Quang Khánh thiền tự – Từ tự sự tôn giáo

QUANG KHANH PAGODA – A VIEW OF RELIGION

Tác giả bài viết:  NGUYỄN THỊ PHƯƠNG
(Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT

     Thiền sư Tuệ Nhẫn tên hiệu Quán Viên là danh tăng thời Trần. Ông quê ở làng Dưỡng Mông (Kim Thành – Hải Dương) và xuất gia, thụ giới nơi chùa Báo Ân, một ngôi chùa lớn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Về sau, Quán Viên về trụ trì chùa Tường Quang Non Đông (Đông Triều -Hải Dương), và vì thế, ông còn được nhân dân gọi là Thánh tổ Non Đông. Quán Viên trở về quê hương dựng xây chùa Muống (tên chữ là Quang Khánh tự) cùng nhiều chùa khác vùng Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh ngày nay. Dân làng Dưỡng Mông còn lập Quán Viên làm Thành hoàng của làng, thờ tự như một vị thần linh để bảo trợ cho dân làng. Thiền sư Quán Viên, Thánh tổ Non Đông, dù tên gọi thế nào, đều gắn liền với giai đoạn phát triển thịnh vượng của Phật giáo thời Trần. Chùa Quang Khánh, từ thời Trần, thời Lê và cho đến về sau, các lớp thiền sư trụ trì, dựng chùa, viết văn bia cũng gắn liền với các truyền thuyết, với tín ngưỡng lễ hội và văn hóa, với đời sống tâm linh làng xã từ giai đoạn đó. Những dấu ấn đó, được kết nối từ thiền sư Thánh tổ, cho đến các thế hệ thiền sư thời sau, tạo nên điểm văn hóa, nét đặc sắc, sự kết nối quá khứ đến hiện tại của văn hóa tín ngưỡng Phật giáo chùa Quang Khánh nói riêng và Hải Dương nói chung.

Từ khóa: Thánh tổ Non Đông, Tuệ Nhẫn, Trúc Lâm, Quán Viên, chùa Muống.

ABSTRACT

     Zen master Tue Nhan, who has been known as Quan Vien, is a famous Buddhist monk lived in the Tran dynasty. Born in Duong Mong village (Kim Thanh, Hai Duong), he ordained at the large temple of Truc Lam Yen Tu zen sect called Bao An pagoda. Quan Vien later became the abbott of Tuong Quang Non Dong pagoda in Dong Trieu (Hai Duong), where he was called the Non Dong ancestor. After that, Quan Vien returned to his hometown to build Muong pagoda (named after Quang Khanh pagoda) and other pagodas in Hai Duong, Hai Phong, and Quang Ninh. Therefore, he has been considered as the village’s tutelary god in Duong Mong who has power to protect the villagers. Zen master Quan Vien is associated with the prosperous development period of Buddhism under the Tran dynasty. From the Tran-Le dynasty to the recent time, some classes at Quang Khanh Pagoda including zen master, pogoda construction, and epitaph writing have been reflected these legends, with festive and cultural beliefs, and with village spirituality. These imprints, linked from the Zen master Quan Vien to the generations of Zen masters in the future, create cultural points, characteristics, the past connection to the presence of Buddhist temple culture and beliefs in Quang Khanh pagoda in particular and Hai Duong in general.

Keywords: Non Dong ancestor, Tue Nhan, Truc Lam, Quan Vien, Muong pagoda.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Thôn Dưỡng Mông trước đây thuộc tổng Phù Tải, huyện Kim Thành, về sau chia làm năm thôn: Quảng Đạt, Dưỡng Mông, Quan Cao, Phố huyện và thôn Bằng Lai, hợp thành xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Hiện nay xã Ngũ Phúc có 3 thôn: Quảng Đạt, Dưỡng Mông, Bằng Lai và một phần giáp với xã Thanh Lang, huyện Thanh Hà – tỉnh Hải Dương1. Theo truyền thuyết, người dân ở đây thường sống bằng nghề trồng rau muống, từ đấy gọi là làng Muống, cũng như ghi âm Hán Việt cho làng là Dưỡng Mông và ngôi chùa làng được gọi theo tên nôm của làng – Chùa Muống.

     Chùa Muống được xây dựng ở phía Tây Bắc thôn Dưỡng Mông. Phía đông chùa giáp ngay với đồng ruộng thôn Dưỡng Mông. Phía Tây giáp sông Giàn còn có tên là sông Rạng, sông Văn Úc. Phía Bắc giáp đường làng. Theo truyền thuyết chùa Muống được toạ lạc trên lưng con rùa mẹ, xung quanh là đàn rùa con. Thực tế đây là nơi cửa sông có khí hậu trong lành mát mẻ. Cũng như các ngôi chùa khác, chùa Muống là nơi thờ Phật và sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo trong nhân dân. Chùa thờ Thánh tổ Non Đông, một môn đệ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần. Thánh tổ Non Đông đã tu hành và thuyết pháp ở 72 chùa, trong đấy chùa chính ở Non Đông (Đông Triều – Quảng Ninh) và quê hương chốn chùa Muống. Chùa Muống là trung tâm tôn giáo tín ngưỡng thuộc về đạo phật lớn nhất của huyện Kim Thành. Chùa được xếp hạng di tích Quốc gia năm 1992.

