Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam

Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ  VŨ VĂN QUÂN
(Đại học Quốc gia Hà Nội)

     Năm 1792, vua Quang Trung mất, vương triều Tây Sơn suy yếu nhanh chóng. Cuộc chiến tranh giữa nhà Tây Sơn với thế lực tàn dư của chế độ chúa Nguyễn ở Đàng Trong lúc này do Nguyễn Ánh đứng đầu đã nhanh chóng thay đổi cục diện. Dù có những giằng co nhưng nhìn chung từ đây ưu thế từng bước nghiêng về lực lượng Nguyễn Ánh. Từ căn cứ Gia Định, Nguyễn Ánh nhanh chóng mở rộng vùng kiểm soát. Tháng 6 năm 1801, Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân, đến tháng 3 năm 1802 thì thu phục toàn bộ đất Đàng Trong. Từ giữa năm 1802, Nguyễn Ánh bắt đầu tiến ra Bắc, đến ngày 17 tháng 6 chiếm được Thăng Long. Đến đây, vương triều Tây Sơn diệt vong, vương triều Nguyễn được thành lập. Sự kiện này khép lại mấy thập kỷ biến động dữ dội và bắt đầu một trang mới của lịch sử Việt Nam.

1.

     Trong lịch sử Việt Nam, có những vương triều, thời kỳ lịch sử mà quan điểm đánh giá khác nhau, thậm chí đối lập nhau, như vấn đề cải cách của Hồ Quý Ly, vấn đề nhà Mạc, vấn đề chúa Nguyễn, vấn đề nhà Nguyễn, cũng như một số nhân vật lịch sử liên quan. Những khác biệt đó là xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể chủ quan (xuất phát từ quan điểm), có thể khách quan (xuất phát từ tư liệu). Vấn đề đặt ra là phải tiếp cận và trình bày lịch sử một cách khách quan nhất dựa trên quan điểm sử học mác xít và phương pháp luận sử học hiện đại.

     Vương triều Nguyễn tồn tại từ năm 1802 đến năm 1945, tổng cộng là 143 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, phải chia lịch sử vương triều này thành ba giai đoạn: giai đoạn hoàn toàn độc lập (1802-1858); giai đoạn từng bước để đất nước rơi vào tay thực dân Pháp (1858-1884) và giai đoạn là chính quyền bù nhìn trong tay thực dân Pháp (1884-1945). Tất nhiên, ba giai đoạn này có liên quan đến nhau, về cơ bản, trong nghiên cứu, đánh giá về vương triều Nguyễn và lịch sử Việt Nam thời Nguyễn, giới nghiên cứu phân biệt rất rõ ràng ba giai đoạn này. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, do không phân rõ các giai đoạn cụ thể với những khác biệt, đã đồng nhất toàn bộ vương triều Nguyễn làm một, đôi khi lấy một hoặc một số sự kiện, hoặc tích cực, hoặc tiêu cực ở một giai đoạn nào đó, để từ đó khái quát về cả vương triều Nguyễn nói chung (ngoài ra, có thể do định kiến, nên chỉ căn cứ vào những yếu kém, hạn chế mà phủ định toàn bộ). Cách tiếp cận như thế là không khách quan và không đúng với phương pháp luận biện chứng của khoa học lịch sử.

     Giai đoạn từ khi nhà Nguyễn để đất nước hoàn toàn rơi vào tay thực dân Pháp, trở thành chính quyền tay sai của thực dân Pháp, về cơ bản không có sự khác biệt đáng kể nào trong quan điểm đánh giá. Đó là một chính quyền bù nhìn, một công cụ trong tay thực dân Pháp, hỗ trợ thực dân Pháp thực hiện chính sách đô hộ, áp bức và bóc lột nhân dân. Tất nhiên, đó là nhìn một cách tổng thể, bởi trên thực tế, ngay ở giai đoạn này, vẫn có những ông vua yêu nước như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, vẫn có những quan lại có nhiều đóng góp, nhất là về văn hoá như Đào Tấn, Cao Xuân Dục…

     Khác biệt chủ yếu nằm ở giai đoạn thứ nhất xung quanh các vấn đề lớn như công lao thống nhất đất nước thuộc về ai – Tây Sơn hay Nguyễn, thành tựu hay không thành tựu trong quản lý và phát triển đất nước dưới triều Nguyễn… và ở giai đoạn thứ hai, chủ yếu xung quanh vấn đề vai trò và trách nhiệm của triều đình nhà Nguyễn trong việc để đất nước rơi vào tay thực dân Pháp. Có một đặc điểm là, sự khác biệt này cơ bản ít thể hiện ở sự tranh luận đồng thời giữa các quan điểm, mà chủ yếu thể hiện qua các thời kỳ, trong giới nghiên cứu nói chung, trong một số trường hợp thậm chí với từng tác giả. Như vậy, sự khác biệt ở đây mang tính khuynh hướng của cả giới nghiên cứu và diễn biến theo thời gian.

     Trong một thời gian khá dài, nhìn chung giới sử học Việt Nam, đặc biệt là giới sử học miền Bắc, bao trùm là quan điểm lên án mạnh mẽ vương triều Nguyễn, chỉ đề cập một cách hời hợt, thậm chí phủ nhận những đóng góp của vương triều Nguyễn và thành tựu mà lịch sử Việt Nam đạt được dưới thời Nguyễn. Cũng có những ý kiến khác, nhưng dè dặt và tập trung ở các nhà nghiên cứu nước ngoài.

