Nghệ thuật BEL CANTO
BEL CANTO ART
TRƯƠNG NGỌC THẮNG
(PGS.TS. Trường Đại học Văn Lang)
TÓM TẮT
Bel canto (Bel canto) tiếng Italia là “hát đẹp”, cùng với các thuật ngữ như “bellezze del canto”/”bell’arte del canto”, là một phương pháp, một nghệ thuật, kỹ thuật hát, một giai đoạn Opera, thuở ban đầu Bel canto là sự kiện thanh nhạc vào cuối thế kỷ XVII của Italia. Bel canto đã ứng dụng một cách tinh vi vào kỹ thuật hát, mở ra một thời kỳ mới cho các ca sĩ nhạc kịch (Opera) và âm nhạc nhà thờ Italia. Thời kỳ đầu kỹ thuật hát này chưa được áp dụng một cách rộng rãi, tuy nhiên đến giữa thế kỷ XVIII, nghệ thuật – kỹ thuật Bel canto đã đạt đến sự cực thịnh của nhạc kịch nghiêm túc (Opera Seria), là sự thử thách kỹ thuật của giọng nam thiến (Castrato). Ngày nay, Bel canto được các nhạc viện, các trường âm nhạc trên thế giới ứng dụng vào việc đào tạo các ca sĩ chuyên nghiệp.
Từ khóa: Bel canto, nghệ thuật thanh nhạc, nhạc viện.
ABSTRACT
Bel canto (Bel canto) in Italian is “beautiful singing”, along with terms like “bellezze del canto” / “bell’arte del canto”, a method, an art, a singing technique, an Opera period, early Bel canto is a vocal event in the late seventeenth century in Italy. Bel canto has applied sophisticated techniques in singing, opening a new era for opera singers and Italian church music. In the early days of this technique, the technique was not widely applied, but by the middle of the eighteenth century, the art of Belcanto had reached the heights of the opera, technical challenge of the castrato voice. Today, Bel canto is used in music academies, music schools around the world to train professional singers.
Key words: Bel canto, vocal technique, music academy.
x
x x
1. MỞ ĐẦU
Bel canto (Bel canto) tiếng Italia là “hát đẹp”, cùng với các thuật ngữ được cấu trúc như “bellezze del canto”/”bell’arte del canto”, là một phương pháp, là nghệ thuật hát, một giai đoạn Nhạc kịch (Opera), thuở ban đầu Bel canto là sự kiện thanh nhạc vào cuối thế kỷ XVII ở Italia.
Bel canto ứng dụng một cách tinh vi vào kỹ thuật hát, mở ra một thời kỳ mới cho các ca sĩ Opera và âm nhạc nhà thờ Italia. Thời kỳ đầu, kỹ thuật hát này chưa được áp dụng một cách rộng rãi, tuy nhiên đến giữa thế kỷ XVIII, kỹ thuật Bel canto đã đạt đến sự cực thịnh của Nhạc kịch nghiêm túc (Opera Seria), là sự thử thách kỹ thuật của giọng castrato (giọng nam thiến). Ngày nay, Bel canto được các nhạc viện, các trường âm nhạc trên thế giới ứng dụng vào việc đào tạo ca sĩ chuyên nghiệp.
Kỹ thuật Bel canto đã xuất hiện như là một kết quả của Nhạc kịch thế kỷ XIX với sự lớn mạnh, tăng tính kịch và ca sĩ có khả năng cân bằng âm lượng với dàn nhạc trong các nhà hát lớn hơn nhờ các kỹ thuật toàn diện của Bel canto cùng với sự phát triển của thanh nhạc truyền thống Italia với một hình thức mạnh mẽ hơn hấp dẫn các ca sĩ lúc bấy giờ. Tuy nhiên, không có nhiều tư liệu định nghĩa Bel canto cho tới sau năm 1900. Bel canto vẫn còn sử dụng đến ngày nay như một nghệ thuật, một truyền thống thanh nhạc.