2. Nội dung

     2.1. Chùa Muống – từ Thánh tổ Non Đông đến bản địa hóa tôn giáo

     Nhiều tư liệu lịch sử ghi chép lại, cho thấy chùa Muống xã Dưỡng Mông là một trong những ngồi chùa to lớn thời Lý – Trần. Văn bia Quang Khánh tự bi minh tịnh tự, do tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487) Phạm Cảnh Chiêu soạn, khắc dựng năm Hồng Thuận thứ 7 (1515) có nội dung cho rằng: “Quốc sư là người ở Muống thuộc Trà Xuyên thời Trần, họ Vương, tên hiệu là Quán Viên”. Thiền sư Tuệ Nhẫn là người làng Muống, tổng Phù Tải (nay thôn Dưỡng Mông, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành), sinh năm 1257 đời Trần Thái Tông. Tuệ Nhẫn lúc mới sinh ra có tướng mạo thần thái lanh lẹ khác thường. Thuở nhỏ bố mất sớm, mẹ ở vậy nuôi con, sư khắc khổ cần học, tinh thông kinh sử. Đến năm 1275 tâm thuần theo đạo, Tuệ Nhẫn liền đến làm đệ tử của Đại sư Kiên Huệ ở chùa Báo Ân, huyện Siêu Loại (nay là Bắc Ninh). Năm 20 tuổi, thụ Cụ túc giới với hai sư ở chùa Nghĩa Trụ và Chân Giám2. Từ ngày giới pháp đầy đủ, đức hạnh của nhà sư càng cao, thiền môn coi sư là bậc long tượng cửa thiền. Đến khoảng niên hiệu Trùng Hưng (1285 – 1293) đời Trần Nhân Tông, đất nước gặp hiểm nguy, giặc Nguyên đến xâm phạm kinh thành. Đạo Phật phần nào chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh, nhiều vị sư tăng bỏ bê cảnh chùa, riêng có Tuệ Nhẫn bền lòng giữ Đạo, dốc sức cứu độ dân sinh, do vậy được mọi người mến mộ theo về. Về sau, Tuệ Nhẫn nhận lời mời của Thiền sư Đại Nghĩa mà về trụ trì chùa Non Đông3. Năm Hưng Long (1293 – 1314), dân tình có ý xa lánh chính đạo, chùa chiền hoang phế, nhiều tà đạo xâm nhập gây thiệt hại cho dân chúng, Tuệ Nhẫn ra sức khuyến hóa nhân dân. Đây cũng là thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Ảnh hưởng của thiền phái, của Tuệ Nhẫn đã được Trần Anh Tông ghi nhận, nhà vua đến thăm chùa, ban hiệu là Tuệ Nhẫn Quốc Sư. Về sau, Tuệ Nhẫn lẩn tránh, dựng am Minh Tịnh Liên Xã để tu hành. Ngày 27 tháng giêng năm Ất Sửu (1325) niên hiệu Khai Thái thứ 2 đời Trần Anh Tông, Thánh tổ quy tây, hưởng thọ 69 tuổi, tuổi đạo là 51. Thánh tổ Non Đông có công xây dựng nhiều chùa lớn như: Vĩnh Nghiêm (Chí Linh), Siêu Loại (Bắc Ninh), Đông Khê (Hải Phòng),… với khoảng 72 ngôi chùa lớn nhỏ thuộc về tổ đình Non Đông và Quang Khánh. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử từ Thánh Tổ Non Đông ảnh hưởng thiền phái đến một vùng rộng lớn ở Hải Dương và Hải Phòng ngày nay. Nhiều tư liệu địa phương về Hải Dương, về Xứ Đông đều có ghi lại nội dung cơ bản về Thánh tổ Tuệ Nhẫn quốc sư. Đến thời Nguyễn, các thư tịch như Thiền uyển truyền đăng lục, Đại Nam nhất thống chí đều có ghi chép, hoặc cho những nhận xét về ảnh hưởng của Tuệ Nhẫn trong lịch sử Phật giáo Việt Nam và ảnh hưởng văn hóa ở Hải Dương, Hải Phòng ngay nay. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi rằng: “chùa Quang Khánh: ở xã Dưỡng Mông, huyện Kim Thành. Sư Ông Mộng, thời Trần, trụ trì ở đây, tu luyện đắc dạo, pháp thuật tinh thông. Vua Trần Minh Tông đau mắt, thầy thuốc điều trị không khỏi, đêm mộng thấy một thầy thuốc tự xưng là Ông Mộng, khi tỉnh dậy, không cần thuốc thang, mà mắt tự khỏi, bèn lất tên người trong mộng, hỏi khắp các châu huyện, khi đến chùa này mới thầy, nhà vua sắc phong là Từ Giác Quốc sư, lại phát tiền kho, tu bổ chùa quán cho tên là chùa Quang Khánh4. Còn nhiều thư tịch, truyền thuyết trong làng xã ghi chép về Thánh tổ Non Đông, dù rằng, tên ông gắn với chùa Non Đông ở Đông Triều, cũng như văn bia thời Trần còn lưu dấu vết, nhưng sự hoằng dương của ông lại gắn liền từ chùa Quang Khánh và hệ thống sơn môn vùng phụ cận.

