Tư liệu Hán Nôm tại các di tích lịch sử thời Lý Nam Đế, huyện Hoài Đức, Hà Nội
SINO – NOM DOCUMENTS AT LY NAM DE
HISTORIC VESTIGES IN HOAI DUC, HA NOI
Tác giả bài viết: TRỊNH NGỌC ÁNH
(Trường Đại học Thủ ñô Hà Nội)
TÓM TẮT
Lý Nam Đế là vị hoàng đế sáng lập nên nhà Tiền Lý và khai sinh nhà nước Vạn Xuân trong lịch sử Việt Nam. Công lao của ông gắn liền với công cuộc đánh đuổi quân Lương và Lâm Ấp, dựng nên nhà nước Vạn Xuân. Ở các địa phương, nơi ông sinh ra, lớn lên và đi qua trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, nhân dân đều lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của ông. Ở các khu đền thờ đó còn lưu giữ lại được nhiều di vật và tư liệu cổ quý giá có nội dung liên quan đến vua Lý Nam Đế. Ở bài viết này, chúng tôi giới thiệu về những tư liệu Hán Nôm tại các di tích lịch sử thờ Lý Nam Đế, thuộc huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Bài viết gồm hai vấn đề chính: Giới thiệu các di tích lịch sử thờ Lý Nam Đế, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, thực trạng tư liệu Hán Nôm tại các di tích và nội dung tư liệu Hán Nôm tại các di tích đó.
Từ khóa: Lý Nam Đế, tư liệu Hán Nôm, di tích lịch sử, Hoài Đức.
ABSTRACT
Ly Nam De is the father of Early Ly Dynas Abstract ty and also the founder of the State of Van Xuan. His great contribution is closely connected to his revolt’s success in fighting against the Liang Dynasty and Lam Ap, which lead to the foundation of Van Xuan. At all localities where he was born, grown up and went by (during war), there were lots of historic relics and ancient precious documents relating to Ly Nam De. In this article, we would like to introduce Sino-Nom documents at Ly Nam De historic vestiges in Hoai Duc, Hanoi. There are two main issues in this report: introducing historic vestiges about Ly Nam De; discussing about actual state of Sino-Nom documents and Sino-Nom documents content at historic vestiges in Hoai Duc, Hanoi.
Keywords: Ly Nam De, Sino-Nom documents, historic v Keywords estiges, Hoai Duc.
x
x x
1. Mở đầu
Hoài Đức là một huyện nằm ở phía tây trung tâm thành phố Hà Nội, gồm có 1 thị trấn và 19 xã. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, qua nhiều lần tách, nhập, điều chỉnh địa giới hành chính song Hoài Đức vẫn được nhắc đến như một vùng đất kiên cường trong đấu tranh cách mạng, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất và giàu truyền thống văn hiến. Hiện trên toàn huyện có 191 di tích lịch sử văn hóa có giá trị, trong đó có 81 di tích đã được Nhà nước ra quyết định xếp hạng cấp quốc gia và cấp thành phố. Đặc biệt, trong huyện có hàng loạt các di tích thờ Lý Nam Đế, người có công xây dựng và bảo vệ nhà nước Vạn Xuân độc lập vào thế kỷ thứ VI. Đó là các di tích như chùa Bảo Phúc (làng Giang Xá, thị trấn Trạm Trôi), đền Giang Xá, (làng Giang Xá, thị trấn Trạm Trôi), đền Di Trạch (xã Di Trạch), đình Lưu Xá (Xã Đức Giang), đình Đại Tự (xã Kim Chung)… Các địa phương có di tích là nơi vua Lý Nam Đế sinh sống, tu luyện khi còn nhỏ và thuộc vùng phát động cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm khi trưởng thành.
