Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 1)
Tác giả bài viết: ĐỖ NGỌC GIAO
‘Con giáp’ (zodiac animals) là những con vật mà dân gian ở một số nơi gắn với mười hai năm, với niềm tin rằng ai đẻ ra trong năm con trâu thì có tánh thiệt thà (honest), cần cù (diligent), đáng tin (dependable), nhẫn nại (patient), persevering (bền bỉ), nghĩ sâu (deep thinkers), bướng bỉnh (stubborn), và hợp với màu đen, chẳng hạn.1
Bảng dưới là ba nơi có xài 12 con giáp.
STT | Trung Hoa | Việt Nam | Turkiye2 | Năm (lịch Tây) |
1 | chuột | chuột | chuột | 1900 |
2 | bò | trâu | trâu /bò | 1901 |
3 | cọp | cọp | cọp/beo | 1902 |
4 | thỏ | thỏ/mèo | thỏ | 1903 |
5 | rồng | rồng | cá/rồng | 1904 |
6 | rắn | rắn | rắn | 1905 |
7 | ngựa | ngựa | ngựa | 1906 |
8 | dê | dê | dê | 1907 |
9 | khỉ | khỉ | khỉ | 1908 |
10 | gà | gà | gà | 1909 |
11 | chó | chó | chó | 1910 |
12 | heo | heo | heo | 1911 |
Ta nhận thấy những con giáp ở cả ba nơi đều gắn với những năm giống nhau trong lịch Tây (Gregorian calendar), mặc dù cả ba nơi đã xài 12 con giáp trước khi họ biết lịch Tây và họ biết lịch Tây ở những thời điểm khác nhau :
– Việt Nam: chưa rõ năm nào, nhưng năm 1869 đã có cuốn Lịch An Nam thuộc về sáu tỉnh Nam Kỳ, tuế Kỷ Tỵ (năm 1869) in bằng chữ Pháp, chữ Quốc ngữ và chữ Tàu;
– Trung Hoa: năm 1912;
– Turkiye (Thổ Nhĩ Kỳ): năm 1926.
Điều đó cho thấy rằng dường như mọi nơi đều xài chung một hệ thống con giáp mà ban đầu nảy ra ở một nơi nào đó (?), rồi về sau lan tới những nơi khác; chớ không phải mỗi nơi tự đặt ra một hệ thống con giáp riêng.
Đó sẽ là chủ đề mà ta tìm hiểu trong loạt bài này, nhưng trước hết xin nhắc qua đôi ba mẩu chuyện cũ có liên quan, nẩy ra trong quãng chục năm trở lại đây.
1. Chuyện cũ
1.1. Địa chi cũng là con giáp?
Mười ‘can’ Giáp, Ất, Bính, Đinh, … và mười hai ‘chi’ Tý, Sửu, Dần, Mẹo, … đã thấy khắc trên xương thú và mai rùa bằng một thứ chữ xưa (‘giáp cốt văn’) của nhóm người nào đó ở Đông bắc Á lối 1200 TCN (BCE), để dùng làm tên gọi 60 ngày, lần lượt từ Giáp-Tý cho tới Quý-Hợi.3 Tất nhiên nhóm người đó không phải là người Tàu, vì lúc đó chưa có cái gì gọi là ‘Tàu’ hết. Về sau, theo Thuyết ‘Ngũ hành’ của người Tàu, thì 12 chi được gắn với 12 vị trí trên bầu trời mà mặt trời lần lượt đi qua trong 12 giờ mỗi ngày, bởi vậy giờ Mẹo (5:00–7:00 AM) là giờ mà mặt trời đang ở vị trí ‘Mẹo’ tức là hướng chánh Đông, thí dụ như vậy.
Tới thời trào Hán, lối 200 TCN (BCE), người Tàu dùng 60 can-chi làm tên gọi 60 năm, 4 và lấy 12 con giáp gắn với 12 chi: Tý-chuột, Sửu-bò, Dần-cọp, Mẹo-thỏ, Thìn-rồng, Tỵ-rắn, Ngọ-ngựa, Mùi-dê, Thân-khỉ, Dậu-gà, Tuất-chó và Hợi-heo.5 Họ lấy ở đâu ra 12 con giáp, rồi gắn 12 con giáp với 12 chi theo mối liên quan ra sao, thì ta không thấy tài liệu nào nói.
Trong giới khảo cứu người Việt, có An Chi (viết tắt ‘AC’) cho rằng giữa 12 chi với 12 con giáp có mối liên quan theo nghĩa (semantic relation), và nêu lên mấy ý như sau :6
1. Tỵ có nghĩa là rắn.
2. Hợi có nghĩa là heo.
3. Thìn có nghĩa là sấm,
Thần sấm là rồng (dựa theo niềm tin của người Tàu), nên Thìn có nghĩa là rồng.
