Di sản văn hóa biển Nam Bộ

Tác giả: NGUYỄN THANH LỢI
(Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP HCM)

     Bờ biển Nam Bộ dài 974km với 9 tỉnh thành giáp biển (Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Khu vực này có 3 huyện đảo: Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu), Kiên Hải, Phú Quốc (Kiên Giang) với 195 hòn đảo, diện tích 693km2, chia làm 5 cụm đảo: Côn Đảo, Hòn Khoai, Kiên Hải, Kiên Lương – Hà Tiên, Phú Quốc. Riêng tỉnh Kiên Giang có 105 đảo, trong đó có 43 đảo có người ở và 5 quần đảo, lớn nhất là quần đảo Phú Quốc với diện tích 573km [Phan Thị Yến Tuyết 2014: 20, 31, 38, 39].

     Cư dân ven biển Nam Bộ chủ yếu là người Việt, người Khmer và người Hoa. Người Việt tiếp thu nghề biển từ Nam Trung Bộ mang vào (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Người Khmer có một số nhỏ ở các xã ven biển thuộc huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Bạc Liêu, Kiên Giang. Người Hoa Triều Châu, Quảng Đông cư ngụ ở các vùng ven biển Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Người Hoa Hải Nam có mặt ở các xã Bình An, Bình Trị (huyện Kiên Lương), xã Hàm Ninh (huyện Phú Quốc, Kiên Giang). Những cộng đồng người Hoa này mang theo nghề câu kiều, đáy song cầu,… từ miền Nam Trung Quốc sang [Phan Thị Yến Tuyết 2014: 56-57].

1. Bức tranh văn hóa biển đa sắc màu

     Cộng đồng cư dân ven biển Nam Bộ với 3 tộc người Việt, Hoa, Khmer đã tạo ra những phương thức mưu sinh riêng biệt trên nền cảnh văn hóa khu vực. Họ chịu sự giao lưu của nhiều luồng văn hóa nhưng đã biết cách thâu thái, biến cải để sáng tạo ra những giá trị văn hóa đặc trưng.

     Những cư dân ven biển và hải đảo Nam Bộ đã biết thích ứng với việc khai thác biển thông qua việc sáng tạo ra những ngành nghề liên quan đến biển nhằm phục vụ cho nhu cầu của cộng đồng. Đó là các nghề làm muối ở Bà Rịa, Cần Giờ, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu,… Nghề muối ở Ba Tri (Bến Tre) ít nhất đã có từ năm 1881 về nghề này ở làng Bảo Thạnh, tổng Bảo Trị với diện tích 277 mẫu qua các tài liệu của người Pháp. Hiện nay, nghề muối tập trung ở hai xã Bảo Thạnh, Bảo Thuận của huyện Ba Tri [Hà Thanh Niên (và nnk) 1998: 124-125]. Muối ở Long Phú và Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cung cấp cho miệt Long Xuyên, Châu Đốc, Kiên Giang, Hồng Ngự, Biển Hồ (Campuchia) vào mùa nước nổi [Nhiều tác giả 2008: 620].

     Với thổ nhưỡng, khí hậu, hải lưu, nhiều sản vật đã làm nên danh tiếng của vùng biển đảo phía Nam như ngọc trai, tiêu, rượu sim, rượu mỏ quạ, còi biên mai, cồi chôm chôm, mắm mực Phú Quốc, ruốc chua Kiên Giang (Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc),…

     Nước mắm ngon nhất vùng biển đảo Nam Bộ là nước mắm Phú Quốc và nước mắm Hòn của Kiên Giang. Ngày xưa, nước mắm tĩn Phú Quốc được chở bằng ghe bầu vào Rạch Giá, Sài Gòn. Nước mắm Hòn ngon có tiếng, ủ từ cá cơm sọc trắng, mùi vị rất thơm. Trước đây, nước mắm được ủ trong các chượp, ghè sành, sau này là các thùng gỗ, bồn bê tông. Sản lượng lên đến 5 triệu lít/năm, chỉ tiếc là chưa có thương hiệu riêng trên thị trường.

