Vị thế văn hóa cố đô Huế trong lịch sử phát triển nền văn hóa Việt Nam
Tác giả bài viết: PHAN THUẬN AN
(Thành phố Huế)
Theo đà Nam tiến của dân tộc trong gần 10 thế kỷ từ năm 1075 dưới thời nhà Lý, nền văn hóa Việt Nam đã có những bước phát triển rực rỡ đồng hành với dòng chảy liên tục của lịch sử đất nước. Trên con đường thiên lý mà nơi xuất phát là châu thổ sông Hồng và chỗ đến là đồng bằng sông Cửu Long ấy, bộ ba địa danh Thăng Long – Thuận Hóa – Gia Định, hoặc Hà Nội – Huế – Sài Gòn, đã thường được người đời và sử sách trong nước cũng như trên thế giới dùng để chỉ ba cột mốc quan trọng nhất trong quá trình hình thành và phát triển của lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Trong hơn nửa thiên niên kỷ hình thành và phát triển của mình kể từ năm 1306, vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế đã kế thừa dòng lịch sử và mạch văn hóa lâu đời của Thăng Long (trong đó có những yếu tố Trung Hoa), tiếp thu một số yếu tố văn hóa phương Nam (kể cả một ít yếu tố Champa), và thích ứng với phong thổ cũng như môi trường thiên nhiên của bản địa để dần dần tạo ra một trung tâm văn hóa mới trong nền văn hóa Việt Nam và đạt đến đỉnh cao của nền văn minh Đại Việt vào thế kỷ XIX.
Vào năm 1981, khi đến khảo sát cố đô Huế, ông Tổng Giám đốc UNESCO bấy giờ là A.M. M’Bow đã nhận định:
“Huế không chỉ là một mẫu mực về kiến trúc mà còn là một cao điểm về tinh thần và một trung tâm văn hóa sôi động – ở đó đạo Phật và đạo Khổng đã thấm sâu, hòa nhuyễn vào truyền thống địa phương, nuôi dưỡng một tư tưởng tôn giáo, triết học và đạo lý hết sức độc đáo”.(1)
Để đạt đến “một cao điểm về tinh thần và một trung tâm văn hóa sôi động” như thế, vùng đất này đã trải qua một quá trình lâu dài hình thành và phát triển về văn hóa, mà các giai đoạn chủ yếu là thời các chúa Nguyễn (1558- 1775) và nhất là thời các vua Nguyễn (1802-1945).
I. Văn hóa Phú Xuân thời các chúa Nguyễn (1558-1775)
Một trớ trêu của lịch sử là sự chia cắt đất nước thành Đàng Trong và Đàng Ngoài trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh (thế kỷ XVII-XVIII) đã mở rộng thêm cho dân tộc ta một lãnh thổ và lãnh hải bao la ở phía nam của tổ quốc, và hình thành thêm một trung tâm văn hóa mới ở Thuận Hóa – Phú Xuân sau trung tâm văn hóa Thăng Long.
Trước khi trung tâm văn hóa Phú Xuân xuất hiện bên bờ Sông Hương, xứ Thuận Hóa vào năm 1555 đã được tác giả sách Ô Châu cận lục đánh giá như là một vùng “địa linh nhân kiệt”:
“Nhân tài do địa khí mà đúc nên, địa khí có nhân tài mới phát lộ… Huống địa phương ta, mặt đất thì non sông tốt đẹp, bể cả thì sóng nước mênh mông. Sông Bình Giang trong trẻo, sông Linh Giang bao la. Vẻ hùng vĩ của núi Hoành Sơn, vẻ xinh đẹp của núi Linh Sơn. Núi Cẩm Lý linh kỳ, tự nhiên sản bạch ngân quý giá. Núi Đâu Mâu vượng khí, tự nhiên sinh cua đá dị kỳ. Núi Hương Uyển quanh co, rực rỡ như rồng uốn khúc. Núi Ma Cô xanh tốt, nghi ngút như phượng vờn mây. Thật là một nơi kỳ dị của trời đất.
