng làm, song, không được làm biến đổi bố cục hoặc trang trí của công trình. Phải có quan niệm là chỉ đúng trong những giới hạn đó thì những sửa sang do thay đổi chức năng mới được phép tiến hành”.

     Vậy, phát huy di sản (heritage promotion) có thể hiểu là những hoạt động nhằm đưa di sản vào trong thực tiễn xã hội, coi đó là nguồn nội lực, tiềm năng góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội, mang lại những lợi ích vật chất và tinh thần cho con người, thể hiện tính mục tiêu của văn hóa đối với sự phát triển của xã hội.

3. Mối quan hệ văn hoá – sinh thái – du lịch đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản Hội An

     3.1. Mối quan hệ văn hoá – sinh thái trong hệ thống các giá trị văn hoá

     Từ định nghĩa về văn hoá của Trần Ngọc Thêm, có thể nhận thấy, các hoạt động sáng tạo của con người tương tác với môi trường tự nhiên sẽ tạo ra giá trị văn hoá. Như vậy, hoạt động bảo tồn môi trường sinh thái cũng là hoạt động văn hoá, gọi là văn hoá sinh thái. Theo Ngô Đức Thịnh: “Sinh sống lâu đời trong một môi trường sinh thái quen thuộc nên mỗi tộc người đã hình thành những kiểu thích ứng với môi trường nhất định, tạo nên những truyền thống sinh hoạt kinh tế, xã hội, văn hóa riêng”8. Có thể thấy, bảo tồn giá trị văn hoá, môi trường sinh thái đều là hoạt động chung của con người và văn hoá sinh thái như là một thành tố của văn hoá, nếu xét nó trong khía cạch hoạt động của con người. Từ đó, có thể khẳng định một lần nữa, văn hoá sinh thái cũng thuộc hệ thống giá trị văn hoá.

     Trong công trình nghiên cứu về Hội An với tựa đề “Hội An với cái nhìn môi trường sinh thái nhân văn”, GS. Trần Quốc Vượng đã kết luận như sau: “Nó đòi hỏi không thể nhìn Hội An cũ – mới chỉ như một cảng – thị, với một cảng và một thị. Mà có lẽ nên nhìn Hội An cũ – mới như một hệ cảng – thị, với nhiều cảng (sông – biển) và nhiều thị (sông – biển). Nói rút gọn: HỘI AN = Σ cảng thị sông biển”. Qua bài nghiên cứu này, giáo sư cũng đã gợi lên cho các nhà nghiên cứu có cái nhìn về Đô thị cổ Hội An không chỉ đơn thuần là một quần thể kiến trúc gỗ, với một cảng thị truyền thống được bảo tồn nguyên vẹn, xung quanh phố cổ là một hệ thống sông, đầm, bàu, với một hệ sinh thái đa dạng và phong phú. Chính môi trường sinh thái đó đã góp phần tạo nên nét văn hoá đặc trưng của vùng đất Hội An.

     Trong thực tế, nói đến sinh thái, người ta thường nghĩ đến hệ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái,… và tách biệt ra khỏi văn hoá. Cách ghi danh của UNESCO cũng như việc phân cấp quản lý ở các địa phương cũng đều phân cấp theo các lĩnh vực riêng, là văn hoá, thiên nhiên và sinh quyển. Ví dụ: tại thành phố Hội An, di sản văn hoá thế giới Đô thị cổ Hội An được giao cho Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hoá Hội An quản lý và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm – Hội An do Ban Bảo tồn biển Cù lao Chàm quản lý. Chính vì vậy, không tránh khỏi sự chồng chéo, khó khăn trong quá trình lập kế hoạch quản lý, cũng như trong việc triển khai hoạt động, nhiệm vụ, gây tốn kém không ít ngân sách của Nhà nước.

     Có thể hình dung khoanh vùng bảo vệ của di sản văn hoá thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm – Hội An qua sơ đồ (xen: H.1).

     Để bảo tồn được những giá trị di sản văn hoá cũng như hệ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái thì không ai khác hơn chính là cộng đồng nơi đó. Vì vậy, việc tách sinh thái ra khỏi văn hoá hay ngược lại là điều không thể. Văn hoá và sinh thái có một mối gắn kết qua hoạt động của con người. Con người lại tận dụng môi trường văn hoá – sinh thái để khai thác, phát huy giá trị, mang lại lợi ích vật chất, tinh thần thông qua hoạt động du lịch. Có thể nói, mối quan hệ văn hoá – sinh thái – du lịch là mối quan hệ tác động qua lại giữa việc bảo tồn những giá trị văn hoá với hoạt động khai thác, phát huy của con người.