Con cá cơm thơm hơn con cá bẹ

Bởi mê nước mắm hòn, em trốn mẹ theo anh.

                                       [Nguyễn Thanh Lợi 2014b: 89]

     Không chỉ những đặc sản quý hiếm như ốc vú nàng (Côn Đảo), đồn đột (hải sâm) Phú Quốc (Kiên Giang), nghêu Ba Tri, Gò Công,… mà nhiều món ăn dân gian đã đi vào cơ cấu bữa ăn của người dân vùng biển. Cách kho sả nghệ từ cá úc, cá vồ; kho đường với cá cơm, cá trích hay kho mỡ ớt với cá mai, cá liệt ở Phú Quốc là những món ăn nhớ đời.

     Từ cuối thế kỷ XVII, khi Mạc Cửu vào đất Hà Tiên, ông đã cho thu mua các vảy đồi mồi do ngư dân đánh bắt hay nhặt được ở các hải đảo để bán ra Hội An (Quảng Nam), Trung Quốc. Các đảo Thổ Chu, Phú Quốc, hòn Đồi Mồi, đảo Cổ Công, Cổ Rồng gần biên giới Xiêm là địa bàn cư trú của đồi mồi. Dần dần về sau, Hà Tiên đã hình thành nên nghề chế tác đồi mồi với các mặt hàng như lược chải đầu, giắt đầu, trâm cài tóc, quạt xếp, hoa tai, mặt dây chuyền,… Dù chưa xác định được tổ nghề, nhưng vào chiều 23 tháng Chạp và sáng mùng 3 mỗi năm, giới làm nghề đồi mồi tổ chức cúng vị tổ nghề của mình [Trần Chinh Phu 2000: 23, 26].

     Thời Pháp thuộc, ngư dân Bà Rịa Vũng Tàu đánh bắt bằng lưới rê[1] và lưới rùng với những trung tâm nghề cá nổi tiếng như: Phước Trinh, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Thuận Biên nối tiếp nhau [Thạch Phương, Nguyễn Trọng Minh (cb) 2005: 399]. Ngày nay thì có thêm lưới rút, lưới quây, lưới bủa, lưới lớn (rung), lưới quét, giả cào[2], cào khơi, câu chạy [Phan Thị Yến Tuyết 2014: 200]. Ngư dân xã Phước Tỉnh (huyện Long Hải), bộ phận cư dân người Việt gốc ở Quảng Ngãi vào còn đánh cá bằng thuyền thúng – lưới thúng (gốc huyện Bình Sơn) và kéo cào (gốc huyện Đức Phổ). Ban đầu, họ đi đánh bắt bằng chiếc ghe nang đan tre, trét phân bò, dầu chai, có mắt thuyền, dùng buồm hình tứ giác có góc nhọn nhô cao giống buồm hình tam giác. Phương tiện này chỉ hoạt động cách bờ vài trăm mét. Từ năm 1954, ngư dân Phước Tỉnh dùng ghe chạy bằng cánh buồm lá mít của ngư dân miền Bắc, thuyền thúng[3] và sõng [4] của ngư dân miền Trung. Vào đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, ngư dân Phước Tỉnh đã sử dụng tàu đánh bắt đóng mới theo kiểu Thái Lan do những ngư dân người Nùng ở Vũng Tàu cập cảng Cửa Lấp sau mỗi chuyến đi biển kéo cào [Trần Hồng Liên (cb) 2004: 46-47].

     Bà con ngư dân ở huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) đánh bắt hải sản bằng các loại phương tiện: lưới đăng, lưới gộc, lưới bộ, đáy rạo, đáy sông cầu, đáy neo, xịt, cào te, nò, cầu ông (cần câu lớn) [Phan Thị Yến Tuyết 2014: 200].

