NỖI SỢ nhìn từ LOẠI HÌNH VĂN HÓA GIỚI (Trường hợp NỖI SỢ ở NAM GIỚI) – Phần 2
TRẦN DUY KHƯƠNG
(Trường Đại học Thủ Dầu Một, Việt Nam)
5. Nỗi sợ ở nam giới trong quan hệ với nữ giới
Giới tính vốn được tạo ra một cách tự nhiên nên cũng mang tính trật tự như trong tự nhiên vốn có. Trong các nền văn hóa, nam giới thường được đồng hóa với những biểu tượng mang yếu tố dương (hướng ngoại, thay đổi, mở, nhảy vọt…). Ví dụ, trong văn hóa Việt Nam, núi (vút cao, sừng sững so với sông), rồng/ cá sấu/ rắn (mạnh mẽ, hung tợn so với tiên/ chim); trong văn hóa Trung Quốc, nam giới mang tính chất của rồng (mạnh mẽ, quyết đoán so với phụng), bèo (di chuyển, bất định hơn so với nước)7. Khi nghiên cứu về trường hợp văn hóa phương Tây, Bourdieu chỉ ra rằng, xét trong cấu trúc không gian, thì nơi hội nghị hoặc thương trường dành cho đàn ông, trong khi ngôi nhà dành cho đàn bà. Nếu xét trong không gian hẹp là ngôi nhà, thì phần của nam giới gắn liền với bếp lò, trong khi phần của phụ nữ thì gắn với chuồng gia súc, nước và thảo mộc8. Xét trong cấu trúc thời gian, thì ngày, năm nông nghiệp, hoặc chu kì sống với những thời điểm đứt đoạn thì thuộc về nam giới, trong khi những thời kì mang thai thì thuộc về nữ giới (Bourdieu, 2017, p.9). Ở các nền văn hóa trung gian (Trung Á, Tây Á, Đông Bắc Á) và cả ở những đất nước Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của tư tưởng Islam, đàn ông được khuyến khích đi ra ngoài xã hội để phục vụ cho đất nước, trong khi phụ nữ thường không thích tiếp xúc nhiều với bên ngoài, mà chủ yếu là ở trong nhà9. Trong phạm vi ngôi nhà, thì đàn ông làm chủ phòng khách, đàn bà làm chủ nhà trong. Đặc biệt, khi có khách đến, đàn ông là người đón tiếp, trong khi đàn bà lo trà nước, cơm canh để mời khách. Ở một số các quốc gia hoặc vùng trong khu vực Đông Nam Á, do chế độ mẫu hệ vẫn còn duy trì cho đến hiện nay nên vị trí này có sự khác biệt: người phụ nữ làm chủ ngôi nhà và có tiếng nói trong cộng đồng. Dẫu vậy, nam giới vẫn có vai trò vô cùng quan trọng trong những việc cần đến sức mạnh như đánh cá, săn bắn hoặc tham gia vào các hoạt động xã hội khác để tìm nguồn thu nhập để lo co con cái (xem, ví dụ: Dong Phong, 2016). Cho đến hiện nay, ở các cộng đồng này vẫn đang diễn ra trạng thái mẫu hệ – phụ quyền (như trường hợp cộng đồng người Chăm ở Việt Nam), đồng thời, xu hướng này dần dần bị thay thế bởi chế độ phụ quyền (như trường hợp của cộng đồng người Minangkabau sống ở Indonesia).
