Các hình thái của tín ngưỡng thờ Mẫu – Điểm tương đồng và dị biệt trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ

Tác giả: Tiến sĩ VŨ HỒNG VẬN, Tiến sĩ PHẠM DUY HOÀNG

     Cùng với sự mở mang bờ cõi, theo chân của những người khai khẩn, tín ngưỡng thờ Mẫu đã có sự thay đổi, thích ứng với những vùng đất mới. Tuy nhiên, những giá trị cốt lõi vẫn được bảo tồn và lưu truyền cho tới tận ngày hôm nay.

1. Điểm tương đồng

     * Tính âm và thuyết ưu thế của phụ nữ

    Sự tín vọng các Mẫu đã chứng tỏ thuyết ưu thế của phụ nữ so với nam giới của người Việt. Phương thức sản xuất nông nghiệp lúa nước mang nặng yếu tố âm tính, cho nên nữ giới được gắn với quyền năng sáng tạo, sinh sản, làm tăng trưởng các loại cây trồng… Người Việt cũng như các tộc người khác coi lực lượng tự nhiên là mẹ và đề cao vai trò nữ giới trong đời sống xã hội.

     Thông qua hiện tượng thờ Mẫu Tam phủ (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải), Tứ phủ (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải và Mẫu Địa), thờ Mẫu Liễu Hạnh của người Việt chính là sự thần thánh hóa các yếu tố tự nhiên, tôn kính và sùng bái tự nhiên của người Việt. Việc thờ nữ thần Pô Inư Nagar của người Chăm xưa, hay Thiên Yana Thánh Mẫu của người Việt ở miền Trung, hoặc thờ Bà Chúa Xứ ở Nam Bộ chính là biểu hiện của tín ngưỡng sùng bái tự nhiên trong đời sống văn hóa của các cộng đồng cư dân. Thờ cúng nữ thần, Mẫu thần chính là phương thức ứng xử của con người với tự nhiên, nhân cách hóa tín ngưỡng sùng bái tự nhiên.

     Ở đây, Mẫu là một hình tượng được trừu tượng hóa từ bà mẹ cụ thể trong chế độ mẫu hệ. Người mẹ mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng con cái; quyết định đến sự sinh tồn của con cái. Người mẹ cụ thể có những điểm tương đồng với trời, đất, núi, rừng, sông nước, những nguồn sống đã và đang nuôi dưỡng con người. Những hiện tượng này vượt ra ngoài tầm hiểu biết của con người, nhất là đối với người Việt thời cổ và thậm chí trong suốt thời kỳ Bắc thuộc. Từ đó, dẫn đến sự ngưỡng vọng và xuất hiện các hành vi sùng bái, tôn thờ hiện tượng tự nhiên; thần thánh hóa trời, đất, núi, rừng, sông nước thành những Thánh Mẫu có nhiều quyền năng, phép thuật, đó là: Mẫu Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Địa, Mẫu Thoải; rồi lập ra Tam phủ, Tứ phủ để thờ phụng.

     Kể từ khi Nho giáo vào Việt Nam, với việc nhấn mạnh vai trò của nam giới thì phụ nữ bị đẩy ra khỏi hệ thống quyền lực, đẩy ra khỏi văn học chính thống. Giới chức cầm quyền và tầng lớp trên của xã hội không còn coi trọng phụ nữ nữa. Nhưng thực tế, trong đời sống của lớp người Việt bình dân thì vai trò của người phụ nữ vẫn giữ một vị trí đặc biệt. Trong tâm thức của lớp người bình dân, người mẹ (Mẫu) vẫn được coi là có quyền lực bất khả kháng. Mẹ trở thành biểu tượng thường trực trong mọi cách ứng xử của người Việt. Vì vậy, ở Việt Nam người mẹ được tôn vinh thành riêng một tín ngưỡng, đó là tín ngưỡng thờ mẹ (Mẫu).

