Sự thay đổi quyền quyết định trong gia đình mẫu hệ (Nghiên cứu trường hợp người Raglai ở tỉnh Khánh Hòa)

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  TRƯƠNG VĂN CƯỜNG
(Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT

     Trên cơ sở khảo sát về người Raglai ở huyện Khánh Sơn, huyện Khánh Vĩnh và thành phố Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa, bài viết bước đầu tìm hiểu về quyền quyết định của phụ nữ và nam giới trong gia đình mẫu hệ dưới tác động của quá trình đổi mới, giao lưu và hội nhập. Kết quả khảo sát cho thấy, vị trí, vai trò và quyền lực của người vợ, người chồng trong gia đình đã có sự thay đổi đáng kể, theo xu hướng đáng khích lệ, đó là sự bàn bạc, sẻ chia giữa hai vợ chồng, hướng tới sự bình đẳng giới trong xã hội hiện đại.

Từ khóa: Quyền quyết định, Gia đình mẫu hệ, Người Raglai, Tỉnh Khánh Hòa.

ABSTRACT

     Using a case study of Raglai ethnic families in Khanh Son, Khanh Vinh districts and Cam Ranh City (Khanh Hoa province), the paper initially explores the decisionmaking authority in the matriarchal families under the eff ects of innovation, exchange and integration process. The survey result shows that the status, role and authority of wife and husband in these families have been changed in a crucial and positive way. Consequently, there is household decision making shared between wife and husband on the basis of spousal agreement, which promotes progress towards gender equality in modern society.

Keywords: Decision-making Authority, Matriarchal Families, Raglai Ethnic Group, Khanh Hoa Province.

x
x x

1. Mở đầu

     Quyền quyết định xuất hiện cùng với sự hình thành xã hội loài người và tồn tại theo sự phát triển của xã hội dưới hình thức này hay hình thức khác. Ở Việt Nam hiện nay, quyền quyết định trong gia đình được nhìn nhận dưới lăng kính của đặc trưng nghề nghiệp, thu nhập, trình độ học vấn và khu vực cư trú. Đây được xem là bốn nguyên nhân chính tác động đến quyền quyết định trong gia đình. Một số nghiên cứu đã nhìn nhận khá đa chiều về vấn đề quyền trong gia đình. Trần Thị Thanh Loan (2016: 54-67) cho rằng, phụ nữ làm việc phi nông nghiệp có khả năng là người quyết định chủ yếu về chi tiêu gia đình so với phụ nữ thuần nông, phụ nữ có đóng góp bằng chồng có nhiều khả năng được quyết định chi tiêu hơn phụ nữ có thu nhập thấp hơn chồng và phụ nữ thành thị có khả năng quyết định các chi tiêu gia đình hơn phụ nữ ở nông thôn. Theo Vũ Thị Cúc (2007: 41-52), những nhóm cư dân có trình độ học vấn cao cũng có tác động quan trọng đến quyền quyết định trong gia đình. Đặng Thanh Nhàn (2015: 48-56) chỉ ra quyền quyết định vấn đề giáo dục và chăm sóc con cái chịu sự chi phối bởi trình độ học vấn và thu nhập. Tuy nhiên, do ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo, các tác giả trong nước chủ yếu nhìn nhận phụ nữ với sự yếu thế trong thiết chế gia đình phụ hệ. Vậy quyền quyết định trong những cộng đồng mẫu hệ với quyền hành nằm trong tay phụ nữ (đàn bà lớn tuổi) có sự thay đổi hay không trước tác động của bối cảnh hội nhập? Dựa trên lăng kính về giới và sự tác động của quá trình hiện đại hóa, bài viết góp phần làm rõ hơn một số vấn đề về quyền quyết định trong gia đình mẫu hệ qua nghiên cứu người Raglai ở tỉnh Khánh Hòa ở một số khía cạnh như: quyền quyết định trong việc sinh con (số con), việc học hành và hôn nhân của con cái, thu chi hàng ngày, sản xuất và kinh doanh,…(*).

