Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần chót)

Tác giả bài viết: ĐỖ NGỌC GIAO

11. Thảo luận

     11.1. Xếp loại

     Những chuyện trong cuốn sách của Landes, không kể chuyện cười, có thể chia ra hai lớp: (1) những chuyện đã được ghi nhận trong hệ thống ATU,1 và (2) những chuyện khác.

    11.1.1. Lớp 1

Lớp này có 2 chuyện đã nêu ở phần 4:

1. Anh thợ câu nghèo: ATU 160 Vật trả ơn, nhơn trả oán.

2. Người mua chó, mèo, rắn: ATU 554 Con vật biết ơn.

     Ở một bài khác,2 chúng tôi đã phân tách hình thái của chuyện Tấm Cám và nhận thấy đó là một chuyện của phương Tây:

3. Tấm Cám: ATU 510 Cinderella.

     Ở đây, ta có thể nêu thêm 5 chuyện nữa, dựa theo những chuyện cùng ‘type’ mà chúng tôi mới tìm ra:

4. Ngọc Hoàng và anh nghèo: ATU 460B Đi tìm vận may, cùng type với chuyện dưới.

Chance and the poor man (Hy Lạp).3

     Xưa có anh kia làm hoài vẫn nghèo, muốn đi gặp Thần May xin cho giàu. Trên đường ảnh gặp một cái hồ không có đò, một con cá bự trồi lên hỏi ảnh đi đâu, nghe xong nó chở ảnh qua và nhờ ảnh hỏi Thần May vì sao nó bị đau lưng đã lâu không dứt. Rồi ảnh tới xứ kia, có nhà vua trẻ tuổi dòm tướng mạo y hệt con gái mà đánh trận nào thua trận đó. Ảnh bị lính bắt, vua hỏi ảnh đi đâu, nghe xong cho thả ảnh ra và nhờ ảnh hỏi Thần May vì sao vua chưa bao giờ thắng trận. Rồi ảnh gặp một ông thợ cày trồng cây không bao giờ ra trái, nhờ ảnh hỏi Thần May vì sao như vậy.

     Ảnh tới dinh của Thần May, xin bả giúp. Bả nói ảnh cứ về rồi bả sẽ cho ảnh ba dịp may để làm giàu. Trước khi về, ảnh hỏi chuyện của ông thợ cày trồng cây không bao giờ ra trái. Thần May nói dưới đất có chôn kho báu nên cây không bao giờ ra trái. Chuyện nhà vua, Thần May nói vua này sanh ra là đàn bà thì đánh trận với đàn ông làm sao thắng nổi. Còn con cá thì Thần May nói nó có cái gai trong lưng.

     Lúc về, ảnh kể lời Thần May cho ông thợ cày nghe, rồi phụ với ổng đào lên kho báu dưới đất, ổng muốn chia lại với ảnh nhưng ảnh từ chối. Ảnh gặp nhà vua, kín đáo kể lời Thần May cho nghe, tức thì vua muốn lấy ảnh làm chồng để ảnh làm vua thay mình, nhưng ảnh cũng từ chối. Tới cái hồ, gặp con cá bự, ảnh nhổ cái gai trong lưng nó ra. Để trả ơn, con cá nói dưới hồ có kho báu, nó sẽ mang lên cho ảnh, nhưng ảnh cũng từ chối, mà muốn về nhà cho lẹ đặng chờ ba dịp may mà Thần May hứa đem lại cho ảnh để làm giàu. [Tiếc thay, ảnh đã bỏ qua hết ba dịp may đó!]

5.  Anh em sanh năm: ATU 513A Sáu anh có tài, cùng type với chuyện dưới.

The six servants (Đức).4

     Bà kia có cô con đẹp lắm, ai muốn hỏi cổ làm vợ thì phải làm mấy chuyện khó cho bả, không xong bả giết. Có anh hoàng tử đi hỏỉ con gái bả, trên đường ảnh gặp và kết bạn với sáu anh có tài, đó là Bụng Bự nuốt bao nhiêu cũng hết, Tai Thính nghe bao xa cũng thấu, Chưn Dài bước bao xa cũng tới, Mắt Sắc luôn lấy vải che mắt bởi hễ ngó cái gì thì cái nấy bể tan, Kỳ Cục thì hễ bên ngoài càng nóng là ảnh thấy càng lạnh mà hễ bên ngoài càng lạnh là ảnh thấy càng nóng, Cổ Dài dòm bao xa cũng thấy.