Do vậy, xét trên phương diện nhận thức, nếu trật tự trong cấu trúc này bị phá vỡ, thì dù là nam hay nữ thì ai cũng cảm thấy vai trò và uy tín của mình bị đe doạ. Ở nam giới, người ta thường thấy một thái độ gia trưởng, áp đặt, nhưng trên thực tế, nỗi sợ ở nam giới được hình thành một cách tự nhiên khi xuất hiện sự mâu thuẫn giữa bản chất giới tính với nguyên tắc ứng xử xã hội về giới tính. Khoa học hiện đại chứng minh rằng, trong người đàn ông luôn có yếu tố giới tính nữ10, nhưng định kiến xã hội buộc người đàn ông luôn phải thể hiện đúng chất của một người đàn ông đích thực. Vấn đề này đã được Jung nhận định chi tiết trong nghiên cứu phân tâm học: Thời Trung cổ, trước khi các nhà sinh lí học chứng minh rằng những hạch của cơ thể tiết ra vừa yếu tố nam vừa yếu tố nữ, người ta đã cho rằng “mỗi người đàn ông mang trong mình một người đàn bà”. Khía cạnh nữ tính đó làm cho người ta biết tự cư xử cho hợp với mọi người xung quanh, biết giấu giếm người khác và chính mình. Việc giấu giếm này là để người khác và chính mình khỏi phải thấy tình trạng ấy (Jung, 2016, p.32).
Trên phương diện tổ chức gia đình, nỗi sợ về việc không đủ uy tín làm trụ cột cho gia đình ở nam giới luôn gắn liền với tư tưởng gia trưởng và biểu hiện của nó trong đời sống gia đình ở đa số các dân tộc trên thế giới. Trong suốt một thời gian dài, nam giới được mặc định là người chủ yếu quyết định đời sống vật chất cho các thành viên trong gia đình (phóng chiếu ra là ngoài xã hội), do vậy, họ có xu hướng chọn lựa hoạt động trong không gian bên ngoài xã hội hơn là trong gia đình, chọn những hoạt động trong thời gian ban ngày hơn là vào ban đêm. Tương tự, trong những công việc đóng góp cho đời sống của gia đình, họ thường chọn làm những việc được định giá là trực tiếp làm ra tiền hoặc những việc mang tính then chốt. Điều này đã dẫn đến một hệ quả là, ngay cả ở thời đại nam nữ bình đẳng, thì nam giới luôn có cùng một nỗi sợ tiềm ẩn: sợ không thực hiện đúng trách nhiệm làm người trụ cột trong gia đình. Đây có thể được xem là nỗi sợ xuất phát từ sự nhận thức vai trò giới tính ở nam giới.
Nỗi sợ về vị thế ở nam giới này đã kéo theo một số nỗi sợ khác ở họ: sợ phải cùng làm những công việc trong nhà với nữ giới – những công việc được mặc định là không trực tiếp làm ra tiền. Trong bài viết “Một số quan điểm lí thuyết về giới trong nghiên cứu gia đình”, Vũ Mạnh Lợi cho rằng: “cả ý tưởng giải phóng phụ nữ lẫn bình đẳng nam nữ mới chỉ chủ yếu được nhận thức trên bình diện công cụ, nghĩa là phấn đấu để phụ nữ làm những việc có tính nữ dễ dàng hơn… phụ nữ vẫn duy trì các phẩm chất công, dung, ngôn, hạnh truyền thống thêm vào đó là các công việc xã hội như nam giới… nhưng không mấy ai đòi hỏi phụ nữ giảm bớt việc nhà để đàn ông gánh vác” (Vu, 2004, p.36). Trong các xã hội truyền thống, việc người đàn ông làm những việc của người đàn bà bị xem là điều cấm kị, vì họ cho rằng như thế là không phù hợp với trật tự giới tính. Ghi chép dân tục của Hong Yu cho thấy rằng, trong truyền thống dân gian, người Trung Quốc trên khắp đất nước của họ (không chỉ là người Hán mà còn là nhiều tộc người thiểu số khác) đã định ra hàng loạt những việc mà người đàn ông không được làm những việc của phụ nữ. Cụ thể như: đàn ông người Cao Sơn (Đài Loan) không được tiếp xúc với những chiếc cuốc nhỏ, đồ nông cụ, máy may, vòng dây lợn; đàn ông người Tạng ở Thanh Hải không được làm những việc như nhặt phân trâu, ép dầu, cõng nước, mài miến xào, làm cơm; nam thanh niên người Hán chỉ được làm ruộng và tham gia các hoạt động xã hội mà không được làm việc trong nhà (Hong, 2004)… Đúc kết những quy ước này, người Hán thường lưu truyền câu tục ngữ: “nam làm việc của nữ, càng làm thì càng nghèo” (男做女工,越做越窮).