2. NỘI DUNG
2.1. Lịch sử và những định nghĩa khác nhau
Nghệ thuật Bel canto làm say đắm lòng người bởi một giọng ca đẹp, một giai điệu đẹp, đặc biệt nhất là một giai điệu được điều khiển bởi cảm xúc âm nhạc đầy chất thơ và phần lời dễ hát. Bel canto được cho là một nghệ thuật, một kiểu hát của Italia chiếm ưu thế hầu như khắp châu Âu trong thế kỷ XVIII với các kỹ thuật cụ thể sau:
Đưa thể loại hát liền giọng (Legato) hoàn hảo, thông qua trình bày của ca sĩ như một hình mẫu; Sử dụng giọng cao cho các khoảng âm cao hơn; Tạo sự nhanh nhẹn, mềm dẻo kỹ thuật thực sự tài giỏi; Khả năng điều hành nhanh, sự phân chia chính xác;
Tránh bật hơi và rung chậm, tạo sự nhẹ nhàng, âm sắc tốt, có tác động rõ ràng, cách diễn tả trong trẻo và duyên dáng, phân nhịp và sử dụng điểm bật hơi và khống chế hơi hợp lý.
Với quan niệm sân khấu Nhà thờ là “Thánh đường”, là thanh cao, nơi thường hát hợp xướng về nội dung tôn giáo – là thánh ca hoặc các vở Opera mà phần lớn nội dung xoay quanh các chủ đề tôn giáo, nhà thờ trong các thế kỷ XVII và XVIII. Năm 1686, Giáo Hoàng Innocent XI ban lệnh cấm phụ nữ xuất hiện trong các dàn đồng ca nhà thờ hay biểu diễn trên sân khấu. Tuy nhiên, trong các vở nhạc kịch (Oprea) thường có các nhân vật nam và nữ, để bảo đảm sự tôn nghiêm của sân khấu nhà thờ khi trình diễn các vở nhạc kịch mang nội dung tôn giáo, một loại giọng thay thế cho giọng nữ đã ra đời bằng hình thức thiến các nam ca sĩ khi họ còn rất trẻ để đào tạo họ có giọng như nữ – giọng castrato. Từ đó, một số lượng lớn các giảng viên thuộc hệ thống giọng castrato xuất hiện. Trong cuốn sách: “Tenor: Lịch sử của một loại giọng” (Tenor: History of a Voice) ca sĩ John Potter đã viết: “Nhiều ca sĩ castrato thế kỷ XVIII đã chứng minh nghệ thuật hát. Họ đã mất không thể lấy lại được kỹ năng đã được sáng tạo ra trong thời gian huyền thoại của Bel canto, một cách hát và khái niệm hóa cách hát này hoàn toàn khác từ những gì mà thế giới đã nghe trước đây hoặc sẽ nghe sắp tới” [1, tr.1].
Đề cập đến nghệ thuật Bel canto không thể không nói đến ba nhạc sĩ Italia nổi tiếng là Gioachino Rossini (1792-1868), Vincenzo Bellini (1801-1835) và Gaetano Donizetti (1797-1848). Ba nhạc sĩ này đã viết các tác phẩm xuất sắc cho sân khấu Opera khoảng chừng từ năm 1805 đến năm 1840, khi mà các nhà lý luận âm nhạc gọi là kỷ nguyên Bel canto.
Đến năm 1950, thành ngữ “sự phục hồi Bel canto” ra đời nhằm nói đến sự đổi mới đã được các nhạc sĩ Opera như Donizetti, Rossini và Bellini quan tâm phát triển. Ba nhạc sĩ này đã đưa ra những kiểu cách, thể loại, bài bản biểu diễn kỹ thuật vào cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX trong các tác phẩm của họ. Sự thay đổi hoàn cảnh này rất có ý nghĩa sau Chiến tranh thế giới thứ hai với sự nổi lên của những chỉ huy dàn nhạc và ca sĩ Opera nổi tiếng sau này như Maria Callas, Joan Sutherland và Beverly Sills, những người đã làm chủ được kỹ thuật Bel canto, những nghệ sĩ, ca sĩ này đã thổi vào âm nhạc – thanh nhạc một sức sống mới, họ đã sáng tác, trình diễn những tác phẩm âm nhạc để đời và phổ biến khắp thế giới. Ngày nay, rất nhiều tác phẩm Opera kinh điển được biểu diễn thường xuyên khắp các sân khấu Opera trên thế giới như The Barber of Seville của Rossini, Lucia di Lammermoor của Donizetti với phong cách hát Bel canto.
