Nguyên nhân hình thành và quá trình tôn giáo hóa nhân vật Quan Vũ thành Quan Thánh Đế Quân trong văn hóa người Hoa (Phần 1)
CAUSES OF FORMATION AND DEIFICATION OF GUAN YU CHARACTER
TO BECOME GUAN SHENG DI QUN IN THE CHINESE CULTURE
Tác giả: TRẦN VĂN TRỌNG (Khoa Ngữ văn – Khoa học xã hội),
PHẠM HƯƠNG GIANG (Khoa Du lịch)
TÓM TẮT
Trong lịch sử Trung Hoa có hai nhân vật lịch sử được đời sau ngưỡng vọng tôn sùng, đó là Khổng Tử và Quan Vũ. Khổng Tử là người sáng lập Nho giáo nên đời sau ngưỡng phục không có gì lạ. Chỉ có Quan Vũ – một dũng tướng đời Thục Hán vì sao lại trở thành dũng tướng uy danh thiên cổ được lập Võ miếu để thờ sáng ngang Văn miếu của Khổng Tử. Hơn thế, Quan Vũ còn gia nhập thần điện Đạo giáo, trở thành Quan Thánh Đế Quân trong tín ngưỡng văn hóa của người Hoa. Bài viết này khảo sát quá trình hình thành và tôn giáo hóa nhân vật Quan Vũ trong lịch sử cũng như xem xét, đánh giá các nhân tố xã hội (văn hóa, chính trị, tôn giáo…) và vai trò của văn học nghệ thuật đối với việc tôn giáo hóa nhân vật này.
Từ khóa: Nhân vật lịch sử, nhân vật tôn giáo, tôn giáo hóa, Quan Vũ, Quan Thánh Đế Quân, Tam Quốc diễn nghĩa.
ABSTRACT
In Chinese history, there are two historic characters who are respected by later generations, that is Kongzi and Guan Yu. Kongzi is the founder of Confucianism; therefore, the next generations’ respect for him is unsurprising. However, there is a thorny question of why Guan Yu, who is a general of Shu Han’s dynasty, could become a famous one to be worshiped in the Wumiao like Guanzi. Moreover, Guan Yu also joined the Taoist temple and became Guan Sheng Di Qun in Chinese cultural beliefs. This article examines the process of formation and becoming a historic religious figure of Guan as well as finds out and assesses social factors (culture, politics, religion …) and the role of literature and art in the o deification f this character.
Keywords: Historic character, religious figure, deification, Guan Yu, Gu.
x
x x
I. Đặt vấn đề
Trong lịch sử Trung Hoa có hai nhân vật lịch sử được đời sau ngưỡng vọng tôn sùng, đó là Khổng Tử và Quan Vũ. Trường hợp Khổng Tử, việc tôn sùng và lập Văn miếu phụng thờ ông cũng không có gì quá khó hiểu khi ông là thủy tổ Nho học Trung Hoa. Kể từ khi Nho học được tôn sùng, có được địa vị “độc tôn” từ thời Hán thì vị thế của ông được tôn lên thành “Chí Thánh Tiên Sư”, “Vạn thế sư biểu”, trở thành “tố vương” (ông vua không ngai vàng) như đánh giá của nhà phê bình thời Tấn là Lưu Hiệp. Duy chỉ có Quan Vũ, một dũng tướng thời Thục Hán – ảnh hưởng bất quá trong phạm vi thời kỳ Tam quốc phân tranh, làm sao lại trở thành tướng quân uy danh thiên cổ, ảnh hưởng cực kỳ sâu đậm đến lịch sử, được đời sau đưa vào Võ miếu để phụng thờ, địa vị ngang hàng Khổng Tử? Không những thế, Quan Vũ còn tiến thêm một bước – từ địa hạt nhân vật lịch sử tiến vào thần điện Đạo giáo trở thành Quan Thánh Đế Quân hình thành tín ngưỡng Quan Đế trong văn hóa người Hoa, ảnh hưởng không chỉ trong phạm vi Hoa lục mà còn ở cả hải ngoại, để lại dấu vết trong sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa ở tất cả những nơi người Hoa di cư đến. Điều đó cần phải được lý giải bằng những luận cứ về quá trình hình thành và tôn giáo hóa nhân vật Quan Vũ trong lịch sử cũng như xem xét, đánh giá các nhân tố xã hội (văn hóa, chính trị, tôn giáo…) và vai trò của văn học nghệ thuật đối với việc tôn giáo hóa nhân vật này.
