Quan hệ Việt- Xiêm nửa đầu thế kỷ XIX

RELATIONS OF VIET- SIAM IN THE BEGINNING OF THE XIX CENTURY

Tác giả bài viết: ĐOÀN NGUYỆT LINHNGUYỄN HOÀNG VINH1
(1Bộ môn Lịch sử- Khoa sư phạm)

TÓM TẮT

     Ngày nay, Việt Nam- Thái Lan đang xích lại gần nhau về nhiều mặt, việc tìm hiểu về những mối quan hệ trong lịch sử giữa Việt Nam và Thái Lan trở nên cần thiết. Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến quan hệ hòa hiếu giữa Xiêm- Việt 30 năm đầu Thế kỷ XIX, cũng như việc giải quyết vấn đề Chân Lạp bằng con đường ôn hòa thương lượng giữa hai vương quốc. Trong nhân quan chính trị chật hẹp, ích kỷ của chế độ phong kiến mà vương quốc Xiêm và nhà Nguyễn duy trì được quan hệ thân thiện gần 30 năm là điều đặc biệt, đồng thời chính mối quan hệ thân thiện này có ý nghĩa rất lớn đối với sự ổn định của khu vực Đông Nam Á lục địa trong những năm đầu Thế kỷ XIX. Điều này còn giữ nguyên giá trị thực tiễn cho việc xây dựng quan hệ hòa bình, ổn định, hợp tác giữa hai nước cũng như với các nước trong khu vực Đông Nam Á hiện nay.

Từ khóa: Bang giao, vật phẩm, quốc thư, hòa hiếu.

ABSTRACT

     Nowadays, Vietnam and Thailand are inching next to each other. So, researching diplomatic relations in the history of Vietnam and Thailand is very important. In this essay, we only deal with peaceful relations of Siam and Viet in thirty years of the beginning of the XIX century. At the same time Siam and Viet settled problem of Chan Lap equadle and negotiate. On the outlook life of the Feudalism, Siam kingdom and the Hue court maintained a friendly attitude nearly thirty years. It is very special. Thanks to the situation of continent Southeast Asian, was settled in thirty years of the beginning of the XIX century. This is still of great value in establing the peaceful relationls, settlement and cooperation between the two countries as well as among other countries in the Southeast Asian at present time.

Keywords: Diplomatic relations, production, credentials, peaceful.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Ngày nay, khi các dân tộc, các quốc gia ở Đông Nam Á vượt qua thời kỳ đối đầu để đi vào thời kỳ mới, chung sống hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Khi mà các cuộc tiếp xúc, giao lưu ngày càng nhộn nhịp thì vấn đề đặt ra là sự hiểu biết về khu vực về những người láng giềng trở nên hết sức cần thiết. Việc tìm hiểu lịch sử các dân tộc, các quốc gia sinh ra và lớn lên trong lòng Đông Nam Á là rất cần thiết, vì các quốc gia này cùng có chung một cội nguồn văn hoá- tộc người, một quá trình lịch sử; hiện nay đang cùng nhau xây dựng một khu vực hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển trong xu thế khu vực hóa và toàn cầu hóa.

     Trong bài viết này chúng tôi chọn một đề tài phạm vi nhỏ đó là “Quan hệ Việt- Xiêm nửa đầu thế kỷ XIX”. Mục đích chúng tôi muốn nhấn mạnh là mối quan hệ hoà hiếu giữa hai vương quốc Việt – Xiêm trong 30 năm đầu Thế kỷ XIX không chỉ liên qua đến hai nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự hòa bình ổn định của khu vực Đông Nam Á lục địa.

2. Quan hệ Việt- Xiêm nửa đầu thế kỷ XIX

     Từ cuối Thế kỷ XVIII, chế độ phong kiến các nước Đông nam Á lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc: Kinh tế đình đốn, đời sống nhân dân khổ cực, nội bộ triều đình phong kiến lục đục, chia bè kết đảng. Giữa các tập đoàn phong kiến và giữa các vuơng quốc phong kiến láng giềng nổ ra nhiều cuộc chiến tranh nhằm tranh giành lãnh thổ và quyền lực ngày càng gay gắt.