     Ngư cụ ở Sóc Trăng nghề làm đáy có nhiều loại khác nhau; nghề lưới với nhiều loại lưới đa dạng như lưới sỉ, lưới giã, lưới rùng, lưới quàng, lưới vây, lưới xanh xương, lưới thưng. Nghề câu có câu bủa, câu chùm để câu cá thu, cá nhồng, cá bớp,… Mực được đánh bắt bằng nhiều cách khác nhau: lưới, cào, câu, thẻ mực, đánh bóng mực (lợp mực) [Nhiều tác giả 2008: 621].

     Làng đáy sông cầu Mỹ Long (Trà Vinh) có từ thời xưa, đến giữa thế kỷ XIX thì phát triển thành đáy hàng khơi với vị tiên hiền là ông Cao Văn Huyền (Cả Huyền). Những trụ đáy cặp bờ lâu nay được đưa ra ngoài khơi với hàng trăm “khẩu đáy”. Từ vùng biển Trà Vinh, nghề đáy này phát triển sang các ngư trường Bến Tre, Gò Công, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau,… [Nhiều tác giả 2008: 598].

     Ngư cụ ở Kiên Giang khá phong phú với một số nghề chính: lưới kéo (lưới giã, lưới ruốc, lưới chồng, cào xuồng, cào tôm, lưới quàng, lưới năm, lưới ba thưa, lưới kéo tôm, lưới giựt bắt cá), lưới vây (lưới rút, lưới rùng, lưới cá cơm, lưới đăng), lưới rê các loại tôm, cá trích, cá thu, cá bạc má,… [Đoàn Nô 2003: 41-60].

     Người Hoa ở 2 xã Bình An, Bình Trị (huyện Kiên Lương, Kiên Giang) du nhập nghề câu kiều từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) sang. Giàn câu có đến 200-400 lưỡi câu, đánh bắt các loại cá tô như cá đuối, cá chét, cá thu, cá cào, cá nhám, cá hàng xanh, cá hàng nóc [Phan Thị Yến Tuyết 2014: 189- 190].

     Ngư dân vùng biển bãi bồi ở Nam Bộ đã sáng tạo ra những ngư cụ hết sức độc đáo. Đó là tấm sạt sò (Cà Mau) hay mong, chẹt (Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Giờ) bằng gỗ dùng trượt bùn để bắt sò, cá trên những bãi bồi ngập bùn mà không thể đi bộ hay chèo ghe được [Phan Thị Yến Tuyết 2014: 215- 216].

     Hiện nay, người Khmer, người Hoa ở xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) đánh bắt cá tôm ở ven biển bằng cách đẩy xiệp, đi cà kheo khi nước lớn (độ sâu không quá 2 mét) và lội bộ khi nước rút. Họ dùng lưới dày bắt ruốc và xiệp thưa bắt tôm, cá lù đù, cá bẹ. Ngoài ra còn bắt nghêu, sò bằng cào, móc [Phan Thị Yến Tuyết 2014: 219]. Tuy nhiên, từ 2 thập kỷ gần đây, người Khmer ở khóm VI (thị trấn Định An, huyện Trà Cú, Trà Vinh) đã tham gia vào công việc đánh bắt cận duyên tại cửa biển Định An với hai phương thức khai thác thủy sản là bắt cua bột và đẩy te [Ngô Thị Phương Lan (chủ nhiệm) 2017: 29 – 50]

     Trong công trình dân tộc học khảo cứu về ghe thuyền, Voilliers d’Indochine, J.P. Pietri đã ghi nhận các loại ghe ở Nam Bộ như: ghe lưới rùng Phước Hải [41-3], ghe cửa Mekong [38-40], ghe câu Phú Quốc [33-35],… trong bản đồ phân bố ghe thuyền Đông Dương.

