VIỆT NAM HỌC – Những phương diện văn hoá truyền thống

Bìa Kỷ yếu Hội thảo Việt nam học 2015

Thưa Quý vị,

Thưa Quý đồng nghiệp,

       Tôi xin được thay mặt Đồng Chủ tịch Hội thảo của chúng ta, PGS TS Lại Văn Hùng, Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, xin nhiệt liệt chào mừng quý vị và các đồng nghiệp hiện diện trong cuộc hội thảo hôm nay.

       Sự kiện chúng ta đang tiến hành xét về tầm vóc thì Hội thảo này không lớn nhưng có nhiều ý nghĩa. Chúng ta hưởng ứng Nghị quyết của Hội nghị TW khóa XI về văn hoá. Chúng ta cũng hưởng ứng lời kêu gọi của Hội thảo Quốc tế lần thứ tư về Việt Nam học (Hà Nội, 2012) mong tiếp tục mở rộng và khơi sâu những ý tưởng mới và thiết thực về Việt Nam học. Chúng ta cũng chia sẻ với các đơn vị bạn đã và sẽ tổ chức các cuộc hội thảo bàn tròn trong Nam ngoài Bắc với chung một mục đích là tìm hiểu các giá trị Việt Nam để giới thiệu cho đồng bào ta và bầu bạn quốc tế.

       Hai tập kỉ yếu mà quý vị có trong tay thiết nghĩ là một kì công.

Thứ nhất, tôi muốn cảm ơn các báo cáo viên, chủ thể của hội thảo, chưa có cuộc hội thảo chuyên ngành nào mà lại nhận được tấm thịnh tình sốt sắng đóng góp về nội dung khoa học như hôm nay của chúng ta: Hội thảo được phát động cách nay hơn một năm, trù tính họp vào tháng 10 năm ngoái (2014), nhưng đến hết hạn nộp báo cáo thì Ban Tổ chức đã nhận được không phải 50 bản như trù liệu mà có tới gần 250 báo cáo từ khắp nơi trong đất nước ta gửi tới. Điều đáng ngạc nhiên, chưa từng có, là các báo cáo viên không chỉ gửi tóm tắt như thường thấy mà tất thảy đều là toàn văn báo cáo. Sự tình như thế đã khiến Ban Tổ chức quyết định biên tập in toàn văn hai tập kỉ yếu trước khi tiến hành họp hội nghị và lùi thời điểm hội thảo. Số lượng báo cáo toàn văn như vậy là một điều hi hữu trong số các hội thảo mà chúng ta thường tham gia. Với hai tập kỉ yếu hoành tráng, đẹp đẽ, phong phú về nội dung, đẹp về hình thức chúng ta có quyền tự hào, coi đây là một thành công rất quan trọng để tiếp tục làm cho tốt hơn.

Thứ hai, tuy là một hội thảo do hai đơn vị cấp Viện và Trường phối hợp chủ trì cùng tổ chức nhưng đã nhận được nhưng sự giúp đỡ và cổ vũ hiếm có của các đối tác. Trước hết phải xin nhắc đến sự nhiệt thành của Ban Tuyên giáo Trung ương, của PGS TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, một chuyên gia đồng nghiệp trong ngành đã nhiệt tình tham gia và cùng các đồng chí Vụ trưởng trong Ban tích cực, nhiệt tình tìm cách giúp Hội thảo trên nhiều phương diện mà một điều rất cụ thể là Hội thảo của chúng ta hôm nay đang diễn ra tại hội trường của Ban Khoa giáo Trung ương với những sự giúp đỡ rất quý từ phương tiện hạ tầng đến vật chất.

Thứ ba, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc Ban Tổ chức hội thảo, đặc biệt là Ban biên tập kỉ yếu Hội thảo, các biên tập viên những người đã làm việc chuyên nghiệp và hết mình cho công việc, không tiếc thời gian, sức lực, tất cả cho công việc suôn sẻ hôm nay. Không có những người nhiệt thành và mẫn cán như vậy, chắc chắn ta sẽ rất khó khăn.

       Thưa Quý vị và các đồng nghiệp,

       Vài mươi năm nay, thuật ngữ Việt Nam học đã xuất hiện và từng bước trở nên quen thuộc với giới Nhân văn học nước ta và cả nước ngoài. Khác với các khoa học đơn lĩnh vực, Việt Nam học đa lĩnh vực và liên ngành do vậy việc nhận diện nội dung và sử dụng phương pháp nghiên cứu để tiếp cận nó là cả một vấn đề. Hi vọng rằng Hội thảo của chúng ta sẽ góp một tay vào việc tìm hiểu cách tiếp cận và giải quyết vấn đề mang tính phổ quát và cũng có nhiều đặc thù. Dầu sao, chúng ta phải bắt đầu từ cái thực tế sinh động và những giá trị thực của đất nước này. Trong nghiên cứu Việt Nam học thì tư liệu và phương pháp là những gì quan trọng nhất.

       Với mục tiêu nghiên cứu các phương diện văn hoá truyền thống Việt và nội dung cụ thể của gần hai trăm báo cáo đã chọn lựa, Ban Tổ chức quyết định thành lập bốn tiểu ban (như đã có trong chương trình) để trình bày và thảo luận các báo cáo. Mỗi báo cáo có một vẻ, dù cụ thể hay khái quát, đều hướng đến mục tiêu chung là góp phần nhận diện những giá trị truyền thống để phát huy nó trong đương đại. Do thời gian có hạn, Ban Tổ chức Hội thảo đã quyết định lựa chọn một số báo cáo đọc tại phiên toàn thể và các tiểu ban. Điều đó cũng không ảnh hưởng đến nội dung hội thảo vì các báo cáo đều đã đăng toàn văn trong 2 tập kỉ yếu. Hội thảo thì phải có bàn luận, rất mong được lắng nghe nhiều ý kiến của các nhà khoa học chúng ta với những ý tưởng và các phản biện khoa học.

        Thưa quý vị và các đồng nghiệp,

       Nghiên cứu khoa học, nhất là các vấn đề Việt Nam là một lộ trình không bao giờ dứt. Vậy chúng ta hi vọng tiếp theo, trong tương lai, sẽ tiếp tục có nhiều hội thảo nữa của những đối tác khác nhau để tiếp cận những nội dung khác nhau trong địa hạt Việt Nam học.

       Chúng tôi hi vọng nhiều vấn đề được gợi mở, bàn luận trong hội thảo này sẽ tiếp tục được nghiên cứu và nghiên cứu sâu hơn nữa trong tương lai.

       Xin kính chúc quý vị và các đồng nghiệp an vui, may mắn và thành công,

      Trân trọng cảm ơn!

      PGS TS NGUYỄN MẠNH HÙNG

Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng – Đồng Trưởng ban Tổ chức Hội thảo