Từ nỗi sợ bị đánh mất vai trò trụ cột của mình trong gia đình, trên phương diện ứng xử với nữ giới, nam giới thường có những biểu hiện khá phức tạp và khó nhận biết. Đó là bởi vì, nam giới được đánh đồng với bản chất dương, trong khi sợ được xem là trạng thái tâm lí mang yếu tố âm tính, do vậy mà ngay chính bản thân họ cũng khó có thể chấp nhận được nỗi sợ đang tồn tại trong họ. Trên thực tế, khi nhắc đến biểu hiện của nỗi sợ, người ta thường chỉ chú ý đến những phản ứng vật lí, như: sự rối loạn của nhịp tim, rối loạn cơ chế điều tiết mồ hôi và sự gia tăng nồng độ adrenaline. Đây là phản ứng mang tính bản năng và được thể hiện ra bằng hai dạng xử lí: tham chiến (phản ứng dương tính) và trốn chạy (phản ứng âm tính) (Very well, 2017). Tuy nhiên, không chỉ được giới hạn ở vài biểu hiện theo dạng phản ứng vật lí, nỗi sợ còn thể hiện ra bằng nhiều trạng thái khác: “Bên dưới sự căm ghét, bên dưới bất kì hành động hay lời nói độc ác nào, bên dưới mọi sự nhục mạ, luôn có nỗi sợ – hoàn toàn mất chỗ dựa do nỗi sợ” (Chödrön, 2013, p.110). Thậm chí, ở những nền văn hóa trọng yếu tố âm tính, chính vì sợ bị đánh mất vai trò trụ cột trong gia đình trong tương quan với nữ giới, từ đó bị đẩy xuống những vị trí thấp hơn, không được các thành viên trong gia đình cũng như xã hội công nhận, nên nỗi sợ ở nam giới còn thể hiện ra bằng những hình thức tưởng như không có mối quan hệ mật thiết với nỗi sợ như sự độc đoán, sự khoe khoang (để khẳng định vị trí của mình). Ví dụ như trong nghiên cứu của Niels Muder đối với văn hóa người Philippinese, thường thì nam giới có xu hướng bất an đối với phụ nữ, và họ che giấu sự bất an trong hành vi khoe khoang (Mulder, 2014, p.183-184). Ở một số trường hợp cực đoan, nỗi sợ này còn là một trong những nguyên nhân của hành vi phô dâm, hiếp dâm. Trong bài báo khoa học “Why Do Men Rape? An Evolutionary Psychological Perspective”, McKibbin và các cộng sự đã dẫn lại kết quả nghiên cứu của Shackelford, Gangestad, Ganges-tad… khi chỉ ra nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện tượng đàn ông hiếp dâm có sự liên kết chặt chẽ với sức khỏe, nội tâm và thể chất của họ.
Đó là những người đàn ông có có ngoại hình bị đánh giá là kém hấp dẫn, có sức khoẻ kém và không đủ tài năng. Do bị tước mất các ưu thế, một số người đàn ông có thể dùng đến cách hiếp dâm để giải tỏa căng thẳng. Nhóm nghiên cứu cũng dẫn lại nhận định của Groth rằng: hiếp dâm không bao giờ là hành động của một người có tinh thần khỏe mạnh, nhưng luôn là triệu chứng của một số rối loạn tâm lí, hoặc tạm thời và thoáng qua hoặc mãn tính, kinh niên (McKibbin, Shackelford, Goetz & Starratt, 2008, p.86-97).