     Ghe cửa Đại dùng đánh bắt trên biển hoặc chuyên chở hàng hóa đi biển hoặc trên các con sông lớn, có đặc trưng riêng, khá nổi tiếng, do những thợ thủ công Bình Đại (Bến Tre) đóng. Ngày xưa nơi đây có mối giao lưu buôn bán với Gò Công, Mỹ Tho, Sài Gòn, Bà Rịa, Vũng Tàu, Phan Thiết. Bình Đại đã hình thành một trường phái đóng ghe nổi tiếng: “khác với ghe Cần Đước mũi ngắn, lườn rộng, ghe Vàm Láng (Gò Công) mũi nhọn mà cao, lườn dẹt, ghe Hòn (Phú Quốc) của miền Tây mũi đứng, lườn rộng, thân dài, ghe cửa Đại – thường được giới sông nước gọi là ghe số 14[5] mũi đen – cao vừa phải, lườn rộng, thân vững, đi biển hoặc chuyên chở trên sông đều tốt, chịu nhảy sóng, mạnh sức chở. Ghe cửa Đại bánh lái đẹp và dài, có hai buồm, có trục cuốn, buồm đánh bằng lá buôn đan (tức một loại lá cọ, người ta quen gọi là đệm buồm)” [Nguyễn Thanh Lợi 2014a: 115].

     Tri thức về môi trường và sử dụng nguồn tài nguyên, tri thức về sản xuất là những kinh nghiệm sống không thể thiếu được ở các vùng biển. Ngư dân nắm vững quy luật về luồng cá, thời tiết, thủy triều, sóng, gió, lưới: “Tháng chướng bắt nghêu, tháng nồm bắt sò”, “Nước mặn chà là gai”,…

     Những ngư dân lão luyện ở thị trấn Phước Hải có thể lặn biển để “nghe” cá, biết được hướng đi, số lượng, kích thước, trữ lượng để có cách đánh cho phù hợp. Đây là nghề độc đáo, hiếm có ở khắp các vùng biển Việt Nam.

     Ở các vùng biển Nam Bộ, ngư dân có những tục lệ về kiêng kỵ liên quan đến việc đánh bắt trên biển. Nó phản ánh tâm thức, quan niệm của ngư dân trong việc hành nghề, thái độ ứng xử với các nhóm, giới trong một cộng đồng như tục vẽ mắt thuyền, kiêng kỵ trong đánh bắt, cúng ghim lô, cúng hạ thủy; bên cạnh đó là những tín ngưỡng như tục cúng cô hồn biển, cúng giỗ người chết trôi trên biển, Bà Cậu, Cố Hỷ, Thành Hoàng, Bà Chúa Hòn,…

     Lễ hội ven biển ở Nam Bộ khá phong phú gắn liền với những cộng đồng cư dân biển ở các vùng miền. Nổi bật nhất là các lễ hội Nghinh Ông ở các địa phương (Bình Châu, Long Hải, Thắng Tam, Cần Giờ, Vàm Láng, Bình Thắng[6], Trần Đề, Gành Hàu, Sông Đốc, Dương Đông,…), lễ hội Dinh Cô (Long Hải, Bà Rịa Vũng Tàu), lễ Phước Biển ở Vĩnh Châu (Sóc Trăng) của đồng bào Khmer, lễ hội Quan Âm (Bạc Liêu), lễ hội Chúa Xứ Mỹ Long (Trà Vinh), lễ Thiên Hậu Sông Đốc (Cà Mau) của người Hoa, lễ hội Dinh Cậu, lễ hội Cổ đụng (Phú Quốc, Kiên Giang),…

     Lễ hội Bà Chúa Xứ ở vùng biển Mỹ Long (Trà Vinh) qua sự phối thờ thần Nam Hải (cá Ông) ở ngôi miếu Bà Chúa Xứ cho thấy sự sáng tạo của cộng đồng cư dân nơi đây, vốn có nguồn gốc từ Nam Trung Bộ, đã biết hòa trộn giữa tín ngưỡng nông nghiệp và tín ngưỡng ngư nghiệp. Ở đây còn có sự tích hợp thêm tín ngưỡng thờ Thượng động Cố Hỷ và Thủy Long Thần Nữ khá phổ biến ở khu vực ven biển miền Trung.

     Ngư dân Việt ở Nam Bộ rất tin tưởng tín ngưỡng Bà Cậu, họ gọi nghề hạ bạc là nghề Bà Cậu. Không chỉ ngư dân tôn thờ Bà Cậu như tổ sư của nghề đánh cá trên biển, mà Dinh Cậu (Phú Quốc) là cơ sở tiêu biểu cho tín ngưỡng này.