“Địa linh đã như thế, có lẽ nào không chung đúc ra những người tuấn kiệt, kết tinh nên những bậc tài học được ru…? Từ sau khi nhà Trần, nhà Hồ cho dân di cư đến thì tiếng nói hơi giống miền Hoan Diễn, phong tục có khác người Chiêm Thành, mực tiến hóa có cơ ngang với thượng quốc… Đặng Tất thắng trận Bô Cô, quân uy lừng lẫy… Bùi Dục Tài đỗ Tiến sĩ khai khoa cho một địa phương… Thực là nhân tài của cả nước, chứ không phải nhân tài riêng của Ô Châu”.(2)
Các giá trị về thiên nhiên và nhân tài đó là tiền đề, tức là điều kiện có sẵn để các thế hệ người Việt ở xứ Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn nâng đời sống nhân văn tại đây lên một tầm cao mới.
Một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển bấy giờ là các nhà cầm quyền tại đây cần tạo ra một hậu phương vững mạnh về nhiều mặt để đương đầu với thế lực họ Trịnh ở Đàng Ngoài sau khi cuộc nội chiến bắt đầu nổ ra vào năm 1627 mà chiến tuyến là Sông Gianh.
Sau khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558) và nhất là sau khi chúa Nguyễn Phúc Thái chọn Phú Xuân làm thủ phủ của Đàng Trong (1687), văn hóa ở địa bàn này có cơ hội đơm bông kết trái trên nhiều phương diện: văn học, mỹ thuật, âm nhạc v.v…
Đánh giá về văn học ở Thuận Hóa – Phú Xuân bấy giờ, nhà sử học Lê Quý Đôn (1726-1784) cho rằng các chúa Nguyễn đã tác thành được “văn mạch một phương, dằng dặc không dứt, thực đáng khen lắm!”.(3)
Nhờ sách Phủ Biên tạp lục do Lê Quý Đôn viết vào năm 1776 mà ngày nay chúng ta biết được tài năng của nhiều nhà văn nhà thơ sống tại thủ phủ của Đàng Trong lúc đó, chẳng hạn như:
– Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) người làng An Hòa, huyện Hương Trà, với quyển Sãi vãi (truyện thơ Nôm dài 340 câu)(4) và Độn Am thi tập (thơ chữ Hán).
– Ngô Thế Lân (thế kỷ XVIII) một dật sĩ người làng Vu Lai, huyện Quảng Điền, với Phong trúc tập và Ngô Thế Lân thi tập. (5)
– Nguyễn Quang Tiền (người làng Phú Ninh, huyện Quảng Điền), Nguyễn Đăng Thịnh (chú ruột của Nguyễn Cư Trinh), Trần Thiên Lộc, Trần Duy Trung, Lê Viết Trình, Mai Chiêu Tư (người làng Dương Xuân, huyện Hương Trà)…(6)
Ngoài các văn nhân thi sĩ nói trên, ở thủ phủ Đàng Trong bấy giờ còn có một số tác gia nổi tiếng khác nữa, đáng chú ý nhất là:
– Đào Duy Từ (1572-1634) với các tác phẩm Ngọa Long Cương ngâm, Tư Dung vãn, Hổ trướng khu cơ...(7).
