Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 4)
Tác giả bài viết: ĐỖ NGỌC GIAO
7. Những motif khác
B211. Con vật biết nói tiếng người.
58. Khỉ, cọp và rùa (Le singe, le tigre et la tortue)
Khỉ, cọp, rùa làm bạn với nhau. Tối đó cọp nói với khỉ và rùa:
‘Mình đi kiếm ăn đi. Mà tụi bây chậm lắm, không chạy lẹ bằng tao, để tao cột tụi bây vô đuôi tao rồi tao kéo đi.’
Khỉ với rùa chịu, cọp cột hai con vô đuôi nó, bắt đầu đi. Tới nhà kia, chúng đứng lại, tính vô bắt anh chủ nhà. Đang đứng rình, chúng nghe vợ chồng ảnh nói chuyện với nhau:
‘Trên đời mình sợ cái gì nhứt?’
‘Tui sợ Ông Giọt thôi.’ [a]
‘Ủa! Mình chẳng sợ cọp hả?’
‘Không, tui sợ Ông Giọt.’
Con cọp đứng ngoài nghe lỏm như vậy thì ngẩn ngơ chẳng biết Ông Giọt là cái giống gì. Ngay lúc đó, có một thằng ăn trộm cũng tới rình nhà đó, bận cái áo tơ gốc xồm xàm. Nó thấy con cọp, sợ té đái, leo lên cây khế. Rồi nó run bây bẩy, làm trái khế rơi lộp độp. Con cọp tưởng đó là Ông Giọt và trái khế là giọt của ổng. Nó với con khỉ và con rùa lượm lên cắn thử, thấy giọt của ổng chua lè chua lét. Còn thằng ăn trộm thì càng lúc càng run, sau hết nó rớt xuống đất cái bịch.
Con cọp hoảng kinh, tưởng đâu Ông Giọt nhảy xuống chụp nó nên nó vọt chạy, kéo theo con khỉ với con rùa phía sau. Đầu con khỉ tông nhằm mai rùa nghe cái cốp, làm nó chết liền. Một hồi, cọp ngừng lại, thấy con khỉ nhăn răng, mới nói:
‘Thằng mắc dịch! Tao sợ gần chết mà mày còn ở đó cười hả?’
__________
a. ‘Ông Giọt’ là cái máng xối hứng nước mưa.
D830. Vật thần kỳ bị lấy bằng cách đánh lừa.
59. Phép thuật của Bà Chằn (Les pouvoirs magiques de la Bà Chằn)
Bà Chằn [a] có một đứa con gái. Ngày nọ, khi bả đi kiếm mồi, nó ở nhà đem lòng thương anh kia. Thấy bả về, nó dắt ảnh đi giấu, nhưng bả vẫn tìm ra; nó nhận là thương ảnh, xin bả tha mạng cho ảnh làm con rể. Bữa kia bà Chằn đi săn, đứa con gái lén lấy bửu bối của bả đưa chồng coi. Đó là một cây gậy lạ: đập đầu này thì làm cho chết, đập đầu kia thì làm cho sống, trỏ đầu này thì làm ra biển nước, trỏ đầu kia thì làm cho nước cạn. Anh chồng dụ vợ:
‘Để tui thử lấy cây gậy đập cho mình chết, rồi đập cho mình sống lại, hén.’
Cô vợ tin lời, để chồng đập. Nhưng cô vợ té chết thì anh chồng xách gậy chạy luôn. Bà Chằn về nhà thấy con gái nằm chết, vội đi kiếm cây gậy để cứu nó sống lại mà chẳng thấy gậy đâu. Biết thằng rể đã đánh chết con mình rồi lấy gậy đi, bả lật đật rượt theo. Thấy bả đằng xa, anh kia trỏ cây gậy làm ra biển nước minh mông cản lại. Bà Chằn không nao núng, vẫn đuổi kịp, nhưng rồi bị ảnh đập một gậy chết ngắt.
Lúc đó, trong cung, bà thái hậu mẹ vua đã chết mà chưa chôn, vua truyền rằng ai cứu bả sống lại thì sẽ trọng thưởng. Anh kia nghe tin, tới lấy cây gậy của bà Chằn đập một cái cứu sống bà thái hậu, được vua cho làm quan lớn.
__________
a. ‘Bà Chằn’ là tên gọi chung những thứ tinh cái, ác độc, mà khó định nghĩa chính xác. Chúng ở trong rừng, trên cây hoặc trong động, ăn thịt muông, thịt người. Hình dạng khổng lồ, dễ sợ, lông lá, tóc cháy nâu, mặt sọc dưa, miệng có nanh như heo rừng. Dân gian ví ‘dữ quá chằn tinh gấu ngựa’ [gấu ngựa = Asian black bear, Ursus thibetanus thibetanus], nhưng không dám nhắc tới tên ‘Bà Chằn’. Ngoài ra, có một thứ ốc mình trần trụi kêu là ‘ốc bà chằn’ [Limax spp].
K1550. Người chồng trị tội đôi gian phu dâm phụ.
60. Chồng trả thù vợ (Vengeance d’un mari)
Có anh kép theo gánh hát đi xa, để vợ ở nhà. Khi về, biết vợ đã có bồ. Anh kép tìm đủ cách cho vợ thú nhận mà không xong. Ảnh giả đò đi xa chuyến nữa rồi thình lình quay về trong đêm. Tên gian phu hoảng kinh chạy mất. Anh kép nói với vợ:
‘Tui hứa không làm gì cô hết, nếu cô hẹn gặp thằng này lần nữa, biểu nó chặt một ngón tay rồi đưa tui.’ [a]
Hai tháng sau, anh kép giả đò đi xa, cô vợ hẹn tên bồ tới gặp. Nói hai ba câu, rồi cổ hỏi y có thiệt lòng thương cổ không. Tên kia thề có. Cổ nói:
‘Nếu anh muốn tui tin, thì chặt một ngón tay đưa tui.’
