Giáo dục, khoa cử Thanh Hóa từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX
Tác giả bài viết: Tiến sĩ HOÀNG THANH HẢI
(Trường Đại học Hồng Đức – Thanh Hóa)
Thanh Hóa không chỉ là vùng đất có truyền thống yêu nước, anh dũng bất khuất, sản sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, nhiều bậc Đế Vương, mà còn có truyền thống hiếu học, khoa bảng, sản sinh ra nhiều bậc đại khoa, nhiều danh nhân, làm rạng danh nền văn hóa nước nhà.
1. Đôi nét về giáo dục, khoa cử Thanh Hóa trước thời Nguyễn
Ngay từ thời Bắc thuộc, đời nhà Đường (618-905), hai anh em ruột Khương Công Phục và Khương Công Phụ, quê ở Định Thành, Yên Định, Thanh Hóa đã sang tận Trường An (kinh đô nhà Đường) dự thi và đều đỗ tiến sỹ, trở thành hai vị đại khoa đầu tiên của xứ Thanh và cả nước.
Từ khi đất nước giành được tự chủ, nền giáo dục, thi cử Nho học được xác lập, Thanh Hóa là nơi có số sỹ tử đông nhất và nhiều người đỗ đạt cao nhất. Trong lịch sử khoa cử Nho học, cả nước có 2. 869 người đỗ đại khoa, Thanh Hóa có 186 người (chiếm tỷ lệ 6,5%), trong đó có nhiều danh nhân văn hóa tiêu biểu, để lại tiếng thơm muôn đời. Thế kỷ XIII, đời nhà Trần, Thanh Hóa xuất hiện Bảng nhãn Lê Văn Hưu, tác giả bộ Đại Việt Sử ký. Ông được coi là “cha đẻ” của nền sử học Việt Nam. Đội ngũ nho sỹ ngày càng đông đảo, như Thám hoa Trương Phóng, Hoàng giáp La Tu, Thái học sinh Lê Quát…
Thời nhà Hồ, mặc dầu tồn tại ngắn ngủi chỉ 7 năm, nhưng Hồ Quý Ly đã đề ra nhiều cải cách tiến bộ, trong đó có cải cách giáo dục, thúc đẩy nền giáo dục cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng tiếp tục phát triển. Rất tiếc, sự nghiệp đó chưa kịp thực hiện thành công đất nước ta rơi vào tay giặc Minh. Nền văn hóa, giáo dục dân tộc bị tàn phá nặng nề.
Sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Minh, triều Hậu Lê được thiết lập. Đất nước bước sang thời kỳ phát triển mới. Hệ tư tưởng Nho giáo được coi trọng, tầng lớp nho sĩ được đề cao và trở thành rường cột của nhà nước phong kiến. Dưới thời Lê Sơ, nhất là đời Hồng Đức, văn hóa, giáo dục, khoa cử đặc biệt phát triển. Trong 30 khoa thi thời Lê Sơ, Thanh Hóa có 46 người đỗ đạt, trong đó nhiều người nổi tiếng, được ca ngợi cả nước, như Trịnh Thiết Tường, Lưu Hưng Hiếu, Lương Đắc Bằng.
Từ đầu thế kỷ XVI, cuộc nội chiến Nam – Bắc triều gây ra cho đất nước nhiều tổn thất. Sau khi kết thúc chiến tranh, tình hình chính trị, kinh tế dần ổn định và phát triển. Sự nghiệp giáo dục của Thanh Hóa vẫn được duy trì, các khoa thi để tuyển chọn nhân tài vẫn được mở thường xuyên. Trong 7 khoa thi do nhà Lê mở và 5 khoa thi do nhà Mạc mở, Thanh Hóa có 25 người đỗ Tiến sĩ.
Năm 1545, Nguyễn Kim mất, Trịnh Kiểm được giao toàn bộ trọng trách cai quản đất nước. Năm 1570, Nguyễn Hoàng, con thứ của Nguyễn Kim được cử làm tổng trấn, trấn thủ vùng đất Thuận – Quảng. Từ đó, cục diện Đàng Trong – Đàng Ngoài khủng hoảng, chiến tranh bùng nổ và kéo dài tới 2 thế kỷ
Mặc dầu không tránh khỏi vòng quay của cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn, nhưng nhìn chung Thanh Hóa trong thời kỳ này, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, nhất là giáo dục vẫn phát triển mạnh mẽ.