– Nguyễn Khoa Chiêm (1659-1736) với tiểu thuyết lịch sử Nam triều công nghiệp diễn chí.(8)
– Nguyễn Hữu Hào (? – 1713) với truyện Song Tinh Bất Dạ gồm 2.216 câu thơ bằng chữ Nôm.(9)
– Hoàng Quang (thế kỷ XVIII) với Hoài Nam khúc bằng chữ Nôm gồm 670 câu thơ lục bát, 10 bài thơ thất ngôn bát cú, 1 bài cáo, 1 bài văn tế và 1 bài vãn…(10)
Về mặt mỹ thuật, bao gồm kiến trúc và thủ công mỹ nghệ, các nghệ nhân ở Thuận Hóa – Phú Xuân thế kỷ XVII-XVIII đã thực hiện được một số công trình và tác phẩm có giá trị:
– Chùa Thiên Mụ được chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1601 giữa một khung cảnh thiên nhiên thanh thoát, rồi được chúa Nguyễn Phúc Chu cho nâng cấp vào năm 1714. Đây là công trình kiến trúc Phật giáo nổi tiếng nhất ở Phú Xuân nói riêng và ở Đàng Trong nói chung. Mãi cho đến ngày nay, ở chùa này vẫn còn bảo lưu được một số pháp khí rất quý báu, như cái khánh đồng đúc năm 1677, đại hồng chung đúc năm 1710 (đã được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2013), tấm bia đá dựng năm 1715 khắc bài văn của chúa Nguyễn Phúc Chu… Tấm bia đá ấy cao 2,60m, rộng 1,25m, dựng trên lưng một con rùa cũng bằng đá dài 2,2m, rộng 1,6m, mang một dạng thức mới: có cả đầu bia, trán bia, thân bia, tai trên, tai dưới (tiếp cận với lưng rùa), khác với dạng bia ở các đình chùa miếu vũ Đàng Ngoài. Đây là tấm bia đầu tiên ở Phú Xuân được chế tác theo dạng thức hoàn hảo như vậy để sau đó được dùng làm khuôn mẫu phổ biến tại cố đô Huế cũng như trong cả nước.
– Cung điện của các chúa Nguyễn ở Phú Xuân đã được xây dựng khá quy mô và tráng lệ. Vào năm 1776, Lê Quý Đôn đã mô tả khá tỉ mỉ các công trình kiến trúc cung đình ở hai bên bờ Sông Hương với “mái lớn nguy nga, đài cao rực rỡ… chạm khắc vẽ vời, khéo đẹp cùng cực”. Ở bên ngoài dinh phủ thì “chợ phố liền nhau, đường cái đi ở giữa, nhà cửa chia tả hữu thành hàng. Thuyền buôn bán, đò dọc ngang, đi lại như mắc cửi”.(11)
Nhìn chung, thủ phủ Phú Xuân vào giữa thế kỷ XVIII đã là một đô thị có quy hoạch đàng hoàng.
Bấy giờ, ở địa bàn Phú Xuân đã có khá nhiều phường hội sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ để phục vụ cho nhà chúa và dân chúng, mà nổi tiếng hơn hết là nghề đúc đồng. Chính các nghệ nhân ở Phường Đúc thời ấy đã để lại cho Huế không ít sản phẩm quý báu như chuông đồng, khánh đồng, vạc đồng… Cho đến ngày nay, các tác phẩm mỹ nghệ ấy vẫn còn được đánh giá rất cao về kỹ thuật lẫn mỹ thuật.
Riêng về lĩnh vực âm nhạc, thời các chúa Nguyễn cũng đã có những thành tựu đáng kể. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chính Đào Duy Từ là người có công đầu trong việc hình thành và lưu truyền các tổ chức sinh hoạt ca, múa, nhạc và tuồng ở Bình Định và nhất là ở Thuận Hóa – Phú Xuân. “Đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), Lộc Khê hầu Đào Duy Từ lập ra Hòa Thanh Thự luyện tập một ban vũ và nhạc, để múa hát vào những ngày khánh lễ…”.(12)
Vào năm 1695, chúa Nguyễn Phúc Chu trong khi đón tiếp một vị thượng khách đến từ Trung Hoa là Hòa thượng Thích Đại Sán đã mở một bữa tiệc để chiêu đãi tại phủ chúa. Trong bữa tiệc, có tiết mục biểu diễn hát tuồng để giúp vui. Vị thượng khách đã thuật lại như sau: “Trong tiệc có diễn kịch, Quốc vương dắt bọn tiểu hầu (nữ – ca – vũ) đến; dọn lại bàn tiệc, nhường bọn tiểu hầu của Vương hát trước. Trong cuộc hát, chủ nhơn đặt một cái trống lớn (trống chầu) bên sân khấu, thỉnh thoảng điểm hai ba tiếng trống… Ngày ấy Vương rất cao hứng, tự đánh trống điểm nhịp cho bọn hát; thanh điệu lạ lùng, bộ tịch đường lối cũng khác, người trong tiệc ngồi xem rất thú vị…”.(13)
Bấy nhiêu hoạt động nổi bật thuộc các loại hình nghệ thuật cho thấy dưới thời các chúa Nguyễn, nhân dân Phú Xuân nói riêng, Đàng Trong nói chung đã đạt được những thành tựu văn hóa đáng kể trong quá trình phát triển văn hóa Việt Nam.
