Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3B)
Tác giả bài viết: ĐỖ NGỌC GIAO
4. Chương N ‘Chance and Fate’
Chương này có 6 nhóm motif:
N0–N99 | cá cuộc | wagers and gambling |
N100–N299 | vận và mạng | the ways of luck and fate |
N300–N399 | việc rủi | unlucky accidents |
N400–N699 | việc may | lucky accidents |
N700–N799 | tao ngộ | accidental encounters |
N800–N899 | trợ thủ | helpers |
4.1. Cá cuộc
40. Cô vợ bị vu oan (L’épouse calomniée)
Hai anh kia đi buôn cùng một vùng, đều có vợ và có của. Một anh tên Tình, một anh tên Lý. Bữa đó hai anh ngồi nhậu, Tình khen vợ mình vừa có sắc vừa có nết, chồng đi vắng mà ở nhà khăng khăng một lòng với chồng, nuôi con. Ảnh còn dám cá cuộc rằng nếu Lý rù quến được vợ ảnh thì ảnh sẽ thua hết gia sản. Lý chịu, hai bên giao kết, có người làm chứng, hạn định ba tháng.
Lý liền về quê của Tình [thăm dò], nhưng rồi sớm biết chắc mình chẳng đi tới đâu, nên bắt đầu tự hối đánh cuộc này làm chi cho mất sạch gia sản. Hắn nghĩ ra một chước thoát nạn. Hắn kiếm bà mụ hồi trước đỡ đẻ cho cô vợ của Tình, đút tiền bả ăn để bả nói cho hắn biết cô ta có dấu gì lạ ở chỗ kín trên người.
Tới hạn, Tình về nhà. Lý nói đã rù quến được vợ của Tình, và để làm bằng, hắn nói ra mọi điều mà bà mụ mách bảo. Tình [tưởng thiệt] đành trao hết gia sản cho Lý, rồi xử tệ hết mức với vợ mình. Phần cô vợ, sau khi biết chuyện đã xảy ra [giữa chồng mình với Lý], thì cả quyết Lý đã nói láo và sẽ tìm cách chỉ ra cho chồng mình thấy. Cổ ra chặn đầu Lý giữa đàng, thộp búi tóc của hắn [a], đòi hắn trả lại số tiền còn thiếu. Lý thề chẳng biết cô này là ai và chẳng thiếu cổ cái gì; nhưng cổ kéo hắn lên gặp quan đề hình, ở đây hắn vẫn nói không biết mặt cô này. Cổ hỏi gắt:
‘Nếu không biết mặt tui, sao ông biết tui có dấu gì ở chỗ kín?’
Nhờ vậy người ta mới biết việc Lý gạt Tình; rốt cuộc Lý và bà mụ bị xử tội còn Tình thì lấy lại gia sản. [b]
_________
a. Người An Nam để tóc dài, quấn lại thành búi, dễ thộp. Bởi vậy tụi ăn trộm hay đeo búi tóc giả để lỡ có bị thộp thì dễ thoát ra.
b. Chuyện này kể theo motif N15 ‘chastity wager’ (lấy trinh tiết của người khác để đánh cuộc) hay gặp ở phương Tây; chưa rõ vì sao motif này được đưa tới An Nam.
4.2. Vận và mạng
41. Người có ba chục xu (L’homme aux trente sous)
Xưa có một anh, số phận cho kiếm được ba chục xu mà thôi chớ không hơn. Ngày nọ, nhà vua giả dạng thường dân đi khắp xứ để tìm hiểu coi bá tánh nghĩ gì; tình cờ ổng vô trọ qua đêm ở nhà anh kia. Ảnh thấy ông khách tướng mạo oai nghi dễ coi, thì vui vẻ đón tiếp, mời ăn cơm uống trà. Vua thấy một người nghèo mà xài rộng với khách như vậy thì lấy làm lạ, hỏi ảnh không sợ túng ngặt hay sao. Ảnh nói:
’Số là tui mần công nhựt. Mần nhiều mần ít, họ cũng luôn luôn trả tui ba chục xu mỗi ngày, không nhiều hơn cũng chẳng ít hơn. Nếu tui không xài hết, thì hôm sau họ không cho tui mần, mà, ngược lại, nếu tui xài hết, thì hôm sau tui có chuyện mần nữa. Tui biết mạng tui có chừng đó bạc mà thôi, bởi vậy ngày nào tui cũng xài hết chừng đó rồi ngày mai cũng kiếm được chừng đó.’