2. Nội dung
2.1. Các di tích lịch sử thờ Lý Nam Đế, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội và thực trạng tư liệu Hán Nôm tại các di tích
2.1.1. Chùa Bảo Phúc
Chùa Bảo Phúc, còn được gọi là chùa Giang Xá, thuộc làng Giang Xá, thị trấn Trạm Trôi. Chùa Bảo Phúc vốn có tên là chùa Linh Bảo (Linh Bảo tự), được xây dựng vào khoảng các thế kỷ đầu Công nguyên về phía tây của làng, bên dòng sông nhỏ Giang Biên. Đây là nơi Lý Nam Đế tu luyện, học tập và trưởng thành. Do đó có thể nói chùa Linh Bảo, làng Giang Xá là quê hương thứ hai của Lý Nam Đế. Đến đầu thế kỷ VII, dân làng Giang Xá đã chuyển chùa Linh Bảo ra xa khỏi làng và đổi tên thành chùa Bảo Phúc (Bảo Phúc tự). Đến thời Trần, chùa được làm lại theo kiểu “nội công ngoại quốc”, trên diện tích 2 mẫu Bắc Bộ. Đến cuối thời Lê đầu thời Nguyễn, chùa được làm lại lần nữa, nhưng quy mô nhỏ hơn, kiến trúc theo hình chữ Đinh (丁), vẫn theo hướng bắc như cũ. Chùa đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia năm 1993.
Hiện tại trong chùa có 01 bài minh trên chuông đồng đúc năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), 8 bức hoành phi, 2 đôi câu đối.
2.1.2. Đền Giang Xá
Nằm trong quần thể di tích thờ Lý Nam Đế ở làng Giang Xá, đền Giang Xá được coi là nơi tưởng niệm chính. Đền được khởi dựng ở giữa làng, ngay trên nền đất cũ của chùa Linh Bảo. Sau khi Lý Nam Đế mất, anh trai của vua là Lý Thiên Bảo đã ra sắc chỉ cho làng Giang xá thờ phụng. Trải nhiều lần trùng tu, kiến trúc tổng thể của đền cũng có nhiều thay đổi. Trước đây, theo lời kể của các bậc cao niên, đền có kiến trúc chữ Tam (三), sau năm 1944, đền đã được sửa lại với kiến trúc chữ Đinh (丁).
Đền Giang Xá hiện còn lưu giữ được nhiều tư liệu Hán Nôm quý giá, gồm: văn bia 3 tấm, cuốn thư 7 bức, hoành phi 9 bức, câu đối 30 đôi, 4 bài thơ cùng 22 đạo sắc phong và hai tập Ngọc phả cổ truyền (bản A và bản B).
2.1.3. Đình Lưu Xá
Đình Lưu Xá thuộc xã Đức Giang, được xây dựng trên một khu đất rộng thoáng giữa làng, phía trước có hồ nước, xung quanh có cây cổ thụ. Kiến trúc tổng thể của đình gồm có 4 trụ hoa biểu, sân đình lát gạch, nhà Hội đồng, nhà Tả mạc và Hữu mạc, Đại đình và Hậu cung. Đình Lưu Xá thờ thành hoàng làng là Lý Nam Đế. Các triều đại phong kiến đã nhiều lần sắc phong và truy tôn ông bằng những danh hiệu cao quý, song nhân dân địa phương vẫn thường gọi ông bằng các tên thân mật Hắc y đại đế. Tương truyền sinh thời khi ở Lưu Xá ông vẫn thường xuyên mặc áo đen để huấn luyện quân sĩ. Hiện tại trong đình Lưu Xá còn lưu giữ được 01 bản thần tích, 14 đạo sắc phong, 4 bức hoành phi và 15 đôi câu đối Hán Nôm.
2.1.4. Đình Đại Tự
Đình Đại Tự tọa lạc tại thôn Đại Tự thuộc xã Kim Chung, được xây dựng theo hình chuôi vồ, bao gồm toà đại đình và hậu cung (3 gian). Đình thờ Lý Nam Đế và hai tướng quân của ông là Trình Đô Hộ Quốc và Tam Cô Đô Hộ Quốc. Hiện tại trong đình còn bảo tồn được khá nhiều hiện vật, trong đó nổi bật là bộ ngai và bài vị giữa có hàng chữ Quốc vương thiên tử Lý Nam chi thần vị; 14 đạo sắc phong được ban từ năm Vĩnh Thọ thứ 3 (1660) đến những năm Khải Định; 01 tấm bia lập năm Nhâm Tuất niên hiệu Chính Hòa (1682); 4 bức hoành phi và 15 đôi câu đối.
2.1.5. Đền Di Trạch
Đền Di Trạch nằm ở làng Di Trạch, thuộc xã Di Trạch. Đền xây dựng trên một khu đất cao rộng, nhìn về hướng tây nam, phía trước có hồ bán nguyệt. Đền gồm có các hạng mục công trình: Nghi môn, nhà Tả mạc, Hữu mạc, Tiền đường và Hậu cung. Kiến trúc toàn bộ đền theo hình chữ Công (工) với phong cách nghệ thuật cuối thế kỉ XVII thời Lê. Hậu cung của đền có ba ngai thờ, ngai giữa ghi Quốc vương thiên tử Lý Nam Đế Thánh đế, hai ngai bên là hai đức thánh bà Lý Nam Đế. Tương truyền xưa kia tuổi thơ của Lý Nam Đế đã từng gắn bó với nơi này.