Đến thời Tây Sơn (1788-1802), Phú Xuân lần đầu tiên được chọn làm kinh đô của cả nước, mặc dù lãnh thổ và lòng dân chưa được thống nhất hoàn toàn. Ngay từ năm 1788, Nguyễn Huệ cũng đã có ý định xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An để làm trung tâm chính trị cho triều đại, nhưng sau đó nó không trở thành hiện thực vì “Quang Trung mất sớm”.(14) Lúc sinh thời, nhà vua có cho thành lập Viện Sùng Chính ở Nghệ An do La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng để dịch kinh sách cổ điển của Trung Hoa ra chữ Nôm, nhưng công việc dịch thuật và ấn hành đều không đến nơi đến chốn như vua Quang Trung mong đợi.(15)
Ở Phú Xuân, vì triều đại Tây Sơn đóng đô chỉ hơn một thập niên (1788- 1801), thời gian làm vua của Quang Trung quá ngắn (1788-1792), người kế vị bất tài, nội bộ gia đình cũng như triều đình Tây Sơn lại lủng củng, cho nên, chưa ai đủ thời gian và điều kiện để thực hiện được một kiệt tác nào về văn hóa nghệ thuật lưu lại cho đời. Vả lại, nếu có thì cũng đã bị nhà Nguyễn hủy diệt ngay sau đó để trả thù. Bởi thế, ngay tại vùng Huế hiện nay, thật khó mà tìm thấy được một di sản văn hóa nghệ thuật nào của thời Tây Sơn trên thực địa, ngoại trừ một số tác phẩm văn học sáng tác tại chỗ của Lê Ngọc Hân (1770- 1799), Ngô Thì Nhậm (1746-1803), Phan Huy Ích (1750-1822) v.v…(16)
Phải đợi đến đầu thế kỷ XIX, sau khi vua Gia Long thống nhất sơn hà và tiếp tục chọn Huế làm kinh đô, văn hóa Phú Xuân – Huế mới có cơ hội để bắt đầu nở rộ, rồi phát triển lên đến đỉnh cao của nó.
II. Văn hóa Phú Xuân – Huế thời vương triều Nguyễn (1802-1945)
Nhìn lại vốn liếng di sản văn hóa nước nhà được tạo dựng trong cả ngàn năm qua, chúng ta thấy không có triều đại quân chủ nào để lại một khối lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang giá trị cao về cả lượng lẫn chất như vương triều Nguyễn (1802-1945), mà tập trung nhất là ở miền Núi Ngự Sông Hương. Đây là nơi hội tụ và lan tỏa của trí tuệ và tâm hồn Việt Nam trong gần một thế kỷ rưỡi, đặc biệt là trong thế kỷ XIX, thời kỳ quốc gia còn giữ được nền độc lập và tự chủ (1802-1884).
Dưới triều Nguyễn, văn hóa Phú Xuân – Huế đã phát triển rực rỡ trên nhiều phương diện, mà nổi trội nhất là mỹ thuật, âm nhạc, văn học và học thuật.