2. Đôi nét về tộc người nghiên cứu

     Người Raglai (hay còn gọi là Ra-clây, Rai, Noang, La-oang, Orang Glai) là một trong 5 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Mã Lai – Đa Đảo, có lịch sử cư trú lâu đời ở miền núi các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ Việt Nam với tổng số 122.245 người (59.916 nam, 62.329 nữ), trong đó, tập trung chủ yếu ở tỉnh Ninh Thuận (58.911 người) và Khánh Hòa (45.915 người) (Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương, 2009). Tại Khánh Hòa, họ cư trú tại một số xã thuộc huyện Khánh Sơn, huyện Khánh Vĩnh, thành phố Cam Ranh và đây cũng là những địa bàn khảo sát của nghiên cứu này. Đặc điểm chủ hộ được khảo sát như sau: độ tuổi trung bình 43,8 tuổi, trong đó người nhỏ tuổi nhất là 21 tuổi, người lớn tuổi nhất là 94 tuổi; về trình độ học vấn, có 30,8% mù chữ, 36,7% học hết cấp tiểu học, 19,8% học hết trung học cơ sở, 10,8% học hết trung học phổ thông và 1,8% có trình độ trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; về nghề nghiệp, nông nghiệp chiếm phần lớn với 84%, cán bộ có lương là 9%, đi làm thuê là 2,7%, buôn bán, dịch vụ là 2,7%, không có khả năng lao động là 2,2%; về giới có 74,7% là nam, 25,3% là nữ.

     Trong xã hội truyền thống, người Raglai có hình thái gia đình mẫu hệ, mỗi đại gia đình thường có nhiều cặp vợ chồng cùng con cái sống chung trong một ngôi nhà dài. Mỗi gia đình tế bào thường là một đơn vị kinh tế độc lập (Vũ Đình Mười, 2015: 40). Điều khiển mọi công việc của gia đình từ sản xuất, phân phối sản phẩm, ăn mặc, giải quyết xích mích nội bộ, giao tiếp xã hội, đến tôn giáo tín ngưỡng,… đều do người đàn bà lớn tuổi (chủ gia đình), có nhiều hiểu biết và có uy tín đảm nhận. Tuy nhiên, dưới tác động của quá trình hiện đại hóa và biến đổi xã hội, vị thế của người chồng, người đàn ông trong gia đình mẫu hệ cũng dần thay đổi. Hiện nay, chỉ còn 28,7% số người dân được hỏi cho rằng, người đàn bà lớn tuổi có quyền uy nhất trong họ tộc.

3. Quyền quyết định trong gia đình

     Kết quả khảo sát tại địa bàn nghiên cứu được thể hiện ở bảng 1. Cụ thể:

     – Về việc sinh con (số con)

     Xã hội truyền thống người Raglai với thiết chế mẫu hệ không có tư tưởng về người nối dõi. Tuy nhiên, trong những năm qua, dưới tác động của quá trình hiện đại hóa và chính sách kế hoạch hóa gia đình của Nhà nước, quan niệm về số con của các cặp vợ chồng người Raglai cũng thay đổi. “Trước kia, người Raglai đẻ nhiều con, nhà ít 5-6 đứa, nhà nhiều hơn 10 đứa. Nhưng hiện giờ không đẻ nhiều như trước đây nữa, mỗi nhà chỉ có 2 hoặc 3 con” (PVS. Mấu Hồng Thái, sinh năm 1947, xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn). Số liệu tại bảng 1 cho thấy, có sự bàn bạc và thống nhất giữa hai vợ chồng về việc sinh con (số con) là 59,5%, do người chồng quyết định là 10,3% và người vợ chỉ còn 22,9%. Ngoài ra, những thành viên khác trong gia đình (cha mẹ, con cái) cũng có tác động đến việc sinh con (số con) với tỷ lệ khiêm tốn 7,3%; trong đó ảnh hưởng và tác động từ cha mẹ là 5%, từ mong muốn của con cái là 1,7% và 0,6% là từ những người xung quanh (hàng xóm, tư vấn của hội phụ nữ cấp thôn, xã).

