Việc củng cố và mở rộng lãnh thổ và vấn đề thống nhất đất nước đầu thế kỷ XIX

Tác giả bài viết: Tiến sĩ HÀ MINH HỒNG
(Khoa Lịch sử – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh)

Củng cố và mở rộng lãnh thổ

     Chiến tranh Trịnh – Nguyễn và thế cát cứ Đàng Ngoài – Đàng Trong là một hệ quả tất yếu của tình trạng mâu thuẫn và tranh giành quyền lực giữa những tập đoàn phong kiến vốn đã muốn bức phá khỏi thế ràng buộc và khuôn khổ chật hẹp của chế độ Nho giáo đã định sẵn những nền nếp và kỷ cương theo chuẩn mực của Thánh hiền. Chính con đường cát cứ của Đàng Trong thế kỷ XVII, trong khi đối phó với chiến tranh ở Đàng Ngoài đã buộc phải mở mang và xây dựng những vùng đất mới thành nơi đứng chân và dấy nghiệp.

     Đàng Trong từ đó tiếp tục phát triển, bổ sung tiếp nối những cách thức của Đàng Ngoài. Quá trình đó đã hình thành và phát triển những thế và lực mới thúc đẩy việc khai mở về phía Nam.

     Do là vùng đất mới nên tình hình ruộng đất ở Đàng Trong có nhiều khác biệt Đàng Ngoài, vì thế kinh tế nông nghiệp có điều kiện phát triển nhanh. Đất đai màu mỡ, lại đất tư chiếm phần lớn, nhất là ở vùng Gia Định, tầng lớp đại địa chủ rất giàu có, việc cày bừa, trồng cấy, gặt hái được thiên nhiên ưu đãi nên vô cùng thuận lợi.

     Nông sản nhiều nên việc buôn bán cũng có đà tiến triển. Thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII có nhiều lái buôn nước ngoài đến buôn bán. Hội An từ một chợ địa phương đã phát triển thành thương cảng nổi tiếng Đàng Trong. Người Trung Quốc và người Nhật dần dần chiếm ưu thế trong nền thương mại xứ Đàng Trong. 

     Tổ chức xã hội của Đàng Trong cũng được hoàn thiện dần theo những kinh nghiệm của các chúa Nguyễn. Người dân di cư từ những miền ngoài đi vào, mang theo những phong tục tập quán cũ, lối làm ăn cũ, nhưng trong điều kiện hoàn cảnh mới họ đã biến cải dần cho thích hợp với những thuận lợi hơn nhiều so với bản quán xưa.

     Chế độ giáo dục và khoa cử Nho giáo cũng được đẩy mạnh để phục vụ cho nhu cầu củng cố bộ máy thống trị. Các chúa Nguyễn tiếp tục thi hành những chính sách giáo dục và khoa cử thời Lê, nhưng có vận dụng thích hợp cho hoàn cảnh Đàng Trong, không quá chặt chẽ khắt khe như Đàng Ngoài mà vẫn đảm bảo lựa chọn kẻ hiền tài trong khoa cử.

     Nhìn chung Đàng Trong dưới sự lãnh đạo của các chúa Nguyễn chỉ hơn 100 năm (từ nửa cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII) đã mô phỏng lối tổ chức đời sống kinh tế-xã hội phong kiến cổ truyền ở Đàng Ngoài, để nhanh chóng xây dựng nên một xã hội phong kiến mới hoàn chỉnh cả về kiến trúc thượng tầng lẫn cơ sở hạ tầng.

     Thực tế là với việc các chúa Nguyễn củng cố mở rộng Đàng Trong, đến thế kỷ XVIII lãnh thổ quốc gia phong kiến Đaị Việt đã kéo dài về phía Nam; chế độ phong kiến Đại Việt đã nối dài cánh tay vào Đàng Trong với tất cả sức lực của các chúa Nguyễn và những tầng lớp dân chúng hoà theo. Sự phát triển của nền kinh tế-chính trị-văn hoá-xã hội Đàng Trong có ý nghĩa làm cho mô hình phong kiến Đại Việt cổ truyền được mở rộng và có thêm những thực tế phong phú ở phía Nam; hơn nữa sự phát triển ấy cũng tạo ra “đối tác” cho Đàng Ngoài để kích thích phát triển ở Đàng Ngoài. Như thế góp phần giải quyết những bức xúc nội tại trên con đường phát triển của chế độ phong kiến Đại Việt vốn đang cần tìm lối thoát để giải quyết những mâu thuẫn nội tại của nó. Đàng Trong và Đàng Ngoài sau những năm chiến tranh (1627- 1672) đã có một thời gian dài thật đáng quý (1672-1776) mải mê vào công cuộc chỉnh trang nội địa, tìm kiếm những mối quan hệ – đó không chỉ có lợi cho mỗi miền đang củng cố xây dựng thực lực, mà còn có lợi cho cả chế độ phong kiến Đại Việt đang cần ổn định để phát triển.