     * Hầu đồng

    Hầu bóng (hầu đồng) là một nét đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu, xuất hiện ở tất cả các trung tâm thờ tự của tín ngưỡng này và được trải đều ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. “Đồng theo chữ Hán là chỉ những em trai dưới 10 tuổi (nhi đồng) còn ngây thơ trong trắng. Chữ đồng còn có nghĩa là cùng, người cùng với thần, tiên, thánh, mẫu hòa nhập vào làm một. Đồng gắn liền với bóng, có nghĩa là người đang ngồi đồng, lên đồng là cái bóng của thần linh đang nhập vào người đó, nên đồng bóng đi liền với nhau1.”

     Như vậy, lúc đầu người được chọn hầu đồng là các bé trai, dần dần về sau các em gái, các bà, các cô cũng ngồi đồng, thậm chí nhiều người đàn ông cũng ngồi đồng. Cho nên, người ta gọi những người đàn ông lên đồng đó là “đồng cô”, “bóng cậu” là như thế. Khi một người lên đồng sẽ có rất nhiều người phục vụ, người ta gọi là hầu đồng, chầu đồng. Không phải bất kỳ ai cũng có thể tiếp xúc với thánh, thần, tiên, Mẫu mà chỉ có những người đặc biệt mới có thể tiếp xúc được họ. Người ta nói, những người đó là những người có “căn”, tức là cái “rễ” gắn bó với thần linh. Sau đó, họ phải được thần linh chọn, thử thách, tập dượt để trở thành một người đặc biệt, khác với mọi người xung quanh.

     Người ta tin rằng các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang đệ tử. Khi thần linh nhập vào đồng thì lúc đó các ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ.

     Hầu đồng thường được diễn ra ở không gian thờ tự của Mẫu, có thể ở chính điện hoặc ở sân chầu. Cùng với không gian, hầu đồng còn gắn với thời gian và hình thức tổ chức lễ chầu. Hai yếu tố này khá phong phú và đa dạng, thậm chí là phức tạp nhưng có tính thống nhất trong tín ngưỡng thờ Mẫu từ Bắc xuống Nam.

     * Hình thức ca, diễn

     Một điểm đặc biệt của hình thức lên đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu là phải có âm nhạc, lời ca phục vụ cho hiện tượng đó gọi là hát chầu văn. Hình thức diễn xướng này được thể hiện nhất quán trong tín ngưỡng thờ Mẫu, và là yêu cầu bắt buộc trong một buổi hầu đồng.

     Âm nhạc hát chầu văn là những điệu ví, đờn, đọc phú, nhị, đàn tỳ bà, đàn nguyệt… Âm nhạc hát chầu văn nằm ở trong thang âm nhạc truyền thống, được tích gộp từ nhiều làn điệu dân ca của nhiều vùng miền thành một điệu dân ca chầu văn với nhiều luyến láy, nốt giật, kích thích hưng phấn, nhún nhẩy, uốn éo cơ thể khi say hương khói, kết hợp với những lời ca lục bát, song thất lục bát giản dị, mộc mạc. Số lượng giá trong một buổi lên đồng có khi lên tới ba mươi sáu giá. Chúng ta có thể bắt gặp một số văn chầu phục vụ các buổi hầu bóng.

Văn chầu đệ nhị Thượng Ngàn

Khi chơi ngàn núi ngàn me

Ngàn giang ngàn nứa, trúc tre ngàn vầu

     Hay:

Đứng trên ngàn rừng cao chất ngất

Trông bóng bà phát phất quỳnh lâm

Ta đàn miệng lại hát ngâm

Thánh tha thánh thót huyền cầm nhặt khoan.

Văn chầu Mẫu Liễu

Làng Vân Cát giáng sinh thần nữ

Cõi trời Nam bất tử hòa thân

Vốn xưa đệ nhị cung tiên

Phong lưu công chúa ở trên Thiên đình.