Ngoài ra, đi từ nỗi sợ bị đánh mất vị thế của người đàn ông, ở những nền văn hóa phụ hệ, cho đến hiện nay, khi mà quan niệm nam nữ bình đẳng đã trở nên rất phổ biến thì hầu hết nam giới đều sợ phải ở rể. Nghiên cứu ở trường hợp cấu trúc trọng nam trong gia đình người Việt, Nguyễn Văn Chính nhận xét: “Cư trú bên nhà vợ vẫn không được dư luận hoàn toàn ủng hộ” (Nguyen, 2004, p.237). Người Việt truyền thống có câu “chó chui gầm chạn” nhằm để chỉ tình trạng bi thảm người đàn ông khi phải đi ở rể11. Do vậy, khi ở đúng không gian mà họ sở thuộc thì tình hình đổi ngược hoàn toàn: đàn ông làm chủ. Ở những môi trường làm việc thiên về yếu tố nguy hiểm như nghề đi biển, tình hình này càng trở nên rõ ràng hơn. Ở đó, tuy nữ giới đóng góp không nhỏ vào quá trình kiếm tiền, nhưng do nam giới đảm nhận công việc trực tiếp sản xuất nên nam giới giành lấy quyền chi phối tất cả các hoạt động thường nhật.
Như vậy, trong đối sánh với nữ giới, phần đông nam giới vẫn luôn thể hiện sức mạnh của kẻ thống trị, người chủ động. Tuy nhiên, nam giới không phải không biết sợ, mà đi từ những nỗi sợ, họ mới dần dần trở thành người làm chủ gia đình. Do vậy, nhìn từ phương diện văn hóa nhận thức, văn hóa tổ chức và văn hóa ứng xử, nỗi sợ thực chất vẫn luôn ẩn tàng ở nam giới: sợ đánh mất vị thế của người đàn ông. Nỗi sợ này đã dần dần hình thành nên đặc điểm chung của nam giới: che giấu nỗi sợ bằng những hành động. Xét về bản chất, nỗi sợ này mang tính tự giác, thuộc loại hình văn hóa dương tính. Thế nên, đây cũng là một động cơ quan trọng giúp nam giới thực hiện tốt hơn những công việc lớn lao, ngõ hầu bảo toàn vị thế của kẻ mạnh.
6. Nỗi sợ ở nam giới trong quan hệ với cộng đồng
Trong quan hệ xã hội, với bản tính vốn có của giống đực, nam giới thường thể hiện ưu thế của mình trong so sánh với người khác. Sự cạnh tranh ưu thế này dẫn đến hàng loạt những nỗi sợ tương ứng: sợ yếu thế về khả năng đóng góp cho xã hội, sợ không được công nhận là một người đàn ông, sợ yếu thế về khả năng giành quyền duy trì nòi giống… Chính vì vậy, nam giới luôn tìm mọi cách để không chỉ là trụ cột của gia đình mà còn là trụ cột trong các mối quan hệ xã hội. Trong hầu hết các nền văn hóa, nam giới có xu hướng làm chủ bên ngoài, còn phụ nữ làm chủ bên trong. Trong quan niệm của Nho gia, người quân tử sau khi đã tu thân và tề gia thì trách nhiệm chủ yếu của họ là trị quốc và bình thiên hạ, tức là giành lấy vai trò của người làm chủ xã hội. Xuất phát từ quan niệm này, nam giới ở các nền văn hóa Nho giáo đều có chí tiến thủ cao, họ tự đặt cho mình nhiệm vụ là học để làm quan, để lấy công danh. Ở các nước phương Tây, nam giới thường phải cạnh tranh nhau bằng sức mạnh, kĩ năng, thậm chí là phải dùng cả sinh mệnh để phân định thắng thua. Xu hướng này đã dẫn đến hiện tượng nam giới giữ các chức vụ quan trọng trên các lĩnh vực là điều dễ hiểu.