     3.2. Mối quan hệ văn hoá – du lịch trong tương quan với mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản

     Khi xác định văn hoá sinh thái thuộc hệ thống giá trị văn hoá, muốn lý giải mối quan hệ văn hoádu lịch, cần xem xét mối quan hệ giữa bảo tồn những giá trị văn hoá với việc khai thác, phát huy những giá trị đó cho phát triển du lịch. Để làm rõ vấn đề này, cần phải hiểu mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.

     Việc nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thu hút được sự quan tâm của rất nhiều học giả nước ngoài. Đã có ít nhất hai quan điểm về bảo tồn và phát huy như sau: Bảo tồn nguyên vẹn và bảo tồn trên cơ sở kế thừa.

     Về quan điểm bảo tồn nguyên vẹn, theo Gregory J. Ashworth, quan điểm này được phát triển đầu tiên từ những năm 50 của thế kỷ XIX, được khá nhiều học giả ủng hộ, đặc biệt là các nhà bảo tồn, bảo tàng trong lĩnh vực di sản văn hóa. Những người theo quan điểm này cho rằng, các sản phẩm của quá khứ, nên được bảo vệ một cách nguyên vẹn, như nó vốn có, cố gắng phục hồi nguyên gốc các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cũng như cố gắng cách ly di sản khỏi môi trường xã hội đương đại. Họ cho rằng, mỗi di sản chứa đựng những giá trị văn hóa – xã hội nhất định, mà không phải lúc nào thế hệ hiện tại cũng có hiểu biết một cách cụ thể, để phát huy giá trị một cách thích hợp. Hơn nữa, những giá trị văn hóa ấy luôn biến đổi theo thời gian do những tác động của xã hội hiện tại và sẽ tạo nên những lớp văn hóa khác, không trùng nghĩa với lớp văn hóa mà thế hệ trước chuyển giao cho thế hệ sau, vì thế, có thể làm cho các thế hệ sau nữa không thể truy nguyên được những giá trị di sản đang tồn tại. Cũng theo quan điểm này, do chúng ta chưa có đủ thông tin, trình độ hiểu biết để có thể lý giải giá trị của các di sản văn hóa, vì thế, nên giữ nguyên trạng của di sản để khi có điều kiện, các thế hệ tiếp nối có thể xử lý, giải thích và tìm cách kế thừa, phát huy di sản một cách tốt hơn9.

     Quan điểm bảo tồn trên cơ sở kế thừa hiện đang được các học giả nước ngoài quan tâm nhiều hơn và là một xu thế khá phổ biến khi bàn đến di sản. Quan điểm này coi di sản như một đối tượng của một ngành công nghiệp và cần phải có cách thức quản lý di sản tương tự với cách thức quản lý của một ngành công nghiệp văn hóa với những logic quản lý đặc biệt, phù hợp với tính đặc thù của các di sản. Hoặc, các nhà nghiên cứu Anh, Mỹ, như Boniface, Fowler, Prentice,… thì cho rằng, không thể không đề cập đến phát triển du lịch trong vấn đề bảo tồn và phát huy di sản. Cách tiếp cận của các nhà khoa học này sống động hơn, quan tâm di sản văn hóa để phát triển du lịch, để khẳng định tính đa dạng trong sáng tạo của con người. Còn các tác giả như Corner và Harvey cũng cho rằng, việc quản lý di sản cần đặt dưới cách tiếp cận toàn cầu hóa. Ngoài ra, các tác giả như Moore và Caulton cũng cho rằng, cần quan tâm đến việc lưu giữ được các di sản văn hóa thông qua cách tiếp cận mới và phương tiện kỹ thuật mới. Nhìn chung, quan điểm lý thuyết này dựa trên cơ sở mỗi di sản cần phải được thực hiện nhiệm vụ lịch sử của mình ở một thời gian và không gian cụ thể. Khi đó, di sản ấy cần phát huy giá trị văn hóa – xã hội phù hợp với xã hội cụ thể đó và loại bỏ đi những gì không phù hợp.

     Bảo tồn và phát huy là hai mặt của một vấn đề, có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ về nội dung. Có thể hiểu bảo tồn là để phát huy giá trị, nhằm tạo khả năng tăng trưởng kinh tế nhanh, từ đó, sẽ có điều kiện vật chất và kỹ thuật để bảo tồn di sản tốt hơn. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, chúng ta có thể nhận ra sự mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát huy. Đối với Đô thị cổ Hội An, đã có mâu thuẫn giữa bảo tồn nguyên trạng các yếu tố gốc của di tích và phát triển đời sống cộng đồng cư dân sinh sống ở đó. Vấn đề đặt ra, là bảo tồn khu di sản Hội An và phát huy nó như thế nào để đáp ứng được nhu cầu dân sinh? Cách tốt nhất để giải quyết, là bảo tồn vững chắc giá trị của di sản văn hoá; tạo sự cân bằng, hợp lý giữa bảo tồn và phát huy; khai thác, phát huy giá trị đó để phát triển du lịch, phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng trở lại nhu cầu vật chất cho việc bảo tồn và nhu cầu tinh thần cho cộng đồng đang sinh sống.