     Tới nơi, bà kia giao làm chuyện thứ nhứt là lấy cái nhẫn của bả bỏ dưới đáy Biển Đỏ (Red Sea) lên. Hoàng tử nhờ đám bạn giúp. Cổ Dài dòm thấy cái nhẫn trên một cục đá dưới đáy biển, Bụng Bự húp sạch nước biển, Chưn Dài khom xuống đáy biển lượm nhẫn lên.

     Bà kia giao làm chuyện thứ hai là ăn hết ba trăm con bò, không chừa thứ gì kể cả thịt, xương, sừng, da, và uống hết ba trăm lu rượu, không chừa một giọt. Hoàng tử muốn mời một người, bả cho. Vậy là Bụng Bự ních sạch.

     Bà kia giao làm chuyện thứ ba, khó hơn hết, đó là hoàng tử phải ngồi trong buồng, ôm cô con của bả bằng một tay, từ chiều tới mười hai giờ đêm, sao cho cô đó không bị đem ra khỏi buồng. Hoàng tử nhờ Chưn Dài cuộn quanh người của ảnh với cô kia, và nhờ Bụng Bự nằm chặn cửa buồng. Tới mười một giờ đêm, bà kia bỏ bùa mê vô buồng làm cả đám chết giấc, rồi đem cô con đi giấu ở một chỗ kín.

     Mười một giờ bốn mươi lăm, hoàng tử và hai bạn mới tỉnh dậy, vội cho Tai Thính nghe ngóng thì biết bà kia đã để cô con trong một cái động cách đó ba trăm dặm. Chưn Dài liền cõng Mắt Sắc tới đó, anh này gỡ vải che mắt ngó một cái tức thì động bể tan, Chưn Dài vớt cô kia đem về. Vô tới buồng, lúc đó đồng hồ kêu mười hai tiếng. Bà kia vô buồng, tưởng đâu con mình còn ở trong động đá, ai dè thấy hoàng tử vẫn đang ôm nó. Bả đành chịu thua, gả con cho ảnh, nói thầm điều gì vô tai cô con.

     Cô này nói hoàng tử đã làm ba chuyện nhưng phải làm thêm một chuyện nữa thì cổ mới chịu làm vợ ảnh. Đó là đốt cháy ba trăm bó củi, nếu có ai trong đám của hoàng tử ngồi vô đống lửa ba ngày mà không hề hấn gì thì cổ mới chịu làm vợ hoàng tử. Cô ta tưởng đâu không ai dám ngồi, để hoàng tử ngồi thì ảnh sẽ chết, ai dè Kỳ Cục dám ngồi, vì ở trong lửa ảnh thấy lạnh chớ chẳng nóng. Vậy là cô kia chịu làm đám cưới.

     Nhưng khi đám cưới chưa đi tới nhà thờ, bà kia sai một đám lâu la chạy tới tính giựt cô con về, Bụng Bự liền phun một đống nước Biển Đỏ mà ảnh đã uống ra, thành một cái hồ sâu làm đám kia chết chìm. Nghe báo vậy, bà kia sai một đám khác lên ngựa chạy tới, nhưng Tai Thính nghe được, biểu Mắt Sắc ngó một cái làm cả đám bể tan như ly chén. Cô kia đành chịu làm vợ hoàng tử. Sáu anh tài từ biệt ra đi.

     Hoàng tử đưa vợ tới làng kia cách đó nửa dặm, thấy một ông già đang chăn bầy heo, liền xuống xe nói với ổng gì đó, rồi quày lại biểu vợ rằng ảnh là con của ông chăn heo. Hai người về nhà ông kia ở, hoàng tử bắt cô này ăn ở và chăn heo y như người nhà của ổng. Sáu ngày sau, cô vợ chịu cực hết xiết, thì hoàng tử mới nói thiệt cho cổ biết ảnh làm vậy là muốn cho cổ chừa cái tánh hung đi.