Chỉ tính riêng ở bậc đại khoa, trong 56 khoa thi, Thanh Hóa có 89 người đậu tiến sĩ (chiếm 11,2% cả nước), trong đó có người đậu Trạng nguyên là Trịnh Tuệ. Sau khi đỗ đạt, nhiều người đã giữ các trọng trách của triều đình như Lê Hy (Đông Sơn) làm Tể tướng, Hà Tông Huân (Yên Định) là Hiệu trưởng Quốc Tử Giám, Nguyễn Hoãn (người Thiệu Hóa) được tôn là Quốc Lão. Đặc biệt, Đào Duy Từ (Tĩnh Gia) vừa là nhà văn hóa, vừa là khai quốc công thần của nhà Nguyễn.
2. Giáo dục, khoa cử Thanh Hóa thời Nguyễn
Năm 1802, sau khi đánh bại Tây Sơn, triều Nguyễn được xác lập. Trong suốt 143 năm tồn tại của triều Nguyễn, mặc dầu tình hình chính trị, xã hội khủng hoảng, nhưng giáo dục, khoa cử của cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, giữ vững vị trí hàng đầu cả nước. Các bộ chính sử thời Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện… đặc biệt hai bộ sách về khoa cử triều Nguyễn là Quốc triều hương khoa lục, Quốc triều đăng khoa lục đều cho biết rõ điều này.
Chỉ sau 5 năm ổn định ngai vàng, năm 1807, vua Gia Long xuống chiếu mở khoa thi Hương đầu tiên nhằm mục đích:
– Tuyển chọn một đội ngũ quan văn có học thức, đỗ đạt qua thi cử, bổ sung cho đội ngũ quan lại ở triều đình và các địa phương sau nhiều năm chiến tranh nên chủ yếu là quan võ.
– An dân, nhất là tầng lớp Nho sỹ.
Ở Bắc Hà có 6 trường thi được lập: Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây.
Trong 6 bộ: bộ Lại, bộ Hộ, bộ Công, bộ Binh, bộ Hình, bộ Lễ mà Gia Long đặt ra để giúp vua quản lý đất nước, thì bộ Lễ được giao thêm nhiệm vụ cai quản, chăm sóc việc học hành, thi cử, bên cạnh các nhiệm vụ tổ chức việc nghi lễ và ngoại giao của triều đình. Đến đời vua Duy Tân, còn có thêm bộ Học.
Để coi sóc việc học hành, thi cử ở các tỉnh, từ đời Minh Mệnh, triều đình đặt ra chức quan Đốc học, các phủ, huyện có chức quan Giáo thụ, Huấn đạo. Theo sách Khâm định Đại Nam hội điền sự lệ, năm 1802 sau khi lên ngôi, Gia Long cho đặt chức Đốc học ở các trấn thuộc Bắc Thành. Năm 1805, triều đình cho đặt chức Đốc học ở Thanh Hóa. Theo lệ, mỗi trấn được đặt một Đốc học, nhưng riêng Nghệ An, Thanh Hóa mỗi trấn có 2 Đốc học. Các vua Thiệu Trị, Tự Đức sau đó tiếp tục có những chính sách mở mang việc học hành, thi cử, trở thành công việc quan trọng bậc nhất của triều đình để đào tạo, tuyển chọn nhân tài cho đất nước.
Năm 1821, vua Minh Mệnh cho lập Quốc Tử Giám ở kinh đô Phú Xuân, đặt chức Tế Tửu và Tư Nghiệp. Năm 1822, vua xuống chiếu mở khoa thi Hội và thi Đình để tuyển chọn các bậc đại khoa, và quy định: 3 năm mở khoa thi Hương (vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu), và cũng 3 năm mở khoa thi Hội (vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi). Ngoài ra, triều đình còn mở các ân khoa, nhã sỹ, chế khoa, cát sĩ để tuyển những người tài năng khi vua thấy cần thiết.
