Ruộng của các chùa ở Thừa Thiên Huế dưới thời Nguyễn (1802 – 1945)

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  NGUYỄN VĂN PHỤNG (THIỆN TUỆ)
(Chùa Quang Minh, Thượng Một, Thủy Xuân, Thành Phố Huế, TT Huế)

     Chùa ở Huế có rất nhiều nét đặc trưng kiến trúc cũng như văn hóa đa dạng phong phú, mang nét đẹp của xứ thần kinh cổ kính.

     Các ngôi chùa buổi đầu xuất hiện đã nêu cao chủ trương “dĩ nông vi thiền” lấy việc cày cấy làm thiền. Các vị Tổ sư đã “tự thực kỳ thực” khai khẩn ruộng vườn để tạo ra kinh tế cho chính mình, nhằm tạo cho cuộc sống thiền môn mỗi ngày mỗi thêm sung túc.

     Về mặt sở hữu, ruộng chùa ở Thừa Thiên được phân ba loại:

     Tư điền, tư thổ tất nhiên thuộc sở hữu của tư nhân. Đối với nhà nước, thì ruộng đất của làng xã, xóm, họ, hay đoàn thể, tư nhân đều là tư điền tư thổ.

     Công điền, công thổ là ruộng thuộc sở hữu của nhà nước để cho xã dân chia nhau trồng trọt theo một định lệ quân cấp và thời hạn do nhà nước ban hành.

     Quan điền, quan thổ cũng là loại ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước và quan chức nhà nước đứng ra tổ chức sử dụng hoặc khai thác chứ không để cho xã thôn quản lý, mặc dầu những loại ruộng đó nằm trong địa phận xã thôn và cũng thường để cho xã dân khai thác nộp thuế.

     Tất cả những sở hữu ruộng này được các chùa thu mua, các vua cấp, quan lại, hoàng thân, công tôn, địa chủ, phú hào mua, cúng cho chùa, ruộng công thuộc sở hữu của các ngôi chùa làng.

     Cũng thế, khi một ngôi chùa ra đời lúc đó ruộng của chùa cũng ra đời. Chùa tư hay chùa làng ít hay nhiều cũng đều có ruộng. Chùa do dân làng lập lên thì dân làng trích ruộng công của làng để lo phần hương hỏa, cúng bái, sửa sang tu bổ.

     Ruộng chùa được phân ra bốn loại như sau :

     1. Ruộng chùa của vua cấp (ruộng chùa của nhà nước)

     Ruộng chùa loại này thuộc các Quốc tự, các chùa này do triều đình xây dựng. Mọi thủ tục sinh hoạt, ruộng hương hỏa do vua cấp ban, để dân làng sản xuất, cùng tín đồ cày cấy thu hoa lợi cho công việc sinh hoạt của chùa. Như các chùa Linh Mụ, chùa Diệu Đế, chùa Thánh Duyên (ở núi Tuý Vân – Vinh Hiền – Phú Lộc – Thừa Thiên Huế), chùa Giác Hoàng, chùa Pháp Vân (còn gọi chùa Khoai), Linh Hựu quán.

     Khi nói đến các ngôi Quốc tự, đã nhiều tư liệu nói đến sự ra đời ruộng của các ngôi chùa. Khi chúng tôi thống kê, số lượng ruộng còn rất nhiều, nhưng trong giai đoạn các ngôi chùa được hình thành thì chưa xác định được số ruộng.

     Quốc tự thì không có “Tam bảo tự điền”, chùa được Bộ Lễ quản lý, điều các Ngài được cấp sắc chỉ Tăng Cang của vua, được mời về trú trì, các khoản chi phí của chùa được trích ra từ ngân sách nhà nước. Theo Châu bản thì mỗi vị Tang Cang được cử trú trì các Quốc tự theo chiếu lệ mỗi tháng được “cấp 2 quan tiền và 1 vuông gạo” để lo sinh hoạt của chùa.