4. Dần có nghĩa là chằn, chằn là cọp, nên Dần có nghĩa là cọp.
Ở những ý 1-2-3 nêu trên, AC dựa theo Thuyết văn giải tự của Hứa Thận, học giả thời trào Hán. Song le, chúng tôi cho rằng Thuyết văn giải tự không phải là nơi để đi tìm cái nghĩa của 12 chi, bởi vì tài liệu đó không phải là một cuốn tự điển.7
Dù vậy, chúng tôi cũng đọc lại tài liệu đó để ‘fact-check’ AC, và rồi nhận thấy cả ba ý 1-2-3 đều sai, như trình bày dưới đây.
(1) Tỵ
Hứa Thận giải thích chữ Tỵ bằng đoạn văn này : 8
ý nói rằng :8
Tỵ là làm rồi. Tháng tư, dương khí hiện rồi, mà âm khí khuất rồi. Vạn vật rành rành, cái nào ra cái nấy, bởi vậy chữ này lấy hình con rắn để nói ý đó.
(Chữ ‘Tỵ’ 巳 có một cái hình vuông tượng trưng cho dương khí và một cái xà ngoéo tượng trưng cho âm khí.)
Rõ ràng đoạn văn đó không hề nói Tỵ có nghĩa là ‘con rắn’.
(2) Hợi
Hứa Thận giải thích chữ Hợi bằng đoạn văn này :8
ý nói rằng :8
Theo cái nghĩa và cách đọc thì Hợi có liên quan với Cai, nghĩa là ‘rễ cỏ’ (vì dương khí ở bên dưới*). Tháng mười, dương khí nhẹ bốc lên gặp âm khí thạnh. Chữ này theo chữ Thượng trong cổ văn, với hai nét, nghĩa là ‘ở trên’ (vì âm khí ở trên*). Chữ có hai hình, là một người nữ và một người nam (để làm tròn cái đạo kiền khôn*). Chữ cũng có nét 乙 mô tả hình một đứa nhỏ cười ngặt nghẽo. Tả Truyện nói chữ Hợi gồm hai nét trên là hai cái đầu và sáu nét dưới là sáu cái mình. Cổ văn dùng chữ Thỉ, nghĩa là heo, cho Hợi. Ở tại Hợi và sanh con, tức là hết thảy từ một mà ra.
(*: lời chú của Đoàn Ngọc Tài, học giả thời trào Thanh)
Rõ ràng đoạn văn đó không hề nói Hợi có nghĩa là ‘con heo’. Đoạn văn đó cho biết :
+ mối liên quan giữa chữ Hợi 亥 với những chữ Cai 荄 (rễ cỏ), Thượng 上 (ở trên), Hài 咳 (cười ngặt nghẽo);
+ chữ Hợi nhìn giống chữ Thỉ 豕 (heo) nhưng đó vẫn là hai chữ khác nhau;
+ chữ Hợi nhìn giống như chữ Nữ 女 ghép với chữ Nhơn 人 mà được hiểu là một nữ với một nam lấy nhau để sanh con.
(3) Thìn
Hứa Thận giải thích chữ Thìn bằng đoạn văn này :8
ý nói rằng :8
Theo cái nghĩa và cách đọc thì Thìn có liên quan với Chấn, nghĩa là ‘động’. Tháng ba, dương khí chuyển, sét đánh, với người là lúc làm nông. Chữ này có hai nét 乙 và 匕, tượng hình ngọn cỏ đội đất nhú lên. Đọc như chữ Hán. Cũng là chòm sao Phòng, là thời gian.
Rõ ràng đoạn văn đó không hề nói Thìn có nghĩa là ‘sấm’. Đoạn văn đó cho biết mối liên quan giữa chữ Thìn 辰 với những chữ Chấn 震 (động), Chấn 振 (đánh), Hán 厂 (vách núi), Phòng 房 (tên một chòm sao).
(4) Dần
Ý này cũng sai, bởi vì:
+ không có tự điển tiếng Việt nào cắt nghĩa Dần là chằn;
+ người Việt chẳng ai hiểu chằn là cọp hết.