II. Nội dung
1. Nhân vật Quan Vũ – từ nhân vật lịch sử đến thần điện Đạo giáo
Khi đề cập đến nhân vật Quan Vũ, người ta thường hay nhắc đến hình ảnh viên dũng tướng “mình cao chín thước, râu dài tám tấc, mặt đỏ như táo chín, môi tựa thoa son, mắt phụng mày tằm, tướng mạo đường hoàng, uy phong lẫm liệt” hay “đầu chít khăn xanh, mình khoác chiến bào xanh, tay cầm Thanh long đao yển nguyệt, cưỡi ngựa xích thố, ngày đi nghìn dặm” [12]. Nhưng hình tượng này không phải là hình tượng của lịch sử mà là hình tượng được sáng tạo bởi tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa trên cơ sở tiếp thu truyền thuyết dân gian. Với tư cách là một nhân vật lịch sử, văn bản ghi chép về Quan Vũ sớm nhất là Tam Quốc chí – Thục thư – Quan Vũ truyện của Trần Thọ. Sử gia Trần Thọ trong Tam Quốc chí gần như không có chi tiết miêu tả về ngoại hình, tác giả chỉ chọn một số sự kiện, chi tiết trong cuộc đời Quan Vũ để chép, đặc biệt ca ngợi lòng trung nghĩa và can trường của ông. Về lòng trung nghĩa của Quan Vũ, Trần Thọ chép Vũ với Lưu Bị “ngủ chung giường, tình như huynh đệ, suốt ngày hầu hạ Tiên chủ, theo Tiên chủ xông pha chẳng quản ngại khó khăn”. Năm Kiến An thứ 5, Tào Tháo đặc biệt đối đãi trọng hậu với Quan Vũ nhất là sau ghi Vũ lập đại công chém hai tướng Nhan Lương, Văn Xú của Viên Thiệu, Tào Tháo dâng biểu lên Hán Đế phong tước Hán Thọ đình hầu cho Quan Vũ. Nhưng không vì thế mà Quan Vũ thay lòng đổi dạ với Lưu Bị. Sau khi lập công trả ơn Tào Tháo, Quan Vũ đã viết thư cáo từ để đi tìm Lưu Bị. Về lòng dũng cảm can trường của Quan Vũ có thể thấy qua những sự kiện như ra trận chém đầu Hoa Hùng trở về chén rượu tiễn đưa còn nóng, chém Nhan Lương, Văn Xú giải vây cho Tào Tháo ở Bạch Hà, qua năm ải chém sáu tướng. Thậm chí lúc về già vẫn lập những chiến công hiển hách như nước ngập Hạ Phì khiến Vu Cấm bại trận, bắt đại tướng quân Tào kiêu hùng là Bàng Đức càng khiến Quan Vũ uy chấn Hoa Hạ khiến Tào Tháo khiếp sợ. Tuy nhiên, Quan Vũ càng về sau càng kiêu ngạo tự phụ, từ chối lời kết hiếu thông gia với Tôn Quyền, sỉ nhục sứ giả Đông Ngô. Đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến kết cục thảm bại, mất Kinh Châu và bỏ mạng của Quan Vũ. Đánh giá về Quan Vũ, sử gia Trần Thọ cho rằng Quan Vũ tuy là dũng tướng “địch muôn người” có phong thái của bậc quốc sĩ nhưng tính tình cương cường, kiêu ngạo, suy nghĩ nông cạn nên thất bại [9].