1. Mỹ thuật
– Ngay vào năm 1802, hai tháng trước khi xưng đế, vua Gia Long đã dùng thuyền rồng đi khảo sát địa thế vùng lưu vực Sông Hương từ Kim Long đến Thanh Hà để quy hoạch lại và mở rộng thêm quy mô Kinh Thành Huế.(17) Nhà vua và các nhà kiến trúc trong triều đã áp dụng dịch lý và thuật phong thủy của phương Đông, phối hợp với kỹ thuật xây dựng thành lũy quân sự theo kiểu Vauban của phương Tây và vận dụng vào địa thế tự nhiên tại chỗ để tạo ra một hệ thống thành quách rất đồ sộ và kiên cố, gồm Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. Từ đó cho đến những thập niên đầu thế kỷ XX, các vua nhà Nguyễn còn cho xây dựng hàng trăm cung điện, đền miếu, đàn từ, quan thự, phủ đệ, lăng tẩm ở bên trong Kinh Thành và rải rác đó đây ở vùng Huế để ăn ở, làm việc, cúng tế và an giấc ngàn thu. Ở nội ngoại thất của các công trình kiến trúc cung đình ấy, nghệ thuật trang trí bằng điêu khắc và hội họa đã được thể hiện một cách tỉ mỉ, công phu, phong phú, đa dạng và sống động.(18) Cho đến ngày nay, mặc dù đã bị chiến tranh và thời gian tàn phá nặng nề, Quần thể Di tích Cố đô Huế vẫn có được giá trị toàn cầu nổi bật (outstanding universal value) và đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới đầu tiên của Việt Nam vào năm 1993 khi tổ chức văn hóa quốc tế ấy nhận định rằng: “Quần thể Di tích Huế: Kinh đô đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, thành phố đã được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX dựa theo triết lý phương Đông và truyền thống Việt Nam. Sự hòa quyện vào môi trường thiên nhiên, vẻ đẹp của kiến trúc đặc biệt và của các tòa nhà có trang trí là một phản ánh độc đáo của nền đế chế Việt Nam ngày xưa vào thời đạt đến đỉnh cao của nó”.(19)
– Một trong những thành tựu sáng giá về mỹ thuật của vương triều Nguyễn là những sản phẩm nghệ thuật bằng đồng. Xuất sắc nhất trong số đó là Cửu vị thần công(20) đúc năm 1803 thời Gia Long và Cửu đỉnh(21) đúc năm 1836 thời Minh Mạng. Với giá trị đặc biệt của chúng, cả hai bộ tác phẩm thủ công mỹ nghệ to lớn này đều đã được Nhà nước công nhận là những Bảo vật quốc gia vào năm 2012.
2. Âm nhạc
– Về âm nhạc, bao gồm đàn, ca, múa, tuồng – trong cung đình cũng như ngoài dân gian – tất cả các bộ môn đều phát triển mạnh, đạt đến một tầm mức nghệ thuật cao hơn nhiều so với thời các chúa Nguyễn. Đáng quan tâm hơn hết là Nhã nhạc, loại nhạc lễ chính thống của các triều đại quân chủ. Ở Việt Nam, thuật ngữ Nhã nhạc bắt đầu xuất hiện trong sử sách từ năm 1402 dưới thời nhà Hồ. Qua đầu nhà Lê (1427-1788), Nhã nhạc được tổ chức chặt chẽ hơn. Nhưng, đến thế kỷ XIX, nhất là từ thời Minh Mạng (1820-1840), triều đình nhà Nguyễn mới nâng Nhã nhạc lên đến chuẩn mực hoàn hảo.(22) Xem như quốc nhạc của các triều đại quân chủ Việt Nam, Nhã nhạc đã được UNESCO công nhận là một “Kiệt tác Di sản Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại” vào năm 2003. Bấy giờ, tổ chức văn hóa quốc tế ấy đã nhận định rằng: “Trong nhiều thể loại âm nhạc phát triển ở Việt Nam, chỉ có Nhã nhạc là mang tầm cỡ quốc gia”.(23)
– Triều đình nhà Nguyễn đã tái lập Hòa Thanh Thự và lập thêm Thanh Bình Thự với hàng trăm nhạc sinh, vũ sinh, ca nhi (đều thuộc biên chế Bộ Binh)(24) để chơi hàng chục loại nhạc cụ, hát hàng trăm nhạc chương, múa hàng chục vũ khúc và diễn hàng trăm vở tuồng để phục vụ cho sinh hoạt lễ nghi và giải trí ở chốn cung đình. Mãi đến ngày nay, Huế vẫn bảo tồn được nhà hát Duyệt Thị Đường (xây năm 1826) trong Tử Cấm Thành và nhà hát Minh Khiêm Đường (xây năm 1865) ở lăng Tự Đức. “Lân mẫu xuất lân nhi” và “Lục cúng hoa đăng” là hai điệu múa nổi tiếng nhất trong những vũ khúc cung đình ngày xưa còn lại và thường được biểu diễn trong và ngoài nước hiện nay.
