Tình hình BỆNH KÝ SINH TRÙNG hiện nay ở nước ta (Phần 2)
TRẦN THỊ KIM DUNG
(Giáo sư, tiến sĩ – Chuyên ngành Ký sinh học)
4. Giun Gnathostoma sp.
Giun Gnathostoma là một loại giun nhỏ sống ở thành dạ dày chó, mèo. Trứng giun theo phân ra ngoài, ấu trùng từ trứng nở ra bị một loài giáp xác là cyclops sống dưới nước ăn phải, rồi cyclops lại là thực phẩm của các loài thủy sản nước ngọt. Ở đấy, chúng phát triển thành ấu trùng giai đoạn cuối. Người ăn thủy sản như tôm, cua, lươn, ếch… nấu chưa chín sẽ mắc bệnh. Ở người, ấu trùng không trưởng thành được mà di chuyển khắp nơi, từ mô dưới da cho đến nội tạng. Nó thường gây nên chứng đau nhức, phù cục bộ, khối u di động ở mô dưới da, hoặc gây nên hội chứng nội thần kinh như hôn mê, động kinh… tùy nơi ấu trùng định vị. Ở một số trường hợp, ấu trùng giun tự chui ra ngoài từ lỗ tai, hốc mắt, mụn nhọt.
Trường hợp bệnh đầu tiên ở Việt Nam được chúng tôi phát hiện năm 1999 tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM. Một bệnh nhân nam, 50 tuổi, có một khối u cỡ nửa quả trứng gà ở trên mặt. Khối u này di chuyển, sáng ở thái dương, chiều ở má, hôm sau xuống dưới cằm… Biểu hiện này khiến bệnh nhân rất lo sợ vì không những bị mắc bệnh đã đành mà còn rất ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Sức khỏe chung thì không bị ảnh hưởng nhưng vì làm giám đốc cho một công ty, thường xuyên phải tiếp khách nên bệnh này đã làm ông khổ tâm trong nhiều tháng.
Sau khi dò tìm, ông nhập BV. Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, chúng tôi đã chẩn đoán và điều trị cho ông. Chỉ sau một đợt uống thuốc, khối u xẹp hẳn. Vì lý do nghề nghiệp, thường xuyên phải tiệc tùng nên ông đã bị mắc bệnh do ăn thủy sản nước ngọt tái, sống.
Với kháng nguyên điều chế từ ấu trùng giun, từ năm 1999 đến nay chúng tôi đã chẩn đoán được hàng ngàn trường hợp dương tính với biểu hiện lâm sàng vô cùng đa dạng như vừa mô tả. Sau khi có kết quả dương tính, các bệnh nhân được điều trị đặc hiệu, phục hồi tốt. Kỹ thuật miễn dịch chẩn đoán đã tạo thuận lợi cho các nhà lâm sàng, giúp phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời [8].
Thủy sản là món ăn rất phổ biến ở nước ta vì vậy khả năng nhiễm bệnh cao. Lâm sàng thì đa dạng nhưng lại hiếm khi bắt được ấu trùng, vì vậy kỹ thuật ELISA quả thật là cần thiết để chẩn đoán bệnh này.
5. Giun đũa chó Toxocara canis [2]
Bệnh do giun đũa chó hay bệnh ấu trùng di chuyển nội tạng ở người là do sự di chuyển của ấu trùng giun đũa chó Toxocara canis trong nhiều cơ quan của người.
Giun trưởng thành sống trong ruột chó, đặc biệt có nhiều ở chó con. Trứng theo phân chó ra ngoài, phát triển thành trứng có phôi và gây ô nhiễm môi trường. Từ đất, trứng có thể bị người lớn cũng như trẻ em tình cờ nuốt vào qua đồ ăn, thức uống bị vấy bẩn. Trứng giun đũa chó có phôi vào cơ thể người, nở thành ấu trùng, xâm nhập thành ruột rồi đi đến gan, phổi. Từ phổi, chúng theo đường đại tuần hoàn, phát tán đến nhiều mô khác như não, cơ, tụy, mắt và tim… Ấu trùng có thể tồn tại trong mô của người hàng năm hay lâu hơn.