Nhà vua nói:
‘Em có tánh cách như vậy, không chừng giàu nghen. Nghe qua nói nè. Ngày rằm tháng tám tới, tức là tết trung thu, em lấy [cỏ] tranh kết hình con bù nhìn đem tới bán trước cổng cung điện phía nam. Nếu ai muốn mua, em nói giá nào họ cũng trả, vậy là giàu đó.’
Sáng sau nhà vua lên đường, dặn lính gác nếu ngày đó thấy anh bán bù nhìn tới thì đưa ảnh vô gặp vua. Tới ngày đã hẹn, anh này, tội nghiệp, đeo hai con bù nhìn đi rã cẳng mà chẳng thấy ai hỏi mua. Đeo hàng tới giữa trưa thì đói meo, mệt đừ, ảnh tới trước cổng cung, đặt hàng xuống, ngồi nghỉ chưn. Tức thì lính gác ra dẫn ảnh vô nơi vua đang chờ. Cung thất oai nghiêm làm ảnh hồi hộp, bởi vậy, khi một ông quan [được lịnh nhà vua] hỏi ảnh muốn bán con bù nhìn bao nhiêu tiền, thì ảnh chần ngần một hồi, rốt cuộc nói ba chục xu. Nhà vua sai trả tiền cho ảnh, rồi khi ảnh đi, kể lại câu chuyện cho bá quan nghe và lấy đó làm bằng chứng rằng ông Trời đã định sẵn mạng số cho từng người mà sức người không thể sửa đổi một tý gì trong đó hết.
42. Ông vua Heo (Le roi Heo)
Xưa có anh kia tên Heo, mồ côi. Ảnh trên núi xuống làng kiếm nơi nương tựa, được một ông quan nhận làm đầy tớ. Bữa nọ quan kêu ảnh rửa chưn, biều đừng làm trầy ba mụn ruồi son của ổng [a], không thôi ổng giết hết ba họ [b]. Ảnh nói:
‘Quan có ba mụn ruồi son, chớ tui có chín lận.’
Ổng nghe, nghĩ thầm:
‘Nó mà có chín mụn ruồi son thì nó làm vua chớ gì nữa; diệt nó mới được.’
Quan sai một cô đầy tớ pha thuốc độc cho ảnh uống, cô này thấy thương, giả đò nói với bầy heo của mình, cho ảnh nghe, như vầy:
‘Heo ơi, heo à! Ăn đi rồi chết, mà không ăn cũng chết!’
Heo nghe thấy, hiểu rằng cô kia muốn nhắn điều chi với ảnh, nên hỏi thử, nhưng cổ làm thinh. Rồi cổ nói:
‘Nếu anh hứa mai mốt làm vua sẽ lấy tui làm vợ thì tui mới nói.’
Ảnh hứa:
‘Nếu tui làm vua, cô tới gặp tui thì nhớ thả tóc dài chấm vai, để làm dấu cho tui biết, tui sẽ lấy cô làm vợ.’
Sau khi biết chuyện, Heo trốn đi làm nơi khác, ở đó ảnh lỡ tay xô một đứa nhỏ té chết. Heo trốn vô một kiểng chùa, xin lau tượng Phật. Khi muốn lau tay của tượng, ảnh nói ‘Giơ tay!’ thì Phật giơ tay, muốn lau chưn, ảnh nói ‘Giơ chưn!’ thì Phật giơ chưn. Bữa nọ lau xong, ảnh quên nói Phật thả tay xuống, nên Phật để một tay trên không. Thầy trụ trì tới cúng, thấy vậy thất kinh, hỏi Heo. Ảnh nói:
‘Bởi khi lau tay Phật xong, con quên biểu Phật thả tay xuống.’