– Đặc sắc nhất trong âm nhạc dân gian ở miền Núi Ngự Sông Hương là bộ môn ca Huế. Đây là một thể loại ca nhạc thính phòng của các tao nhân mặc khách có cuộc sống phong lưu và tâm hồn lãng mạn. Có lẽ ca Huế đã manh nha từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), nhưng phải đến thế kỷ XIX, nó mới trở nên phổ biến và đạt đến đỉnh cao vào những thập niên đầu thế kỷ XX như một thú vui tao nhã của giới thượng lưu trí thức và của các nghệ nhân. Đã từng có hàng chục làn điệu ca Huế, bao gồm cả khí nhạc lẫn thanh nhạc. Tuy thuộc loại âm nhạc dân gian, nhưng ca từ mang tính bác học, vì đó đều là sáng tác của các ông hoàng bà chúa hoặc quan lại, nhà Nho, văn nhân, thi sĩ.(25)
3. Văn học
Người ta thường chia văn học ra làm hai mảng: văn học bác học và văn học bình dân. Dưới thời các chúa Nguyễn cũng như vương triều Nguyễn, cả hai mảng văn học này ở Phú Xuân – Huế đều phát triển rất mạnh.
– Nền văn học bình dân, bao gồm ca dao, tục ngữ, hò, vè, đã có những sưu tầm và tổng kết của một số nhà nghiên cứu gần đây với một số lượng thơ ca rất lớn, chẳng hạn như những công trình Ca dao xứ Huế bình giải toàn tập của Ưng Luận,(26) Đặc khảo hò Huế của Lê Văn Chưởng,(27) Vè Huế của Bửu Biền…(28) Đó là những thành quả nghiên cứu đặc sắc về văn học bình dân xứ Huế một thời.
– Về văn học bác học, các nhà bỉnh bút tại miền Núi Ngự Sông Hương cũng đã để lại một khối lượng tác phẩm rất đồ sộ, phần lớn được viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm. Đây là thời cực thịnh của nền văn học nước nhà.
Chính các vua và các ông hoàng bà chúa triều Nguyễn cũng đã sáng tác rất nhiều thơ văn. Các vua Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883) đều là những vị vua hay chữ. Vua nào cũng để lại những “Ngự chế thi tập” và “Ngự chế văn tập” gồm hàng ngàn bài thơ và hàng trăm bài văn. Các ông hoàng bà chúa đặc sắc nhất về văn học là Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819-1870) với Thương Sơn thi tập; Tuy Lý Vương Miên Trinh (1820-1897) với Vĩ Dạ hợp tập; Quy Đức công chúa (1824-1892) với Nguyệt Đình thi thảo; Mai Am công chúa (1826-1904) với Diệu Liên thi tập; Thuận Lễ công chúa (1830-1882) với Huệ Phố thi tập…(29)
Ngoài hoàng tộc, số lượng tác gia thuộc bách tính là hết sức đông đảo, bao gồm các nhà khoa bảng, quan lại, Nho sĩ, tao nhân mặc khách… Hai văn nhân nổi tiếng bấy giờ đã từng được vua Tự Đức ca ngợi trong câu “Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán…” là Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) với Phương Đình thi tập, Phương Đình văn tập, Tùy bút lục, và Cao Bá Quát (? -1854) với Chu Thần thi tập.(30) “Nhưng áng văn toàn bích không tiền tuyệt hậu trong thế kỷ thứ XIX vẫn là Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du”.(31) Ông sinh ở Thăng Long năm 1865, nhưng sống và làm quan ở Huế trong một thời gian khá dài từ năm 1805 đến khi mất vào năm 1820. Lúc đầu, ông được chôn ở Huế, đến năm 1824, mới cải táng về quê nhà ở Tiên Điền, Hà Tĩnh. Căn cứ vào nội dung một số câu thơ Nôm trong Truyện Kiều, chẳng hạn như “Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”, có người cho rằng đó là hình ảnh của Kinh Thành Huế và tác phẩm văn chương bất hủ ấy đã được Nguyễn Du viết tại miền Núi Ngự Sông Hương.
