Tên gọi dinh trấn Thanh Chiêm

Tác giả: LÊ THANH HÀ
(Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)

     Vùng đất Quảng Nam trước đây được các nhà truyền giáo và các thương nhân nước ngoài gọi là “Quảng Nam quốc” (nước Quảng Nam), mà trong đó vai trò lịch sử của dinh trấn Thanh Chiêm đã góp phần quan trọng cho công cuộc mở cõi và giữ nước của tiền nhân trong thế kỷ XVII – XVIII. Dinh trấn Thanh Chiêm đã thật sự trở thành kinh đô thứ hai của xứ Đàng Trong. Tuy nhiên tên gọi dinh trấn Thanh Chiêm có từ bao giờ, ý nghĩa của tên gọi đó như thế nào, sự biến đổi qua các thời kỳ lịch sử như thế nào và tính chất lịch sử của dinh trấn Thanh Chiêm là những vấn đề cần được quan tâm, tìm hiểu nhiều hơn nữa. Bài viết này thông qua các cứ liệu lịch sử sẽ phần nào nghiên cứu các vấn đề trên.

1. Tên gọi dinh trấn Thanh Chiêm xuất hiện từ khi nào?

     Dinh trấn Thanh Chiêm, nay ở làng Thanh Chiêm thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thanh Chiêm trước đây vốn là vùng đất thuộc Chiêm Động. Thanh Chiêm còn có nhiều tên gọi khác như là: Đại Chiêm, Kẻ Chiêm, Kẻ Chàm, Dinh Chiêm, Dinh Chàm hay Chiêm Thượng. Theo những cứ liệu lịch sử, vùng đất này là địa giới cuối của nước Đại Việt thời Lý – Trần. Đến thời nhà Hồ, tiếp tục cuộc mở đất, sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: “Đời Hồ niêu hiệu Thiệu Thành thứ hai (1402) lấy đất Chiêm Động của người Chiêm chia làm châu Thăng và châu Hoa di dân đến ở, lập ra Thăng Hoa lộ An phủ”; sách Đại Nam nhất thống chí cũng có nói: “Sau chiến thắng Trà Bàn của vua Lê Thánh Tông năm 1471, đem đất Đại Chiêm đặt làm Quảng Nam Thừa Tuyên, biên giới nước Việt kéo dài đến núi Thạch Bi (Phú Yên)”. Đến năm 1558, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng – con thứ hai của Nguyễn Kim được vua Lê cho vào trấn thủ trấn Thuận Hóa. Năm 1570, Nguyễn Hoàng được nhà vua cho kiêm lãnh trấn Quảng Nam. Năm 1602, chúa Tiên Nguyễn Hoàng thành lập dinh trấn Quảng Nam ban đầu tại xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên sau dời về Thanh Chiêm huyện Điện Bàn. Việc này đã được Lê Quý Đôn ghi trong sách Phủ biên tạp lục: “Từ tuần Ải Vân đi đến dinh Quảng Nam, tục gọi là dinh Chiêm ở xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên, không quá hai ngày…”. Còn trong sách Đại Nam thực lục thì chép: “Chúa Nguyễn Hoàng khen rằng nơi này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng, liền vượt núi xem xét tình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên), xây kho tàng, chứa lương thực, lại sai Hoàng tử thứ sáu trấn giữ…”.

     Về địa danh Cần Húc thì ta có thể nhận định nó chỉ là lỵ sở tạm ban đầu, hành dinh tạm thời ban đầu để chúa Nguyễn Hoàng ở khi đến dinh Quảng Nam, sau đó lỵ sở chính dời về Thanh chiêm nên các nhà chép sử thời Nguyễn không nhắc nhiều đến Cần Húc nữa mà chỉ viết nhiều tới Thanh Chiêm thôi.