     Khuynh hướng phê phán cực đoan bị chi phối bởi hai sự kiện lớn: thứ nhất, vương triều Nguyễn được thành lập là kết quả của cuộc chiến chống lại nhà Tây Sơn – một phong trào và vương triều đã có những cống hiến to lớn đối với lịch sử dân tộc và trong quá trình diễn ra cuộc chiến đó đã cầu cứu sự giúp đỡ của các thế lực ngoại bang dẫn đến cuộc xâm lược của Xiêm và thứ hai, nhà Nguyễn đã để đất nước rơi vào tay thực dân Pháp bằng sự nhượng bộ từng bước rồi đi đến ký kết các hiệp ước dâng toàn bộ đất nước cho thực dân Pháp. Đồng thời, những yếu kém, bất cập trong chính sách phát triển đất nước (tư tưởng Nho giáo bảo thủ, không khuyến khích kinh tế công thương, chính sách đối ngoại thiển cận…), việc huy động sức người sức của cho xây dựng các công trình kiến trúc làm suy kiệt sức nước, sức dân… làm cho đất nước thiếu bệ đỡ cơ sở vật chất trong cuộc đụng đầu với thực dân Pháp củng được nhấn mạnh. Những nhận định như: “Triều Nguyễn là vương triều tối phản động”, “Chế độ quân chủ chuyên chế cực kỳ phản động”, “Chính sách kinh tế lạc hậu và phản động(1), “Triều đình nhà Nguyễn thối nát và hèn mạt”, “Vương triều Nguyễn tàn ác và ngu xuẩn”(2), “tập đoàn phong kiến phản động nhất”(3)… gần như là nhận thức chung của cả giới nghiên cứu trong một thời gian dài. Những thành tựu đạt được dưới thời Nguyễn tuy có được nhắc đến nhưng rất sơ sài và chỉ mang tính thứ yếu.

     Từ sau khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, vấn đề triều Nguyễn và lịch sử Việt Nam thời Nguyễn thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Theo một thống kế (chưa đầy đủ), trong 468 đơn vị nghiên cứu (bài viết, công trình khảo cứu) về triều Nguyễn (chủ yếu giai đoạn 1802-1858) được công bố cho đến năm 2015, thì có tới 356 đơn vị nghiên cứu hoàn thành trong khoảng thời gian ba mươi năm (1987- 2016), chiếm tới trên 76%(4). Điều này xuất phát từ yêu cầu tự thân của sử học, sự hấp dẫn của vấn đề nghiên cứu và đòi hỏi phải thay đổi trong nhận thức về một số vấn đề của lịch sử Việt Nam thời kỳ này. Theo dõi các kết quả nghiên cứu mấy chục năm vừa qua, từ những những nghiên cứu cụ thể đến những nghiên cứu có tính tổng hợp, những thay đổi trong đánh giá về triều Nguyễn không đột ngột mà chuyển biến dần dần. Điều quan trọng là, những thay đổi đó không phải là sự phủ nhận một cách cực đoạn những quan điểm cũ mà là đặt nó trong bối cảnh quốc tế và khu vực, giải thích trên cơ sở khoa học khách quan và đặc biệt là ở chỗ ghi nhận và khẳng định những đóng góp của vương triều Nguyễn đối với lịch sử dân tộc, những thành tựu mà đất nước đạt được dưới thời Nguyễn (1802-1858).

     Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam vào cuối năm 1986 khởi xướng công cuộc Đổi mới. Điều này tác động đến tất cả các mặt của đời sống đất nước. Dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn có nhiều chuyển biến, trong đó có sử học. Các vấn đề về cải cách Hồ Quý Ly, vấn đề nhà Mạc, vấn đề chúa Nguyễn và nhà Nguyễn… được giới nghiên cứu quan tâm thảo luận. Từ những nghiên cứu cá nhân riêng lẻ, nhiều cuộc hội thảo với các mức độ khác nhau từ cấp địa phương đến cấp quốc gia, quốc tế được tổ chức, nhiều vấn đề khoa học lớn đã được nhất trí với sự đồng thuận cao. Riêng với vương triều Nguyễn (chủ yếu các giai đoạn từ 1802 đến 1884) đã có hàng chục cuộc hội thảo khắp trong Nam ngoài Bắc,

     Giáo sư Trần Quốc Vượng là một trong những người tiên phong trong đổi mới tư duy của giới nghiên cứu khoa học, trong đó có vấn đề về đánh giá lại về chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Ông viết (1987): “Nhưng tôi không thích nhà làm sử cứ theo ý chủ quan của mình và từ chỗ đứng của thời đại mình mà chửi tràn chửi lấp toàn bộ nhà Nguyễn cho sướng miệng và ra vẻ “có lập trường”(5). Những luận điểm này được giới sử học Việt Nam nhắc lại nhiều trong các nghiên cứu tổng kết về sử học Việt Nam thời kỳ đổi mới(6).