     Tuy nhiên sự chia cắt lãnh thổ vẫn còn là một hiện trạng chưa chấm dứt. Đàng Ngoài và Đàng Trong đều do những tập đoàn phong kiến Đại Việt ngự trị nhưng bị ngăn cách không phải do ý thức hệ, mà do những mâu thuẫn dòng họ và chiến tranh cát cứ đã không thể dung hoà. Mâu thuẫn ấy sẽ là tiềm tàng của chiến tranh và nó sẽ đẩy cả hai bên vào những xung đột làm hao tổn thực lực và hoàn toàn bất lợi cho nền độc lập thống nhất của dân tộc.

     Mặt khác, khi lãnh thổ quốc gia đã mở rộng thì việc thống nhất cương vực lãnh thổ sẽ có nhiều khó khăn phức tạp hơn trước, đòi hỏi những điều kiện chủ quan và khách quan đầy đủ, trong đó vai trò của một vương triều đủ mạnh là vô cùng quan trọng. Lịch sử dân tộc đang cần một vương triều tiến bộ và có khả năng tập trung quyền lực với những minh quân tài giỏi, có tầm nhìn xa trông rộng, có khả năng thống lĩnh sơn hà và đưa nước nhà đi lên con đường mới, phá bỏ bảo thủ trì trệ tiến lên dân chủ.

Động lực mới thúc đẩy nền thống nhất quốc gia

     Cuối thế kỷ XVIII, phong trào nông dân Tây Sơn bùng nổ như một động lực thúc đẩy nền thống nhất quốc gia Đại Việt.

     Năm 1771 Tây Sơn khởi binh. Năm 1773 đánh chiếm thành Quy Nhơn, mở đường cho quân Tây Sơn nhanh chóng đánh xuống phía nam, kiểm soát vùng đất từ đến .

     Tháng 3-1776, Nguyễn Nhạc tự xưng Tây Sơn Vương, đúc ấn vàng, xây lại thành Đồ Bàn, phong cho Nguyễn Huệ làm Phụ chính, Nguyễn Lữ làm Thiếu phó. Đầu năm 1778, Nguyễn Nhạc tự xưng Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thái Đức, đổi thành Đồ Bàn làm thành Hoàng đế, phong cho Nguyễn Huệ làm Long nhượng tướng quân, Nguyễn Lữ làm Tiết chế. Triều đại Tây Sơn chính thức được thành lập.

     Lực lượng Tây Sơn bắt đầu phong kiến hoá và trở thành thế lực mới đang lên rất nhanh khiến cả họ Trịnh và họ Nguyễn phải lo đối phó với Tây Sơn, bởi trước hay sau thì Tây Sơn cũng sẽ mở rộng địa bàn, phát triển lực lượng; phong trào nông dân Tây Sơn được phong kiến hoá trở thành nhân tố mới chen vào mối quan hệ mâu thuẫn giữa hai thế lực phong kiến ở hai đầu đất nước. Và tình trạng đó khiến cả Đàng Trong và Đàng Ngoài phải chuẩn bị trở lại tình huống chiến tranh.

     Từ 1776 Tây Sơn tập trung lực lượng chinh phục phía nam. Trong gần 10 năm (từ 1776 đến 1783 quân Tây Sơn nhiều lần vào đánh chiếm Gia Định. Đến năm 1783, sau khi Nguyễn Huệ ra quân lần thứ tư, quân Nguyễn thua to, Nguyễn ánh bỏ chạy, trốn thoát sang Xiêm và cầu cứu quân Xiêm.

     Ở Đàng Trong bắt đầu xuất hiện thêm nhân tố ngoại bang (phong kiếm Xiêm), đặt ra yêu cầu mới cho phong trào Tây Sơn phải giải quyết.

     Tháng 1 năm 1785 (tháng 12 năm Giáp Thìn), quân Tây Sơn nhử đối phương lọt vào trận địa mai phục đoạn Rạch Gầm – Xoài Mút, khóa chặt hai đầu, dồn quân Xiêm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Chỉ một trận quyết chiến diễn ra không đầy một ngày đã tiêu diệt quân Xiêm.

