Rằm tháng bảy, kể chuyện hiếu thảo
Tác giả bài viết: ĐỖ NGỌC GIAO
1. Giới thiệu
1.1. Lễ rằm tháng bảy
Wolfram Eberhard (1909–1989), học giả người Đức,1 cho rằng cúng rằm tháng bảy là một đặc trưng của văn hóa Thái ở miền nam xứ Tàu ngày xưa. Ông cắt nghĩa như sau.
— trích —
Cúng rằm tháng bảy có hai điều cần biết: (1) đó là một ngày lễ trăng rằm [của văn hóa Thái] nhưng không có liên quan chi tới những ngày lễ trăng rằm của người Yao, (2) lễ này xảy ra nửa năm sau lễ thượng ngươn ngày rằm tháng giêng nên còn gọi là lễ trung ngươn. Bởi vậy, hai ngày lễ này đều có xài lồng đèn. Thượng ngươn dành cho người sống; trung ngươn dành cho người mất, và xảy ra cùng ngày với hội vu lan của người theo đạo Phật, dành cho cô hồn (hungry spirits), nghĩa là ‘hồn nghèo khổ không có ai cúng quảy’2. Bên xứ Ấn người ta làm lễ này trên bờ sông mé rạch, thả xuống nước những cái ghe nhỏ xíu đựng đèn.
Dân gian [ở miền nam xứ Tàu] có người tin rằng vong hồn ông bà ngày đầu tháng bảy trở về nhà ở với con cháu cho tới rằm. Những ngày đó con cháu phải phụng dưỡng ‘ông bà’ y như ‘ông bà’ đang còn sống. Người ta cũng làm sẵn áo xống bằng giấy (đồ mã) để tới rằm thì đốt cúng cho kẻ chết. Đôi khi đốt giấy màu thôi cũng được. Có người coi lễ này là của đạo Phật và gọi thầy chùa tới cúng, còn phần đông thì coi là lễ cúng tổ tiên nhà mình. Đồ cúng thường thả xuống nước, gồm bánh tống hình chiếc gối (giống như bánh ú của người Việt), mà đàn bà cũng làm để biếu cho anh em bên nhà chổng [trong ngày này]. Thường thì người ta thả đèn lồng xuống sông để cúng thần sông hoặc giúp cô hồn mau đầu thai.
— hết trích —
Tục cúng rằm tháng bảy về sau lan sang xứ ta, tới ngày này thì ‘nhiều nhà mua vàng mã cúng gia tiên, các nhà có người mới mất cũng hay đốt mã làm chay’.3 Ngày nay, người bình dân xứ ta vẫn cúng rằm tháng bảy cho tổ tiên và cho kẻ chết nói chung, dù cách cúng thì chẳng giống hồi xưa nữa.
1.2. Đạo ‘hiếu’
Người ta hay gán lễ rằm tháng bảy với cái ý ‘báo hiếu’, song le, rằm tháng bảy trong văn hóa Thái và đạo ‘hiếu’ trong văn hóa Tàu là hai chuyện khác nhau. Cái ý ‘hiếu’ 孝 đã có từ thời đồ đồng hồi trào Châu, sau đó, Khổng Tử, cách nay khoảng 2500 năm, trong chương 2 cuốn Luận Ngữ, cắt nghĩa đạo hiếu bằng mấy cách, thí dụ như sau:
2.5. Hiếu là chẳng làm gì trái lễ: cha mẹ sống thì phụng sự cho hợp lễ, mất rồi thì tống táng cho hợp lễ, cúng tế cho hợp lễ.4
2.6. Hiếu là chẳng làm gì để cha mẹ phải lo, trừ ra chuyện [mình không may bị] ốm đau mà thôi.5
2.7. Hiếu chẳng phải là nuôi nấng cha mẹ mà không thờ kính, vì không thờ kính thì khác chi nuôi chó nuôi ngựa.5
Vậy ‘hiếu’, nói đại khái, là việc làm hàng ngày khi cha mẹ còn sống, chớ không phải mỗi năm một lần khi cha mẹ đã mất.