Nghệ thuật và phong cách Bel canto như một học thuyết của Rossini, Donizetti và Bellini được ưa chuộng ở Italia vào giữa thế kỷ XIX. Cùng với Rossini, Donizetti và Bellini một nhạc sĩ nổi tiếng khác của Italia là Giuseppe Verdi (1813-1901) đã yêu cầu sử dụng nghệ thuật Bel canto với sự sôi nổi, mãnh liệt, thêu dệt, tính kịch và kỹ thuật thanh nhạc cao độ khi biểu diễn các Opera của ông. Giọng nam cao (Tenor) được hát tới nốt “do” hoặc “re” quãng tám 2 trực tiếp từ giọng ngực hơn là giọng đầu. Đây là một kỹ thuật nhẹ nhàng, nhanh nhẹn có tính toán của khả năng vang khỏe từ giọng ngực của các ca sĩ Opera khi áp dụng các kỹ thuật Bel canto. Giọng nữ cao (Soprano) và nam trung (Baritone) cũng sử dụng các kỹ thuật như tenor khi đối mặt với các tác phẩm đầy tính kịch và kỹ thuật cao.
Các ca sĩ với hơi thở đúng và kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện đã làm chủ giọng của họ khi bật ra những âm thanh tuyệt vời ở từng cấp độ riêng để đạt đến sự uyên bác kể cả các nốt thấp, làm say mê lòng người khi biểu diễn các vở Opera của G. Verdi mà tiêu biểu là hai ca sĩ danh tiếng Amilcare Ponchielli (1834-1886) và Arrigo Boito (1842-1918). Phương pháp hát truyền thống của Italia đã bị che mờ bởi ảnh hưởng sự phát triển của âm nhạc thế giới ở các ca sĩ Bel canto. Bel canto đã trở thành nghệ thuật đích thực, phương pháp khoa học với sự công phu, sự ngọt ngào của giọng và sự bày tỏ âm nhạc một cách tinh tế.
Khi nói về Bel canto và danh ca huyền thoại Maria Callas, GS. NSND. Nguyễn Trung Kiên đã viết: “Ngày 16 tháng 2 năm 1952, Maria Callas đã hát sáng chói trên sân khấu vai Norma trong Opera cùng tên của Bellini. Báo chí nước ngoài viết là hiện tượng thần kỳ, rực rỡ, khi Maria Callas bước ra sân khấu, bạn sẽ không còn thấy điều gì khác,… Nghệ thuật Thanh nhạc tự nhiên đầy thuyết phục,… là sự dịu dàng, mềm mại và nhiệt thành xiết bao” [2, tr.205].
Trong cuốn sách “Phương pháp sư phạm thanh nhạc”, GS. NSND. Nguyễn Trung Kiên đã viết: “Như chúng ta đã biết nước Ý là đất nước có truyền thống ca hát lâu đời, quê hương của những ca sĩ lừng danh thế giới như Caruso, Danmonte,… Ngay từ thế kỷ XVII, XVIII, trường phái ca hát cổ điển Ý, còn gọi là trường phái hát đẹp (Bel canto) đã đạt được thành công rực rỡ trong nghệ thuật ca hát. Nhiều giáo sư thanh nhạc thời đó như R. Todi (1647- 1727) D. Manxini (1716-1800),… đã viết nhiều sách về kỹ thuật thanh nhạc, đặc biệt là kỹ thuật cho giọng nữ cao màu sắc (Soprano coloratura) trong đó đã đề cập nhiều vấn đề về hơi thở” [3, tr.47].