     Chùa Muống là ngôi chùa cổ, đến nay vẫn còn giữ được nhiều hiện vật cách đây hàng mấy trăm năm. Bia chí, tượng pháp, thậm chí khoa cúng tổ tại chùa đều có những ghi chép lưu dấu ấn lịch sử không chỉ ngôi chùa làng, mà là văn hóa tông giáo người Việt với một vùng sông nước. Những giá trị đó đi cùng năm tháng, ẩn hiện trong làng xóm, qua lễ hội và tín ngưỡng bản địa. Hàng năm hội chùa Muống được tổ chức kỷ niệm ngày mất của sư Tuệ Nhẫn. Sau khi Thiền sư Tuệ Nhẫn viên tịch, dân làng còn tôn ông làm Thành hoàng làng. Lễ hội làng đã có từ rất sớm, là truyền thống và mang hai yếu tố tín ngưỡng bản địa Thần linh và Phật giáo. Hội làng bắt đầu từ ngày 24 – 26 tháng giêng, thu hút rất nhiều khách thập phương. Ngày 24 làm lễ nhập tịch, cỗ chay gồm hoa quả, bánh dầy, bánh nế, tụng kinh cả đêm,… Ngày 25, theo lệ là ngày rước bánh dầy quanh chùa trước khi đưa vào tiến đường thờ Thánh tổ. Ngày 26, là ngày trọng hội, khách đến dự rất đông từ sáng sớm. Lễ rước thực hiện như ở các đền và đình làng, gồm có bát biểu, tàn, lọng, đòn bát cống rước tượng Thánh tổ Non Đông, Thánh Phụ, Thánh Mẫu. Đoàn rước diễu xung quanh chùa rồi ra Tam quan làm lễ, sau đó lại chuyển vào chùa để các thần tượng được an vị.

     2.2. Truyền thừa tông phái với lịch sử nước Việt

     Trải qua mấy thế kỷ, chùa Quang Khánh vẫn liên tiếp có các Thiền sư trụ trì, nhằm mục đích duy trì mạng mạch của Phật pháp, khêu tỏ ngọn đèn thiền, làm cho Đạo pháp được xương minh, thiền môn được hưng thịnh. Bởi vậy, từ xưa cũng như ngày này các tăng ni, phật tử, nhân dân đều coi đây là Tổ đình vang bóng lừng lẫy, có nhiều bậc Thánh tăng nổi tiếng.

     Theo chân các ngôi Tháp cổ, sắc phong và Khoa cúng lịch đại chư vị Tổ sư, thì tại chốn Tổ đình đây đã trải qua nhiều đời, các bậc cao tăng thạc đức phù vua giúp nước.