Mặt khác, vai trò giới tính luôn đi liền với chức năng của giới tính, do vậy, họ luôn có nỗi ám ảnh về khả năng duy trì nòi giống, đồng thời, sự thống trị của nam giới thể hiện qua việc tập trung chú ý đến sức mạnh của dương vật và sự cương cứng. Theo Bourdieu, nỗi sợ này có khi hiển lộ nhưng cũng nhiều khi hiện diện một cách ẩn dụ thông qua nghi thức ăn các món tẩm bột rán hoặc bánh nướng trong các nghi thức quan trọng: cắt bao da, sinh nở, mọc răng và ngay cả trong việc cày bừa. Sự phồng lên của các món ăn trong các nghi thức quan trọng trên là hình thức ẩn dụ về khả năng cương cứng của dương vật, vì vậy mà nó gắn liền với các nghi lễ phồn thực (Bourdieu, 2017, p.11). Chính vì vậy, nam giới trên khắp thế giới luôn quan tâm đến các loại thuốc tráng dương, thậm chí là còn bị tử vong vì uống phải các loại rượu ngâm lạ vì mong muốn khẳng định vai trò giới tính của mình. Những câu chuyện các hoàng đế Trung Hoa chết vì uống đan dược là ví dụ điển hình (như Hán Thành tổ, Tùy Dạng đế, Tống Độ tông, Minh Thế tông…). Nỗi ám ảnh này đã góp phần hình thành nên một khái niệm độc đáo: văn hóa dương vật. Trong bài viết “Văn hóa dương vật”, Trần Ngọc Thêm không chỉ phác họa được vai trò của dương vật, mà còn gián tiếp chỉ ra rằng, nam giới rất sợ bị đánh mất chức năng giới tính của mình (Tran, 2013). Chính vì vậy, những người đàn ông thường có hiện tượng tự khoa trương về khả năng chinh phục phụ nữ nhằm nâng cao vị thế của mình trong so sánh với người khác. Nỗi sợ này thể hiện rõ rệt nhất khi một người đàn ông bị người khác chê cười về sự yếu kém khả năng sinh lí. Ngay cả đến thời hiện đại, nam giới vẫn rất e dè khi phải đến phòng khám nam khoa, trong khi đó, phụ nữ xem việc đi khám phụ khoa là rất bình thường12.
Đặc biệt, sợ bị thiến hoạn được xem là nỗi sợ gây nên sức ám ảnh lớn nhất đối với nam giới. Do vậy, ở Trung Quốc, nhiều hoạn quan thường chuyển nỗi ám ảnh về chức năng sinh lí đàn ông của mình thành những hành động độc ác để bù đắp cho sự thiếu hụt ấy (điển hình như Lý Liên Anh thời nhà Thanh). Đồng thời, họ giữ gìn cẩn thận phần da thịt bị cắt ấy, đến khi mất thì táng cùng với thi thể, đây được xem là hình thức cứu vớt cuối cùng đối với phần thuộc tính nam giới bị tước đoạt. Ở các nước phương Tây, tình hình này cũng diễn ra tương tự. Trong quyển chuyên luận có tên là Hammer of the Witches13, toàn bộ nội dung của vấn đề thứ chín trong phần I (gồm 18 vấn đề lí luận liên quan đến ma quỷ, phù thủy) là dành cho nỗi sợ bị mất đi cơ quan sinh dục ở nam giới: Các phù thủy thực sự có thể khiến cho cơ quan sinh dục nam giới bị biến mất hoặc tách khỏi cơ thể, đó là bởi vì ma quỷ có thể cướp dương vật của một người đàn ông. Vấn đề này có trong hầu hết các luận thuyết về ma quỷ của thời kì Phục hưng, đồng thời họ tin vào sức mạnh bí mật có thể làm mất đi sức mạnh của một người đàn ông (Mackay, 2009, p.194-200)14. Nắm được nỗi ám ảnh này, nhiều người đàn bà thường trừng phạt người đàn ông của mình bằng cách cắt đi bộ phận sinh dục, ngõ hầu loại bỏ toàn bộ sức mạnh của người đàn ông, cũng như hạ bệ danh nghĩa của một người đàn ông trong xã hội.