     Cách giải quyết của Tây Sơn ở Rạch Gầm-Xoài Mút năm 1785 đã chứng tỏ khả năng lớn của họ trong việc gạt bỏ những cản trở của nền độc lập quốc gia và thống nhất đất nước ở Đàng Trong. Tài năng quân sự của Nguyễn Huệ đã giúp định vị Tây Sơn thật sự là một lực lượng tiến bộ có khả năng đáp ứng yêu cầu của lịch sử để thống nhất quốc gia lãnh thổ. Nhưng còn Đàng Ngoài ?

     Tại Bắc Hà, năm 1782, Trịnh Sâm chết, con là Trịnh Cán lên thay, nhưng Trịnh Tông làm binh biến, nạn tranh giành quyền lực ở Đàng Ngoài lại bùng lên. Trước tình hình đó, năm 1786 Nguyễn Huệ chủ động đem quân ra Bắc, giương cao cờ “Phù Lê diệt Trịnh”. Sức mạnh đang lên của Tây Sơn Bắc tiến và mưu lược của Nguyễn Huệ đã nhanh chóng làm cho quân Trịnh rệu rã thua trận. Nguyễn Huệ vào thành Thăng Long yết kiến vua Lê Hiển Tông và trao trả quyền chính lại cho vua Lê. Vua Lê Hiển Tông gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Sau khi vua Lê Hiển Tông qua đời (1786), Nguyễn Huệ thu xếp cho Lê Duy Kỳ lên ngôi vua (Lê Chiêu Thống). Sau đó, Nguyễn Huệ đem công chúa Ngọc Hân cùng Nguyễn Nhạc rút quân về Nam.

     Nhưng lúc này xảy ra bất hòa giữa anh em Tây Sơn và việc đó để lại hậu quả nghiêm trọng, trước hết là bị kẻ thù từ hai phía tận dụng.

     Ở phía Nam, Nguyễn ánh nhận ra cơ hội này về nước tập hợp lực lượng; tháng 8 năm 1788 Nguyễn ánh chiếm lại Gia Định. Ở Bắc Hà, Nguyễn Hữu Chỉnh chống lại Tây Sơn. Sau đó đến lượt Vũ Văn Nhậm chuyên quyền. Tháng 4 năm 1788, Lê Chiêu Thống đi cầu cứu nhà Thanh. Cuối năm 1778, vua Càn Long cho 29 vạn quân hộ tống Lê Chiêu Thống về chiếm đóng.

     Tình hình cả Đàng Trong và Đàng Ngoài đều nguy hiểm cho sự nghiệp của Tây Sơn, trong đó ở Đàng Ngoài đặc biệt có thế lực phong kiến ngoại bang xâm lấn. Những thế lực phong kiến bên trong tiếp tục lợi dụng tình thế mâu thuẫn nội bộ của Tây Sơn để chống Tây Sơn, nhưng Nguyễn Huệ không coi điều đó quan trọng hơn việc chống thế lực phong kiến bên ngoài. Tầm nhìn của thiên tài quân sự như Nguyễn Huệ đã coi khinh các thế lực phong kiến nội địa, chú trọng trước hết đến thế lực mạnh hơn từ phương Bắc xuống, và từ đó tính dân tộc tiến bộ của phong trào Tây Sơn lại một lần nữa trỗi lên.

     Với lý do vua Lê đã bỏ nước và rước giặc về, để có danh nghĩa chính thống, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung. Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22 tháng 12 năm 1788), Quang Trung – Nguyễn Huệ xuất quân tiến ra Bắc diệt giặc Thanh.

     Ngày 29 tháng 11 năm Mậu Thân (26 tháng 12 năm 1788), đại quân của hoàng đế Quang Trung dừng chân tại Nghệ An, củng cố lực lượng, tổ chức thành 5 đạo quân: tiền, hậu, tả, hữu và trung quân, tổ chức lễ duyệt binh khích lệ ý chí quyết chiến, quyết thắng của tướng sĩ, sau đó tiến quân ra Bắc Hà, hẹn chỉ trong 10 ngày sẽ quét sạch quân Thanh. Chỉ 6 ngày kể từ đêm 30 Tết âm lịch, quân Tây Sơn đã đánh tan 29 vạn quân Thanh. Trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu – 1789, quân Tây Sơn tiến vào . Tôn Sĩ Nghị phải chạy thoát thân bỏ quên cả ấn tín.