     Thiền Uyển truyền đăng tập lục, biên soạn bởi Phúc Điền thời Nguyễn cho biết nội dung ở tờ 15 của sách với nội dung: Khai sơn thủy tổ sắc phong Đại thánh Đông Sơn Tuệ Nhẫn Từ Giác quốc sư, trải đời thứ 10 là Tịnh Hạnh tháp, được ban áo Tử y, Tăng chính Như Văn hòa thượng; đời thứ 11 là Liên Phương tháp Tính Nhuế; đời thứ 12 là Tuệ Diễm Hương Hải tổ sư; đời thứ 13, ở núi Tử Sầm, tỉnh Sơn Tây là Tính Quảng Thích Điều Điều, được phong Thời Vũ thượng đức tổ sư; đời thứ 14 là Vô Biệt Hải Luật tổ sư, người Hải Dương; đời thứ 15 là Vô Ngại Hải Thâm Thiên Hương Tịch Dục thiền sư; đời thứ 16 là Ngọa Vân Sơn Đà Tịch Ấn thiền sư; đời thứ 17 là Tịnh Giác Tịch Tế thiền sư; đời thứ 18 là Vô Ngu thiền sư,… Ngoài ra, hệ thống văn bia cũng từng bước bóc tách lịch đại tổ sư của chùa, truyền thừa tông phái. Sau thời Trần, nhà Lê độc lập, xây dựng quốc gia quân chủ, sùng thượng đạo Nho, Phật giáo dần suy vi và tản tác vào chốn làng xã. Chùa Quang Khánh cũng như bao chùa ở miền Bắc Việt Nam dần suy vi và dù mạch nguồn thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vẫn còn sót lại, vẫn truyền lại về sau nhưng không khỏe mạnh thịnh vượng. Sang thế kỷ XVIII, thiền phái Lâm Tế miền bắc được truyền từ chùa Phật Tích và Bút Tháp (Bắc Ninh) bởi Chuyết Chuyết thiền sư, đã mở ra sự phát triển mới cho Phật giáo Việt Nam. Văn bia chùa Muống, đến nay vẫn ghi lại hệ phái phát triển, sơn môn pháp phái, cho sự phát triển của thiền phái Lâm Tế ở chùa, và phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay. Trong chùa, ngoài khoa cúng tổ, cho biết về sơn môn pháp phái, thì tấm bia được Tính Quảng Thích Điều Điều soạn thuật lại thân phận của tổ sư để lại những giá trị to lớn. Tổ Sư Như Văn cũng được nhắc đến trong bia chí như sự phát triển đầu tiền của sơn môn Lâm Tế phục hưng. Từ Chuyết Chuyết truyền xuống Minh Hành, Minh Hành truyền xuống Chân Hiền, Chân Hiền truyền cho Như Văn. Thiền sư Như Văn trụ trì chùa Muống, và về sau, ông phát triển sơn môn pháp phái ở đây và phát triển cho đến thời cận hiện đại.

     Tấm bia Cổ tích danh lam trùng tu tín thí có niên đại năm Vĩnh Thọ thứ 7 (1662), cho biết truyền thừa tông phái của chùa Quang Khánh từ Tuệ Nhẫn quốc sư. Văn bia Tịnh Hạnh tháp, do Tính Quảng Thích Điều Điều soạn ghi chép nội dung về Như Văn thiền sư, truyền đến các đời sau. Như Văn thụ giới từ Chân Hiền Liễu Nhất thiền sư ở chùa Hoa Yên. Chân Hiền là đệ tử của Minh Hành, vốn trụ trì chùa Bút Tháp. Sau này, Như Văn truyền cho Tính Chủng, Tính Lâm, Tính Quảng,… mở rộng sơn môn khắp xứ Hải Đông. Đây là mạch truyền tông phái Lâm Tế miền bắc.

     Cho đến sau này là các vị như Hoà Thượng Vô Vi; Hoà thượng Thích Tuỳ Duyên; Đại đức Thích Thanh Giác. Trong đó, Hoà Thượng Vô Vi là vị chứng kiến những năm chiến tranh, có vị cầm súng đi chiến đấu, nhằm mục đích bảo vệ Đạo Pháp và Dân Tộc. Cho đến nay, trù trì chùa là Đại đức Thích Thanh Tuấn và Thích Thanh Luân, tiếp nối các vị Thiền sư, Tổ sư cùng nhân dân địa phương xây dựng, bảo tồn chùa Quang Khánh.

     2.3. Từ lịch sử đến văn hóa

     Chùa Quang Khánh trước chiến tranh là một trong những ngôi chùa được xây dựng sớm ở đất Kim Thành, đến thời Trần do sư Tuệ Nhẫn – môn đệ của thiền phái Trúc Lâm chủ trì xây dựng hoành tráng. Trải qua mấy trăm năm, chùa vẫn giữ được kiến trúc, pháp khí, tượng pháp cũ xưa. Văn bia ghi lại chùa trùng tu, đúc chuông, tạc tượng. Các hiện vật trong chùa còn bảo nguyên theo năm tháng. Thời Nguyễn, cho đến thời hiện đại, ngôi chùa luôn gắn liền với lịch sử phát triển của dủa dân tộc.

     Lịch sử ngôi chùa cũng gắn liền với lịch sử thời hiện đại ở Việt Nam. Đây là ngôi chùa lớn, gắn liền với nhiều nhà hoạt động trong phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX. Năm 1932 các chí sĩ yêu nước đương thời như Lương Khánh Thiện, Trần Huy Liệu, Dương Văn Mã, Tăng Văn Tổ đã về chùa Muống hoạt động. Các đồng chí vận động một số sư, sãi tham gia cách mạng như sư ông Trạch Lâm, ông Hai Nhiễu và sư bác Tính. Từ đó chùa Muống đã trở thành cơ sở hoạt động cách mạng. Chùa Muống là nơi thuận tiện đường giao thông thuỷ, bộ, nên cuối năm 1943 đầu năm 1944, quân Nhật đã chiếm một số gian chùa đựng thóc, phục vụ cho chiến tranh. Năm 1945 khi cao trào cách mạng lên cao dưới sự lãnh đạo của tổ chức Việt Minh, nhân dân đã phá kho thóc chia cho dân nghèo. Nhiều hoạt động từ thiện cũng như hoạt động phong trào giải phóng dân tộc trong những giai đoạn sau, chùa Muống góp giá trị to lớn cho các vấn đề kinh tế, chính trị và văn hóa ở Việt Nam.