     Giáo sư Văn Tạo (1993) nhận định: “Theo nhận thức của chúng tôi, nếu nhà Nguyễn “dựng được nước” vững mạnh ở nửa đầu thế kỷ thứ XIX thì tự thân xã hội Việt Nam đã sản sinh ra được những lực lượng vật chất và tinh thần có khả năng tự bảo vệ, không dễ bị mất nước. Nhưng vì sự nghiệp “dựng nước” không đạt tới chỗ vững mạnh, nên sự nghiệp “giữ nước” cũng không thành công”, “Nói như vậy, không có nghĩa là sự nghiệp dựng nước của nhà Nguyễn là không có gì đáng kể. Hơn nữa, phủ nhận công lao dựng nước của nhà Nguyễn cũng là phủ nhận sức sống của dân tộc trong hơn 80 năm độc lập, tự chủ dưới 4 triều vua Nguyễn (1802-1884)”, “(…) trong hơn 80 năm đất nước độc lập, tự chủ, nhân dân ta dưới sự quản lý của nhà Nguyễn cũng đã đạt được những thành tựu nhất định, do những nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau”, “Tuy vậy tôi cũng đồng tình với một số nhà sử học lên án những mặt tiêu cực trong sự nghiệp dựng nước của triều Nguyễn”(7).

     Lê Sĩ Thắng (1997) nhận định: “Thực thể chính trị bị Nguyễn Ánh đánh bại không phải là phong trào Tây Sơn dưới sự lãnh đạo thiên tài của Nguyễn Huệ, mà là một vương triều Tây Sơn đã thoái hóa nhanh chóng sau khi hoàng đế Quang Trung băng hà, và đã bị nhân dân oán ghét”. “Đúng là Nguyễn Ánh đã “cõng rắn cắn gà nhà”, dựa vào giáo sĩ Bá Đa Lộc để cầu viện vua Pháp, sử dụng một số sĩ quan đánh thuê và vũ khí của Pháp. Nhưng sau khi lên ngôi, Gia Long đã tự mình tìm cách giũ bỏ sự có mặt của các sĩ quan và giáo sĩ nước ngoài tại triều đình và trong đất nước. Việc ông ta truyền ngôi cho Minh Mệnh là nằm trong ý đồ chọn người có khả năng nhất trong việc thực hiện ý đồ kể trên”. “Đúng là Gia Long đã trả thù hèn hạ hài cốt vua Quang Trung và dùng cực hình tàn sát nhiều tướng soái Tây Sơn. Nhưng ông ta đã không “chu di tam tộc” dòng họ các lãnh tụ Tây Sơn; mặt khác, đã sử dụng nhiều nhân vật từng phục vụ các vương triều cũ, từ Tây Sơn đến Lê Trịnh. Ví dụ như trường hợp Phan Huy Ích và con cháu của Hoàng Ngũ Phúc”. “Và cũng đúng là vương triều Nguyễn quan tâm đến lợi ích giai cấp phong kiến, địa chủ của nó, nhưng phải chăng sau khi giành được chính quyền trong cả nước nó không muốn, và ít ra không vì lợi ích của chính nó, mà tranh thủ lòng người đã ly tán nhường ấy, ổn định xã hội đã đảo lộn, điêu tàn nhường ấy trong suốt mấy thế kỷ chiến tranh và loạn lạc liên miên trước đó?”. “Tóm lại, có lẽ phải khách quan và công bằng hơn, xem xét cả mặt xấu lẫn mặt tốt, xem xét một cách toàn diện trong việc đánh giá triều Nguyễn. Có vậy mới có thể giải thích những thành tựu văn hóa nổi bật mà dân tộc ta đã thu được dưới triều Nguyễn và cũng mới có thể giải thích tiến trình tư tưởng Việt Nam thế kỷ thứ XIX”(8).

     Hội thảo quốc tê “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX” (2008) tổ chức tại Thanh Hóa đã đi đến sự thống nhất trên một số vấn đề căn bản trong đánh giá về vương triều Nguyễn, bao gồm cả thành tựu – đóng góp và hạn chế – trách nhiệm đối với lịch sử dân tộc. Về thành tựu: hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước trên cơ sở tiếp tục thành tựu của phong trào Tây Sơn; xây dựng và củng cố quốc gia thống nhất trên lãnh thổ tương ứng với lãnh thổ Việt Nam hiện đại, bao gồm cả đất liền và hải đảo ven bờ cùng các quần đảo trên biển Đông; là một vương triều quân chủ tập quyền có những mặt hạn chế về chế độ chuyên chế, về một số chính sách đối nội, đối ngoại, nhưng cũng đạt nhiều tiến bộ về mặt quản lý quốc gia thống nhất, về cải cách hành chính, xây dựng thiết chế và cơ chế vận hành của bộ máy nhà nước tổ chức rất quy củ; để lại một di sản văn hóa đồ sộ bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể. Về hạn chế: hành động của Nguyễn Ánh đưa 5 vạn quân Xiêm vào Gia Định là một “điểm mờ”, một “tỳ vết” trong cuộc đời Nguyễn Ánh; để mất nước là một trách nhiệm nặng nề không thể thoái thác và biện hộ của triều Nguyễn với cương vị triều đình nắm chủ quyền quốc gia(9).