6. Cô vợ bị vu oan: ATU 882 Thử lòng vợ, cùng type với chuyện dưới.

Wormwood (Ý).5

     Ông vua Trời Đánh rầu rĩ vì không con trai, nói vợ nếu đẻ con gái nữa sẽ giết. Ai dè đẻ con gái, vợ vua sợ chồng giết con nên nói bà vú đem bỏ vô rừng. Đứa nhỏ được ông kia cứu sống, đặt tên là Mọt. Lớn lên, Mọt được ông vua Thánh Đâm lấy làm vợ.

     Bữa đó có kẻ thách vua Thánh Đâm cá cuộc rằng trong vòng một tháng y sẽ ngủ với vợ vua. Vua chịu. Tên này tìm tới dinh vua thăm dò thì thấy cửa sổ ở phòng Mọt lúc nào cũng đóng kín. Y kiếm một mụ ăn xin kể chuyện rồi trả tiền nhờ giúp. Mụ kia tìm cách vô gặp Mọt, nói là bà con tới chơi mấy ngày. Mọt tin lời, cho ở trong dinh. Đêm đó mụ kia lén vô buồng khi Mọt đang ngủ, dòm thấy trên bả vai bên trái của cổ có mụn ruồi son, liền lấy kéo hớt chùm lông ở mụn ruồi đó, sáng sau đưa cho tên kia, còn nói y biết hết dấu vết trên người Mọt.

     Tới hạn, tên kia gặp vua Thánh Đâm, kể lại đầy đủ dấu vết trên người Mọt, đưa chùm lông ra làm chứng. Ông vua Thánh Đâm chịu thua, về đuổi Mọt ra đồng. Mọt được vợ chồng thầy lang cứu, cho làm con ở. Bữa nọ vợ chồng thầy lang đem thằng ở tên Ali đi công chuyện, để cổ ở nhà với đứa con nhỏ. Ali lâu nay không ưa Mọt. Đi được nửa đường, Ali giả bộ quên đem đồ ăn, quày về nhà thấy cả hai đang ngủ liền giết đứa nhỏ. Thức dậy, thấy vậy, Mọt chạy đi cầu cứu, vô nhà kia, té xỉu.

     Ông vua Trời Đánh sau khi nghe vợ kể chuyện thì hối ngộ, đi tìm con, tới cái nhà mà Mọt đang nằm. Ông vua Thánh Đâm sau khi đuổi vợ thì nghi ngờ, đi tìm vợ, cũng tới cái nhà mà Mọt đang nằm. Vợ chồng thầy lang về, thấy con chết, ngờ cho Mọt nên thầy lang với Ali đi tìm cổ tính giết, cũng tới cái nhà mà Mọt đang nằm. Sau hết, nhờ cái đèn trong nhà lên tiếng kể lại đầu đuôi câu chuyện cô Mọt cho nghe thì mọi người mới hiểu ra, xử tội Ali, đưa Mọt về cung.

7. Thầy cứu trò: ATU 910B Nghe lời thầy khuyên, cùng type với chuyện dưới.

The tale of Ivan (Anh).6

     Ivan làm thuê cho chủ trại, mỗi năm tiền công 3 pound. Năm đầu, chủ không trả tiền, mà thay bằng một lời khuyên:

Đi đường cũ, chớ đi đường mới.’

     Năm kế cũng vậy, chủ khuyên:

Đừng ở nhà nào chồng già vợ trẻ.’

     Năm thứ ba, chủ khuyên:

Thiệt thà là trên hết.

     Thấy chủ không trả tiền, Ivan thôi không làm nữa mà đòi về nhà, vợ thầy gởi cái bánh Ivan đem về cho vợ, thầy dặn khi nào thiệt vui mới ăn.

     Trên đường về, Ivan gặp ba anh bạn rủ đi chung, nhưng ảnh theo đường cũ còn ba bạn theo đường mới thì bị bọn cướp lấy sạch túi. Tới chợ họ gặp lại nhau, ba anh kia rủ Ivan vô trọ chung nhưng khi Ivan thấy cô chủ nhà trọ trẻ đẹp mà có ông chồng già chát thì không trọ nhà đó mà qua nhà kế bên. Ai dè đêm đó cô chủ nhà kia đã hẹn một tên tới phụ giết chồng mình, nửa đêm Ivan ở nhà bên đây thấy đèn nhà bên đó chiếu qua cái lỗ trên vách giữa hai nhà, mới rình coi thì nghe tên kia nói:

Để tui đứng che cái lỗ này lại, không thôi có ai bên nhà kia thấy.’