     – Về hôn nhân của con cái

     Theo luật tục của người Raglai, với chế độ mẫu hệ, những người thuộc một họ hoặc nhánh họ không được lấy nhau. Người cùng huyết thống, tính theo dòng họ mẹ dù xa bao nhiêu đời cũng không được phép kết hôn với nhau. Việc trai gái tìm hiểu nhau không bị ngăn cấm, tuy nhiên để tiến tới hôn nhân, họ phải nhận được sự đồng thuận của cả hai bên gia đình. Cha mẹ của đôi trai gái là người đưa ra quyết định cuối cùng. Có 55,7% trường hợp khảo sát được cha mẹ của đôi trai gái bàn bạc và cùng đi đến thống nhất sau khi con cái tự tìm hiểu trước đó. Tuy nhiên, trong số các trường hợp không tìm được sự đồng thuận giữa cha và mẹ, có 15,2% trường hợp người mẹ tự quyết so với 8,7% quyết định được đưa ra từ người cha. Ngoài ra, con cái tự quyết định 12,7%, từ ông bà của đôi trai gái là 7% và từ người khác (già làng, họ hàng, bạn bè…) là 0,7%. Trước đây, con cái sinh ra đều theo họ mẹ nhưng nay chỉ còn 65,3%; còn lại 22,5% theo họ cha và 12,2% theo cả họ cha và mẹ.

     – Về học tập của con cái

     Từ xa xưa, người Raglai đã coi trọng vấn đề giáo dục gia đình đối với con cháu. Từ nhỏ, trẻ em đã được ông bà, cha mẹ chỉ bảo đạo lý làm người, từ lời ăn tiếng nói đến hành vi ứng xử thường ngày trong gia đình. Trong xã hội mới, hầu hết trẻ em người Raglai ở địa bàn nghiên cứu được cha mẹ cho học hết cấp trung học cơ sở. Việc trẻ em có được tiếp tục theo học trung học phổ thông hoặc các bậc học cao hơn nữa hay không lại cần có sự bàn bạc, quyết định của cha mẹ. Bởi việc theo học ở các cấp cao hơn không chỉ phát sinh thêm chi phí mà còn làm giảm nguồn lao động quan trọng của gia đình. Kết quả khảo sát cho thấy, quyết định việc học hành của con cái có sự thông qua bàn bạc và thống nhất từ cha mẹ là 54%, người mẹ là 20,7% và 12,6% là từ quyết định của người cha. Ngoài ra, có 7% đến từ ý muốn của con cái và 5,7% chịu tác động từ ông/bà.

     – Về sản xuất và kinh doanh

     Trước đây, hoạt động sinh kế truyền thống của người Raglai là trồng trọt, chăn nuôi và khai thác tự nhiên. Hiện nay, dù một số hoạt động sinh kế mới đã xuất hiện (như làm thuê, dịch vụ kinh doanh, chuyên canh nông nghiệp hàng hóa…) nhưng nông nghiệp vẫn là sinh kế chủ yếu. Việc phân công lao động, tổ chức sản xuất trong những hoạt động này có sự bàn bạc và đồng thuận từ hai vợ chồng, chiếm 42,5%, người chồng quyết định là 28,7%, người vợ là 18,7% và quyền quyết định đến từ cha mẹ, con cái là 10,1%. Có thể nói, trong sản xuất kinh doanh, vai trò của người chồng lớn hơn người vợ. Lý giải cho điều này là do các hình thức sinh kế mới đòi hỏi sức khỏe, sự năng động, nhạy bén trong các mối quan hệ xã hội nên phù hợp với thế mạnh của người chồng hơn là người vợ. Một người chồng cho biết: “Nhà mình trồng 50 cây sầu riêng, công việc mua giống, mua phân, vay tiền đầu tư được hai vợ chồng tôi bàn bạc nhưng nhiều khi tôi tự quyết, vì vợ ít ra ngoài nên không thạo bằng mình và cũng luôn ủng hộ quyết định của mình trong vấn đề này” (PVS. Cao Xuân Hà, sinh năm 1977, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn).