Như vậy, đi từ mối quan hệ với cộng đồng, nỗi sợ ở nam giới thể hiện rõ nét trong quá trình cạnh tranh xã hội. Động lực này không chỉ khiến cho nam giới dần dần hoàn thiện khả năng làm chủ xã hội, dẫn dắt cộng đồng (tức hoàn thiện về nội dung) mà còn khiến họ hoàn thiện bản chất giới tính hơn (tức hoàn thiện về hình thức), từ đó tạo lập nên những chuẩn tắc rõ ràng, khoa học cho cuộc sống. Có thể nói rằng, ở một mức độ nào đó, nỗi sợ dương tính này chính là tác nhân của những sự thay đổi trong lịch sử, khiến cho xã hội vận động và tiến bộ hơn
7. Kết luận
Xét trên phương diện giới tính, nỗi sợ ở nam giới xuất phát từ nguồn lực bên trong (lo sợ không thực hiện đúng vai trò của người đàn ông). Do vậy, nỗi sợ này thiên về sự khái quát, làm chủ sự vận động, dẫn dắt sự phát triển. Trong khi đó, nỗi sợ ở nữ giới hình thành từ sự tiếp nhận xung lực bên ngoài (sợ do bị tác động bởi uy lực, sức mạnh của đàn ông). Do vậy, nếu xét theo loại hình văn hóa, nỗi sợ ở nam giới mang thuộc tính dương, thuộc loại hình văn hóa dương tính. Những biểu hiện của loại hình nỗi sợ này thường được thấy ở những nền văn hóa có xu hướng trọng sức mạnh như các nước phương Tây (xét theo không gian văn hóa), cũng như ở những nền văn hóa hiện đại (xét theo thời gian văn hóa). Nhờ có sự truyền động từ những nỗi sợ mang tính dương này, các nền văn hóa phương Tây cũng như những nền văn hóa hiện đại có động lực phát triển mạnh mẽ, giúp xã hội vận động không ngừng.
Tuy vậy, theo Dịch lí, âm và dương luôn đi tìm sự cân bằng với nhau theo quy luật hướng hòa, do vậy, nỗi sợ ở các nhóm giới tính thường mang tính hai chiều, điển hình như đàn ông sợ đàn bà và đàn bà sợ đàn ông. Hai loại hình nỗi sợ dương tính và nỗi sợ âm tính này song hành và bổ trợ cho nhau, tạo nên sự liên kết xã hội theo chiều dọc (từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên), giúp gia đình và xã hội có tôn ti trật tự, từ đó tạo nên thế cân bằng cho gia đình và xã hội.
Trong khi đó, Việt Nam là đất nước có truyền thống trọng yếu tố âm điển hình, do vậy, nỗi sợ ở con người nơi đây cũng mang đặc trưng âm tính điển hình ấy. Những nỗi sợ này cũng tương tự như nỗi sợ ở nữ giới nói chung: sợ sự thay đổi, sợ dư luận, sợ làm mất mối quan hệ… Những nỗi sợ này là nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm tiến của xã hội. Chính vì thế, để có thể bắt kịp xu thế phát triển của thời đại, người Việt Nam cần thoát li khỏi những nỗi sợ âm tính trong truyền thống, đồng thời học cách biết sợ mới, điển hình là biết sợ đối với sự tự tụt hậu, sợ không khẳng định được giá trị bản thân trong quá trình cạnh tranh với người khác. Hay nói cách khác, nỗi sợ dương tính ở nam giới phải đủ lớn để dẫn dắt nỗi sợ âm tính, từ đó tạo nên uy lực để khởi động và định hướng nỗi sợ âm tính ở nữ giới trong quá trình tương sinh tương hỗ.
__________
7 Cụm từ “bèo nước” (bình thủy) dùng để chỉ nhân duyên nam nữ, như “bèo nước gặp nhau”: Bèo nước có duyên, Bèo nước gặp nhau (thành ngữ). Người Trung Quốc nói “萍水相逢 ”, và “bình thủy tương phùng” nhanh chóng trở thành thành ngữ trong tiếng Việt: Nhớ câu bình thủy tương phùng/ Anh hùng lại gặp anh hùng một khi”, “Muốn cho Trực sánh cùng Tiên/ Lấy câu “bình thủy hữu duyên làm đề” (Lục Vân Tiên). Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng mượn hình ảnh này để nói đến cuộc gặp gỡ giữa Thúc Sinh với Thúy Kiều: “Mới hay bình thủy tương phùng, Khát khao đã thỏa tấm lòng bấy nay”. Trong văn hóa Trung Quốc, các cặp biểu tượng nam nữ còn có: long – vân (rồng và mây), phụng – hoàng (phụng là chim phượng trống, hoàng là chim phượng mái)…
8 Ấy là vì ở các đất nước hàn đới và ôn đới của phương Tây, bếp lò trong nhà nóng nên chủ về sự sống, trong khi chuồng gia súc, nước và thảo mộc thì lạnh lẽo.