Đền Di Trạch hiện tại còn lưu giữ 13 bản sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn, 1 bia đá khắc chữ Hán Nôm, 5 bức hoành phi và 13 đôi câu đối.
2.2. Nội dung tư liệu Hán Nôm tại các di tích thờ Lý Nam Đế, huyện Hoài Đức
Là những nơi thờ phụng Lý Nam Đế nên những tư liệu Hán Nôm được lưu trữ tại những nơi này đều có nội dung xoay quanh các vấn đề chính như: xác định quê gốc của Lý Nam Đế, ca ngợi công lao sự nghiệp của vua và ca ngợi cảnh trí, con người trên mảnh đất Hoài Đức.
2.2.1. Xác định quê hương của vua Lý Nam Đế
Bản 玉譜古傳 Ngọc phả cổ truyền có tên đầy đủ là 越常氏前李南帝玉譜古傳 Việt Thường thị Tiền Lý Nam Đế Ngọc phả cổ truyền do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) được lưu giữ tại đền Giang Xá có ghi chép khá rõ ràng về quê hương của Lý Nam Đế. Toàn bộ nội dung bản Ngọc phả này cũng đã được nhân dân địa phương khắc vào tấm bia thờ ở đền. Hiện bia được đặt ở hậu cung của đền. Ngọc phả và bia đá có đoạn chép: “時 有 京 北 處,野 能 州 地 有 一 部 長 家,姓 李,諱 鑽,娶 妻 爱 朱 之 人,姓 黎,諱 塋… 時 至 癸 未 年,九 月,十 二 日,辰 時,生 下 一 男… 乃 命 名 曰 諱 賁…” (Phiên âm: Thời hữu Kinh Bắc xứ, Dã Năng châu địa hữu nhất bộ trưởng gia, tính Lý, húy Toản, thú thê Ái Châu chi nhân, tính Lê, húy Oanh… Thời chí Quý Mùi niên, cửu nguyệt, thập nhị nhật, Thìn thời, sinh hạ nhất nam… nãi mệnh danh viết húy Bí … Dịch nghĩa: Thời bấy giờ, tại đất châu Dã Năng, xứ Kinh Bắc, có một gia đình Trưởng bộ họ Lý, tên húy là Toản, lấy vợ người Ái Châu, họ Lê, tên húy là Oanh… Cho tới giờ Thìn ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi, sinh hạ được một người con trai,… bèn đặt tên cho con là Bí…). Như vậy, bản Ngọc phả chép trên giấy và khắc trên bia đá đã xác định quê hương của vua Lý Nam Đế là ở châu Giã Năng, xứ Kinh Bắc, tức là thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên ngày nay.
Hoành phi 太 平 Thái Bình, phần lạc khoản ghi niên hiệu Long Phi Giáp Thân (1944) ở đền Giang xá hay hoành phi 太 平 天 子 Thái Bình thiên tử, phần lạc khoản ghi năm Bảo Đại Quý Dậu (1933) ở đình Đại Tự và hoành phi 太 平 天 子 Thái Bình thiên tử ở đền Di Trạch, lạc khoản ghi năm Duy Tân Mậu Thân (1908) cũng đã chỉ rõ ấp Thái Bình (thuộc châu Giã Năng, xứ Kinh Bắc) chính là vùng đất đã sinh ra bậc thiên tử Lý Nam Đế.
Đôi câu đối được cung tiến vào tháng Trọng Đông năm Nhâm Tý, niên hiệu Duy Tân thứ sáu (1912) ở đền Giang Xá cho thấy rõ đất Kinh Bắc là nơi ra đời của bậc thánh minh Lý Nam Đế:
京 北 出 聖 明 起 甲 子 終 戊 辰 一 統 山 河 開 鼎 業
萬 春 自帝 國 後 趙 徴 前 丁 李 千 秋 廟 貌 凛 餘 靈
Kinh Bắc xuất thánh minh, khởi Giáp Tý, chung Mậu Thìn, nhất thống sơn hà khai đỉnh nghiệp.