Trường hợp bệnh đầu tiên tại TP.HCM được phát hiện vào năm 1988 tại bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Một cháu bé có vấn đề về gan, có bạch cầu toan tính trong máu tăng cao, chúng tôi đã phải gởi huyết thanh sang Pháp để chẩn đoán bệnh, kết quả là có kháng thể kháng Toxocara canis trong huyết thanh. Từ trường hợp này, chúng tôi đã nghiên cứu sao họ có thể chẩn đoán bệnh này ngay trong nước. Chó là con vật thân thiết với nhiều gia đình nên chắc chắn đây không phải là bệnh hiếm ở ta [9]. Với sinh phẩm tự chế, cho đến nay số người có huyết thanh dương tính với Toxocara canis đã lên đến con số hàng chục ngàn.
Từ các trường hợp tìm ra nguyên nhân gây bệnh là do Toxocara canis tại các khoa Nội, Nhiễm, Nội thần kinh…, điều trị đặc hiệu đạt kết quả tốt, chúng tôi đã hướng các nhà lâm sàng hãy nghĩ đến bệnh do ký sinh trùng, là nhóm bệnh có thuốc chữa đặc hiệu, cùng lúc đi tìm các nguyên nhân nội khoa khác.
6. Bệnh do giun lươn Stronglyloides stercoralis [14]
Giun lươn Stronglyloides stercoralis là loại giun ký sinh ở người, gây bệnh cho người, không liên quan gì đến thú như 5 bệnh trước. Người bị nhiều loại giun của người ký sinh nhưng giun lươn lại được quan tâm đặc biệt vì các lý do sau:
– Giun lươn ngoài chu trình sống bình thường như các giun khác, giun lươn có thêm chu trình tự nhiễm, tức ấu trùng giun được sinh ra trong ruột người, một số không theo phân ra ngoài, còn ở lại trong ruột, xuyên qua thành ruột, chu du trong cơ thể rồi trưởng thành ở ruột non. Đợt nọ nối tiếp đợt kia nên người có giun nếu không điều trị sẽ bị nhiễm suốt đời, vì lúc nào cũng có giun thế hệ mới được sinh ra và trưởng thành ngay trong cơ thể một người.
– Số lượng ấu trùng giun theo phân ra ngoài không nhiều, khó tìm, dễ đưa đến kết quả âm tính giả.
– Giun lươn gây bệnh cơ hội : bình thường thì bệnh âm thầm, đôi khi đau bụng, tiêu chảy … nhưng nếu tình trạng miễn dịch của cơ thể giảm đi, giun lươn sẽ bộc phát, tăng sinh nhiều, xâm lấn các cơ quan nội tạng của người, dễ gây tử vong.
Về mặt kỹ thuật chẩn đoán thì kỹ thuật xét nghiệm phân tìm ấu trùng là một kỹ thuật thông thường nhưng lại đòi hỏi phải có một khối lượng phân lớn, toàn bộ khối phân người bệnh đi trong ngày thì kết quả mới chính xác. Do đòi hỏi đó nên trong thực tế, ít có cơ sở y tế nào thực hiện được. Chúng tôi đã sử dụng một phương pháp tương đối thuận lợi hơn phương pháp kể trên mà cũng không kém phần chính xác : sử dụng kỹ thuật miễn dịch học phát hiện kháng thể trong huyết thanh bệnh nhân. Kháng nguyên được điều chế từ ấu trùng giun, thu được từ nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Biểu hiện lâm sàng phổ biến là rối loạn tiêu hóa, đau bụng dễ lầm với viêm loét dạ dày, suy nhược, gầy ốm. Ấu trùng giun còn xâm nhập hệ thần kinh trung ương, chúng tôi đã gặp 3 trường hợp thấy rất nhiều ấu trùng giun trong dịch não tủy.