     Nhìn chung, có thê thấy, những thay đổi trong đánh giá về vương triều Nguyễn trong thời gian qua thể hiện ở chỗ: “Đánh giá đúng mức đóng góp của nhà Nguyễn và những thành tựu mà lịch sử Việt Nam đạt được dưới thời Nguyễn nhưng không đồng thời với việc phủ nhận những hạn chế, tiêu cực và trách nhiệm của vương triều này đối với sự phát triển đất nước và bảo vệ nền độc lập dân tộc thay vì tuyệt đối hóa những hạn chế đồng thời với phủ nhận hoàn toàn hoặc đánh giá không đúng mức những đóng góp của vương triều này”(10). Đó là thái độ khách quan, khoa học, công tội phân minh mà sử học Việt Nam đạt được dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam.


     Tuy nhiên, cho đến nay, có một số người vẫn giữ quan điểm cũ. Gần đây, trên Tuần báo
Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh đăng một số bài viết thể hiện quan điểm phủ nhận những đóng góp của vương triều Nguyễn: “Chúng tôi cho rằng nhà Nguyễn có tội cực kỳ lớn là đầu hàng ngoại xâm để mất nước… tuy có công mở mang bờ cõi, xác lập nền hành chính quốc gia, xác định lãnh thổ (Minh Mệnh) nhưng đã dâng cho giặc từ năm 1862. Công lao mở cõi, định hình thống nhất quốc gia đã trôi sông đổ biển, đúng ra là đã rơi vào tay giặc. Và cho đến trước Cách mạng tháng Tám, nền hành chính quốc gia, về một quốc gia Việt Nam thống nhất đã không còn nữa(11). Quan điểm phủ nhận hoàn toàn như vậy là lạc hậu trước thành tựu mà sử học nước nhà đã đạt được trong mấy chục năm qua. Hơn nữa, lịch sử đã xảy ra và không ai có thể thay đổi được, nó tồn tại khách quan ngoài ý thức con người. Vì vậy những thành tựu nhà Nguyễn đạt được trong thời Gia Long, Minh Mệnh mãi mãi tồn tại trong lịch sử, dù sau đó nhà Nguyễn để mất nước thì cũng không thể nói là “công lao nhà Nguyễn” đã bị “trôi sông trôi biển”.

2.

     Trong hơn một nửa thế kỷ từ khi thành lập đến khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược (1802- 1858), dưới thời trị vì của vương triều Nguyễn, Việt Nam – Đại Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn: thống nhất đất nước từ lãnh thổ đến thể chế; xác lập vửng chắc chủ quyền quốc gia trên đất liền và ngoài biển đảo; đạt được những kết quả về kinh tế trên một số lĩnh vực và đặc biệt là những thành tựu lớn về mặt văn hoá.

     2.1

     Kể từ năm 1533, khi Nguyễn Kim dựng lại nhà Lê, đất nước bắt đầu thời kỳ chia cắt kéo dài, từ Nam triều – Bắc triều đến Đàng Ngoài – Đàng Trong. Những tác động tiêu cực đối với sự tồn tại và phát triển của đất nước do tình trạng chia cắt này là một thực tế. Nhưng cũng có một sự thực khác, cũng trong thời gian này, lịch sử Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn: kinh tế phát triển, nhất là kinh tế hàng hóa, ở cả hai miền; giao lưu tiếp xúc với bên ngoài được mở rộng; quá trình mở rộng lãnh thổ về phía nam, công cuộc khai phá và xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với vùng đất Nam bộ được đẩy nhanh. Tuy nhiên, khi đã định hình một lãnh thổ Việt Nam cơ bản như ngày hôm nay thì trạng thái chia cắt Đàng Ngoài – Đàng Trong không chỉ tổn thương đến tình cảm của nhân dân mà còn cản trở tới sự phát triển của đất nước. Trong dòng chảy lịch sử dân tộc, có một quá trình lãnh thổ diễn ra bằng sự hợp nhất cả ba không gian lịch sử – văn hoá tương ứng với ba vùng Bắc – Trung – Nam, với sự góp mặt và họp lực của tất cả các cộng đồng tộc người, trong đó người Kinh (Việt) đóng vai trò chủ đạo. Trên bề mặt – hình thức chia cắt đó, ý thức về một quốc gia thống nhất luôn tồn tại như một mạch ngầm. Phong trào Tây Sơn bùng nổ và đạt được những thành tựu vĩ đại, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có áp lực về một nền thống nhất đặt ra từ chính sự tồn tại và phát triển của đất nước và ý nguyện của toàn thể nhân dân.