Thầy hiểu anh này có mạng làm vua nên Phật phải nghe lời; bèn đi báo quan để họ bắt giết Heo nhưng ảnh kịp chạy thoát.
Heo vô làm vườn cho nhà kia, hàng ngày tưới cây. Bữa nọ, thấy hàng cau cao đều một cỡ, Heo chỉ từng cây nói: ‘Cây này cha, cây này con, cây này ông.’ Tức thì mọi cây làm theo, thành ra cây thì cao, cây thì thấp. Ông chủ thấy hỏi:
‘Hôm kia hàng cau cao đều hân hấn, sao hôm nay so le?’
Heo nói:
‘Bởi cau nghe lời tui nên mới có cây cao cây thấp.’
Ổng biểu ảnh làm sao cho hàng cau cao đều như trước, ảnh không chịu:
‘Làm con người ta, ăn một đọi, nói một lời. Tui không nuốt lời đâu.’
Ổng tính đánh, Heo chạy thoát, gặp nhà kia, vô xin ngủ, nhưng nhà đầy người, ảnh chẳng biết ngủ đâu. Thấy một cái bàn có đặt tượng thần để cúng, Heo đẩy tượng rớt xuống, rồi lên bàn nằm ngủ. Gần sáng, thức dậy bỏ đi. Tới sáng, chủ nhà thấy tượng thần dưới đất, nhưng, lạ ghê, khi họ nhấc lên, ráng sao thì ráng, tượng thần cứ nằm ỳ chỗ đó. Rồi thần nhập đồng, nói:
‘Đây là xứ của vua, vua đặt ta ở đây, thì ta ở đây.’
Lúc đó họ mới biết cái kẻ đêm qua ngủ nhà này có mạng làm vua. Mà trúng thiệt, về sau, Heo nổi loạn, lên làm vua. Cô kia thả tóc dài chấm vai, đi gặp, ảnh nhận làm vợ. [c]
__________
a. Mụn ruồi son báo điềm tốt xấu còn tùy ở nơi nào trên người.
b. Họ của người cha, họ của người mẹ, họ của người vợ.
c. Chuyện này không hẳn có liên quan gì tới vua Lê Tương Dực (1495–1516), vị vua chót của trào Hậu Lê mà có thực quyền, trước khi bị nhà Mạc tiếm ngôi năm 1527.
43. Có mạng chết sớm (Morts prématurées)
Xưa có nhà họ Liêu, đàn ông hễ tới ba mươi mốt tuổi là chết. Con cháu họ lo sợ, chẳng biết làm sao cho khỏi chết sớm. Lúc đó [nghe nói] có ông nào đó tên Lữ Vọng sống tới ba trăm tuổi. Ông này hay tới ngồi trên một tảng đá lớn mà câu cá. Ai cũng nói Trời chẳng có mắt khi một người sống lâu chừng dó còn những người khác chưa chi đã chết.
Một anh họ Liêu chết sớm, xuống âm phủ liền đi kiếm Diêm Vương than chuyện đó và xin ổng tra xét nguồn cơn. Ảnh thắc mắc:
‘Vì sao Lữ Vọng sống hơn ba trăm tuổi, còn giòng họ tui sống chẳng quá ba mươi mốt tuổi?’
Diêm Vương không tin trên đời từng có ai sống tới ba trăm tuổi, nên cho rằng anh kia nói dóc. Ổng nói:
‘Không làm sao có chuyện đó được. Ta cho mi hai thằng quỷ sứ, mi dắt chúng đi kiếm về đây cho ta tên Lữ Vọng để tra hỏi; nhược bằng mi nói láo, ta sẽ trị tội.’