     Cuối năm 1945 đầu năm 1946 huyện uỷ Kim Thành và Mặt trận Việt Minh đã chọn chùa Quang Khánh làm trụ sở của Ủy ban tăng gia kháng chiến được cụ Thích Tâm Quyến làm trưởng ban. Cụ Thích Thanh Vân làm Ban chấp hành hội Tăng gia cứu quốc. Hội đã ấn loát một số tài liệu chính sách của Đảng, của Mặt trận đã phân phát và các chùa và tín đồ phật tử trong toàn huyện. Chùa được giành một phòng để treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, khẩu hiệu, ảnh lãnh tụ. Hàng tháng các sư trong huyện về chùa để lĩnh hội chủ trương, chính sách của huyện. Năm 1946, tới đầu năm 1947, dựa vào địa hình thuận lợi, huyện uỷ Kim Thành đã tổ chức những lớp huấn luyện quân sự tại chùa Muống. Đồng chí Hoàng Hồi sau là Bí thư huyện uỷ Kim Thành trực tiếp chủ trì. Các cán sự được đào tạo sau trở về xã làm hạt nhân trong cuộc kháng chiến.

     Giai đoạn kháng chiến, quân Pháp đã nhiều lần bắn pháo đạn vào nhân dân nói chung và chùa Muống nói riêng. Lịch sử vẫn qua đi, nhưng những dấu vết, chứng tích của chiến tranh vẫn còn lại mãi mãi. Chùa Muống xã Ngũ Phúc hiện nay là một trong những cơ sở cách mạng kháng chiến của địa phương. Chùa Muống cũng là cơ sở nuôi và bảo vệ nhiều cán bộ, chiến sĩ trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX.

     Hoà bình lập, đất nước hoàn toàn giải phóng. Trên mảnh đất của di tích cũ, nhân dân địa phương đã xây dựng lại chùa. Năm 1981, Hoà Thượng Vô Vi cùng địa phương và nhân dân đã chuyển chùa Am ra khôi phục lại các công trình của chốn Tổ, gồm 5 gian Tiền Đường, 2 gian hậu cung, 5 gian nhà Tổ, 5 gian nhà ở, 5 gian nhà khách và các công trình để rước Phật và Thánh Tổ về thờ. Áp sát đê sông Giàn được xây lại Tam quan dài 4,6m. Cổng chính cao 3 m, cổng phụ cao 2,2m. Nóc cổng chính đắp “Lưỡng long chầu nguyệt”. Qua phần bên phải tạo dựng vườn hoa, cây cảnh. Sân gạch dài 14,6m, rộng 9,2m. Nhà bái đường dài 13m rộng 4,35m, chia làm 5 gian. Gian bên trái thờ Mẫu, hiện có tượng Mẫu ngồi trong khám tượng. Khám sơn son thiếp vàng. Gian bên phải có tượng “Đức Chúa” ngồi trong khám, 3 gian ngoài, gian trung tâm treo đại tự: Từ Quán quốc sư. Tiếp theo là gian hậu cung được bài trí tượng Phật như: Tam thế, Tuyết Sơn, Bồ Tát, Thánh Tổ,…

     – Năm 1987 Hoà Thượng Vô Vi lâm bệnh nặng và xả báo thân an nhiên thị tịch tại chốn Tổ.

     – Năm 1989 Tỉnh Hội Phật Giáo Hải Dương đã phân bổ Hoà Thượng Thích Tuỳ Duyên về Trụ trì chùa Quang Khánh.

     – Năm 1992, Đảng, Nhà nước và Bộ Văn hoá đã căn cứ vào lịch sử của chùa Quang Khánh, xếp hạng Di Tích lịch sử cấp Quốc gia, do Bộ trưởng Bộ Văn hoá thông tin Trần Hoàn đã ký. Năm 1995 Hoà Thượng trụ trì vì tuổi cao sức yếu, đã giao cho Đại Đức Thích Thanh Giác là người thuộc Sơn môn chốn Tổ cùng địa phương xây dựng ngôi Tổ đường – Năm 1997, sửa sang lại khu vườn tháp

     – Năm 1999, xây dựng toàn bộ các công trình phụ.

     – Năm 2002, xây dựng Ngôi giảng đường.

     – Năm 2004, địa phương cùng nhà chùa đã lập tờ trình, trình các cấp và đã được sự nhất trí của các cấp cho xây dựng, trùng tu, tôn tạo lại ngôi Bảo điện.

     Đến nay, nhà chùa và địa phương luôn có ý thức gìn giữ, trùng tu, tôn tạo, hoàn thiện chùa ngày một khang trang, đẹp đẽ, 2.4. Các hiện vật trong chùa Quang Khánh.