Chế độ thi cử và học hành của triều Nguyễn ngày càng nề nếp, mặc dầu từ cuối thời Tự Đức, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Từ đây, các khoa thi Hội lấy người đậu đạt gọi là Tiến sỹ, nhưng không có Trạng nguyên và thêm học vị Phó bảng, tuy không được gọi là Tiến sỹ, nhưng cũng là bậc đại khoa.
Ở cấp tỉnh, đạo, trường học được tổ chức dưới quyền quản lý của quan Đốc học tỉnh để tuyển chọn những người ưu tú dự các kỳ thi Hương và thi Hội. Cấp phủ có đặt trường học, còn gọi là nhà học do các quan Giáo thụ, Huấn đạo giảng dạy. Trường tỉnh, nhà học ở phủ, huyện còn là nơi các học quan khảo hạch sĩ tử, trước khi lập danh sách đi thi Hương, thi Hội.
Ở cấp làng, xã, Triều đình khuyến khích nhân dân tổ chức trường học, nuôi thầy, mời thầy về dạy con em học, thi. Triều đình còn ban bố một số đặc ân cho người đi học, đi thi như miễn việc phu phen, tạp dịch, đi lính… hoặc ban thưởng cho người đỗ đạt như khen tặng của làng, tổng đối với người đỗ khoa thi Hương, thi Hội, tổ chức lễ vinh quy, bái tổ, đón rước long trọng. Các làng có nhiều người đỗ đạt được lập Văn chỉ để hàng năm tế lễ Đức Thánh Khổng và các bậc tiên nho. Các huyện lập văn chỉ huyện. Các tỉnh có nhà văn miếu, văn Thánh. Ở kinh đô có nhà văn miếu.
Về nội dung giáo dục, cũng giống như- các triều đại trước, cho đến năm 1919, triều Nguyễn lấy chữ Hán làm văn tự chính. Tư tưởng chính thống, nền tảng vẫn là Nho giáo. Tài liệu học tập từ khi bắt đầu đi học cho đến khi đi thi Hương chủ yếu là các bộ sách kinh điển: Ngũ kinh, Tứ thư, Bắc sử, Nam sử. Môn học chính vẫn là cách làm văn, làm thơ, phú, đối…
Từ năm 1920, mặc dầu Trung kỳ thuộc quyền kiểm soát của nhà Nguyễn, nhưng việc học hành, thi cử được thực hiện theo chương trình giáo dục của Chính phủ bảo hộ thực dân Pháp, lấy chữ Pháp, chữ Quốc ngữ làm văn tự, mô phỏng theo chương trình và chế độ thi cử của Pháp. Đến năm 1940, chữ Hán không còn được dạy ở các trường học Pháp – Việt các cấp, chỉ còn được dạy ở một số lớp của các ông đồ làng.
Trong bối cảnh chung đó, phát huy truyền thống hiếu học, khoa bảng từ thời Lý, Trần, Lê, giáo dục Thanh Hóa thời nhà Nguyễn tiếp tục phát triển, giữ vững vị trị là một trong những tỉnh hàng đầu của cả nước. Năm 1807, vua xuống chiếu mở khoa thi Hương đầu tiên của triều Nguyễn. Thanh Hóa là 1 trong 6 tỉnh của Bắc Hà được lập trường thi. Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), trường thi chính thức được lập ở phía Đông Bắc trấn thành, thuộc địa phận làng Thọ Hạc (phường Trường Thi, Thành phố Thanh Hóa ngày nay). Theo tư liệu còn lại, trường thi Hương của tỉnh được dựng trên một diện tích rộng, có chu vi 193 trượng (một trượng bằng 4m). Năm Tự Đức thứ tư (1850), triều đình cho xây tường gạch bao quanh cao 6 thước. Nhà làm việc của các quan giám khảo, chủ khảo, sơ khảo đều xây bằng gạch, ngói, gồm 19 căn, 52 gian nhà. Nhà “lại phòng” gồm 5 căn, 15 gian. Trường thi có hình chữ nhật, chạy theo hướng Bắc – Nam. Ngoài các công trình xây bằng gạch nói trên, còn lại là bãi đất trống, ở giữa có đường thập đạo. Khi các sĩ tử đi thi, theo quy định được dựng lán, lều chõng ở khu vực này. Theo chiếu vua Minh Mệnh thứ 12 (1831), thời gian thi là một tháng. Trường thi Hương Thanh Hóa được ấn định vào tháng 9 âm lịch, thời gian sau đó, có năm vào tháng 10.