     Trong quá trình suy thoái chung đó của chế độ phong kiến ở Đông Nam Á thì vương quốc Xiêm lại vươn lên thành một quốc gia phong kiến hùng mạnh, sau khi đã đập tan được cuộc xâm lăng dai dẳng gần 10 năm của quân Miến (1767- 1776). Từ đó Xiêm dựa vào thế lực lớn mạnh của mình để bành trướng và làm bá quyền khu vực: mở rộng lãnh thổ, bắt các nước phụ thuộc mình, ráo riết đẩy mạnh xâm lược Lào và Chân Lạp.

     Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, lập ra triều Nguyễn. Việt Nam từ đây trở thành một quốc gia phong kiến hùng mạnh ở phía đông của khu vực Đông Nam Á lục địa, lập tức được các tiểu quốc của Lào và Chân Lạp đến triều cống và thần phục.

     Từ đó quan hệ giữa vương quốc Xiêm với triều Nguyễn nổi lên, bao trùm và chi phối các mối quan hệ khác trong khu vực, trước khi chủ nghĩa thực dân phương Tây can thiệp sâu vào khu vực này. Mối quan hệ mang tính bang giao giữa Việt và Xiêm trong giai đoạn này được ghi lại dưới những sự kiện như :

     Trước khi lên ngôi, Vua Gia Long sống lưu vong nhiều năm trên đất Xiêm, từng được vua Xiêm giúp đỡ nhiều lần. Cho nên sau khi khôi phục được vương triều, năm 1803 vua Gia Long sai sứ sang Xiêm báo tin và chính thức đặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Gia Long sai Nguyễn Văn Huấn và Mai Văn Hiếu đi sứ và tặng nhiều vật phẩm cho vua Xiêm. Bao gồm: 100 lạng vàng, 1000 lạng bạc, một chiếc Thanh Long đao, và 600 cân sáp ong. Cũng trong năm đó để đáp lại thịnh tình của triều đình Huế, vua Xiêm cử sứ thần sang Huế mang quốc thư và vật phẩm chúc mừng.

     Sang năm 1804, nhà Nguyễn lại cử sứ thần sang Xiêm tặng vua Xiêm nhiều vật phẩm quý, gồm: 100 lạng bạc, 50 lạng vàng, the màu và vải trắng mỗi thứ 100 tấm, 500 cân sáp ong, 500 cân đường phèn, 500 cân đường phổi và 30 cân đường cát. Đáp lại vua Xiêm gửi tặng 50 hạng vật bằng ngọc thạch, 3 khẩu súng và các thứ gấm đoạn.

     Năm 1807, vua Xiêm sai sứ đến kinh đô Huế mang theo nhiều tặng vật quý được triều đình Nguyễn tiếp đãi rất trọng thị. Tặng vật có: 3 tấm áo Mãn Châu bào rồng năm móng, 6 chiếc chăn chiên hoa lan, 8 sợi tơ màu lam.

     Năm 1809, sứ bộ Xiêm đến Việt Nam báo tin buồn: Phật vương (Rama I) mất đồng thời mang theo nhiều gấm ngọc, bạch đàn hương, lư hương do vua Xiêm gửi tặng. Đáp lại, vua Gia Long cho hai đoàn sứ sang Xiêm: một đoàn sang dự lễ tang, đem đồ phúng điếu gồm: 100 cân đương phổi, 1000 cân đường phèn, 1500 cân đường cát, 500 cân sáp ong, 100 tấm lục trắng, 100 tấm vải đen; một đoàn sang tặng vua Xiêm mới lên ngôi. Lúc đó Xiêm có hai vua mới, vua Gia Long đưa quà tặng cả hai vua. Tặng vua thứ nhất: 2 cân kỳ nam, 3 cân nhục quế, 100 tấm lụa, 200 tấn the màu, 100 tấm sa màu, 100 tấm vải trắng. Tặng vua thứ hai: 1 cân kỳ nam, 1cân 8 lạng nhục quế, 50 tấm lụa, 100 tấm the màu, 50 tấm sa màu, 50 tấm vải trắng. 

     Năm 1811, vua Xiêm sai sứ mang nhiều sản vật đến kinh đô Huế để tạ ơn: bạch đàn, trầm hương, sáp ong và vôi đỏ.

     Tháng 4- 1813, sứ Xiêm là Phi-Nhã-Ma-Kha-A-Mặc đến Huế dâng phẩm vật gồm : gấm đoạn, sô nỉ, vải tây. Để thể hiện thịnh tình với vua Xiêm, Gia Long tặng lại Phật vương: 2 cân quế thanh, đường cát và đường phổi mỗi thứ 500 cân, the và sa mỗi thứ 50 tấm. Tặng Nhị vương bằng nửa số lượng của Phật vương.