Tên kia cắn đứt ngón tay, đưa cho cổ. Rồi bỏ về.
Khi anh chồng về, cô vợ đưa ngón tay đó ra. Anh chồng cả mừng, khen vợ giỏi, nhưng tới khuya thì giết cổ chết và nhét ngón tay đó vô miệng cổ. Rồi ảnh la bài hải kêu làng xóm tới, nói đang ngủ thì có một tên hung đồ cạy cửa vô nhà giết chết vợ ảnh. Hương quản tra xét, tìm ra tên gian phu có ngón tay bị đứt. Y bị giải lên huyện và bị xử tử.
Đây là chuyện người chồng dùng mưu trả thù đôi gian phu dâm phụ.
__________
a. Người An Nam dường như không có tục chặt ngón tay làm chứng cho việc thề thốt hoặc để tang. Nhưng nghe nói người Lào có làm vậy để sám hối tội lỗi. [Tôi được biết] lúc trước có một người Miên chết ở Sài Gòn, bạn y nhờ chặt đứt một ngón tay của y gởi về cho người nhà của y.
M310.1. Dự đoán hậu vận giàu sang.
61. Chuyện anh Trần văn Thắc (Histoire de Trần văn Thắc)
Anh nọ tên Trần văn Thắc, mồ côi cha mẹ, gánh cá kiếm ăn, nghèo sặc gạch. Ông thầy bói dòm tướng ảnh nói số ảnh đâu phải khổ như vầy, mới hỏi cha mẹ ảnh còn mất, ảnh nói mất rồi, thầy hỏi chôn đâu thì mới biết té ra cha mẹ ảnh chôn không trúng cuộc đất nên ảnh mới khổ; bởi vậy ổng chỉ cho ảnh một cuộc đất tốt hơn mà nếu chôn cha mẹ ở đó thì trong ba năm ảnh sẽ gặp vận may. [Trần văn Thắc làm theo lời thầy.]
Nhà giàu nọ có nuôi đứa con trai, tính mai sau cho nó lấy con gái chủ nhà, nhưng rồi đổi ý. Lớn lên, hai người này thương nhau, sợ nhà biết nên tính bỏ trốn. Họ bàn với nhau, ba ngày nữa, ban đêm, anh kia tới gõ cửa nhà cô kia rồi hai người cùng đi. Nhưng anh kia bị bịnh, không tới được. Cô kia, ôm theo cái rương bằng bạc, ráng chờ ảnh gần hết đêm. Tới canh năm, Trần văn Thắc thức dậy bắt đầu đi gánh cá. Trời lạnh ngắt, ảnh run bây bẩy, lấy đòn gánh gõ cửa nhà cô kia. Cổ tưởng đó là dấu hiệu đã hẹn, nên đi ra đưa cái rương cho Trần văn Thắc. Ảnh tưởng cô nọ mướn mình khiêng cái rương, nên ảnh khiêng. Một hồi sau, cổ mới biết mình đang đi với thằng cha nào lạ hoắc chớ đâu phải bạn trai của mình. Cổ bắt đầu khóc lóc, trách móc Trần văn Thắc sao để chuyện này xảy ra; anh này xin lỗi; dù sao thì cô kia cũng không dám về gặp mặt cha mẹ nên đành coi ảnh như chồng mình cho rồi. Cổ lấy trong rương ra bộ đồ mới cho ảnh bận, rồi hai người qua xứ khác.
Qua đó họ gặp một người giàu, có căn nhà bỏ trống vì bị ma ám. Cô nọ nói Trần văn Thắc xin chủ nhà cho ngủ nhờ ở đó một đêm. Tới sáng, chủ nhà hỏi hồi hôm ảnh có thấy gì không, ảnh nói không. Chủ nhà cho họ trọ ở đó hai đêm nữa. Khuya, ông thần tài báo cho Trần văn Thắc biết rằng người ta có chôn của trong hai cái chái nhà này. Ổng nói:
‘Ta giữ của này từ lâu rồi, nay cho mi đó. Có hai cái chái, bên nây chứa bạc, bên kia chứa vàng.’
Trần văn Thắc nghe giọng ai nói với mình như vậy, mà chẳng thấy ai. Ảnh liền vô hai cái chái tìm coi, thấy đúng là có kho báu ở trỏng. Sáng sau chủ nhà hỏi hai hôm nay ảnh có thấy gì không. Ảnh hỏi vậy chớ chủ nhà còn để đồ đạc gì trong nhà không, ổng nói không. Trần văn Thắc kể vợ nghe, cổ nói:
‘Vậy là thần tài để dành của cho anh đó. Anh vô làng làm quen ai rồi nhờ họ đi nói với chủ nhà rằng nếu không ở thì bán nhà cho mình.’
Ông chủ đã mua nhà này ba chục thoi bạc, nay bán lại ba mươi lăm. Cô kia nói với Trần văn Thắc:
‘Đây là ý Trời cho mình gặp nhau đa.’
Về sau Trần văn Thắc cần mẫn học hành, thi đậu làm quan. Ảnh có vận may là nhờ ông thầy bói biết chôn cha mẹ ảnh ở cuộc đất tốt. Ảnh kể cho cha vợ nghe mọi chuyện.
T512.2.1. Có con nhờ nước tiểu của đàn ông.
62. Làm biếng gặp may (La fortune d’un paresseux)
Có anh làm biếng nằm trên cái bè thả trôi trên sông, một con cá nhảy lên bè. Anh làm biếng chụp con cá, lấy móng tay cạo vảy, rồi không cần mất công đứng dậy múc nước, ảnh đái ra nước để rửa cá, xong thảy trên bè phơi khô. Một con quạ bay xuống sớt con cá khô bay đi, thả vô vườn của công chúa. Lúc đó công chúa đi dạo trong vườn với tỳ nữ, chúng lượm con cá đưa công chúa, cổ kêu chúng nấu cho cổ ăn. Ăn xong con cá, công chúa mang bầu. Vua cha hỏi sao có chuyện đó, cổ nói:
‘Con đi dạo trong vườn với tỳ nữ, thấy con cá khô dưới đất, mới kêu tỳ nữ lượm nấu, con ăn vô thì chẳng biết bị phép chi làm cho có bầu.’