     Rồi cô nọ giết chồng. Ivan thọc con dao qua lỗ vách khoét một miếng trên áo tên nọ. Sáng sau cô chủ nhà kia kêu hàng xóm tới, đổ tội cho đám bạn của Ivan. Ivan qua kể lại đầu đuôi câu chuyện, đưa ra miếng áo của tên nọ làm chứng, tức thì họ bắt hai kẻ kia đem đi xử tội.

     Ivan về gặp vợ, nghe vợ kể mới lượm được một cái ví đựng vàng không ghi tên nhưng ắt là của ông chủ nhà kia. Ivan nhớ lời thầy khuyên lần thứ ba, biểu vợ qua nhà ông kia trả nhưng không gặp ổng nên đưa cái ví cho anh mở cổng. Sau đó ông kia qua chơi, vợ Ivan kể chuyện cái ví rồi hỏi ổng nhận chưa. Ổng nói không biết, mời qua nhà, hai vợ chồng chỉ anh mở cổng, tức thì anh đó thú nhận. Chủ nhà thấy Ivan thiệt thà nên đuổi anh kia đi, nhận Ivan vô làm. Về nhà, mừng rơn, Ivan đem cái bánh của thầy cho ra bẻ ăn thì thấy số tiền công ba năm của mình ở trỏng.

8. Năm ông thầy chùa bị chết: ATU 1536B Ba anh gù bị chết, cùng type với chuyện dưới.

The baker and Jack the fool (Anh).7

     Ba tên đi hoang xin vô tiệm bánh qua đêm. Chủ tiệm nói họ phải đi ra trước sáu giờ sáng. Ba tên bò vô lò nướng, ngủ say quên dậy. Thằng con chủ tiệm không biết nên đốt lò, làm ba tên chết nghẹt. Chủ tiệm biết tội, muốn giấu ba cái xác. Ổng nhét vô bao, đưa một bao cho anh khờ tên Jack trong làng, nhờ quăng xác xuống sông, trả một shilling. Jack làm xong, về đòi tiền. Chủ tiệm nói người chết đã quày lại. Đưa cái bao thứ hai. Jack quăng xuống sông, về đòi tiền. Chủ tiệm đưa cái bao thứ ba. Jack không tin. Để cho chắc, Jack mở bao ra coi, chặt đứt một chưn của cái xác, quăng xuống sông. Lúc về, Jack gặp một người đi chưn gỗ, vác bao trên vai, nhờ ảnh chỉ đường tới nhà máy xay. Jack nói: ‘Đừng hòng,’ rồi ôm người đó quăng xuống sông, về kể cho chủ tiệm bánh nghe. Vậy là bốn người bị chết do ông chủ tiệm.

     11.1.1. Lớp 2

Gồm nhiều chuyện ngắn, mỗi chuyện có một/nhiều motif.

     Những motif hay gặp

     Gồm hai nhóm: E ‘người chết’ và F ‘những điều dị thường’; nói cách khác, người Việt thích nghe kể chuyện ma (nhóm E) và chuyện tinh (nhóm F). Điều đó chẳng có chi khó hiểu, vì ma và tinh là những motif mà xưa nay dân gian mọi nơi trên thế giới đều ưa chuộng. Dù vậy, ở Việt Nam (‘VN’) không có nhiều thứ ma và tinh như ở phương Tây, nơi có những motif nổi tiếng thí dụ:

nhóm E            E251 ma cà rồng (vampire), E280 ma ám lâu đài, E501 ma đi săn,…

nhóm F            F200 fairy/elf, F451 dwarf, F455 troll, F531 giant, F535 pygmy,…

     Bởi ma và tinh là hai thứ ‘dễ sợ mà dễ thương’ nên ta cũng hay gặp chúng trong văn chương VN, thí dụ một số tác giả như sau, theo thứ tự thời gian:

– Nguyễn Tự (thế kỷ 16): Truyền kỳ Mạn lục.

– Lan Khai (1906–1945): Ma thuồng luồng.

– Nguyễn Tuân (1910–1987): Khoa thi cuối cùng.

– Thanh Tịnh (1911–1988): Làng.

– Vũ Bằng (1913–1984): Bóng ma nhà Mệ Hoát.