Song le, nói tới cũng phải nói lui, cái đạo ‘hiếu’ hiểu theo nghĩa như trên đã tạo nên đặc tánh ‘đàn ông làm chủ’ (patriarchal) của những xã hội Á Đông, làm cho ở đó người đàn bà bị chèn ép, một chuyện đáng tiếc mà tới thế kỷ hai mươi vẫn chưa dứt.6 Nói vậy là vì, cũng trong Luận Ngữ, Khổng Tử coi rẻ đàn bà như sau:
8.20. Võ vương [trào Châu] có mười ‘hiền thần’ nhưng trong số đó là một người đàn bà (vợ ổng) nên coi như có chín mà thôi.5
17.25. Ở trong nhà, tì thiếp (đàn bà) và tôi tớ (đàn ông hèn mọn) là hai hạng người khó cư xử. Gần gũi thì họ lờn mặt, xa cách thì họ oán trách.5
Nhưng đây không phải chủ đề bài này nên ta sẽ không bàn thêm, mong quý vị độc giả ở phái đẹp thông cảm!
2. Hiếu trong chuyện dân gian người Việt
Trong hệ thống phân loại ‘motif’ của Thompson (1885–1976), học giả người Mỹ,7 mà chúng tôi đã giới thiệu ở một bài khác,8 thì có vài ba motif liên quan tới đạo ‘hiếu’ (filial duty) như sau:
+ P236. bất hiếu
+ P236.1. Người cha trao hết gia sản cho con cái trước khi chết [rồi bị chúng nó ruồng rẫy]
+ Q65. Có hiếu được thưởng
Dưới đây là một câu chuyện dân gian, kể lại theo Landes (1850–1893), học giả người Pháp ở Việt Nam.9
Ai mua cha không?
Père à vendre
Ông già nhà giàu kia có đứa con gái rượu lấy chồng đẻ được thằng con. Bữa nọ ổng qua nhà rể chơi, ngồi nói chuyện với ông sui, chờ dưới bếp nấu cơm. Cơm chín, thằng cháu lên chỗ hai ông ngồi, nói:
‘Mời ông nội ăn cơm.’
Bà nội nó rầy:
‘Con mời ông nội với ông ngoại ăn cơm chớ.’
Thằng nhỏ nói:
‘Ba biểu con đi mời ông nội thôi.’
Ông kia thấy vậy bực mình, về nhà biểu vợ:
‘Thôi má nó ở nhà, tui đi kiếm con trai đây; con gái có cũng như không, thằng rể nó coi tui chẳng ra giống gì.’
Bà vợ tưởng chồng muốn kiếm vợ khác đặng đẻ con trai, nên bả biểu đừng, nhưng chồng không nghe; ổng để lại hết của cải trong nhà cho vợ rồi lên đường.
Ra khỏi nhà một đỗi khá xa, ổng đi hết làng trên tới chợ dưới, miệng rao ong óng:
‘Có ai muốn mua tui làm cha hôn?’
Nghe ổng rao, họ nói xán xả:
‘Mua ông làm cha? Ai mua cái thây về chôn!(a) Mua ông làm đầy tớ cũng chưa đáng!’
Ai nói chi thây kệ, ông già vẫn rao là ổng bán ổng.
Có hai vợ chồng kia, nhà nghèo, nghe ổng rao thì bàn với nhau:
‘Mình chẳng còn cha mẹ, đây có người bán ổng làm cha, vậy mình coi ổng muốn bán bao nhiêu, nếu có đủ thì mình mua ổng.’
Họ mời ông già vô nhà, hỏi:
‘Ông muốn bán ông bao nhiêu?’
Ổng nói năm quan. Hai người kia không có đủ tiền, nên anh chồng nói chị vợ đi mượn năm quan về đưa ông già.
Từ hôm đó ông già ở với hai vợ chồng kia, họ lo cho ổng như là cha ruột của mình. Họ còn dạy hai đứa con kiến ổng như là ông nội của tụi nó. Phần ông già thì tối ngày ăn rồi ngủ, chẳng làm gì động móng tay. Hai vợ chồng chịu cực làm lụng nuôi cha nuôi con, mà tiền công ít xịt, họ đành để một đứa con đi ở đợ. Họ biểu ông già:
‘Nhà túng ngặt, tụi con cho một đứa đi ở đợ.’
Ổng nói:
‘Mấy con muốn làm chi thì làm.’
Ông già vẫn đang giữ năm quan tiền mà hai vợ chồng kia đưa, ổng gói lại, tối ngủ kê đầu làm gối, làm như không muốn xài tới.