     Năm 1605, chúa Nguyễn Hoàng cho tách huyện Điện Bàn, lúc đó thuộc trấn Thuận Hóa, ra khỏi trấn này để nhập vào dinh Quảng Nam, thăng làm phủ Điện Bàn, gồm 5 huyện: Tân Phúc, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh và Phúc Châu. Cũng vào năm này, phủ Hoài Nhơn được đổi thành phủ Quy Nhơn, cũng trực thuộc Quảng Nam. Đây là một quyết định sáng suốt, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của chúa Nguyễn Hoàng. Chúa Nguyễn đã quan tâm tới vùng đất Quảng Nam nhiều tiềm năng mở rộng hơn, giao toàn quyền quyết định mọi việc cho dinh trấn Quảng Nam, tạo cho nó những điều kiện tốt nhất để phát triển thành một vùng đệm chiến lược cho Thuận Hóa, và đã chọn được một dinh trấn phù hợp để làm đại bản doanh cho cả vùng Đàng Trong, làm bàn đạp cho các vị chúa kế tiếp mở rộng cương vực lãnh thổ hơn nữa. Quyết định này không chỉ đem lại những thuận lợi lớn cho việc quản lý hành chính lãnh thổ, mà còn tạo những điều kiện quan trọng để kinh tế, xã hội, văn hóa của Đàng Trong phát triển vượt bậc, tạo nên một vùng đất thống nhất, phát triển từ đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông và tiến xa hơn xuống phía Nam sau này.

     Từ năm 1771 đến năm 1802, các cuộc binh đao giữa chúa Nguyễn và Tây Sơn; Tây Sơn và Nguyễn Ánh, kéo dài khoảng 30 năm, khiến cho dinh trấn Thanh Chiêm bị hư hại nặng. Vì thế sau khi lên ngôi, Nguyễn Ánh – Gia Long đã tạm thời đặt lỵ sở của dinh Quảng Nam tại cảng thị Hội An. Tuy nhiên vùng đất Thanh Chiêm vẫn rất được các vua Nguyễn coi trọng.

     Năm 1803, vua Gia Long lại cho dời lỵ sở dinh Quảng Nam về Thanh Chiêm. Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806) có chép: “Dinh Quảng Nam phía Đông là biển lớn, phía Tây là dãy núi cao, phía Nam giáp với Quảng Ngãi ở Trì Bình, phía Bắc giáp với Quảng Đức ở Vân quan, là vùng núi non hiểm trở, đảo nhỏ bao quanh, đồng bằng rộng thoáng, xe thuyền quần tụ. Lỵ sở đóng trên đất Thanh Chiêm, huyện Diên Khánh thuộc phủ Điện Bàn. Dinh Quảng Nam quản lĩnh hai phủ, năm huyện… ”. Như vậy dưới triều Gia Long (1802 – 1820), dinh Quảng Nam đã bị thu hẹp diện tích, và chức năng hành chính chỉ có quyền của một tỉnh Quảng Nam, và lỵ sở của nó vẫn đặt tại Thanh Chiêm.

     Sách Đại Nam nhất thống chí có viết: “Khi mới dựng nghiệp, Chúa đã cho xây dinh trấn tại xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước, sau có loạn nên bỏ, đến buổi trung hưng, lại thu phục Quảng Nam, tạm lập dinh trấn tại phố Hội An. Đến năm Gia Long thứ 2 mới dời vào xây tại chỗ đất cũ Thanh Chiêm, đắp thành bằng đất. Đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833) mới dời qua thành La Qua, huyện Diên Phước, Quảng Nam”. Lỵ sở mới này cách Thanh Chiêm khoảng 3 km về phía tây bắc, và thành La Qua này được xây bằng gạch.

     Như vậy, dinh trấn Thanh Chiêm, lỵ sở chính của dinh Quảng Nam tại xã Thanh Chiêm ngày nay chính là nơi mà các chúa Nguyễn cai quản từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, đã trở thành dinh trấn của vùng Quảng Nam. Sau đó, nó tiếp tục được duy trì với tư cách là dinh trấn Quảng Nam của triều Nguyễn, từ năm Gia Long thứ 2 đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833).

     Dựa vào các tư liệu hiện còn tuy ta chưa biết chính xác năm ra đời của dinh trấn Thanh Chiêm nhưng ta có thể nhận định rằng sau khi đặt hành dinh tại Cần Húc không lâu sau đó do dinh trấn nằm gần bờ sông, có thể bị lụt, lún, lở đất nên Hoàng tử Nguyễn Phúc Nguyên đã dời lỵ sở vào xã Thanh Chiêm, gần hành dinh Cồn Húc, và kể từ việc đó Thanh Chiêm đã trở thành dinh trấn của cả vùng Quảng Nam và cả xứ Đàng Trong.

2. Ý nghĩa tên gọi Thanh Chiêm và dinh trấn Thanh Chiêm

     Qua các thư tịch Hán Nôm còn lại, thì thời kỳ đầu, Thanh Chiêm chữ Hán là 清占, trong đó Thanh là chữ 清trong từ 清平 (thanh bình) và Chiêm là chữ 占 trong占城 (Chiêm Thành), để chỉ người Chiêm, nước Chiêm hay Chàm (Champa). Và ý nghĩa của Thanh Chiêm (清占) khi đó là vùng đất Chiêm thanh bình, yên ổn. Về sau đến thời vua Nguyễn thì chữ占 (Chiêm) được thêm bộ 氵(thủy) để trở thành 沾 (Triêm), tức là: nhuần, thấm, được nhờ sự tốt đẹp. Lúc này ý nghĩa của Thanh Triêm (清沾) đã trở thành vùng đất thanh bình yên ổn nhờ sự tốt đẹp nhuần thấm, cũng chính là nói lên công lao của vua Nguyễn với vùng đất này.

     Tuy sử sách, địa bạ, và văn bản từ thời Gia Long ghi là 清沾 (Thanh Triêm), nhưng tập quán dân gian vẫn gọi là Thanh Chiêm. Điều này có thể hiểu như sau: Trên các văn bản hành chính, của triều đình thì tên Thanh Chiêm thời chúa Nguyễn khai mở vùng đất này thì ý nghĩa tên gọi của nó mang tính chất hành chính để nhắc đến sự việc khai mở đất đai của Đại Việt đối với Chiêm Thành, để tuyên dương công trạng, để giảm bớt sự đối kháng của Chiêm Thành đối với Đại Việt, ngăn ngừa mối nguy từ Chiêm Thành. Còn sang đến thời vua Nguyễn, mối lo từ Chiêm Thành không còn nữa, xứ Chiêm đã thay đổi, người Chiêm hoặc là di dời hoặc là đã hòa vào cuộc sống của người Việt nên chữ 占 (Chiêm) trở thành 沾 (Triêm) mang ý nghĩa nhờ sự tốt đẹp nhuần thấm. Còn trong đời sống sinh hoạt người Thanh Chiêm vốn đã thành nếp sống lâu năm đã quen gọi là Thanh Chiêm thì tiếp tục gọi là Thanh Chiêm chứ không để ý nhiều đến vấn vương với việc mở cõi giữa Chiêm Thành và Đại Việt nữa nên tên gọi Thanh Chiêm vẫn được dùng thường xuyên cho đến tận ngày nay.

3. Ý nghĩa lịch sử của dinh trấn Thanh Chiêm

     Dinh trấn Thanh Chiêm nằm bên bờ sông Sài Thị (sông Chợ Củi), một nhánh lớn của sông Thu Bồn. Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì: “nhánh sông này khi trước là nơi hợp lưu của cả ba nguồn: sông Thu Bồn, Chiên Đàn và Ô Du, chảy gần bên dinh trấn, vì thế dinh trấn có bến đậu tàu và có chợ buôn bán tấp nập, đông đúc…”.

     Về vị trí địa lý, dinh trấn Thanh Chiêm, nằm dọc đường thiên lý Bắc – Nam, rất thuận lợi về giao thông đến các miền vùng lân cận và cảng thị Hội An. Dinh trấn Thanh Chiêm trở thành dinh trấn của cả vùng Quảng Nam ra đời đã đem lại sự thuận lợi to lớn về quản lý hành chính, lãnh thổ, tạo điều kiện phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa của Quảng Nam và mang tính quyết định toàn bộ quá trình mở mang lãnh thổ của xứ Đàng Trong sau này. Dinh trấn Thanh Chiêm được coi là thủ phủ thứ hai của Đàng Trong, được chúa Nguyễn Hoàng cho cơ chế toàn quyền định đoạt mọi việc của dinh trấn, là nơi thực tập, đào luyện các thế tử, là nơi thực thi chính sách mở cửa với các điều kiện tối ưu nhằm xây dựng một hậu phương vững chắc làm bàn đạp mở rộng bờ cõi về phương Nam. Việc chọn Thanh Chiêm làm dinh trấn thể hiện cái nhìn chiến lược trên nhiều phương diện.

     Về chính trị, dinh trấn Thanh Chiêm được coi là thủ phủ thứ hai ở Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn; là nơi thực tập, đào luyện các thế tử, nơi thực thi chính sách mở cửa, đường lối có tính chất thân dân. Về mặt đối ngoại, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho phép các thương nhân tự do buôn bán, mở rộng giao lưu với bên ngoài.

     Về quân sự, dinh trấn được thiết lập bên bờ sông lớn nhất trong vùng, cách Cửa Đại khoảng 10 km. Trong thực tế, nơi đây từng là một căn cứ thủy quân hùng mạnh; lực lượng ở đây đã góp phần vào trận chiến thắng hạm đội Hà Lan năm 1644 do Dũng Lễ hầu (sau này là Hiền Vương) chỉ huy. Dinh trấn Thanh Chiêm cũng là nơi đặt cơ sở hậu cần vững chãi nhất của quân đội Đàng Trong, nhờ đó mà đánh bại được 7 cuộc tấn công quy mô của quân Trịnh (vào các năm 1627, 1633, 1643, 1648, 1660, 1661, 1672).

     Về kinh tế, sự phát triển thịnh đạt của Hội An trong thế kỷ XVII và XVIII trở thành một cảng thị vào loại sầm uất của cả vùng Đông Nam Á thời ấy chính là được quyết định bởi những chính sách, sự điều hành của dinh trấn Thanh Chiêm – trung tâm hành chính lớn nhất của trấn Quảng Nam – như việc cho phép mua đất lập phố của ngoại kiều; lập xã Minh Hương; tổ chức hội chợ quốc tế theo gió mùa hàng năm, thiết lập thương điếm của nước ngoài; chính sách thuế khóa trong xuất nhập hàng hóa…

     Về văn hóa, vùng Thanh Chiêm không chỉ là một cửa ngõ mậu dịch đối ngoại, mà còn là một trung tâm giao tiếp văn hóa qua suốt nhiều thế kỷ. Thanh Chiêm là nơi du nhập đạo Thiên Chúa sớm nhất ở Đàng Trong. Các giáo sĩ như F. Buzomi, Francisco de Pina, Cristoforo Borri, Alexandre de Rhodes đều đến truyền giáo ở vùng này. Vùng Thanh Chiêm cũng là một trong những nơi khởi nguồn và hình thành chữ Quốc ngữ vào nửa cuối thế kỷ XVII. Đối với lịch sử mở đạo ở Đàng Trong với vai trò của các vị thừa sai Dòng Tên từ năm 1615, chúng ta thấy các vị truyền đạo này chủ yếu ở ba nơi là: Cửa Hàn (Đà Nẵng), Hội An – Thanh Chiêm (Quảng Nam) và Nước Mặn (Bình Định), theo cách nhìn hiện nay thì ba nơi này thuộc các tỉnh khác nhau, nhưng vào đầu thế kỷ XVII thì các địa danh này đều nằm trên một vùng đất chung, mà tạm gọi là xứ Đàng Trong, hay xứ Quảng bao gồm các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Trong đó tại Hội An và Thanh Chiêm, từ năm 1621 đến 1625, linh mục Francisco de Pina đã học tiếng Việt, truyền đạo bằng tiếng Việt và dạy cho hai giáo sĩ là Alexandre de Rhodes (người Pháp) và Antonio de Fontes (người Bồ Đào Nha). Francisco de Pina cũng đồng thời viết hai tài liệu giảng dạy Phương pháp Latinh hóa tiếng ViệtNgữ pháp tiếng Việt. Francisco de Pina đã nhiều lần qua lại Hội An và Thanh Chiêm và ông nhận thấy tiếng nói ở dinh trấn Thanh Chiêm là hay nhất, nghiên cứu tiếng nói ở đây là thuận lợi nhất: “Kẻ Chiêm (tức Thanh Chiêm – nơi đặt dinh trấn) vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm của triều đình. Ở đây người ta nói rất hay, có sự đổ dồn của những người trẻ tuổi đến mà họ là những sĩ tử và bên họ, những ai bắt đầu học tiếng có thể tìm thấy mọi sự giúp đỡ”. Riêng Thanh Chiêm còn là nơi có trường học chữ Quốc ngữ đầu tiên, tại đây Francisco de Pina đã dạy tiếng Việt cho Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes với tư cách là bề trên và thầy giáo ở cư sở này.