Hai thằng quỷ sứ theo anh họ Liêu tới một vùng đồi, nơi Lữ Vọng ở. Anh ta bắt đầu nghĩ coi làm sao chứng minh Lữ Vọng có ba trăm tuổi. Ảnh nói quỷ sứ núp vô, để một mình ảnh đi tới tảng đá nơi Lữ Vọng ngồi câu cá. Ảnh vòng tay, ra mắt, Lữ Vọng hỏi ảnh làm gì ở đó. Anh mọp xuống, đáp:
‘Dạ thưa cụ, số là cha của con hồi xưa, khi đi dọc bờ sông này, đã tìm thấy một tảng đá bự mà bốn mặt của nó phủ kín rêu [lichen]. Ổng dòm bên trong thì tảng đá có đủ màu, nên cá vô núp nhiều lắm. Nhờ vậy cha của con trở nên giàu có. Nay tới phiên con, thì không hiểu vì sao tảng đá mất tiêu, con kiếm nát mà chẳng thấy. Song le, con nghe người ta nói tảng đá đó đã trôi ngược dòng lên tới đây, vậy xin cụ chỉ giùm con tảng đá ở chỗ nào.’
Lữ Vọng nói:
‘Đồ ngu! Ta đã sống và câu cá ở đây ba trăm năm nay, mà có thấy cục đá nào trôi ngược dòng bao giờ?’
Ổng vừa dứt lời thì anh họ Liêu kêu quỷ sứ ra nói:
‘Lữ Vọng đây nè!’ Hai thằng quỷ sứ phóng tới chụp Lữ Vọng, ông này chết tức thì. [a]
__________
a. Một người nào đó có thể sống quá số tuổi đã định, bởi vì thuộc hạ của Diêm Vương, tức là quỷ sứ, thay vì bắt người đó thì bắt lộn người khác mà lúc đó vẫn được sống. Trưởng hợp này, âm phủ sẽ nhận lỗi và trả người chết (bị bắt lộn) về trần gian; đây là cách mà người bổn xứ giải thích chuyện kẻ chết sống lại [vì thực ra là chưa chết]. Còn ở chuyện này, âm phủ có lỗi là quên ghi tên Lữ Vọng vô sổ người chết [nên ông này mới sống lâu dữ]; dù vậy, ông này có chết thì người họ Liêu – kẻ đi kiện – cũng không được hưởng lợi gì hết (vẫn chết sớm như số đã định).
44. Người nghèo đi kiện Ngọc Hoàng (Le pauvre qui porte plainte contre l’empereur céleste)
Có hai đứa nhỏ mang cùng họ, sanh cùng làng, cùng giờ, cùng ngày, cùng năm. Ba má hai đứa này nói dù giàu dù nghèo thì mạng số của hai đứa là giống nhau mới phải [a]. Vậy mà [lớn lên] một đứa giàu lưu loát còn đứa kia nghèo sặc gạch.
Anh nghèo một phần buồn bã một phần bị ba má ngầy ngà nên quyết lòng đi kiện Ngọc Hoàng. Ảnh đi suốt chín chục ngày vẫn chưa tới cung của Ngọc Hoàng. Lúc đó ảnh đang ở trên núi, bị muỗi bu chích. Ảnh chặt cây đốt lấy khói xua muỗi.
Ai dè trong mớ cây đang cháy có trầm hương và kỳ nam [b], nên khói bốc lên có mùi thơm làm Ngọc Hoàng nghe thấy. Ngọc Hoàng sai Ông Địa đi coi chuyện gì dưới đó. Ông Địa gặp anh nghèo, hỏi sao đốt nhang, để sám hối hay làm gì đó. Anh kia nói:
‘Không. Tui đang muốn kiện Ngọc Hoàng, vì ổng thương ghét không đều, cho bạn tui giàu mà tui nghèo.’
Ông Địa nói: ‘Đừng nóng. Để ta tâu Ngọc Hoàng xin cho mi một trăm tuổi.’
‘Tui không cần một trăm tuổi mà nghèo sặc gạch. Tui cần ba chục tuổi thôi, miễn cho tui giàu.’
Ông Địa nói:
‘Được, để ta xin cho mi giàu.’
Anh kia nói:
‘Ông cho tui đi theo đặng kiện Ngọc Hoàng, lỡ ông xí gạt bỏ đi đâu thì làm sao tui biết đường lên trển.’
Ông Địa nổi dóa:
‘Số mi nghèo, Ngọc Hoàng định vậy rồi, nói láng cháng ta tâu Ngọc Hoàng để mi nghèo hơn nữa cho coi.’