Hết đứa con thứ nhứt đi ở đợ, tới đưa thứ nhì, rồi tiền cũng thiếu, anh chồng biểu chị vợ:
‘Thôi mình ở nhà coi cha, tui đi ở đợ.’
Họ nói cho ông già biết, ổng làm thinh.
Ông già ở với đôi vợ chồng nghèo hơn hai năm trời, tới chừng đó họ chẳng còn gì để đợ. Ổng mới biểu con dâu (b) đưa ổng tới nơi mà chồng nó ở đợ. Tới đó, ổng xin họ cho con trai về nhà mấy bữa có công chuyện. Họ chịu. Ông già biểu hai vợ chồng:
‘Sáng mai mấy con nấu cơm, rồi dắt hai đứa nhỏ đi theo cha.’
Hôm sau cả nhà lên đường, ông già mang theo năm quan tiền. Ổng lẳng lặng dắt họ đi thẳng về nhà của ổng. Tới nhà, ổng kêu vợ:
‘Tui kiếm được con trai với con dâu đem về đây rồi nè, má nó ra nhận đi.’
Rồi ổng móc năm quan tiền đặt vô tay vợ. Ban đầu bả chẳng hiểu ất giáp gì, tới hồi ổng nghỉ mệt xong kể lại đầu đuôi câu chuyện thì bả mới biết. Bả mừng rỡ nhận họ làm con trai, con dâu, cháu nội, rồi giao hết nhà cho họ. Anh chồng đi đóng tiền chuộc lại mình và hai đứa con, rồi hai vợ chồng nhận hai ông bà già làm cha mẹ và chăm lo cho họ tới già.
Ghi chú của Landes:
(a) Người bổn xứ phần đông đều coi ‘bổn phận làm con’, theo đạo hiếu, như một cái gánh nặng, nhứt là những việc như ma chay cúng quảy. Bởi vậy ta dễ hiểu vì sao họ không muốn làm bổn phận đó cho người dưng. ‘Ai mua cái thây về chôn!’ họ nói thẳng ra như vậy. Câu chuyện này ‘biện hộ’ cho hai điều hiếm thấy nơi người An Nam: lòng thương người (sentiments de charité) và bụng vô tư, không toan tính (simplicité de coeur).
(b) ‘Con dâu’ trên danh nghĩa.
Nhận xét
Ai mua cha không? thực ra không phải là motif Q65 ‘có hiếu được thưởng’, mà ta có thể đặt thêm một motif mới, thí dụ Q65.1 ‘đạo hiếu Á Đông’, cho chuyện đó vô.
___________
1. Wolfram Eberhard, The local cultures of South and East China, trans Alide Eberhard (1968), chain 17 ‘the three-legged turtle’.
2. Huình Tịnh Paulus Của (1895) Đại Nam quấc âm tự vị.
3.Phan Kế Bính (1915) Viêt Nam phong tục.
4. Luận Ngữ, trans Nguyễn Hiến Lê (trước 1975).
5. Sayings of Confucius, trans D.C.Lau 劉殿爵 (1979).
6. Lauren J. Littlejohn (2017) Confucianism: How Analects promoted patriarchy and influenced the subordination of women in East Asia, Young Historians Conference 9, Portland State University.
7. Stith Thompson (1955) Motif-index of folk literature.
8. Đỗ Ngọc Giao (2021) Rồng – từ biển Đen tới đất Việt, https://thanhdiavietnamhoc.com/rong-tu-bien-den-toi-dat-viet/
9.Contes et légendes Annamites, trans Antony Landes (1886).
Nguồn: Tác giả gửi bài viết đến https://thanhdiavietnamhoc.com
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Rằm tháng bảy, kể chuyện hiếu thảo (Tác giả: Đỗ Ngọc Giao) |
Các bài viết khác của tác giả (Đỗ Ngọc Giao):
1. Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 1)
2. Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 2)
3. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1A)
4. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1B)
5. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2A)
6. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2B)
7. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3A)
8. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3B)
9. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3C)
10. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 4)
11. Phân tách chuyện Tấm Cám theo lý thuyết của Prop (A Proppian analysis of Tam Cam)
12. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần chót)
13. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 1)
14. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 2)
15. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 3)
16. Nguồn gốc người Việt (Bài 1)