     Năm 1786, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, sau khi đánh tan mấy vạn quân Trịnh ở Phú Xuân, đã vượt sông Gianh tiến ra Bắc. Thế chia cắt Đàng Ngoài – Đàng Trong kéo dài hàng thế kỷ đến đây chấm dứt. Tuy nhiên, với việc ba anh em Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) mỗi người cai trị một vùng, trên thực tế một nền thống nhất quốc gia chưa phải đã được xác lập thực sự. Quang Trung – Nguyễn Huệ sau đại phá Mãn Thanh đã ban hành nhiều chính chính sách tiến bộ nhằm ổn định và phát triển đất nước đồng thời ấp ủ hoài bão lớn là tiến vào nam đánh bại lực lượng Nguyễn Ánh. Tuy nhiên, sau khi ông mất (1792), nhà Tây Sơn đã suy yếu, nhanh chóng tha hóa, không còn là vương triều tiến bộ nữa. Nguyễn Ánh, trong bối cảnh đó, đã phát triển lực lượng, tiến ra bắc, từng bước đánh bại nhà Tây Sơn và đến năm 1802 thì giành thắng lợi hoàn toàn. Vương triều Nguyễn đến đây chính thức được thành lập, thực hiện quyền quản lý toàn bộ đất nước, thiết lập bộ máy cai trị trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả Đàng Trong và Đàng Ngoài trước đó. Xét trên mọi phương diện, đến đây nền thống nhất quốc gia mới được xác lập trọn vẹn. Giáo sư Trần Văn Giàu nhận định: “Tới đầu thế kỷ XIX, cương vực nước ta mới ổn định và thống nhất về mặt hành chính suốt từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau…”(12). Nền thống nhất đó gắn với vai trò của nhà Nguyễn, của Nguyễn Ánh trên cơ sở những tiền đề do phong trào Tây Sơn tạo ra, cũng là sự thể hiện tình cảm, nguyện vọng, ý chí của nhân dân và xu hướng phát triển của lịch sử dân tộc.

     2.2

     Cùng với xác lập và củng cố nền thống nhất quốc gia, nhà Nguyễn có ý thức mạnh mẽ về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Nhà Nguyễn thừa hưởng những thành quả nỗ lực phấn đấu suốt mấy trăm năm của nhiều thế hệ người Việt Nam, cai trị đất nước với một lãnh thổ rộng lớn nhất từ trước đến bấy giờ. Các vua Nguyễn thời kỳ thịnh đạt của vương triều đều là những người có tinh thần dân tộc cao, được thể hiện trên nhiều phương diện. Gia Long ngay sau khi thiết lập nền cai trị đã cử Thượng thư Bộ Binh Lê Quang Định soạn Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, hoàn thành năm 1806, ghi chép về một quốc gia với “Lãnh thổ rộng xa, dọc ngang rành mạch, rực rỡ ngút ngàn tầm mắt…”, “Bờ cõi đó đây sau hơn hai trăm năm nay thu về một mối, Bắc cho đến Lạng Sơn, Nam cho đến Hà Tiên, tất cả 31 trấn dinh đạo lớn nhỏ đều theo về với thanh giáo, đất đai rộng rãi bao la đó, thực mà nói từ xưa đến nay chưa bao giờ có được”(13)

     2.3

     Từ sự thống nhất lãnh thổ, các vua Nguyễn, đặc biệt là Minh Mệnh, đã có nhiều nỗ lực nhằm thống nhất thể chế mà điểm tập trung nhất là xây dựng và hoàn thiện tổ chức và bộ máy quản lý hành chính từ trung ương tới địa phương. Từ năm 1820, Minh Mệnh bắt đầu tiến hành các cải cách hành chính ở cấp trung ương, bắt đầu từ lục bộ nhằm xây dựng một thể chế chính quyền đồng bộ về ngạch bậc quan lại, cơ cấu nhân sự, tổ chức bộ máy, quy định bảo đảm và quy chế vận hành… Năm 1831-1832, Minh Mệnh tiến hành một cuộc cải cách hành chính lớn ở địa phương: xóa bỏ Bắc Thành, từ Quảng Trị trở ra Bắc được phân chia thành 11 tỉnh, xóa bỏ Gia Định thành, từ Quảng Nam trở vào Nam được chia đặt thành 12 tỉnh, toàn bộ nước Việt Nam – Đại Nam được thống nhất tổ chức thành 1 phủ Thừa Thiên và 30 tỉnh. Tổ chức và bộ máy hành chính được thống nhất trong toàn quốc từ cấp tỉnh tới cấp xã/thôn; kết hợp chế độ lưu quan và thổ quan ở các châu, huyện miền núi để từng bước hạn chế quyền lực của tù trưởng thiểu số tiến tới thống nhất về mặt quản lý địa vực, lãnh thổ trong cả nước. Trên phương diện tổ chức và quản lý hành chính, chúng ta đang kế thừa nhiều di sản từ thời Nguyễn. Tất nhiên, đôi khi cũng có những cực đoan đưa đến hệ quả tiêu cực xung quanh các biện pháp này.

     2.4

     Dưới thời Nguyễn (1802-1858), nền kinh tế đất nước có những bước phát triển nhất định, đạt được thành tựu trên một số lĩnh vực.