– Bùi Hiển (1919–2009)): Một trận bão cuối năm.

– Hồ Trường An (1938–2020): Bãi gió cồn trăng.

     Những motif ít gặp

A. Tạo thiên lập địa

B. Loài vật

J. Khôn dại

N. Vận mạng

Q. Thưởng phạt

     Những motif chưa phân loại

     Có vài motif chưa được ghi nhận trong hệ thống phân loại của Thompson, thí dụ ‘thầy chùa’ (tiếng dân gian gọi người tu trong chùa), ở chuyện Hòa thượng tự thiêu (Un bonze se brule vivant) dưới đây chẳng hạn.

     Ở tỉnh Nghệ An có núi Hồng Lãnh giáp ranh ba huyện Thạch Hà, Nghi Xuân, Thiên Lộc. Núi có chín mươi chín đỉnh, trên đó là chín mươi chín xóm với chín mươi chín chùa, mà cao hơn hết là chùa Thiên Tượng. Có vị Đại lão Hòa thượng [tên tục là] Nguyễn Đăng Quang, đã tu ở đó hơn năm chục năm. Dưới trào Minh Mạng, hòa thượng được chín mươi chín tuổi. Mấy năm gần đây, sắp thành Phật, ngài dùng trái cây với trà thôi. Ngài bảo đạo hữu lo sẵn củi, nhang, dầu, để dựng dàn hỏa. Khi ngài đúng chín mươi chín tuổi, họ dựng dàn cao mười thước, bên trên có một cái bàn. Ngài ngồi đó, gõ mõ tụng kinh, bên dưới chư tăng cũng tụng, nguyện cho ngài nhập niết bàn. Trước khi thiêu, họ làm lễ cúng chư Phật mười phương suốt bảy ngày bảy đêm. Ngày thứ bảy, bắt đầu thiêu, tiếng tụng kinh trong đống lửa nghe nhỏ dần. Xác ngài mang trở vô chùa, nhưng cháy hết, còn lại bàn tay cầm cái dùi mà thôi. Vậy là người ta biết ngài đã nhập niết bàn.

     11.2. Nguồn gốc

     11.1.1. Lớp 1

     Nói chung, những chuyện ở lớp này ắt là nảy ra ở châu Âu, thí dụ ATU 554 Con vật biết ơn nảy ra ở vùng Nam Âu rồi lan đi khắp nơi (hình dưới); song le, làm sao mà những chuyện đó lan tới VN thì ta chưa rõ.

(Bortolini et al8)

     11.1.2. Lớp 2

     Những chuyện ma (nhóm motif E) và tinh (nhóm motif F) thì hẳn là do người bổn xứ đặt ra. Và bởi vì đôi ba chuyện có nhắc tới kinh Dịch và địa lý, vốn là văn hóa của người Tàu, nên ta cho rằng những chuyện đó là do giới nho sỹ đặt ra, rồi lan truyền trong dân gian.

     Những chuyện với motif ít gặp, thí dụ ‘cây gậy của bà chằn bị lấy trộm’ (nhóm D), thì có lẽ từ phương Tây đưa sang.

     11.3. Nhận xét

     Có vài chuyện kể khác với version phổ thông, thí dụ Người vô tội mắc oan (Innocence calomniée).

     Trong chuyện, vai chánh tên Thị Mầu, không có vai nào tên Thị Kính. Mầu tu chùa Tây Sơn (không rõ ở tỉnh nào), chết ba ngày, xác chưa hư. Khi dân làng nghe thằng con sáu tuổi khóc la, tới hỏi, thì sư trụ trì nói Hộ Pháp dạy rằng Mầu là gái giả trai [nên không thể nào là cha của thằng nhỏ mà là một người vô tội mắc oan].

     Cũng có vài truyền thuyết kể khác với sách sử, thí dụ Chuyện một vị hoàng tử nhà Mạc (Histoire d’un prince de la famille Mac).