Trường thi Thanh Hóa tồn tại đến năm 1918, năm thi Hương cuối cùng ở Thanh Hóa. Quan đốc học là người đứng đầu, phụ trách việc học hành, thi cử của tỉnh. Nơi làm việc của quan đốc học gọi là dinh đốc học. Cùng làm việc trong dinh có khoảng 10 thơ lại. Quan đốc học thường là người xuất thân khoa bảng, đỗ Tiến sỹ, cũng có trường hợp đậu cử nhân, nhưng phải là người giỏi văn học, có tiếng trong giới Nho sỹ. Ngoài trách nhiệm coi sóc việc học hành, thi cử của cả tỉnh, quan Đốc học còn trực tiếp giảng sách, bình văn cho các học trò chuẩn bị đi thi Hương, tại trường học của tỉnh mỗi tháng từ 2 đến 4 lần.
Trường học của trấn lúc đầu đặt tại làng Quảng Xá, xã Bố Vệ, phía Nam trấn thành Thọ Hạc. Đến năm 1912, trường dời về làng Thọ Hạc, bắc trấn thành, gần địa điểm trường thi Hương.
Tại các phủ, huyện, chức Giáo thụ, Huấn đạo chịu sự quản lý của quan Đốc học của tỉnh, phối hợp với các quan cai trị coi sóc việc học hành nơi đó.
Số lượng các trường ở các huyện được mở căn cứ vào suất đinh. Ví dụ, dưới triều vua Tự Đức, Thanh Hóa có 51. 379 suất đinh, được lập 11 trường ở các phủ huyện, gồm: Phủ Quảng Hóa, phủ Hà Trung, huyện Hoằng Hóa, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, huyện Đông Sơn, phủ Thọ Xuân, phủ Thiệu Hóa, huyện Yên Định, phủ Nông Cống, huyện Hậu Lộc (theo Đại Nam nhất thống chí).
Các châu ở miền núi không có trường. Người muốn đi học phải xuống các huyện đồng bằng để học. Ví dụ, người ở Thường Xuân, Ngọc Lặc xuống học ở trường phủ Thọ Xuân.
Các trường học ở huyện mỗi tháng chỉ gọi học trò đến nghe giảng kinh sách, tập làm văn, bình văn vài lần. Nhiệm vụ chính của trường là khảo hạch các sỹ tử để chuẩn bị về trường tỉnh phúc hạch, chuẩn bị nộp đơn đi thi Hương. Người không qua được các kỳ khảo hạch và phúc hạch phải tiếp tục học và 3 năm sau mới được đi dự khảo hạch, phúc hạch tiếp.
Thường ngày, học trò học với thầy trong làng, trong tổng, hay trong huyện. Những người đã đỗ cử nhân, trước khi đi thi Hội ở kinh đô Huế phải qua kỳ phúc hạch ở tỉnh, do chính quan Đốc học làm chủ khảo, có sự giám sát của các quan đầu tỉnh phủ Tổng đốc, Bố chánh, Án sát. Trước khi dự thi kỳ phúc hạch, các cử nhân phải tìm thầy để học nâng cao trình độ kiến thức.