Nhận xét và đánh giá của Trần Thọ có thể xem là đại diện cho nhận thức của người đời Tấn về Quan Vũ. Với tư cách là một nhân vật lịch sử, lúc này Quan Vũ chưa hề được thần thánh hóa. Bùi Tùng Chi trong Tam Quốc chí chú đã bổ sung thêm một vài chi tiết làm cho nhân vật thêm phong phú so với ghi chép của Trần Thọ chứ cũng chưa có những lời tô vẽ, thần thánh hóa Quan Vũ. Từ đời Tấn đến thời Lương, truyền thuyết dân gian về các nhân vật thời Tam Quốc đã nhiều lên như Bùi Khải viết Ngữ lâm, Can Bảo viết Sưu thần ký, Lưu Kính Thúc viết Dị uyển, Lưu Nghĩa Khánh viết Thế thuyết tân ngữ, Lương Ẩn Vân viết Tiểu thuyết….đều có viết về các nhân vật, truyền thuyết thời Tam Quốc nhưng đều không đề cập đến Quan Vũ. Giai đoạn lịch sử này, mặc dù lòng trung dũng của Quan Vũ được thừa nhận, song nó chỉ biểu hiện ý nghĩa sức mạnh “địch muôn người” chứ Quan Vũ chưa hề được thần thánh, sùng bái hóa về mặt nhân cách.
Từ đời Lương về sau, truyền thuyết về Quan Vũ mang màu sắc thần bí lan truyền từ Kinh Châu đến các địa phương khác trong cả nước. Cuối đời Lương, Trần xuất hiện một số truyền thuyết Quan Vũ hiển linh. Những năm Quang Đại triều Trần Phế Đế (567-568) thiền sư Trí Khải muốn xây dựng một ngôi chùa trên núi Ngọc Tuyền ở Đương Dương (nay là thành phố Đương Dương, tỉnh Hồ Bắc) song gặp nhiều khó khăn khó thực hiện. Trí Khải ngồi thiền định dưới gốc cây bỗng thấy một vị thần mặc khôi giáp vàng hiện lên xưng là Hán Thọ đình hầu, nguyện đem đất này ban cho, chỉ cần thỉnh an thiền trong bảy ngày sẽ thấy hiệu nghiệm…. liền ngay chiều tối, khắp hang sâu núi thẳm sấm động vang rền, gió gào mưa thét, hóa thành đầm nước sâu. Từ câu chuyện trên, có thể thấy từ đời Trần, Quan Vũ bắt đầu được dân Kinh Châu thần thánh hóa, nếu không thế thì thiền sư Trí Khải cũng không thể ấn tượng trước sự thần kỳ, linh dị của Quan Vũ. Tuy nhiên, phải đến năm Khai Hoàng thứ 12 đời Tùy (592), thiền sư Trí Khải mới xây xong chùa Ngọc Tuyền với tên gọi “Trí giả đạo tràng”. Phía tây bắc chùa có dựng một ngôi miếu thờ Quan Vũ. Hai năm tiếp theo (593-594), thiền sư Trí Khải giảng Pháp Hoa kinh truyền nghĩa và Ma ha chỉ quan tại chùa Ngọc Tuyền, trong khi tăng chúng cử hành nghi thức trang trọng thì Quan Vũ hiển linh thọ giới Bồ tát. Như vậy, Quan Vũ trở thành đệ tử Phật môn. Kể từ khi thiền sư Trí Khải sáng lập Thiên Thai tông, ảnh hưởng của Quan Vũ ngày càng trở nên quan trọng.