     Theo truyền thuyết, bia ký thì chùa Muống được xây dựng từ thời Lý – Trần, các triều đại sau tiếp tục tu sửa, tôn tạo. Chùa trở thành trung tâm Phật giáo lớn và nổi tiếng của Hải Dương. Đến triều Nguyễn chùa có trên 120 gian, hàng trăm pho tượng cổ và bia ký có giá trị. Chùa được quy hoạch trên khuôn viên 15.000m2, theo kiểu nội cung ngoại quốc với khuôn viên rộng lớn liên hoàn, từ tam quan, bái đường, nhà tổ, giai vũ, nhà ăn, ở, nhà bếp, nhà mẫu,… có các pho tượng như: Tam thân, Tam thể, Di Đà, Quan Âm, Hộ pháp, Bà La sát,… Chùa có nhiều đồ tế tự như: chuông, khánh, long, đình, câu đối, cửa võng,…

     Chùa còn một vườn tháp sư gồm 32 tháp sư lớn nhỏ vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay. Cách chùa khoảng 40m về phía Tây có 16 cây, trong đó 8 cây được xây dựng 3 tầng, còn 8 cây kiến trúc thấp. Các tháp 3 tầng, theo chiều nhỏ dần ở trên. Tháp đá chắc chắn, kiến trúc ghép đá vững chãi, trên cùng bầu đá hình nậm rượu, đáy nậm có tòa sen đỡ, phía tầng các tháp đều có mái che cách điệu cong lên vừa phải. Phần đế xây giật xa dần, tạo cho tháp thêm vững vàng. Tháp có tên tháp, thường là tên hiệu thiền sư, hông bên tháp thường có bia ghi tên tuổi nhà sư, ngày mất và ngày nhập tháp. Trong 32 tháp trên có 17 cây tháp 3 tầng, cao 4 – 4,7m; 15 tháp cao 1,5 – 2,5 m. Có 7 tháp được xây dựng bằng đá xanh. Các tháp này có niên đại từ thế kỷ 17 – 19.

     Hiện nay trong chùa còn có rất nhiều hiện vật có giá trị như: chuông, khánh, bát bửu, long đao, sập, bệ đá,… Chùa lưu giữ 20 pho tượng cổ: tượng mẫu, tượng Đức Chúa, tượng tam thân, tam thế, Di Đà, Quan Âm, Thánh Tổ Non Đông, Cửu Long,… toàn bộ tượng ở đây đếu được cấp bằng đất, nhào với trấu, giấy bản, thân hình cân đối, gương mặt được thể hiện có hồn. Hai câu đối sơn son thiếp vàng, 2 cửa vòng trạm long, li, thông, mai, trúc, cúc, 3 đại tự sơn son thiếp vàng, 32 tháp sư có 7 cây được làm bằng đá, 8 sắc phong, 2 khám cao 1,55m, rộng 1,1m, sơn son thiếp vàng và được chạm hình hoa dây nhỏ và đều, 1 bát hương sứ vẽ phong cảnh cao 0,32m, đường kính 0,30m, 1 chuông đồng cao 0,85 cả quai, đường kính 0,35m.

     Ngoài số tháp, cũng còn số lượng bia, từ bia lịch sử trùng tu chùa, bia chư tổ, cho đến bia hậu. Giá trị đặc biệt với lịch sử chùa, lịch sử tông giáo là hệ thống bia lịch sử chùa như bia tháp tổ. Đây là những văn bia cho thấy sự phát triển không chỉ Phật giáo ở vùng quanh chùa mà cả xứ Hải Dương xưa.

     – Tháp Liên Phương: Sa môn Tính Quảng Thích Điều Điều soạn; Tì khưu Hải Luật Quýnh Quýnh viết chữ; Hoàng Công Nghệ, người xã Kính Chủ khắc bia. Tạo dựng năm Cảnh Hưng 18 (1757) nhà Lê. Bia 1 mặt, khổ 60 x75cm. Không có diềm trang trí. Toàn văn chữ Hán, khắc chân phương, có 27 dòng, khoảng 800 chữ. Tháp Liên Phương chứa xá lị của thiền sư Tính Khoát Thích Trừng Trừng. Sư nguyên quán xã Kính Chủ, huyện Giáp sơn là đệ tử của Như Văn thiền sư. Gia đình sư (cha họ Hoàng, mẹ họ Lê) nối đời làm nghề khắc đá, thuật nghệ tinh chuyên. Khi theo cha đến khắc bia ở chùa Sùng Phúc (Lương Tài – Bắc Ninh) bỗng có lòng mến mộ khác lạ, mới xin cha mẹ cho xuất gia. Năm Vĩnh Thịnh 4 (1708) ông 23 tuổi, theo hầu học đạo với Như Văn thiền sư, đạo tâm tinh tiến, sau đó được triều đình cấp độ điệp, cùng với sư thầy về làm Phật sự tại Thăng Long. Sau khi Như Văn quy tịch, sư nối gót truyền đăng trong 18 năm. Đến ngày 3 tháng 9 năm Tân Dậu (1741), sư viên tịch, thọ mệnh 57 tuổi, 35 tuổi hạ (tuổi tu). Bấy giờ gặp lúc đói kém, thi hài an táng tạm cạnh chùa. Đến tháng 10 Đinh Sửu (1757) đệ tử nối pháp tự là Hải Phạm mới lo liệu dựng tháp đá, chứa bình cốt của thiền sư, đặt tên là tháp Liên Phương5.

     – Quang Khánh tự bi minh tịnh tự: Bia nói về tiểu sử và hành trạng ngài Tuệ Nhẫn quốc sư, do Phạm Cảnh Chiêu, Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487), Thượng thu bộ Lễ soạn; Vũ Đình Đô khắc bia. Tạo năm Hồng Thuận 7 (1515) nhà Lê. Bia một mặt, khổ 80 x122, chạm lưỡng long triều nguyệt, hình chú tễu đóng khố, hai tay nâng mặt trăng, hai bên chạm hoa chim đăng đối qua dây hình sin. Toàn văn chữ Hán, khắc chân phương, có 36 dòng, khoảng 1500 chữ. Nội dung văn bia còn được ghi chép trong một số tư liệu Hán Nôm khác về địa phương tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Ngoài ra, đây là văn bia dựng lại sau, vốn còn một tấm bia thời Trần có nội dung tương tự, đã mờ lưu tại chùa Non Đông, huyện Đông Triều, Quảng Ninh.

     – Bia tháp Tịnh Hạnh: Do Tính Quảng Thích Điều Điều soạn; Hải Luật Quýnh Quýnh viết chữ; Tính Y Thích Hạo Hạo trụ trì giám khắc, tạo năm Cảnh Hưng 18 (1757) nhà Lê. Bia một mặt, khổ 64 x110cm. Không có diềm trang trí. Toàn văn chữ Hán, khắc chân phương, có 46 dòng, khoảng 1000 chữ. Bia ghi nội dung công quả của Như Văn thiền sư. Như Văn nguyên quán xã Kim Luỹ, huyện Đông Triều (tỉnh Hải Dương cũ, nay thuộc Quảng Ninh) cha họ Phạm, mẹ họ Lê, sinh năm Thịnh Đức 3 (1655), 24 tuổi lên núi Yên Tử xin xuất gia cầu đạo với Chân Hiền thiền sư. Sau khi đắc pháp, sư đi vân du nhiều nơi ở miền Đông Bắc tham vấn nhiều bậc cao tăng đương thời, rồi sư trù trì chùa Tư Phúc ở Côn Sơn, sau đó về trụ trì chùa Quang Khánh. Năm Tân Sửu (1721), Hy tổ Nhân vương Trịnh Cương sai Hiển Thọ hầu đến chùa thỉnh sư về kinh cầu đảo ở tháp Báo Thiên, được chúa ban Tử y kim lũ cà sa, phong chức Tăng phó. Năm Giáp Thìn niên hiệu Bảo Thái 5 (1757) môn nhân Phật tử làm lễ xây tháp công quả phụng thờ.

     – Bia chùa Quang Khánh: Bia ghi lại ở đây có cầu Hạ Gia, trải qua binh lửa đã hư hỏng, ngày hưng công làm lại là 25 tháng 12 năm Kỷ Tỵ và hoàn thành 14 tháng 2 măm Bính Ngọ. Bia còn ghi danh sách những người hưng công thuộc các dòng họ Phạm, Nguyễn, Trần, Vũ,… Trong đó có vị là Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu Tri Thiều Cẩm, tự là Đồng Quang Đính,… Bia do Hoàng Tiến Vinh khắc năm Cảnh Trị (1663 – 1671) nhà Lê. Bia 2 mặt, khổ 40x67cm, chạm mặt trời viền cánh hoa và con lân, toàn văn chữ Hán, có 30 dòng, khoảng 570 chữ. Mặt hai khắc hai nội dung Tín thí góp tiền hưng công xây dựng.

     – Bìa chùa Quang Khánh: Bia do ông Trùm Khối xã Gia Đức, khắc bia đời Vĩnh Thọ (1658- 1661) nhà Lê. Bia một mặt, khổ 80×120 cm, trán bia chạm mặt trời, mây tua tủa lửa, lá cúc dây, toàn văn chứ Hán, có xen Nôm, khắc chân phương, gồm 33 dòng, khoảng 1200 chứ. Văn bia có chữ Huý là Trừ. Bia ghi lại những người có đóng góp trùng tu lại chùa và tô lại tượng Đức Phật ông Mộng Đại Thánh.