Cho tới giữa thế kỷ XIX, thành ngữ Bel canto đã không dùng phổ biến vì đối lập với sự phát triển có uy thế và quyền lực lớn của Opera ở nước Đức với đại diện tiêu biểu là Richard Wagner (1813- 1883) người làm cách mạng nhạc kịch. Ông đã đưa ra một hình thức Opera mới theo trường phái Đức với tiêu chí “Sự mãnh liệt đầy sinh động của tinh thần và sự nồng nàn thiết tha vào trong quỹ đạo của nó là sự biểu hiện vô song”.
Thời kỳ Bel canto đã được người Italia làm sống lại vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, một trong số họ là Antonio Cotogni (1831-1918) giọng nam trung (Baritone). Antonio Cotogni và thế hệ của ông chống lại kiểu rung vụng về của các ca sĩ thời hậu thế kỷ XIX. Sự thử thách thính giác được đề ra bởi các tác phẩm âm nhạc sân khấu của Richard Strauss (1864-1949) và các nhạc sĩ khác thời hậu lãng mạng và đầu thời kỳ chủ nghĩa hiện đại với sự hăm hở, tích cực của những hình thức mới cho dàn nhạc và thanh nhạc. Như một kết quả của nhiều yếu tố, khái niệm Bel canto đã trở thành sự thần bí khi những nhà lý luận âm nhạc Đức đầu thế kỷ XX phát minh ra chính sự ứng dụng của nó.
Trong cuốn sách “Lịch sử nghệ thuật thanh nhạc phương Tây”, Nhà sư phạm thanh nhạc Hồ Mộ La đã đề cập: “Bel canto cùng với Opera và ca sĩ đã trở thành một chỉnh thể du nhập sang các nước châu Âu, chẳng mấy chốc đã trở thành phương pháp ca hát duy nhất tất yếu của Opera trong nhiều thế kỷ ở châu Âu” [4, tr.68].
Từ đó, hình thức hát của Italia sau thế kỷ XVII không khác hình thức hát ở các thế kỷ XIX và XX như là sự kết nối được khẳng định. Nhiều nhà lý luận âm nhạc đồng ý rằng, thời kỳ thịnh vượng của nghệ thuật Bel canto là giữa thế kỷ XIX, đã định rõ kiểu hát làm nổi bật cái đẹp của giọng, sự thành thạo kỹ thuật, sự phân chia âm nhạc ở màu sắc cao hoặc đặc trưng dài, tính lưu loát và độ khó của kỹ thuật hát nhanh nhiều nốt (Passages) và hát liền giọng (Cantilena).
Thế kỷ XVIII còn chứng kiến thần đồng âm nhạc người Áo là Wolfgang Amadeus Mozart (1756 -1791). Các tác phẩm Opera của Mozart đòi hỏi vận dụng một cách khéo léo kỹ thuật hát Bel canto ở trình độ cao và điêu luyện với các Opera tiêu biểu như: Đám cưới Figaro, Don Giovanni, Cosi fan tute, Die Zaubefloete. Các aria trong các Opera của Mozart là các tác phẩm thi Opera quốc tế bắt buộc đối với các ca sĩ ngày nay.
Nghệ thuật Bel canto cũng đã được áp dụng rộng rãi trong đào tạo thanh nhạc tại các cơ sở đào tạo âm nhạc – thanh nhạc lớn của Việt Nam như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, theo tác giả PGS. TS. Trương Ngọc Thắng ghi nhận: “Kỹ thuật hát chuyên nghiệp Bel canto thực sự là những kỹ năng được các giảng viên trẻ và sinh viên đang học trên ghế nhà trường (Khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội) áp dụng thành thạo trong dàn dựng và biểu diễn vở Opera “Cây sáo thần” một Opera khó với nhiều kỹ thuật Bel canto nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh của nhạc sĩ thiên tài W.A. Mozart thành công đã chứng minh, khẳng định bước tiến lớn, sự trưởng thành nhanh chóng, sự bắt kịp hơi thở nghệ thuật hát chuyên nghiệp thế giới về kỹ thuật thanh nhạc chuyên nghiệp của trường phái Bel canto” [5, tr.92-93].