Vạn Xuân tự đế quốc, hậu Triệu, Trưng, tiền Đinh, Lý, thiên thu miếu mạo lẫm dư linh.
Nghĩa là:
Kinh Bắc sinh Thánh minh, dựng nước năm Giáp Tý (544), qua đời năm Mậu Thìn (548), một mối sơn hà mở nghiệp lớn,
Vạn Xuân nước có đế, sau Bà Triệu, Bà Trưng, trước thời Đinh, thời Lý, nghìn thu miếu mạo rõ linh thiêng.
2.2.2. Đánh giá sự nghiệp, cống hiến của vua Lý Nam Đế và vị trí của vương triều Tiền Lý đối với lịch sử dân tộc
Trong tiến trình lịch sử dân tộc, công lao và sự nghiệp của Lý Nam Đế được đánh giá là hết sức to lớn. Ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Lương, đánh đuổi Lâm Ấp, thu được thắng lợi vẻ vang, giành được quyền độc lập tự chủ lâu dài cho đất nước trong thời kỳ Bắc thuộc. Ông là người đầu tiên xưng đế, dựng nước Vạn Xuân, và là người đầu tiên đặt niên hiệu Thiên Đức. Ông cũng là vị vua đầu tiên nhận ra vị trí trung tâm đất nước là vùng Hà Nội cổ và đã đóng đô ở đất Long Biên. Tất cả những điều đó không những được ghi chép trong chính sử mà còn được thể hiện tương đối đầy đủ trong những tư liệu Hán Nôm được lưu trữ lại các khu di tích thờ Lý Nam Đế.
Bản Ngọc phả cổ truyền được lưu giữ tại đền Giang Xá có đoạn ghi chép kĩ càng, tỉ mỉ về sự tích chiến thắng quân Lương, đánh Lâm Ấp, xưng đế, lập nước Vạn Xuân. Đoạn văn được dịch nghĩa: … Vua tự xưng là Lý Nam Đế từ đó thường đánh quân Lương, giặc thua chạy về Bắc quốc. Sau đó, quân Lương lại sai Lư Tử Hùng tiến binh. Triệu Quang Phục sau là Triệu Việt Vương tiên phong đón giặc Lương, chém hơn nghìn tên, máu chảy đầy sông. Vua sai quân đánh châu Cửu Đức, Lâm ấp, xưng Nam Việt đế, dựng nước Vạn Xuân, bách quan hô Vạn tuế. Các đất Dã Năng, Chu Diên, Giang Xá, Thái Bình, Giang Tây, Gia Ninh, Tân Xương, Liêu Động, đều cho làm ấp thang mộc. Nhân dân xin lập sinh từ, sau phụng thờ. Đất nước thanh bình 7 năm, đến tháng 6 năm Ất Sửu, nhà Lương sai Thứ sử Trần Bá Tiên làm Tư mã đến xâm chiếm. Vua nghe tin quân Lương kéo đến, sai 3 vạn quân ra ứng chiến…
Bài văn bia 江舍祠碑 Giang Xá từ bi ký cũng có đoạn với nội dung tương tự, được dịch nghĩa: … Sau khi đánh chiếm các địa phương, nghĩa quân tiến về bao vây châu thành Long Biên. Quân Lương đại bại. Thứ Sử Tiêu Tư hoảng sợ chạy về Quảng Châu. nghĩa quân kéo vào giải phóng Long Biên. Được tin Long Biên mất, vua Lương vội sai Thứ sử Việt châu là Trần Hầu, Thứ sử La châu là Đinh Cự, Thứ sử An châu là Lý Trí, Thứ sử An châu là Nguyễn Hán cùng hợp quân kéo sang đánh Lý Bí. Nhưng chúng vừa kéo xuống đã bị quân của Lý Bý đánh tan. Mùa xuân năm 534, vua Lương sai Thứ sử Giao châu là Tôn Quynh, Thứ sử Tân châu là Lưu Tử Hùng đem quân sang đánh. Nhưng chúng kéo đến Hợp Phố, đã bị quân của Lý Bí đánh tan. Đầu năm 544, Lý Bí lên ngôi vua, tự xưng là Nam Việt Đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, dựng triều đình đặt trăm quan, đặt tên nước là Vạn Xuân, phong thưởng cho các tướng sĩ…
Đôi câu đối ở ngay cổng đình Lưu Xá tổng kết đầy đủ công lao, sự nghiệp của vua Lý Nam Đế:
出 太 平 滅 軍 樑 保 山 河 宣 稱 獨 立
破 林 邑 伐 蕭 諮 開 帝 業 建 國 萬 春
Xuất Thái Bình, diệt quân Lương, bảo sơn hà, tuyên xưng độc lập
Phá Lâm Ấp, phạt Tiêu Tư, khai đế nghiệp, kiến quốc Vạn Xuân
Nghĩa là:
Ra đi từ Thái Bình, diệt quân Lương, bảo vệ đất nước, tuyên xưng độc lập,
Phá Lâm Ấp, đánh đuổi Tiêu Tư, mở mang nghiệp đế, dựng nước Vạn Xuân.