9 Hầu hết phụ nữ ở khu vực Arap Saudi, Liban, Oman, Pakistan, Yenmen, các quốc gia Islam giáo… đều phải che kín mặt, hạn chế đến những nơi công cộng.
10 Sinh học hiện đại đã chứng minh, mỗi con người đều có 23 cặp nhiễm sắc thể (XX hoặc XY). 23 cặp nhiễm sắc thể ở bé gái hoàn toàn là XX (gồm một X đã có sẵn trong trứng kết hợp với một X có trong tinh trùng), trong khi ở bé trai là XY (gồm một X có sẵn từ trong trứng kết hợp với một Y có trong tinh trùng), tức là nhiễm sắc thể Y chỉ chiếm 50% ở 23 cặp nhiễm sắc thể của nam giới, do vậy, trong bản thân nam giới luôn chứa yếu tố nữ tính.
11 Ở người Việt Tây Nam Bộ thì hiện tượng ở rể lại có sự thay đổi từ hình thức lẫn bản chất: Người ra đi lập nghiệp, chinh phục đất mới thường là con trai, đơn thương độc mã nên chấp nhận ở rể một cách tình nguyện. Hơn nữa, cha mẹ thường quý con gái út, nên họ thường giữ con rể út lại sống chung, từ đó, con rể được xem là thành viên chính thức của gia đình (Tran, 2018, p.159).
12 Hiện tượng khiếm khuyết cơ quan sinh dục hoặc rối loạn chức năng tình dục nam khiến cho nam giới mất tự tin với những người cùng giới, do vậy, việc nữ bác sĩ khám nam khoa càng khiến cho nam giới tự ti hơn. Nhiều trường hợp, khi trông thấy bác sĩ khám nam khoa là nữ, nhiều bệnh nhân nam phải bỏ về (ví dụ: xem Bao Ngoc, 2017).
13 Do Jacobus Sprenger và Henricus Institoris cho xuất bản lần đầu ở Đức năm 1487, với nội dung là tán thành việc tiêu diệt phù thủy nhằm củng cố quyền lực giáo hoàng; đây là quyển chuyên luận phổ biến tương tự như Kinh thánh, là cơ sở cho Tòa án dị giáo trong việc kết án những người dị giáo (như phù thủy).
14 Christopher S. Mackay là người chuyển dịch tác phẩm ra tiếng Anh, nhưng ở trang bìa sách dịch lại không ghi tên tác giả bản gốc nên chúng tôi tạm thời chú nguồn bằng tên người dịch.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Baike (2019). Advanced gender culture [Xianjin xingbie wenhua]. Retrieved from https://baike.baidu.com/item/先进性别文化.
Bao Ngoc (2017). The mood of female doctors examining male patients who have male diseases [Noi long bac si nu kham nam khoa]. Retrieved from https://baomoi.com/noi-long-bac-si-nukham-nam-khoa/c/21892109.epi
Bourdieu, P. (2017). Masculine domination [Su thong tri cua nam gioi] (Translated by Le Hong Sam). Ha Noi City: Knowledge Publishing House, 229 p.
Buon Krong Tuyet Nhung (2017). The matriarchy of Tay Nguyen with social progress and sustainable development [Mau he Tay Nguyen voi tien bo xa hoi va phat trien ben vung]. Cong San journal, (122), 61-66.
Chödrön, P. (2013). Freeing ourselves from old habits and fears [Cu nhay thoat khoi thoi quen va noi so hai] (Translated by Nguyen Quyet Thang). Ha Noi City: Encyclopedic dictionary Publishing House, 150 p.