PGS.TS. Trần Ngọc Lan cũng khẳng định: “Nhiều thế hệ ca sĩ, nghệ sĩ tài năng, ứng dụng linh hoạt và sáng tạo nghệ thuật hát Bel canto không chỉ đóng góp xây dựng nên sân khấu ca kịch Việt Nam mà còn có những đóng góp xuất sắc cho nền âm nhạc cách mạng” [6, tr.92-93].
2.2. Đào tạo Bel canto
Thuật ngữ Bel canto technique được các nhà lý luận âm nhạc sử dụng khi nói về các ca sĩ có trình độ cao, đã hoàn thành các kỹ thuật do giảng viên thanh nhạc giảng dạy cho sinh viên của họ vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, mở ra khuynh hướng chung là không chỉ học với các giảng viên giọng castrato mà còn được học một cách nghiêm túc với các giảng viên thanh nhạc ở một hoặc hai nhạc viện hơn là với các giảng viên tư để trở thành ca sĩ ngôi sao sau đó. Kỹ thuật thanh nhạc truyền thống và phương pháp sư phạm vẫn được thừa nhận nhưng sự giảng dạy cho các giọng nam cao (Tenor) và nam trung (Baritone) vẫn bao gồm sự kết hợp của các loại kỹ thuật thanh nhạc của nghệ thuật Bel canto.
Đầu thế kỷ XIX, các giảng viên thanh nhạc đã xác định giọng hát bao gồm ba âm vực: giọng ngực là giọng thấp nhất, giọng óc là giọng cao nhất và giọng khoảng giữa hay còn gọi là âm khu trung. Những khoảng âm này cần sự mềm mại pha trộn và cân bằng đầy đặn có âm vang trước một thời kỳ đào tạo của ca sĩ nhằm đạt được sự cân bằng âm lượng với dàn nhạc, điều đó chỉ có thông qua đào tạo và thực hành các bài luyện tập một cách siêng năng, cần mẫn mới có được. Vào cuối thế kỷ XIX, một số giọng mới xuất hiện như nữ trung (Mezzo-Soprano), nam trầm (Bass Baritone), nữ cao trữ tình màu sắc (Lyric Coloratura Soprano), nữ cao kịch tính (Dramatic Soprano) và nhiều loại nam cao từ trữ tình đến anh hùng. Sự phân loại giọng cũng thay đổi do nỗ lực của các giảng viên thanh nhạc xác định giọng của người học, ca sĩ và các nhà quản lý nhà hát Opera cần các vai diễn.
Nghệ thuật Bel canto thế kỷ XIX đã gắn bó với công việc đào tạo kỹ thuật cho sinh viên thanh nhạc ở các nhạc viện hầu như khắp thế giới. Mỗi ca sĩ có kiến thức được đào tạo và quan điểm về âm nhạc có thế khác nhau nhưng về cơ bản, tất cả họ đều kỳ vọng vào sự trường tồn của phương pháp Bel canto. Những bài tập mà họ truyền lại cho các thế hệ sinh viên sau này về hỗ trợ hơi thở, khoảng vang, sự khéo léo, trình độ và kỹ thuật là những giá trị còn mãi và vẫn là nghề nghiệp đào tạo ca hát chuyên nghiệp của các giảng viên Bel canto hiện nay.
Manuel Patricio Rodríguez García (1805-1906) là một ca sĩ, nhà giáo dục âm nhạc và nhà sư phạm thanh nhạc người Tây Ban Nha, ông đã làm sống mãi các nguyên tắc kỹ thuật Bel canto trong các bài viết và phương pháp giảng dạy của mình ở nửa cuối thế kỷ XX cùng các giảng viên Bel canto cùng thời khác như Mathilde Marchesi, Camille Everardi, Julius Stockhausen, Carlo Pedrotti, Venceslao Persichini, Giovanni Sbriglia, Melchiorre Vidal, Francesco Lamperti, Giovanni Battista Lamperti đã có những đóng góp quan trọng trong việc đào tạo nhiều thế hệ ca sĩ và giảng viên Bel canto nổi tiếng thế giới.