‘Chằn’ được hiểu như sau:
+ ‘Bà chằn’ là tên gọi chung những thứ ‘yêu’ cái, ác độc, mà khó định nghĩa chính xác. Chúng ở trong rừng, trên cây hoặc trong động, ăn thịt muông, thịt người. Hình dạng khổng lồ, dễ sợ, lông lá, tóc cháy nâu, mặt sọc dưa, miệng có nanh như heo rừng. Người ta hay e dè khi nhắc tên ‘Bà chằn’. Ngoài ra, có một thứ ốc mình trần trụi kêu là ‘ốc bà chằn’ [Limax spp].9
+ ‘Chằn’ (yeak/yak) trong văn hóa người Khmer được thể hiện dưới dạng một người khổng lồ với khuôn mặt rất dữ tợn: mắt lồi, mày xếch, miệng rộng, mũi to, hai răng nanh dài nhọn; thân mặc giáp trụ, đầu đội mũ nhọn, tay cầm gậy, hai chân hơi khuỳnh ra.10
(5) Tám chi còn lại
AC chẳng đưa ra ý gì để giải thích mối liên quan theo nghĩa giữa 8 chi còn lại với 8 con giáp tương ứng.
Xin nhắc lại rằng tự điển của người Tàu,11 và các tự điển Hán-Việt,12 đều không cắt nghĩa 12 chi là những con vật nào hết.
Tới đây, chúng tôi xin nêu thêm một số ý khác cắt nghĩa 12 chi, thí dụ như sau.
1. Mười can là những giai đoạn phát triển của hột cây lúa mạch (barley) từ khi nẩy mầm tới khi lúa chín, mười hai chi là những giai đoạn từ khi một đứa nhỏ tượng hình trong bào thai tới khi nó lớn lên trong gia đình. Can có liên quan tới tục thờ mặt trời, chi có liên quan tới tục thờ mặt trăng.13
2. Mười hai chi là những ‘phase’ của mặt trăng từ non tới già.14
1.2. Địa chi là ‘tiếng Việt cổ’?
Trong giới khảo cứu người Việt, có Nguyễn Cung Thông (viết tắt ‘NCT’) đặt ra giả thiết rằng những chữ ‘giáp cốt văn’ viết 12 chi là cách ghi lại tên gọi các con vật trong ‘tiếng Việt cổ’, nói cách khác: nhóm người nghĩ ra 12 chi (xin nhắc lại rằng nhóm đó không phải người Tàu) đã không biết gọi 12 chi là gì nên đành mượn tên các con vật của nhóm nói ‘tiếng Việt cổ’ để gọi 12 chi.15 Tiếc thay! NCT không cắt nghĩa ‘tiếng Việt cổ’ là gì, mà vẫn miệt mài đi ‘test’ giả thiết đó.
Vậy ‘tiếng Việt cổ’ có thể là gì?
Hai hình dưới, vẽ lại theo Sidwell,16 cho biết tiếng Việt ở nhánh Việt-Mường trong nhóm Vietic.
Tùy theo cách hiểu, ta sẽ có ‘tiếng Việt cổ’ là proto-Vietic hoặc proto-Việt-Mường. Ngoài ra, ‘tiếng Việt cổ’ cũng có thể hiểu là một thứ tiếng nảy ra ở giai đoạn đầu tiên của quá trình pha trộn tiếng proto-Việt-Mường với một thứ tiếng Sinitic ở miền Bắc Việt Nam, trong quãng những năm 1000 hồi đầu trào Lý, mà nay là tiếng Việt ta đang nói (Phan 17).
Vậy có ba thứ có thể gọi là ‘tiếng Việt cổ’, nảy ra ở những thời điểm phỏng chừng như sau, từ mới nhứt cho tới xưa nhứt :
1. proto-Việt-Mường lai Sinitic: năm 1000.17
2. proto-Việt-Mường: năm 500 (hình trên).
3. proto-Vietic: năm 500 TCN (BCE) (hình trên), hoặc 300 TCN (BCE).
Dựa theo cách mà NCT dùng từ ngữ để test giả thiết của ông, chúng tôi hiểu ‘tiếng Việt cổ’ ở đây là proto-Vietic. Và ta có :
1. proto-Vietic: 500–300 TCN (BCE);
2. chữ viết can-chi: 1200 TCN (BCE);
3. ý tưởngcan-chi: 1300 TCN (BCE);
4. khoảng cách giữa ‘1’ và ‘3’:800–1000 năm.
Với khoảng cách 800–1000 năm (chưa tính 1700km theo đường chim bay), thì không có cách chi để nhóm người nghĩ ra 12 chi hồi 1300 TCN (BCE) tiếp xúc với nhóm người nói tiếng ‘Việt cổ’ proto-Vietic ở Đông bắc Á để mượn được từ ngữ của họ .
Nói cách khác, giả thiết của NCT đã sai ngay từ đầu.