     Một văn bản của chùa Diệu Đế có đoạn : “Nguyên chùa Diệu Đế là một thắng cảnh di tích lịch sử của nhà nước, hiện có 6 mẫu 3 sào ruộng hương hỏa tọa lạc tại thôn Thanh Đàm, xã Phú Thanh, huyện Hương Phú, tỉnh Bình Trị Thiên”.

     Ruộng các chùa có rất sớm, ngôi chùa ra đời thì ruộng ấy xuất hiện. Cũng vậy, khi qua thời gian chiến tranh ruộng bị mất đi hay chùa bị hưu nát, tăng chúng ly tán nên ruộng được các xã trưng thu, sau đó được nhà chùa xin lại.

     Nhìn chung, ruộng chùa theo loại ruộng Quốc tự cũng phát triển rộng rãi trên tất cả vùng đất Thừa Thiên Huế.

     Thừa Thiên Huế và miền Trung ruộng đất thuộc dạng công điền chiếm đại bộ phận, tư điền chỉ chiếm một phần nhỏ. Không có các địa chủ lớn, để chiếm ruộng đất lớn như miền Nam, chùa Quốc tự chỉ 100 mẫu là nhiều, không thuộc loại địa chủ bóc lột tô thuế, chỉ giao ruộng cho nông dân hay Phật tử để thu hoa lợi sinh hoạt và xây dựng chùa chiền, không như dạng bóc lột.

     Có một số ruộng của Quốc tự cũng thuộc dạng công điền, ruộng được nhà nước cấp, ban và được sự quản lý của làng xã, có lúc giao hẳn cho làng xã cấp chia cho nông dân, cũng không được mua bán. Khi cần thiết nhà nước cũng có thể sử dụng đất công của làng xã, của Quốc tự, có bồi thường hoặc miễn thuế.

     2. Ruộng chùa của hoàng tử, công chúa và quan lại cúng dường

     Ruộng loại này do công tôn, công chúa sau khi quyên góp trùng tu chùa, sau đó cúng phần ruộng của mình cho chùa. Chùa Từ Hiếu do các thái giám trong cung xây dựng, ruộng đất cũng do thái giám cúng dường để lo thờ tự và kỵ giỗ khi các vị thái giám qua đời. Chùa Đông Thuyền ra đời do Hòa Thượng Tế Vỹ, khai sơn năm 1767. Do chiến tranh loạn lạc ngôi chùa đã tiêu điều, sau đó được Công chúa Ngọc Cơ con thứ 10 của vua Gia Long cùng các cung phi phát tâm trùng tu lại năm 1842.

     Chùa Từ Hiếu, Đông Thuyền, chùa Tra Am, chùa Ba La Mật, Long Quang, Từ Ân, Kim Quang. Các chùa này do các vị Sư khai sơn nhưng qua chiến tranh không được trùng tu sau đó nhờ các quan lại, cung phi mỹ nữ quyên góp cùng nhau trùng tu, cũng có những ngôi chùa được lập nên bởi các quan lại, công tôn, công chúa.

     Cùng với chùa Từ Hiếu, chùa Đông Thuyền, chùa Ba La Mật một trong những ngôi chùa được sự hộ trì mạnh mẽ, về việc trùng tu và phát triển ruộng của chùa. Công điền, tư điền rất nhiều, được nhiều quan lai, nông dân ủng hộ.

     Các trích lục ruộng hạng nhất, hạng nhì, hạng ba, còn ghi đầy đủ. Ruộng nằm xứ, ruộng khô, ruộng nước, tốt xấu, nộp tô thuế cho nhà nước phân định đầy đủ rõ ràng.

     Một trong những ngôi chùa quan đó, chúng tôi thấy chùa Ba La Mật do dòng họ Nguyễn Khoa dựng nên tại làng Phú Thượng, huyện Phú Vang. Trong đó trích lục và khế ước của chùa này còn khá nhiều.

     Thời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức ruộng của các chùa quan được tăng lên nhiều cả t- điền lẫn công điền. Do thế, người nông dân của vùng Thừa Thiên Huế, có điều thuận lợi hơn, cuộc sống được điều chỉnh tốt hơn, không lo mất mùa hay được mùa, được mùa thì đầy đủ, sung túc, mất mùa chùa cũng không đòi hỏi phải nộp cho đầy đủ.

     Ruộng đất các ngôi chùa sau giai đoạn thực dân Pháp thống trị bị mất dần, bị thực dân chiếm, các quan lại có uy quyền chiếm đoạt, lấy bằng nhiều cách khác nhau, cùng các địa chủ thông giao thân tín của quan lại địa phương chiếm dụng không hoàn trả.

     3. Ruộng chùa tư (Ruộng chùa Tổ, chùa do các vị Hòa Thượng lập nên)

     Ruộng này có nhiều loại khác nhau, do các vị sư trú trì mua về, hoặc do các tín đồ Phật giáo có tiền có của mua cúng, hoặc do các hoàng hậu, công chúa, quan lại cúng dường. Chùa tổ do các sư tăng khai sáng ra và lập nên, xây dựng chùa nhờ sự đóng góp, cúng dường của thập phương tín đồ.

     Như chùa Báo Quốc, chùa Quốc Ân, chùa Linh Quang, chùa Từ Đàm, chùa Thuyền Tôn, chùa Tường Vân, chùa Trúc Lâm, chùa Hoằng Quang, chùa Từ Quang, chùa Kim Tiên, chùa Hải Đức, chùa Quy Thiện, chùa Quảng Tế…

     Trong cơ cấu kinh tế thời phong kiến, nền nông nghiệp lúc nào giữ vai trò hàng đầu. Do đó, kinh tế chùa phát triển sau khi chùa được trùng tu, ổn định mọi sinh họat của chùa, tạo nên một ngôi chùa hưng thịnh, phát triển cả nội dung lẫn vật chất, làm cơ sở vững chắc cho Phật giáo tồn tại.

     Năm Gia Long thứ 10, chùa Báo Quốc có 69 mẫu 4 sào ruộng Tam Bảo.

     Đến năm Thiệu Trị thứ 2 Nhâm Dần (1842), ruộng hương hỏa của chùa Báo Quốc được cải cấp lại chỉ còn 31 mẫu lẽ.

     Tự Đức năm thứ 16 Quý Hợi (1863) ruộng đất chùa được cải cấp lại ; Thực điền 11 mẫu 3 sào 9 thước lẽ, đất 20 mẫu 6 sào 3 thước lẽ, tổng cộng 31 mẫu 9 sào 12 thước lẽ.

     Tự Đức năm thứ 33, Canh Thìn (1880) mùa hạ tháng 4, tùng sự Nguyễn Ngọc Nghiêm… cúng ruộng 1 mẫu lẽ (ruộng tại địa phận xã Thần Phù, giá tiền 900 quan).

     Chùa Tường Vân, xã Thủy Xuân thành phố Huế, tìm được 4 tờ khế, 2 tờ cùng năm Thành Thái thứ 8 (1896), ngày 26 tháng 6 có chung số ruộng được chùa mua tại làng Dưỡng Mông, thôn Thượng Giáp của đội trưởng, tốt trưởng Dương Viết Điền cùng vợ và con của ông ta với số ruộng 2 sào 8 thước 1 tấc với số tiền là 400 quan.

     Cùng khế ước năm Duy Tân thứ 6 (1912) ngày 19 tháng 11. Năm Khải Định thứ 9 (1924), ngày 25 tháng 7 cùng có chung số ruộng như các khế ước của năm Thành Thái.

     Ngoài ruộng do các vị thí chủ cúng dường, chùa còn khẩn hoảng để tạo thêm ruộng, như chùa Thuyền Tôn. Theo thống kê ruộng đất của chùa thì hầu như ruộng đều do Đoàn Tài Hậu cúng tổng cộng là 73 mẫu 9 sào 2 thước 2 tấc 1 phân.

     Căn cứ theo bản trích lục của chính phủ Đại Nam, ruộng đất thời Pháp thuộc của chùa đã mất đi rất nhiều, ruộng của chùa Thuyền Tôn những thập niên 30 của thế kỷ XX, còn lại số ruộng với diện tích là 367.068 (36 mẫu 7 sào) ở những địa phương khác nhau.

     Trong tình thần nhập thế của Phật giáo Huế, gắn với sự phát triển của ruộng đất chùa. Văn hóa Phật giáo gần gũi với cuộc sống mộc mạc của người dân quê, tín ngưỡng Phật giáo hòa nhập cùng tín ngưỡng truyền thống của người dân ở nông thôn, “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”, con người sinh ra và lớn lên ai cũng có quê hương, ai cũng có gia đình. Vì thế, nơi đó là chổ gắn kết tình yêu và cuộc sống của họ mãi mãi.

     Các chùa ruộng đều phân bố rộng ở các huyện của Phủ Thừa Thiên, ruộng đóng vai trò quan trọng cho chùa phát triển, các Tăng cùng gần gũi với cuộc sống đời thường, cùng gần gũi người nông dân, cùng làm việc sản xuất. Tạo dựng cuộc sống ổn định mà còn nhập thế cứu dân trong tinh thần thượng cầu hạ hóa.

     4. Ruộng do làng xã trích cúng

     Truyền thống làng xã của Việt Nam, làng nào cũng có chùa và đình làng, cây đa, bến nước. Cho nên, con người chúng ta dù có đến sinh sống nơi nào cũng không thể không lập nên một ngôi chùa làng và đình làng, gắn bó ăn sâu vào trong mỗi con người Việt Nam.

     Sau khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa (1558) các quan lại, tù binh, nhân dân cùng vào với chúa, được chúa khuyến khích khai hoang lập làng, cũng từ đấy cuộc sống của họ cần có một nơi để họ nương tựa trong tâm thức của họ. Chính đó là nguyên nhân cho sự ra đời của các ngôi chùa làng ở xứ Thuận Hóa này. Các ngôi chùa làng xuất hiện rất sớm, có những ngôi chùa xuất hiện sớm hơn các ngôi chùa tổ, hay chùa của vua, quan.

     Chùa Hà Trung xuất hiện rất sớm, trước khi ngài Nguyên Thiều đến trú và lập bia của ngôi chùa này, thì trước đó là một ngôi chùa làng đã có rồi, hay chùa làng La Chữ cũng xuất hiện rất sớm từ năm 1427 khi Lê Lợi khởi nghĩa đánh quân minh thì chùa làng này được ghi lại của gia phổ họ Hà đến rất sớm ở đây. Chùa Bác Vọng Tây, hay chùa Hà Khê cổ tự, chùa Quang Đức làng Đốc Sơ cũng một trong những ngôi chùa làng nổi tiếng ở Thừa Thiên Huế.

     Nói chung, Thừa Thiên Huế tất cả các làng đều có chùa làng và đình làng, có những làng chùa và đình gần nhau, tạo nên một nét đặc biệt của các làng xã ở Thừa Thiên Huế.

     Cũng thế ruộng được dân làng trích ra từ ruộng công của làng xã để lo việc hương hỏa, cúng tế rằm tháng 7 Vu Lan, hay để sửa chùa khi bị thời gian mai một. 

     Chùa làng ngày xưa và ngày nay thường gọi là chùa Khuôn trên dưới từ 200 đến gần 300 ngôi chùa. Khi thống kê ở Thừa Thiên Huế có tất cả là gần 360 ngôi chùa từ chùa Vua, chùa quan, chùa tổ, chùa làng, chùa khuôn hội.

     Chính sách ruộng đất của làng xã, ruộng đất giao cho dân làng sử dụng lâu dài sẽ được chia làm ba loại với tỉ lệ tùy thuộc tình hình cụ thể của địa phương. Loại thứ nhất được bình quân theo nhân khẩu để đảm bảo mục tiêu cuộc sống bình ổn cho dân làng, loại thứ hai được chia bình quân theo lao động dể đảm bảo chính sách dân số, loại thứ ba dùng để đấu thấu, nhằm kích thích sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

      Ơ làng xã, ruộng chùa thuộc loại công điền, công điền công thổ thuộc sở hữu của nhà nước, trao cho xã thôn để quân cấp cho dân xã cùng cày cấy theo đúng định lệ chung.

     Các khế ước, khoán ước của chùa làng không có, ruộng đó là ruộng công của làng do làng trích, được con dân trong làng cày cấy theo vụ, theo phiên đem nộp hoa lợi cho chùa, chùa làng chi có 3 sào, cày cấy theo hai vụ, được dân làng chia theo phiên sản xuất.

      Chùa làng là nơi quy tụ tín ngưỡng tâm linh của một mỗi làng, cho nên đó là một trung tâm để đưa con em của làng trở về với cội nguồn của làng xã Việt.

     Nói đến Huế không phải là nói đến thành phố Huế, nơi có kinh đô của nhà Nguyễn (1802 – 1945), có lẽ ta nên nghĩ rằng khái niệm Huế để chỉ Hóa Châu đời Trần và Thừa Thiên thời Nguyễn, cho đến hiện nay cũng là Thừa Thiên Huế. Một sự minh chứng đơn giản một người ở vùng nào trong tỉnh Thừa Thiên Huế đến ở miền Bắc hoặc ở miền Nam thì người ta thường gọi “người Huế, nói giọng Huế, tiếng Huế”… Khi nói đến “Phật giáo Huế” chúng tôi cũng dùng từ Huế với ý nghĩa của không gian rộng đó.

     Phật giáo Huế có những nét đặc trưng cùng đóng góp với xã hội, xây dựng nên một xã hội ổn định, phát triển. Những đóng góp thuộc phạm trù nhân văn qua tiến trình thời gian để hình thành “con người Huế” gồm có tâm thức, tình cảm, nếp sống thường nhật và thế ứng xử của người Châu Hóa ngày xưa và người Huế hiện nay.

     Chùa Huế là một đặc trưng của vùng miền, chùa Huế là một “cảnh nhà vườn”, đến chùa là có cảnh màu xanh của thiên nhiên. Màu xanh ở vườn chùa Huế và cảnh chùa Huế tạo nên môi trường sinh thái hấp dẫn, hài hòa giữa con người và thiên nhiên, nhân sinh quan và vụ trụ quan luôn gắn kết chặt chẽ cùng tồn tại và phát triển trong những ngôi chùa cổ kính, rêu phong tạo nên một vẻ đẹp thầm lặng, kín đáo của đất thần kinh.

     Trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, ruộng đất bao giờ cũng đóng vai trò quan trọng của lịch sử, các triều đại phong kiến lúc nào cũng chú trọng giải quyết vấn đề ruộng đất và nông dân.

     Do đó, khi nghiên cứu ruộng chùa ở Thừa Thiên thời nhà Nguyễn, chúng tôi cố gắng sưu tầm địa bạ, khế ước, khoán ước, giấy tờ liên quan, khảo cứu của nhà nghiên cứu chùa Huế, qua các bi ký của các chùa hiện còn lại, để đánh giá, thống kê, phân tích đầy đủ hơn.

     Tuy nhiên, trong vấn đề Tam bảo tự điền thuộc với nhiều loại như quan điền quan thổ, tư điền tư thổ, công điền công thổ. Ruộng đất của các chùa thuộc nhiều dạng sở hữu.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX,
Tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Ruộng của các chùa ở Thừa Thiên Huế dưới thời Nguyễn (1802 – 1945)
Tác giả: ThS. Nguyễn Văn Phụng (Thiện Tuệ)