     Tín ngưỡng thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (Bà Mã Châu) giữ vai trò quan trọng trong cộng đồng cư dân người Hoa, cả người Việt ở vùng biển đảo của Nam Bộ, như lễ vía Thiên Hậu ở thị trấn Sông Đốc (Cà Mau), thu hút đông đảo đồng bào tham dự. Các đảo ở vùng biển Tây Nam Bộ, đặc biệt là các đảo lớn đều có tín ngưỡng thờ bà Mã Châu, những nơi từng có người Hoa cư trú, buôn bán.

     Lễ cúng Phước biển (Chrôi rumchek) của người Khmer ở Vĩnh Châu (Sóc Trăng), ngoài ý nghĩa cầu an cho cộng đồng, còn là sự thích ứng của con người với môi trường sinh thái biển.

     Vè “hải hành” như bài Vè hải trình Nam Du mô tả hành trình giữa các đảo trong vùng biển Kiên Giang, phản ánh những nét đẹp thiên nhiên vùng biển đảo, thể hiện những tri thức đi biển của ngư dân vùng biển Tây Nam.

     Những truyền thuyết về Gia Long, Nguyễn Trung Trực, xã Dóc, ông Đạo Đụng, Ngô Minh Chiêu, bà Kim Giao (Phú Quốc), mũi Cà Mau, Năm Căn, Hòn Khoai, hòn Đá Bạc (Cà Mau), hòn Bà (Côn Đảo), Ba Động (Trà Vinh), Cá Ông,… ở khắp các vùng biển Nam Bộ là những di sản văn hóa phi vật thể quý chưa được khai thác bao nhiêu.

     Một hệ thống địa danh, nhất là các tên đảo, hòn, từ Côn Đảo cho đến Kiên Hải, Phú Quốc chứa đựng trong nó những câu chuyện lịch sử – văn hóa, từ thời cha ông đi khai phá, dựng nghiệp, bảo vệ Tổ quốc.

     Không đậm “chất biển” như ở miền Trung, nhưng di sản văn hóa biển Nam Bộ là sự tiếp thu, sáng tạo để tạo ra những giá trị mới, rất đặc trưng của Nam Bộ, làm giàu nên kho tàng văn hóa biển Việt Nam, ở cả phương diện vật thể và phi vật thể.

2. Giải pháp phát triển di sản văn hóa biển Nam Bộ

     Di sản văn hóa biển Nam Bộ khá phong phú, đa dạng, thể hiện sự giao lưu của nhiều luồng văn hóa giữa các quốc gia, vùng miền, tộc người, tạo nên sự độc đáo trong những biểu hiện của nó. Vốn di sản này cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ của thời đại như, sự biến đổi môi trường, quá trình đô thị hóa, sự biến đổi của sinh kế, quản lý di sản, cùng những tác nhân tiêu cực của xã hội…

     Để bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa biển ở Nam Bộ, có thể thực hiện một số giải pháp:

     a. Kiểm kê, sưu tầm, nghiên cứu

     – Một số địa phương ở Nam Bộ có tiến hành các tổng điều tra văn hóa phi vật thể ở địa phương mình nhưng dường như chưa có những cuộc điều tra về văn hóa biển. Chỉ có tiến hành điều tra thì mới tạo ra được cơ sở dữ liệu về văn hóa biển ở địa phương, phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Một cuộc tổng điều tra về văn hóa biển Nam Bộ là rất cần thiết cho việc quy hoạch văn hóa ở Nam Bộ trên các thành tố: tín ngưỡng, tôn giáo, ẩm thực, nghề truyền thống, diễn xướng dân gian, nghệ thuật tạo hình, văn học dân gian, tri thức dân gian,… nhằm đánh giá trữ lượng văn hóa biển ở Nam Bộ. Thực hiện việc này cần có sự phối hợp nguồn lực giữa Trung ương và các địa phương.