     Sau chiến tranh, theo phương lược vạch sẵn, với tài ngoại giao khéo léo của Ngô Thì Nhậm, Tây Sơn nhanh chóng bình thường hóa bang giao với nhà Thanh. Vua Càn Long cho sứ giả vào tận Phú Xuân phong vương cho Nguyễn Huệ; Quang Trung cho người sang triều kiến và dự lễ mừng thọ vua Càn Long…Năm 1792, Quang Trung xin cầu hôn công chúa Thanh triều và “xin” về hai tỉnh và , sai đô đốc Vũ Văn Dũng làm chánh sứ sang triều kiến vua Càn Long. Tuy nhiên, dự định không thực hiện được vì cái chết đột ngột.

     Như vậy vương triều Quang Trung đã đi được những bước căn bản để đáp ứng đúng yêu cầu của lịch sử: chống ngoại xâm, cắt đứt chỗ dựa của phong kiến nhà Lê, diệt Trịnh và triệt hạ thế lực cát cứ chuyên quyền ở Đàng Ngoài, trước đó từng đánh bại thế lực phong kiến Đàng Trong và đánh dẹp phong kiến Xiêm làm mất chỗ dựa của họ Nguyễn. Tuy còn dang dở, nhưng thực tế là phong trào Tây Sơn và vương triều Quang Trung đã gạt bỏ được những cản trở lớn nhất của nền thống nhất quốc gia – đó là tình trạng chia cắt Đàng Trong, Đàng Ngoài và tình trạng phân quyền của những tập đoàn phong kiến đối nghịch.

     Song chính anh em Tây Sơn lại cũng không thể thống nhất quyền lợi dòng họ nên không thể thống nhất quốc gia lãnh thổ được. Bản chất nông dân của anh em Tây Sơn đã hạn chế phong trào quốc gia, không cho phép họ vượt lên trên những tính toán cá nhân để khắc phục rạn nứt trong quan hệ dòng họ, không thể tạo ra sức mạnh thống nhất cần có của một tập đoàn phong kiến vốn có nhiều tiến bộ như thế. Khả năng thống nhất quốc gia lãnh thổ cho đến lúc vương triều Tây Sơn tồn tại cũng chỉ dừng lại ở tiềm tàng mà thôi, khó đi vào thực tế lịch sử. Điều cần thiết lúc này là phải có một vương triều thống nhất và chuyên quyền đủ sức thống lĩnh quốc gia rộng dài từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong, có khả năng chinh phục những thế lực phong kiến nội địa đang gây dựng lại thế lực sau cuộc chiến chống lại Tây Sơn. Bất cứ một vương triều nào đó lên thay vương triều Tây Sơn đều phải làm nhiệm vụ thống lĩnh quốc gia, vượt qua những hạn chế của Tây Sơn để giương lên ngọn cờ thống nhất.

Sự thiết lập vương triều Nguyễn Gia Long và sự chín muồi của nền thống nhất

     Kể từ sau cái chết của vua Quang Trung, vương triều Tây Sơn đi hẳn vào suy thoái và không thể tiếp tục giương lên ngọn cờ dân tộc được nữa, tạo điều kiện cho một vương triều mới thay thế và tiếp tục những nhiệm vụ lịch sử mà đất nước đang đặt ra.

     Năm 1792, Quang Trung mất, con là Nguyễn Quang Toản còn nhỏ tuổi lên nối ngôi, tức là vua . Nhà Tây Sơn nhanh chóng suy yếu. ánh nhân thời cơ đó ra sức Bắc tiến. Nhận thấy tinh binh Tây Sơn đều tập trung cả ở chiến trường Quy Nhơn, năm 1800, Nguyễn ánh đánh chiếm được Quy Nhơn; năm sau, Nguyễn ánh mang quân chủ lực vượt biển ra đánh Phú Xuân. Quang Toản thua trận bỏ chạy ra Bắc. Giữa năm 1802 Nguyễn ánh tiến ra chiếm được Thăng Long, Quang Toản không chống nổi, bỏ chạy và bị bắt, chấm dứt hoàn toàn vương triều Tây Sơn.

     Tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn ánh lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long, định đô ở Thuận Hóa (Huế), phục hồi lại chính quyền phong kiến của các chúa Nguyễn và xây dựng chế độ quân chủ quan liêu chuyên chế.

     Đó cũng là sự chín muồi của nền thống nhất, bởi với sự thiết lập vương triều mới của Gia Long, đất nước từ đây liền một dải từ Bắc vào Nam, dưới sự lãnh đạo của một nhà nước phong kiến chuyên chế tập trung theo mô hình Đại Việt cổ truyền nhưng biết thích hợp với điều kiện lịch sử mới.