     Trong tất cả các năm 1814, 1815, 1816 cả hai vương quốc đều có đi lại quan hệ với nhau. Sang năm 1817, sứ Xiêm đến Huế báo tang Nhị vương. Vua Gia Long sai sứ mang lễ vật sang phúng điếu. Khi đoàn sứ ra về vua Xiêm gửi thư tạ ơn và gửi tặng vua Nguyễn nhiều phẩm vật quý.

     Vua Gia Long ở ngôi 17 năm, đến năm 1819 thì băng. Nguyễn Phước Đảm lên ngôi lấy niên hiệu là Minh Mạng. Khi mới lên ngôi Minh Mạng sai sứ sang Xiêm báo tang vua Gia Long và đưa tặng phẩm.

     Đến năm 1824, Xiêm cho sứ sang Huế báo tin vua Xiêm (Rama II) mất. Để tỏ mối thịnh tình và thắt chặt tình bang giao vua Minh mạng cho bãi triều 3 ngày để để tang vua Xiêm.

     Nhưng ngoại giao chỉ là nghi thức, không bao hàm được tất cả những vấn đề. Chính vấn đề các nước Ai Lao, Chân Lạp mới cho thấy hết được mối quan hệ tốt đẹp giữa triều đình Huế và Băngkok trong 30 năm đầu thế kỷ XIX, do xuất phát từ lợi ích và thiện chí của cả hai bên.

3. Quan hệ Việt- Xiêm đối với các nước trong khu vực

     Tại khu vực Đông Nam Á lục địa, Xiêm- Việt là hai nước lớn và mối quan hệ của hai quốc gia này có ảnh hưởng rất lớn đối với các nước trong khu vực. Tính bang giao của hai quốc gia ngoài việc cùng phát triển kinh tế, văn hoá mà còn cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan đến các nước trong khu vực.

     3.1 Vấn đề Lào

     Một quốc gia Đông Nam Á lục địa chịu ảnh hưởng sâu sắc của mối quan hệ ViệtXiêm đó là Lào. Lào chia thành nhiều tiểu quốc gia trong đó một số tiểu quốc thì thần phục Việt Nam, một số tiểu quốc thì thần phục Xiêm La. Những vùng thần phục Việt Nam như: Sầm Tộ, Mường Soạn, Ngọc Ma, Cam Môn, Cam Linh. Riêng tiểu quốc Lang Xạn do Xiêm La kiểm soát.

     Vào năm 1827, vua Lang Xạn là Châu A Nổ nổi dậy chống Xiêm và sang cầu cứu viện binh vua Nguyễn. Lúc đầu Minh Mạng thấy A Nổ sinh sự nên không cho viện binh, vì thế A Nổ bị bắt về Xiêm. Nhưng sau đó Minh Mạng thấy rằng nếu Xiêm chiếm Lang Xạn sẽ ảnh hưởng đến biên cương Tây Bắc, nên ông đã cho Phan Văn Điển mang thư sang trách nước Xiên sinh sự, mặt khác đem quân sang Lào. Phong kiến Xiêm muốn cho sự việc yên ổn nên đã rút quân về nước và bề ngoài vẫn đi lại thông sứ với nước ta để giữ tình hòa hiếu. Từ đó tình hình Lào được yên ổn.

     Như việc năm 1809, Xiêm La có đánh nhau với Miến Điện đã viết thư sang cầu viện binh triều đình Huế. Sang năm 1823, người Miến Điện đến dâng vật phẩm và xin thiết lập mối quan hệ hòa hiếu đối với Việt Nam. Triều đình Huế nghĩ đến việc Miến Điện đánh Xiêm năm trước (1809) và mối quan hệ Việt- Xiêm nên đã quyết định không đặt quan hệ với Miến Điện.