     – Kết quả của các đợt kiểm kê là cơ sở để tiến hành sưu tầm các loại hình văn hóa biển ở Nam Bộ. Tùy theo nguồn lực của mỗi địa phương mà có các phương thức thực hiện. Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các địa phương là các cơ quan, tổ chức chuyên môn tham gia thực hiện việc sưu tầm trên cơ sở phối hợp với nhau. Ở địa phương có thể dựa vào lực lượng cán bộ ở bảo tàng tỉnh, các nhà nghiên cứu địa phương.

     – Các công trình nghiên cứu về văn hóa biển đảo Nam Bộ hãy còn quá hiếm hoi, cho đến nay chưa có một công trình bao quát, phần nhiều chỉ mới đi vào một số thành tố văn hóa biển và đề cập đến ở một số địa phương. Có thể kể ra như: Nghề đồi mồi Hà Tiên mỹ nghệ thủ công truyền thống dân gian Việt Nam (Trần Chinh Phu, 2000), Ngư cụ thủ công chủ yếu và nghề cá ở Kiên Giang (Đoàn Nô, 2003), Cộng đồng ngư dân Việt ở Nam Bộ (Trần Hồng Liên (cb), 2004), Lễ hội dân gian của ngư dân Bà Rịa – Vũng Tàu (Đinh Văn Hạnh, Phan An, 2004), Văn hóa dân gian đảo Phú Quốc (Trương Thanh Hùng, 2008), Đời sống xã hội – kinh tế văn hóa của ngư dân và cư dân vùng biển Nam Bộ (Phan Thị Yến Tuyết, 2014), Tín ngưỡng dân gian Phú Quốc (Nguyễn Bình Phương Thảo, Nguyễn Thanh Lợi, 2016). Một công trình có hệ thống, toàn diện về văn hóa biển Nam Bộ là rất cần thiết trong tương lai, nhằm phục vụ cho xã hội trong giảng dạy, nghiên cứu, quản lý,… trong điều kiện xã hội ngày càng quan tâm nhiều đến biển đảo. Khó khăn nhất hiện nay vẫn là kinh phí thực hiện đề tài và thiếu các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa biển.

     b. Giáo dục di sản

     – Tăng cường kiến thức về văn hóa biển đảo vào trong sách giáo khoa ở trường phổ thông của các môn học: Địa lý địa phương, Lịch sử địa phương, Văn hóa địa phương. Đối với bậc cao đẳng, đại học ở các chuyên ngành liên quan như Văn hóa học, Dân tộc học, Nhân học, Quản lý văn hóa, Di sản văn hóa, Du lịch,… cần đưa môn học Văn hóa biển vào giảng dạy và xây dựng giáo trình. Các cơ sở đào tạo sau đại học cần khuyến khích học viên, nghiên cứu sinh làm các luận văn, luận án về văn hóa biển Nam Bộ.

     – Chú trọng trưng bày về văn hóa biển đảo ở các bảo tàng tỉnh. Bảo tàng Cội nguồn ở Phú Quốc của Huỳnh Phước Huệ là mô hình hay về bảo tàng tư nhân về văn hóa biển, nhưng đó mới chỉ là nỗ lực của cá nhân, còn thiếu sự quan tâm của chính quyền và rất cần sự hỗ trợ nghiệp vụ của giới chuyên môn để nâng cao chất lượng hoạt động. Trước mắt, bảo tàng cần kết nối chặt chẽ với hoạt động du lịch ở Phú Quốc trong việc phát huy giá trị, biến hòn đảo trở thành một điểm đến không thể thiếu được trong các tour khi du khách đến tham quan.

     – Xây dựng bảo tàng văn hóa biển cho Nam Bộ là định hướng cần tính tới trong tương lai trong hệ thống các bảo tàng ở Việt Nam. Sẽ là rất hấp dẫn cho du khách khi đến thăm một bảo tàng về nước mắm ở Phú Quốc, được xây dựng theo mô hình bảo tàng nhân học với sự sống động của nó. Ở đó họ không chỉ được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của nghề nước mắm Phú Quốc nói riêng, Việt Nam nói chung, mà còn được thưởng thức ẩm thực liên quan đến nước mắm, được trải nghiệm các công đoạn làm nước mắm.