Ở trên, chúng tôi có nói ‘tiếc thay…’ – đó là tiếc cho NCT đã mất công đi test giả thiết đó.
Tới đây hết phần 1. Ở phần 2 tiếp theo, ta sẽ nói chuyện mới, gồm con giáp thứ 4 ở Việt Nam và nguồn gốc 12 con giáp.
(còn tiếp)
__________
1. SANMU TANG (2012) , Chinese zodiac animals. ISBN: 978-1-60220-977-0.
2. LƯ VỸ AN (2017), Hệ thống lịch 12 con giáp của người Thổ Nhĩ Kỳ.
3. DAVID W. PANKENIER, Getting “Right” with Heaven and the Origins of Writing in China, in Writing and literacy in early China, ed Li Feng & David P. Branner. 2011. ISBN 978-0-295-99152-8.
4. HELMER ASLAKSEN (2006), The Mathematics of the Chinese Calendar.
5. VƯƠNG SUNG, Luận Hằng, mục 14. vật thế, Alfred Forke dịch tiếng Anh, in lần 1, năm1907.
6. AN CHI (2018), Từ thập nhi chi đến mười hai con giáp.
7. FRANÇOISE BOTTÉRO và CHRISTOPH HARBSMEIER. The Shuowen Jiezi dictionary and the human sciences in China, in Asia Major third series, vol. 21, No. 1, Star gazing, firephasing, and healing in China: Essays in honor of Nathan Sivin (2008), pp. 249-271.
8. JAN VIHAN (2012), Language, likeness, and the Han phenomenon of convergence. Doctoral dissertation, Harvard University.
9. Contes et légendes Annamites, ed Anthony Landes (1886).
10. NGUYỄN THỊ TÂM ANH, Hình tượng Chằn trong nghệ thuật điêu khắc các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở Nam bộ, Nghiên cứu tôn giáo, 05 (131), 2014.
11. Chinese Text Project (ctext.org).
12. https://www.rongmotamhon.net/tu-dien_han-viet_none_rong-mo-tam-hon.html
13. AKATSUKA KIYOSHI, The cosmological meaning of the ten Gan and twelve Zhi in Shang civilization, copyright © Society for the Study of Early China 1986.
14. JONATHAN M. SMITH, The “Di Zhi” 地支 as lunar phases and their coordination with the “Tian Gan” 天干 as ecliptic asterisms in a China before Anyang, Early China Vol. 33/34 (2010–2011).
15. NGUYỄN CUNG THÔNG, Thạch Sanh, Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp, Tạp chí Khoa học xã·hội Việt Nam – 2/2009.
16. PAUL SIDWELL (2015), A comprehensive phylogenetic analysis of the Austroasiatic languages. Diversity Linguistics: Retrospect and Prospect.
17. JOHN DUONG PHAN (2013), Lacquered words: the evolution of Vietnamese under Sinitic influences from the 1st century BCE through the 17th century CE.
18. ERIC W. HOLMAN et Al, Automated dating of the world’s language families based on lexical similarity, Current Anthropology Volume 52, Number 6, December 2011.
Nguồn: Tác giả cung cấp bài viết đến thanhdiavietnamhoc.com, 14/6/2022
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
__________
* ĐỖ NGỌC GIAO, tác giả sinh sống tại Việt Nam (trước năm 1975), làm việc tại Nhà máy Đường (sugar) Việt Nam, Nhật Bản, nay đã về hưu, ham thích nghiên cứu và có viết một số bài chuyên khảo như Bách Việt, Austro Asiatic, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, … Bài viết chuyên khảo “MƯỜI HAI CON GIÁP, nói hoài chưa hết (Phần 1)” do tác giả viết (ngày 14/6/2022) và gửi trực tiếp cho Ban Tu Thư – Viện Nghiên cứu Việt Nam học để đăng tải trên các trang web-Hybric do PGS.TS. Sử học Nguyễn Mạnh Hùng sáng lập.
Các bài viết khác của tác giả (Đỗ Ngọc Giao):
1. Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 1)
2. Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 2)
3. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1A)
4. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1B)
5. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2A)
6. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2B)
7. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3A)
8. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3B)
9. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3C)
10. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 4)
11. Phân tách chuyện Tấm Cám theo lý thuyết của Prop (A Proppian analysis of Tam Cam)
12. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần chót)
13. MƯỜI HAI CON GIÁP, nói hoài chưa hết (Phần 1)
Download file (PDF): MƯỜI HAI CON GIÁP, nói hoài chưa hết (Phần 1) – Tác giả: Đỗ Ngọc Giao |