Tất cả các bệnh nhân có kháng thể dương tính phát hiện bằng kỹ thuật miễn dịch học đều được điều trị đặc hiệu, kết quả tốt.
*
* *
Bên cạnh các dấu hiệu lâm sàng, kỹ thuật miễn dịch học phát hiện kháng thể trong huyết thanh là kỹ thuật gián tiếp nhưng là gián tiếp gần nhất, nói lên được tên tác nhân gây bệnh. Kỹ thuật ELISA được sử dụng song song với các xét nghiệm cận lâm sàng khác như công thức máu, chú ý bạch cầu ái toan, hình ảnh học… Bác sĩ điều trị sẽ phối hợp một cách hợp lý để đưa đến kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây bệnh. Chẩn đoán đúng, điều trị đúng sẽ cắt đứt một mắt xích trong chu trình phát triển của ký sinh trùng, sẽ truyền đạt được ý thức vệ sinh cá nhân, vệ sinh thực phẩm cho người bệnh, góp phần tích cực vào việc phòng chống bệnh nhiễm ký sinh trùng ở nước ta.
Lời cảm ơn
Làm công tác giảng dạy kết hợp với nghiên cứu khoa học, con đường nghiên cứu của chúng tôi bắt đầu từ năm 1980. Nếu say mê nghiên cứu thì chắc chắn sẽ thu gặt được kết quả không nhiều thì ít nhưng con đường nghiên cứu sẽ nhiều trắc trở, chông gai khi chỉ tự thân phấn đấu. Chúng tôi may mắn là từ những ngày đầu chập chững đã được định hướng đúng, được đào tạo đúng bởi một người đàn anh, người thầy hết lòng vì đất nước và vì khoa học : Giáo sư Trần Vinh Hiển, nguyên chủ nhiệm bộ môn Ký sinh học khoa Y Đại học Y Dược TP.HCM, nguyên Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM. Sau 26 năm học tập và làm việc ở Paris, Pháp, năm 1976 ông về nước mang theo những kiến thức mới để truyền đạt cho thế hệ đàn em. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực đóng góp trí tuệ, sức khỏe của mình trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tích cực chuyển giao công nghệ chẩn đoán bệnh nhiễm KST cho các cơ sở y tế trên toàn quốc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. NGUYỄN VĂN CHƯƠNG (2000)
Nghiên cứu một số đặc điểm của ổ bệnh sán lá gan nhỏ mới được phát hiện ở ven biển miền trung Việt Nam.
Luận án Tiến sĩ Y học, Đại học Y khoa Hà Nội.
2. TRẦN THỊ KIM DUNG, TRẦN THỊ HỒNG, TRẦN VINH HIỂN, LÊ VĂN THÀNH, NGUYỄN HỮU HOÀN (2001)
Một số đặc điểm trong hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng do giun đũa chó Toxocara canis.
Tạp chí Y học TPHCM- Trường Đại học Y Dược TPHCM – Số đặc biệt Hội nghị Khoa học Kỹ thuật lần thứ 19 – Phụ bản số 4, tập 5, tr 192 – 198.
3. TRẦN VINH HIỂN, TRẦN THỊ KIM DUNG (1997)
Nhân 23 trường hợp bệnh gạo ở người phát hiện bằng phương pháp huyết thanh miễn dịch học.
Công trình Nghiên cứu Khoa học trường Đại học Y Dược TPHCM, tr 32 – 35.
4. TRẦN VINH HIỂN, TRẦN THỊ KIM DUNG (1998)
Nhân 125 trường hợp nhiễm sán lá lớn ở gan Fasciola sp phát hiện ở người trong năm 1997.
Tạp chí Thông tin Phòng chống Bệnh sốt rét và các Bệnh Ký sinh trùng- Số chuyên đề về các bệnh giun sán- Viện Sốt rét- Côn trùng- Ký sinh trùng Trung Ương – Hà Nội – Số 2, tr 44 – 47.