     3.2 Vấn đề Chân Lạp

     Vấn đề Chân Lạp là nguyên nhân của mọi phức tạp, gây cấn trong mối quan hệ Việt- Xiêm. Đối với vấn đề Chân Lạp, sau khi Vua Nặc Ân chết (1796) thì kéo dài 10 năm trong phủ không có vua. Đến năm 1806, con trai Nặc Ân lên 15 tuổi mới được vua Xiêm phong vương, lấy hiệu là Nặc Chân nhưng buộc phải lấy và lập con gái vua Xiêm làm hoàng hậu. Tuy nhiên, vua Xiêm lại ủng hộ ba người em cùng cha khác mẹ với Nặc Chân là Nguyên, Yêm, Đôn làm cho tình hình Chân Lạp xung đột gay gắt, Nặc Chân quyết định tìm chỗ dựa khác đó là triền đình Huế.

     Tháng 9 năm Gia Long thứ 6 (1807), Nặc Chân sai sứ đến triều đình Huế xin phong vương và được Gia Long chấp thuận. Không chấp nhận việc Xiêm vương định đưa ba ông hoàng về nước đòi chia đất với Nặc Chân. Đến năm 1810, sau khi Rama I mất (1809), Nặc Chân đã giết hai viên quan Xiêm là: Cao-La-Hâm-Mang và Trà-Trì-Biện đang sống tại Chân Lạp. Được tin Xiêm đưa quân ào ạt vào Chân Lạp, Nặc Chân lo sợ đã cho sứ sang Huế cầu viện binh.

     Vua Gia Long gửi quốc thư cho nước Xiêm trong đó có đoạn: “Cao-La-HâmMang và Trà-Trì-Biện tuy được Xiêm phong vương, nhưng bọn ấy có lòng bội nghịch, Nặc Ân giết đi không phải là quá. Vua Xiêm lấy cớ ấy mà động binh là danh nghĩa gì? Ta sở dĩ sai tướng đến bảo hộ không phải lợi vì đất nước chỉ vì nghĩa cứu tai thương nạn, vương nên nghĩ kỹ xem.” (Quốc sử quán triền Nguyễn, 1963). Triều đình Huế không muốn vấn đề Chân lạp trở thành ngòi nổ chiến tranh phá vỡ mối quan hệ Việt- Xiêm vốn có. Nhà vua đã cử Nguyễn Văn Nhân- Tổng trấn thành Gia Định- sang kinh lý Chân lạp và theo dõi tình hình nước Xiêm, vua Gia Long dụ rằng: “Phàm có thuyền buôn nước ngoài đến buôn, thì nên hỏi sự thể nước Xiêm thế nào để tâu lên” (Đỗ Bang và Nguyễn Minh Tường, 1996).

     Sang năm 1811, vua Xiêm đã sai Phi Nhã, Phi Phật đi sứ sang Việt Nam dâng phẩm vật và trình quốc thư. Sứ giả Xiêm xin với triều đình Huế bảo vua Chân Lạp thân sang nước Xiêm để hội táng. Vua Gia Long sai dụ rằng: “Chân lạp từ khi có nước đến chưa từng có lễ vua đi mừng, viếng bao giờ. Nếu có lầm lỗi đưa thư sang răng bảo là được hay sai sứ đến trách cũng được, sao bắt bỏ nước mà đi? Lấy nước lớn vỗ về nước nhỏ đó là thuận lẽ trời, nếu nước người làm trái lẽ trời thì Nặc Chân biết làm sao được” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 1963). Cùng năm đó, Gia Long sai sứ sang Xiêm mang theo thư trả lời việc thu xếp vấn đề Chân lạp.

 Thư viết: “Nước Chân lạp là một nước phiên nhỏ, người thưa đất hẹp. Trước đây, các vua thánh ta phong cho cha ông Nặc Chân một nước, một vua, chính quyền một mối. Cho nên có thể nắm giữ được mối giềng để gìn giữ vô sự.

Nay vì nước loạn ly đã lâu, sức người mòn mỏi, Nặc Chân đã làm quốc vương mà em là Nặc Nguyên lại làm vua thứ hai, Nặc Yêm làm vua thứ ba. Một nước ba vua do đó nhân dân mang hai lòng.

Mới đây nghe dân Man không yên, cho nên ra lệnh cho hỗn thần Gia Định đem quân trấn giữ. Đấy là nghĩa yêu nước nhỏ, không thể không được, chứ không phải vì lợi, cũng không phải thiếu dụng binh. Huống chi Nặc Chân đem thần dân trong nước để thờ hai nước lớn, cũng chỉ mong chờ uy đức để giữ bờ cõi toàn vẹn mà thôi.