Bị hăm, anh kia nắm tóc Ông Địa thoi mấy cái. Ông Địa thấy khó thoát, đành bỏ lại xác trong tay anh kia và xuất hồn bay lên gặp Ngọc Hoàng tâu lại cớ sự.
Ngọc Hoàng cho anh này giàu, Ông Địa trở xuống báo ảnh hay, nhưng ảnh không tin. Ông Địa nói:
‘Mi không tin, ta cắn ngón tay lấy máu ghi mấy chữ cho mi làm bằng. Nếu ta nói gạt, mi đốt đi để kiện lên Ngọc Hoàng.’
Anh này tin lời, trở về, thành người giàu có. Tới hai mươi chín tuồi, ảnh nhớ ra còn sống một năm nữa mà thôi. Ảnh bèn đem hết của cải đi bố thí. Tới đúng lúc đã định, ảnh chết. May sao, những người mà ảnh đã từng cứu giúp, họ khấn cho ảnh dữ lắm, làm Ngọc Hoàng chạnh lòng . Bởi vậy Ngọc Hoàng cho ảnh sống tới một trăm tuổi mà vẫn giàu.
__________
a. Theo cách bói Tử Vi và Tử Bình thì những ai sanh cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, ắt sẽ có cùng một lá số, tiên đoán cuộc đời như nhau.
b. Trầm hương (agarwood) là phần lõi gỗ bị thấm một thứ nhựa đen thơm, tạo ra trong ruột của những loài cây rừng Aquilaria spp, ở họ Thymelaeaceae (Trầm), thí dụ A. crassna và A. banaensae ở Việt Nam, gọi chung là ‘dó’. Kỳ nam (calambac) là một thứ trầm dẻo và hiếm.
4.3. Việc may
45. Thầy hít (Le faux devin)
Nhà kia nghèo, anh chồng làm biếng mà nói như pháo nổ.
Bữa nọ chị vợ kêu ảnh đi kiếm chuyện mần, ảnh đi nhưng chẳng mần gì hết, chặt một khúc tre rồi về. Ảnh chưa vô nhà, mới tới sau vách. Chị vợ bữa đó mua năm cái bánh, cho con ba cái, biểu chúng cất hai cái vô hũ gạo chừa cho ba. Anh chồng nghe thấy, chờ một chút, bước vô, nói với vợ:
‘Mình ơi, tui có phép bói chỗ người ta giấu đồ, nhờ khúc tre này. Mình giấu thứ gì, tui bói cho coi.’
Chị vợ kêu tìm hai cái bánh, tức thì ảnh bói ra liền, trong hũ gạo. Chị này đi khoe với lối xóm rằng chồng mình mới học được phép bói chỗ giấu đồ. Một bà hàng xóm bị mất lứa heo con, liền nhờ ảnh bói. May sao, lúc nãy trên đường về nhà, ảnh có thấy một bầy heo trong bụi. Ảnh hỏi bà kia:
‘Nếu tui bói ra, bà trả bao nhiêu?’
Bả hứa trả hai con. Ảnh dắt bả thẳng ra cái bụi cây có bầy heo ở trỏng. Chị vợ mừng rơn, qua nhà ba má mình kể chuyện. Ổng bả nói:
‘Vậy con kêu nó qua đây, ba má giấu chút tiền trong cái góc đó, nếu nó tìm được, ba má cho nó nửa gia tài.’
Anh chồng đi theo đằng sau vợ [mà chị này đâu biết], nên ba má vợ nói gì ảnh nghe lỏm hết ráo. Ảnh chạy vắt giò lên cổ về nhà, khi chị vợ về tới thì ảnh giả đò mới ngủ dậy. Ảnh đi với vợ qua nhà ba má vợ, tìm ra chỗ giấu tiền.