Trong nhân dân, nhiều hình thức động viên, khuyến khích con em học tập, đỗ đạt cao. Quan các hương ước, văn chỉ làng, tổng huyện và các di tích cho chúng ta biết, thời Nguyễn, các làng xã chú ý khuyến khích việc học hành, tôn vinh những người đỗ đạt cao. Có làng có học điền (ruộng dành cho việc học) để cấp cho học sinh nghèo lúc đi thi Hương, thi Hội. Có những người đi học, đi thi dù kéo dài mấy năm làng cũng miễn việc đi phu, đi tuần, đi lính, để an tâm lo việc học hành, thi cử. Những người đậu Tú tài, Cử nhân, Lý trưởng, Hương chức đem cờ, lọng xuống tận huyện đường rước các vị tân khoa về đình làng, làm lễ bái yết thành hoàng và cả làng chúc mừng. Người đậu Phó bảng, Tiến sỹ, chức sắc Tổng và Lý Hương (làng có người đậu) đem cờ quạt, võng, lọng xuống nơi mà tỉnh quy định để rước ông Nghè vinh quy. Cuộc rước vinh quy ông Nghè kéo dài qua nhiều làng xã, rồi về quán ông Nghè. Nếu người đỗ đạt đã có vợ, làng mời cả Bà nghè cùng đi đón rước và lúc về bà nghè được nằm võng đào có hai người đi sau võng, hoặc sau ngựa ông Tân khoa về đến tận nhà Nhiều huyện như Đông Sơn, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Nông Cống, Yên Định, Nga Sơn có văn chỉ huyện. Đây là nơi thờ các bậc tiên thánh đạo Nho, là nơi các nho sỹ hàng năm đến làm lễ tôn vinh. Ở các văn chỉ huyện còn có bia ghi họ, tên và khoa thi các bậc khoa cử đỗ đạt, là niềm tự hào và vinh dự của cả huyện. Một số làng cũng có văn chỉ làng, thường là một bàn đá, được xây trên đất công, ruộng công của làng. Văn chỉ làng cũng ghi tên họ những người đậu Tú tài trở lên. Ngoài ra, làng còn có hội tư văn, gồm những người đã đậu, đã thi nhưng hỏng và những người đang học để đi thi. Hội tư văn tổ chức hàng năm lễ cúng Tiên Thánh đạo Nho để động viên phong trào học tập của làng. Những người trong hội tư văn phải giữ tư cách mẫu mực của nho sĩ. Nếu người nho sĩ phạm vào đạo đức, hội bắt phạt và bị đuổi ra khỏi hội, nếu đang học để đi thi thì phải ra làng nhận phu phen, tạp dịch.
Tiêu biểu nhất cho các hình thức khuyến học ở các làng xã trong tỉnh là làng Bột Thượng (xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa ngày nay). Tại đây từ lâu đã xây dựng đình Bảng (còn gọi là Bảng Môn Đình) là nơi tụ họp, nêu gương, ghi danh những người đỗ đạt. Vì vậy, Hoằng Lộc trở thành xã có truyền thống hiếu học, khoa bảng nổi tiếng, có nhiều người đậu đại khoa, trung khoa. Truyền thống đó được nối tiếp từ đời này sang đời khác đến ngày nay vẫn được giữ vững.
Trái ngược với các huyện miền xuôi, dưới triều Nguyễn, giáo dục khoa cử ở các vùng miền núi Thanh Hóa của người Thái, Mường, Dao, Hơ Mông, Thổ rất thấp kém.
Các châu không có nhà học, không có quan huấn đạo, giáo thụ để lo việc học hành. Một số nhà lang đạo đón thầy đồ đến làng dạy học, nhưng chủ yếu để dạy cho con cháu họ biết làm một số văn tự, giấy tờ hành chính, hay cúng tổ tiên. Vì vậy, ở miền núi không ai đi thi ở trường thi Hương tỉnh, và chưa một ai đậu Tú tài, cử nhân. Các chức vụ hành chính ở các châu miền núi đều do lang đạo nắm giữ, truyền lại cho con cháu.