5. TRẦN VINH HIỂN, TRẦN THỊ KIM DUNG, NGUYỄN HỮU CHÍ, PHAN HỮU DANH, PHẠM THỊ HẠNH (2001)
Bệnh do sán lá lớn ở gan trên người tại Việt Nam.
Tạp chí Y học TPHCM- Trường Đại học Y Dược TPHCM- Số đặc biệt chuyên đề Ký sinh trùng- Phụ bản của tập 5, số 1, tr 75 – 77.
6. TRẦN VINH HIỂN, TRẦN THỊ KIM DUNG (2004)
Bệnh sán lá gan ở Việt Nam.
Tạp chí Thông tin Y Dược – Số chuyên đề Gan Mật – Hội nghị Gan mật toàn quốc lần thứ II- TPHCM- Ngày 10/9/2004 – tr 142 – 149.
7. TRẦN VINH HIỂN, TRẦN THỊ KIM DUNG, NGUYỄN HỮU CHÍ, ĐẶNG THỊ CẨM THẠCH, PHẠM THỊ HẠNH, LÊ ĐỨC VINH (2006)
Bước đầu đánh giá hiệu quả của triclabendazole trong điều trị bệnh nhân nhiễm sán lá lớn ở gan.
Công trình Nghiên cứu Khoa học báo cáo tại Hội nghị Khoa học toàn quốc chuyên ngành Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng giai đoạn 2001-2005, tập II Ký sinh trùng và Côn trùng Y học – Nhà xuất bản Y học, tr 54 – 62.
8. NGUYỄN HỮU HOÀN, PHẠM Ý, TRƯƠNG VĂN LUYỆN, LÊ MINH, TRẦN XUÂN MAI, LÊ THỊ XUÂN (2001)
Nhân bốn trường hợp viêm não – tủy do giun Gnathostoma sp.
Tạp chí Y học TPHCM- Trường Đại học Y Dược TPHCM- Số đặc biệt chuyên đề Ký sinh trùng- Phụ bản của tập 5, số 1, tr 106 – 110.
9. TRẦN XUÂN MAI (1992)
Góp phần nghiên cứu bệnh động vật ký sinh một chiều (ngõ cụt ký sinh) lây truyền từ phân chó mèo sang người.
Luận án Tiến sĩ Y học, Đại học Y Dược TP.HCM
10. PHAN ANH TUẤN (2004)
Ứng dụng kỹ thuật ELISA bằng kháng nguyên dịch nang để chẩn đoán Cysticercus cellulosae và đặc điểm của bệnh này tại các bệnh viện TP.HCM.
Luận án Tiến sĩ Y học, Đại học Y Dược TP.HCM.
11. LÊ THỊ XUÂN, NGUYỄN THIỆN HÙNG, TRẦN VINH HIỂN, ĐINH THỊ THI VÀ CỘNG SỰ (2001)
Một trường hợp nhiễm Fasciola gigantica.
Tạp chí Y học TPHCM- Trường Đại học Y Dược TPHCM- Số đặc biệt chuyên đề Ký sinh trùng- Phụ bản của tập 5, số 1, tr 90 – 93.
12. BELDING D. L. (1965)
Textbook of Parasitology
Third edition, Appleton Century Croft
13. TRẦN VINH HIỂN, TRẦN THỊ KIM DUNG, NGUYỄN HỮU CHÍ, PHAN HỮU DANH AND PHẠM THỊ HẠNH (2001)
Fascioliasis in Vietnam.
Southeast Asian Journal of Tropical Medicine and Public Health – Volume 32, Supplement 2, p. 48 – 50.
14. MANSON BAHR and BELL (1989)
Soil – transmitted helminths (chapter 21).
Manson’s Tropical diseases.
Edition: Baillières Tindall, p. 407 – 447.
Ảnh đại diện do Ban Tu thư thiết lập