Nhà vua giam công chúa vô ngục, sau cổ sanh ra một thằng nhỏ. Nhà vua truyền gọi hết thảy đàn ông trong xứ tới cung để vua chọn chồng cho công chúa [a]. Anh làm biếng đẩy bè tới trước cung vua. Đứa con của công chúa đứng trên lầu, dòm thấy ảnh, tức thì mở miệng kêu cha ơi. Nhà vua truyền gọi ảnh vô cung, gả công chúa cho ảnh. Thiệt là làm biếng mà có số sướng.
__________
a. Vài chuyện khác có cùng motif, kể rằng nhà vua truyền gọi hết thảy con gái trong xứ tới cung để vua chọn vợ cho hoàng tử, thí dụ chuyện ‘Nàng Út’ mà ở đây bỏ qua không kể.
V1.8.6. Thờ rắn.
63. Ông Cụt Ông Dài (Genies des eaux)
Ở làng Xuân Canh, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An, có hai vợ chồng nghèo, làm cỏ mướn, tuổi hơn bảy chục, mà chưa có con. Bữa nọ dẫy cỏ bên sông, bà già thấy hai cái trứng bự hơn trứng ngỗng. Ông già lượm về nhà, sáng sau trứng nở ra hai con rắn. Hai người đem rắn ra bỏ ở bờ sông, vì nó là giống dưới nước. Nhưng chúng vẫn bò về nhà.
Họ bèn để rắn lại nuôi. Hai năm sau rắn bự như bắp chưn người lớn. Ngày nọ, một con rắn lẩn quẩn kế bên bà già đang dẫy cỏ, bị bả lỡ tay phang đứt đuôi. Ông già đem con rắn cụt đuôi về nhà săn sóc, mấy ngày sau lành. Hai người tính thôi không nuôi rắn nữa, vì họ già rồi. Họ đem chúng ra bờ sông, la lớn:
‘Ai ở dưới nước lên nhận con nè!’
Rồi thảy cặp rắn xuống. Tức thì chỗ đó mặt nước nổi bong bóng, cặp rắn chìm xuống.
Ba ngày sau, buổi chiều, họ thấy hai tên ăn bận xê xang tới nhà nói:
‘Thưa ba má, cha con sai con dặn ba má bây giờ già rồi, khỏi cần làm nữa, muốn gì thì nói, tụi con sẽ đưa. Khi ba má mãn phần, tụi con sẽ lo đám ma y như người ta.’
Sau hết cặp rắn trở thành thần, một thờ ở đền làng Xuân Canh, một thờ ở đền làng kế bên, cách nhau con suối. Mỗi khi trời hạn, dân làng bắc một cái cầu tre ngang suối giữa hai cái đền, đặt đồ cúng lên, vái. Đốt sớ xong, dân làng về liền, không thôi mưa xuống làm ngập suối và cuốn luôn cái cầu.
8. Chuyện cười
64. Vợ chồng ham ăn (Gourmands)
Có hai vợ chồng ham ăn, mà chồng ham hơn vợ. Bữa nọ ảnh ăn tiệc, đem về nhà cái bánh, biểu vợ:
‘Giờ để cái bánh ở đây, ai nói trước là khỏi ăn, hén?’
Vợ chịu. Cả hai làm thinh, ngồi ngó cái bánh. Tới đêm, có thằng ăn trộm mò vô nhà. Hai vợ chồng thấy nó, chẳng ai nói tiếng nào. Thằng ăn trộm xích lại gần, họ làm thinh. Nó dạn hơn, bóp vú cô vợ, mà anh chồng vẫn ngó, chớ hề nói gì. Tới hồi thằng ăn trộm tính kéo cô vợ vô giường, cổ thấy chồng vẫn im lìm, mới tức, la lên:
‘Coi kìa! Mình để nó làm vậy hả?’
Anh chồng đứng dậy, biểu thằng ăn trộm:
‘Mày làm chứng cho tao là nó mất cái bánh nghen.’
65. Bợm cũng bị lừa (Voleurs)
Cô kia khôn lấy anh chồng khờ. Bữa đó ảnh đi ăn đám, cổ lấy bộ đồ đẹp cho ảnh bận. Anh chồng lên ngựa đi ngang nhà trọ, gặp tên kia hỏi y thấy ảnh bận đồ có bảnh không. Tên kia nói:
‘Bảnh chớ, nhưng anh chưa biết bận làm sao cho xứng với giá trị của bộ đồ.’
Anh khờ hỏi bận làm sao, tên kia nói:
‘Anh xuống ngựa, cởi đồ đưa tui, tui chỉ cho.’
Ảnh chịu. Tên kia bận đồ của ảnh, leo lên ngựa, đi một hai vòng rồi chạy thẳng. Ảnh chờ miết chẳng thấy y quày lại, đành trở về nhà, bận bộ đồ của tên bợm. Cô vợ la chồng một hồi, rồi tính kế lấy lại mấy thứ bị mất. Cổ biểu anh chồng đi kiếm tên kia, ảnh đi rồi về nói nó đang coi hát, tức thì cổ lấy một cái vòng tay, một cái bông tai với hai ba cái cà rá, đi tới rạp hát. Cổ đứng dựa vô một cái giếng, khi thấy tên bợm đi ra, thì khóc hu hu cho nó thấy. Nó hỏi cổ bị gì. Cổ nói:
‘Em đang múc nước rửa chưn thì làm rớt một cái vòng tay, một cái bông tai với hai ba cái cà rá xuống giếng. Nếu là của em thì chẳng sao, ngặt nỗi em mới làm đám cưới mà đây là của chồng em cho. Đàng nào ảnh cũng nói em giấu đưa cho ba má em rồi đánh em quắn đít.’
Tên kia thấy cô này đẹp thì mê, chịu xuống giếng kiếm cho cổ. Y cởi đồ ra, nhưng chưa xuống mà hỏi cổ tên gì. Cổ nói:
‘Chồng em tên Ngộ Quá còn em tên Lại Coi.’
Tên bợm vừa lọt xuống giếng thì cô kia lượm bộ đồ, nhảy lên ngựa, chạy đi. Tên bợm dưới giếng chẳng tìm thấy gì, leo lên, rồi kêu om sòm:
‘Ngộ Quá Lại Coi, trả đồ tao đây.’
Mấy người trong rạp hát chạy ra coi cái gì ngộ, thì thấy một thằng cha trần truồng đang la hét mà thôi, liền xáp vô nó đấm đá túi bụi. Té ra bợm cũng bị đàn bà gạt.
9. Chuyện đã phân loại theo hệ thống ATU
ATU 160. Vật trả ơn, nhơn trả oán.
66. Anh thợ câu nghèo (Le pauvre pêcheur)
Anh kia vợ chết nhà nghèo. Đi xin ăn chẳng ai cho, ảnh đi làm thuê một ngày được ba chục xu. Ảnh lấy ba chục xu đó mua tôm làm mồi ra sông câu cá. Lần thứ nhứt, câu được một con rắn. Ảnh thả nó ra, lần thứ hai cũng câu được con rắn đó. Ảnh biểu nó:
‘Tao có ba chục xu mua mồi câu mà mày ăn sạch. Tha mày lần này nữa thôi nghen.’
Lần thứ ba, con rắn đó vẫn dính câu. Ảnh mang nó tới gần đền thờ Bà Khai Khẩu tính giết, thì bà này làm phép cho nó mở miệng nói rằng:
‘Anh ơi đừng giết, tui là con của thủy tề, bị đày lên cạn phải mang lốt rắn. Anh tha, tui sẽ trả ơn. Tui muốn ở với anh nên mới cắn câu của anh [ba lần].’
Anh kia đem con rắn về nhà và từ đó ảnh câu đâu trúng đó. Bữa nọ con rắn cho ảnh biết trong ba ngày nữa sẽ có lụt nên nếu muốn sống thì phải đóng sẵn một cái bè. Mà đúng vậy, nhờ có bè nổi trên mặt nước, ảnh với con rắn thoát chết.
Thấy một ổ kiến, con rắn kêu ảnh vớt lên. Thấy một đàn chuột, con rắn cũng kêu ảnh vớt lên, ảnh nói chuột mà vớt làm gì, rắn nói ảnh cứ vớt. Tới phiên một con trăn, cũng được vớt. Sau hết, thấy một người, ảnh tính vớt, rắn nói đừng, nhưng ảnh một hai đòi vớt, còn nói:
‘Cứu một người dương gian bằng một ngàn âm ty!’
Ba ngày sau, nước rút, ảnh thả ổ kiến, đàn chuột, con trăn, còn rắn và người kia thì ảnh nói cất nhà xong ở chung với ảnh. Con rắn nói:
‘Tui sắp hết hạn đày, sẽ về thủy phủ. Anh theo tui xuống dưới đặng cha tui trả ơn. Nếu ổng hỏi anh muốn thứ gì, thì anh xin cây đờn của ổng thôi. Đờn đó ổng lấy trong dinh Ngọc Hoàng đó. Hễ có giặc, đem đờn khảy một tiếng là giặc chạy tuốt.’
Anh thợ câu nghe lời, theo rắn xuống nước, thủy tề cha nó hỏi ảnh muốn được trả công thứ gì, ảnh xin ổng cây đờn. Ổng cho. Ảnh về.
Đây nói cái người mà ảnh đã cứu sống và đang cho ở chung: ảnh coi y như anh ruột của mình vậy. Khi đi làm thì để y coi nhà, dặn đừng vô lẩm lúa. Tên kia nghi ảnh giấu gì ở trỏng, nên bữa nọ, khi ảnh đi vắng, y vô lẩm lúa lục lọi thì thấy cây đờn, ghi là ‘cây đờn đuổi giặc’. Y liền lấy đờn bỏ đi. Hồi đó giặc phá khắp nơi trong xứ. Nhờ cây đờn, y bắt mười tám sứ quân phải đầu hàng. Nhà vua phong cho y làm ngươn soái và tính gả công chúa cho y. Nhưng công chúa không chịu, rồi câm luôn. Vua nói y kiếm ra thuốc gì làm công chúa hết câm thì sẽ cho y lấy cổ.
Ngươn soái chẳng biết kiếm thuốc đâu ra. Bữa đó y đang đi thì bị anh thợ câu dòm thấy, nhận ra là người đã được ảnh cứu sống mà cũng là người ăn cắp cây đờn của thủy tề. Ảnh tới đòi cây đờn, bị tên kia bắt và ra lịnh chém đầu. Nhưng bộ hạ của y khuyên y nhốt ảnh vô ngục sắt sau hai chục ngày mới đưa ra chém.
Năm ngày sau khi ảnh thợ câu bị nhốt, đàn kiến bò vô ngục và nhận ra đó là kẻ đã cứu chúng khỏi chết đuối, nên hỏi thăm:
‘Anh ơi sao anh bị như vầy?’
‘Ai đó? Ai nói mà tui không thấy?’
‘Tụi tui là đàn kiến mà anh đã cứu đó, nghe đồn anh mắc họa nên tới đây.’
Ảnh kể chuyện, kiến nghe xong nói:
‘Chà, vụ này khó nghen, để tụi tui đi kiếm đàn chuột, coi chúng có cách nào cứu anh.’
Đàn chuột nghe đàn kiến kể chuyện xong thì nói:
‘Trời, ơn nhơn mắc họa sao? Thôi vầy nghen: tụi bây đi kiếm đồ cho ảnh ăn, tụi tao đi kiếm con trăn coi nó có cách nào cứu ảnh.’
Đàn chuột đi kiếm con trăn. Con này nghe tiếng chưn đi trên đống lá kế bên, nó ngóc đầu tính đớp, đàn chuột hoảng kinh, phóng lên cây. Trăn nhận ra chuột, kêu chúng xuống. Đàn chuột sợ, chẳng con nào dám xuống, nói nếu anh em mình không lanh chưn thì bị nó nuốt rồi. Sau hết, một con chuột già nói:
‘Thôi được, để thằng già này xuống nói chuyện với con trăn; lỡ bị nó nuốt cũng chẳng đáng.’
Vậy là nó xuống kể cho con trăn biết chuyện ơn nhơn mắc họa ra sao. Trăn nói:
‘Tụi bây đưa cục ngọc này cho ảnh, nói ảnh mài ra bột đưa công chúa pha nước uống là hết câm và ảnh sẽ thoát nạn.’
Đàn chuột tha cục ngọc tới ngục đưa anh thợ câu, nói ảnh làm y lời con trăn dặn. Ảnh kêu lính gác thả ảnh ra, nói ảnh biết phép trị bịnh cho công chúa. Lính không chịu, nhưng người quản ngục thấy rộn tới coi, nghe ảnh nói xong, liền nhận cục ngọc đem đi mài ra bột cho công chúa uống, tức thì cổ nói được. Nhà vua mừng rơn, tính thưởng cho quản ngục thì y thiệt thà nói thuốc này là của một người tù. Công chúa nói:
‘Đó mới là chồng của con chớ chẳng phải người kia.’
Nhà vua truyền thả người tù ra. Ảnh kể họ nghe đầu đuôi câu chuyện. Tên trộm kia một hai cãi lại, nói người quản ngục ăn hối lộ của ảnh, mà chẳng ai nghe, rốt lại vua ra lịnh chém đầu y, nhưng anh thợ câu xin tha cho y về. Ai dè y vừa ra khỏi cung thì bị Trời đánh chết tươi. Còn anh thợ câu thì được lấy công chúa.
Bởi vậy người ta nói cứu vật thì vật trả ơn, cứu nhơn thì nhơn trả oán.
ATU 554. Con vật biết ơn
67. Người mua chó, mèo, rắn (L’homme qui achète un chien, un chat et un serpent)
Anh kia nghèo đi chèo thuê cho ghe buôn kiếm tiền nuôi mẹ. Chủ ghe trả trước bốn chục quan, ảnh đem theo tính gặp hàng gì rẻ thì mua về bán kiếm lời. Qua xứ nọ, ở đó nhà kia có con chó tối ngày ăn vụng nên chủ nó kêu đứa ở đem ra sông nhận nước. Anh chèo thấy, hỏi muốn bán con chó bao nhiêu, đứa ở nói con chó này hay ăn vụng mà mua làm chi. Nhưng ảnh cứ đòi mua nên đứa ở đưa chó cho ảnh lấy ba quan. Ảnh đem chó về ghe, khi chèo ghe thì cột nó lại.
Bữa khác ảnh gặp người kia tính nhận nước một con mèo, ảnh hỏi mua thì họ nói:
‘Nó hay ăn vụng mà mua làm chi.’
Ảnh nói:
‘Đừng lo, bán cho tui đi.’
Vậy là ảnh trả ba quan đem con mèo về ghe cột kế bên con chó. Rồi ảnh gặp người khác mang một con rắn, ảnh hỏi mua thì họ nói:
‘Con rắn này hỗn lắm, tui đang đem nó đi nhận nước đây, chú mua làm chi.’
Ảnh nói:
‘Đừng lo, cứ bán cho tui.’
Họ thấy ảnh khờ liền bán cho ảnh con rắn lấy năm quan.
Trên đường về, con rắn trong ghe rớt xuống sông. Anh chèo bỏ ghe phóng theo lặn xuống vớt nó lên. Con rắn biết ơn ảnh cứu mình khỏi chết hai lần, nên biếu ảnh cục ngọc băng xuyên, rồi chỉ đường cho ảnh bơi về nhà. Chủ ghe thấy ảnh phóng xuống sông không lên, tưởng đâu ảnh chết nên về bến là báo làng biết liền để khỏi bị nghi giết ảnh. Về tới nhà, thấy anh chèo đã ở nhà từ ba ngày trước.
Con rắn khi biếu cục ngọc, có nói:
‘Ngọc này quý lắm, ước gì được nấy, anh ráng giữ nghen.’
Mà đúng vậy, nhờ nó, ảnh giàu lên rồi lấy vợ bên hàng xóm. Ảnh có nhà, nhưng vợ chẳng có đồ tốt để đeo. Chị này thấy chồng có cục ngọc sáng, mới xin ảnh đem ra thợ bạc làm vòng tay. Thợ bạc thấy cục ngọc quý liền tráo đồ giả trả lại, bởi vậy, sau đó hai vợ chồng chẳng còn ước gì được nấy nữa.
Ở với ảnh có con chó với con mèo mà ảnh mua hồi trước. Hai con này khôn lắm. Chúng biết tên thợ bạc đã tráo cục ngọc nên nói ảnh để chúng đi lấy lại cho. Trên đường đi chúng gặp một bầy rái nói:
‘Anh chó, chị mèo đi đâu đó, ở chơi, để tụi tui kiếm cá về ăn.’
Chó với mèo ở một đỗi rồi đi. Gặp một bầy chuột trên cây dừa hỏi đi đâu, chó với mèo nói:
‘Tụi tao đi công chuyện.’ Bầy chuột mời: ‘Ở chơi, để tụi tui kiếm cá tôm, ăn rồi đi.’ [a]
Rốt lại, chó với mèo tới nhà thợ bạc. Mèo biểu chó:
‘Để tao leo lên nóc nhà kêu, cho bầy chó trong nhà ra sủa, mày lén vô trước. Chờ tao vô tính sau.’
Hai con vô nhà, gặp chuột chúa đàn, nó hỏi:
‘Anh chị tới đây mần gì?’
‘Tụi tao mần công chuyện.’
‘Để tui kiếm thịt ăn cái đã.’
Ăn xong, chó với mèo hỏi làm sao chun vô cái rương xe của tên thợ bạc [b]. Con chuột nói để nó, nhưng nó mới đục lỗ chun qua cái vỏ rương bằng cây chớ không vô được cái hộp da bên trong. Nó đi kiếm bầy chuột lắt đục lỗ chun vô hộp, tha cục ngọc ra. Con chó ngậm vô miệng, chạy.
Ra ngoài, chó với mèo thay phiên ngậm ngọc chạy tới sông thì con chó ngậm ngọc bơi qua. Rủi thay, chó làm rơi cục ngọc xuống nước rồi một con cá bơi ngang nuốt mất tiêu. Mèo tức chửi chó lia lịa. Chó hỏi:
‘Chớ tao làm gì bây giờ?’
Mèo nói:
‘Mất ngọc thì mình chưa về được đâu, mà phải đi kiếm một ông chài làm quen, họa may ổng bắt được con cá nuốt cục ngọc rồi tính.’
Chó với mèo đi kiếm nhà một ông chài xin vô ở, ổng cho, dặn con mình đừng đánh. Nhờ chúng khôn, nên cả nhà cưng lắm. Bữa nọ ổng bắt được con cá moi ra cục ngọc trong mình nó. Chó và mèo chụp lấy, vọt chạy. Trên đường về, chúng gặp lại bầy rái và bầy chuột cũng mời chúng ăn như lúc đi. Sau hết, chó và mèo trả lại cục ngọc cho chủ, thưa:
‘Ông đã cứu mạng, tụi tui trả ơn rồi, bây giờ xin ông cho tụi tui ăn một bữa chót, cột ba tờ giấy bạc với ba đồng xu quanh cổ mỗi đứa, rồi hóa kiếp cho tụi tui khỏi tái sanh làm chó mèo nữa. Tụi tui mãi đội ơn ông.’
____________
a. Rái với chuột dừa không có vai trò gì trong chuyện này, có lẽ lấy từ chuyện nào khác ghép vô.
b. Nhà giàu, hoặc là nhà có của ăn của để, dùng rương bự đựng tiền bạc vàng vòng lụa là, gắn bánh xe để dễ đẩy đi khi lỡ có cháy; người lớn nằm trên nắp rương được. Nghe nói tụi ăn trộm đánh thuốc cho người đó ngủ mê rồi khiêng cả người với nắp xuống đặng lấy đồ bên trong.
10. Truyền thuyết nhơn vật lịch sử
68. Cọp trả ơn (Reconnaissance d’un tigre)
Về cuối trào Trần, ở làng Trương Xá, huyện Chân Lộc, tỉnh Nghệ An, có nhà anh kia họ Nguyễn, làm ruộng, với một con trai còn nhỏ.
Ruộng ảnh thấp, nhiều cá. Ảnh đắp bờ, đặt lờ. Ruộng ở gần rừng. Đêm nọ có một con cọp ra ruộng, tới mấy cái lờ moi cá ra ăn. Một con cá rô bự giãy mạnh, ghim xương trong họng cọp. Cọp ta hết khạc ra rồi nuốt vô mà cũng không sao đẩy cái xương khỏi họng. Ráng sức một hồi, nó nằm lăn, rên rỉ. Gần sáng, anh kia ra ruộng thăm lờ, ban đầu chẳng biết đó là cái giống gì, đốt đuốc lên mới thấy một con cọp nằm chèo queo coi bộ hiền khô.
Ảnh hỏi cọp sao rên, nó há miệng, đặt bàn chưn vô. Ảnh nghi nó ăn trộm cá rồi bị nghẹn xương, nên nói:
‘Nếu mày bị mắc xương trong cổ họng thì gật đầu rồi tao tìm cách gỡ ra cho.’
Cọp gật đầu hai ba cái; anh kia chạy về nhà, kiếm lấy rau má và cái mỏ chim cần cột [a], kêu thêm hai ba người nữa, đi ra nơi con cọp đang nằm ngóc cổ chờ. Ảnh giã sơ rau má, nhét vô họng cọp, lấy mỏ cần cột cào bên ngoài cổ họng nó hai ba lần. Xương trôi xuống bụng, con cọp nhẹ mình, nhảy lang ba một hồi.
Bốn năm ngày sau, chừng nửa đêm, anh kia nghe tiếng chưn rảo quanh nhà, sáng ra thấy dấu chưn cọp với một con heo bị bẻ giò, dường như của con cọp tha tới trả ơn cho ảnh.
Hai năm sau, một đêm nọ, anh kia đem lờ ra bờ, thì bỗng dưng té cái đụi chết ngắt. Con cọp tha xác ảnh đem đi chôn vô cuộc đất công hầu [b]. Tới sáng không thấy ảnh về, người nhà bắt đầu đi kiếm. Thấy dấu chưn cọp bên bờ nước, họ dõi theo tới chỗ con cọp chôn ảnh thì hết dấu. Họ thấy một đống đất mới đắp, bươi ra thấy xác của ảnh, còn nguyên. Người con của ảnh, tên Nguyễn Nhựt, lấy xác cha về quàn vô hòm đem chôn chỗ khác.
Con cọp tới cái mả mới, phá đi, tha cái xác băng qua ruộng lúa tới nương Giồng Mô, moi huyệt thiệt sâu chôn ảnh lần nữa. Rồi nó lấp đất cho bằng, không để lại dấu vết chi, sợ có ai biết mà hư việc của nó. Sáng sau, mối đùn đất thành một cái gò bên trên huyệt, nhờ vậy không ai tìm ra.
Song le, chỗ đó là mộ của một vị quốc công. Nguyễn Nhựt lớn lên nổi tiếng văn võ song toàn, góp công lớn lập ra trào Hậu Lê và được phong tước Cang Quốc Công. Dòng giõi ông này làm quan ba bốn trăm năm. Đó là nhờ cọp trả ơn vậy. [c]
__________
a. ‘Cần cột’ là tên gọi chung 3 loài chim ‘cormorant’ họ Phalacrocoracidae: Phalacrocorax carbo, P. fuscicollis và P. pygmaeus (Microcarbo niger). Thời nay gọi là ‘cốc’.
Rái (otter) là tên gọi chung những loài thú dưới nước ăn cá, họ chồn (Mustelidae); ở Việt Nam có 4 loài: Lutra lutra, L. sumatrana, Lutrogale perspicillata và Aonyx cinerea.
Khi mắc nghẹn xương cá, người ta lấy mỏ chim cần cột hoặc bàn chưn trước bên phải của con rái đem cào bên ngoài cổ họng. Hai thứ này là hai thứ Trời cho dùng để bắt cá, nên có tánh làm tan xương cá. Còn rau má thì có vị lạ hay dùng nấu với cá, nên có tánh làm mềm xương. Bởi vậy người tù muốn bứt xiềng thì hay bọc xiềng trong một nắm rau má. (Đây là ‘kiến thức dân gian’ của người An Nam thời xưa.)
b. Tức là cuộc đất mà nếu chôn vô đó thì dòng họ sẽ phát tới tước ‘công’ (tước này cao hơn hết, được nhà vua ban cho con vua hoặc người có công lớn mà thôi). Đây là nói theo khoa địa lý, một trong bốn khoa học thời xưa: văn chương, y dược, địa lý, thuật số, gọi tắt ‘nho, y, lý, số’.
c. Đây chính là Nguyễn Xí (1397–1465), vị danh tướng góp công lớn đánh bại quân nhà Minh, lập ra trào Hậu Lê, được vua Lê Thái Tổ (1381–1433) ban cho họ vua và sau được vua Lê Thánh Tông (1442–1497) truy phong Cang Quốc Công năm 1484; quê ở làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc, tỉnh Nghệ An; cha là Nguyễn Hội bị cọp vồ chết năm 1405 (Wikipedia tiếng Việt, ‘Nguyễn Xí’, 13-Dec-2021). Tên huyện Chân Phúc từ trào Lê đã được đổi sang Chân Lộc từ thời nhà Tây Sơn, và tới 1894 đổi thành Nghi Lộc cho tới nay (vansudia.net). Vậy chuyện này ắt đã đặt ra trước năm 1894.
69. Chuyện ba chàng rắn (Histoire de trois hommes serpents)
Thời trào Lý [a], ở làng Thượng Nhứt, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tịnh [b], có vợ chồng ông Trần Thế Vinh và bà Nguyễn thị Thoại, lấy nhau mười lăm năm không đẻ con. Đêm đó mùa thu trời mưa, bà Thoại lấy lu hứng nước mưa trên mái nhà. Lúc đó chừng canh tư, bả thấy một vì sao trên trời rớt xuống lu nước. Thấy ngộ, bả kêu chồng ra kể lại. Hai người coi như chẳng có chuyện chi, vẫn uống nước lu đó.
Rồi bả có bầu nhưng ba năm sau chưa đẻ, tưởng đâu bị báng, mà uống thuốc hay xức dầu chi cũng chẳng hết. Ngày nọ, nhằm mồng một tháng giêng, giữa ngọ, bà Thoại đẻ ra ba cái trứng màu xanh. Ông chồng thất kinh, chẳng dám nói ai biết. Mười tháng sau, ba trứng nở ra ba con rắn: con thứ nhứt mình xanh đầu đỏ, con thứ hai mình đốm đầu xanh, con thứ ba mình trắng đầu đen, mỗi con dài một thước hai tấc [c].
Rắn lớn lẹ lắm, ông Vinh đi đâu chúng cũng bò theo. Bữa kia ổng dẫy cỏ ngoài đồng, lỡ tay phang đứt đuôi một con, máu phun ồng ộc. Nó liền biến ra một anh bảnh trai cao tới mười thước, nói:
‘Thưa ba má, anh em con là tiên trên trời, mắc tội nên bị đày xuống phàm để giúp nước. Hai em con ở lại, còn con bay lên cao làm giông phun mưa xuống để ghi nhớ chuyện vừa rồi.’ [d]
Hai con rắn kia về nhà, tới khi trở thành người thì có tài không ai bằng. Lúc đó là thời trào Lý, giặc Tàu qua tính chiếm mỏ vàng ở Quảng Nguyên, ngà voi và quế ở Thanh Hóa, Nghệ An, nhưng bị quân của hai anh em đánh tan. Vua phong cho hai anh em chức ngươn soái, về sau lập miếu thờ mà tới đời này [đời nhà Nguyễn] vẫn còn linh. [e]
__________
a. Tức là trào Hậu Lý (1010–1225), với quốc hiệu Đại Việt và kinh đô Thăng Long.
b. Nay là Hà Tĩnh.
c. Một thước bằng 22 lần đường kính của một đồng xu Gia Long, tức là 525 mm; mười tấc bằng một thước.
d. Cơn giông là con rồng hiện hình cho người ta thấy, dân gian hiểu vậy.
e. Đây dường như là hai anh em danh tướng Lý Thường Kiệt (1019–1105), chuyện kể rằng họ từ trứng nở ra có lẽ ngụ ý rằng gốc gác của họ ở đâu thì không rõ.
70. Chuyện ông Trạng Trình (Histoire du Trạng nguyên Trình)
Ở đất Hải Dương có cô kia tài sắc vẹn toàn, muốn lấy người chồng sao cho đẻ ra đứa con làm vua mà chưa kiếm ra ai. Rồi cổ lấy một ông có tước công tên Luân, vài tháng thì có bầu. Sau chin tháng mười ngày, cổ biểu chồng dựng một cái chòi cao, bốn bề che kín [a], dặn:
‘Chừng nào thiếp sanh, chàng mặc kệ thiếp, đừng thăm viếng gì, không thôi hư chuyện.’
Chồng nghe lời. Cô kia sanh con được ba ngày, muốn thử chồng lần nữa, nên để con trên võng, dặn chồng đừng vô thăm, rồi bỏ đi. Ba ngày sau, người chồng muốn coi mặt con, lên chòi, thấy nó trên võng. Đứa con thấy cha, nó nói liền:
‘Dạ thưa cha tới thăm con!’
Người cha sợ hãi, xuống chòi. Vợ về trách:
‘Thiếp muốn con chàng làm vua, nhưng cha con chàng muốn nó làm trạng nguyên thời loạn mà thôi. Vậy thiếp chiều theo ý chàng, nhưng giữa hai ta không còn chi hết.’
Nói xong, biến mất. Hai cha con ở với nhau. Khi lên mười bảy, đứa con tên Trình thi đậu trạng nguyên nhà Mạc, nhưng lòng theo nhà Lê, nên cáo bịnh không làm quan nhà Mạc, sau giả đui vô chùa ở. Khi nhà Mạc [bị nhà Lê đánh] thua, rút lên Thái Nguyên, Trình cho người em trai cùng mẹ khác cha là Trại ra giúp nhà Lê, dặn nếu có gì khó thì về gặp ổng. Trại ở Thanh Hóa, thi đậu trạng nguyên nhà Lê, nhưng tài thua xa Trình, việc chi cũng nhờ Trình sắp xếp.
Khi nhà Mạc thua lần nữa và rút lên Lạng Sơn, thì Trại cho một tên lính về hỏi anh mình tiếp theo phải làm sao. Tên này về tới chùa, nhưng ba ngày liền chẳng thấy báo tin chi. Bữa đó, lúc hừng đông, Trình tới chỗ tên lính nằm, xé chiếu của y, xua tay nói:
‘Đi lẹ! Lẹ lên!’
Nghe lính về báo vậy, Trại lắc đầu, nói:
‘Anh ta nói đi lẹ sẽ thắng.’
Quân nhà Lê theo gấp tới sát biên giới, bị Trình chặn lại. Trại lúc đó đang đi cùng vua Trang Tông, nghe tướng tiên phuông báo vậy, thì tới gặp hỏi Trình sao chặn đường tiến quân. Ổng đáp:
‘Chớ dồn ai tới đường cùng [b]. Anh còn một việc phải làm cho nhà Mạc, để họ khỏi bị diệt. Xin em rút quân, cho nhà Mạc sang Tàu.’
Vua Lê nghe theo, rút quân về. [c]
Ở xứ An Nam, từ đời Hồng Bàng tới nay, chưa có ai xứng danh trạng nguyên hơn ông Trình. Ổng biết mọi thứ năm trăm năm về trước và mọi thứ năm trăm năm về sau, mà còn ghi lại những thứ đó trong một cuốn sách cho người ta coi. Song le, vua Minh Mạng phật ý bởi một điều mà ổng dự đoán, nên ra lịnh hễ ai coi sách đó sẽ bị xử tử, để thiên hạ đừng coi. [d]
__________
a. Dựng chòi cho đàn bà ở đẻ là thói tục thời xưa.
b. Ý này lấy trong Đạo đức kinh của người Tàu.
c. Trình ở đây là Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585), trạng nguyên nhà Mạc (1527–1592), và Trại là Phùng Khắc Khoan (1528–1613), trạng nguyên nhà Hậu Lê. Truyền thuyết này có những chi tiết khác với sách sử, nhưng ở đây ta không bàn thêm.
d. Ở chuyện ‘Bà chúa Liễu’ không kể ra đây, ta được biết Trạng Trình khuyên Nguyễn Hoàng rút vô Trấn Ninh thì dòng giõi sẽ làm vua bốn đời. Có lẽ điều đó làm vua Minh Mạng phật ý, nhưng điều đó chẳng sai tý nào: sau bốn đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, thì, trên thực tế, người Pháp đã cai trị An Nam.
Nguồn: Tác giả cung cấp bài viết đến thanhdiavietnamhoc.com, 25/5/2022
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
__________
* ĐỖ NGỌC GIAO, tác giả sinh sống tại Việt Nam (trước năm 1975), làm việc tại Nhà máy Đường (sugar) Việt Nam, Nhật Bản, nay đã về hưu, ham thích nghiên cứu và có viết một số bài chuyên khảo như Bách Việt, Austro Asiatic, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, … Bài viết chuyên khảo “Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 4)” do tác giả viết (ngày 25/5/2021) và gửi trực tiếp cho Ban Tu Thư – Viện Nghiên cứu Việt Nam học để đăng tải trên các trang web-Hybric do PGS.TS. Sử học Nguyễn Mạnh Hùng sáng lập.
Các bài viết khác của tác giả (Đỗ Ngọc Giao):
1. Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 1)
2. Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 2)
3. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1A)
4. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1B)
5. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2A)
6. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2B)
7. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3A)
8. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3B)
9. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3C)
10. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 4)
11. Phân tách chuyện Tấm Cám theo lý thuyết của Prop (A Proppian analysis of Tam Cam)
12. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần chót)
13. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 1)
14. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 2)
15. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 3)
Download file (PDF): Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 4) – Tác giả: Đỗ Ngọc Giao |