Sử sách cũng còn ghi chép tên tuổi của hàng trăm văn nhân thi sĩ khác, hoặc sinh trưởng tại cố đô này, hoặc đến sống, làm việc ở đây trong những thời gian dài ngắn khác nhau; chẳng hạn như: Đặng Huy Trứ (1825-1874), người làng Thanh Lương (Quảng Điền), với Hoàng Trung thi văn sao; Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895), người làng Kế Môn (Phong Điền), với Thiên hạ đại thế luận và nhiều bản điều trần; Nguyễn Văn Mại (1853-1945), người làng Niêm Phò (Quảng Điền), với Việt Nam phong sử, Lô Giang tiểu sử; Đào Tấn (1845-1907) với nhiều tập thơ văn và nhiều vở tuồng; Phan Bội Châu (1867-1940) với hàng chục tên sách khác nhau; Huỳnh Thúc Kháng (1867-1947) với báo Tiếng dân và hơn 10 đầu sách; các hội viên trong “Hương Bình thi xã”; các nhà thơ trong Hương Bình thi phẩm...(32)
4. Học thuật
Trong cơ chế tổ chức bộ máy hành chính trung ương thời Nguyễn, triều đình có thiết lập một số cơ quan phụ trách những công tác liên quan đến học thuật. Trong số các cơ quan văn hóa đó, quan trọng nhất là Nội Các và Quốc Sử Quán.
– Nội Các: Xem như văn phòng nhà vua, Nội Các được thành lập dưới thời Gia Long với tên gọi là Thị Thư Viện, vào năm 1829, vua Minh Mạng đổi tên là Nội Các, và đến thời Bảo Đại thì gọi là Ngự tiền Văn phòng. Cơ quan này có hai nhiệm vụ chính. Một là tiếp nhận tất cả các văn bản hành chính từ các cấp trong nước đệ trình lên vua và các chiếu dụ từ vua ban xuống. Các văn bản này có chữ vua phê bằng mực son, cho nên gọi là “châu bản”. Mỗi chiếu dụ được sao ra một bản để gửi đi thi hành. Bản chính được Nội Các giữ lại, sau đó tất cả các châu bản đều được chuyển qua cho Quốc Sử Quán dùng làm tài liệu mà viết sử. Trước tháng 2/1947, khối lượng châu bản do triều Nguyễn để lại tại Huế là rất lớn, có đến hàng ngàn tập. Nhưng đến nay, vì nhiều lý do khác nhau, khối tài liệu gốc đó chỉ còn lại được 735 tập với khoảng 400.000 trang, được bảo quản một cách cẩn trọng tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I ở Hà Nội.(33) Vào năm 2014, khối tài liệu quý báu này đã được UNESCO vinh danh là “Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”.(34) Nhiệm vụ thứ hai của Nội Các là biên soạn sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ và “kiểm soạn”, “kiểm hiệu”, “bổ chú” các tập thơ văn Ngự chế để ấn hành.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (122), 2015
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Vị thế văn hóa cố đô Huế trong lịch sử phát triển nền văn hóa Việt Nam (Tác giả: Phan Thuận An) |