Văn chầu ông Hoàng Bảy

Bao phen chiến lược tung hoành

Định an xã tắc đế binh cõi ngoài

Đất Lào Cai là nơi dụng võ

Quyết ra tay đội ngũ tiến công…

Văn chầu ông Hoàng Mười

Trời Nam có đức Hoàng Mười

Phong tư nhất mực tuyệt vời không hai,

Nên chi cũng bậc anh tài

Văn thao võ lược tư trời thông minh.

Sự tích Thiên Yana

Gốc Nha Trang Kỳ Nam một cội

Tiếng thơm đầy Nam Hải yên kinh

Vốn xưa Chúa ở thiên đình

Đại Ân núi ấy, giáng linh cõi này

Kể từ thể no mây trăng rạng

Dưới vườn dưa thấp thoáng bóng tiên

Tiều phu phụ người nhân hiền

Xui lên gặp đặp Chúa tiên về nhà

     Trên nền ca nhạc, người lên đồng thường múa quạt, chèo đò, múa bắn cung, phi ngựa… để biểu hiện tính cách, công lao của các vị Thánh Mẫu trong đánh giặc, trong khai phá thiên nhiên, giúp dân lập ấp, mở mang xóm làng, dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải… Múa diễn ra theo nhịp âm nhạc và lời hát, tạo ra sự phấn khích, thần linh hóa ở người lên đồng. Hình ảnh người lên đồng, khăn áo điệu đà, múa trong không gian trước cửa điện, trong tiếng âm nhạc hát văn ngọt dịu, ánh sáng mờ ảo, hương khói mơ màng khiến con người phấn khích, say đắm với thần linh và lúc đó chỉ còn có thần linh ở trên trời…

     Âm thanh, ngôn từ và nghệ thuật trình diễn của một buổi lên đồng có quan hệ hữu cơ và tương tác với nhau, hình thành một chỉnh thể nghệ thuật, một loại hình văn hóa nghệ thuật tâm linh. Đây là một loại hình nghệ thuật bản địa của người Việt, phản ánh hiện thực đời sống nông nghiệp trong mối quan hệ với núi, rừng, đất, nước; đồng thời chứa đựng những ước mơ, những ngưỡng vọng thiêng liêng, tốt đẹp từ người mẹ (Mẫu) của mình. Loại hình nghệ thuật này đã biểu hiện những đặc điểm thẩm mỹ vừa hiện thực, vừa huyền ảo, phản ánh một nét đẹp độc đáo có tính nguyên hợp của bản sắc văn hóa Việt.

2. Điểm dị biệt

     * Chủ thần trong hệ thống thờ tự của Mẫu

     Ở Bắc Bộ, tín ngưỡng thờ Mẫu là thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Tứ phủ bao gồm: Thánh Mẫu Thượng Thiên, tức bà trời cai trị Thiên phủ (miền trời), làm chủ mây, mưa, sấm, chớp, mặc đồ đỏ; Thánh Mẫu Thoải, thoải là thủy, nghĩa là mẹ nước cai trị Thủy phủ (miền sông nước) làm chủ sông, biển, rất quan trọng với nghề nông, mặc đồ trắng; Thánh Mẫu Thượng Ngàn cai trị rừng núi, cây cối, thực vật, mặc đồ lam. Sau này có Thánh Mẫu thứ tư là Thánh Mẫu Địa phủ (miền đất), cai quản đất đai, sinh vật, mặc áo vàng; sau này có thêm Mẫu Liễu Hạnh.

     Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện đã hoàn thiện triết lý thờ Mẫu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng thờ thần của người Việt. Mẫu Liễu Hạnh là Mẫu có quyền uy lớn nhất trong tín ngưỡng Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, được nhân dân xây dựng thêm bằng những truyền thuyết gắn liền với những thời kỳ lịch sử của dân tộc.