Trong khi Nặc Chân có việc mà nước Xiêm trong thì có quốc tang, ngoài thì có việc quân thế ấy không thể trông coi cả được, nước ta đi tuần ngoài biên để nhân giữ cho yên, chẳng những giúp cho Nặc Chân mà còn giúp cho cả nước Xiêm nữa. Đường xá xa cách e vương không suốt được ý ấy nên nói rõ ra” (Quốc sử quan triều Nguyễn, 1963).

     Đến tháng 3- 1812, Nặc Nguyên đưa quân Xiêm đánh thành La Bích, Nặc Chân bỏ gia quyến và thân thuộc qua lưu vong ở Gia Định. Tướng giữ đồn Tân Châu là Trần Văn Năng, bảo rằng quân Xiêm đang thịnh, nay mai chúng sẽ đánh vào Gia Định, tốt nhất nên đưa quân sang chiếm trước thành Nam Vang để đoạt vũ khí của địch. Nhưng vua Gia Long khuyên không nên gây hiềm khích ở ngoài biên. Tướng Trần Văn Năng còn viết thư trách việc quân Xiêm ở Chân lạp bắt giữ người Việt sinh sống làm ăn trên đất Chân Lạp. Tướng Xiêm bèn giao hết 163 người Việt và 35 chiếc thuyền cho quân Việt Nam.

     Biết tình hình có thể trở nên nghiêm trọng nên vua Xiêm cử sứ bộ do Sa-Trật-Sĩ Na làm chánh sứ đến Huế dâng quốc thư. Trong thư vua Xiêm thanh minh về việc đưa quân qua Chân Lạp là có ý giải hòa hai anh em Nặc Chân và nặc Nguyên nhưng Nặc Chân sợ bỏ chạy qua nương nhờ ở Gia Định và xin giao ước với Việt nam đưa Nặc Chân về nước. Để triều đình Huế thấy được thiện chí của mình, tháng 11- 1812 vua Xiêm bắt nộp Nặc Nguyên cho Gia Định khi Nguyên từ La Bích chạy sang Xiêm xin ẩn trốn.

      Thấy được thiện chí của vua Xiêm, vua Nguyễn cho sứ bộ lưu lại kinh đô hơn một tháng và tiếp đãi rất nồng hậu. Sau đó hai nước hội binh đưa Nặc Chân về nước, hai bên đều triệt thoái quân đội khỏi Chân Lạp.

     Sang năm 1814, vua Xiêm sai Sá-Phủ-Di-Lạc mang phẩm vật và quốc thư đến Huế. Vua Xiêm cho rằng: Triều đình Huế hậu đãi Nặc Chân, Xiêm vương cũng cám ơn nhưng Chân Lạp vốn là phiên dậu của Xiêm nếu Nặc Chân không chầu nước Xiêm thì nước Xiêm sẽ không trả lại Nặc Nguyên nữa. Vấn đề Chân lạp từ đây trở nên gây cấn. Tháng 8- 1815 Xiêm đưa 500 quân và 50 thuyền chiến qua trấn đóng ở Bắc Tầm Bôn.

     Để tránh xung đột xảy ra, vua Gia Long quyết định hạ chiếu cho Nặc Chân trở về thông sứ với Xiêm. Thế là không khí chính trị ba nước Việt- Xiêm- Chân Lạp thay đổi ngay, Chân Lạp trở lại giao hiếu với Xiêm như trước.

     Vua Gia Long vốn có quan hệ với Xiêm từ những năm tháng lưu vong, cầu viện nên luôn giữ mối quan hệ hoà hiếu, tôn trọng, có thái độ niềm nở, nhún nhường với Xiêm La. Mặc dù thực chất của vấn đề rất phức tạp do xuất phát từ những quan hệ bất đồng về quyền lực và quyền lợi đối với Chân Lạp. Khi Gia Long mất, Minh Mạng nối ngôi, mối bang giao giữa hai nước vẫn được giữ gìn. Nhưng tình hữu nghị thân thiện này không được bền lâu.

     Năm 1827, quân Xiêm cho tướng Sùng-Sam tiến đánh Vạn Tượng (Bắc Lào). Vua Vạn Tượng chay sang Việt nam cầu cứu, xung đột Xiêm- Việt bắt đầu diễn ra trên đất Lào. Còn ở biên giới Tây Nam, từ 1824 Xiêm tìm cách lập địa vị của mình ở Chân Lạp. Ở đây, xung đột Việt- Xiêm cũng bắt đầu.