Công lao dựng nước Vạn Xuân, đặt niên hiệu Thiên Đức, mở ra nền thái bình thịnh trị, đất nước được thấm nhuần ơn rộng như bể cả được thể hiện rõ trong đôi câu đối số 6 (lạc khoản ghi năm Khải Định Kỷ Mùi (1919) ở nhà Tiền tế đền Giang Xá:
建 國 萬 春 文 武 聖 神 稱 盛 治
紀 元 天 德 山 河 社 稷 潤 恩 波
Phiên âm:
Kiến quốc Vạn Xuân văn võ thánh thần xưng thịnh trị;
Kỉ nguyên Thiên Đức sơn hà xã tắc nhuận ân ba.
Nghĩa là:
Dựng nước Vạn Xuân, văn võ thánh thần xưng thịnh trị;
Đặt năm Thiên Đức, núi sông xã tắc thấm ơn sâu.
Đôi câu đối số 8 (lạc khoản đề năm Khải Định Mậu Ngọ (1918) ở khu vực nhà Tiền tế (thuộc đền Giang Xá) vừa nhắc đến việc vua xưng đế, đặt niên hiệu Thiên Đức, vừa nhắc đến việc vua đóng đô ở Long Biên:
神 京 建 肇 龍 編 軫 分 山 河 成 大 業
帝 統 紀 元 天 德 火 朱 日 月 共 南 邦
Thần kinh kiến triệu Long Biên chẩn phân sơn hà thành đại nghiệp;
Đế thống kỉ nguyên Thiên Đức hỏa chu nhật nguyệt cộng Nam bang.
Nghĩa là:
Dựng kinh đô tại thành Long Biên, phân chẩn đất nước, làm nên nghiệp lớn;
Xưng Đế, đặt niên hiệu Thiên Đức rực rỡ theo năm tháng, thống nhất nước Nam
Đôi câu đối số 7 tại đình Lưu Xá ca ngợi công lao to lớn của vua Lý Nam Đế trong việc dựng nước Vạn Xuân, đặt niên hiệu và là người mở ra truyền thống đế vương của nước nhà:
萬 春 建 國 天 德 紀 元 為 曲 丁 先 開 帝 統
甲 子 造 因 戊 辰 結 局 歷 陳 黎 後 重 神 權
Vạn Xuân kiến quốc, Thiên Đức kỉ nguyên, vị Khúc Đinh tiên khai đế thống
Giáp Tí tạo nhân, Mậu Thìn kết cục, lịch Trần, Lê hậu trọng thần quyền.
Nghĩa là:
Dựng nước Vạn Xuân, đặt niên hiệu Thiên Đức, họ Khúc, họ Đinh bắt đầu mở ra truyền thống đế vương
Năm Giáp Tí bắt đầu, năm Mậu Thìn kết thúc, trải triều Trần, Lê, đều trọng vọng thần quyền
Đôi câu đối số 3 ở đền Di Trạch ca ngợi việc xưng đế ở nước Nam của nhà Tiền Lý, ca ngợi việc Lý Nam Đế đóng đô ở Long Biên, khiến cho non sông đất nước Hùng Lạc và sự nghiệp đế vương được truyền lại mãi cho hậu thế:
木 子 茁 南 枝 雄 貉 山 河 春 尚 在
龍 邊 浮 彩 日 帝 王 事 業 古 猶 傳
Mộc Tử truất nam chi, Hùng Lạc sơn hà xuân thượng tại
Long Biên phù thái nhật, Đế Vương sự nghiệp cổ do truyền
Nghĩa là:
Mộc tử (nhà Lý) mọc cành Nam, non sông Hùng Lạc xuân còn mãi
Long Biên nổi lên mặt trời rạng rỡ, sự nghiệp đế vương xưa vẫn truyền
Bức cuốn thư thếp vàng có 3 chữ 帝 自 始 Đế Tự Thủy (lạc khoản đề năm Khải Định thứ 5 (1920) ở đình Đại Tự thay cho lời khẳng định Lý Nam Đế là người xưng đế hiệu đầu tiên ở nước ta.