     – Đẩy mạnh tuyền truyền về văn hóa biển Nam Bộ trên báo chí, truyền thông với những nét đẹp văn hóa của nó. Mở những chuyên mục thường xuyên như “Biển đảo quê hương”.

     – Biên soạn những tài liệu giới thiệu về di sản văn hóa biển ở địa phương, trước hết là để cung cấp những hiểu biết, nuôi dưỡng lòng tự hào về những nét đẹp văn hóa cho người dân địa phương và là cách để họ giới thiệu cho du khách.

     c. Hoạt động du lịch

     – Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tốt các giá trị văn hóa biển: ẩm thực, nghề truyền thống, lễ hội, tín ngưỡng,… Ví dụ, tour về văn hóa biển ở Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) có thể cho du khách tìm hiểu về nghề muối, nghề nuôi tôm, ghe thuyền đánh bắt, hệ động thực vật rừng ngập mặn, chợ vùng biển với các sản vật địa phương và đặc biệt là tham quan lăng Ông Cần Thạnh để hiểu về tín ngưỡng đặc trưng của cư dân miền biển. Tour đi về trong ngày như vậy phù hợp cho đối tượng sinh viên, học sinh.

     – Cần xuất bản những cẩm nang hướng dẫn du lịch ở các cơ sở tín ngưỡng, địa điểm tổ chức lễ hội, làng nghề,… Một số cơ sở tín ngưỡng đã có những tờ gấp giới thiệu, nhưng biên soạn hết sức sơ sài như Dinh Cô (Long Hải), còn lại các điểm khác hầu như không có. Ngay như các hướng dẫn viên du lịch cần các loại cẩm nang như vậy cũng khó tìm.

     d. Quản lý nhà nước

     – Cần sớm công nhận những cơ sở tín ngưỡng, lễ hội là di tích lịch sử – văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể như các lăng Ông/lễ hội Nghinh Ông ở Trần Đề, Gành Hàu, Sông Đốc,… để có cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Điều đó cũng phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nơi có di sản.

     – Chính quyền địa phương cần có biện pháp để giữ gìn các cơ sở tín ngưỡng, dù đã được công nhận di tích hay chưa, xem đó là vốn liếng văn hóa truyền thống địa phương mình trước sự phát triển nóng của du lịch sẽ đánh mất đi nhiều giá trị văn hóa, như trường hợp Phú Quốc hiện nay.

     – Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về văn hóa biển cho cán bộ văn hóa, chính quyền, đoàn thể, nhân dân ở địa phương, để họ cùng chung tay trân quý và giữ gìn di sản văn hóa biển, nhất là ở những địa phương du lịch biển phát triển như Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang.

3. Kết luận

     Với những sắc thái riêng, di sản văn hóa biển Nam Bộ phong phú, đa dạng không hề kém nền văn hóa biển miền Trung, miền Bắc, với những biểu hiện hết sức sinh động. Kế thừa và làm giàu có thêm nền văn hóa biển của đất nước là điểm dễ thấy của di sản văn hóa biển Nam Bộ.

     Những tác động nhiều chiều của các luồng văn hóa đã làm nên sinh khí cho di sản văn hóa biển Nam Bộ, đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong bối cảnh xã hội đương đại. Từ việc nhận diện, quản lý, khai thác, di sản văn hóa biển Nam Bộ cần có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của Trung ương và địa phương. Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, dễ nhất nếu thực sự muốn xem đó là một di sản quý báu cần được gìn giữ và khai thác.

__________
[1] Vào khoảng những năm 1725-1730, ông Trần Văn Mầu đến vùng biển ấp Hải Lạc khai phá. Ông làm ra loại lưới rê đánh bắt rất hiệu quả. Dần dần, nơi đây hình thành nên xóm Lưới Rê, tiền thân của làng Phước Hải (nay thuộc thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ). Cuối thế kỷ XVIII, xóm Lưới Rê đổi thành Hải Chữ [Nhiều tác giả 2017a: 406-407].