4. Ý nghĩa của quan hệ Việt- Xiêm đối với sự ổn định khu vực Đông Nam Á lục địa trong 30 năm đầu thế kỷ XIX

     Vào đầu Thế kỷ XIX sự lớn mạnh của hai quốc gia phong kiến Xiêm La và Việt Nam cùng với các mối quan hệ của nó đã có tác động to lớn đối với khu vực: Sự hòa bình hay bất ổn ở khu vực Đông Nam Á lục địa đều chịu sự chi phối của Xiêm và Việt.

     Tình bang giao giữa hai nước nói chung tương đối hòa hiếu tốt đẹp, thể hiện ở việc thường xuyên cho sứ giả qua lại dâng tặng vật phẩm, cùng quan tâm đưa ra những giải pháp tốt nhất để giải quyết những vấn đề xảy ra giữa hai nước và trong khu vực. Chính từ mối quan hệ tốt đẹp này đã tạo sự ổn định cho khu vực Đông Nam Á lục địa trong 30 năm đầu Thế kỷ XIX.

     Quan hệ Xiêm- Việt chi phối tình hình chính trị, kinh tế, xã hội… của các quốc gia trong khu vực mà hai nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất là Chân Lạp và Lào. Quan hệ của phong kiến Xiêm đối với Lào và Chân Lạp là quan hệ xâm lược và thôn tính. Còn quan hệ giữa nhà Nguyễn đối với Lào và Chân Lạp là quan hệ phiên dậu và bảo hộ. Do tính chất mối quan hệ đó dẫn đến việc giải quyết những vấn đề tranh chấp giữa hai nước đối với Lào và Chân Lạp sẽ khác nhau khi mà mối quan hệ Xiêm- Việt có sự thay đổi. Có nghĩa là: Khi nào Xiêm- Việt có quan hệ ngoại giao hòa hiếu, cả hai cùng quan tâm đến vấn đề hòa bình chung thì cùng giải quyết những mâu thuẫn về vấn đề Lào và Chân Lạp mang tính chất đối thoại. Sẽ có những đoàn sứ giả ngoại giao hòa bình của hai nước gặp nhau, mang theo những lời nhắn gửi của hai vị quốc vương với những lời hòa bình thương thuyết.

     Chẳng hạn như sự kiện năm 1812, khi hai anh em vua Chân Lạp tranh giành ngôi vị, Nặc Nguyên cầu viện quân Xiêm vào Chân Lạp, quốc vương Chân Lạp- Nặc Chân- phải bỏ chạy sang Gia Định nương náu. Tình hình ngày càng nghiêm trọng nguy cơ chiến tranh có thể bùng nổ. Vua Xiêm đã sai đoàn sứ bộ do Sa-Trật-Sĩ-Na làm chánh sứ sang triều đình Huế trình quốc thư, nội dung có đoạn : “…vì anh em Nặc Chân không hoà, cho nên sai trọng thần đến là muốn dập tắt mối tranh chấp chứ không có gì khác…” (Đỗ Bang et al, 1996). Triều đình Huế cũng không muốn chiến tranh xảy ra trong khu vực, không muốn sứt mẻ tình bang giao Xiêm- Việt nên vua Gia Long đã phán rằng: “nước ta và Xiêm La có nghĩa láng giềng từ lâu, Chân Lạp là nước phiên thần của ta chưa làm việc gì thất lễ, há nên gây hấn ngoài biên” (Đỗ Bang et al, 1996). Từ những lời tuyên bố trên của hai vị quốc vương đã làm thay đổi hẳn tình thế: Quân Xiêm rút về nước, Nặc Chân trở về Chân Lạp và không khí chính trị ba nước thay đổi ngay, Chân Lạp trở lại giao hiếu với Xiêm và là phiên thần của Việt Nam.

     Trong suốt thời Gia Long (Việt Nam), Rama I, Rama II (Xiêm La) quan hệ Xiêm- Việt tuy có một vài xung đột về vấn đề Chân Lạp nhưng nhìn chung các vị quốc vương đều dùng những phương pháp hòa bình để xoa dịu tình hình. Chính vì thế mà 30 năm đầu Thế kỷ XIX khu vực Đông Nam Á lục địa tương đối ổn định. Nhưng sang đời vua Minh Mạng và Rama III thì mối bang giao Xiêm- Việt bắt đầu rạn nứt. Trong những năm đầu thời Minh Mạng tình hòa hiếu vẫn còn tốt đẹp, nhưng dần về sau mối quan hệ này bề ngoài không ra mặt thù địch, bên trong thì đã bắt đầu rạn nứt.