     Ở Trung Bộ và Nam Bộ, thờ Mẫu là thờ mẹ xứ sở. Mẫu vào miền Trung, tiếp thu thêm việc thờ nữ thần xứ sở Pô Inư Nagar của người Chăm, tín ngưỡng này pha chút Đạo giáo thần tiên, trở thành thờ Thiên Yana, bà mẹ y theo mệnh trời. Riêng ở Huế, ngày xưa cũng có điện thờ mẹ xứ sở Pô Inư Nagar của người Chăm. Khi người Việt ở miền Trung tiếp xúc với huyền tích mẹ xứ sở Pô Inư Nagar của người Chăm thấy có nhiều điểm tương đồng với Thánh Mẫu của người Việt, nên đã Việt hóa mẹ xứ sở Chăm thành Thánh Mẫu Thiên Yana. Do vậy, tại điện Hòn Chén ở Huế được coi là tâm điểm của tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung, và có hệ thống thờ Mẫu như ở miền Bắc. Tuy vậy, có điểm khác biệt đó là trong nội cung chánh điện, Thiên Yana được đặt ở ngôi vị trung tâm, hai bên tả – hữu là Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn, còn Mẫu Liễu Hạnh lại được đặt ở hàng dưới. Từ huyền tích đến cách bài trí thờ cúng và nghi lễ thì Thiên Yana như là đại diện cho hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung.

     Ở Nam Bộ, Mẫu kết hợp với nữ thần Đất của người Khmer Nam Bộ thành Bà Chúa Xứ được ở khắp các làng ấp, điển hình là thờ Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, An Giang. Hệ thống thần gồm hai lớp: lớp trong cùng là nơi thờ Bà Chúa Xứ với tượng Bà bằng đá đặt trên bệ cao, sát hai bên là hai con hạc trắng biểu tượng cốt cách tiên thánh của Bà. Bên phải tượng Bà là một linga cũng bằng đá đặt trên một hương án thờ, gọi là bàn thờ Cậu. Bên trái tượng Bà là hương án thờ một tượng gỗ chạm hình yoni, gọi là bàn thờ Cô. Lớp thứ hai là bàn thờ Hội đồng, sát liền hai tượng chim phượng. Hai bên trái, phải của bàn thờ Hội đồng là bàn thờ Tiền hiền khai khẩn (ở bên trái) và bàn thờ Hậu hiền khai cơ (ở bên phải).

     Chủ thần trong bàn thờ Mẫu ở núi Bà Đen chính là Bà Đen. Sở dĩ gọi là Bà Đen vì Bà có khuôn mặt đen. Hình tượng Bà Đen thường đi liền với hình tượng Bà Trắng, hai vị nữ thần này trong văn hóa của Khmer được biết đến dưới tên gọi lần lượt là Neang Khmau và Mé Sar. Khi di cư vào Nam Bộ, với tâm thức thờ Mẫu có sẵn từ miền Bắc, tương tự như Bà Chúa Xứ, người ta dễ dàng tiếp nhận nữ thần Neang Khmau và nhanh chóng Việt hóa vị nữ thần này. Đến đây thì một vấn đề phát sinh, đó là trong văn hóa Khmer tồn tại cả hai vị nữ thần là Neang Khmau và Mé Sar, nhưng khi tiếp nhận thì những lưu dân Việt chỉ chấp nhận Neang Khmau. Vậy tại sao Mé Sar lại không được tiếp nhận?

     Để lý giải nguyên nhân này, chúng ta cần truy ngược lại chức năng của các vị Mẫu ở Nam bộ. Không giống như tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ ở Bắc Bộ, mỗi vị Mẫu phụ trách từng phủ (miền) khác nhau; tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam bộ về bản chất chính có sự tương đồng với Mẫu Thoải hoặc Mẫu Địa trong tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ. Với điều kiện sông nước nhiều, yếu tố “nước” rất quan trọng trong việc phát triển đời sống của người dân. Do đó, việc phụng thờ thêm vị nữ thần Mé Sar là không cần thiết. Rất nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định, hình tượng Bà Đen chính là kết quả của sự hỗn dung văn hóa Chăm – Khmer – Việt. Cụ thể hơn, trong văn hóa Chăm, vị nữ thần xứ sở của họ chính là Pô Inư Nagar còn được biết đến với tục danh là Muk Juk. Chính hình tượng này đã kết hợp với vị nữ thần Neang Khmau của người Khmer đã tạo nên hình tượng Bà Đen hiện nay.