     Công cuộc khai hoang được đẩy mạnh dưới thời Nguyễn, trên mọi địa bàn, trong đó tập trung ở vùng duyên hải Bắc Bộ và vùng Nam Bộ với sự ra đời của hai huyện Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình) và hàng trăm thôn ấp mới. Việc nạo vét sông ngòi, xây dựng các công trình thủy lợi được quan tâm, trong đó, đạt được thành tựu rất to lớn là ở đồng bằng sông Cửu Long với hàng loạt các kênh rạch vừa để tiêu nước, vừa để giao thông, tiêu biểu nhất trong số đó là kênh Vĩnh Tế nối từ Châu Đốc đến Hà Tiên dọc theo biên giới Việt Nam – Campuchia. Ý nghĩa kinh tế, an ninh quốc phòng của con kênh này không chỉ đối với đương thời mà cho đến tận đến ngày hôm nay…

     2.5

     Trên phương diện văn hóa, di sản văn hóa Nguyễn để lại đến hôm này là cực kỳ đồ sộ, được thừa nhận trên cả bình diện quốc tế. Di sản đó được sáng tạo dưới thời Nguyễn và đến Nguyễn (nói như Trần Quốc Vượng, thời Nguyễn là thời “tổng kết tri thức Việt Nam từ xưa đến thế kỷ XIX”). Đó là sự tích hợp văn hóa của cả tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc và những nỗ lực dưới thời Nguyễn (đặc biệt là ở nửa đầu thế kỷ XIX), của cả triều đình và nhân dân. Trên phương diện vật thể, những công trình kiến trúc được dựng xây trên khắp cả nước, tạo nên một nền “nghệ thuật cùng kiến trúc toả rộng từ Lạng Sơn đến Cà Mau xác lập hẳn một phong cách Nguyễn trong mạch chảy, bước đi liên tục của nghệ thuật kiến trúc Việt Nam”, trong đó Huế là nơi tập trung nhất: “Không đâu đầy đủ hơn và tập trung hơn, điển hình cho chúng ta cảm nhận và phân tích về VẺ ĐẸP VIỆT NAM thế kỷ XIX về một NỀN NGHỆ THUẬT VÀ MỸ THUẠT THỜI NGUYỄN CỦA VIỆT NAM”(14)để hôm nay chúng ta có quần thể di tích kiến trúc cố đô Huế đẹp như một bài thơ – bài thơ kiến trúc như có người ví von. Trên phương diện văn hóa phi vật thể, thời Nguyễn để lại một khối lượng thư tịch lớn hơn bất cứ thời kỳ nào trước đó. Một mặt, đó là sự kế thừa – tập hợp – tổng hợp – tích hợp gần như toàn bộ các trước tác có từ trước đó. Minh Mệnh ngay sau khi lên ngôi (1820) đã xuống chiếu tìm sách vở cũ “chuẩn cho quan dân trong ngoài, phàm nhà nào cất được những bản biên chép điển cũ của triều trước, thì không thể tường hay lược, đem nguyên bản tiến nộp hoặc đưa cho nhà nước sao chép(15), tiếp đó (1821) lại xuống dụ cho tìm lại sách xưa gồm “… tất cả những văn tự còn sót lại của đời trước hoặc những sách vặt của tư gia, cho cả đến những sách kín của nước ngoài, phàm là ghi chép sự thực, có thể giúp ích cho đời, thì không câu nệ văn chương quê mùa, lời lẽ kiêng dấu, đều do sở tại chuyển dâng”(16), tất cả đều có trọng thưởng của nhà nước. Mặt khác, từ các cơ quan chuyên trách của triều đình cho đến các cá nhân với sự khuyến khích của nhà nước, nhiều công trình về văn học, sử học, địa lý học… được trước tác, trong đó có nhiều bộ sách rất đồ sộ. Không ai có thể phủ nhận được những thành tựu to lớn về văn hóa đạt được dưới thời Nguyễn. Giáo sư Trần Văn Giàu viết: “… Chúng ta hãy đánh giá đúng mức các công trình tập hợp và trước tác trên quy mô lớn những tác phẩm về sử học, văn học của nhà Nguyễn, đó là các công trình rất đồ sộ so với các triều đại trước”. Riêng đối với địa bạ, ông nhấn mạnh: “Chúng ta cũng nên ghi công các “nhà khoa học” vô danh, từ đạc điền quan đến nho sĩ tả bạ, đã vắt óc và đổ mồ hôi trên từng mảnh ruộng đất ở khắp miền đất nước, để thực hiện được bộ sưu tập địa bạ vô cùng quý giá này cho dân tộc ta” (17).

3.

     Tuy nhiên, những hạn chế lớn của vương triều Nguyễn với tư cách người chịu trách nhiệm trước đất nước cả trên phương diện quản lỷ phát triển và bảo vệ độc lập chủ quyền là không thể chối bỏ.

     3.1 

     Những thành tựu mà lịch sử Việt Nam đạt được dưới thời Nguyễn ở nửa đầu thế kỷ XIX là không thể phủ nhận, nhưng cơ bản không bắt nhịp và hòa nhịp được với xu thế phát triển chung của thời đại. Nhà Nguyễn lên cầm quyền đứng trước nhiều khó khăn thử thách: lần đầu tiên cai trị một lãnh thổ rộng lớn sau mấy thập kỷ biến động dữ dội, kinh tế suy sụp, xã hội bất ổn, các thế lực chống đối nhiều… Có thể thấy, từ Gia Long đến Thiệu Trị, đặc biệt là Minh Mệnh, một quyết tâm cao nhằm ổn định tình hình, nhằm xây dựng và củng cố thể chế quân chủ tập quyền, một xã hội kỷ cương và một quốc gia thống nhất hùng cường. Ý chí chính trị này cần được đánh giá cao. Tuy nhiên, cách thức mà nhà Nguyễn chọn để đạt được các mục tiêu trên lại là con đường cũ, dường như là theo cách và trở lại với thời đại hoàng kim Lê Thánh Tông. Cách thức này, con đường này là bất cập trên phương diện phát triển. Nhà Nguyễn đã đạt mục tiêu ở các mức độ khác nhau nhưng không có sự tương thích giữa nguồn lực tạo ra từ sự phát triển với nguồn lực phải huy động để đạt được các mục tiêu đó. Đặc biệt, một phần không nhỏ trong số các nguồn lực được huy động này là để phục vụ cho việc củng cố nền thống trị và thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ của dòng họ, của vương triều.