Dong Phong, & The Long. (2017). Why is an Indian woman raped every 15 minutes? [Vi sao 15 phut lai co mot phu nu An Do bi cuong hiep?]. Retrieved from https://news.zing.vn/vi-sao15-phut-lai-co-mot-phu-nu-an-do-bi-cuong-hiep-post719431.html
Hong Yu (2004). Taboo – Chinese folk culture [Jinji – Zhongguo minsu wenhua]. China Society Press, 199 p.
Jung, C. G. (2016). Unconscious exploration [Tham do tiem thuc] (Translated by Vu Dinh Luu). Knowledge Publishing House,152 p.
Liu He, Carl R., & Gao Yanyi (2014). Female literature and gender research [Nüxing wenhua yü xingbie yanjiu]. Chinese Modern Literature Research Series.
Mackay (2009). The hammer of witches. Cambridge University Press, 657 p.
McKibbin, W. F, Shackelford, T. K., Goetz, A. T., & Starratt, V. G. (2008). “Why do men rape? An evolutionary psychological perspective”. Review of General Psychology, 12(1), 86-97.
Mulder, N. (2014). Inside Southeast Asia: religion, everyday life, cultural change [Nhung thay doi trong van hoa va ton giao cua Dong Nam A] (Translated by Dong Huong). Ha Noi City: Encyclopedic dictionary Publishing House, 302 p.
Nguyen, V. C. (2004). The family structure following gender trends and reproductive habits of Vietnamese people [Cau truc gia dinh trong nam trong gia dinh va tap quan sinh de cua nguoi Viet]. Edited by Mai Quynh Nam (Chief editor). (2004, 1st Ed). Family in sociological mirror. Ha Noi City: Social science Publishing House, 410 p.
Starowicz, Z. (2008). Culture and Sexuality [Van hoa va Tinh duc]. Retrieved from
http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/ly-luan-van-hoa-hoc/cac-binh-dien-cua-van-hoa/448-z-starowicz-van-hoa-va-tinh-duc.html
Tran, N. T. (Chief editor) (2018, 2st Ed.). The culture of Southwest Vietnamese [Van hoa nguoi Viet vung Tay Nam Bo]. Ho Chi Minh City: The Culture–Literature and Arts Publishing House, 890 p.
Tran, N. T. (2013). Penis culture [Van hoa duong vat]. Retrieved from
http://tranngocthem.name.vn/gioi-thieu-thu-gian-kinh-nghiem/thu-gian/68-van-hoa-duongvat.html
Tran, N. T. (2013). Theory and application of cultural studies [Nhung van de van hoa hoc li luan va ung dung]. Ho Chi Minh City: The Culture–Literature and Arts Publishing House, 675 p.
Tran, N. T. (2016). Vietnam’s value system from tradition to modernity and the way to the future [He gia tri Viet Nam tu truyen thong den hien dai va con duong toi tuong lai]. Ho Chi Minh City: The Culture–Literature and Arts Publishing House, 589 p.
Very well (2017). The psychology of fear. Retrieved from
https://www.verywell.com/thepsychology-of-fear-2671696
Vu, M. L. (2004). Some theoretical views about gender in family research [Mot so quan diem li thuyet ve gioi trong nghien cuu gia dinh]. Edited by Mai Quynh Nam (Chief editor). (2004, 1st Ed.). Family in sociological mirror. Ha Noi City: Social Science Publishing House, 410p.
Wang Fuzi (2008). Primitive thinking and it’s characteristics [Yuanshi siwei ji qi tezheng]. Retrieved from http://www.yagm.com.cn/fzbt/?action-viewthread-tid-250
Yuan Ling Er (2011). On the construction of socialist advanced gender culture [Goujian shehuizhuyi xianjin xingbie wenhua chuyi]. Retrieved from
http://www.chinareform.org.cn/Economy/Agriculture/Forward/201106/t20110620_113574.htm.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh, Tập 17, Số 4 (2020): 584-597
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)