     *Các nghi lễ cầu cúng

     Cũng từ cội nguồn và nguyên lý thờ Mẫu của người Việt, nhưng trên bước đường tiến về phương Nam, ở những giai đoạn lịch sử khác nhau, tín ngưỡng thờ Mẫu còn tiếp biến với văn hóa, tín ngưỡng bản địa của từng vùng, từng miền. Do đó, trong cái chung nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu thì mỗi miền lại có những nét khác nhau về thời gian và hình thức tổ chức lễ hội. Bên cạnh những sự khác nhau về danh xưng, thần linh, ngày tháng tổ chức lễ hội, nghi lễ, sắc phục… thì ngay trong nghi lễ múa bóng, hầu đồng cũng có sự khác nhau.

     Nếu nghi thức múa bóng và đặc biệt là hầu đồng của người Việt Bắc Bộ thường được diễn ra theo một trình tự nghiêm ngặt, nhiều nghi lễ cùng với âm nhạc chầu văn tạo nên một một tổng thể diễn xướng dân gian ở trong các phủ, điện, đền thờ Mẫu, thì nghi thức múa bóng, hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung (Huế, Khánh Hòa), miền Nam (An Giang, Tây Ninh) thường đơn giản hơn, có sự pha trộn giữa văn hóa Việt với với văn hóa Chăm, văn hóa Khmer.

     Trên thực tế, một số ngôi đền, miếu, am và nghi lễ hầu bóng ở miền Trung đều có nguồn gốc từ người Việt ở Bắc Bộ mang vào. Tuy nhiên, khi mang vào vùng đất mới, tín ngưỡng thờ Mẫu và hầu bóng, hầu đồng ở miền Trung và miền Nam có những sắc thái văn hóa riêng, thể hiện trong điện thờ Mẫu xuất hiện thêm các vị thần địa phương, như Thiên Yana, Quan Công, Ông Nam Hải (miền Trung), Bà Chúa Xứ, Bà Đen (miền Nam), cùng các vở tuồng, hát bá trạo, múa chèo thuyền, âm nhạc Chăm, Khmer… đan xen trong các nghi lễ hầu bóng. Trong lễ hội tháp Bà, am Chúa, đền thờ Thánh Mẫu Đệ Nhất Tiên Thiên (miền Trung); lễ hội Bà Chúa Xứ, Bà Đen (miền Nam)…, nghi thức múa bóng, hầu bóng đều được cắt bớt phần quy chuẩn nghi lễ so với tập tục của người Việt Bắc Bộ.

__________
1 Nguyễn Đăng Duy (1998), Văn hóa tâm linh (tái bản có sửa chữa), Nhà xuất bản Hà Nội, tr. 156.

Nguồn: Tín ngưỡng thờ Mẫu trong sinh hoạt tinh thần của người Việt Nam,
Nhà xuất bản: Công an Nhân dân, năm 2018

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Các hình thái của tín ngưỡng thờ Mẫu – Điểm tương đồng và dị biệt trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ (Tác giả: Tiến sĩ Vũ Hồng Vận, Tiến sĩ Phạm Duy Hoàng)
BÀI VIẾT CÓ LIÊN QUAN
1. Nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu

2. Các hình thái của tín ngưỡng thờ Mẫu – Phần 1: Không gian thờ cúng

3. Các hình thái của tín ngưỡng thờ Mẫu – Phần 2: Hệ thống thánh thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu

4. Các hình thái của tín ngưỡng thờ Mẫu – Phần 3: Điểm tương đồng và dị biệt trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ

5. Tín ngưỡng thờ Mẫu trong sinh hoạt tinh thần của người Việt Nam —— đang được cập nhật ——