Thời Đường là giai đoạn quan trọng đối với quá trình thần thánh hóa Quan Vũ. Trước thời Trung Đường, sự sùng bái Quan Vũ mới chỉ ảnh hưởng trong giới hạn Kinh Châu. Có thể thấy rõ điều này qua bài thơ Tráng Mâu hầu miếu biệt hữu nhân (Từ biệt bạn tại miếu Quan Vũ) của Lang Sĩ Nguyên làm khi nhậm chức Dĩnh Châu Lạt Sử có viết về Quan Vũ như sau:
Tướng quân bỉnh thiên tư
Nghĩa dũng quán kim tích.
Tẩu mã bách chiến trường,
Nhất kiếm vạn nhân địch.
Thùy vi cảm ân giả,
Ý thị tư quy khách.
Lưu lạc Kinh vu gian,
Bồi hồi cố hương cách.
Ly diên đối từ vũ,
Sả sả mộ thiên bích.
Khứ khứ vô phục ngôn,
Hàm bi hướng đông tích
Tạm dịch:
Tướng quân vốn thiên bẩm,
Nghĩa dũng khắp cổ kim.
Cưỡi ngựa khắp chiến trường,
Một kiếm địch muôn người.
Cảm vì ân tình cũ,
Đã theo về chủ xưa.
Lưu lạc chốn Kinh Tương,
Bồi hồi nhớ quê hương.
Trước miếu sắp đi xa,
Trời chiều mây xanh ngắt.
Chẳng thể cất thành lời,
Lòng đau hướng đông biệt.
Trong bài thơ có câu “lưu lạc Kinh vu gian/ bồi hồi cố hương cách” cho thấy miếu Quan Vũ được thờ cúng khá phổ biến trong khu vực Kinh Sở dù vẫn chưa hình thành quy mô toàn quốc. Tác giả kính phục nghĩa dũng Quan Vũ đồng thời cũng thổ lộ nỗi lòng cảm khái lưu lạc tha hương của mình. Giữa những năm Trinh Nguyên đời Đường Đức Tông, Đổng Đình trong bài ký soạn cho lần trùng tu miếu Quan Vũ có viết về Quan Vũ hiển linh giúp dân trừ bạo: “Ôi thương thay! Sống làm người anh hùng hiền minh, chết làm ma thần minh, anh linh thác dưới núi này, giúp dân giúp nước, quanh năm hương khói không dứt” (Trùng tu Ngọc tuyền Quan miếu ký). Dựa vào những ghi chép về sự hiển linh của Quan Vũ từ cuối đời Lương đến trước Trung Đường cũng thật khó để nói sự sùng bái của nhân dân đối với Quan Vũ đã đạt đến độ sâu sắc, song người ta cũng tin rằng Quan Vũ tuy chết nhưng hồn ông vẫn mong muốn “trung hưng đất nước”. Chính quyền địa phương đã lợi dụng sự sùng bái này để thực hiện chính sách “văn trị giáo hóa” điều đó đã chứng minh đây là lần đầu tiên tầng lớp thống trị đã quan tâm đến hiện tượng văn hóa tâm linh Quan Vũ.
Từ Trung Đường về sau, việc sùng bái Quan Vũ đã có quy mô trên phạm vi cả nước. Sơ tổ Bắc Thiền tông là thiền sư Thần Tú khi xây dựng chùa Đại Thông Thần tự tại đỉnh phía nam của núi Ngọc Tuyền ở Đương Dương đã lấy Quan Vũ làm thần hộ pháp của chùa. Thần Tú truyền pháp được hơn 20 năm, rất có uy tín trong giới chính trị nên ông được Võ Tắc Thiên triệu về Trường An, lập nội đạo tràng cúng dường chư Phật. Do Thần Tú coi trọng Quan Vũ nên Quan Vũ có sức hấp dẫn, ảnh hưởng ngày một lớn hơn. Đến cuối đời Đường và Ngũ đại, Quan Vũ có sức ảnh hưởng to lớn đối với đời sống xã hội, sự sùng bái Quan Vũ đã từ tín ngưỡng tôn giáo thành đức tin phục tùng. Lúc này, giữa thần linh Quan Vũ với nhân dân ngày càng có một khoảng cách tâm linh. Khoảng cách đó là kết quả của quá trình tôn giáo hóa, thần thánh hóa Quan Vũ, biến Quan Vũ từ chỗ là nhân vật lịch sử trở thành nhân vật thần thánh trong điện thờ của tôn giáo được dân tộc Hán tôn kính và sùng bái.