     Trong bối cảnh hiện nay, người Raglai đã và đang tham gia sâu rộng vào nền kinh tế thị trường, bước đầu làm quen với sản xuất hàng hóa và kinh doanh, dịch vụ. Việc trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả như cà phê, sầu riêng, keo lai, mỡ, tiêu… cần vốn đầu tư lớn, trong khi khả năng tài chính của mỗi gia đình lại rất hạn chế. Do đó, để có vốn làm ăn, một số gia đình phải huy động từ người thân, còn lại phần lớn vay ngân hàng với lãi suất thấp thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ,… 48,5% số gia đình được khảo sát cho biết, họ đang có những khoản nợ từ ngân hàng. Mục đích sử dụng khoản tiền vay cũng khá hợp lý: 76,8% số người được hỏi cho biết tiền vay được dùng để sản xuất kinh doanh; 8% xây, sửa nhà cửa; 3,1% dành cho việc học hành của con cái; 3,1% dùng để chi tiêu hàng ngày; 1,4% để chữa bệnh; 1% dùng cho mua sắm đồ dùng sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh, xe máy; 0,3% để tổ chức tang ma, cưới xin; còn lại vay chi tiêu cho các mục đích khác là 7,3% (đào giếng, xây bể nước,…). Quyết định vay vốn có sự đồng thuận giữa hai vợ chồng chiếm 46%, 25,3% do người chồng tự quyết, 18% từ người vợ và 10,7% quyết định đến từ cha mẹ và con cái.

     – Về thu chi trong gia đình

     Trước đây, kinh tế người Raglai là tự sản tự tiêu thông qua trồng trọt, chăn nuôi và khai thác tự nhiên. Ngày nay, khi kinh tế thị trường được mở rộng và phát triển, việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp và mua sắm cho sinh hoạt ngày càng thuận lợi hơn trước. Việc thu, chi trong gia đình chủ yếu do người vợ quyết định (50,4%), 31,3% đến từ sự thỏa thuận giữa hai vợ chồng, còn lại là do người chồng quyết định (10%). Ngoài ra, vai trò của cha mẹ và con cái trong việc đưa ra những quyết định là 8,3%. Như vậy, người đàn ông không chỉ có vai trò lớn hơn trong các việc lớn của gia đình mà ngay cả việc chi tiêu hàng ngày, tiếng nói của họ cũng dần được coi trọng. Một số phụ nữ được phỏng vấn có chung quan điểm rằng, việc chi tiêu hàng ngày như mua thức ăn, quần áo, đồ dùng ít tiền thường do họ tự quyết, chỉ bàn bạc với chồng khi mua những đồ có giá trị lớn như ti vi, xe máy, tủ lạnh,…

     – Về mua bán và xây, sửa nhà cửa

     Trước kia, con cái thường sống chung với cha mẹ trong cùng ngôi nhà dài, với 5-10 hộ có quan hệ thân thuộc theo dòng mẹ; mỗi hộ gồm vợ chồng và con cái chưa lập gia đình (Phan Xuân Biên, 1998: 107). Với xu hướng tách hộ và gia đình nhỏ hai thế hệ ngày càng phổ biến như hiện nay, việc mua bán, đặc biệt xây, sửa nhà cửa diễn ra khá thường xuyên. Đây là việc trọng đại với chi phí lớn, vì thế có sự đồng thuận giữa hai vợ chồng chiếm tỷ lệ 51,1%, trong khi người chồng tự quyết là 22,8%, người vợ chỉ là 15,8% và tác động từ cha mẹ, con cái là 10,3%. Một nam giới cho cho biết: “Mình làm giáo viên cấp một, vợ ở nhà làm nông nghiệp, nhà có hai đứa con. Những công việc trong gia đình thường do mình quyết định là chính, như việc xây nhà trước đây và vay tiền ngân hàng để trồng 3 ha keo năm vừa rồi cũng do mình quyết hết, sau đó mới nói với vợ và nhận được đồng ý, không hề phản đối” (PVS. Cao Văn Nhu, sinh năm 1983, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh).

     – Về quan hệ gia đình và họ hàng

     Theo truyền thống, người Raglai luôn có ý thức tạo dựng mối quan hệ thuận hòa, kính trên nhường dưới giữa các thành viên, các thế hệ trong một gia đình. Trong quan hệ với dòng tộc và cộng đồng, chủ nhà có trách nhiệm giữ gìn, vun đắp và điều hòa các mối quan hệ này sao cho bền chặt. Người chủ nhà đại diện gia đình lớn của mình tham gia các hoạt động hội họp; tương trợ các gia đình khác trong họ, ngoài làng khi có việc trọng đại hay lúc gặp khó khăn. Đến nay, việc đối nội, đối ngoại của gia đình không chỉ do người vợ đảm nhận mà cả hai vợ chồng cùng bàn bạc thống nhất, với tỷ lệ 49,8% ở các cặp vợ chồng được khảo sát. Bên cạnh sự đồng thuận, người vợ chiếm ưu thế trong việc tự quyết là 21,8% so với người chồng là 16,9%. Ngoài ra, vai trò của cha mẹ, con cái ảnh hưởng đến những quyết định trên là 11,5%.