     Với các cứ liệu lịch sử để lại thì Francisco de Pina là người Bồ Đào Nha đầu tiên tạo ra chữ Quốc ngữ tại Hội An và dinh Trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam. Bởi lẽ giáo sĩ Francisco de Pina từ năm 1621 đến khi mất do tai nạn lật thuyền tại vùng biển Hội An (?) vào năm 1625, trong suốt bốn năm tại đây ông đã học, truyền đạo thông thạo bằng tiếng Việt và có những công trình sơ khai, đặt những viên gạch đầu tiên cho công trình văn hóa – chữ Quốc ngữ được Latinh hóa sau này.

4. Kết luận

     Qua những điều trình bày ở trên ta hoàn toàn kết luận được dinh trấn Thanh Chiêm đã thật sự trở thành lỵ sở hành chính trung tâm của cả vùng Quảng Nam và xứ Đàng Trong. Dinh trấn được toàn quyền điều hành, giải quyết các vấn đề trong xứ Đàng Trong (từ Quảng Nam trở vào phía Nam), là cơ sở đào luyện các đời chúa Nguyễn làm trấn thủ và điều hành chính sách; điều hành giao thương với nước ngoài phát triển phồn thịnh; là căn cứ quân sự hùng mạnh. Trong khoảng thời gian hơn 200 năm tồn tại, dinh trấn Thanh Chiêm luôn đóng vai trò chủ động lãnh đạo, cung cấp nhân lực, vật lực cho việc Nam tiến, mở rộng bờ cõi, để cho nước ta có được hình hài chữ S như đến ngày nay.

     Xin được lấy các câu văn bia về dinh trấn Thanh Chiêm đã được dân làng dựng khắc nhân kỷ niệm 405 năm dinh trấn Thanh Chiêm để làm lời kết cho bài viết này:

Xứ Thanh Chiêm xưa là dinh trấn. Hậu cần cho chúa Nguyễn khai cơ. Đất phương Nam cò bay thẳng cánh. Phố sông Hoài thuyền đậu buồm giăng. Cũng do từ Thanh Chiêm khởi phát…”.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quốc sử quán triều Nguyễn (1962). Đại Nam thực lục tiền biên. Hà Nội: Sử học.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn (1964). Đại Nam nhất thống chí. Bản in đời Duy Tân, Nguyễn Tạo dịch. Sài Gòn: Nha Văn hóa – Bộ Quốc gia giáo dục.

3. Lê Quý Đôn (1977). Lê Quý Đôn toàn tập. Tập I: Phủ biên tạp lục. Hà Nội: Khoa học
xã hội.

4. Phạm Đình Khiêm (1960). “Đi tìm địa điểm và di tích hai thành cổ Quảng Nam và Phú
Yên đầu thế kỷ XVII”. Việt Nam khảo cổ tập san, Số 1. Sài Gòn: Bộ Quốc gia giáo dục.

5. Phan Khoang (1970). Việt sử xứ Đàng Trong (1558 – 1777). Sài Gòn: Khai Trí.

6. Phan Du (1974). Quảng Nam qua các thời đại. Quyển thượng. Đà Nẵng: Cổ học tùng thư.

7. Vũ Lang (1973). Đây Quảng Nam. Đà Nẵng: Thời Mới.

8. Li Tana (1999). Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế, xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII. Bản dịch của Nguyễn Nghị. Sài Gòn: Trẻ.

9. Lý Toàn Thắng (Chủ nhiệm đề tài) (2006). Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành nên chữ Quốc ngữ. Quảng Nam.

10. Roland Jacques (2007). Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học cho đến 1650. Hà Nội: Khoa học xã hội.

Nguồn: Hội thảo khoa học “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ quốc ngữ”
– Thanh Chiem place and Vietnamese script, 2016

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Tên gọi dinh trấn Thanh Chiêm (Tác giả: Lê Thanh Hà)