Cuối đời Đường và Ngũ đại, Quan Vũ đã trở thành vị thần có ảnh hưởng rộng lớn, nhưng vẫn chỉ ảnh hưởng giới hạn trong tín ngưỡng dân gian, địa vị xã hội của Quan Vũ vẫn chưa cao. Chỉ bắt đầu từ đời Tống về sau, khi giai cấp phong kiến chính thức phong thần thì địa vị Quan Vũ mới nhanh chóng được nâng cao trong đời sống tinh thần xã hội. Tống Huy Tông là người sùng bái Đạo giáo, năm Sùng Ninh thứ 2 (1103) đạo sĩ Trương Kế Nguyên ở Long Hổ Sơn thuộc Tín Châu tấu thỉnh rằng Quan Vũ xé xác giao long ở Giải Châu khiến Hoàng đế sợ hãi phải làm lễ tế, dùng tiền Sùng Ninh ném xuống sông, phong Quan Vũ làm Sùng Ninh Chân Quân [14]. Như vậy, Quan Vũ được Tống Huy Tông phong thần và đã trở thành vị thần của Đạo giáo, có địa vị tối cao trong con mắt của tầng lớp thống trị. Năm Đại Quan thứ 2 (1108) Tống Huy Tông chính thức phong Quan Vũ làm Vũ An Vương, lập đàn tế. Đây là lần đầu tiên sau khi Quan Vũ mất được giai cấp thống trị phong Vương. Từ đây trở về sau, các triều đại phong kiến không ngừng gia phong tấn tước, địa vị của Quan Vũ ngày càng được đề cao. Ngô Ngưỡng Hiền, người đời Thanh trong Tiểu bào am thi thoại dẫn thơ Trương Hiền đời Nguyên viết: “Trương hầu sinh đất Bắc/Quan Đế xuất Hà Đông” cho thấy ở đời Nguyên, có thể Quan Vũ đã được gia phong thêm một bậc, từ Vương lên Đế, dù rằng các sắc phong ngày nay không còn. Đời Minh, năm Vạn Lịch 18 (1590), triều đình chính thức phong Quan Vũ làm Hiệp Thiên Hộ Quốc Trung Nghĩa Đế. Năm Vạn Lịch 42 (1614) lại gia phong làm Tam Giới Phục Ma Đại Đế Thần Uy Viễn Trấn Thiên Tôn Quan Thánh Đế Quân. Quan Vũ nghiễm nhiên trở thành Đế vương trần gian và thiên thần thượng giới. Do triều đình sùng bái Quan Vũ mà sự sùng bái Quan Vũ trong dân gian ngày càng cao, trở thành trào lưu mạnh mẽ. Miếu thờ Quan Vũ được tạo dựng khắp nơi, già trẻ gái trai đều sùng tín Quan Vũ, quanh năm hương khói không dứt. Nhà văn Từ Vị đời Minh trong Thục Hán Quan hầu từ ký từng viết: “Thần uy của tướng quân Thục Hán đời trước cùng cái đạo của Khổng Tử đều được thiên hạ tôn sùng. Nhưng miếu Khổng Tử chỉ giới hạn trong quận mà đền Quan Vũ có khắp cửu châu, trên từ thành thị, dưới đến nông thôn nhiều không đếm xuể…”[13]. Nhà tư tưởng Lý Chí nổi tiếng đời Minh trong bài Cáo cũng từng nhận xét “Từ xưa cho đến nay, dù là già trẻ gái trai, dù biết hay không biết, đều bái lạy trước tượng, vì sợ uy linh của Ngài nhưng cũng biết Ngài là bậc chính trực lẫm lệt trong vũ trụ” [4]. Tôn Thừa Tông trong bài ký Trùng tu Hán Tiền tướng quân Quan Tráng miếu công từ ký viết: “Ngày nay những dân bé mọn không theo học họ Khổng, những kẻ thức giả người trên thì không theo Phật, nhưng tất cả bọn họ đều kính phục Ngài. Những kẻ học Nho hay những kẻ theo Phật một cách tự nhiên thì thiên hạ đều theo sở nguyện của mình mà tận hưởng. Từ khi có dân đến nay, cuối cùng hưng thịnh cũng chỉ có Ngài vậy” [2].