     Như vậy, quyền ra quyết định trong gia đình của người Raglai ở địa bàn nghiên cứu đã có sự thay đổi đáng kể. Số trường hợp có sự bàn bạc, thảo luận giữa hai vợ chồng và đưa ra quyết định đã chiếm tỷ lệ tương đối cao như: trong việc sinh con (số con) – 59,5%, trong hôn nhân con cái – 55,7%, học hành của con cái – 54%, hay việc sản xuất và kinh doanh – 42,5%… Những công việc chi tiêu hàng ngày, tưởng chừng như chỉ phụ nữ đảm nhận, nay cũng được nam giới chia sẻ với 31,3%. Cần ghi nhận xu hướng tích cực là, trong một số công việc lớn, tiếng nói và quyết định của người đàn ông ngày càng được coi trọng, thậm chí phát huy được thế mạnh của họ (sức khỏe, giao tiếp xã hội) như: trong sản xuất kinh doanh là 28,7% (vợ là 18,7%), vay vốn 25,3% (vợ là 18%) và mua bán, xây, sửa nhà cửa 22,8% (vợ là 15,8%). Do ảnh hưởng của đặc trưng trong văn hóa mẫu hệ lâu đời, trong những trường hợp người vợ hoặc người chồng tự quyết thì tiếng nói của người vợ vẫn chiếm ưu thế hơn so với người chồng. Trong đó, quyền quyết định của người vợ tập trung chủ yếu ở một số khía cạnh như chi tiêu gia đình là 50,4% (chồng là 10%), quyết định việc sinh con (số con) là 22,9% (chồng là 10,3%), hôn nhân của con cái là 15,2% (chồng là 8,7%), học hành của con cái là 20,7% (chồng là 12,6%).

4. Một số yếu tố tác động và xu hướng

     Cũng như các tộc người khác trên cả nước, dưới tác động của các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của nền kinh tế thị trường, của sự giao lưu và hội nhập, đời sống kinh tế – xã hội của người Raglai có nhiều biến đổi sâu sắc. Sau giải phóng (năm 1975), đặc biệt sau Đổi mới (năm 1986), người dân dần ổn định cuộc sống và đi lên bằng sự nỗ lực tự thân cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội. Khi hạ tầng giao thông ngày một hoàn thiện, hệ thống trường lớp cũng được hình thành, vươn tới tận các thôn bản của người Raglai. Với chính sách hỗ trợ kinh phí, các trường nội trú và bán trú cấp huyện, tỉnh cũng được đầu tư xây dựng. Từ sự đầu tư về giáo dục, trình độ nhận thức, tư duy của người dân, nhất là thế hệ trẻ về phân công lao động, về giới đã có sự cải thiện đáng kể.

     Thực trạng và xu hướng phân tách gia đình lớn, từ đại gia đình mẫu hệ thành tiểu gia đình mẫu hệ là một nguyên nhân không thể bỏ qua. Theo kết quả khảo sát, số gia đình gồm hai thế hệ với số thành viên dưới 4 người chiếm 66% số hộ, trong khi hộ có số thành viên từ 5-10 người là 33,5%, số hộ có 10 thành viên là 0,33%, hộ có 13 thành viên là 0,16%. Trong số hộ điều tra, có tới 74,7% hộ nam giới đứng tên chủ hộ, còn lại 25,3% chủ hộ là nữ giới. Chính việc phân tách tiểu gia đình đã góp phần làm giảm bớt quyền lực người đàn bà lớn tuổi trong gia đình.