     Sử thần Trần Trọng Kim viết: Vua Thể tổ là ông vua có tài trí, rất khôn ngoan, trong 25 năm trời, chống nhau với Tây Sơn, trải bao nhiêu lần hoạn nạn, thế mà không bao giờ ngã lòng, cứ một niềm lo sợ khôi phục. Ngài lại có cái đức tính rất tốt của những kẻ lập nghiệp lớn, là cái đức tính biết chọn người mà dùng, khiến cho những kẻ hào kiệt ai cũng nức lòng mà theo giúp. Bởi vậy cho nên không những là ngài khôi phục được nghiệp cũ, mà lại thống nhất được sơn hà, và sửa sang được mọi việc, làm cho nước ta lúc bấy giờ thành một nước cường đại, từ xưa đến nay, chưa bao giờ từng thấy.

     Trong hoàn cảnh mới rộng dài về cương vực lãnh thổ, những tập đoàn phong kiến cát cứ không còn, mâu thuẫn nội bộ vương triều đã được hoá giải, nền độc lập được bảo toàn, vương triều Nguyễn từ đầu thế kỷ XIX bước vào củng cố nền độc lập thống nhất sau mấy trăm năm phân quyền cát cứ và chiến tranh loạn ly. Lẽ ra Gia Long cũng không cần thiết phải trả thù gia đình Quang Toản những người theo Tây Sơn một cách tàn bạo như thế khi người thắng và kẻ thua đã rõ ràng, không thể đảo ngược, không còn bất cứ sự chống đối hay hiểm hoạ nào nữa.

     Việc cai trị lúc này yêu cầu Gia Long phải sắp đặt và sửa sang lại tất cả, nhất là cơ cấu điều hành quốc gia. Trong cung không đặt hoàng hậu; quan lại không đặt chức Tể tướng để tránh lộng quyền, tổ chức nhà nước về cơ bản theo chế độ nhà Lê (triều đình gồm có lục bộ). Về hành chính, đất nước thống nhất được phân chia thành 2 tổng trấn: (Bắc Hà, Nam Hà), 2 vùng (miền Trung và Kinh kỳ), gồm 23 trấn, 4 doanh. Đây là lần đầu tiên nền hành chính được tổ chức một cách quy củ như thế trên một lãnh thổ thống nhất trong lịch sử Việt Nam.

     Trên một quốc gia thống nhất như thế, nhà Nguyễn từ Gia Long trở đi phải chú trọng ở cả Nam lẫn Bắc ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, đối nội, đối ngoại. Tuy mỗi đời vua có một điều kiện và năng lực khác nhau, nhưng nhìn chung sự nghiệp thống nhất đất nước dưới các vua nhà Nguyễn được củng cố hoàn thiện, quốc gia lãnh thổ Việt Nam từ đấy phát triển đầy đủ hình hài dáng vóc cho đến ngày nay.

*
* *

     Bắt đầu từ Nguyễn Hoàng cất bước ra đi (1558), đến khi có một cõi trời Nam và kết liền một dải ở Nguyễn ánh – Gia Long (1802), gần hai thế kỷ rưỡi phát triển của nhà nước phong kiến Đại Việt với biết bao thăng trầm của thời kỳ sau hoàng kim. Được gì và mất gì trong mấy trăm năm ấy ? Loạn ly và chia cắt, cát cứ và phân lập, chiến tranh gồm cả nội chiến và chống ngoại xâm – như thế sẽ là những hao tổn của cải và nhân mạng, sự lỏng lẻo của kỷ cương truyền thống, nền kinh tế-xã hội bị trì trệ ì ạch, đất nước quẩn quanh trong khuôn khổ phong kiến bảo thủ lạc hậu…

     Nhưng bên cạnh đó lại thấy xuất hiện những lực lượng mới, những thế lực mới có nhiều khả năng khuấy động vương triều, xáo trộn cả trật tự xưa cũ, dám bức phá và dám khai mở, có cả ý chí và quả quyết, có cả năng lực và thiên tài… Từ đó một cương vực lãnh thổ rộng mở về phía Nam, thoát được ra khỏi cái bóng ở chân núi vốn có từ lâu đời; nền độc lập thống nhất trở nên vững bền hơn trong vị thế mới của quốc gia dài rộng… Thiết nghĩ những thăng trầm trong mấy trăm năm như thế cũng là tất yếu và để lại cái hậu dài lâu cho dân tộc trường tồn.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX,
Tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Việc củng cố và mở rộng lãnh thổ và vấn đề thống nhất đất nước đầu thế kỷ XIX (Tác giả: TS. Hà Minh Hồng)