     Sự kiện năm 1827, Xiêm đã đưa quân sang xâm lược Vạn Tượng (Bắc Lào), năm 1833 Xiêm lại đưa quân xâm lược Chân Lạp và xâm phạm biên giới Tây Nam (Việt Nam). Bắt đầu từ đây, từ những năm giữa Thế kỷ XIX quan hệ Xiêm- Việt trở nên thù địch, kéo theo tình hình khu vực Đông Nam Á lục địa căng thẳng: Chiến tranh lúc thì bùng nổ trên đất Lào, lúc thì diễn ra ở Chân Lạp, do việc tranh giành ảnh hưởng với hai nước này của Xiêm và Việt.

     Từ tình hình trên ta có thể rút ra kết luận, quan hệ Việt- Xiêm không chỉ có ý nghĩa đối với hai nước mà còn có ý nghĩa quyết định đối với sự ổn định của khu vực Đông Nam Á lục địa.

5. Kết luận

     Như vậy, Việt Nam và Thái Lan vốn có quan hệ láng giềng từ lâu đời nhưng chỉ đến khi vua Chackri thứ I (1782) và Gia Long (1802) thiết lập mối bang giao, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai vương quốc thì quan hệ Việt- Xiêm trở nên gần gũi và thân thiết hơn. Đồng thời mối quan hệ này nổi lên bao trùm và chi phối các mối quan hệ khác, nó bảo đảm sự ổn định chung của khu vực Đông nam Á lục địa và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu văn hóa của nhân dân hai nước.

     Trong nhân quan chính trị chật hẹp, ích kỷ của chế độ phong kiến mà vương quốc Xiêm và nhà Nguyễn duy trì được quan hệ hòa bình, thân thiện trong gần 30 năm là điều đặc biệt hiếm có trong quan hệ giữa các nước lúc bấy giờ. Có thể giải thích điều này bằng hai lý do: Một là, Rama II và Nguyễn Ánh đã tạo được sự hiểu biết và tôn trọng nhau thông qua quá trình giúp đỡ lẫn nhau cũng như cùng giải quyết những vấn đề giữa hai nước có liên quan đến các nước khác trong khu vực. Hai là, vương quốc Xiêm và nhà Nguyễn đã đạt được sự quân bình lực lượng trên đất Chân Lạp. Nhờ đó cả Xiêm lẫn Việt đều giải quyết vấn đề Chân Lạp bằng con đường ôn hòa, thương lượng.

     Ngày nay, thế giới đang chuyển từ đối đầu sang đối thoại: Việt Nam- Thái Lan đang xích lại gần nhau về nhiều mặt, quan hệ hòa hiếu 30 năm giữa hai nước, cũng như việc giải quyết vấn đề Chân Lạp bằng con đường ôn hòa, thương lượng còn giá trị thực tiễn cho việc xây dựng hòa bình trong khu vực Đông Nam Á hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Đỗ Bang và Nguyễn Minh Tường. 1996. Chân dung các vua Nguyễn. Huế. Nhà xuất bản Thuận Hoá. 200p

     Phan Ngọc Liên . 1998. Lược sử Đông Nam Á. Hà Nội. Nhà xuất bản giáo dục. 100p

     Quốc sử quán triều Nguyễn. 1963. Đại nam thực lục tập III- IV. Hà Nội. Nhà xuất bản Sử học. 180p

     Hồng Thái. 5-1986. Vài nét về quan hệ giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong lịch sử. Tạp chí nghiên cứu Lịch sử. Hà Nội. 14- 21

     Nguyễn Lương Bích. 2003. Lược sử ngoại giao Việt Nam. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. 122p.

Nguồn: Trường Đại học Cần Thơ,
Tạp chí Nghiên cứu Khoa học, năm 2005: 4 238-244

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Quan hệ Việt- Xiêm nửa đầu thế kỷ XIX (Tác giả: Đoàn Nguyệt Linh
Nguyễn Hoàng Vinh)