     Sự ảnh hưởng của truyền thông (phát thanh, truyền hình, báo, mạng Internet…), của sự giao lưu và tiếp xúc văn hóa giữa người Raglai với người Kinh cũng là một nguyên nhân quan trọng tạo nên những thay đổi tích cực trong phân công lao động, trong quyết định các công việc lớn giữa người chồng và người vợ trong gia đình người Raglai. Chế độ mẫu hệ của họ đang được giao thoa với tính phụ quyền trong gia đình người Kinh, góp phần tạo nên những sắc màu mới và sự bình đẳng tương đối trong mối quan hệ vợ – chồng ở tộc người này. Như vậy, trình độ học vấn, nhận thức được nâng cao, cơ hội nghề nghiệp được mở rộng, sự phân tách thành tiểu gia đình,… là những tiền đề dẫn đến sự thay đổi vai trò quyết định trong gia đình của người Raglai. Trong sự thay đổi đó, xu hướng bình đẳng giới ngày càng được khẳng định. Thay vì quyền quyết định hoàn toàn thuộc về người phụ nữ (bà chủ nhà) như trước đây, tiếng nói của người đàn ông đang ngày càng được coi trọng.

5. Kết luận

     Người phụ nữ Raglai trước đây dù được trọng vọng nhưng do phải đứng đầu trong một gia đình lớn, họ phải gánh vác, lo toan, sắp xếp mọi công việc lớn nhỏ. Nhìn nhận từ một số chiều cạnh cụ thể, kết quả khảo sát cho thấy, dưới tác động của quá trình giao lưu và hội nhập, vị trí, vai trò, quyền lực của các thành viên, nhất là của người vợ, người chồng trong gia đình đã có sự thay đổi đáng kể, theo xu hướng đáng khích lệ, đó là sự bàn bạc, sẻ chia giữa hai vợ chồng, hướng tới sự bình đẳng giới của xã hội hiện đại. Hoặc người vợ hoặc người chồng tự ra quyết định chiếm tỷ lệ không nhiều. Quyền lực của phụ nữ Raglai không còn độc tôn như trước đây. Sự “phân công lại” này hoàn toàn mang tính hợp lý và cũng là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại. Khi có sự chia sẻ quyền lực thì mới có thể hướng tới được sự bình đẳng giới, hạn chế những quyết định thiếu sự dân chủ, khách quan và cũng là cơ sở quan trọng để mỗi tế bào trong xã hội ngày càng bền chặt, hạnh phúc.

__________ 
(*) Bài viết sử dụng tư liệu điều tra xã hội học tộc người của Đề tài “Hôn nhân và gia đình của người Raglai ở Khánh Hòa” do PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh làm chủ nhiệm, thực hiện năm 2015-2016 tại tỉnh Khánh Hòa. Số lượng mẫu khảo sát gồm 600 hộ dân tại 6 xã (mỗi xã 100 mẫu): xã Sơn Bình, xã Sơn Hiệp (huyện Khánh Sơn); xã Khánh Trung, xã Khánh Nam (huyện Khánh Vĩnh); xã Cam Phước Đông, xã Cam Thịnh Tây (thành phố Cam Ranh). Đồng thời phỏng vấn sâu 30 hộ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương (2009), Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009: Kết quả toàn bộ, Nxb. Thống kê, Hà Nội.

     2. Phan Xuân Biên (chủ biên, 1998), Văn hóa và xã hội người Raglai ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

     3. Vũ Thị Cúc (2007), “Vấn đề thu nhập và quyền quyết định trong gia đình nông thôn hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 6, tr. 41-52.

     4. Trần Thị Thanh Loan (2016), “Các yếu tố tác động đến quyền quyết định của phụ nữ trong chi tiêu gia đình”, Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 6, tr. 54-67.

     5. Vũ Đình Mười (2015), Biến đổi kinh tế – xã hội của dân tộc Ra-glai 1980- 2014, Tư liệu thuộc đề tài cấp cơ sở (cấp Viện), Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

     6. Đặng Thanh Nhàn (2015), “Quyền quyết định của người vợ trong việc giáo dục và chăm sóc con cái trong gia đình”, Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 6, tr. 48-56.

     7. Nguyễn Thị Thanh Thúy (2011), Sự tham gia và quyền quyết định của phụ nữ nông thôn trong gia đình và xã hội (Nghiên cứu trường hợp phụ nữ đang tham gia trong hệ thống chính trị cơ sở tại 4 xã của tỉnh Thanh Hóa), Luận án tiến sĩ Xã hội học, Học viện Khoa học xã hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Nguồn: Thông tin Khoa học xã hội, số 10, năm 2018

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Sự thay đổi quyền quyết định trong gia đình mẫu hệ (Nghiên cứu trường hợp người Raglai ở tỉnh Khánh Hòa) – Tác giả: Trương Văn Cường