Tính từ khoa thi năm Đinh Mão đời vua Gia Long (khoa thi Hương đầu tiên ở trường thi Thanh Hóa) đến khoa thi năm Mậu Ngọ (1919) đời vua Khải Định (khoa thi Hương cuối cùng ở trường thi Thanh Hóa), với 40 khoa thi, có 500 người đậu cử nhân, trong đó có 430 người đậu tại trường thi Thanh Hóa, còn lại thi đậu ở các trường thi khác như Nghệ An, Hà Nội. Theo quy định của triều đình, ở trường thi Hương, mỗi tỉnh được lấy đậu 1 cử nhân thì được lấy đậu 3 tú tài. Như vậy, trong 40 khoa thi Hương, với 500 cử nhân, đã có 1.500 tú tài. Số sĩ tử ở mỗi kỳ thi Hương ở trường thi Thanh Hóa khá đông, từ 1.000 đến 2.000 người. Trên tấm bia được dựng năm Tân Mão, đời vua Thành Thái (1891) (ngày nay vẫn còn, nhân dân quen gọi là ngã Ba Bia, phường Trường Thi – Thành phố Thanh Hóa), có khắc bài sớ của của quan Tổng đốc Thanh Hóa là Nguyễn Thuật, tâu lên vua Thành Thái, xin mở lại trường thi Hương Thanh Hóa, nói rõ: “ Trước kia ở Thanh Hóa có hàng ngàn sĩ tử đi thi – nay trường thi không còn, sĩ tử Thanh Hóa phải vào thi ở trường thi Nghệ An, số ghi tên chỉ còn trên 700 mà số đến dự thi chỉ còn trên 300 người. Việc học, việc thi bị giảm sút – xin triều đình cho mở lại trường thi Hương Thanh Hóa”.
Trong số 430 cử nhân người Thanh Hóa thi đậu ở trường thi Hương Thanh Hóa, nhiều người đã vào kinh đô Phú Xuân thi hội, thi đình, đã có 29 người thi đậu đại khoa, trong đó có 15 tiến sĩ và 14 phó bảng. Trong 15 tiến sĩ trên có 1 Bảng nhãn (triều Nguyễn không cho ai đỗ Trạng Nguyên và Bảng nhãn cũng chỉ lấy đỗ 2 người), 2 Thám hoa (Triều Nguyễn lấy đỗ tất cả 9 Thám hoa), 4 Hoàng giáp. Do việc học hành, thi cử ở Thanh Hóa thời Nguyễn phát triển mạnh, có quy củ nên tầng lớp Nho sĩ ngày càng đông đảo.
Trong số những người đỗ đạt, nhiều người đã có những cống hiến xuất sắc cho triều đình như Hà Duy Phiên (Hoằng Hóa), Nhữ Bá Sỹ (Hoằng Hóa), Mai Anh Tuấn (Nga Sơn)…
Nhiều “làng khoa bảng”, “vùng khoa bảng”, “dòng họ khoa bảng” được hình thành, phát triển, tiêu biểu như làng Đông Biện (nay là làng Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc), làng Bột Thái – Bột Thượng (nay là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa), làng Cổ Định (huyện Nông Cống), làng Trương Xá (huyện Hậu Lộc), vùng Tào Sơn, Ngọc Đường (Tĩnh Gia), vùng Dành, Hoành (Yên Định). Trong số 39 dòng họ ở Thanh Hóa có người đỗ đạt, có 2 cự tộc khoa cử là họ Nguyễn với 122 người, họ Lê với 100 người đỗ. Truyền thống hiếu học, khoa bảng của các làng, vùng, dòng họ này ngày nay vẫn còn được gìn giữ và phát huy.
Nền giáo dục, khoa bảng Thanh Hóa thời Nguyễn phát triển không chỉ có ý nghĩa nâng cao dân trí, mở mang văn hóa các vùng, các huyện, tiếp tục giữ vững truyền thống hiếu học, khoa bảng từ thời Lý, Trần, Lê, mà quan trọng là còn góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, chống Pháp của nhân dân ta, nhất là tầng lớp nho sĩ. Điển hình là trong phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở Thanh Hóa, nhiều lãnh tụ – các nho sĩ đã nêu cao tấm gương anh dũng hy sinh, như Tiến sỹ Tống Duy Tân, thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh, cử nhân Phạm Bành, cử nhân Hoàng Bật Đạt cùng với Đinh Công Tráng lãnh đạo khởi nghĩa Ba Đình. Phó bảng Nguyễn Đôn Tiết đã cùng các sĩ phu, các tầng lớp nhân dân huyện Hoằng Hóa chống giặc Pháp đến cùng…
Truyền thống đó tiếp tục được các thế hệ con cháu xứ Thanh ngày nay gìn giữ, phát huy, xứng danh là một vùng đất địa linh – nhân kiệt.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX,
Tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Giáo dục, khoa cử Thanh Hóa từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX (Tác giả: TS. Hoàng Thanh Hải) |