     Tính hai mặt của vấn đề trên, chẳng hạn như trên một phương diện của thành tựu văn hóa. Di sản kiến trúc mà nhà Nguyễn để lại cho chúng ta đến ngày nay trước hết không gì khác là mồ hôi, nước mắt và xương máu của nhân dân. Chúng ta trân trọng những di sản này là chúng ta trân trọng mồ hôi, nước mắt và xương máu của hàng ngàn, hàng vạn người đã trực tiếp trong suốt gần một nửa thế kỷ lao động không ngừng cùng rất nhiều nguồn lực khác được huy động về từ khắp mọi miền đất nước. Nhưng cũng chính điều này đã góp phần vào sự suy kiệt tiềm lực của đất nước và để đến khi phải đối đầu với thực dân phương Tây thì trở nên suy yếu tạo nên sự chênh lệch lớn về tương quan lực lượng vật chất.

     Mặt khác, có những thành tựu rất cơ bản nhưng không tránh khỏi phải “trả giá” dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực. Khi nhà Nguyễn thực hiện các chính sách nhằm thống nhất thể chế quản lý và cai trị đã đụng chạm đến lợi ích của một số đối tượng cũng như tập quán của một số tộc người, dẫn đến sự phản ứng, nhiều khi bùng nổ thành các cuộc nổi dậy chống lại triều đình, nhất là ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Minh Mệnh đã tiến hành nhiều cải cách về hành chính làm hạn chế quyền lực của các tù trưởng thiểu số, không ngẫu nhiên mà trong thời gian trị vì của ông vua này số lượng các cuộc nổi dậy chống lại triều đình có bình quân năm cao nhất và cũng là thời gian tập trung những cuộc nổi dậy quy mô nhất mặc dù đây là thời kỳ đỉnh cao của thiết chế quân chủ tập quyền với một quốc gia hùng mạnh có vị thế trong khu vực và một lãnh thổ được mở rộng nhất.

     3.2

     Tự Đức nối ngôi cai trị đất nước khi hệ quả của đường lối đối nội, đối ngoại nhiều bất cập của cha ông, từ Gia Long đến Thiệu Trị, những hệ lụy của nó đến lúc bộc lộ đầy đủ nhất. Tự Đức đã luôn thể hiện rõ sự lúng túng trong việc điều hành đất nước, không đủ bản lĩnh để có được những quyết định sáng suốt, nhất là trong những thời khắc có tính bước ngoặt. Ông và phần lớn triều đình do ông đứng đầu đã không thể hiện một quyết tâm chiến đấu đến cùng, sáng suốt trong đường lối kháng chiến, từng bước nhượng bộ rồi ký kết các hiệp ước dâng đất nước cho Pháp. Nói như một nhà sử học Nhật Bản: “Tự Đức là một ông vua không gặp may. Rất có thể là bất cứ ông vua nào khác phải đương đầu với sức ép bên ngoài mạnh đến thế và những khó khăn nội bộ kinh khủng (không được lòng dân, kinh tế kiệt quệ, gánh nặng kế vị, hỗn loạn chính trị) cũng khó mà giữ được độc lập dân tộc”(18). Mặc dù giữ được nền độc lập bấy giờ – cũng như hầu hết các dân tộc châu Á – là điều không dễ dàng, nhưng bất luận là thế nào thì cá nhân Tự Đức cũng như triều đình Nguyễn cũng không thể chối bỏ được trách nhiệm trực tiếp để đất nước rơi vào tay thực dân Pháp. Tuy nhiên, trách nhiệm đó không phải chỉ của riêng một mình vua Tự Đức hay rộng ra là triều đình do ông đứng đầu. Thiếu bệ đỡ vật chất – kinh tế do chính sách đối nội, đối ngoại bất cập là trách nhiệm chung của cả vương triều này. Rõ ràng, giữa canh tân đất nước với bảo vệ độc lập chủ quyền có quan hệ nhân quả rất rõ ràng.

     Phân tích sâu sắc nguyên nhân mất nước vào cuối thế kỷ XIX, trong đó có vấn đề trách nhiệm của ai, đến đâu là cần thiết. Nhưng điều quan trọng hơn là để rút ra những bài học cho công cuộc giữ nước hiện nay. Từ thất bại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX, bài học lớn đó là: không có một lực lượng cầm quyền nào làm tròn sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp giữ nước nếu thiếu bệ đỡ nhân dân, thiếu quyết tâm kháng chiến và quan hệ biện chứng giữa các nhân tố trên với sự lớn mạnh của tiềm lực vật chất được tạo ra bởi một đường lối quản lý và phát triển đất nước với các chính sách đối nội, đối ngoại đúng đắn.

     Xu hướng đánh giá khách quan các vấn đề, sự kiện, nhân vật lịch sử – nhất là các vấn đề, sự kiện, nhân vật phức tạp chưa dễ thống nhất ngay từ đầu – là đối lập với các thái độ cực đoan, hoặc là phủ nhận hoàn toàn, hoặc là đề cao thái quá. Vì nhiều lý do, trong lịch sử sử học Việt Nam, từ sử học phong kiến đến sử học hiện đại, các khuynh hướng cực đoạn đã từng tồn tại, chi phối nhận thức trong một thời gian dài (như vấn đề nhà Mạc, vấn đề chúa Nguyễn và nhà Nguyễn…). Thành tựu của sử học Việt Nam hơn ba mươi năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là sự khắc phục các hạn chế trên. Với nhà Nguyễn, từ Gia Long đến Tự Đức, không thể lấy việc Nguyễn Ánh cầu viện hay Tự Đức để đất nước rơi vào tay thực dân Pháp mà phủ nhận những thành tựu mà đất nước – nhân dân đạt được dưới thời trị vì của vương triều này, phủ nhận di sản văn hoá đồ sộ mà ngày nay thực sự là một nguồn tài nguyên trong sự nghiệp phát triển… Nhưng cũng không vì thế mà không lên án mạnh mẽ hành động cầu viện kéo quân Xiêm sang xâm lược, xem nhẹ những yếu kém trong phát triển đất nước và đặc biệt là trách nhiệm để mất nước rơi vào tay thực dân phương Tây của vương triều này.

Chú thích:

1. Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971

2. Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, tập 2, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985

3. Trần Văn Giàu, Sự phát tiến của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám, Tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1973

4. Nguyễn Ngọc Phúc, Thư mục Nguyễn (1802-1858), Tài liệu cá nhân, 2016

5. Trần Quốc Vượng, “Vài suy nghĩ về Xứ Huế và vị thế lịch sử của nó”, Tạp chí Sông Hương, số 25, 5-1987.

6. Xem Phan Thuận An, Từ sự thành lập vương triều Nguyễn đến sự đảo lộn nhận thức về triều đại này trong giai đoạn vừa qua, trong Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, Nxb. Thê Giới, 2008, tr.247-257; Trần Kim Đỉnh, “Giáo sư Trần Quốc Vượng: người đi đầu đổi mới tư duy sử học” trong Còn là tinh anh, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội; Trần Đức Anh Sơn, “Giáo sư Trần Quốc Vượng với Huế và nhà Nguyễn”, trong Còn là tinh anh, sđd…, 2016.

7. Văn Tạo, “Sơ bộ nhận thức về nhà Nguyền nửa đầu thế kỷ thứ XIX”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Số 271, tháng 6-1993, tr.2-5.

8. Lê Sĩ Thắng, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tập 2, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 17-18.

9. Phan Huy Lê “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX”, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội, số 11/2008; Phan Huy Lê, về hội thảo khoa học “Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX”, Tạp chí Cộng sản, số 799, tháng 5-2009.

10. Giáo sư Trần Văn Giàu vốn có quan điểm lên án gay gắt đến mức gần như phủ nhận những mặt tích cực của vương triều Nguyễn (Sự khủng hoảng của chế độ phong kiến nhà Nguyễn trước 1858, Nxb. Văn Hóa, Hà Nội, 1958; Sự phát tiên của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám, Tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1973…). Sau này, quan điểm đó đã có sự thay đổi, ông đánh giá cao vai trò của nhà Nguyễn trong công cuộc thống nhất đất nước cũng như những thành tựu văn hoá mà Việt Nam đạt được dưới thời Nguyễn.

11. Quan Văn Đàn, “GS. Phan Huy Lê ẩn chính dương phụ”, Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, số 441 ngày 16-3-2017.

12. Trần Văn Giàu, Lời giới thiệu, in trong Nguyễn Đình Đầu: Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn (nhiều tập).

13. Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Nxb. Thuận Hóa và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2005, tr.9,11.

14. Trần Quốc Vượng, “Vài suy nghĩ về Xứ Huê và vị thế lịch sử của nó”, Tạp chí Sông Hương, sđd, 1987

15. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, 2004, tr.63.

16. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, sđd, 2004, tr.170.

17. Trần Văn Giàu, Lời giới thiệu, in trong Nguyễn Đình Đầu: Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn (nhiều tập). Cũng cần lưu ý, việc lập số địa bạ là để quản lý đất đai, để thu thuế nhưng đồng thời cũng là để xác lập chủ quyền lãnh thổ quốc gia ở vùng biên giới và đặc biệt là ở ngoài hải đảo. Đây là một thành công của nhà Nguyễn trên phuơng diện tổ chức quản lý đất nước.

18. Hữu Ngọc, “Nói chuyện với một nhà sử học Nhật Bản viết bằng tiếng Pháp về Việt Nam”, in trong Tsuboi Y., Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (1847- 1885), in lần thứ hai, Hội Sử học Việt Nam, Hà Nội, 1993, tr.351-352.

Nguồn: Tạp chí Xưa Nay, số 488 tháng 10 năm 2017
File PDF: https://elearning.tdmu.edu.vn/ 

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam (Tác giả: PGS.TS Vũ Văn Quân)