     Chuyện kể nhà họ Mạc có hết thảy 18 người con cả trai và gái, Mạc Đăng Dung anh cả, [Mạc Đăng] Ninh em út. Ninh tài trí hơn hẳn Dung, góp công lớn cho sự nghiệp của Dung, nhưng bị Dung ghen ghét, cho giết mấy lần mà không chết, sau hết Ninh biết khó sống với Dung nên đành tự tử. Ninh là người giết anh chèo ở bến đò thành Rum (Nghệ An) rồi cho chôn vô cuộc đất tốt trên núi Hồng Lãnh (Hà Tĩnh), nhờ vậy sau này dòng giõi của ảnh mới đẻ ra Ngụy Khắc Đản (1817–1873), người Hà Tĩnh, danh sỹ dưới trào vua Tự Đức, từng theo phái đoàn của Phan Thanh Giản (1796–1867) sang Pháp thương thuyết.

     Chuyện bà Thị Phú (Histoire de Thi Phu) kể rằng ở làng Trảo Nha, tỉnh Hà Tịnh, có bà già sáu chục tuổi tên Châu thị Phú, coi nhà quán ở chùa Thiên Tượng trên núi Hồng Lãnh. Một ông già nói tiếng như người Tàu tới quán gặp bà, sáu tháng sau tới gặp bà lần nữa thì chết trong quán. Bà đẻ ra thằng con theo motif ‘thọ thai dị thường’. Thằng nhỏ lớn lên thông minh hiếm có, được sư trụ trì đặt tên Ngô Thì Bửu – ‘Ngô’ là ‘Tàu’, ‘Bửu’ là ‘quý’ – đậu ba khoa thi liền. Người đó được cho là ông tổ của Ngô Thì Sỹ (1726–1780), danh sỹ thời chúa Trịnh, và Ngô Thì Nhậm (1746–1803), quân sư của vua Quang Trung.

     Tóm lại, cuốn sách của Landes là một tài liệu có giá trị.

___________
1. Đỗ Ngọc Giao (2021). Rồng từ biển Đen tới đất Việt.
http://thanhdiavietnamhoc.com/rong-tu-bien-den-toi-dat-viet/

2. Đỗ Ngọc Giao (2021). Phân tách chuyện Tấm Cám theo lý thuyết của Propp.
http://thanhdiavietnamhoc.com/phan-tach-chuyen-tam-cam-theo-ly-thuyet-cua-prop-a-proppian-analysis-of-tam-cam/

3. Folktales of Greece, ed Georgios A. Megas, trans Helen Colaclides (1970).

4. German popular tales and household stories, Brothers Grimm, vol II (1853).

5. Italian folktales, retold Italo Calvino (1956), trans George Martin.

6. Celtic folk and fairy tales, ed Joseph Jacobs, trans John D. Batten.

7. A dictionary of British folk-tales in the English languages, incorporating the F. J. Norton collection. Katharine M. Briggs (1970).

8. Eugenio Bortolini, Luca Pagani, Enrico R. Crema, Stefania Sarno, Chiara Barbieri, Alessio Boattini, Marco Sazzini, Sara Graça da Silva, Gessica Martini, Mait Metspalu, Davide Pettener, Donata Luiselli, Jamshid J. Tehrani (2017) Inferring patterns of folktale diffusion using genomic data.

Nguồn: Tác giả cung cấp bài viết đến thanhdiavietnamhoc.com, 30/5/2022

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

__________
ĐỖ NGỌC GIAO, tác giả sinh sống tại Việt Nam (trước năm 1975), làm việc tại Nhà máy Đường (sugar) Việt Nam, Nhật Bản, nay đã về hưu, ham thích nghiên cứu và có viết một số bài chuyên khảo như Bách Việt, Austro Asiatic, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, … Bài viết chuyên khảo “Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần chót)” do tác giả viết (ngày 30/5/2022) và gửi trực tiếp cho Ban Tu Thư – Viện Nghiên cứu Việt Nam học để đăng tải trên các trang web-Hybric do PGS.TS. Sử học Nguyễn Mạnh Hùng sáng lập.

     Các bài viết khác của tác giả (Đỗ Ngọc Giao):

1. Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 1)

2. Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 2)

3. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1A)

4. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1B)

5. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2A)

6. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2B)

7. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3A)

8. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3B)

9. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3C)

10. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 4)

11. Phân tách chuyện Tấm Cám theo lý thuyết của Prop (A Proppian analysis of Tam Cam)

12. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần chót)

13. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 1)

14. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 2)

15. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 3)

Download file (PDF): Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần chót) – Tác giả: Đỗ Ngọc Giao)