Nhưng kẻ thống trị Mãn Thanh sau khi vào quan ải, chế độ chính trị Nhà Minh ngày càng lụn bại song truyền thống sùng bái Quan Vũ của giai cấp thống trị nhà Minh được nhà Thanh kế thừa và phát triển. Bắt đầu từ Thanh Thế Tổ đã phong Quan Vũ làm Trung Nghĩa Thần Vũ Đại Đế. Các đời Hoàng đế tiếp theo đều gia phong tấn tước cho Quan Vũ như lấy sự tận trung của ông mà phong làm Trung Nghĩa Thần Vũ Linh Hựu Nhân Dũng Uy Hiển Hộ Quốc Bảo Dân Tinh Thành Tuy Tịnh Dực Tán Nghi Đức Quan Thánh Đại Đế. Trong dân gian, hiện tượng sùng bái Quan Vũ so với đời Minh ngày càng phát triển mãnh liệt hơn. Hoạt động thờ cúng Quan Vũ diễn ra ở bất cứ nơi đâu, không phân biệt già trẻ gái trai, bất kể mùa nào cũng tiến hành tế tự. Điều đó phản ánh qua câu thơ của Kiều Đình Quế trong bài thơ Tu chí hữu cảm: “Trung Nguyên hữu địa giai tu tự/ Cố thổ vô nhân bất tiến hương” (Trung Nguyên chỗ nào cũng đều là nơi tu hành/Nơi đất cũ không người nào là không hương khói). Thậm chí Lý Đông Dương đời Minh mượn hình ảnh Khổng Tử được tôn sùng ở quê hương ông mà ca ngợi Quan Vũ “Nhất phương yên hỏa vô am quán/Tam đại huyền ca hữu tử tôn”. Đời Thanh chứng kiến nhiều địa phương tạo tác miếu thờ Quan Vũ. Trong Võ miếu có đôi câu đối rất hay: Nho xứng Thánh, Thích xứng Phật, Đạo xứng Thiên Tôn, tam giáo tận quy y, thức chiêm miếu mạo trường tân, vô nhân bất túc nhiên khởi kính/Hán phong Hầu, Tống phong Vương, Minh phong Đại Đế, lịch triều gia tôn hào, thẩm thị thần công trác tước, chân sở vịđãng hồ nan danh;
Như vậy, nhân vật Quan Vũ từ bình diện nhân vật lịch sử đã tiến đến gia nhập, trở thành nhân vật tôn giáo. Trong quá trình diễn hóa hình tượng, những mã văn hóa khác nhau đã được ký thác vào hình tượng Quan Vũ như các quy tắc đạo đức, truyền thống tinh thần nhân văn như trung, nghĩa, dũng. Trong những quy phạm đạo đức này, một số là thuộc về phẩm chất vốn có của Quan Vũ lịch sử, một số phẩm chất là của người đời sau thêm vào theo hướng thần thánh hóa. Chúng đã đem đến cho hình tượng Quan Vũ một sứ mệnh văn hóa mới được mở rộng.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Hải Phòng, số 39, tháng 3 năm 2020
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Mời Quý độc giả xem tiếp: