Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3C)
Tác giả bài viết: ĐỖ NGỌC GIAO
5. Chương Q ‘Rewards and Punishments’
Chương này có 5 nhóm motif:
Q0 Q10–Q99 Q100–Q199 Q200–Q399 Q400–Q599 |
thưởng và phạt việc tốt được thưởng điều thưởng việc xấu bị phạt hình phạt |
rewards and punishments deeds rewarded nature of rewards deeds punished kinds of punishment |
5.1. Thưởng và phạt
46. Thành hoàng phò hộ (Protection des génies)
Cô kia bảnh gái, tuổi chừng mười bảy mười tám, chưa chồng. Ngày nào cổ cũng tới đền thắp nhang khấn thành hoàng cho lấy chồng làm quan.
Ngày nọ có tên bán nhang tên Mổng đi ngang nghe lỏm lời cô này khấn. Hôm sau y núp trong đền, khi cô này vô thắp nhang, y làm như y là thành hoàng, lớn giọng nói rằng:
‘Số con phải lấy người bán nhang tên Mổng, về sau người đó sẽ làm vua.’
Cô kia đáp:
‘Dạ xin thần xét, Mổng là người nghèo mà ác, không hợp với con chút xíu nào.’
Giọng kia nói:
‘Ta định như vậy rồi. Nếu con không nghe, ta sẽ kêu tả quan hữu quan [a] bắt con móc mắt, chừng đó thì khó cho con nghen.’
Cô này sợ, chịu lấy Mổng làm chồng, ra khỏi đền đi kiếm Mổng. Gặp y, cổ kể lại mọi chuyện. Mổng ban đầu nói đôi lời từ chối, nhưng cổ nài nỉ làm y xiêu lòng và để cổ vô trong thúng, vác về nhà mình.
Giữa đường Mổng gặp hoàng tử đi săn cọp. Y sợ, bỏ thúng đó, vô bụi núp. Hoàng tử giở nắp thúng, thấy một người con gái đẹp ở trỏng. Nghe cô này kể lại đầu đuôi, hoàng tử chọn cổ để lấy làm vợ, rồi bỏ con cọp mới săn vô trong thúng, đậy lại.
Thấy không còn ai, Mổng trong bụi chun ra, vác thúng về. Tới nhà, y nói bà má nấu đồ cúng để y thưa với ông bà hôm nay y cưới vợ. Nhưng khi mở nắp thúng ra, chẳng có con vợ nào hết mà có một con cọp nhảy ra vật y gãy cổ.
___________
a. Tức là hai ông ‘hộ pháp’ trong đền/chùa.
5.2. Việc xấu bị phạt
47. Trời phạt (Châtiment ce1leste)
Có hai vợ chồng làm giàu bằng cách cho vay. Họ có hai con, một trai một gái. Khi ba má qua đời, hai anh em ở với nhau. Đêm nọ, năm 1872, ngoài trời đang có bão, cô em bận đồ tính ra ngoài. Anh hỏi đi đâu, em nói ra ngoài có công chuyện. Anh không muốn cho ra, em đòi ra cho được.
Đêm đó cô em không vô nhà. Sáng sau người ta đi kiếm, thấy cô ở trong một cái đồng, làm như bị đất nuốt tới lưng. Cô vẫn còn sống, la lớn:
‘Năm xấu, ba tốt! Lúa chiêm Iộn với lúa mùa!’
Đất quanh chỗ đó thì nóng hực nên không ai tới gần cứu cô được. Cô cứ ở đó nói tới nói lui mấy lời như vậy, tới chiều thì cô chìm hẳn vô trong đất. Rồi mặt đất khép lại, đen sì, chắc như đá, lấy rìu bổ xuống dội lên.
Chuyện này cho thấy cha mẹ mắc nợ thì con cái phải trả. Cha mẹ có đức thì con cái được nhờ, cha mẹ làm ác thì con cái chịu tội [a].
*
**
Có bốn người bạn, trong đó một người giàu. Ba người nghèo thì thương nhau như anh em. Một người trong đó là em ruột của người giàu. Ngày nọ anh giàu tới nhà một anh nghèo nói: ‘Mày nghèo, tao cho mượn hai chục quan đi buôn nghen.’ Anh nghèo chịu, nhận tiền đi buôn.
Anh giàu chẳng tốt lành gì đâu. Số là vợ ảnh xấu hoắc, mà vợ bạn tươi đẹp, nên ảnh muốn gạt bạn qua bên để giựt vợ bạn. Tính vậy rồi, ảnh giết vợ mình, chặt đầu giấu trong lẩm lúa, còn xác thì đem đi quăng vô nhà bạn. Rồi đưa vợ của bạn về giấu ở nhà mình. Nhà ảnh có một con sen, ảnh sợ nó biết chuyện ảnh làm, nên gạt nó uống một thứ thuốc làm câm, cho nó khỏi nói. Anh nghèo kia đi buôn về nhà, thấy xác đàn bà, tưởng là vợ mình. Quan cho bắt ảnh, buộc tội giết người, xử tử. Bà mẹ của ảnh chạy khắp nơi vay một ngàn quan để chuộc mạng cho con, nhưng không được.
Trên đường đi, bà này đang khóc thì gặp hai người bạn [nghèo] của con mình, họ hỏi duyên cớ. Bả kể chuyện, hai anh kia nghe xong tính nhận tội giết người để cứu bạn. Họ đi gặp quan, rồi người này tố cáo người kia. Con sen biết họ không có tội, nên ra dấu cho họ đừng làm vậy. Ông quan để ý thấy con sen ra dấu, nghi rằng nó biết điều chi không chừng. Bèn cho con sen uống thuốc trị chứng câm, sau đó nó kể lại đầu đuôi câu chuyện và nói cái anh bị buộc tội thì không phải là người có tội.
Quan xử chém đầu kẻ giết người [tức là anh giàu], nhưng rồi nhờ đám bạn tha thiết nài xin nên ảnh được quan tha cho. Có điều, khi ảnh ra khỏi cửa quan thì bị sét đánh chết tươi và xác ảnh bị cọp tới tha đi nuốt sạch.
__________
a. Nói cách khác: Đời cha ăn mặn, đời con khát nước.
48. Thành hoàng với đứa nhỏ có mạng lớn (Respect d’un génie pour un enfant prédestiné)
Ở tỉnh Nghệ An, làng Cẩm Lâm, có vợ chồng ông Mai văn Đạo và bà Hồ thị Nghi, nhà nghèo, vô núi chặt cây lấy củi. Khi bốn chục tuổi, họ sanh con trai. Thằng này từ lúc lên bảy đã có tài làm ai nấy phục lắm. Gần nhà họ có đền thờ thành hoàng, thằng nhỏ hay tới sân đền chơi với bạn. Tối nọ, ông từ trong đền nằm ngủ, mơ thấy thần nói rằng:
‘Làng này có người đậu trạng nguyên, là con của Mai văn Đạo đó. Nó hay tới chơi trước cửa đền, làm ta phải đứng miết để chào, thiệt là mệt mỏi. Vậy nhờ ông nói hương cả làm cho tấm màn cao chừng hai thước [tây] che lại cửa đền, để tôi lánh mặt nó, khỏi phải đứng nữa.’
Ông từ báo cho các hương chức hay, ban đầu họ không tin nên họ đích thân vô trong đền ngủ. Họ nằm mơ thấy thần nhắc lại lời nói hôm trước, còn thêm rằng thằng nhỏ sẽ thi đậu khi lên mười tám. Hương cả liền cho làm tấm màn, để thần ở bên trong không thấy bên ngoài.
Song le, dân làng nhiều kẻ xấu bụng nghe thằng nhỏ có mạng làm quan thì ganh ghét nên bắt đầu tìm cách phá hại cả nhà nó. Sau, hương cả và ông từ cùng nằm mơ thấy thần hiện ra lần nữa, nói:
‘Thôi mấy ông dẹp tấm màn đi, dân làng này có ác tâm, khiến Trời phiền lòng nên nay mai Trời sẽ gọi trạng nguyên về.’
Mấy ngày sau, thằng nhỏ chết, từ đó làng này không bao giờ còn ai đi thi đậu nữa.
49. Đoán mộng (Explication d’un rêve)
Có hai anh học trò tên Nguyễn Xuân Quan và Huỳnh Văn Trung, bà con với nhau, học cùng trường, cùng đi thi một kỳ ân khoa [a] năm Mậu Thân. Hai anh trọ chung nhà. Đêm đó Quan ngủ mơ thấy mình nuốt vô miệng hai trái núi. Hôm sau kể Trung nghe, anh này cười. Nhưng Quan thì lo, đi kiếm thầy bói đoán mộng cho mình. Thầy gieo quẻ, giảng đó là điềm lành: cắn một miếng nuốt hai trái núi tức là đậu hai lần thủ khoa.
Quan mừng khấp khởi, về kể Trung nghe lời thầy đoán mộng. Anh này chẳng những vẫn cười mà còn muốn giễu thầy bói, nên tới nhà thầy kể rằng ảnh cũng nằm mơ thấy mình nuốt hai trái núi. Ông thầy nhận tiền, gieo quẻ rồi nói Trung:
‘Chú em có ý bất kính, muốn lừa cả thần thánh, chú em sẽ thi rớt khoa này.’
Trung về nhà, đút hai cái nút áo vô hai bên miệng, làm hai chỗ đó bị loét nặng, rồi bởi vậy mà chết [b]. Quan thi đậu như lời thầy đoán mộng.
__________
a. Nói chung, hệ thống khoa cử nho học chính thống xưa bao gồm thi Hương, thi Hội và thi Đình. Cứ 3 năm thì tổ chức một kỳ thi Hương, năm trước thi Hương thì năm sau tổ chức thi Hội, thi Đình. Ngoài ra, nhà nước phong kiến còn tổ chức các kỳ thi đặc biệt để tuyển chọn nhân tài vào một số dịp đặc biệt nằm ngoài quy định khoa cử nho học thông thường gọi là Ân khoa và Thịnh khoa. Ân khoa thường áp dụng với kỳ thi Hương, Thịnh khoa thường áp dụng với kỳ thi Hội, thi Đình…4
b. Hai cái nút áo này chính là hai trái núi mà Trung nói đã nằm mơ thấy mình nuốt.
6. Chương A ‘Mythological Motifs’
Chương này có 10 nhóm motif:
A0–A99 A100–A499 A500–A599 A600–A699 A700–A799 A800–A1199 A1200–A1699 A1700–A2599 A2600–A2799 A2800–A2899 |
Ông Tạo Chúa, Thần lớp giữa thần với người vũ trụ bầu trời trái đất,… tạo ra con người,… tạo ra con vật,… tạo ra cây cối,… những ý khác |
Creator Gods demigods and culture heroes the universe the heavens the earth,… creation of man,… creation of animal life,… origin of trees and plants,… miscellaneous explanations |
6.1. Chúa, Thần
50. Thần núi Tản Viên (Le génie de la montagne Tản Viên)
Ở tỉnh Hà Nội có núi Tản Viên [a], cao bao nhiêu chẳng rõ. Tầng cao nhứt đất đỏ, tầng thứ hai cũng đỏ, tầng thứ ba người lên được, có một cái chùa bằng đá, trong đó có một cái bàn và một pho tượng cũng bằng đá. Thần núi này hiển linh lần đầu hồi trào Lý. [Lúc đó] quân Tàu xâm lấn An Nam, thần hiện ra ban một lời sấm khiến cho họ hoảng kinh quay về. Vua xứ An Nam làm lễ cúng tạ ơn thần, mà chẳng ai biết tên hiệu là chi.
Từ đó việc thờ cúng không hề xao lãng; mỗi khi nước nhà gặp nguy thì nhà vua sai một vị thượng thơ có đức tới xin thần ban sấm. Thần hiện hình người, đủ dạng nam phụ lão ấu, trao một tờ sấm ngôn cho vị đó rồi biến mất. Sấm của thần luôn nói trúng.
Mỗi năm, ngày ba mươi tháng chạp, người ta rèn một trăm cái lưỡi rìu để cúng thần. Những cái lưỡi rìu cúng năm trước hết thảy đều biến mất, không hiểu vì sao. Đời vua Tự Đức năm thứ ba [b], quan tổng đốc Nguyễn Đăng Giai [c] biết có loạn ở Sơn Tây. Quan dẫn ba ngàn quân tới Sơn Tây, nửa đường thần núi Tản Viên hiện ra thành một ông già chống gậy, đứng giữa lộ chặn ngang. Quân xua ông già đi, quan tổng đốc tới xem, thấy vậy, hỏi ông già muốn gì. Ông già nói:
‘Ngài không biết ta à? Ta ở núi Tản Viên. Ta mến ngài có đức, nên tới đây cho biết đôi điều.’
Ông già đưa cho quan một tấm giấy viết chữ như vầy: ‘Số ngài đã tận, nên kíp trở về.’ Nguyễn Đăng Giai nghe theo, về tới nhà mắc bịnh qua đời [d].
Sau, tổng đốc Viêm [e] muốn lên tầng giữa trên núi, sai ba trăm quân mở đường, vì xưa nay không có lối lên. Hết năm ngày dốc sức, họ vẫn chưa nhích lên được chút nào. Thần hiện ra nói với tổng đốc:
‘Trên đỉnh núi là nơi thần ngự, người phàm không được phép lên đó. Nếu bỏ qua lời ta, ngài khó giữ mạng.’
Tổng đốc sợ hãi, nên thôi.
___________
a. Ở thời Pháp, tỉnh Sơn Tây gồm có thị xã Sơn Tây, hai phủ Quốc Oai, Quảng Oai, và bốn huyện Thạch Thất, Phúc Thọ, Tùng Thiện, Bất Bạt. Giữa hai huyện Tùng Thiện và Bất Bạt là núi Ba Vì với một đỉnh là Tản Viên cao 1281 m. Thờ thần Tản Viên có bốn đền kêu bằng Đông cung (đền Và), Tây cung, Nam cung ở tỉnh Sơn Tây, và Bắc cung ở tỉnh Vĩnh Yên kế bên, chưa kể những đền khác. Xem thêm sự tích Thần núi Tản Viên trong Sơn Tây tỉnh địa chí của Phạm Xuân Độ (1941).
b. Vua Tự Đức lên ngôi năm 1848, mất năm 1883, là vị vua chót của xứ An Nam [mà có thực quyền, xét theo hiệp ước Harmand 1883].
c. Phần 1 bài này, chuyện ‘Ngô Bát Ngạo’, có nhắc tới Nguyễn Đăng Giai.
d. Quan tổng đốc hẳn không muốn chết đường chết sá như những kẻ bần cùng đạo tặc.
e. Hoàng Kế Viêm (1820–1909), người Quảng Bình, con rể vua Minh Mạng (1791–1841), Tổng thống quân vụ Bắc Kỳ, đóng ở ngay đền Và.
6.2. Bầu trời
51. Sao hôm sao mai (L’étoile du soir et l’étoile du matin)
Xưa có một dòng suối ở nơi hẻo lánh mà mấy nàng tiên hay xuống tắm. Ngày nọ, một anh tiều phu lạc đường tình cờ tới đó thấy tiên. Họ tắm trần truồng dưới suối, áo xống cởi hết ra máng trên cây bên bờ. Tắm xong, họ rũ nước lên bờ bận đồ bay đi.
Còn một nàng ở lại.
Anh tiều phu dòm quanh, không thấy ai, tới lấy bộ đồ của nàng tiên, chạy đi. Nàng rượt theo, xin trả lại đồ cho mình bận rồi về; nhưng ảnh muốn giữ nàng lại làm vợ nên chẳng thèm nghe. Nàng đành đi theo. Về tới nhà, ảnh đem bộ đồ của nàng nhét dưới bồ lúa, giấu.
Nàng tiên ở với anh tiều phu mấy năm, được đứa con ba tuổi. Ngày nọ, lúc chồng đi vắng, nàng bán sạch lúa, tìm thấy bộ đồ của mình trong bồ. Mừng rỡ, nàng lấy bận vô, gài cái lược của mình lên cổ áo thằng con, nói với nó:
‘Thôi con ở lại, mẹ là người tiên, cha là người phàm, hai đàng không được phép ở với nhau mãi.’
Nàng ôm con khóc một hồi rồi bay đi.
Anh kia về, nghe con khóc, mới hỏi bà nội rằng mẹ nó đâu. Bà nói đã nửa ngày không thấy. Ảnh ngờ một chuyện, liền đi thăm bồ lúa thì thấy trống trơn và bộ đồ của nàng tiên cũng mất tiêu. Bà nội nói mẹ nó đã bán hết lúa. Khi thấy cái lược gài trên cổ áo thằng con, ảnh hiểu nàng tiên đã bỏ mình mà đi.
Từ đó ảnh buồn chi xiết; dắt con trở ra dòng suối chẳng thấy tiên xuống tắm nữa mà thấy tỳ nữ của tiên xuống lấy nước thôi. Nghe khát, ảnh xin họ nước uống, kể họ nghe chuyện mình. Chờ cha kể xong, đứa con bỏ cái lược vô một thùng nước.
Tỳ nữ đem nước về xài cạn thùng thì thấy cái lược trong đó. Chủ của họ, tức là nàng tiên trong chuyện này, hỏi cái lược ở đâu ra, họ nói không biết. Tiên hỏi họ có gặp ai bên dòng suối, họ nói thấy một anh dắt theo đứa nhỏ xin họ nước uống và cho biết anh này lâu nay đang đi tìm vợ nhưng không gặp. Tiên làm phép vô một cái khăn tay, đưa cho tỳ nữ, nói họ trở xuống dòng suối, nếu anh kia còn đó thì nói ảnh đội khăn này lên đầu rồi đi theo họ. Tỳ nữ nghe lời, và dẫn chồng con của tiên trở lên.
Vợ chồng gặp lại, mừng rỡ. Một hồi, chồng hỏi vợ sao nỡ bỏ mình mà đi như vậy, nàng nói:
‘Người phàm kẻ tiên không được ở với nhau hoài, nên em đành đi; nhưng biết mình buồn, em mới đưa mình lên đây cho nguôi. Giờ mình phải về.’
Anh chồng rầu rĩ không muốn xa vợ. Nàng khuyên rằng:
‘Thôi mình về, rồi em sẽ xin phép Bụt cho xuống trần ở với mình; bữa nay thì em không dám, vì em mới về chưa lâu.’
Anh chồng nghe lời. Nàng tiên bảo tỳ nữ để cho ảnh và đứa con ngồi trên một cái trống rồi cột vô dây thừng giòng xuống. Nàng đưa cơm cho con ăn, dặn chồng hễ tới đất thì đánh trống hai lần để tỳ nữ biết mà cắt dây.
Họ khóc, chia tay, và tỳ nữ thả dây. Khi cái trống xuống được nửa chừng thì một bầy quạ bay ngang thấy thằng nhỏ đang ăn cơm làm rớt cơm trên mặt trống, liền xúm vô mổ [làm bật ra tiếng trống]. Nghe tiếng trống, đám tỳ nữ tưởng họ đã tới đất, liền cắt dây, hai cha con rớt xuống biển cái ùm, chết luôn.
Bầy quạ thấy vậy kêu nháo nhác bay đi. Phật Bà nghe tiếng quạ, gọi các tiên tới hỏi, mới biết vì sao anh này chết. Ngài bèn phạt, biến nàng tiên kia thành sao mai, và hai cha con anh nọ thành sao hôm [a]. Mỗi năm, ngày rằm tháng bảy, đám tỳ nữ phải cúng giỗ một lần. Ngày này, bầy quạ phải xếp hàng nối lại thành một cái cầu cho hai vợ chồng và con trai của họ đi qua gặp nhau. Bởi vậy đầu quạ trụi lủi [b].
Nghe nói ngày nay ở đâu đó người ta vẫn cúng ngày giỗ nói trên. Sao mai mọc buổi sáng, sao hôm mọc buổi tối, đó là hai vợ chồng tìm nhau trên trời nhưng không bao giờ thấy nhau. [c]
___________
a. Gọi ‘sao mai’ và ‘sao hôm’ nhưng thực ra đó là hành tinh Venus trong thái dương hệ nhìn thấy ở hai lúc khác nhau mà thôi.
b. Có một số loài chim bị ‘hói đầu’ tự nhiên, thí dụ gà tây (turkey), nhưng chim nói chung, không kể chim con, đều có thể trụi lông đầu vì bị ve (mite) cắn, chẳng hạn.5 Hai loài quạ ở Việt Nam: quạ đen (large-billed crow, Corvus macrorhynchos) và quạ khoang (collared crow, Corvus torquatus), thì không bị ‘hói đầu’ tự nhiên.
Ấu học quỳnh lâm (sách Tàu thời nhà Minh) có chuyện Chức Nữ – Khiên Ngưu mỗi năm được Thiên Đế cho gặp nhau một lần đêm bảy tháng bảy.
c. Landes còn ghi thêm một câu chuyện khác, đại khái kể rằng hai anh em ruột không nhận ra nhau nên lấy nhau và đẻ con, rồi người anh nhận ra em mình và bỏ đi, rốt cuộc, sau khi chết, người chồng biến ra sao Mai, người vợ biến ra sao Hôm, đứa con biến ra sao Đòn Gánh [có lẽ ý nói chòm sao Libra].
52. Thằng Cuội (L’homme de la lune)
Hai anh em làm một cái bè đi rừng đốn củi. Người anh vô chặt cây, người em ở coi bè. Người em thấy trong bụi có một con cọp non, tưởng đâu con chó nên bắt đem cạo lông, tính nấu. Lúc đó, người anh trong rừng ra, thấy biết là cọp, biểu em đem nó vô bụi trả lại không thôi làm cọp mẹ nổi hung thì ngặt.
Người em nghe lời, đem cọp non bỏ lại vô bụi. Người em đi ra thì cọp mẹ về, thấy con nó đã bị cạo lông sạch nhách, chết rồi. Cọp mẹ bứt một mớ lá cây, nhai mấy lá nhả trên mình cọp non, con này sống lại liền, rồi chúng bỏ đi, để lại mớ lá còn dư.
Người anh núp trên cây thấy hết, xuống lượm mớ lá, trở ra bè, không cho người em biết. Trên đường về, họ gặp xác một con chó sình chương nổi phều trên mặt nước. Người anh nhai mấy lá nhả trên mình con chó, chó đứng dậy đi theo họ.
Con chó này khôn lắm. Bữa nọ nó nghe ông già kia nhà giàu khóc than đứa con gái mới chết rồi nói phải chi có ai làm con gái ổng sống lại thì ổng sẽ cho người đó lấy làm vợ và còn cho luôn gia sản. Con chó đi kiếm chủ nó, cắn vạt áo kéo ảnh đi tới nhà ông già. Ảnh cứu sống cô con, được lấy cô này và cả gia sản của ông già.
Ảnh đưa vợ về nhà. Ảnh [lấy nhánh cây thuốc] trồng nên một cây đa, dặn vợ nếu ảnh đi vắng thì nhớ tưới nước cho cây. Tụi kia thấy ảnh có phương thuốc hay thì ganh, nhằm bữa ảnh vắng nhà, chúng bàn nhau giết vợ ảnh để coi ảnh cứu được hay chăng. Ảnh về nhà thấy vợ chết, cứu vợ sống lại dễ ợt. Tụi kia thấy vậy rởn ốc nhưng vẫn muốn thử tài của ảnh lần nữa, lần này giết cô vợ rồi mổ bụng lấy hết bộ đồ lòng đem quăng chỗ khác. Anh chồng về thấy vợ chết mà mất bộ đồ lòng, thì không biết lấy gì thế vô. Ảnh gọi con chó, nói:
‘Tao đã cứu sống mày, bây giờ vợ tao mất bộ đồ lòng mà không biết lấy gì thế vô. Thôi mày nằm xuống, tao lấy bộ đồ lòng của mày nghen.’
Con chó nghe lời chủ, anh này lấy bộ đồ lòng của chó thế vô cho vợ mình. Rồi lấy lá đa nhai nhả trên mình vợ cho sống lại. Bởi vậy [người ta nói] đàn bà có ‘lòng muông dạ chó’ và con chó nghe mọi tiếng dội từ mặt đất trong mình nó dù tiếng nhỏ hay lớn.
Ngày nọ, anh chồng đi vắng, có nhắc vợ tưới nước cho cây. Cô này quên phứt, nhưng thấy chồng về thì nhớ ra liền chạy tới ngồi xổm ngay gốc cây mà đái xuống đất. Cây đa bị trúng chất dơ, [bật gốc] bay đi. Anh chồng vọt chạy theo, quơ rìu ráng chặt mấy nhát [để lấy nhánh trồng lại], nhưng rìu ghim chặt vô gốc cây kéo ảnh bay lên tới mặt trăng cùng với cái cây, mà về sau người ta kêu bằng ‘cây đa thằng Cuội’ [a].
Người ta nói cây đa mọc trên núi. Hàng năm lá đa rơi trôi ra biển cho cá heo nuốt.
Người ta cũng nói: ‘Cứu vật vật trả ơn, cứu nhơn nhơn trả oán.’ [b] Rõ ràng là vậy: anh này cứu con chó thì chó giúp ảnh lấy vợ, nhưng cứu cô vợ thì vợ làm ảnh mất cây đa.
___________
a. Thằng Cuội còn gọi Thằng Cội, là hình người với cây trên mặt trăng. Tiều phu chặt cây trên núi nghe tiếng rìu mình chặt dội lại thì nói đó là tiếng thằng Cuội chặt cây đa. Ấu học quỳnh lâm kể chuyện một người tên Ngô Cang bị đày lên mặt trăng để chặt một cái cây cao năm chục trượng mà hễ chặt vô là cây liền da tức thì.
Dân gian cũng ví nói dối như Cuội. Con nít chơi đêm sáng trăng thì ca: ‘Cuội ơi, xuống đây ta may quần tía, cái áo nọ, cái áo này, nè Cuội!’
Người ta cắt nghĩa cái tên Thằng Cội là vì anh này bị gốc (cội) của cây đa xòe rễ quấn chặt cho tới khi lên tới mặt trăng mới nhả ra.
b. Ta còn gặp motif này trong những chuyện khác.
6.3. Tạo ra con vật
53. Chó, vịt và chim (Le chien, le canard et les oiseaux)
Ban sơ, khi trời đất mới tạo ra những con này con nọ, thì chúng chưa được như bây giờ: con thì thiếu chưn, con thì thiếu cánh. Có ba ông thần Lý Bạch, Hớn Chung Ly, Lữ Đồng Tân, từ trên trời xuống rừng, truyền cho hết thảy muông thú tới ra mắt mấy ổng trong vòng ba ngày, con nào còn thiếu thứ gì thì sẽ được bù cho thứ đó.
Qua ba ngày, mọi việc xong xuôi, thì con vịt với con chó mới biết, vịt mới có một chưn, chó mới có ba chưn. Chúng liền tới nơi đã định, mỗi con xin thêm một chưn, nhưng thần nói chưn cấp hết rồi. Dù vậy, nghe hai con tha thiết nài xin, thần thấy tội nghiệp nên bẻ hai cái chưn bàn làm phép đưa một cái cho vịt và một cái cho chó. Thần dặn vịt: ‘Khi ngủ, con chớ để chưn này chạm đất, nếu dính đồ dơ, chưn biến mất, thì con ráng chịu.’ Thần cũng dặn con chó y vậy, cho nên [ngày nay] vịt co một chưn khi ngủ còn chó nhấc một chưn [khi đái].
Chó với vịt ra về, trên đường, gặp chiền chiện, ốc cau, đỏ nách [a] là ba thứ chim còn thiếu chưn. Chó với vịt giục ba con này đi lẹ gặp thần xin bù thêm chưn. Ban đầu thần không chịu, nhưng rồi cũng chịu, lấy mấy cọng chưn nhang khét lẹt làm chưn cho ba con chim. Chúng nói chưn đó tong teo, sợ gãy.
Thần nói: ‘Đừng sợ. Hễ muốn đậu thì con nhún chưn ba lần coi nó còn chắc rồi đậu, nếu chưn gãy thì thần đổi cho cái khác.’ Bởi vậy, ngày nay, mấy thứ chim này nhún chưn ba lần khi đậu.
__________
a. Landes dẫn Tirant (1848–1899)6 cho biết, ở Nam Kỳ, thời đó, ‘chiền chiện’ là tên gọi 3 loài chim ‘pipit’ (họ Motacillidae): Anthus cervinus, A. richardi, A. rufulus, ‘ốc cau’ là tên gọi 3 loài chim ‘plover’ (họ Charadriidae): Charadrius leschenaultii, C. mongolus, C.dubius, ‘đỏ nách’ là tên gọi 1 loài chim ‘wader’ (họ Glareolidae): Glareola orienlalis [G.maldivarum].
Song le, thời nay không hiểu vì sao mà gọi khác hết trơn: các loài Anthus gọi là ‘manh’, các loài Charadrius gọi là ‘choi choi’, còn ‘đỏ nách’ gọi trại đi là ‘dô nách’.
54. Vì sao có cá heo (L’origine du marsouin)
Nhà kia nghèo có hai con, một trai một gái, đứa trai ở nhà mình, đứa gái ở đợ nhà khác. Gặp loạn, mỗi nhà giạt một nơi, bặt tin. Ngày nọ, cô con đi lấy nước thì gặp anh mình, mà cả hai chẳng nhận ra nhau. Người anh đưa đẩy:
‘Nước trong cái gầu này đẹp ghê hén!’
Cô em nói:
‘Đẹp mà chẳng dành cho anh đâu.’
Người anh sượng mặt, kêu ba má nhờ đi nói người chủ cô kia gả cổ cho mình.
Đám cưới xong, hai vợ chồng ngồi bắt chí, chồng thấy trên đầu vợ có cái thẹo, mới hỏi thì vợ nói hồi nhỏ chơi với anh mình bị ảnh chọi cục đá trúng đầu. Nghe vậy người chồng biết đã lấy [lầm] em ruột làm vợ. Ảnh thấy bậy hết sức, nhưng chẳng ngu gì để lộ ra chuyện này. Ảnh xin ba má sắm một cái ghe để đi buôn [lấy cớ tránh mặt mọi người].
Ảnh lên đường, tới trước nhà vợ chồng con mẹ lường thì thả neo đậu. Chúng mời ảnh vô chơi, tới đêm biểu đầy tớ đem một con rùa bằng vàng bỏ dưới ghe của ảnh. Sáng sau chúng đổ cho ảnh đã lấy trộm con rùa vàng dù ảnh chối bai bải. Mẹ kia nói:
‘Bây giờ mình cuộc cái chơi. Nếu con rùa không có dưới ghe chú em, thì chú lấy hết gia sản của tui, còn nếu có nó ở dưới, thì cái gì của chú là tui lấy hết, vậy nghen?’
Tin chắc mình không lấy, anh này chịu đánh cuộc. Kêu một ông hương trong làng tới làm chứng, xuống lục ghe, thì thấy con rùa vàng, nên con mẹ lường lấy hết chiếc ghe và bắt ảnh làm đầy tớ.
Ba năm trôi qua, cô kia không thấy chồng về. Ngày ngày ra bờ biển chờ, bữa nọ cổ thấy một trái nho bập bều trên mặt nước trôi tới chỗ mình đứng [a], mà hễ cổ đẩy đi thì nó trôi trở lại. Cổ lượm trái nho lên, thấy thơ của chồng mình gởi, nói ảnh đã bị vợ chồng con mẹ lường làm hại. Ảnh nói trong nhà chúng có một con rùa bằng vàng dùng làm mồi để gạt ảnh, với hai con mèo biết đội đèn cầy trên đầu, và một cái cây héo đem trồng vô chỗ đó chỗ đó thì sống lại.
Cô này giấu ba má cái thơ, nhưng xin ba má cho đi tìm chồng. Cổ sắm ghe, đem theo bầy chuột với ông thợ bạc. Rồi tới trước nhà vợ chồng con mẹ lường thả neo đậu. Chúng mời cổ lên bờ; tới đêm đem giấu con rùa vàng dưới ghe của cổ. Sáng sau, chúng đổ cho cổ đã lấy trộm con rùa vàng, cổ chịu đánh cuộc hết tài sản với họ, nhưng khi xuống ghe kiếm thì chẳng thấy con rùa đâu bởi ông thợ bạc đã nấu cho nó chảy ra vàng hết trơn.
Con mẹ lường đòi cuộc nữa, rằng nó sẽ trồng cho cái cây héo sống lại, nhưng không được, bởi cô kia đã lấy hết đất ở chỗ đó đi. Tới phiên mình, cổ đem cây trồng ở chỗ khác mà cổ đã bỏ đất vô, thì cây sống lại.
Con mẹ lường rủ cổ chơi đánh bài thâu đêm và cuộc rằng hai con mèo sẽ đội đèn cầy thắp sáng cho chơi. Cô kia chịu. Cổ giấu bầy chuột trong ống tay áo thùng thình, rồi thả chúng chạy ra, làm hai con mèo [quăng đèn] rượt theo, vậy là mẹ kia chịu thua. Hai vợ chồng con mẹ phải làm đầy tớ cho cô kia, còn tài sản mà chúng đã lấy của ai thì trả lại cho người đó. Cô kia đưa chồng mình với vợ chồng con mẹ lường đi, giữa đường đẩy hai tên này xuống biển. Hai tên biến ra cá heo [b], bởi tiếc của nên nhảy loi choi trên mặt nước. Hễ nó thấy người ta là nó ganh, bơi đua với ghe người ta.
*
**
Xưa có cô kia ở chung ba má. Trong làng có anh học trò nghèo, ngày nào cũng tới nhà cô kia xin cơm. Rồi cổ thương ảnh.
Bữa nọ cổ lấy mấy đĩnh bạc, chờ anh học trò tới đưa cho ảnh, hẹn chờ ảnh thi đậu rồi hai người lấy nhau. Họ giữ lời, anh học trò chịu cực, thi hai ba lần nhưng không đậu. Ảnh bỏ làng đi xa, vừa xin ăn, vừa ráng học. Cô kia biết tin ảnh thi rớt và bỏ làng đi thì cổ thôi luôn, lấy một người nhà giàu bên hàng xóm.
Bảy năm sau, anh học trò nghèo rồi cũng thi đậu; nghĩ rằng cô kia vẫn chờ mình theo lời hẹn, ảnh trở về tính gặp. Nhưng nghe nói cổ đã lấy chồng, ảnh không ra mặt nữa. Cô kia nghe tin anh học trò thi đậu và về gặp mình, thì nghĩ rằng ảnh còn giữ lời hẹn nên cổ bỏ chồng sang nhà anh học trò.
Anh này tiếp cổ như là bạn, nhưng khi biết ý của cổ thì nói:
‘Tui tưởng em tới thăm, chớ nữ nhi ai có hai chồng.’
Cô kia mắc cở mà rằng:
‘Em tưởng anh còn nhớ lời mình hẹn ước, nên mới bỏ chồng sang ở với anh. Giờ em còn mặt mũi nào về ngó chồng, thôi đành chết cho khỏi nhục.’
Nói rồi cổ nhảy xuống nước tự trầm. Sau khi chết, cô kia biến thành con cá heo, hụp xuống trồi lên trong nước: trồi lên thì thấy thẹn với trời, hụp xuống thì thấy thẹn với đất. Nó lăng xăng như vậy chớ không chịu bơi êm như mấy con khác.
*
**
Có con chằn [c] trong núi, ngày ngày vô rừng kiếm thịt nuôi mẹ. Bữa nọ chằn mẹ ở nhà, xảy gặp một ông thầy tu từ phương xa tìm đường sang tây thiên niết bàn bị dạt tới đó. Chằn mẹ nói: ‘Con ta dữ lắm, nó về gặp thầy ở đây là nó nuốt trọng. Thôi núp vô thùng này đi.’
Chằn trở về, hít mũi mấy cái, hỏi mẹ nó có ai tới đây. Mẹ nó nói không, nó chẳng tin, lục ra ông thầy, hỏi thầy tới nhà nó có chuyện chi. Thầy nói đang tìm đường sang tây thiên niết bàn, tới đây bị lạc. Con chằn chạnh lòng, không nuốt ông thầy, mà hỏi thầy vậy chớ Phật cần người ta cái gì [để cho người ta tới đó]. Thầy nói: ‘Trái tim.’
Chằn nghe vậy, banh ngực moi tim nó ra đưa cho ông thầy đem đi dâng Phật. Nhờ có lòng thành, hai mẹ con chằn đều trở thành Phật. Còn ông thầy, đem tim chằn tới bờ biển thì chịu không nổi mùi nó thúi nên quăng xuống biển. Khi thầy tới tây thiên niết bàn, Phật hỏi chẳng có ai nhờ thầy đem cái gì sao, và [khi thầy nói có thì] khuyên thầy trở về kiếm trái tim của chằn.
Thầy quành lại bờ biển, lặn xuống nước, kiếm nát chẳng thấy trái tim. Thầy đâu dám trở về tay không, nên cuối cùng bị biến ra con cá heo, tối ngày trồi lên hụp xuống trong nước [để tìm trái tim].
__________
a. Chi tiết này cũng có trong tuồng hát bội Kim long xich phụng: một ông ngư phủ già trên sông thấy một cái hòm cứ trôi tới gần mình, cuối cùng thấy đám con nhỏ của mình bị bỏ rơi ở trỏng, rồi nuôi chúng lớn mà không nhận ra là con của mình.
b. ‘Cá heo’ ở đây (‘marsouin’ tiếng Pháp, ‘porpoise’ tiếng Anh) là Neophocaena phocaeniodes, một loài thú ở họ Phocoenidae, có dọc bờ biển Việt Nam từ Khánh Hòa trở vô.7
c. Nguyên văn ‘ác lai’, có lẽ ở ‘yak’ mà ra.
55. Con trâu (Le buffle)
Ngọc Hoàng sai một ông thần đem một nắm lúa với một nắm cỏ xuống đất cho con người với con vật làm đồ ăn. Thần vãi hết nắm cỏ ra mọi nơi, nên cỏ mọc dư, còn nắm lúa thì vãi có một nửa mà giữ lấy một nửa. Ngọc Hoàng nổi dóa biến thần ra con trâu cho ổng ăn cỏ. Bị lỗi của ông thần này mà ngày nay trên trái đất cỏ ê hề mà lúa thì hiếm hoi. [a]
*
**
Xưa con trâu có hai hàm răng mà con ngựa có một. Bữa đó hai con được mời ăn cúng cơm, con trâu tới trước ăn xong đi về thì gặp con ngựa tới sau, con này mượn nó hàm răng trên để đi ăn. Con trâu cho mượn, nhưng con ngựa ăn xong không chịu trả.
Ngựa nói trâu: ‘Tao với mày chạy đua. Nếu mày ví kịp tao, tao sẽ trả hàm.’ Con trâu làm sao ví kịp, nên từ đó nó chẳng có cái răng nào ở hàm trên hết.
___________
a. Cái ý ở đây là ông thần bị biến ra con trâu không phải để ăn cỏ thôi, mà còn để cày bừa giúp con người có nhiều lúa hơn thì mới sửa lỗi cho ổng được. Nếu không, thì lúa ắt cũng mọc đầy như cỏ và con người chẳng cần làm công chuyện gì hết.
56. Người đàn bà biến ra con muỗi (La femme métamorphosée en moustique)
Có hai vợ chồng nọ, cô vợ chết trước, anh chồng bỏ thây vô hòm không chôn. Sau bảy tháng, làng bắt chôn, sợ thây để vậy sẽ thành tinh báo hại [a]. Anh chồng mới nói: ‘Vợ chồng tui có hẹn khi chết không chôn mà để vậy chờ sống lại. Nếu làng bắt chôn thì xin giúp tui chặt tre làm một cái bè để tui đưa vợ đi nơi khác, cho làng khỏi sợ tinh.’
Dân làng giúp ảnh đóng bè, khiêng hòm vợ ảnh lên. Bè trôi qua tây thiên niết bàn. Phật hỏi anh kia tới đây làm gì. Ảnh thưa chuyện, Phật nghe chạnh lòng, cho cô vợ sống lại. Phật hỏi cổ còn thương chồng hết, khi nghe cổ nói còn thì dạy anh chồng [cắn ngón tay] lấy máu mình cho vợ nuốt. Ảnh làm theo.
Hai vợ chồng muốn về xứ. Ở niết bàn có một con sấu đã tu chín kiếp, Phật bảo nó đưa hai vợ chồng về. Được nửa đường, sấu nói:
‘Tui đói rồi, bụng nhẹ hểu đi hết nổi, thôi ngồi trên cây này chờ tui về lo cho.’
Rồi nó bỏ hai vợ chồng ở đó, đi kiếm đồ ăn, nhưng nó ăn chay nên không ăn cá mà nuốt đá cuội cho đầy bụng.
Lúc đó hai vợ chồng ngồi ngủ gật trên cây. Có một cái ghe của người Tàu đi ngang, chủ ghe thấy cô kia đẹp bắt đem đi luôn khi anh chồng còn ngủ. Khi con sấu trở về thì cô nọ đã mất dạng. Sấu đập đuôi xuống nước đánh thức anh chồng, hỏi chớ vợ ảnh đâu. Anh này đổ cho con sấu đã nuốt vợ mình, nhưng sấu nói để nó cho coi bằng chứng là nó không làm vậy. Ảnh thọc chưn vô bụng con sấu, thấy đụng mấy cục đá tròn tròn mà thôi. Ảnh mới hỏi nó thấy có ghe nào đi ngang, nó nói thấy ghe của người Tàu, cả hai liền rượt theo chẳng lâu sau thì ví kịp. Nhưng cô vợ kia đứng ở mũi ghe nói qua cho ảnh nghe là cổ đã lấy chủ ghe làm chồng nên ảnh về lấy vợ khác đi.
Anh chồng quay lại kể cho Phật biết. Phật khuyên ảnh lấy lại máu mà ảnh đã cho vợ. Vậy là con sấu đưa anh chồng quành lại chỗ cái ghe, ảnh biểu vợ:
‘Mình không giữ lời hứa, đi lấy chồng khác, thôi trả lại tui mớ máu mình đã nuốt.’
Cô nọ tức thì hộc ra chút xíu máu.
Anh chồng quay lại chỗ Phật, lúc đó trên ghe vợ ảnh đã chết. Tên người Tàu quăng thây cổ xuống biển, cái thây trôi lại niết bàn, ở đó nó bị đức Phật biến thành con muỗi. Bởi vậy [ngày nay] muỗi phải hút máu cho đủ để trả lại số còn thiếu cho người ta. [b]
___________
a. Luật của người An Nam cấm không được để xác chết trong nhà quá ba tháng [mà không chôn]. Quan cũng như dân, ai kỵ phong thủy, hoặc cố ý trì hoãn việc chôn, hoặc để hòm trong nhà cả năm, sẽ bị phạt tám chục trượng. Luật này được cho là giống với luật của người Tàu đương thời.
Ta đã gặp chuyện Bốn con quỷ quan tài ở phần 1, chính là những thây ma đã quàn mà không chịu đem đi chôn
b. Landes cho biết hồ sơ chuyện này còn ghi mấy giòng cuối khó hiểu, đại khái nói rằng con muỗi xin Phật cho nó một cái vòi để đâm lủng da con người nhưng Phật từ chối, còn người thì có năm cái vòi tức là năm ngón tay để đập con muỗi chết.
6.4. Tạo ra cây cối
57. Hột lúa (Grain de riz)
Xưa hột lúa bự như cái tô, cái chén. Người ta khỏi cần làm gì hết, tới kỳ lúa chín thì đốt đèn cầy, cúng vái hai ba ngày, là lúa tự nó vô nhà mình.
Anh kia có vợ làm biếng, biểu đi dọn dẹp nhà cửa đặng cúng, tới khi ảnh sắp vái mà cũng chưa quét xong. Cô vợ đang lom khom thì hột lúa tông vô nhà cái rầm.
Cổ [quơ chổi] dộng cho hột lúa một cái làm nó bể ra từng miếng. Hột lúa nổi hung nói:
‘Từ giờ sắp tới, nếu ai lấy cái cán bằng cây gắn cái lưỡi bằng sắt (tức là cái liềm) mà cắt ta ra thì ta mới về.’
Bởi vậy [ngày nay] người ta phải trồng và gặt lúa, còn hột lúa thì nhỏ xíu.
Nguồn: Tác giả cung cấp bài viết đến thanhdiavietnamhoc.com, năm 2022
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
__________
* ĐỖ NGỌC GIAO, tác giả sinh sống tại Việt Nam (trước năm 1975), làm việc tại Nhà máy Đường (sugar) Việt Nam, Nhật Bản, nay đã về hưu, ham thích nghiên cứu và có viết một số bài chuyên khảo như Bách Việt, Austro Asiatic, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, … Bài viết chuyên khảo “Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3C)” do tác giả viết (năm 2022) và gửi trực tiếp cho Ban Tu Thư – Viện Nghiên cứu Việt Nam học để đăng tải trên các trang web-Hybric do PGS.TS. Sử học Nguyễn Mạnh Hùng sáng lập.
Các bài viết khác của tác giả (Đỗ Ngọc Giao):
1. Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 1)
2. Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 2)
3. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1A)
4. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1B)
5. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2A)
6. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2B)
7. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3A)
8. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3B)
9. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3C)
10. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 4)
11. Phân tách chuyện Tấm Cám theo lý thuyết của Prop (A Proppian analysis of Tam Cam)
12. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần chót)
13. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 1)
14. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 2)
15. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 3)
Download file (PDF): Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3) – Tác giả: Đỗ Ngọc Giao |