Đôi câu đối do Nghiêm Xuân Quảng Tiến sĩ khoa Ất Mùi đời Thành Thái (năm 1895) cung soạn đang được lưu giữ ở đình Đại Tự ca ngợi danh tiếng, sự oai phong của vua Lý Nam Đế vang đến tận nhà Lương bên đất Bắc và truyền mãi ở nước nhà:
一 等 英 雄 威 武 遙 傳 梁 北 國
萬 春 社 稷 聲 名 永 播 越 南 天
Nhất đẳng anh hùng, uy vũ dao truyền Lương Bắc quốc
Vạn xuân xã tắc thanh danh vĩnh bá Việt Nam thiên.
Nghĩa là:
Anh hùng bậc nhất, uy vũ xa truyền sang nhà Lương nơi nước Bắc
Xã tắc muôn năm, tiếng tăm vang mãi ở nước Việt chốn trời Nam.
Để ghi nhớ công lao, sự nghiệp của vua Lý Nam Đế, các triều đình đã nhiều lần ban sắc phong thần cho ông với nhiều mĩ tự và chuẩn cho nhân dân các vùng phụng sự ông. Ở 5 khu di tích thờ Lý Nam Đế mà chúng tôi khảo sát, chỉ có chùa Bảo Phúc là không lưu giữ sắc phong, còn lại 4 khu di tích, hiện lưu giữ đến hơn 60 đạo sắc phong, mà đền Giang Xá là nhiều nhất (22 đạo). 22 đạo sắc phong này được bảo quản rất tốt, các đạo sắc vẫn còn hầu như nguyên vẹn, dù đạo sắc đầu tiên được ban năm Cảnh Trị thứ 8 (1670), tính đến nay đã 345 năm. 22 đạo sắc phong đó gồm: năm Cảnh Trị thứ 8 (1670) đời vua Lê Huyền Tông; năm Dương Đức thứ 3 (1674) đời vua Lê Gia Tông; năm Chính Hòa thứ 5 (1684) đời vua Lê Hy Tông; năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710) đời vua Lê Dụ Tông; năm Vĩnh Khánh thứ 2 (1730) đời vua Lê Duy Phương; năm Cảnh Hưng thứ 1 (1740) đời vua Lê Hiển Tông; năm Chiêu Thống thứ nhất (1787) đời vua Lê Mẫn Đế; năm Quang Trung thứ 3 (1790) đời vua Quang Trung; năm Cảnh Thịnh thứ nhất (1793) đời vua Cảnh Thịnh; năm Gia Long thứ 9 (1810) đời vua Gia Long; năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) đời vua Minh Mệnh; năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) đời vua Thiệu Trị; năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) đời vua Thiệu Trị; năm Tự Đức thứ 3 (1850) đời vua Tự Đức; năm Tự Đức 30 (1880) đời vua Tự Đức; năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) đời vua Đồng Khánh; năm Duy Tân thứ 3 (1909) đời vua Duy Tân; năm Khải Định thứ 9 (1924) đời vua Khải Định; mỗi năm ban một đạo. Các năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767) đời vua Lê Hiến Tông và Cảnh Hưng thứ 44 (1783) đời vua Lê Hiển Tông, mỗi năm ban 2 đại sắc phong.
Trong những lần sắc phong, vua Lý Nam Đế cũng đã được ban tặng nhiều mĩ tự. Sắc phong năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710) được gia phong mỹ tự Tuyên Từ Huệ Hòa Đại Vương; sắc phong năm Vĩnh Khánh thứ 2 (1730) được ban mỹ tự Khải Tường Tập Khánh Linh Cảm Phu Ứng Đại Vương; sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 1 (1740) được ban mỹ tự Thùy Hưu Diên Huống Đại Vương; sắc phong tháng 7 năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767) được ban mỹ tự Diễn Phúc Thuần Hồ Đại Vương và sắc phong tháng 8 năm này được ban mỹ tự Hoành Du Phi Liệt Quảng Vận Hoàng Đế; sắc phong năm Chiêu Thống thứ nhất (1787) được ban mỹ tự Thần Uy Hiến Thánh Thần Công Hoàng Đế; sắc phong tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783) được ban mỹ tự Địch Triết Dương Hưu Kiến Võ Hoàng Đế và đạo sắc ban tháng 7 cùng năm được ban mỹ tự Dương Văn Trung Lộc Sinh Phúc Hoàng Đế; sắc phong năm Cảnh Thịnh thứ nhất (1793) được ban mỹ tự Cao Minh Bác Hậu Tuần Triết Hoàng Đế.