      – Mãnh tỉnh tối phi đê thủ khách Bia để ở chùa khắc bài thơ luật Đường tám câu ca ngợi cảnh trí thiên nhiên xung quanh chùa Quang Khánh của vua Lê Thánh Tông. Bia tạo năm Quang Thuận 6 (1465) nhà Lê. Bia 1 mặt, khổ 36cm x 68cm, không hoá văn trang trí, toàn văn chữ Hán, khắc chân phương, gồm 10 dòng, cả thảy 72 chữ.

Kê điền đống vũ bán tồi khuynh

Tát đoá huề dư phỏng hoá thành

Đại giác hải trung quân dị độ

Vô cùng môn lý ngã nan hành

Ngũ viên chạm chạm nguyên phí sắc

Lục độ trừng trừng diệc hữu tình

Bàng nhân thận vật thuyết tam sinh

     – Ngự đề: Bia ghi bài thơ thứ 2 của vua Lê Thành Tông. Tạo nam Bính Ngọ (1486) nhà Lê. Bia 1 mặt, khổ 36×68 cm. Bia không in rập toàn bộ, chỉ in trọn một bài thơ chữ Nôm, gồm 10 dòng, 66 chữ.

Dắng dõi chào ai tiếng Pháp chung

Ngang đây thoắt lộ trạnh bên dòng

Trừng thanh lẻo lẻo trần hiêu cách

Gác thẳm làu làu ngọc giá đông

Sực nức đưa hoa hương mượn gió

Líu lô chào khách vẹt thay đông

Nhủ đoàn tự đắc ngao du đấy

Cho biết cơ màu vẫn chẳng vong

     Đây là nội dung một số bia quan trọng trong hệ thống bia chí, bia tháp chùa Quang Khánh, nó ghi lại sự tích các tổ, lịch sử chùa cũng như truyền thừa tông phái trong giai đoạn thời Trung đại.

3. Kết luận

     Quang Khánh là một trong những ngôi chùa cổ nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng và lịch sử nước ta nói chung. Chùa gắn liền với Thiền tông Trúc Lâm Yên tử và phát triển mạnh ở xứ Đông, nay là tỉnh Hải Dương. Tông phái Quang Khánh thực sự hưng thịnh giai đoạn Lê Trung Hưng, với các thiền sư Vô Biệt, Vô Ngại, Tính Quảng,… và trải dài suốt lịch sử. Gần đây, tiếng nói Phật giáo từ chùa Quang Khánh trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước có ý nghĩa lớn lao, với các đoàn thể, quân đội cùng toàn dân địa phương, dưới mái chùa Quang Khánh cùng kháng chiến chống Pháp chống Mỹ,…Trải qua bao thăng trầm của thời gian, chùa Muống vẫn trường tồn, đi vào tâm thức của người dân làng Muống. Chùa Muống là niềm tự hào, nơi hội tụ của dân làng để giáo dục cháu con luôn luôn làm việc thiện, cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương, giữ gìn bản sắc văn hoá của làng quê.

___________
1. Đường vào chùa Muống đi từ thị xã Hải Dương, theo đường quốc lộ 5, đến ga Phú Thái, rẽ phải theo đường 188, khoảng 3km tới ngã ba rẽ phải đi vào khoảng 500 m.

2. Căn cứ văn bia chùa Quang Khánh cũng như Tam tổ thực lục, ghi chép cho biết: Nghĩa Trụ và Chân Giám là hai chùa tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, thuộc Chí Linh- Hải Dương. Trải qua mấy trăm năm, thiên tai nhân họa, đến nay hai chùa này không còn nữa.

3.Chùa Non Đông ngày nay thuộc thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, trước kia khi chưa thành lập và phân tách thành tỉnh Quảng Ninh, thì chùa Non Đông thuộc đất Hải Dương. Thánh tổ về Non Đông, tiếp giáp gần Kinh Môn ngày nay, để sang chùa Muống (huyện Kim Thành) là quê hương của ông.

4. Đại Nam nhất thống chí, 92016), tập 3, trang 506, Nxb. Thuận Hóa.

5. Nội dung khảo thuật các tháp, chúng tôi căn cứ văn bia và tham khảo: Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lý Khắc Cung (Chủ biên) (1991), Hội hè Việt Nam, Nxb. Văn hoá Dân tộc, Hà Nội.

2. Lê Văn Quýnh (1981), Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

3. Thần Tích (1995) Thần sắc thôn Dưỡng Mông, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội.

4. Viện sử học (1991) Đại nam nhất thống chí, Tập III, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

5. Viện Hán Nôm, Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Hà Nội.

6. Bảo tàng Hải Dương (1991), Tập hồ sơ di tích chùa Muống.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Thủ đô Hà Nội – số 38/2020

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Quang Khánh thiền tự – Từ tự sự tôn giáo (Tác giả: Nguyễn Thị Phương)