     Như đã nói ở trên, khu di sản Hội An không chỉ mang trên mình những giá trị về văn hoá mà còn có những giá trị về mặt sinh thái. Và, những giá trị này được bảo tồn và phát huy đều dựa vào hoạt động của con người, trở thành những giá trị văn hoá (bao gồm giá trị văn hoá sinh thái) mà con người Hội An cần gìn giữ, bảo tồn và phát huy để phát triển thông qua hoạt động du lịch, nhằm đáp ứng và cân bằng giữa bảo tồn giá trị di sản và phát triển bền vững của địa phương. Trên cơ sở những lý luận trên, có thể nhìn nhận mối quan hệ văn hoá- sinh thái – du lịch đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản Hội An qua mô hình được khái quát (xem: H.2):

4. Thay lời kết

     Việc nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hoá – sinh thái – du lịch đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản Hội An không những góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề lý thuyết về văn hoá sinh thái mà còn góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn tại các khu di sản hiện nay./.

     Chú thích:

1- https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_sản_thế_giới

2- http://anthropology.ua.edu/cultures/cultures.php, “the study of the economy, of the household, of animal organisms. This includes the relationships of animals with the inorganic and organic environments, above all the beneficial and inimical relations Darwin referred to as the conditions for the struggle of existence”.

3- Xem Phan Xuân Viện, Tạp chí Khoa học Văn hoá và Du lịch, số 12 (66) – 2013.

4- Xem Lê Xuân Hậu (2013), Di sản văn hoá với phát triển du lịch ở Đồng Nai, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.

5- Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật du lịch, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2005.

6- Hoàng Phê (chủ biên) (2003), Từ điển tiếng Việt, in lần thứ 9, có sửa chữa, Nxb. Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, Hà Nội – Đà Nẵng.

7- ICOMOS 1979, The Burra Charter for Places of Cultural Significance.

8- Ngô Đức Thịnh (2006), Văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội.

9- Nguyễn Chí Bền (chủ biên) (2010), Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể ở Thăng Long – Hà Nội, Nxb. Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- A.A. Radughin (chủ biên) (2004), Văn hoá học những bài giảng, Viện Văn hoá Thông tin.

2- Chris Barker (2011), Nghiên cứu văn hoá – Lý thuyết và thực hành, Nxb. Văn hoá Thông tin.

3- Hoàng Phê (chủ biên) (2003), Từ điển tiếng Việt, in lần thứ 9, có sửa chữa, Nxb. Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, Hà Nội – Đà Nẵng.

4- Lê Xuân Hậu (2013), Di sản văn hoá với phát triển du lịch ở Đồng Nai, Luận văn thạc sĩ, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.

5- Nhiều tác giả (2007), Văn hoá học – Những phương pháp nghiên cứu, Viện Văn hoá Thông tin.

6- Nguyễn Chí Bền (chủ biên) (2010), Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể ở Thăng Long – Hà Nội, Nxb. Hà Nội.

7- Ngô Đức Thịnh (2006), Văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội.

8- Phan Xuân Viện, Tạp chí Khoa học Văn hoá và Du lịch, số 12 (66) – 2013.

9- Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Luật du lịch, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2005

10- Trần Ngọc Thêm (1996), Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam (Cái nhìn hệ thống – loại hình), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.

11- Trần Quốc Vượng (1998), Việt Nam cái nhìn địa – văn hoá, Nxb. Văn hoá Dân tộc.

12- Võ Quang Trọng (chủ biên) (2010), Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể ở Thăng Long – Hà Nội, Nxb. Hà Nội.

13- ICOMOS (1931), The Athens Charter for the Restoration of Historic Monuments.

14- ICOMOS (1965), Venice Charter for the Conservation and Restoration of Monuments and Sites.

15- ICOMOS (1979), The Burra Charter for Places of Cultural Significance.

Nguồn: Di sản văn hóa vật thể, Số 2 (55) – 2016

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Về một cách tiếp cận mới trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản
(Qua nghiên cứu trường hợp khu di sản Hội An) – Tác giả: ThS. Đỗ Thị Ngọc Uyển