Có tác giả đã soạn thảo đôi câu đối cung tiến tại đền Giang Xá với hàm ý ca ngợi vua được triều đình nhiều lần khen tặng:
一 等 英 雄 北 而 梁 南 而 越
累 朝 褒 贈 生 為 帝 沒 為 神
Nhất đẳng anh hùng, Bắc nhi Lương, Nam nhi Việt;
Lũy triều bao tặng, sinh vi đế, một vi thần.
Nghĩa là:
Anh hùng bậc nhất, đất Bắc là nhà Lương, cõi Nam là nước Việt;
Nhiều đời phong tặng, lúc sống làm hoàng đế, khi mất là linh thần.
Bức cuốn thư 高 明 博 厚 Cao minh bác hậu ở khu vực đền Trung (đền Giang Xá) thể hiện rõ sự ca ngợi, ngưỡng mộ của dân chúng đối với vị phúc thần Lý Nam Đế. Đây là một trong số các mỹ tự mà triều đình phong kiến Việt Nam năm Cảnh Thịnh thứ nhất (1793) đã ban tặng cho vua Lý Nam Đế. Bốn chữ thôi nhưng đã nói lên được tất cả những tố chất, trí tuệ của nhà vua là người có tấm lòng cao cả, tính tình rộng rãi, sáng suốt và vô cùng nhân hậu.
2.2.3. Ca ngợi cảnh trí và và con người vùng đất Hoài Đức
Các địa phương nơi có các di tích thờ vua Lý Nam Đế đều là những vùng trù phú, dân cư đông đúc, cuộc sống thanh bình, cảnh trí tươi đẹp. Đó chính là nhờ phúc ấm mà nhà vua – phúc thần Lý Nam Đế đã mang lại cho mảnh đất và con người nơi đây. Cảnh làng quê yên vui, đông đúc, nhộn nhịp, cảnh sắc của ngôi đền Giang Xá nằm bên cạnh con sông Tiểu Giang được tóm gọn trong đôi câu đối số 9 ở khu vực nhà Tiền tế:
穆 庿 重 檐 萬 古 尊 居 靈 應 地
花 村 滓 里 一 方 稔 措 泰 和 天
Mục miếu trùng diêm vạn cổ tôn cư linh ứng địa;
Hoa thôn tử lý nhất phương nhẫm thố thái hòa thiên.
Nghĩa là:
Miếu đẹp, mái chồng, muôn thuở là một vùng đất linh thiêng;
Làng xóm yên vui, một phương có khung cảnh thật là thái bình
Đền Giang Xá có quy mô kiến trúc khá bề thế và khung cảnh thiên nhiên khá đẹp giữa một làng quê đông vui trù phú. Các công trình kiến trúc của đền tạo thành một tổng thể kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng hài hoà. Ngôi đền trở thành một trong những trung tâm sinh hoạt văn hoá và là nơi thờ, tưởng niệm Lý Nam Đế của dân làng Giang Xá.
Hay như đối câu đối số 11 ở khu vực nhà Tiền tế đền Giang Xá:
宮 室 以 接 靈 日 麗 星 暉 別 厰 一 壺 新 景 色
焄 熇 如 在 上 春 嘗 秋 祀 長 昭 萬 代 古 江 山
Cung thất dĩ tiếp linh, nhật lệ tinh huy, biệt xưởng nhất hồ tân cảnh sắc;
Huân hốc như tại thượng, xuân thường thu tự, trường chiêu vạn đại cổ giang sơn.
Nghĩa là:
Cung thất là nơi linh thiêng, trăng sao rực rỡ, cảnh sắc thu hết vào mặt hồ nước trước cửa ngôi đền;
Công lao của Thần như vẫn đang còn đây, hàng năm xuân thu hai mùa cúng tế, non nước cũ rạng rỡ muôn đời
Dường như toàn bộ vế một của câu đối đã tóm lược khá đầy đủ quang cảnh của ngôi đền nơi thờ Thành hoàng làng. Trước cửa của ngôi đền có một giếng nước rất trong những ngày rằm trăng tròn rọi xuống toàn bộ khung cảnh của ngôi đền đều thu hết vào trong mặt nước lung linh, tươi đẹp.