Cũng cần nhắc đến tên tuổi của các ca sĩ như những giọng hát mẫu mực của lịch sử nghệ thuật Bel canto với những kỹ thuật điêu luyện vượt qua không gian và thời gian như: Manuel García, Adelina Patti, Domingo Placido, Carreras Jose (Tây Ban Nha), Francesco Lamperti, Carlo Pedrotti, Francesco Tamagno, Francesco Marconi, Mattia Battistini, Mario Ancona, Caruso Enrico, Pavarotti Luciano (Italia), Pauline Viardot, Victor Maurel, Emma Calvé, Léon Escalais (Pháp), Camille Everardi (Bỉ), Sir Charles Santley (Anh), Gustav Walter (Áo), Marianne Brandt, Nellie Melba, Sutherland Joan (Australia), Lilli Lehmann (Đức), Lillian Nordica, Anderson Marian, Maria Callas (Mỹ), Marcella Sembrich (Ba Lan), Andgiapatridze Ivanov (Nga), Ghiaurov Nicolai (Bulgary),…
Những nhạc sĩ, ca sĩ Opera kể trên đã cống hiến cho âm nhạc – nghệ thuật thanh nhạc Bel canto của từng quốc gia và thế giới, để lại những thành công đỉnh cao trong sáng tác và biểu diễn mãi là những tấm gương lao động nghệ thuật không mệt mỏi truyền lại cho các thế hệ tiếp nối những kho tàng vô giá về nghệ thuật Opera – nghệ thuật Bel canto.
3. KẾT LUẬN
Hình thành và phát triển từ thế kỷ XVII ở Italia, Bel canto là một nghệ thuật hát sống mãi đến ngày nay, là một nghệ thuật thanh nhạc mang tính khoa học và kỹ thuật. Nhiều thế hệ các nhà sư phạm, ca sĩ của thế giới đã trở thành những ngôi sao sáng, là những tấm gương cho các thế hệ kế tiếp. Bel canto ngày nay đã được đào tạo rộng rãi ở các học viện, nhạc viện, các trường âm nhạc với một khối lượng tài liệu, tác phẩm đồ sộ, phong phú.
Bel canto không phải là một trường phái ca hát từ giác quan chuyển hóa ra giọng đẹp mà phải đến từ sự rèn luyện giọng bẩm sinh, phát triển dần theo sự luyện tập một cách bền bỉ có phương pháp khoa học thông qua sự hướng dẫn của các nhà sư phạm. Đó là cái đẹp theo các nguyên tắc của các ca từ khi hát vì đó là nghệ thuật của ca hát với nhiều kỹ thuật, nghệ thuật hát khác nhau.
Bel canto phục hưng vào giữa những năm 1900 và cho đến nay, nghệ thuật thanh nhạc này là một phần quan trọng trong các chương trình biểu diễn Opera. Khán giả, chủ yếu là những người có kiến thức về âm nhạc tiếp tục đón nhận, thưởng thức sự thử thách kỹ thuật của phong cách Bel canto từ các thế hệ ca sĩ trẻ ngày nay. Trong các học viện, nhạc viện, trường âm nhạc, các giảng viên dạy kỹ thuật hát chuyên nghiệp cho sinh viên là những kỹ thuật của nghệ thuật hát Bel canto cùng với các kỹ thuật hát hiện đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bel canto: Wikipedia, the free encyclopedia 2017.
2. Nguyễn Trung Kiên (2004), Nghệ thuật Opera, Nxb. Viện Âm nhạc Hà Nội.
3. Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Nxb. Bộ Văn hóa Thông tin – Nhạc viện Hà Nội – Viện Âm nhạc.
4. Hồ Mộ La (2005), Lịch sử nghệ thuật Thanh nhạc phương Tây, Nxb. Bách Khoa Hà Nội.
5. Trương Ngọc Thắng (2010), Quá trình hình thành và phát triển ca hát chuyên nghiệp Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa.
6. Trần Ngọc Lan (2011), Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát, Nxb. Giáo dục Việt Nam.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại Học Văn Lang, số 07/2018. ISSN: 2525-2429
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)