Sau đó người ta đồn rùm cái tài của ảnh. Nhà vua gọi ảnh tới cung. Số là vua Tàu có biếu cho vua mình một con rùa bằng vàng và một con rùa bằng bạc, nhưng không biết đâu mất tiêu. Hai con rùa này bị hai tên đầy tớ trong cung lấy trộm chớ chẳng có gì lạ, một đứa tên Bụng, đứa kia tên Dạ [a]. Cũng là hai đứa này được vua sai khiêng kiệu đi đón anh thầy bói. Anh này buồn so, nghĩ phen này thôi rồi. Bởi vậy, khi kiệu đang ở trên cầu, ảnh phóng xuống sông. Hai tên khiêng kiệu sợ mắc tội làm chết ảnh, vội kéo ảnh lên bờ. Ảnh đẩy ra, nói ảnh tính xuống dưới để hỏi thần sông coi ai ăn trộm hai con rùa. Ảnh nhảy xuống sông cái nữa, lát sau hai tên khiêng kiệu cũng nhảy xuống kéo ảnh lên. Thấy khó thoát, ảnh buông mình vô kiệu, rồi, trong cơn lo rầu, ảnh than ra tiếng: ‘Thôi bụng làm thì dạ chịu.
Hai tên khiêng kiệu tưởng ảnh đã biết chúng ăn trộm, nên đặt kiệu xuống, quỳ nói:
‘Thưa thầy, con là Bụng, thằng này là Dạ, tụi con giấu hai con rùa trong cái máng xối; thầy lấy rùa rồi thì làm phước đừng nói cho ai biết tụi con.’
Anh này chịu liền. Ảnh kiếm thấy hai con rùa giấu trong máng xối. Nhà vua khen ảnh có tài, trọng thưởng.
Lúc đó vua Tàu cũng bị mất đồ quý. Nghe đồn ở An Nam có ông thầy tài, nên mời ảnh qua bển. Ảnh sợ kỳ này sẽ hết vận tốt, nên lặn xuống sông quệt mũi vô một cục đá sắc cạnh để cho đứt một bên mũi. Trở lên bờ, ảnh nói ảnh bị cá nóc [b] cắn đứt mũi nên bị mất phép hít rồi. Nhờ vậy ảnh khỏi bị đưa đi thử tài thêm lần nào nữa. [c]
__________
a. Từ rún trở lên kêu là bụng, từ rún sấp xuống kêu là dạ, nói chung thì là bụng.1 Trương
Vĩnh Ký có chuyện ‘Bụng làm dạ chịu’2 ngắn hơn chuyện này.
b. Việt Nam có 4 họ cá nóc: Ostraciidae (boxfishes), Triodontidae (threetooth puffer), Tetraodontidae (pufferfishes) và Diodontidae (porcupinefishes). Cá nóc có chất độc tetrodotoxin, dù vậy một số loài cũng có thể dùng làm đồ ăn.3
c. Ở phần đầu, vai chánh nói rằng ảnh bói ra chỗ giấu đồ nhờ cây tre, nhưng ở phần chót, ảnh nói nhờ dùng cái mũi để hít.
Còn tiếp: Kính mời Quý độc giả xem tiếp:
Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3C)
Nguồn: Tác giả cung cấp bài viết đến thanhdiavietnamhoc.com, năm 2022
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
__________
* ĐỖ NGỌC GIAO, tác giả sinh sống tại Việt Nam (trước năm 1975), làm việc tại Nhà máy Đường (sugar) Việt Nam, Nhật Bản, nay đã về hưu, ham thích nghiên cứu và có viết một số bài chuyên khảo như Bách Việt, Austro Asiatic, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, … Bài viết chuyên khảo “Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3B)” do tác giả viết (năm 2022) và gửi trực tiếp cho Ban Tu Thư – Viện Nghiên cứu Việt Nam học để đăng tải trên các trang web-Hybric do PGS.TS. Sử học Nguyễn Mạnh Hùng sáng lập.
Các bài viết khác của tác giả (Đỗ Ngọc Giao):
1. Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 1)
2. Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 2)
3. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1A)
4. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1B)
5. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2A)
6. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2B)
7. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3A)
8. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3B)
9. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3C)
10. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 4)
11. Phân tách chuyện Tấm Cám theo lý thuyết của Prop (A Proppian analysis of Tam Cam)
12. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần chót)
13. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 1)
14. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 2)
15. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 3)