Đôi câu đối số 6 và số 10 đền Di Trạch ca ngợi cuộc sống phồn vinh, phấn phát của nhân dân làng Di Ái:
萬 春 國 長 存 億 年 金 史 越
遺 愛 民 奮 發 繁 榮 萬 世 春
Vạn Xuân quốc trường tồn ức niên kim sử Việt
Di Ái dân phấn phát phồn vinh vạn thế xuân
Nghĩa là:
Nước Vạn Xuân trường tồn muôn năm viết nên trang sử Việt
Dân Di Ái phấn phát phồn vinh ngàn năm mãi xuân tươi
鳳 舞 風 和 人 丁 歡 樂
龍 飛 雨 順 米 穀 滿 餘
Phượng vũ phong hòa nhân đinh hoan lạc
Long phi vũ thuận mễ cốc mãn dư
Nghĩa là:
Phượng múa gió hòa người người vui vẻ
Rồng bay mưa thuận thóc lúa tràn trề
Đôi câu đối số 5 tại đình Lưu Xá ca ngợi cảnh tượng thái bình của người dân Lưu Xá nhờ phúc ấm của Thần:
近 天 子 之 光 均 霑 闓 澤
有 太 平 之 象 樂 奏 管 絃
Cận thiên tử chi quang, quân triêm khải trạch
Hữu thái bình chi tượn,g lạc tấu quản huyền
Nghĩa là:
Gần ánh sáng Thiên tử, đều được yên vui
Có cảnh tượng thái bình, vui tấu đàn ca
Chính nhờ phúc thần Lý Nam Đế bảo vệ, chở che mà dân làng Di Ái đã sinh ra những người con ưu tú. Niềm tự hào đó thể hiện rõ trên đôi câu đối số 5 tại đền Di Trạch:
國 古 黎 朝 遺 愛 翰 林 二 進 士
莫 朝 阮 族 中 堂 參 政 有 榮 花
Quốc cổ Lê triều Di Ái Hàn lâm nhị tiến sĩ
Mạc triều Nguyễn tộc trung đường tham chính hữu vinh hoa.
Nghĩa là:
Triều Lê nước xưa, dân Di Ái có hai vị tiến sĩ viện Hàn Lâm
Thời Mạc, họ Nguyễn tham gia triều chính được hưởng vinh hoa
3. Kết luận
Trên đây là trình bày của chúng tôi về tư liệu Hán Nôm hiện đang được lưu giữ tại 5 khu di tích thờ Lý Nam Đế ở huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Những tư liệu này là những tư liệu quý giá, có vai trò đáng kể trong việc nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là lịch sử địa phương và lịch sử nhân vật. Cũng chính vì thế, chúng tôi thiết nghĩ, cần có sự đầu tư hơn nữa trong vấn đề bảo tồn tư liệu, để những tư liệu Hán Nôm quý giá này có thể được lưu giữ lâu dài cho các thế hệ mai sau. Đồng thời chúng tôi cũng đề xuất phương pháp thực địa nhằm nâng cao hiệu quả của việc dạy học Hán Nôm và phổ biến kiến thức lịch sử, cùng góp phần bồi dưỡng tình yêu môn học lịch sử và tình yêu quê hương đất nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trương Hữu Quýnh (2009), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
2. Đào Tố Uyên (chủ biên), Nguyễn Cảnh Minh (2008), Giáo trình Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỉ thứ X, tập 1, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
3. Đào Văn, Nguyễn Cảnh Minh, Nguyễn Đình Lê (1994), Lịch sử Hà Tây, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
4. Sở Văn hoá Thông tin Hà Tây (1998), Di tích Hà Tây, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
5. Viện Sử học (2001), Lịch sử Việt Nam, Tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
6. Nhiều tác giả (2012), Kỷ yếu hội thảo “Một số vấn đề về vương triều tiền Lý và quê gốc của vua Lý Nam Đế”.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Thủ đô Hà Nội − số 13/2017
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Tư liệu Hán Nôm tại các di tích lịch sử thời Lý Nam Đế, huyện Hoài Đức, Hà Nội (Tác giả: Trịnh Ngọc Ánh) |