[2] Phương tiện đánh bắt này du nhập từ Nam Trung Bộ.

[3] Hiện nay, tại khu phố Hải Hòa (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) các cơ sở sản xuất thuyền thúng đã chuyển sang làm thúng bằng chất liệu composite. Chủ những cơ sở này gốc người ở thôn Thọ Đơn, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình [Phan Thị Yến Tuyết 2014: 285].

[4] Ghe đan bằng tre, trét phân bò, dầu chai của cư dân Bình Định, nhưng ở Phước Tỉnh được đóng bằng ván, chạy bằng máy xăng hoặc dầu [Trần Hồng Liên (cb) 2004: 47].

[5] Khoảng năm 1920, để tiện việc kiểm soát đường thủy, chính quyền thuộc địa ra quy định ghe mỗi tỉnh ở Nam Kỳ phải có một con số riêng, ghe của tỉnh Mỹ Tho (lúc đó Bình Đại thuộc tỉnh này) mang số 14 và có ghi chữ Mỹ Tho trên đầu ghe.

[6] Chỉ riêng tỉnh Bến Tre đã có 12 lăng cá Ông, theo kết quả Tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bến Tre năm 2004: huyện Ba Tri (4 lăng), huyện Thạnh Phú (4 lăng), huyện Bình Đại (4 lăng) [Lư Hội 2009: 43].

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

1. Đoàn Nô, 2003, Ngư cụ thủ công chủ yếu và nghề cá ở Kiên Giang, , NXB Văn hóa – Thông tin.

2. Hà Thanh Niên, Nguyễn Phương Thảo, Lê Quang Trắc, Lê Minh Trí, 1988, Du lịch xứ Dừa Bến Tre, Công ty Du lịch Bến Tre.

3. Lư Hội (st, biên soạn), 2009, Di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bến Tre, H., NXB Văn hóa dân tộc.

4. Ngô Thị Phương Lan (chủ nhiệm), 2017, Sinh kế của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn hiện nay, Đề tài cấp Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2016-2017.

5. Nguyễn Bình Phương Thảo, Nguyễn Thanh Lợi, 2016, Tín ngưỡng dân gian Phú Quốc, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

6. Nguyễn Duy Thiệu, 2002, Cộng đồng ngư dân ở Việt Nam, H., NXB Khoa học xã hội.

7. Nguyễn Thanh Lợi, 2014a, Ghe bầu Nam Trung Bộ và ghe xuồng Nam Bộ, H., NXB Văn hóa Thông tin.

8. Nguyễn Thanh Lợi, 2014b, Một góc nhìn về văn hóa biển, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

9. Nhiều tác giả 2008, Văn hóa biển miền Trung và văn hóa biển Tây Nam Bộ, H., NXB Từ điển Bách khoa.

10. Nhiều tác giả 2017a, Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển đảo Việt Nam, H., NXB Văn hóa dân tộc.

11. Nhiều tác giả 2017b, Văn hóa dân gian Nam Bộ Tín ngưỡng dân gian, NXB Văn hóa – Văn nghệ.

12. Phan Thị Yến Tuyết, 2014, Đời sống xã hội – kinh tế văn hóa của ngư dân và cư dân vùng biển Nam Bộ, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

13. Piétri J. B., 1949, Thuyền buồm Đông Dương (Voiliers d’Indochine), SILI, Saigon.

14. Thạch Phương – Nguyễn Trọng Minh (cb), 2005, Địa chí Bà Rịa – Vũng Tàu, H., NXB Khoa học xã hội.

15. Trần Chinh Phu, 2000, Nghề đồi mồi Hà Tiên mỹ nghệ thủ công truyền thống dân gian Việt Nam, H., NXB Khoa học xã hội.

16. Trần Hồng Liên (cb), 2004, Cộng đồng ngư dân Việt ở Nam Bộ, H., NXB Khoa học xã hội.

Nguồn: Sách “Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập”
Trích dẫn từ: Văn Hóa Học

 Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)